Cảm Xúc Thẩm Mỹ là gì?

Cảm xúc thẩm mỹ là trạng thái xúc động trực tiếp nảy sinh khi con người tri giác các khách thể thẩm mỹ: thiên nhiên, con người, các sản phẩm lao động, các công trình nghệ thuật.

Cảm xúc thẩm mỹ có thể là niềm hân hoan, vui sướng, thích thú trước cái đẹp, là nỗi đau xót, mến phục, thương tiếc trước cái bi, là niềm cảm phục, tôn kính trước cái cao cả,… Đó là dấu hiệu thường trực xác nhận sự có mặt của quan hệ thẩm mỹ, là biểu thị đầu tiên của ý thức thẩm mỹ trước thế giới.

Đồng thời, cảm xúc thẩm mỹ cũng là bằng chứng nói lên khả năng cảm thụ thẩm mỹ của con người, trước các hiện tượng thẩm mỹ trong thiên nhiên, xã hội và đời sống tâm linh, là bằng chứng xác nhận rằng con người không tật nguyền về cảm quan trước cái đẹp.

Qua cảm xúc thẩm mỹ, con người khám phá ra vẻ đẹp của thế giới và của chính mình, đồng thời bước đầu nhân hóa thế giới và nhân hóa chính mình. Khởi nguyên của cảm xúc thẩm mỹ là một phần kích thích mà đối tượng gây ra cho chủ thể.

Đối tượng thẩm mỹ tác động đến chủ thể, sẽ tạo ra sự tiếp nhận, phản ứng về mặt tình cảm với hai khả năng tích cực hoặc tiêu cực. Lúc cảm xúc thẩm mỹ xuất hiện cũng là lúc đối tượng không còn là sự – vật – tự – nó mà trở thành sự – vật – cho – ta và ý thức trở thành ý – thức – về.

Không có nguồn kích thích của đối tượng thì tất nhiên không có cảm xúc thẩm mỹ, nhưng nếu không có ý tưởng của tinh thần về phía đối tượng, thì cũng không thể có cảm xúc thẩm mỹ.

Như vậy cảm xúc thẩm mỹ không chỉ đơn giản do các khách thể tương ứng sinh ra, mà là kết quả sự nhập cảm của ý thức chủ thể vào đối tượng. Ý thức thẩm mỹ dường như thâm nhập vào các đối tượng này, bộc lộ và phân phát bản chất người của nó vào toàn bộ cấu trúc của đối tượng bằng một sự thấm dẫm sâu sắc.

Nói cảm xúc thẩm mỹ biến thế giới tự nó thành thế giới cho ta là vì vậy. Vấn đề, khả năng nhận cảm của con người là nội dung của lý thuyết mỹ học – tâm lý học với các nhà tư tưởng có tên tuổi như Fisher, Lipps,…

Các nhà mỹ học này cho rằng, sự nhập cảm là cơ sở của cảm xúc thẩm mỹ. Theo Fisher, nhà mỹ học người Đức, sự nhập cảm chính là mối quan hệ giữa cảm xúc nội tại với sự tri giác hình thức bên ngoài, là sự phản chiếu của tình cảm trên những hình tượng được chủ thể tiếp nhận.

Fisher còn đầy ý tưởng đó đi xa hơn, đến chỗ cho rằng bản chất của đối tượng được tiếp nhận chính là kết quả của sự di chuyển trạng thái tình cảm của chủ thể đến đối tượng. Như vậy, thiên nhiên là tự nó không vui không buồn, chỉ có con người đem cái buồn của mình mà trải lên cảnh vật.

Về phương diện tâm lý học, Lipps nhà tư tưởng người Đức, xác định mối quan hệ giữa cảm xúc thẩm mỹ, với cơ chế cảm xúc của tâm lý con người và khẳng định rằng con người chỉ nhận ra được các giá trị thẩm mỹ, trong những hình tượng cảm tính phản ánh chính bản thân mình, một sự phản ánh trực tiếp và năng động của chủ thể.

Theo Lipps sự nhận cảm chính là một tình cảm tự thân, được đối tượng hóa. Trong sách “Tâm Lý Văn Nghệ”, Chu Quang Tiềm đã gọi đây là thuyết “Di Tình Tác Dụng” hay là “Vật Ngã Đồng Nhất”. Sự kích thích của đối tượng làm nảy sinh ra cảm xúc thẩm mỹ hoàn toàn khác với sự kích thích có tính chất sinh lý.

Cảm xúc thẩm mỹ là nỗi xúc động và niềm vui tinh thần, hoàn toàn khác với sự thỏa mãn của con người khi đang lạnh mà được sưởi ấm, đang đói mà được cho ăn no. Bản chất của cảm xúc thẩm mỹ là sự tổng hòa những yếu tố tinh thần bao gồm tình cảm, nhận thức, cả truyền thống văn hóa mà một con người tiếp thu được.

