Giáo dục thị hiếu thẩm mỹ với mục tiêu trực tiếp là gì?

Có 5 mục tiêu trực tiếp và năng động nhất. Đó là tình cảm và lý trí; cá nhân và xã hội; hai khuyết tật cần ngăn ngừa; vài quy luật của thị hiếu; để có một thị hiếu tốt.

Chúng ta sẽ bắt đầu đi khám phá những mục tiêu năng động và trực tiếp này, đã và đang ảnh hưởng đến thị hiếu thẩm mỹ như thế nào trong đời sống xã hội.

1. Tình cảm và lý trí

Người ta sinh ra không ai giống ai. Mỗi người có một nhu cầu và một sở thích riêng. Trong một bữa cơm gia đình, có bao nhiêu người là bấy nhiêu khẩu vị. Nhìn vào một phiên chợ, một cửa hàng bách hóa, có bao nhiêu người là bấy nhiêu nhu cầu, bấy nhiêu sự ham thích lựa chọn.

Trong hoạt động tinh thần cũng vậy. Có người thích làm khoa học, có người thích làm nghệ thuật, có người thích làm marketing,… Riêng trong lĩnh vực thẩm mỹ và nghệ thuật, cứ đặt ra câu hỏi sẽ tìm thấy trăm nghìn câu trả lời không giống nhau.

Bạn thích loại hoa nào? Bạn thích màu vải nào? Bạn thích kiểu áo nào? Bạn thích bộ ấm chén nào? Bạn thích để tóc như thế nào? Bạn thích ăn gì? Bạn thích màu gì? Và trong các nhà thơ bạn thích ai nhất? Bạn thích loại sân khấu nào hơn cả? Bạn thích loại nhạc nào? Bạn thích loại tranh nào? Bạn thích và ghét gì? Bạn thích làm gì? Bạn thích điều gì nhất? …

Tất cả, ta sẽ câu trả lời bắt đầu bằng hai tiếng “Tôi thích” hoặc “Tôi không thích”. Những sở thích riêng đó, trong lĩnh vực thẩm mỹ gọi là thị hiếu thẩm mỹ. Hai tiếng “Tôi thích” hàm hai ý nghĩa: đây là chuyện riêng và đây là vấn đề tình cảm. Từ đó, mà có người cho rằng lĩnh vực thị hiếu là không nên bàn cãi.

Trước hết, cần phân biệt những sự ham thích đối với các món ăn (tức khẩu vị) và những sự ham thích đối với cái đẹp trong sinh hoạt và trong nghệ thuật. Những món ăn chủ yếu đáp ứng nhu cầu của cơ thể, nhu cầu sinh học. Còn cái đẹp nghệ thuật đáp ứng nhu cầu về tâm lý, tình cảm của con người, nó là một vấn đề xã hội.

Vì vậy, khi bạn thích ăn ớt, thích ăn tỏi, thích ăn chân tóc, thích ăn chua, thích ăn phở, thích ăn thịt, thích ăn rau xanh, thích ăn chín, thích ăn ngon hay không thích, điều này chẵng ai quan tâm. Nhưng khi bạn say sưa suốt ngày với những sản phẩm văn hóa đồi trụy thì người khác sẽ có quyền bàn với bạn.

Thị hiếu rất không giống nhau, mỗi người biểu lộ một vẻ, cũng như khuôn mặt tính tình của một con người, chẳng có ai hoàn toàn giống nhau. Đó có phải là thiên tính, bẩm sinh, hay nó là sự xuất hiện ngẫu nhiên, vào một thời điểm nào đó trong mỗi con người?

Không, thị hiếu thẩm mỹ cũng như mọi biểu hiện khác của những nhu cầu của con người, cũng như tính tình của con người, đều có nguồn gốc sinh thành và quá trình phát triển của nó. Bác Hồ đã viết trong Nhật Ký Trong Tù: “… Hiền dữ phải đâu là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên.”

Thị hiếu cũng vậy, nó được sinh ra trong điều kiện giáo dục nào đó, được nuôi dưỡng trong một hoàn cảnh thích hợp nào đó, vừa do tác động khách quan của hoàn cảnh của giáo dục, vừa do điều kiện chủ quan của mỗi người.

Trong tâm lý con người, mối quan hệ tình cảm và lý trí là mối quan hệ phức tạp. Có những lúc lý trí và tình cảm gắn bó phù hợp với nhau, nhưng cũng có lúc không ăn khớp.

