Các Phạm Trù Thẩm Mỹ về Cái Đẹp là gì?

Phạm trù thẩm mỹ là khái niệm thể hiện nhận thức khái quát của con người, về những hiện tượng thẩm mỹ trong tự nhiên, và trong xã hội, ở con người và trong nghệ thuật.

Phạm trù rộng nhất là phạm trù cái thẩm mỹ được xác định trong sự tồn tại cụ thể của các phạm trù hẹp hơn như: cái đẹp, cái bi, cái hài, cái cao cả, …

Theo ý nghĩa đó, cái thẩm mỹ là phạm trù chung nhất, khái quát nhất bao gồm cả các phạm trù thẩm mỹ phổ biến (cái đẹp, cái cao cả), tồn tại trong thiên nhiên, trong sản phẩm lao động ở con người và trong nghệ thuật, cũng như các phạm trù thẩm mỹ chỉ đặc trưng cho nghệ thuật (cái bi, cái hài, …).

Hệ thống và số lượng các phạm trù thẩm mỹ cho đến nay vẫn là vấn đề chưa được nghiên cứu đầy đủ, và còn đang tranh cãi.

Bên cạnh một số phạm trù đã được thừa nhận rộng rãi từ lâu, như cái đẹp, cái cao cả, cái bi, cái hài, các phạm trù khác như: cái thẩm mỹ, cái anh hùng, cái toàn vẹn, cái hài hòa, … cũng đang được khảo sát và đi dần vào các sách giáo khoa mỹ học. Dưới đây, chúng ta chỉ dừng lại ở một số phạm trù chính.

Phạm trù thẩm mỹ cái đẹp là gì?

Cái đẹp là phạm trù trung tâm của mỹ học. Vị trí đó, không phải do các nhà lý luận xác lập, mà do chính vai trò của cái đẹp trong đời sống quy định. Điều đó, cũng có nghĩa rằng cái đẹp trước hết, chính là những đặc tính của thế giới tồn tại trong thiên nhiên, trong xã hội, trong sản xuất vật chất và tinh thần, trong nghệ thuật, …

Phạm trù cái đẹp bắt nguồn từ hiện thực, có cơ sở khách quan trong đời sống, nhưng đồng thời nó cũng là một hình thức khái quát của tư duy, thể hiện nhận thức của con người về loại đặc tính thẩm mỹ này của các sự vật hiện tượng.

Nhận thức này bao gồm nhiều mặt. Nhưng thông thường nó bắt đầu bằng việc trả lời câu hỏi: Cái Đẹp là gì? Từ những quan sát bình thường chỉ ra xem cái gì đẹp, cái gì xấu, đến chỗ rút ra xem cái đẹp là gì, nhận thức con người phải trải qua một chặng đường dài, từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ cụ thể đến khái quát.

Quá trình này vốn đã hết sức phức tạp, lại trở nên phức tạp và khó khăn hơn đối với lĩnh vực cái đẹp, ít nhất cũng do hai nhân tố sau đây. Trước hết, cái đẹp bao gồm rất nhiều hiện tượng thuộc các loại khác nhau.

Có cái đẹp của ánh trăng, ngọn núi, có cái đẹp của ánh mắt, tà áo, có cái đẹp của ngôi nhà, cái đẹp của lời nói, cử chỉ, cái đẹp của tâm hồn, tư tưởng, … Có cái đẹp ở trong tự nhiên, có cái đẹp ở trong xã hội, có cái đẹp do con người làm ra, có cái đẹp nằm ngay trong chính bản thân con người.

Đâu là mẫu số chung cho tất cả các hiện tượng ấy, đâu là công thức đúng cho mọi cái đẹp? Mặt khác, cái đẹp thuộc loại hiện tượng rất tinh tế, đến với con người trước hết qua cảm giác, trực giác.

Những định nghĩa về Cái Đẹp là gì?

Có người ví cái đẹp với tình yêu, cảm nhận thì được, nhưng rất khó lý giải, cắt nghĩa. Vậy có cần và có thể có được một khái niệm, một định nghĩa về cái đẹp hay không, hay ở đây chỉ nên để mặc nó trong vương quốc của cảm giác, dành hoàn toàn cho sự thưởng thức trực tiếp để khỏi phải phá vỡ tính toàn vẹn, đánh mất vẻ tươi nguyên của nó, như một số người quan niệm về cái đẹp?

