Có 3 loại hình nghệ thuật. Đó là, nhóm nghệ thuật thời gian không miêu tả như: âm nhạc và múa. Nhóm nghệ thuật không gian miêu tả và không miêu tả như: hội họa, đồ họa và điêu khắc. Nhóm nghệ thuật tổng hợp như: sân khấu và điện ảnh.
Chúng ta hãy cùng nhau đi tìm hiểu thêm về 3 nhóm nghệ thuật này đang biểu hiện cho điều gì?
1. Nhóm nghệ thuật thời gian không miêu tả.
Bao gồm âm nhạc và múa. Xem xét dạng nghệ thuật thuần nhất một tính năng.
– Đặc điểm chung: Là nghệ thuật thời gian, âm nhạc và múa có chung sở trường là diễn đạt được sự biến đổi và phát triển, diễn đạt được tính quá trình của tâm trạng và hành động.
Từ phương thức xây dựng hình tượng đến cấu trúc của thể loại và tác phẩm, kể cả ngôn ngữ, đều tuân thủ và khai thác tối đa quy luật thời gian, đều mang tính chất quá trình và tính phát triển.
Nhưng cũng vì mang tính thời gian, sở trường lại đi liền với sở đoản: thiếu sự đứng yên, sự tinh lại trong không gian, phải khắc phục bằng cách tạo ra các yếu tố kỹ thuật, tạo ảo giác về không gian, về sự tinh lại. Đó là lối xây dựng hình tượng kiểu nhắc lại, trùng lặp theo hình tròn ốc, và dùng ngôn ngữ đa thanh.
– Đặc điểm ngôn ngữ: Âm nhạc và múa có chung yếu tố ngôn ngữ là nhịp điệu. Để lắp vào bộ khung nhịp điệu đó, âm nhạc có yếu tố giai điệu, múa có yếu tố động tác. Do đặc trưng là nghệ thuật biểu hiện, không miêu tả, nên ngôn ngữ của nhạc và múa đều mang tính ước lệ, không mô phỏng theo âm thanh hay động tác có thật trong đời sống.
Người cảm thụ cần phải hiểu biết về ngôn ngữ, như trình thức của múa, giai điệu của âm nhạc. Trong đó, bao gồm cấu tạo âm nhạc, điệu thức, hòa thanh, phức điệu,…). Đồng thời, cần hiểu các thể loại và phương tiện nhạc khí có tính năng gì?
– Thể loại âm nhạc: có hai nhóm thể loại là nhạc hát (thanh nhạc) và nhạc đàn (khí nhạc). Trong mỗi nhóm, kể từ thể loại nhỏ đến lớn có: Thanh nhạc (làn điệu, ca khúc, nhạc kịch opera); Khí nhạc (khúc luyện, sonate tổ khúc, concerto, symphonie).
Ngoài cách phân biệt trên đây, còn có cách phân biệt theo quy mô dàn nhạc như độc tấu, hòa tấu, giao hưởng. Tính thời gian phản ánh trong cấu tạo thể loại ở độ dài ngắn, và sự biến đổi, sự luân chuyển các chương, đoạn có tính chất khác nhau.
– Nhận xét chung về lịch sử: âm nhạc và múa là hai loại nghệ thuật có rất sớm trong lịch sử loài người, là những nghệ thuật mang tính dân tộc rõ rệt nhất. Về lý luận, có thể tìm thấy trong nhạc và múa khá nhiều các đặc trưng tiêu biểu của nghệ thuật.
Sự phát triển của âm nhạc và múa lệ thuộc vào điều kiện vật chất, mức sống, nhu cầu giao lưu về tinh thần,… Ở các xã hội tiền công nghiệp, có hai hình thức phổ biến là sinh hoạt, vũ nhạc dân gian, và quý phái, cung đình.
Trong các xã hội, công nghiệp cận hiện đại, vũ, nhạc phát triển mạnh mẽ cả về các thể loại, hình thức và phương tiện biểu diễn. Về cơ bản ở Việt Nam phổ biến nhất vẫn là các hình thức âm nhạc tiền công nghiệp (dân ca, ca khúc, kịch hát).