Có lúc lý trí làm sáng lên tình cảm đẹp, nhưng cũng có lúc tình cảm không đẹp kéo theo cả lý trí. Trong sinh hoạt thẩm mỹ cũng thường có hiện tượng phức tạp đó.

Tình cảm bao giờ cũng gắn với hành động, là khâu tâm lý cuối cùng được chuyển thành hành động. Tình cảm thường bộc lộ thành hành động, ngược lại hành động bao giờ cũng do một động cơ tình cảm thúc đẩy.

Vì vậy, khi nói đến thị hiếu là nói đến hành động lựa chọn: lựa chọn một kiểu áo, lựa chọn một cuốn sách, một tác phẩm âm nhạc,… và mọi tình cảm, mọi hành động của con người đều dựa trên cơ sở của lý trí nhất định.

Sự yêu thích, sự lựa chọn cái đẹp của một người bao giờ cũng xuất phát từ những tiêu chuẩn do người đó đặt ra, xuất phát từ lý lẽ của người đó. Đó chính là lý trí. Vậy khi nói thị hiếu là vấn đề tình cảm, ta không quên cái lõi lý trí ở bên trong.

Trong sinh hoạt thẩm mỹ, nhiều trường hợp lý trí và tình cảm phù hợp với nhau. Nhưng trong thực tiễn đời sống, trong sinh hoạt thẩm mỹ cũng có khi ta thấy hiện tượng lý trí và tình cảm hoàn toàn không phù hợp.

Có khi con người có ít nhiều tình cảm tốt nhưng chưa có ánh sáng của tri thức, của tư tưởng lý luận đúng đắn, nên tình cảm cũng trở thành bế tắc.

Nhiều anh chị em thanh niên tốt, nhưng ít được học hỏi, có khi không phân biệt được cái đẹp và cái xấu. Họ chạy theo những mốt sinh hoạt, những kiểu ăn mặc kệch cỡm mà cứ tưởng là đẹp.

Có khi đọc sách, nghe nhạc loại tầm thường thấp kém một cách tự nhiên mà không biết. Đối với những anh chị em này, nếu tập thể kịp thời uốn nắn, bồi dưỡng cho họ tri thức thẩm mỹ mới thì họ sẽ thay đổi thị hiếu không khó khăn lắm.

Một bản chất tình cảm tốt, một bản chất tâm hồn đẹp là yếu tố quan trọng, quyết định việc tiếp nhận những quan điểm thẩm mỹ tiên tiến. Nó như mảnh đất tốt, khi những hạt chân lý gieo vào, thì sẽ mọc mầm xanh tươi nhanh chóng.

Trên đây là những biểu hiện khác nhau của mối quan hệ lý trí và tình cảm trong thị hiếu thẩm mỹ. Những nhận xét đó đưa đến kết luận thực tiễn trong công cuộc giáo dục thẩm mỹ của chúng ta.

Cần phải quan tâm nhiều đến việc giáo dục tình cảm, thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh đi đôi với việc phổ biến nâng cao tri thức về thẩm mỹ và nghệ thuật. Cần xây dựng cái nền tảng lý trí cho thật vững để làm chỗ dựa chắc cho tình cảm thẩm mỹ.

Ngược lại, cần phát huy những nhân tố tích cực lành mạnh của tâm hồn, tình cảm để làm mảnh đất tốt cho việc gieo những hạt giống tri thức thẩm mỹ mới.

Nghĩa là làm sao để có lý trí cao, phù hợp với tình cảm đẹp, như có nhà thơ đã nói: “sáng mắt, sáng lòng”.

2. Cá nhân và xã hội

Khi bàn đến những đặc điểm xã hội của thị hiếu, ta có thể nói về tính giai cấp, tính dân tộc. Đó là những đặc điểm chung có tính chất phổ biến. Bất kỳ một sự ưa thích, một sự lựa chọn nào trong lĩnh vực thẩm mỹ cũng mang dấu vết xã hội.

Tuy nhiên, khi nói đến yếu tố xã hội, không thể không nói đến yếu tố cá nhân. Nhất là trong lĩnh vực thẩm mỹ và nghệ thuật, vai trò của cá tính cũng rất quan trọng.