Lịch sử tư tưởng thẩm mỹ của nhân loại chứng tỏ rằng, con người luôn luôn tìm cách khắc phục những khó khăn trên đây, để nắm bắt bản chất cái đẹp. Goethe đã từng khẳng định : “Có thể có được khái niệm về cái đẹp và có thể diễn tả được khái niệm ấy”.

Nhưng trong quá trình đi tìm lời giải cho bài toán trên đây, do sự đa dạng của đối tượng, cũng như do những quan niệm, những cách tiếp cận khác nhau, đã có nhiều đáp số, nhiều định nghĩa khác nhau về cái đẹp.

Chẳng hạn, nhà triết học cổ Hy Lạp Aristote viết: “Cái đẹp nằm trong kích thước và trong trật tự, bởi vậy không có vật nào quá nhỏ, … cũng như quá lớn … mà lại có thể được coi là đẹp”. Nhà lý luận Đức thế kỷ XVIII là Herder thì nói: “Cốt lõi của toàn bộ cái đẹp là chân lý, bất kỳ cái đẹp nào cũng cần dẫn tới chân lý và điều thiện”.

Còn Gorki thì xác định: “Cái đẹp là sự phối hợp các chất liệu khác nhau, cũng như các âm, màu, từ ngữ, sao cho tác phẩm tạo ra có được một hình thức có thể tác động lên tình cảm và lý trí, như một sức mạnh khơi dậy ở con người sự ngạc nhiên, lòng kiêu hãnh, và niềm sung sướng trước khả năng sáng tạo của mình”.

Còn có thể dẫn ra đây rất nhiều định nghĩa nữa về cái đẹp. Có trường hợp nó được giải thích như cái có ích, có trường hợp nó được đồng nhất với cái chân hay cái thiện, có trường hợp lại hiểu như sự cân đối, hài hòa,…

Bản chất của cái đẹp nằm ở đâu?

Để lĩnh hội được bản chất này, tốt nhất là xem xét đối tượng dưới góc độ triết học, bởi vì chỉ trong bình diện này, chúng ta mới thoát khỏi ấn tượng về vô số biểu hiện cụ thể của cái đẹp, để đạt tới sự khái quát về nó.

Nếu làm như vậy, ở đây, thay vào câu hỏi: Cái đẹp là gì? Sẽ xuất hiện câu hỏi khác: Cái đẹp do đâu mà có? Một vật đẹp là do nó có những phẩm chất gì đó, hay do thiện cảm của con người. Các nhà duy vật cho rằng, cái đẹp bắt nguồn từ đời sống, toát ra từ những phẩm chất vật lý, hóa học của sự vật, hiện tượng.

Từ đây, họ thường nhấn mạnh đến các khái niệm về kích thước, mức độ, tỉ lệ, … Chẳng hạn nhà mỹ học thời phục hưng ở Italia là Alberti viết: “Cái đẹp là sự phù hợp, sự hòa hiệp như thế nào đó giữa các phần trong cái tổng thể mà chúng tạo thành, sự hòa hợp và hòa nhịp này, phải đáp ứng những số liệu chặt chẽ, đáp ứng sự tổ chức và bài trí mà sự hài hòa, tức cái nguyên lý tuyệt đối và khởi nguyên của tự nhiên đòi hỏi”.

Ngược lại, các nhà duy tâm thì xem cái đẹp chỉ như cái được mang từ bên ngoài vào sự vật, chứ không có cơ sở khách quan. Người theo quan điểm duy tâm chủ quan thì khẳng định : “Cái đẹp không phải là phẩm chất tồn tại trong bản thân sự vật, nó tồn tại chủ yếu trong tâm linh của người quan sát nó”.

Còn đối với các nhà triết học duy tâm khách quan, thì hoặc đó là hình ảnh, hồi quang của một cái gì siêu nhiên, thần thánh (Platon) hoặc là phẩm chất đặc biệt của ý niệm tuyệt đối, khi nó đã tìm được hình thức thể hiện phù hợp nhất (Hegel).

