Lý Tưởng Thẩm Mỹ là gì?

Con người là một sinh vật không bao giờ bằng lòng với những điều đang có trước mắt, nó luôn luôn có khát vọng vươn tới sự hoàn thiện hoàn mỹ trong viễn cảnh tương lai.

Sự hoàn thiện hoàn mỹ đó có thể con người sẽ không bao giờ đạt tới, nhưng bao lâu con người còn đứng trên đôi chân của mình, thì bấy lâu vẻ đẹp lý tưởng còn có sức vẫy gọi nó đi về phía trước.

Lý tưởng là gì?

Lý tưởng là ý niệm về sự hoàn thiện, là ước mơ về tương lai. Lý tưởng phát huy sức mạnh của trí tuệ và ý chí con người, làm cho hành động của con người vươn tới một mục tiêu rõ rệt.

Sự thể hiện và thực hiện lý tưởng đòi hỏi một tiền đề tất yếu, là con người phải có tự do trong tất cả những hoạt động thực tế của mình. Trong những lĩnh vực hoạt động đa dạng của con người, có thể nói đến lý tưởng xã hội chính trị, lý tưởng đạo đức, lý tưởng thẩm mỹ.

Lý tưởng xã hội chính trị là quan niệm về một cơ cấu xã hội hoàn chỉnh, và một chế độ chính trị tiến độ nhất. Lý tưởng đạo đức là quan niệm về những chuẩn mực hành vi con người.

Còn lý tưởng thẩm mỹ là quan niệm mang tính cụ thể, cảm tính về sự phát triển tự do, và đầy đủ nhất những khả năng thể chất và tinh thần của con người, về vẻ đẹp hài hòa của đời sống thiên nhiên và xã hội, về chuẩn mực cao nhất của sự hoàn thiện hoàn mỹ, và còn đường để vươn tới đó.

Nếu cảm xúc thẩm mỹ nảy sinh từ sự tiếp xúc với những cái đẹp thực tế, thì lý tưởng thẩm mỹ lại hướng tới cái đẹp trong ước mơ và khát vọng của con người, nó nêu bật hình ảnh về những giá trị thẩm mỹ mà con người cho rằng cần phải có, cần nên có.

Nếu thị hiếu thẩm mỹ là kết quả sự tổng hợp những kinh nghiệm thẩm mỹ còn mang nhiều tính chủ quan, thì lý tưởng thẩm mỹ là sự đúc kết mang tính khách quan, và sâu sắc những kinh nghiệm không chỉ của một con người, một tầng lớp xã hội, mà còn của cả một thời đại nhất định.

Hình thức biểu hiện lý tưởng thẩm mỹ là gì?

Lý tưởng thẩm mỹ có hình thức biểu hiện rất đặc biệt. Các lý tưởng xã hội chính trị, đạo đức thường được diễn tả bằng những khái niệm, phạm trù trừu tượng chẳng hạn : “Lý tưởng của tôi là nước cộng hòa”, “Lý tưởng đạo đức của xã hội phong kiến là trung, hiếu, tiết, nghĩa”,…

Còn lý tưởng thẩm mỹ thì có liên quan mật thiết đến quan hệ cảm tính của con người, với môi trường chung quanh, nên có hình thức biểu hiện mang tính cụ thể cảm tính, mà nếu thiếu nó, sẽ không thể tạo ra ấn tượng về hình ảnh cái đẹp cần phải có, cái đẹp trong ước mơ.

Trong lý tưởng thẩm mỹ chiều sâu của sự nhận thức về quy luật phát triển của cuộc sống, về viễn cảnh tương lai được kết hợp một cách hài hòa với tính trực quan của hình tượng và sự cá thể hóa. Chẳng hạn lý tưởng thẩm mỹ của xã hội nguyên thủy được biểu hiện thông qua hình tượng con người chinh phục các bộ lạc và giành được ngọn lửa thiêng trong tay thần linh.

Lý tưởng thẩm mỹ trong xã hội Hy Lạp thời cổ đại được nêu bật qua hình ảnh nhà hiền triết thông thái, hay người công dân anh hùng, gan dạ như Achille trong Hiade.

Đối với xã hội phong kiến thời Trung cổ, hiện thân của lý tưởng thẩm mỹ là người hiệp sĩ và nhà tu hành. Thời phục hưng để lại dấu ấn về lý tưởng thẩm mỹ qua những cá tính phát triển hài hòa mà L de Vinci, Rafael, Michel Ange, … đã xây dựng nên.

