Tính Chất của Cái Đẹp trong Nghệ Thuật là gì?

Con người bao giờ cũng sáng tạo theo quy luật của cái đẹp. Nghĩa là khi làm ra bất kỳ sản phẩm nào, trong đó có các tác phẩm nghệ thuật, ngoài những mục đích thiết thực khác.

Người ta luôn luôn nghĩ cách làm sao cho nó vừa mắt, dễ coi. Cái đẹp mắt, dễ coi đó cũng là một phần của một cái đẹp. Ở đây, có thể nảy ra câu hỏi: nếu cái đẹp phổ biến như vậy, không chỉ có trong nghệ thuật mà còn có cả trong rất nhiều hoạt động khác nữa của con người, thì đặc điểm của cái đẹp trong nghệ thuật nằm ở đâu?

Phải chăng cái đẹp của bức tranh cũng giống như vẻ đẹp của phong cảnh được vẽ? Phải chăng, cái đẹp của bài thơ cũng giống như vẻ đẹp của ngôi nhà hay của bộ ghế mây xuất khẩu? Không hẳn như vậy.

Cái đẹp của tác phẩm nghệ thuật có nhiều điểm khác với cái đẹp của thiên nhiên, cũng như cái đẹp của các sản phẩm khác do bàn tay con người tạo ra. Trước hết, nếu chỉ xét về phương diện thẩm mỹ của tác phẩm nghệ thuật là những công trình phức tạp, tinh vi nhất.

Hãy thử so sánh màu sắc chiếc lọ hoa bằng gốm Đồng Nai với màu sắc trên bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” của Tô Ngọc Vân mà xem. Trong trường hợp này, chúng ta gặp sự phối trí hài hòa giữa các màu tự nhiên, để tạo ra cảm giác ưa nhìn và dễ chịu.

Trong trường hợp kia, chúng ta đứng trước sự tìm tòi thực sự về màu sắc, về những khả năng kết hợp của nó, về hiệu quả sáng hoặc tối, dày hoặc mỏng, ấm hay lạnh, cứng hay mềm của màu. Ở đây, toàn bộ bức tranh toát ra một sắc độ nhẹ nhàng, mềm mại.

Cả một mảng màu đơn giản của chiếc áo dài buông xuống duyên dáng như tương phản, làm tôn lên những chi tiết phong phú và màu sắc tươi tắn của lọ hoa huệ, gây nên ấn tượng sâu sắc về một phong cách nghệ thuật đậm đà truyền thống dân tộc, nhưng đồng thời cũng rất mới mẻ và hiện đại.

Trong âm nhạc cũng vậy. So với vẻ đẹp của âm thanh tự nhiên, vẻ đẹp của tác phẩm nhạc phức tạp hơn nhiều. Từ nhịp đi của bước chân con người, từ nhịp đập của trái tim, nhịp thời gian thay đổi bốn mùa, những tiết tấu tự nhiên đã đi vào âm nhạc.

Trở thành đủ loại nhịp khác nhau (nhịp 2/4, 3/4, 4/4, 6/8, …) thành các kiểu tiết tấu biến hóa vô cùng đa dạng (hành khúc, valse, tango, bolero, …).

Tác phẩm âm nhạc đặc biệt là tác phẩm giao hưởng, nhạc có chương trình, là một bằng chứng thuyết phục, nói lên tính chất phức tạp, tinh vi của cái đẹp trong nghệ thuật, nói lên khả năng sáng tạo vô biên của con người.

Thơ ca cũng là một lĩnh vực của lời nói. Nhà thơ không sử dụng những từ ngữ nào khác hơn là những từ ngữ trong vốn từ vựng chung, trong ngôn ngữ dân tộc, trong tiếng nói hàng ngày. Những từ lời nói hàng ngày, đến lời thơ thì đó là cả một khoảng cách lớn.

Câu thơ cũng là lời nói, nhưng là một kiểu lời nói đặc biệt được tổ chức theo những quy luật của nghệ thuật, và của thẩm mỹ. Bởi vậy, vẻ đẹp của lời thơ là vẻ đẹp của vàng đã tinh luyện, của ngọc đã mài, của nước nho dã chưng cất thành rượu.

Điều đó giải thích, vì sao tuy cũng là những lời nhắn gửi bộc bạch tâm tình, mà những câu ca dao như: “Núi cao chi lắm núi ơi. Núi che mặt trời không thấy người thương” hay “Chàng ơi cho thiếp đi cùng. Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam”.

Bất chấp thời gian vẫn sống trong ký ức nhân dân, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Song, dù cả khi trau chuốt, óng ả, cân đối, nhịp nhàng hay khi trần trụi, đa dạng như chính bản thân cuộc sống, câu thơ lúc nào cũng giữ một khoảng cách nhất định, với lời nói bình thường.