Khi nghiên cứu bản chất của cái đẹp, rõ ràng chúng ta không thể bỏ qua những tiền đề duy vật, khẳng định những cơ sở khách quan của các cảm giác thẩm mỹ.

Đồng thời cũng không nên tuyệt đối hóa vai trò của những nhân tố khách quan, tạo nên phẩm chất thẩm mỹ của sự vật, hiện tượng, xem đó là nguồn gốc duy nhất quyết định vẻ đẹp của chúng.

Cần chú ý rằng cái đẹp là một phạm trù giá trị. Một vật được coi là đẹp hay xấu, phụ thuộc không chỉ vào những phẩm chất nó vốn có, mà còn vào quan hệ của chúng với con người, với sự đánh giá căn cứ vào những thước đo, do thực tiễn xã hội trong từng thời kỳ lịch sử đặt ra.

Sự đánh giá này, rõ ràng mang tính chủ quan, một thứ chủ quan tất yếu mà nếu thiếu nó, sẽ không có ngay cả thực tiễn xã hội của con người, song đồng thời không phải là thứ chủ quan tùy tiện, bởi vì nó gắn liền không phải với ý muốn của mỗi cá nhân riêng, mà với tiêu chuẩn xã hội, thực tiễn có tính khách quan rõ rệt.

Những tiêu chuẩn về cái đẹp là gì?

Thừa nhận cơ sở tự nhiên của cái đẹp, tức là trước hết thừa nhận vẻ đẹp khách quan của màu sắc, âm thanh, đường nét, mảng khối, nhịp điệu,…

Từ đây sẽ xuất hiện những khái niệm về tiêu chuẩn thẩm mỹ như sự cân đối, tỉ lệ phù hợp, tính chất có mức độ, sự hài hòa, … Các tiêu chuẩn này về cái đẹp trong nhiều trường hợp thường có cả cơ sở sinh lý của nó.

Chẳng hạn, một bức tranh có màu sắc hài hòa, tươi mới làm cho con người thấy phấn khởi, dễ chịu. Điều này, giải thích vì sao có hiện tượng cây thích nghe nhạc, rắn nghe nhạc, cả nhảy múa theo nhạc,…

Nếu căn cứ vào đây để nói rằng sinh vật cũng có cảm giác thẩm mỹ, thì điều đó mới chỉ đúng một phần nhỏ. Quả thật, sinh vật cũng thích cái đẹp, nhưng chúng chỉ thích những yếu tố tự nhiên nào phù hợp với sinh lý, bản năng của chúng mà thôi.

Đối với con người, không phải chỉ như vậy. Bằng cớ là có những cái rất cân đối, hài hòa nhưng không gây nên cảm xúc thẩm mỹ.

Trong khi nhiều sự vật, hiện tượng không mang đặc tình gì đặc biệt, có thể gây nên cảm giác dễ chịu về sinh lý, thì vẫn được xem là đẹp. Plekhanov dẫn ra tài liệu của các nhà dân tộc học kể lại rằng, ở nhiều bộ lạc Châu Phi, phụ nữ thường đeo vòng sắt ở tay và ở chân.

Đôi khi, các thiếu phụ nhà giàu còn đeo ở mình hơn 16kg đồ trang sức loại đó. Khi có người hỏi vì sao đeo nhiều sắt như thế, họ trả lời: để cho đẹp. Lại có trường hợp khác, ở miền thượng lưu sông Zambero, người đàn ông nào không bẻ gãy các răng cửa hàm trên, thì bị coi là xấu xí.

Điều đó chứng tỏ rằng, cái đẹp không phải chỉ có cơ sở tự nhiên mà còn có cơ sở xã hội. Bản chất của cơ sở xã hội này nằm ở chỗ con người đánh giá sự vật hiện tượng theo quan niệm của mình.