Sự rung cảm của con người trước những ấn tượng thẩm mỹ, nhận được là một điều kiện không thể thiếu trong sáng tạo, và thưởng ngoạn nghệ thuật. Nếu không có cảm xúc, người sáng tác sẽ sản sinh ra những tác phẩm nghèo nàn, mất máu, thiếu sức sống.

Nguyên lý này phù hợp không chỉ với các thể loại trữ tình, vốn bộc lộ tâm trạng con người, mà còn với tất cả các loại hình nghệ thuật và thể thoại văn học. Về phía người thưởng thức, và phê bình nghệ thuật, cảm xúc thẩm mỹ cũng là một yếu tố tiên quyết để nắm bắt giá trị đích thực của tác phẩm.

Ở đây, các khái niệm lý luận, kiến thức khoa học, … rất cần thiết để cảm thụ nghệ thuật, nhưng nhiều khi không đủ để tiếp cận cái hay, cái độc đáo của tác phẩm. Năng khiếu của nhà phê bình gắn liền với sự trực cảm, với những ấn tượng tươi mới, những rung động xuất phát từ đáy sâu tâm hồn.

Chúng ta hiểu vì sao cho đến nay “Thi Nhân Việt Nam” của Hoài Thanh vẫn được xem là công trình phê bình xuất sắc nhất về phong trào Thơ Mới năm 1932 – 1945. Tuy nhiên, theo A Bullough, nhà Mỹ Học người Anh, cảm xúc thẩm mỹ còn phụ thuộc vào một yếu tố quan trọng mà ông gọi là khoảng cách tâm lý (distance psychologique).

Một mặt, nếu giữa chủ thể thẩm mỹ và đối tượng thẩm mỹ có một khoảng cách quá xa, thì chủ thể không thể lĩnh hội được giá trị thẩm mỹ của đối tượng, và không thể nào có thái độ cộng hưởng với cái đẹp.

Đó chính là trường hợp chủ thể, đứng ngoài đời sống thẩm mỹ của đối tượng, trở thành người bàng quan, dửng dưng không cảm xúc. Mặt khác, nếu giữa chủ thể và đối tượng có một khoảng cách quá gần, thì dễ nảy sinh ra một động cơ thưởng ngoạn có tính chất thực dụng.

Hậu quả của tình trạng này là sự đồng nhất đối tượng thẩm mỹ, với hiện thực, dẫn đến lối phê bình theo xã hội học dung tục, đối chiếu nội dung nghệ thuật với thế giới thực tại, đồng nhất nguyên mẫu với nhân vật, ngôn ngữ văn chương với ngôn ngữ toàn dân, thời gian nghệ thuật với thời gian vật lý.

Trong nghệ thuật, khoảng cách tâm lý gắn liền với việc tổ chức tác phẩm, sao cho chủ thể tiếp nhận không có ảo tưởng về tính hiện thực của nó, mà luôn luôn ý thức về tính ước lệ của sự sáng tạo. Chẳng hạn, trong hội họa, luật phối cảnh cho phép thể hiện không gian ba chiều của đối tượng lên mặt tranh, đồng thời giới hạn bức tranh trong cái khung để tách nó ra khỏi không gian hiện thực.

Trong sân khấu, nhà đạo diễn, tác giả kịch bản, các diễn viên, người hóa trang, một mặt tạo cho khán giả ấn tượng về một thế giới giống như thật, đang diễn ra trước mắt mình, mặt khác lại phá hủy thế giới đó thông qua những phương tiện như mặt nạ, cảnh trí, ánh sáng,…

Với kịch tự sự biện chứng của B Brecht nhà viết kịch người Đức, thì vai trò của khoảng cách tâm lý này càng được nhấn mạnh rằng thủ pháp lạ hóa, nhằm đánh thức khán giả để họ tỉnh táo suy xét các hiện tượng đang xảy ra trước mắt, và giữ một khoảng cách cần thiết mà nhận định và phê phán, các diễn biến của vở kịch thay vì rơi vào ảo tưởng về sự đồng nhất giữa sân khấu và cuộc đời.

Nói theo, L Feuerbach là một triết gia người Đức, nghệ thuật không bao giờ đòi hỏi phải thừa nhận nó như là hiện thực. Vì vậy, khoảng cách tâm lý là một điều kiện cần thiết để làm cho tác phẩm trở thành đối tượng của sự suy ngẫm, chiêm nghiệm, và cho phép chúng ta đánh giá sự tái hiện nghệ thuật đối với thế giới cũng như tính cách của các nhân vật, và quan niệm nghệ thuật của các tác giả.