Các hình thức của âm nhạc thời đại công nghiệp (như giao hưởng, nhạc kịch, rap,…) chỉ mới xuất hiện gần đây. Về múa tùy thuộc vào hoàn cảnh sinh hoạt tinh thần, phong tục địa lý, mỗi dân tộc có những hình thức múa khác nhau.
Những hình thức và thể loại múa cũng gắn liền với nhạc: nhạc dân gian, múa cung đình (thời tiền công nghiệp), múa giao tế, múa biểu hiện, vũ kịch (balê).
2. Nhóm nghệ thuật không gian miêu tả và không miêu tả.
Bao gồm hội họa và đồ họa, điêu khắc (xem xét dạng nghệ thuật thuần nhất – một tính năng).
– Đặc điểm chung: Là nghệ thuật không gian, nghệ thuật tĩnh, hay nghệ thuật tạo hình, hội họa, điêu khắc có sở trường diễn đạt sự vật một cách cụ thể, theo nghĩa nhìn thấy được trước mắt, và đứng yên.
Khả năng này giúp con người tạo nên môi trường không gian đẹp quanh mình, giúp cho người thưởng ngoạn có điều kiện chiêm ngưỡng tác phẩm và hình tượng trong sự tĩnh lại, giúp cho sự lắng đọng cảm xúc.
Ở đây, hình tượng được xây dựng theo ấn tượng thị giác, phù hợp với cảm thụ thị giác, hấp dẫn về mặt thị giác. Các hình thức thể loại cũng căn cứ vào những điều kiện không gian (về quy mô và tầm cỡ) hay các loại đối tượng không gian (nhân vật và phong cảnh).
Những tính không gian tĩnh lại hạn chế sự thể hiện tính phát triển, tính quá trình, sự hoạt động, nên để khắc phục điều đó, các nghệ thuật này phải tìm mọi cách tạo nên ảo giác chuyển động trong hình thái đứng yên.
Hội họa là hình thức không gian phẳng, phải tìm cách tạo ảo giác về chiều sâu, về không gian ba chiều, dựa vào thấu thị học và sắc độ,…
– Đặc điểm ngôn ngữ: Ngoài các sự phân biệt cơ bản như không có phiên bản hay có phiên bản, hội họa và đồ họa phần lớn còn khác nhau do cách sử dụng ngôn ngữ nói riêng, cũng như sự sử dụng chất liệu nói chung.
Hội họa thường kén chọn chất liệu hơn, vì phải tạo ra một bản duy nhất, giữ lâu. Trong khi đó, chất liệu của đồ họa giản dị hơn, vì có thể được nhân bản với số lượng lớn.
Một số tác phẩm đồ họa nhằm chuẩn bị cho việc dựng tác phẩm hội họa (ký họa, vẽ nghiên cứu). Đồ họa thường sử dụng ngôn ngữ, màu sắc có tính chất đại chúng, vì phải đáp ứng nhu cầu phổ biến rộng rãi.
Ở đây, màu sắc mang nhiều tính ước lệ, tính trang trí. Màu sắc trong hội họa mang đậm cá tính và gợi cảm xúc. Hội họa thiên về màu sắc, còn đồ họa thiên về đường nét.
– Các yếu tố ngôn ngữ của hội họa và đồ họa: Bao gồm dựng hình; đường nét; màu sắc; bố cục; thể loại và ngôn ngữ của điêu khắc; hội họa và điêu khắc phi biểu hình.
—- Dựng hình:
Hình ảnh sự vật được tái tạo trong tranh dựa trên cơ sở cơ thể học, thấu thị học. Nhưng hội họa khác chụp hình, ở chỗ nó không chỉ đòi hỏi giống như thực, mà phải diễn tả được cảm xúc của họa sĩ.
Từ việc nắm vững yêu cầu và nguyên tắc dựng hình cơ bản, họa sĩ đi vào sáng tạo lối ngôn ngữ dựng hình của mình. Nhưng từ đầu thế kỷ XX, trong hội họa xuất hiện các trường phái không theo lối dựng cổ điển, gọi là hội họa phi biểu hình (trước đây hội họa biểu hình).
Từ đó, HHBH và HHPBH phát triển song song, HHBH xem như hội họa miêu tả, còn HHPBH xem như hội họa không miêu tả.
