Bản chất của Ý Thức Thẩm Mỹ là gì?

“Con người là một cây sậy, nhưng là một cây sậy biết suy nghĩ” theo L Pascal. Năng lực ý thức chính là dấu hiệu phân biệt con người với các động vật khác.

Ý thức con người là một hợp thể bao gồm nhiều phương diện đa dạng như chính sự đa dạng của hoạt động con người. Với tư cách một bộ phận của ý thức nói chung, ý thức thẩm mỹ cũng là nền tảng tinh thần đảo bảo cho sự thống nhất hài hòa và mối quan hệ nội tại giữa các phương diện khác nhau đó, trong đời sống tinh thần của con người và của cả xã hội.

Mặc dù, có thể được trừu tượng hóa như một bộ phận độc lập, ý thức thẩm mỹ vẫn có chức năng tổng hợp, điều phối các phương diện khác nhau của ý thức nói chung. Khái niệm chân lý và điều kiện không thể được quan niệm đầy đủ, nếu thiếu khái niệm về cái đẹp, và đến lượt nó, cái đẹp bộc lộ ra khi ý thức con người tiếp cận với chân lý và ý chí con người vươn lên điều thiện.

Ý thức thẩm mỹ không chỉ ở dạng tiềm thể, nơi những con người có văn hóa thẩm mỹ mà còn được hiện thực hóa thông qua hoạt động thẩm mỹ. Tuy nhiên, không nên quan niệm hoạt động thẩm mỹ như một lãnh vực tách biệt một cách tuyệt đối khỏi các hình thức hoạt động khác của đời sống con người.

Thật ra, trong bất kỳ hoạt động nào của con người và xã hội, cũng đều có những nhân tố tác động đến sự nảy sinh và phát triển của ý thức thẩm mỹ. Những nhân tố thẩm mỹ đó, với những mức độ quan trọng khác nhau, giữa vai trò trong tất cả các lĩnh vực của hoạt động sản xuất, hoạt động tinh thần, hoạt động giao tiếp hằng ngày, và đặc biệt là trong hoạt động sáng tạo và tiếp nhận nghệ thuật.

Trong hoạt động sản xuất, con người tạo ra những sản phẩm không chỉ mang giá trị sử dụng, mà còn mang tính thẩm mỹ. Nhu cầu về cái đẹp của đồ vật, vừa biểu hiện lại, vừa tác động đến ý thức của cả người sản xuất, chế tạo ra đồ vật lẫn của người tiêu dùng.

Sở dĩ như vậy, là vì con người ngay trong quá trình sản xuất, có khả năng tách ra khỏi những nhu cầu thực dụng trực tiếp của bản thân để vươn tới sự sáng tạo theo quy luật của cái đẹp. Điều này đã được chính K Marx nhấn mạnh trong Bản Thảo Kinh Tế Triết Học năm 1844 với thông tin:

“Súc vật cổ nhiên cũng sản xuất. Nó xây dựng tổ, chỗ ở cho nó như con ong, con hải lý, con kiến, … Nhưng sức vật chỉ sản xuất, cái mà bản thân nó hoặc con nó trực tiếp cần đến, sản xuất một chiều, còn con người thì sản xuất một cách phổ biến. Súc vật chỉ sản xuất dưới sự thống trị của nhu cầu vật chất trực tiếp. Trong khi đó thì con người sản xuất ngay khi thoát khỏi nhu cầu vật chất, và chỉ khi thoát khỏi nhu cầu đó, thì mới sản xuất theo ý nghĩa chân chính của chữ đó. Súc vật chỉ tái sản xuất ra bản thân mình, còn con người thì tái sản xuất ra toàn bộ tự nhiên. Sản phẩm của súc vật trực tiếp gắn liền với cơ thể vật chất của nó, còn con người thì đối lập một cách tự do, với sản phẩm của mình. Súc vật chỉ nhào nặn vật chất theo thước đo, và nhu cầu của giống loài của nó, còn con người thì có thể sản xuất theo thước đo của bất kỳ giống nào, và ở đâu cũng có thể áp dụng thước đo thích dụng cho đối tượng. Do đó, con người cũng nhào nặn vật chất theo quy luật của cái đẹp”.