Ở đây, cần làm rõ hơn nội dung xã hội và nội dung cá nhân mà ta đang đề cập đến. Thực ra, trong mọi hiện tượng, tình cảm hay thị hiếu thẩm mỹ, tính chất cá nhân và tính chất xã hội không thể tách rời được.

Một người thích hay không thích để tóc dài, tóc ngắn, tóc tém, vừa là hiện tượng có tính xã hội, vừa là hiện tượng có tính cá nhân. Trong một hoàn cảnh xã hội nào đó, từ một lối sống xã hội như thế nào đó, mới xuất hiện những mốt thời trang đó.

Đồng thời, cũng do điều kiện giáo dục, điều kiện nghề nghiệp, tâm lý riêng nên người này mới thích cái mốt này, mà người khác cũng vì điều kiện riêng nên thích, không làm theo. Vì vậy, mỗi một biểu hiện của thị hiếu vừa có tính chất cá nhân, vừa có tính chất xã hội.

Nhưng nội dung xã hội và cá nhân, ta muốn đề cập ở đây chủ yếu là: xét xem trong hiện tượng thị hiếu, yếu tố này có quan hệ đến những vấn đề xã hội, có ảnh hưởng đến xã hội, còn yếu tố nào không quan hệ, không có ảnh hưởng đến xã hội (xét về mặt chính trị, về đạo đức xã hội).

Hay nói cách khác, yếu tố nào thuộc phạm vi xã hội, và yếu tố nào thuộc phạm vi cá nhân. Đây là vấn đề có ý nghĩa thực tiễn trong việc giáo dục thị hiếu của xã hội, và sự tu dưỡng rèn luyện thị hiếu của bản thân mỗi người.

Khi nhận xét về thị hiếu thẩm mỹ ở một người, ta nên phát hiện yếu tố xã hội chủ yếu ở mặt nội dung và yếu tố cá nhân chủ yếu ở mặt hình thức. Thực chất là nội dung không tách rời hình thức, nhưng trong vận dụng thực tiễn cũng có khi cần phân biệt.

Trong một hiện tượng thị hiếu, yếu tố nội dung thường thể hiện ở quan điểm, lập trường tư tưởng trong khi lựa chọn cái đẹp và nghệ thuật. Thể hiện ở ý nghĩa, tác dụng của đối tượng ta yêu thích đối với đời sống xã hội, đối với đạo đức, chính trị, thuần phong mỹ tục.

Biểu hiện của phương diện hình thức của thị hiếu thường là sự ham thích loại hình, loại thể, nghệ thuật và phong cách, bút pháp, ngôn ngữ, chất liệu. Thơ hay truyện, âm nhạc hay hội họa, nhạc hát hay nhạc đàn, tranh phong thủy hay tranh sinh hoạt hay tranh phong thủy, phong cách, bút pháp của nhà thơ, nhà văn, màu sắc nào,…

Những biểu hiện hình thức này của thị hiếu, thường ít liên quan với những vấn đề xã hội, cho nên có thể xem là thuộc phạm vi tự do sáng tạo, lựa chọn của mỗi cá nhân.

Những vấn đề nội dung ý nghĩa thường xuất phát từ nhân sinh quan, đạo đức, lối sống của con người. Những vấn đề hình thức bút pháp thường do đặc điểm riêng về năng lực, điều kiện giáo dục riêng, kinh nghiệm và cá tính.

Ý thích của mỗi người thường được hình thành trên những cơ sở kinh nghiệm, những kỷ niệm riêng. Ngay cả mặt sinh lý, mặt di truyền cũng tạo ra cái độc đáo cá nhân của thị hiếu.

Do sức khỏe vốn ốm yếu, có thể có bạn ưa những màu sắc nhẹ nhàng, không chói mắt hay những loại nhạc êm nhẹ, những nhạc cụ ít tiếng vang, điều đó chẳng ai trách.

Nhưng nếu chỉ chọn những sản phẩm có nội dung tiêu cực, bệnh hoạn để phù hợp với cái tạng gầy yếu của bạn, thì lại là vấn đề khác.

Những ý thích riêng do tâm sinh lý, do điều kiện sống riêng tạo nên, cũng rất tương đối, vẫn có thể thay đổi trong những hoàn cảnh và với biện pháp giáo dục nào đó.