—- Đường nét:
Là phương tiện cơ bản đầu tiên để tạo hình và biểu cảm. Chưa có màu, đường nét vẫn có đủ khả năng miêu tả và biểu hiện, và ngay khi hội họa dùng màu sắc làm phương tiện cơ bản, thì ở đó yếu tố đường nét vẫn quan trọng, vì nó vừa là đường viền, vừa là yếu tố tạo hình, dựng hình đi với màu sắc.
Đường nét được dùng thường xuyên hơn trong đồ họa. Có những thể loại đồ họa chỉ sử dụng đường nét là chính (như một số minh họa sách báo, tranh bút sắt,…).
—- Màu sắc:
Còn gọi là hòa sắc (sự kết hợp các màu). Màu sắc là yếu tố ngôn ngữ cực kỳ phong phú của hội họa. Sự biến hóa của màu trong họa, không có đủ từ ngữ để miêu tả, vì vốn từ của con người để gọi tên màu sắc là có hạn, có sự phong phú của màu là vô hạn.
Đầu tiên, màu lệ thuộc vào chất liệu để chế màu, và chất liệu mặt bằng của tranh: sơn dầu, bột màu, thuốc nước, phấn màu, sơn mài, mực tàu,… được vẽ trên vải, trên lụa, mặt giấy, mặt gỗ, mặt tường,…
Trên cơ sở những chất liệu đó, tùy theo sở trường, sở thích và đề tài, họa sĩ sẽ khai thác tính độc đáo và sức mạnh của màu thuộc về một chất liệu nhất định.
Màu sắc là đặc trưng ngôn ngữ của một trường phái, một cá tính, và có khi một dân tộc. Từ sự lựa chọn một màu thích hợp, đến chỗ kết hợp các màu thành hòa sắc cho bức tranh (cũng như thao tác lựa chọn và kết hợp từ ngữ âm thanh trong thơ ca, âm nhạc) là cả một sự sáng tạo.
Trên bảng màu (palette) của mình, họa sĩ sẽ chọn pha màu theo những hòa sắc, sắc độ khác nhau, nhằm thể hiện cảm xúc của mình. Cũng như trong nhạc giọng trưởng, giọng thứ, có âm chủ, âm át.
Ở đây, cũng có các gam màu nóng, màu lạnh, có màu sắc vừa để miêu tả đối tượng vừa để thể hiện chủ đề. Nhưng trong hội họa phi biểu hình, màu sắc chủ yếu nhằm biểu hiện cảm xúc của họa sĩ. Ở đây, màu giữ một vai trò quan trọng như một yếu tố nội dung.
—- Bố cục:
Bố cục trong hội họa bị chi phối bởi đặc điểm về thị giác, về điểm nhìn khi xem tranh, tức là lệ thuộc vào các yêu cầu có tính chất tâm sinh lý.
Những sự sắp xếp hình và màu, sắc độ trên mặt khung tranh nhằm làm rõ nhân vật và sự kiện chính phụ, nhấn mạnh trọng điểm và làm lu mờ điểm phụ.
Đó là các quy tắc thông thường trong bố cục của hội họa. Tuy nhiên, từng thời kỳ lịch sử, từng trường phái và từng nghệ sĩ lại vẫn có lối bố cục riêng như một thứ ngôn ngữ riêng.
Chẳng hạn, phép bố cục cân xứng hài hòa là của hội họa Phục Hưng, lối tả thực chính xác theo dấu thị học là của hội họa hiện thực, chủ nghĩa cổ điển.
Sự đảo lộn những trật tự bố cục truyền thống, đi vào biểu hiện chủ quan là của trào lưu hội họa hiện đại. Khác với phương Tây, giữa các nước phương Đông (Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam,…) có lối bố cục khác hẵn.
—- Thể loại và ngôn ngữ của điêu khắc:
Tượng là không gian khối, được chia thành hai loại chính: tượng toàn khối là tượng tròn, tượng nửa khối gắn nổi lên mặt phẳng gọi là tượng đắp nổi (phù điêu). Loại tượng tròn có nhiều nhân vật gọi là nhóm tượng.