Ý thức thẩm mỹ không bao giờ cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ với ý thức thường ngày. Một con người bình thường, vẫn có thể có ý thức thẩm mỹ tốt dựa trên kinh nghiệm sống của người ấy.

Tuy nhiên, nếu ý thức thường ngày bị giới hạn bởi lợi ích thực tiễn, thì ý thức thẩm mỹ lại thể hiện tính vô tư và tầm bao quát hiện thực một cách rộng rãi, hướng tới những hiện tượng không đụng chạm trực tiếp tới thực tiễn xã hội, thông qua phương thức khai thác, và khám phá một cách toàn vẹn thế giới bên ngoài và bên trong con người.

Ý thức thẩm mỹ có thể xuất hiện trong từng hành vi tích cực của con người. Dù đó là nghiên cứu khoa học hay nhận thức xã hội, hoạt động sản xuất hay sinh hoạt hàng ngày. Với cái nhìn thẩm mỹ, con người đánh giá bất cứ hiện tượng khách quan nào, được họ chứng kiến và đưa vào kho tàng kinh nghiệm sống của họ.

Nghệ thuật, với tư cách là lĩnh vực hoạt động thẩm mỹ chuyên biệt, đã biến ý thức thẩm mỹ từ một bộ phận hợp thành của ý thức con người nói chung, trở thành nhân tố chủ đạo và do đố cái đẹp trở thành cứu cánh của nghệ thuật. Nghệ thuật là lĩnh vực mà trong đó, ý thức thẩm mỹ thực hiện trọn vẹn nhất, là hình thái cao nhất của sự biểu hiện ý thức thẩm mỹ.

Nói cách khác, nghệ thuật là hình thức hoạt động triển khai đầy đủ nhất những đặc trưng của ý thức thẩm mỹ, xét trên bình diện xã hội lẫn trên bình diện cá nhân. Trong lịch sử tư tưởng mỹ học đã hình thành hai quan niệm đối lập nhau về bản chất của ý thức thẩm mỹ là:

01. Quan niệm có tính chất bản thể luận xem xét ý thức thẩm mỹ, như là sự phản ánh bản thân tồn tại bằng những nguyên tắc đặc biệt.

02. Quan niệm có tính chất nhận thức luận, trái lại, cắt nghĩa ý thức thẩm mỹ như là một phẩm chất, thuộc tính của ý thức con người (chủ yếu biểu hiện trong nghệ thuật, hình thức đặc biệt của hoạt động con người) và bất cứ những dự tính nào, đưa cái đẹp trở về với thế giới khách quan, cũng bị quan niệm này xem là sự dung tục hóa cái đẹp, sự phủ nhận tính chất độc lập và tự trị của nghệ thuật.

Thật ra cả hai quan niệm trên đều có tính chất cực đoan. Một mặt, những phẩm chất thẩm mỹ bao giờ cũng mang tình người, nghĩa là có tính chất nhận thức luận. Do vậy, mà không thể xem xét chúng như những yếu tố nguyên thủy của thế giới hiện hữu không phụ thuộc vào con người. Vấn đề của Mỹ Học là tìm hiểu các hiện tượng thẩm mỹ tồn tại như thế nào?

Đồng thời được con người tiếp nhận ra sao? Sự hiện hữu của con người là điều kiện tất yếu để biến những giá trị thẩm mỹ từ khả năng thành hiện thực. Chính trong ý nghĩa đó, mà Hegel đã nhấn mạnh rằng thiên – nhiên – tự – nó không bao giờ tồn tại trong phạm trù của cái đẹp.

Nhưng mặt khác, sự phụ thuộc của các phẩm chất thẩm mỹ đối với con người hoàn toàn không có nghĩa là những phẩm chất. Đó chỉ có thể bộc lộc trong nghệ thuật, hoạt động thẩm mỹ đặc biệt của con người mà thôi. Bởi vì đối với chủ thể, thiên nhiên, tha nhân, và tất cả những sản phẩm của hoạt động con người đều có ý nghĩa biểu cảm về mặt thẩm mỹ.

Các phẩm chất thẩm mỹ, do vậy, nói lên bản chất khách quan của mối quan hệ hỗ tương, và đa dạng giữa con người và thế giới. Theo ý nghĩa đó, các phạm trù thẩm mỹ vừa mang tính chất khách quan, vừa là những phạm trù nhận thức luận.