Trong thời đại của chủ nghĩa cổ điển, lý tưởng thẩm mỹ được phản ánh trong những hình tượng thể hiện quan niệm cao cả về nghĩa vụ, như những nhân vật trong kịch của Corneille, Racine, … Trong văn học thời đại ánh sáng, lý tưởng thẩm mỹ gắn liền với những hình tượng nhân vật đại diện cho lý trí, như Faust của Goethe, Robinson của Defoe, …

Lịch sử tư tưởng mỹ học đã ghi nhận Winckelmann và sau đó Lessing là những người đầu tiên sử dụng thuật ngữ Lý Tưởng Thẩm Mỹ. Nhưng bản thân vấn đề lý tưởng thẩm mỹ, thì Platon đã từng đặt ra khi ông nêu lên tiêu chí của sự đánh giá thẩm mỹ gắn liền với những lý tưởng vĩnh cửu, và bất biến về cái đẹp.

Những tiêu chí này thoát khỏi tính chất cảm tính và chủ quan của cá nhân. Sau Platon, Aristote cho rằng người nghệ sĩ cần phải xây dựng lý tưởng thẩm mỹ cho mình, bằng cách bắt chước ở những mẩu người khác nhau một số đặc điểm hoàn thiện nào đó.

Trong xã hội Hy Lạp cổ, lý tưởng thẩm mỹ có liên quan đến ý niệm về sự hài hòa giữa tâm hồn, và thể xác, bên trong và bên ngoài. Nhưng đến mỹ học thời Trung cổ, thì khái niệm lý tưởng thẩm mỹ lại gắn liền với khái niệm tinh thần như là tiêu chí cao nhất để đánh giá hoạt động nghệ thuật, và được thể hiện thông qua nội dung mang tính chất tôn giáo, đặc biệt là trong hội họa và kiến trúc.

Sang thời đại Phục hưng, lý tưởng thẩm mỹ mang một nội dung mới khi mà con người, với sự phong phú về tình cảm và khả năng nhận thức của nó, được xem là tiêu chuẩn lý tưởng của cái đẹp. Như Shakespeare đã khẳng định “Con người là vẻ đẹp của thế gian, là kiểu mẫu của muôn loài”.

Thời Phục hưng đã chứng kiến sự ra đời một trào lưu triết học, văn hóa, nghệ thuật tiến bộ hướng đến việc giải phóng cá tính con người khỏi những ràng buộc và sự trì trệ về tư tưởng của chủ nghĩa phong kiến về thần học KiTô Giáo. Thời kỳ này việc nghiên cứu vấn đề lý tưởng thẩm mỹ đã tiến xa hơn một bước trong sáng tác của các nghệ sĩ, cũng như trong công trình của các nhà lý luận nghệ thuật.

Họ đã khẳng định mối quan hệ giữa hiện thực và lý tưởng trong nghệ thuật, đã hoàn thiện cái đang có bằng cách sáng tạo cái phải có, cái cần có. Mỹ học thời khai sáng đã mở rộng khái niệm bắt chước tự nhiên, mà Aristote đề xướng, bao hàm trong đó cả môi trường xã hội. Diderot, Winckelmann, Lessing, …

Tiếp tục phát triển theo cách của mình, tư tưởng về mối quan hệ giữa lý tưởng và hiện thực, lý tưởng và chân lý, Diderot là người đầu tiên nhấn mạnh chức năng nhận thức của lý tưởng.

Winckelmann cũng như Lessing đã chỉ ra vai trò và ý nghĩa của lý tưởng thẩm mỹ trong việc nhận thức bản chất của nghệ thuật cổ đại, đồng thời vạch ra sự khác biệt giữa vẻ đẹp hình thức bên ngoài với lý tưởng tâm hồn bên trong.

Winckelmann xem lý tưởng thẩm mỹ như là mục đích của sáng tạo nghệ thuật, ông đặt lý tưởng cao hơn cả chân lý. Còn Lessing thì khẳng định quan niệm hiện thực về cái đẹp, ông cho rằng lý tưởng thẩm mỹ phản ánh chân lý đời sống. Triết học duy tâm cổ điển Đức, gắn liền việc nghiên cứu lý tưởng thẩm mỹ với những vấn đề nhận thức luận cơ bản.