Đồng thời, một khoảng cách tâm lý thích ứng cũng sẽ tạo nên hiệu quả của việc đồng sáng tạo của công chúng, đối với tác phẩm nghệ thuật, làm cho họ có khả năng tiếp nhận tác phẩm từ cấu trúc bên trong và đưa tác phẩm vận hành vào trong đời sống. Theo ý nghĩa đó, việc xem nhẹ vấn đề khoảng cách tâm lý trong bất kỳ trường hợp nào, cũng đều có hại cho nghệ thuật.

Với tư cách là thành tố cơ bản của ý thức thẩm mỹ, cảm xúc thẩm mỹ có quan hệ mật thiết với năng lực trực quan của con người. Nếu cảm xúc thẩm mỹ là dấu hiệu về sự giao tiếp của chủ thể với đối tượng, thì điểm xuất phát của sự giao tiếp đó chính là cái nhìn có tính chất trực quan của chủ thể.

Điều này vô cùng quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật, bởi vì nếu cái nhìn trực quan này mà chính xác, thì người nghệ sĩ mới có cơ may đạt đến sự phong phú, và chân thực của hình tượng nghệ thuật. Nhà danh họa Matisse từng nói: “Đối với người nghệ sĩ, thì sự sáng tạo bắt đầu từ cái nhìn. Nhìn chính là một hành động sáng tạo đòi hỏi sự căng thẳng của tư duy”.

Trực quan thẩm mỹ còn có ý nghĩa như một hình thức độc lập của hoạt động thẩm mỹ tinh thần. Hình thức này đặc biệt phát triển trong nền văn hóa và nghệ thuật các nước phương Đông, nơi mà những yếu tố duy lý có vai trò rất mờ nhạt trong sáng tạo nghệ thuật.

Chúng ta không mấy khó khăn để nhận ra điều đó, qua tranh thủy mạc của Trung Quốc, thơ Thiền thời Lý Trần, thơ Tagore, tiểu thuyết Kawabata, … Nảy sinh trong quá trình khám phá thẩm mỹ đối với thế giới và con người, cảm xúc thẩm mỹ đã tác động tích cực đến sự hình thành những đặc điểm của con người phát triển toàn diện và hài hòa.

Cảm xúc thẩm mỹ góp phần quan trọng vào việc điều tiết các chức năng tâm lý, và sinh lý của con người, giúp con người được thanh lọc về mặt tình cảm, đạo đức, và tâm linh để vươn tới đỉnh cao về nhân cách.

Vì vậy, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành cảm xúc thẩm mỹ tích cực và năng lực trực quan thẩm mỹ nhạy bén ở con người là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của văn hóa thẩm mỹ. Điều này có ý nghĩa đặc biệt thời sự trong hoàn cảnh nhân loại đang đứng trước nguy cơ, của sự tàn phá môi trường sinh thái như hiện nay.

Lê Ngọc Trà
Lâm Vinh
Huỳnh Như Phương


Bạn đang xem bài viết:
Cảm Xúc Thẩm Mỹ là gì?
Link https://myhocdaicuong.com/dai-cuong/cam-xuc-tham-my-la-gi.html


Nội dung tìm kiếm khác: 5 loại cảm xúc cơ bản; 6 loại cảm xúc cơ bản; 7 trạng thái cảm xúc của con người; Bản chất của cái đẹp; Các loại cảm xúc tích cực; Các loại cảm xúc tiêu cực; Đối tượng nghiên cứu của mỹ học; Đời sống thẩm mỹ là gì; Giá trị thẩm mỹ trong văn học; Giải thích khái niệm kinh nghiệm mỹ cảm; Hình tượng thẩm mỹ là gì; Khái niệm kinh nghiệm mỹ cảm.

Nội dung tìm kiếm khác: Khái niệm thẩm mỹ là gì; Nghệ thuật trong mỹ học đại cương; Phạm trù cái đẹp trong mỹ học; Quan niệm thẩm mĩ trong văn học; Tất cả các loại cảm xúc; Tính chất cảm tính của quan hệ thẩm mỹ; Tính thẩm mỹ là gì; Tính thẩm mỹ trong văn học; Vai trò của cảm xúc thẩm mỹ đối với con người; Vai trò của cảm xúc thẩm mỹ trong sáng tạo nghệ thuật; Ví dụ về cảm xúc thẩm mỹ; Ví dụ về thị hiếu thẩm mỹ.

Tiêu đề bài viết: Cảm Xúc Thẩm Mỹ là gì?
Chuyên mục: Mỹ Học Đại Cương
Ngày đăng: February 14, 2024
Tác giả:
Lượt xem: 464 views
Website: https://myhocdaicuong.com
Link bài viết: https://myhocdaicuong.com/dai-cuong/cam-xuc-tham-my-la-gi.html