Ngoài ra, còn có cách gọi theo chức năng và quy mô như tượng đài, tượng trang trí (do đặt nơi rộng rãi, ngoài trời, hay đặt trong nội thất). Chất liệu có ý nghĩa rất quan trọng trong ngôn ngữ của điêu khắc.
Câu: “Tượng đồng bia đá” nói lên tính chất vững bền của các chất liệu được dùng trong điêu khắc. Do đó, khi không có đủ chất liệu chính thức, người ta dùng màu sơn để giả màu đồng, đất, hay cẩm thạch.
Các trường phái dân gian và cổ đại từ Tây sang Đông, đều ưa tô màu giống thật, nhất là tượng tôn giáo. Nhưng theo thị hiếu hiện đại, tượng chỉ một màu, đó là màu chất liệu. Mặt da tượng trơn mịn hay gân guốc, sần sùi cũng là một hình thức biểu cảm.
Khác với hội họa, đề tài của điêu khắc hẹp hơn, thường tập trung vào việc xây dựng hình tượng về các nhân vật, nhất là nhân vật tích cực, lý tưởng hóa vẻ đẹp cơ thể và ngoại hình của con người.
Độc đáo của hình tượng điêu khắc, thường thể hiện ở việc xây dựng tư thế động tác điển hình có liên quan tới đặc trưng tính cách nhân vật.
—- Hội họa và điêu khắc phi biểu hình:
Do những biến đổi và phát triển của đời sống kinh tế xã hội nói chung, do những quan niệm về triết học, và nhất là do nhu cầu đi tìm những hình thức mới thúc đẩy sự chuyển biến trong sáng tạo nghệ thuật.
Các trường phái hội họa và điêu khắc phi biểu hình đã ra đời, và cho đến nay vẫn phát triển song song với nền hội họa biểu hình truyền thống.
Khởi đầu từ trong trường phái ấn tượng, dã thú, khuynh hướng xóa bỏ hình tả thực cổ điển phát triển trong chủ nghĩa lập thể, và tiếp tục mở rộng với các trường phái vị lai, biểu tượng, đa đa, siêu thực, trừu tượng.
Nói chung, hội họa phi biểu hình bác bỏ lối vẽ mô phỏng hình ảnh của hiện thực, mà chủ yếu vẽ những hình tưởng tượng chủ quan của họa sĩ.
Điêu khắc phi biểu hình cũng không đi vào nhân vật như trước, mà dùng những khối bất kỳ nào có thể xem là hình tượng, để thể hiện tư tưởng của nhà điều khắc.
Trên đây, là nói về hội họa và điêu khắc nghệ thuật một tính năng, còn đối với hội họa và điêu khắc ứng dụng hai tính năng, chúng tôi sẽ trình bày khi đề cập đến nghệ thuật ứng dụng ở phần sau.
3. Nhóm nghệ thuật tổng hợp.
Bao gồm sân khấu, điện ảnh. Xem xét dạng nghệ thuật thuần nhất, một tính năng.
Nghệ thuật tổng hợp vận dụng tất cả các phương thức và phương tiện thể hiện của các nghệ thuật độc lập: văn học, âm nhạc, múa, hội họa, trang trí, kiến trúc,… Trong điện ảnh, còn có quay phim và nhiếp ảnh.
Sân khấu kịch và phim truyện đều phải có cơ sở kịch bản văn học. Nhân tố kịch hay kịch tính là nội dung thẩm mỹ quan trọng nhất của nghệ thuật tổng hợp (NTTT). Đó cũng là chỗ phân biệt giữa nghệ thuật một tính năng và hai tính năng trong sân khấu và điện ảnh.
Kịch tính là những mâu thuẫn, xung đột giữa các tính cách, được kết thúc bằng sự thắng bại của bên này hoặc bên kia. Nhưng điều quan trọng là những va chạm xung đột ấy, dù bi thảm hay trào lộng, cũng đều phải mang lại bài học tình cảm, nhân sinh đối với con người (catharsis).
Tính kịch là hạt nhân phân biệt nghệ thuật sân khấu và phim truyện với các loại sân khấu và điện ảnh ứng dụng hai tính năng (như sân khấu hoạt cảnh, hóa trang, xiếc, phim tài liệu nhân vật, phim phóng sự,…).