Baumgarten đã xem lý tưởng như một cái gì hoàn thiện, ông yêu cầu người nghệ sĩ phải mô phỏng tự nhiên, để có thể tiếp cận được lý tưởng. Sau Baumgarten, mỹ học ngày càng phân biệt rõ ràng hơn khái niệm lý tưởng thẩm mỹ, với sự hoàn thiện nghệ thuật, cũng như chất lượng nghệ thuật của tác phẩm.

Khái niệm lý tưởng thẩm mỹ là gì?

Khái niệm lý tưởng thẩm mỹ được nghiên cứu một cách sâu sắc trong mỹ học Hegel, nơi mà phạm trù lý tưởng trở thành vấn đề trung tâm và có quan hệ với sự thay đổi của ý thức thẩm mỹ, được nhà triết học xem như một tiến trình lịch sử có tính chất tất yếu. Hegel là người đầu tiên đã xem xét lý tưởng thẩm mỹ như một thái độ sống được nhận thức, và diễn tả thông qua nghệ thuật.

Và nghệ thuật được ông xác định là sự biểu hiện lý tưởng về cái đẹp trong hình thức cụ thể cảm tính của hình tượng. Hegel cho rằng Hy Lạp cổ là nơi mà tình trạng thế giới phù hợp với lý tưởng, và nghệ thuật Hy Lạp là nền nghệ thuật thực sự mang tính cổ điển.

Trong thời đại mới, theo tư tưởng của nhà triết học, nội dung xã hội phải được chuyển sang phạm vi cá nhân, cái tinh thần thống trị của cái duy lý so với cái thẩm mỹ, và hậu quả sẽ là sự hủy hoại của bản thân lý tưởng thẩm mỹ.

Quan niệm duy tâm trên đây về lý tưởng thẩm mỹ đối lập với lý luận của các nhà dân chủ, cách mạng Nga vốn khẳng định sự gắn bó giữa nghệ thuật và đời sống, và xem lý tưởng thẩm mỹ như là phương thức cải tạo hiện thực.

Theo V Bielinski không nên xem lý tưởng như một cái gì đưa vào từ bên ngoài, mà cần phải rút nó ra từ chính hiện thực. Ông cho rằng “lý tưởng không phải là trò chơi ngẫu hứng của trí tưởng tượng, không phải điều bịa đặt, là những giấc mơ, đồng thời lý tưởng cũng không phải là bản sao chép của hiện thực, mà là khả năng của một hiện tượng nào đó, được trí tự phỏng đoán, và trí tưởng tượng cảm nhận ra”.

Herzen và Tchernychevski cũng có những đóng góp đáng kể vào việc nghiên cứu lý tưởng thẩm mỹ. Đối với hai ông, lý tưởng là sự phản ánh trong ý thức con người, những xu hướng nổi bật của cuộc sống, và những khả năng căn bản của sự phát triển. Tchernychevski xem xét vấn đề lý tưởng thẩm mỹ, trong mối quan hệ mật thiết với vấn đề nhân vật lý tưởng.

Mâu thuẫn giữa hiện thực và lý tưởng, giữa cuộc sống như nó đang tồn tại với cuộc sống như nó phải phù hợp với quan niệm của con người, cần được nhà văn giải quyết không phải bằng cách biến lý tưởng phải phục tùng hiện thực, mà bằng cách miêu tả hiện thực với tinh thần phê phán, từ lập trường của lý tưởng dân chủ, cách mạng.

Mục tiêu lý tưởng thẩm mỹ là gì?

Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Marx đã xem xét vấn đề lý tưởng thẩm mỹ, như là vấn đề mối quan hệ giữa lý tưởng và hiện thực trong điều kiện xã hội có mâu thuẫn giai cấp đối kháng. Các mục tiêu lý tưởng và khát vọng của con người lần đầu tiên, đã được đặt ra trong mối quan hệ với nhiệm vụ thực tiễn nhằm cải tạo thế giới.

Marx và Engels đã phê phán tính chất ảo tưởng của các lý tưởng mà đằng sau nó không có sự hỗ trợ của những lực lượng xã hội hiện thực đặt cơ sở trên sự nhận thức những quy luật lịch sử khách quan. Hai ông chỉ ra rằng tất cả những lĩnh vực của ý thức xã hội và hoạt động thực tiễn đều có liên quan với phạm trù lý tưởng.

Marx viết : “Không phải con người chỉ thực hiện sự thay đổi hình thức trong những vật liệu do tự nhiên cung cấp mà thôi, đồng thời con người còn thực hiện mục đích có ý thức của chính mình, mục đích này chính là quy luật quyết định phương thức, và tính chất hành động của con người, nó bắt ý chí của con người phải phục tùng vào nó”.