Lời nói hàng ngày cũng có vẻ đẹp riêng của nó. Những câu thơ hay hơn, đẹp hơn, cái đẹp của nó và của ngôn ngữ trong nghệ thuật nói chung tinh vi, phức tạp hơn vẻ đẹp của mọi lời nói khác. Dù đó là lời nói thường hay lời nói khoa học, báo chí, chính luận,…

Một đặc điểm quan trọng khác của cái đẹp trong nghệ thuật, là tính biểu cảm, sức truyền cảm của nó. Nói một cách đơn giản, cái đẹp của tác phẩm nghệ thuật, bao giờ cũng có hồn, chứa đựng một tư tưởng, tình cảm nào đó.

Ngắm một bông hoa rực rỡ sắc hương, hay đứng trước dòng sông xanh in bóng những hàng dừa, chúng ta đều thấy có một cảm giác dễ chịu, vui tươi. Cái đẹp của sự hài hòa của sự sống tiềm ẩn trong cảnh vật, đã mang lại cho con người khoái cảm thẩm mỹ.

Nhưng bản thân cái đẹp của màu sắc và âm thanh tự nhiên, của phong cảnh vẫn là cái đẹp của thế giới vô cơ, tự chúng không chứa đựng một nội dung nào cả, cái đẹp loại này mang tính chất trung tính.

Bởi vậy, nó phụ thuộc rất nhiều vào tâm trạng của con người thưởng thức. Những nội dung tình cảm khác nhau, cái hồn của các hiện tượng thẩm mỹ trong tự nhiên là do người ta gắn vào, thổi vào sự vật.

Trong nghệ thuật không phải như vậy. Chúng ta hãy quan sát bức tranh họa “Chơi ô ăn quan” của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh. Sắc độ màu nâu trong tác phẩm thật mềm mại, có sức hấp dẫn thẩm mỹ độc đáo.

Nhưng rõ ràng ở đây, màu sắc không nhằm mục đích tự thân. Nó truyền đạt một cảm giác dịu dàng, đằm thắm về làng quê.

Vẻ đẹp mượt mà của màu nâu, và hòa sắc trung vào bức tranh, làm cho toàn bộ khung cảnh được miêu tả bỗng như chìm trong kỷ niệm, như lùi ra xa, hiện lên như một mảng của hồi ức, của tuổi thơ, của tình yêu quê hương, dân tộc sâu kín đậm đà.

Cái đẹp trong nghệ thuật bao giờ cũng gắn liền với tình cảm, hay một tư tưởng nào đó. Bởi vì đây là cái đẹp nhân đạo, cái đẹp do nghệ sĩ tạo nên, để ghi lại cái đẹp trong đời, để diễn đạt cảm xúc thẩm mỹ đang dâng lên trong lòng mình, hoặc để mượn nó, thông qua nó mà gửi đến người khác những điều mình đang nung nấu, yêu thương, hay đau khổ.

Cũng chính ở đây, cái đẹp của tác phẩm nghệ thuật phân biệt với cái đẹp của những sản phẩm khác do con người làm ra. Như ta biết, các sản phẩm này cũng được sáng tạo theo quy luật của cái đẹp.

Nhưng vẻ đẹp của một bộ ấm chén chẵng hạn, không thể gợi ra những rung động xấu xa, những tình cảm mãnh liệt như bức họa Guernica của Picasso được.

Khi làm bộ ấm chén, bộ bàn ghế đẹp, khi cất những bộ quần áo hợp thời trang, dĩ nhiên người thợ cũng để lại trên những tác phẩm ấy, dấu ấn của tài năng, thị hiếu thẩm mỹ của mình.

Song, khó mà có thể nói rằng họ đã gửi gắm vào đấy niềm vui hay nỗi buồn gì, khó có thể biết họ làm các tác phẩm ấy để nói lên cái gì, bênh vực ai, chống lại ai.

Cả nghệ sĩ và người thợ thủ công cũng đều mang lại cái đẹp cho cuộc đời. Nhưng ngoài cái chung đó ra, mỗi người phải theo đuổi mục đích riêng của mình. Và sự khác nhau đó, đã tác động trở lại sự giống nhau, làm cho cái đẹp giữa bức tranh và chiếc lọ gốm, vốn cùng tuân theo quy luật chung của sự hài hòa, lại có thêm những nét riêng biệt.

Vấn đề tính truyền cảm của cái đẹp liên quan trực tiếp, tới đặc điểm của các phương tiện hình thức trong tác phẩm nghệ thuật. Khi nghệ sĩ diễn tả trên trang giấy, trên khung vải, trên tường, trên sân khấu hay trên màn ảnh những điều mình muốn nói ra, thì khi đó các yếu tố hình thức phải đóng vai trò là những phương tiện truyền đạt nội dung tình cảm ấy.