Nhu cầu và ý thích riêng cũng có thể đi từ tiêu cực đến tích cực và ngược lại, từ tích cực trở thành tiêu cực. Có người từ chỗ thích phim truyện khiêu dâm, xem phim khiêu dâm online, xem phim bạo lực đến chỗ ghét các thể loại đó.

Nhưng cũng có người trước chưa đọc, chưa xem, khi tình cờ tiếp xúc với nó, đâm ra ham, tập thêm cho mình một thói quen xấu.

Trong giáo dục thẩm mỹ, cần chú ý khuyến khích sự phát triển nhu cầu, ý thích của cá nhân đi theo hướng ngày càng tích cực và luôn đề phòng uốn nắn sự đi ngược chiều.

Mặt khác, luôn tìm cách bồi bổ, nâng cao trình độ hiểu biết của mọi người, để những sự ham thích không bị thành kiến, thiên lệch, phiến diện.

Thích nghệ thuật này, không thích nghệ thuật khác, nhiều khi chỉ vì sự hiểu biết ít ỏi, phiến diện do thói quen và do thành kiến, chưa hẳn đã là một bản tính độc đáo và sâu sắc.

Tóm lại, trong việc giáo dục thị hiếu thẩm mỹ, ngoài việc bồi dưỡng tư tưởng lý tưởng thẩm mỹ cho xã hội, cần chú ý cả sự ổn định và phát triển của cá nhân.

Cần hướng dẫn thị hiếu cho mọi người mang nội dung xã hội tích cực, tiến bộ theo một lý tưởng thẩm mỹ tiên tiến, nhưng mặt khác cũng cần chú ý đến đặc điểm riêng của từng người, làm cho mỗi người có một cá tính đặc sắc trong sự am hiểu, trong sự sáng tạo và thưởng thức cái đẹp.

Đó là công việc khó khăn của giáo dục và rèn luyện thị hiếu, nhằm xây dựng một vườn hoa rộng lớn với trăm hồng ngàn tía. Trong đó, mỗi một bông hoa đều có vẻ đẹp và hương thơm riêng.

3. Hai khuyết tật cần ngăn ngừa

Thị hiếu thẩm mỹ là sự ưa chuộng, sự ham thích đối tượng có mang tính thẩm mỹ. Nó là vấn đề ý thức được cụ thể hóa bằng hành động, bằng vật phẩm. Nó in dấu vết trên hầu khắp những gì do con người tạo ra trong môi trường sống.

Những biểu hiện tiêu cực về mặt thị hiếu rất phức tạp, và đa dạng, như trạng thái bệnh tật của cơ thể con người, không thể bắt mạch kê đơn thuốc chính xác ngay từ đầu, mà cần phải qua một quá trình nghiên cứu và phân tích, dựa vào lý luận khoa học và kinh nghiệm.

Nhưng… Bước đầu ta có thể lần ra được từ trong cái phức tạp đa dạng kia, những quy luật chung, những bệnh trạng có tính chất phổ biến. Trong việc sáng tạo, thưởng thức cái đẹp và nghệ thuật, trong nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ những biểu hiện xấu, thường quy vào hai hiện tượng sau đây: chủ nghĩa hình thức, và chủ nghĩa tự nhiên.

Hai khái niệm chủ nghĩa hình thức và chủ nghĩa tự nhiên ở đây, hiểu theo nghĩa rộng. Nó chỉ là hai loại bệnh trong sinh hoạt thẩm mỹ, chứ không phải tên gọi của một trường phái hay một xu hướng nghệ thuật.

Đó là hai chứng bệnh chung, thể hiện cả trong sáng tác nghệ thuật và trong sinh hoạt thẩm mỹ trong đời sống hàng ngày. Nó có thể có những mức độ biểu hiện khác nhau.

Hoặc, xuất phát từ những cơ sở triết học sâu xa, nhưng nó cũng có thể là sự biểu hiện hoàn toàn của cảm tính, tự phát theo thói quen của những người bình thường, không làm văn học nghệ thuật, và không am hiểu mấy về văn hóa nghệ thuật.

Tóm lại, mỗi một biểu hiện xấu nào đó về mặt thị hiếu thẩm mỹ, dù có ý thức hay không có ý thức rõ ràng, đều có thể rơi vào một trong hai cái bệnh chung đó.

Trong đời sống hàng ngày, những biểu hiện hình thức và tự nhiên trong nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ, thường phát sinh từ lối sống. Nhưng cũng có khi vì ít học hỏi, ít hiểu biết, ham chạy theo cái mới, cái lạ mà bắt chước các xu hướng tiêu cực một cách mù quáng.