Theo quan điểm của Mác Xít, giá trị của lý tưởng phụ thuộc trực tiếp vào khả năng thực hiện nó trong lịch sử. Và lý tưởng thẩm mỹ chỉ được thực hiện trọn vẹn không phải trong quá khứ, mà trong tương lai, khi mà “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” (K Marx)

Trong khi giữ nội dung độc lập và đặc trưng riêng của nó, lý tưởng thẩm mỹ vẫn có liên quan mật thiết với lý tưởng xã hội. M Gorki từng khẳng định một ý kiến cho rằng “mỹ học là đạo đức học của tương lai”.

Bằng phương thức nghệ thuật, người nghệ sĩ khám phá ra những khuynh hướng phát triển của đời sống, đặt vấn đề về cái cần phải có. Và cũng như lý tưởng xã hội hay lý tưởng đạo đức, lý tưởng thẩm mỹ được hình thành trong một thời đại nhất định, và mang một nội dung xác định về mặt lịch sử.

Lý tưởng thẩm mỹ tiên tiến của mỗi thời đại, luôn luôn dựa trên những khả năng và tiềm lực khách quan của thực tế. Nhưng nếu lý tưởng xã hội trước hết là mục đích cơ bản của vận động xã hội.

Nếu lý tưởng đạo đức là phạm trù về chuẩn mực, thì lý tưởng thẩm mỹ đại diện cho tính tất yếu phổ quát của cái đẹp, đồng thời cũng bao hàm những nội dung chủ yếu của lý tưởng đạo đức.

Lý tưởng thẩm mỹ nói lên phẩm chất trung thực của cái đẹp, khi nó thể hiện vẻ đẹp của tâm hồn con người và tầm cao của nhân dân, những người sáng tạo lý tưởng và đấu tranh để khẳng định nó trong cuộc sống.

Và giá trị cao nhất của lý tưởng thẩm mỹ, được tìm thấy thông qua ý nghĩa toàn nhân loại của nó. Để phán xét con người về mặt lý tưởng thẩm mỹ, có thể căn cứ trên thái độ đối với thế giới, căn cứ trên hoạt động và hành vi của người đó.

Còn để diễn đạt lý tưởng thẩm mỹ ở một mức độ đầy đủ nhất, và làm cho người khác có thể tiếp nhận được, thì phải bằng con đường của nghệ thuật, nơi mà mọi hiện tượng của đời sống đều được nhìn thông qua lăng kính của lý tưởng thẩm mỹ.

Như trên đã nói, lý tưởng thẩm mỹ là quan niệm nghệ thuật về sự hoàn thiện hoàn mỹ, là việc miêu tả cái đẹp như nó cần phải có. Trong tác phẩm, lý tưởng thẩm mỹ bộc lộ trong thế giới nghệ thuật, được xây dựng từ mối quan hệ với đời sống như nó đang tồn tại, và như nó phải tồn tại theo quan niệm của nhà văn.

Điều đó, có nghĩa là hiện thực được miêu tả không chỉ theo quy luật của tính tất yếu lịch sử, mà còn theo quy luật của cái đẹp. Lý tưởng thẩm mỹ diễn tả toàn vẹn đầy đủ nhất tất cả khát vọng của con người, trong những điều kiện lịch sử nhất định chính là phương thức khám phá ra sự đa dạng của cuộc sống.

Trong khi xây dựng hình tượng nghệ thuật, người nghệ sĩ luôn luôn đánh giá cái được miêu tả, khẳng định hoặc phủ định nó. Lý tưởng thẩm mỹ đòi hỏi gắn liền chân lý đời sống với quan niệm về mục đích của nghệ thuật.

Đặc trưng của lý tưởng thẩm mỹ là gì?

Lý tưởng thẩm mỹ không thể tách rời với sự bộc lộ tình cảm, và ước mơ của con người về một tương lai tươi đẹp. Được thể hiện trong nghệ thuật, lý tưởng thẩm mỹ trở thành phương thức dự báo sự vận động tiến hóa của xã hội, phương thức bồi dưỡng nhân cách, và tâm hồn cho con người.

Hơn nữa, lý tưởng thẩm mỹ còn có sức mạnh nêu gương, nó phác vẽ ra hoạt động cụ thể của con người, nhằm đạt đến những mục tiêu cao quý. Vì vậy, trong nghệ thuật, lý tưởng thẩm mỹ của người nghệ sĩ thường được hóa thân trong hình tượng những nhân vật tích cực (Promete trong Bi Kịch Của Eschyle, Jean Valjean trong Những Người Khốn Khổ của V Hugo, Dũng trong Đôi Bạn của Nhất Linh, … ).