Các phương tiện này, không chứa đựng nội dung theo kiểu vỏ chai dùng để đựng nước, mà chính là những hình thức, những con đường mà qua đó, nghệ sĩ vật chất hóa được những điều mình rung động, suy nghĩ và cũng nhờ đó mà người đọc, người xem, người nghe biết được, hiểu được những gì nghệ sĩ nung nấu, muốn thổ lộ.

Bởi vậy, phẩm chất cơ bản của các yếu tố hình thức là ở chỗ, chúng diễn đạt thành công đến mức nào, điều mà nghệ sĩ cần nói với công chúng, với người đọc, người xem.

Mối quan hệ giữa nội dung và hình thức kiểu theo nghĩa đó, làm cho cái đẹp của các phương tiện có thêm đặc điểm mới. Ở đây, cái đẹp không phải chỉ là sự hài hòa bình thường, mà là hài hòa mang đầy sắc thái biểu cảm.

Cái đẹp gắn bó chặt chẽ với sức truyền cảm của nghệ thuật. Từ đây, chúng ta hiểu vì sao tiếng đàn bầu chẵng hạn, lại có thể gây ra những ấn tượng thẩm mỹ mạnh mẽ đối với cả thính giả phương Đông và phương Tây.

Cái hay của đàn bầu không phải chỉ ở sự hài hòa âm thanh độc đáo, mà là còn ở chỗ vẻ đẹp của âm thanh quyện chặt với chất tình cảm thiết tha của tiếng đàn.

Có lẽ đàn bầu cũng là một trong những nhạc cụ mà khi chơi, người ta có khả năng chuyển trực tiếp những rung động của mình lên tiếng đàn nhiều nhất.

Cấu tạo và cách chơi đàn bầu cho phép sử dụng và phát huy đến mức tối đa hiệu quả của lối nhấn, láy, vuốt, và sự tiếp xúc trực tiếp của ngón tay, bàn tay lên các bộ phận rung của dây đàn, làm cho sắc thái tình cảm của tiếng đàn trở nên hết sức tinh tế.

Tóm lại, cái đẹp trong nghệ thuật cũng như mọi cái đẹp khác trong đời, nhưng lại không hoàn toàn giống với chúng. Bông hoa trong tranh không phải là bông hoa ngoài vườn. Vẻ đẹp của bông hoa trong vường cũng không giống bức tranh đẹp vẽ bông hoa.

Cái đẹp của tác phẩm nghệ thuật lại cũng khác với cái đẹp của các sản phẩm, các công trình do bàn tay con người tạo nên. Có giống chăng thì nhiều nhất, có lẽ vẫn là cái đẹp của nghệ thuật với cái đẹp của chính con người.

Bởi vì tác phẩm nghệ thuật cũng là một cơ thể sống, mang hơi thở linh hồn của con người và bản thân nó cũng sinh động, toàn vẹn như con người vậy.

Lê Ngọc Trà
Lâm Vinh
Huỳnh Như Phương


Bạn đang xem bài viết:
Tính Chất của Cái Đẹp trong Nghệ Thuật là gì?
Link https://myhocdaicuong.com/dai-cuong/tinh-chat-cua-cai-dep-trong-nghe-thuat-la-gi.html
#tinhchat #nghethuat #caidep #myhocdaicuong


Nội dung tìm kiếm khác: Bản chất của cái đẹp; Bản chất của nghệ thuật; Biểu hiện của cái đẹp; Cái đẹp của nghệ thuật là gì; Cái đẹp trong nghệ thuật hiện đại; Cái đẹp trong nghệ thuật bắt nguồn từ đời sống; Cái đẹp trong nghệ thuật dưới góc nhìn mỹ học; Cái đẹp trong xã hội; Giá trị nghệ thuật là gì; Khái niệm nghệ thuật.

Nội dung tìm kiếm khác: Nghệ thuật nghĩa là gì; Nghệ thuật là gì; Nghĩa của từ nghệ thuật; Quan niệm nghệ thuật là gì; Quan niệm về cái đẹp là gì; Quan niệm về cái đẹp trong lịch sử mỹ học; Quan niệm về cái đẹp trong mỹ học; Thuộc tính của cái đẹp; Ví dụ cái đẹp trong xã hội; Ví dụ về cái đẹp trong nghệ thuật; Ví dụ về cái đẹp trong xã hội; Ý nghĩa của nghệ thuật.

Tiêu đề bài viết: Tính Chất của Cái Đẹp trong Nghệ Thuật là gì?
Chuyên mục: Mỹ Học Đại Cương
Ngày đăng: February 14, 2024
Tác giả:
Lượt xem: 209 views
Website: https://myhocdaicuong.com
Link bài viết: https://myhocdaicuong.com/dai-cuong/tinh-chat-cua-cai-dep-trong-nghe-thuat-la-gi.html