Vì vậy, bất cứ ai cũng có thể mắc phải những thứ bệnh hình thức, hay tự nhiên nếu không có sự tu dưỡng rèn luyện một thị hiếu thẩm mỹ tiên tiến. Hàng ngày, đi trên đường phố hay về các làng mạc, vào một cơ quan hay một phòng ở của tư nhân, hay thuê căn hộ chung cư cao cấp, hay ở những ngôi nhà cấp 4, ta đều có thể nhận thấy những biểu hiện khác nhau của thị hiếu thẩm mỹ:

Từ kiến trúc của những khu phố, những cửa hàng, trang trí trong hội trường hay bày biện trong nhà ở, trong thiết kế nội thất sang trọng và quý phái, hay ở những biển quảng cáo ngoài trời lẫn trong nhà, những khẩu hiệu, đến những mẫu hàng hóa, những bìa sách, từ lối ăn mặc, đi đứng đến lời ăn tiếng nói, đến câu văn chữ viết,… đều thể hiện rõ đặc tính về thị hiếu thẩm mỹ của con người.

Ở tất cả các hiện tượng đó, chủ nghĩa hình thức và chủ nghĩa tự nhiên đều có thể len lỏi vào, nó không từ một khu vực nào, công cộng hay tư nhân, không từ một quy mô nào, một tòa nhà hay một nét chữ trên vở học trò.

Vì vậy, khi nói đến việc tu dưỡng rèn luyện thị thiếu thẩm mỹ tiên tiến, cũng có nghĩa là luôn luôn đi đôi với việc phê phán, và tránh chủ nghĩa hình thức và chủ nghĩa tự nhiên, hai thái cực của loại thị hiếu xấu. Trước hết, chúng ta hãy bàn về loại thị hiếu hình thức chủ nghĩa.

4. Thị hiếu hình thức chủ nghĩa là gì?

Quan điểm đúng đắn bao giờ cũng xem nội dung là yếu tố quan trọng nhất, là mặc bản chất nhất. Hình thức tuy có gắn bó với nội dung, không có hình thức thì không có nội dung, nhưng… hình thức vẫn là mặt thứ hai, phục tùng sự chỉ đạo của nội dung.

Thí dụ: tổ chức một buổi dạ hội mừng công cuối năm, trong đó nội dung mừng công là có ý nghĩa quyết định, nhưng phải có treo đèn kết hoa, có ca nhạc, nghĩa là có cả hình thức thì mới thành buổi dạ hội.

Tuy nhiên, nếu tổ chức hình thức quá linh đình, tiệc tùng phung phí, trống dong cờ mở, … sẽ trở thành phản tác dụng mất ý nghĩa đúng đắn của nội dung. Qua đó, ta thấy vấn đề hình thức là vấn đề mức độ.

Tính mực thước là một yêu cầu hết sức quan trọng trong việc xử lý hình thức, ở đó sẽ có sự coi nhẹ hoặc phủ định nội dung. Mực thước ở đây là đảm bảo tính cân đối, hài hòa trong mối quan hệ giữa hình thức và nội dung.

Đứng về bản chất xã hội mà nói, chủ nghĩa hình thức cực đoan bộc lộ khi giai cấp thống trị cố tình lấy cái vỏ bề ngoài, lấy việc tô son trát phấn cho bộ mặt để che đậy sự mục nát ở bên trong.

Ngoài ra, ở những xã hội mà kinh tế thương mại hoàng thành, việc rao hàng, quảng cáo trở thành cứu cánh, thì những hình thức phô trương cũng được phát triển cao độ.

Người ta luôn luôn phải căng óc để phân biệt cái thật cái giả, phải vận dụng bao nhiêu năng lực của trí tuệ mới nhìn thấy giá trị thật của hàng hóa, của cái đẹp và của con người.

Trong sáng tạo nghệ thuật. Tuy ở mức độ và quy mô khác nhau, nhưng chủ nghĩa hình thức có khi là quan niệm nghệ thuật nhưng cũng có khi là sự khủng hoảng về tư tưởng.

Nó có thể hiện lẻ tẻ ở một vài người, nhưng cũng có khi ở cả một trường phái. Trong xã hội ta, xu hướng vọng ngoại lai căng hình thức, vẫn còn thấy đó đây trong cuộc sống hằng ngày.

