Thị Hiếu Thẩm Mỹ là gì?

Là một bộ phận hợp thành của ý thức thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ thể hiện sự bằng lòng, và hứng thú của chủ thể khi tiếp nhận và đánh giá các đối tượng thẩm mỹ nhất định.

Trong thị hiếu thẩm mỹ, những cảm xúc thường có ở một con người, đã đi vào thể ổn định và hợp thành một thực thể tương đối bền vững, để biến thành sở thích thẩm mỹ của người đó.

Thị hiếu thẩm mỹ là một hiện tượng xã hội lịch sử, trong đó kết hợp những yếu tố có tính nhân loại, những yếu tố thuộc về tầng lớp, giai cấp, giới tính, và những yếu tố cá nhân.

Nhấn mạnh một yếu tố này mà xem nhẹ các yếu tố kia, đều rơi vào quan điểm phi lịch sử và phiến diện. Thị hiếu thẩm mỹ của một thời đại, một cộng đồng người luôn luôn biểu hiện thông qua những thị hiếu cá nhân đa dạng, riêng biệt, độc đáo.

Về phần thị hiếu thẩm mỹ cá nhân hình thành trên cơ sở kinh nghiệm thẩm mỹ của nhân loại, thời đại và cộng đồng, đồng thời bao hàm những kinh nghiệm mới mà chính cá nhân đó nếm trải, khi tiếp xúc với đời sống thẩm mỹ không ngừng biến đổi và phát triển.

Nếu cảm xúc thẩm mỹ thiên về khía cạnh trực giác, cảm quan và tình cảm, thì thị hiếu thẩm mỹ đã có sự hòa hợp và cân bằng giữa cảm tính và lý tính, giữa trực giác tức thời và sự nghiền ngẫm lâu dài.

Vì vậy, chỉ những người có trình độ văn hóa sâu, có sự từng trải và kinh nghiệm phong phú, có đời sống đạo đức tinh thần lành mạnh, mới có thể có thị hiếu thẩm mỹ cao quý. Ngược lại, những kẻ què quặt về kiến thức và tâm hồn, nghèo nàn về kinh nghiệm sống, buông thả về mặt đạo đức, thì nhất định sẽ có thị hiếu thẩm mỹ thấp kém.

Thị hiếu thẩm mỹ là một hình thái biểu hiện năng lực và nhu cầu tinh thần của cá nhân. Và sở dĩ một cá nhân ưa thích những hiện tượng thẩm mỹ nào đó, là do người ấy đã tiếp nhận một nền giáo dục, có những thói quen, tính cách, kinh nghiệm sống, và giao tiếp nhận định nào đó.

Chính là dưới ảnh hưởng từng bước, diễn ra hàng ngày của môi trường chung quanh, của lối sống, của những nhân tố thẩm mỹ trong lao động, và sinh hoạt, và nhất là của nghệ thuật, mà thị hiếu thẩm mỹ của một cá nhân được hình thành.

Không phải ai khác hơn, là chính các nghệ sĩ, bằng hoạt động sáng tạo và những tác phẩm nghệ thuật đích thực của mình, góp phần quyết định vào việc nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của công chúng. Theo ý nghĩa đó, thị hiếu nghệ thuật là biểu hiện tập trung nhất, là hạt nhân của thị hiếu thẩm mỹ.

Những xã hội văn minh và dân chủ, luôn luôn coi trọng việc nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của con người, đồng thời với việc bảo vệ sự phát triển đa dạng của thị hiếu đó. Một mặt, cần phải đấu tranh chống lại sự thỏa hiệp với những thị hiếu thấp kém, tầm thường làm mục rỗng đời sống tinh thần của con người.

Không nên xem việc cho ra đời những cuốn sách nhạt nhẽo, những bộ phim vô vị là chuyện bình thường. Tình trạng đó kéo dài và trở nên phổ biến như trong đời sống văn hóa nghệ thuật ở nước ta hiện nay, cần phải xem như một căn bệnh trầm kha sẽ kéo cả xã hội đi xuống vực thẳm của sự suy sụp về tinh thần và đạo đức.