Tuy nhiên, lý tưởng thẩm mỹ không phải chỉ được khắc họa qua một hình tượng riêng biệt nào, mà bộc lộc trong cả hệ thống tổ chức hình tượng, ngôn từ, trong toàn bộ cấu trúc nghệ thuật của tác phẩm.

Có những tác phẩm mà lý tưởng thẩm mỹ không phải là đối tượng miêu tả trực tiếp, nhưng lại là mục đích của sự miêu tả. Dưới ánh sáng của lý tưởng thẩm mỹ, những nhân vật và hình tượng tiêu cực đã bộc lộ ra sự tầm thường, giả dối, ích kỷ, đê tiện của chúng.

Như vậy, rõ ràng không phải tác phẩm nào thiếu vắng những nhân vật mang lý tưởng, thì tác phẩm đó cũng thiếu vắng nhân tố lý tưởng, bóc trần sự suy đồi về nhân cách của họ, của nhà văn đã gợi lên sự căm ghét và phản kháng đối với sự tàn phá cái đẹp, gợi lên nỗi buồn về lý tưởng. Đó là công lao của Moliere, Gogol, Santykov, Sedrin, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Thiệp,…

Đặc trưng của lý tưởng thẩm mỹ trong nghệ thuật là sự thuyết phục của nó không chỉ tác động tới lý trí mà còn tạo ra những âm hưởng về cảm xúc, động trái tim con người.

Vì thế, trong khi những hiện tượng và tính cách, dù là tích cực, người nghệ sĩ chân chính luôn luôn gợi lên cảm hứng với lý tưởng thẩm mỹ của mình, làm chúng trở thành người đồng hành và người tưởng mà mình đề cao.

Đó cũng là đóng góp cho nghệ thuật trong việc giáo dục thẩm mỹ cho con người. Lý tưởng thẩm mỹ là một phạm trù xã hội, quan niệm về cái đẹp thay đổi tùy theo chỗ người bảo vệ quan niệm đó.

Bản thân cuộc đấu cho lý tưởng thẩm mỹ tiên tiến, cũng là cuộc đấu tranh tương lai của nhân loại, vì con đường mà nhân dân bước để thực hiện những ước mơ và hòa nhập với mình.

Lê Ngọc Trà
Lâm Vinh
Huỳnh Như Phương


Bạn đang xem bài viết:
Lý Tưởng Thẩm Mỹ là gì?
Link https://myhocdaicuong.com/dai-cuong/ly-tuong-tham-my-la-gi.html


Nội dung tìm kiếm khác: Đời sống thẩm mỹ là gì, Em hiểu thế nào là lý tưởng, Giá trị thẩm mỹ là gì, Hình tượng thẩm mỹ là gì, Khái niệm lí tưởng, Khái niệm thẩm mỹ là gì, Khí lý tưởng là gì, Khuynh hướng thẩm mỹ là gì, Lí tưởng hay lý tưởng, Lý tưởng cách mạng là gì, Lý tưởng là gì, Lý tưởng sống là gì, Lý tưởng thẩm mỹ của Việt Nam hiện nay là gì, Lý tưởng thẩm mỹ là gì.

Nội dung tìm kiếm khác: Mắt thẩm mỹ là gì, Năng lực thẩm mỹ là gì, Nghĩa của từ thẩm mỹ, Những đặc trưng cơ bản của lý tưởng thẩm mỹ, Quan điểm thẩm mỹ, Sống có lý tưởng là gì, Thẩm mỹ là gì, Thị hiếu thẩm mỹ và một, Vai trò của cảm xúc thẩm mỹ trong sáng tạo nghệ thuật, Ví dụ về chủ thể thưởng thức thẩm mỹ, Ví dụ về lý tưởng, Ý thức thẩm mỹ là một hình thức phản ánh cuộc sống.

Tiêu đề bài viết: Lý Tưởng Thẩm Mỹ là gì?
Chuyên mục: Mỹ Học Đại Cương
Ngày đăng: February 14, 2024
Tác giả:
Lượt xem: 695 views
Website: https://myhocdaicuong.com
Link bài viết: https://myhocdaicuong.com/dai-cuong/ly-tuong-tham-my-la-gi.html