Trong sinh hoạt thẩm mỹ của con người, những biểu hiện không lành mạnh thường hay xuất hiện đồng thời, hiện tượng nọ liên quan với hiện tượng kia. Khi chủ nghĩa hình thức xuất hiện, thì chủ nghĩa tự nhiên cũng có mặt.

Chủ nghĩa hình thức biểu hiện ở mặt xử lý, vận dụng hình thức một cách quá mức, phô trương giả tạo, biểu hiện sự cực đoan của hình thức đi đến che lấp nội dung và phủ định, xóa bỏ nội dung.

Còn chủ nghĩa tự nhiên đi theo một hướng đi khác, biểu hiện sự cực đoan trong việc đề cao yếu tố tự nhiên, từ sao chép máy móc thô thiển đến chỗ lấp lại, và tô đậm những yếu tố bản năng của con người.

5. Chủ nghĩa tự nhiên là gì?

Chủ nghĩa tự nhiên là một thứ bệnh khá phổ biến trong sinh hoạt văn hóa thẩm mỹ, nhất là trong hoàn cảnh suy đồi về đạo đức và hoàn cảnh đời sống vật chất, văn hóa còn thấp kém.

Nó không chỉ thể hiện trong văn chương nghệ thuật, từ người sáng tác đến người thưởng thức, từ việc sản xuất hàng hóa, từ phong tục, nếp sống đến sinh hoạt giao tế và thời trang.

Tính chất tự nhiên sao chép ấu trĩ vẫn thường gặp trong những trường hợp thị hiếu thẩm mỹ của con người chưa phát triển. Người ta ưa sáng tác và thưởng thức lặp lại những chi tiết y hệt tự nhiên, và người ta cho sự giống y hệt đó là cái đẹp.

Ở đây, cũng cần phân biệt thứ thị hiếu tầm thường đó với yêu cầu nghiêm túc của sự tu dưỡng nghệ thuật, là phải biết quan sát tỉ mỉ và thể hiện chính xác các hiện tượng của đời sống một cách chọn lọc.

Những đồ sừng, đồ sơn mài, những tranh vẽ trên bìa, trên kính, những tranh khắc, những đồ có chạm trổ, những bưu ảnh bưu phiếu, với những phong cảnh chim hoa tùng hạc tỉa tót từng cái lông cái vảy, từng gân lá nụ hoa.

Những tranh đàn bà Nhật Bản, đàn bà Tàu tô vẽ từng sợi tóc, lông mi, nước da hồng, môi son má phấn cố sao cho giống như thật tràn ra khắp thành thị và nông thôn, gieo rắc thị hiếu tầm thường trong quần chúng.

Nhưng hiện tượng trên đây chỉ là việc của những người làm thủ công mỹ nghệ, và mang tính chất thương mại. Đáng buồn hơn nữa là những người tự xưng là nghệ thuật, làm công việc của nhà văn hóa, vì mục đích gọi là sáng tạo nghệ thuật hiện nay thịnh thành ở u Mỹ.

Nhân danh nghệ thuật “mô-đéc-nít”, họ mang cả giẻ rách, ống bơ rỉ, mang cả cuốc xẻng và cả những đống đất, hay dắt cả một đàn ngựa trưng bày vào phòng triển lãm.

Thậm chí có những người như họa sỹ Ben người Pháp, trình bày cả bản thân con người ông ta, bằng cách ngồi chễm chệ trên chiếc ghế và mang trước ngực tấm biển đề là: “Hãy nhìn tôi thế là đủ”.

Trong âm nhạc và múa, những người theo xu hướng tự nhiên chủ nghĩa cũng khai thác triệt để những tiết tấu, màu sắc, động tác kích thích bản năng, hoặc dùng những tiếng động tự nhiên thay cho giai điệu âm nhạc.

Đó là chưa kể những dàn nhạc của trường phái âm nhạc cụ thể, đã lấy những đồ vật tự nhiên như nồi niêu xoong chảo đem hòa tấu thành những nhạc khúc kỳ dị.

Những biểu hiện của chủ nghĩa tự nhiên ở hình thái trên đây, cũng mới chỉ là làm méo mó thị hiếu thẩm mỹ của quần chúng, kỳ thực nó chưa có tác hại bằng thứ chủ nghĩa tự nhiên bản năng và đồi trụy.