Nhà mỹ học dân chủ cách mạng Nga nổi tiếng Tchernychevski đã phát biểu một tư tưởng rất sâu sắc: “Một tồn tại được gọi là đẹp, là tồn tại trong đó, chúng ta nhìn thấy cuộc sống đúng như quan niệm của mình,…”

Có thể xuất hiện câu hỏi: Nếu cái đẹp là cái phù hợp với quan niệm con người, thì quan niệm đó là quan niệm nào? Bởi vì, quan niệm của con người rất nhiều mặt: cái đẹp có thể gắn với quan niệm về chân lý, về đạo đức, về sự duyên dáng,…

Thực tế cho thấy, quan niệm về cái đẹp là một quan niệm có tính tổng quát rất cao. Cái đẹp gắn liền với ý niệm, về những điều mong ước, về cái có tính lý tưởng. Những gì là hình ảnh, dấu hiệu, biểu hiện của cái mà con người thiết tha mong muốn, khao khát đạt tới thường gợi ra cảm xúc về cái đẹp.

Cánh đồng lúa chín vàng đẹp vì nó nằm trong liên tưởng về một mùa bội thu hứa hẹn, về sự no đủ mà người làm ruộng hằng mong mỏi, chờ đợi. Cái cây tươi tốt, cành lá xum xuê đẹp vì nó là hình ảnh của sự sống sung mãn mà con người bao giờ cũng mơ ước đạt tới.

Nhà văn Pháp là Stendhal nói: “Cái đẹp là sự mời gọi hạnh phúc”. Có lẻ cũng chính trong nghĩa như vậy. Cái đẹp là một hình thức của ước mơ, của lý tưởng, nó thường mang trong mình những yếu tố của cái được đánh giá ở mức cao nhất, tức là những cái ít nhiều mang tính chất lý tưởng.

Chính vì vậy, cái đẹp gắn rất chặt với khái niệm về sự hoàn thiện. Hoàn thiện là tiêu chuẩn cao nhất của cái đẹp. Những gì đạt tới sự phát triển cao nhất, trình độ cao nhất so với sự vật, hiện tượng cùng loại với chúng, thường gợi ra cái đẹp.

Trong một hàng cây, cái cây đẹp là cây phát triển đầy đủ, dồi dào sức sống. Trong nhiều người, người đẹp là người mà sự sống đạt tới mức phát triển cao, khỏe mạnh, cân đối, hoàn thiện cả về hình thể và đời sống tinh thần. Điều này cũng giải thích vì sao sự hài hòa thường được xem là đẹp.

Lê Ngọc Trà
Lâm Vinh
Huỳnh Như Phương


Bạn đang xem bài viết:
Các Phạm Trù Thẩm Mỹ về Cái Đẹp là gì?
Link https://myhocdaicuong.com/dai-cuong/cac-pham-tru-tham-my-ve-cai-dep-la-gi.html


Nội dung tìm kiếm khác: 4 phạm trù mỹ học; Bản chất của cái đẹp; Bản về cái đẹp; Biểu hiện của cái đẹp; Các phạm trù thẩm mỹ; Cái đẹp trong mỹ học đại cương; Cái đẹp trong xã hội; Đối tượng nghiên cứu của mỹ học; Đời sống thẩm mỹ là gì; Khái niệm thẩm mỹ là gì; Nghị luận về cái đẹp; Phạm trù cái đẹp trong mỹ học; Quan niệm về cái đẹp của người Việt Nam;

Nội dung tìm kiếm khác: Quan niệm về cái đẹp trong cuộc sống; Quan niệm về cái đẹp trong lịch sử mỹ học; Quan niệm về cái đẹp trong mỹ học; Suy nghĩ về cái đẹp trong cuộc sống; Tại sao nói cái đẹp la phạm trù trung tâm của mỹ học; Tiểu luận mỹ học về cái đẹp; Thuộc tính của cái đẹp; Triết học về cái đẹp; Ví dụ về cái đẹp trong nghệ thuật; Ví dụ về cái đẹp trong tự nhiên; Ví dụ về cái đẹp trong xã hội; Ví dụ về cảm xúc thẩm mỹ; Ý nghĩa của cái đẹp trong cuộc sống.


Tiêu đề bài viết: Các Phạm Trù Thẩm Mỹ về Cái Đẹp là gì?
Chuyên mục: Mỹ Học Đại Cương
Ngày đăng: February 14, 2024
Tác giả:
Lượt xem: 1012 views
Website: https://myhocdaicuong.com
Link bài viết: https://myhocdaicuong.com/dai-cuong/cac-pham-tru-tham-my-ve-cai-dep-la-gi.html