Mặt khác, phải kiên quyết bảo vệ sự tồn tại và phát triển hợp pháp, của các thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh và đa dạng. Xã hội cũng sẽ rơi vào sự tàn tạ về văn hóa nếu nó chứa đựng nguy cơ bào mòn tất cả mọi khía cạnh độc đáo, muôn màu muôn vẻ của thị hiếu, để chỉ còn một loại sở thích độc tôn.

Đối với nền nghệ thuật, không có gì đáng sợ cho bằng khi nó bị đầu độc bởi sự giáo điều và đơn điệu. Lúc đó, con người bị tước mất khả năng chọn lựa, những khát vọng của nó về cái đẹp bị vo tròn cho vừa với những cái khuôn đóng sẵn, giống như những cái giường của Procuste.

Trên lĩnh vực nghệ thuật, quan điểm văn nghệ phục vụ công nông binh, ngày nay đã không còn có sức thuyết phục nữa. Nói theo một nhà nghiên cứu, văn hóa là hóa thành văn, nghĩa là phải làm cho cuộc sống vật chất và tinh thần của con người, mang cái vẻ đẹp vẻ sáng của văn mình, chứ không phải chỉ tạo ra những món ăn vừa khẩu vị của tầng lớp công nông binh.

Một nền văn hóa phong phú đa dạng, mới dẫn đến sự phong phú, đa dạng về thị hiếu thẩm mỹ. Và ngược lại, có chấp nhận sự đa dạng, phong phú của thị hiếu, mới tạo điều kiện cho sự phát triển đa dạng, phong phú của văn hóa. Một nền văn hóa khô cứng và công thức tất cả sẽ đẻ ra những thị hiếu nghèo nàn, què quặt, và ngược lại.

Vấn đề sự đa dạng của thị hiếu thẩm mỹ có liên quan tới một hiện tượng tâm lý xã hội rất phức tạp, và tế nhị là MỐT (Mode). MỐT là hiện tượng thay đổi từng phần các hình thức biểu hiện của đời sống văn hóa dưới ảnh hưởng của các nguyên nhân kinh tế, xã hội, tâm lý, đạo đức, thẩm mỹ.

Hiện tượng xã hội này diễn ra có tính chất định kỳ và nhiều khi lặp đi lặp lại. Phạm vi ảnh hưởng của MỐT không chỉ hạn chế trong lĩnh vực y phục, nơi MỐT có một sức mạnh đặc biệt, mà ai cũng thừa nhận. Nó xâm chiếm ngay cả trong lĩnh vực sản xuất và chính trị, khoa học và nghệ thuật tư tưởng và tâm lý xã hội.

Trong khi thực hiện chức năng xã hội của mình, MỐT đã góp phần làm phong phú những hình thức truyền thống của đời sống văn hóa. Bằng cách này hay cách khác, những tập quán tồn tại trong một xã hội nhất định, vẫn thường khúc xạ thông qua MỐT, đồng thời ngay trong những tập quán đó, vẫn lưu giữ những MỐT bền vững nhất của quá khứ.

Với tư cách là một hình thức nhất thời trong ứng xử, và hành vi của một cộng đồng người, MỐT biểu hiện phương thức, hành vi chuẩn mực mà cộng đồng đó thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định.

Trong hệ thống các chuẩn mực xã hội thẩm mỹ, vị trí của MỐT chủ yếu do tính chất của môi trường xã hội quy định. MỐT luôn luôn được biểu hiện thông qua những hình thức đánh giá mang tính cụ thể, cảm tính, nhờ vậy mà nó gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của con người, thông qua một kiểu y phục, một kiểu tóc, một cách ứng xử,…

“Mốt” do đó, phản ánh trình độ, và đặc điểm về thị hiếu thẩm mỹ của công chúng trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Giữa Mốt và lối sống của con người, có mối quan hệ rất chặt chẽ. Điều này thể hiện ở chỗ MỐT là dấu hiệu bên ngoài của một nội dung cuộc sống đang vận động.

Thông qua các sở thích về y phục, âm nhạc, các điệu vũ, … người ta có thể thấy được sự thay đổi về quan niệm sống, về sức sống và về lối sống. Sự xuất hiện của MỐT trong đời sống xã hội, nhiều khi là một phép thử cần thiết, về tính bảo thủ cứng rắn của xã hội đó, hay về khả năng thích nghi của nó.