Sau nhiều thế kỷ bị đè nén dưới ách phong kiến và thần quyền, con người bị bưng bít và bị nô dịch bởi những thứ triết lý phản tự nhiên, bị kìm hãm trong vòng u tối, không biết nhìn và không dám nhìn vào tự nhiên đầy sức sống đang phát triển.

Nhưng khi được giải phóng ra khỏi sự kìm kẹp phong kiến u tối đó, thì một xu hướng khác trong xã hội tư bản lại đẩy con người vào vòng u tối khác, chỉ nhìn thấy cái bản năng tự nhiên mà không thấy những giá trị xã hội và giá trị tinh thần cao quý khác.

Xuất phát từ quan điểm gọi là khách quan, phi chính trị, một số nhà văn tự trao cho mình nhiệm vụ nhà khoa học trong phòng thí nghiệm, viết văn như làm thực nghiệm khoa học, chủ trương miêu tả không cần chọn lọc, không cần hư cấu, như làm công việc chụp ảnh.

Trong thời kỳ đầu, trường phái tự nhiên có ít nhiều tác dụng trong việc chống lại những quan điểm duy tâm tôn giáo.

Nhưng thái độ làm thực nghiệm khoa học của những nhà văn này, thì chú trọng khai thác những biểu hiện tiêu cực bệnh hoạn về thể chất và tinh thần của con người, đã mở đầu cho xu hướng nghệ thuật đồi trụy.

Từ những trang sách, băng nhạc, hình ảnh, từ những bộ phim độc hại này, con người hiện ra với bộ mặt xấu xa thảm hại, mang rõ hai đặc tính dâm dật và tàn bạo xấu xa.

Chủ nghĩa hình thức và chủ nghĩa tự nhiên là hai thái cực của những loại thị hiếu xấu xa. Hai thứ bệnh này có khả năng xâm nhập và lan tràn ở mọi nơi mọi lúc, xoắn vào nhau trong một sản phẩm, một hiện tượng, cho đến phong cách thị hiếu của một con người và rộng ra là xã hội.

Để bồi dưỡng thị hiếu tốt, không thể không chú ý gạn lọc ra khỏi đời sống thẩm mỹ những nhân tố hình thức và tự nhiên chủ nghĩa, và phải luôn chú ý ngăn ngừa sự thâm nhập của hai khuyết tật đó.

Lê Ngọc Trà
Lâm Vinh
Huỳnh Như Phương


Bạn đang xem bài viết:
Giáo dục thị hiếu thẩm mỹ với mục tiêu trực tiếp là gì?
Link https://myhocdaicuong.com/dai-cuong/giao-duc-thi-hieu-tham-my-voi-muc-tieu-truc-tiep-la-gi.html
#myhocdaicuong #thihieuthammy


Nội dung tìm kiếm khác: Bàn thêm về nội dung và hình thức giáo dục thẩm mỹ. Bàn về thị hiếu thẩm mỹ của giới trẻ trong bối cảnh hội nhập. Đặc trưng của giáo dục thị hiếu thẩm mỹ. Giáo dục tư tưởng và thị hiếu thẩm mỹ cho sinh viên. Mối quan hệ giữa thị hiếu thẩm mỹ và thị hiếu nghệ thuật. Một số nguyên tắc về giáo dục thị hiếu thẩm mỹ. Sự khác biệt giữa thị thiếu thẩm mỹ và thị hiếu là gì? Thị hiếu nghệ thuật là gì. Thị hiếu thẩm mỹ của giới trẻ hiện nay. Thị hiếu thẩm mỹ là gì. Thị hiếu thẩm mỹ mang tính thời đại. Thực trạng công tác giáo dục thị hiếu thẩm mỹ cho sinh viên. Thực trạng sự biến đổi và vấn đề giáo dục thị hiếu thẩm mỹ. Ví dụ về thị hiếu thẩm mỹ.

Tiêu đề bài viết: Giáo dục thị hiếu thẩm mỹ với mục tiêu trực tiếp là gì?
Chuyên mục: Mỹ Học Đại Cương
Ngày đăng: February 14, 2024
Tác giả:
Lượt xem: 185 views
Website: https://myhocdaicuong.com
Link bài viết: https://myhocdaicuong.com/dai-cuong/giao-duc-thi-hieu-tham-my-voi-muc-tieu-truc-tiep-la-gi.html