Phương tiện ngôn ngữ của sân khấu là hành động (hành động hình thể, hành động tâm lý, hành động ngôn ngữ), thông qua diễn xuất của diễn viên.
Hành động sân khấu là hành động kịch, hành động xung đột, nhằm biểu hiện tư tưởng của kịch chứ không phải bất kỳ hành động ngẫu nhiên nào.
Do các hành động trong kịch phải nhất quán nhằm biểu hiện một tư tưởng nhất định, nên lý luận kịch gọi hành động này là hành động thống nhất, hành động xuyên,…
Ngoài nhân tố cơ bản là hành động kịch, nghệ thuật sân khấu còn có những phương tiện âm nhạc, múa, trang trí, đạo cụ,… hỗ trợ cho diễn xuất. Ở đây, vai trò của diễn viên vô cùng quan trọng.
Phương tiện ngôn ngữ của điện ảnh có khác sân khấu. Ở đây, hành động nhân vật vẫn là yếu tố hạt nhân, nhưng đồng thời nghệ thuật quay phim, dựng hình cũng có một ý nghĩa quyết định.
Hình ảnh phim là hình ảnh được đạo diễn và nghệ sĩ quay phim biến đổi liên tục theo những góc độ, tầm cỡ, cự ly khác nhau để biểu đạt tư tưởng, tính cách, nhân vật.
Cấu trúc của tác phẩm lệ thuộc vào nghệ thuật dựng phim. Từ kịch bản văn học chuyển thành kịch bản điện ảnh, kịch bản phân cảnh, đến dựng phim đó là cả một quá trình sáng tạo thể hiện ý đồ của đạo diễn trong việc tạo ra tác phẩm điện ảnh.
Các yếu tố nghệ thuật và kỹ thuật khác có vai trò hỗ trợ quan trọng: âm nhạc và âm thanh nói chung, ánh sáng, hội họa, trang trí thiết kế nhân vật và bối cảnh xung quanh,…
Thể loại sân khấu bao gồm kịch nói, kịch hát (ca kịch, tuồng, chèo, cải lương, kịch dân ca), nhạc kịch, kịch rối, kịch truyền thanh, kịch câm,… Thể loại điện ảnh nghệ thuật bao gồm phim truyện, phim tài liệu và phim nghệ thuật.
4. Nhóm nghệ thuật ứng dụng.
Bao gồm kiến trúc, mỹ thuật, ứng dụng, trang trí, hoa văn, ảnh nghệ thuật.
Ứng dụng còn được gọi là thực hành. Ứng dụng là đưa những phương thức và phương tiện thẩm mỹ vào thực tế đời sống. Khái niệm thực hành, ứng dụng ở đây liên quan với vấn đề tính lợi ích như một khái niệm mỹ học.
Cái đẹp và cái ích dụng là hai khái niệm vừa đối lập vừa thống nhất. Tùy cách hiểu khái niệm ích dụng theo nghĩa hẹp (có ích về nhu cầu vật chất, nhu cầu lý tính) hoặc theo nghĩa rộng (ngoài các nhu cầu trên, còn có nhu cầu về đời sống tâm hồn và tình cảm).
Cái đẹp về hình thức kết hợp với cái ích dụng vật chất – lý tính, sản sinh ra các nghệ thuật ứng dụng, trong đó có cả văn học ứng dụng.
– Đặc điểm chung: Trong hai tính năng phục vụ lợi ích và thẩm mỹ, thì tính năng phục vụ có ý nghĩa nội dung, mang tính mục đích, tính năng thẩm mỹ mang ý nghĩa hình thức, mang tính phương tiện. Do đó, cái thứ nhất là quyết định, chi phối cái thứ hai.
Một thí dụ đơn giản, cái nhà trước hết để ở, cái chén trước hết để ăn cơm, còn đẹp như thế nào là nhu cầu đi sau.
Con người sáng tạo theo quy luật của cái đẹp, mỗi con người là một nghệ sĩ. Con người tạo nên thế giới đẹp nhân tạo, hay gọi là thiên nhiên thứ hai.