Những công dân, trong đó có cả những tri thức, đại diện cho sự trì trệ của xã hội thường là dị ứng với những MỐT mà lớp trẻ lại nhiều khi vồ vập. Nhà văn Nga, tên là J Bondarev chẳng hạn, có những phản ứng rất tiêu cực với sự xuất hiện của cái quần jeans: ông cho đó là biểu hiện của văn hóa tiêu dùng, làm thui chột nền văn hóa Nga.

Tương tự như vậy, đã từng có những phản ứng rất quyết liệt, và thiếu công bình đối với các loại nhạc rap, nhạc pop, nhạc rock, xem chúng như là sản phẩm của văn minh suy đồi phương Tây.

Nhưng ngày nay, nhiều người đều thấy rằng cái quần jeans cũng như nhạc rap, nhạc pop, nhạc rock không có tội lỗi gì. Thậm chí cần phải thấy may mắn khi những sản phẩm đó đáp ứng được, đòi hỏi của công chúng cho dù chỉ là một bộ phận hạn chế đi nữa.

Tóm lại, không nên xem MỐT như một hiện tượng thẩm mỹ thuần túy, mà còn là một hiện tượng xã hội. Theo Kant, khi con người chạy theo MỐT là nhằm chứng tỏ rằng mình cũng đáng chú ý, không kém gì lạ khác, nhằm ganh đua để vượt lên kẻ khác.

Giản lược bản chất của MỐT, chỉ như hiện tượng thẩm mỹ thuần túy sẽ không cho phép chúng ta giải thích một cách thuyết phục nguyên nhân, và ý nghĩa xã hội của nhiều hiện tượng văn hóa.

Chẳng hạn như sự phổ biến những hình thức văn hóa phản thẩm mỹ, bằng phương tiện nghệ thuật hay thái độ hư vô chủ nghĩa khi phủ nhận những giá trị văn hóa đích thực.

Trong xã hội ngày nay, sự phát triển về MỐT cần phải được căn cứ trên hành vi có ý thức của những cá nhân, có khả năng chọn lựa và quyết định một cách tự do, để MỐT có thể tác động tích cực vào sự hình thành thị hiếu thẩm mỹ cao đẹp, thể hiện trong hành vi và lối sống của con người.

Lê Ngọc Trà
Lâm Vinh
Huỳnh Như Phương


Bạn đang xem bài viết:
Thị Hiếu Thẩm Mỹ là gì?
Link https://myhocdaicuong.com/dai-cuong/thi-hieu-tham-my-la-gi.html


Nội dung tìm kiếm khác: Các đặc trưng của thị hiếu thẩm mỹ; Các tính chất của thị hiếu thẩm mỹ; Đặc điểm và vai trò của thị hiếu thẩm mỹ; Mối quan hệ giữa thị hiếu thẩm mỹ và thị hiếu nghệ thuật; Tầm quan trọng của thị hiếu thẩm mỹ; Tiểu luận thị hiếu thẩm mỹ; Tính chất của thị hiếu thẩm mỹ; Tính thời đại của thị hiếu thẩm mỹ; Thị hiếu của giới trẻ hiện nay.

Nội dung tìm kiếm khác: Thị hiếu khách hàng là gì; Thị hiếu là gì; Thị hiếu nghệ thuật; Thị hiếu người tiêu dùng là gì; Thị hiếu Tiếng Anh là gì; Thị hiếu tiêu dùng là gì; Thị hiếu thẩm mỹ của giới trẻ hiện nay; Thị hiếu thẩm mỹ là gì; Vai trò của người giáo dục thị hiếu thẩm mỹ hiện nay; Vai trò của thị hiếu thẩm mỹ; Ví dụ về thị hiếu thẩm mỹ.

Tiêu đề bài viết: Thị Hiếu Thẩm Mỹ là gì?
Chuyên mục: Mỹ Học Đại Cương
Ngày đăng: February 14, 2024
Tác giả:
Lượt xem: 757 views
Website: https://myhocdaicuong.com
Link bài viết: https://myhocdaicuong.com/dai-cuong/thi-hieu-tham-my-la-gi.html