Nhưng để cho phạm trù nghệ thuật có một ý nghĩa hạn định, không mở rộng đến vô tận, xem nghệ thuật và mọi công việc, mọi sản phẩm lao động thô sơ đồng nghĩa với nhau, cần quan niệm rằng sản phẩm lao động đạt đến trình độ thẩm mỹ cao mới được coi là nghệ thuật ứng dụng.
Một cái nhà đẹp mới là sản phẩm của nghệ thuật kiến trúc, một cái chén đẹp mới là sản phẩm của mỹ thuật ứng dụng. Nghệ thuật ứng dụng lệ thuộc rất nhiều vào sự phát triển kinh tế, vào mức sống, và trực tiếp là trình độ kỹ thuật.
– Đặc điểm ngôn ngữ: cũng tương tự như mỹ thuật và nghệ thuật, kiến trúc và mỹ thuật ứng dụng tác động, gợi ý nghĩa bằng đặc tính chất liệu của nó: từ đất, đá, gỗ, tranh, tre, nứa lá, đất nung, gốm, gốm men, sứ, đến pha lê, vàng, bạc, ngọc, ngà, sừng, xà cừ,…
Mỗi chất liệu đều có nội dung ý nghĩa hay tính chất riêng: giản dị mộc mạc hay sang trọng cao nhã, sự vững chãi lâu bền hay vẻ mềm mại yếu ớt, sự rắn rỏi cương nghị hay tính chất lãng mạn, hồn nhiên,…
Giữa kiến trúc và mỹ thuật thực dụng có các yếu tố ngôn ngữ chung. Vì vậy, người ta gọi các nghệ thuật này có kiến trúc tính. Đó là tính tạo hình kiểu kiến trúc, bao gồm các yếu tố tỷ lệ, nhịp điệu và kiểu dáng, tỷ lệ giữa chiều cao và chiều ngang, bộ phận và toàn thể, nhịp mau hay thưa, khoan thai hay gấp gáp,…
Ngôn ngữ kiến trúc và mỹ thuật ứng dụng chịu ảnh hưởng sâu sắc của các nhân tố đời sống vật chất, thiên nhiên, đời sống tinh thần của mỗi dân tộc, nó thể hiện rất rõ bản sắc dân tộc và sắc thái địa phương.
Trên thế giới có nhiều trường phái khác nhau, bổ sung, kế thừa, cạnh tranh, thay thế nhau trong lịch sử (như kiến trúc phật giáo và bà la môn giáo ở phương Tây và phương Đông, rô măng, gô tích).
– Thể loại: Kiến trúc thường được phân loại theo chức năng của công trình: dân dụng, tôn giáo hay theo phương thức chế tác (đối với mỹ thuật ứng dụng, thủ công mỹ nghệ, mỹ thuật công nghiệp), theo chất liệu (gỗ, sơn mài, nhôm, sắt tráng men, nhựa, mây tre,…).
Trang trí kiến trúc, trang trí nội thất và tạo dáng, tạo mẫu mã hàng hóa nói chung, thuộc về mỹ thuật công nghiệp, có tên gọi quốc tế hiện nay là ngành DESIGN.
Trong xã hội hiện đại, Design ngày càng có vai trò quan trọng, trong việc làm đẹp thế giới đồ vật, làm đẹp môi trường sống của con người. Nói chung, nội dung của các loại nghệ thuật một tính năng thiên về phản ánh mối quan hệ giữa người và người.
Đặc biệt, là quan hệ tình cảm, nó phân biệt với các loại nghệ thuật hai tính năng thiên về việc chứng minh, biểu dương khả năng chinh phục, chế ngự của con người đối với những lực lượng thiên nhiên, những quy luật của thiên nhiên. Với nội dung thứ hai này, kiến trúc và xiếc là tiêu biểu nhất.
Lê Ngọc Trà
Lâm Vinh
Huỳnh Như Phương
Bạn đang xem bài viết:
Một số đặc điểm cơ bản của các loại hình nghệ thuật là gì?
Link https://myhocdaicuong.com/dai-cuong/mot-so-dac-diem-co-ban-cua-cac-loai-hinh-nghe-thuat-la-gi.html
#myhocdaicuong #loaihinhnghethuat #dacdiemcoban