Như vậy, bản chất của ý thức thẩm mỹ là một cái gì lưỡng tính, có mối quan hệ biện chứng, phụ thuộc đồng thời vào cả chủ thể lẫn khách thể thẩm mỹ. Chẳng hạn, sự phụ thuộc của cảm xúc thẩm mỹ với khách thể thẩm mỹ thể hiện ở chỗ cảm xúc, đó chỉ là xuất hiện với điều kiện có một nguồn kích thích từ bên ngoài: một phong cảnh thiên nhiên, một khuôn mặt thiếu nữ, hoặc một tác phẩm nghệ thuật với một hình thức, và chất liệu nhất định.

Tính truyền cảm của hình thức bên ngoài này, là kinh khởi nguyên của cảm xúc thẩm mỹ. Ngược lại, cảm xúc thẩm mỹ cũng phụ thuộc vào chủ thể thưởng ngoạn, và điều này thể hiện ở chỗ trong khi đánh giá tính chất biểu cảm của hình thức bên ngoài nơi đối tượng, chủ thể nhất thiết phải tăng cường sức mạnh tinh thần để khám phá ý nghĩa bề sâu của nó.

Đối tượng chỉ đạt đến chất lượng biểu cảm khi nào nó không những được cảm nhận, mà còn được thức nhận với đầy đủ ý nghĩa của một hành vi thẩm mỹ. Bản thân đối tượng phải được nhân hóa, nghĩa là phải đi qua lò luyện phản ứng, của tinh thần con người để đạt đến một sự thức nhận thích hợp.

Và chỉ trong trường hợp hội đủ hai điều kiện là hình thức bên ngoài của đối tượng, và ý nghĩa tinh thần đã được nhân hóa của nó, thì mới có thể nói đến một hiện tượng thẩm mỹ. Cần phải nói thêm rằng, trong hành vi nhận thức thẩm mỹ, không chỉ đối tượng được nhân hóa, mà cả chủ thể cũng được đối tượng hóa, hay nói đúng hơn, hóa thân vào đối tượng.

Trong khi khám phá ra ý nghĩa bên trong của đối tượng, con người cũng đồng thời ban tặng cho thiên nhiên những mảnh tinh thần của mình. Trong quan hệ thẩm mỹ, con người tự chiêm nghiệm mình trong một thế giới do mình sáng tạo nên.

Dưới hình thức cụ thể và cảm tính, bản chất con người được khách thể hóa trong tiến trình lao động nghệ thuật, và trong quá trình thưởng ngoạn thẩm mỹ những thành quả do lao động nghệ thuật tạo ra. Trong khi tập trung sáng tạo và tái tạo thế giới các đối tượng, con người đã truyền bản chất của mình cho các đối tượng ấy.

Và đến lượt chúng, những đối tượng ấy lại truyền cái bản chất người cho công chúng quan tâm thưởng ngoạn và chiêm ngưỡng. Ý thức thẩm mỹ có mối quan hệ phát sinh với sự phát triển của các hình thức hoạt động, và mối giao tiếp của con người.

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu tuyệt đối hóa mối quan hệ đó, nếu xem mối quan hệ phát sinh này là phổ quát trong toàn bộ đời sống thẩm mỹ. Tuy xuất hiện trong quá trình lao động, nhưng càng về sau ý thức thẩm mỹ càng được giải phóng khỏi cội nguồn sản sinh ra nó, và trở nên độc lập đối với những hoạt động có mục đích thực tiễn.

Giá trị của xúc cảm thẩm mỹ không phải do nó đạt đến một mục đích thực dụng trực tiếp nào đó, mà chính là một giá trị tự thân. Điều đó, tất nhiên không có nghĩa là cái thẩm mỹ và cái công ích, về nguyên tắc, không thể cùng dung hợp trong một đối tượng.

Điều đó, chỉ nhằm nói lên rằng không có một mệnh lệnh nào đó, có thể bắt buộc chúng ta phải xem cái đẹp chỉ như là cái có ích hiển nhiên. Ý thức thẩm mỹ chỉ có thể thực hiện thông qua hoạt động thẩm mỹ. Đồng thời, ý thức thẩm mỹ cũng có tính độc lập tương đối so với hoạt động thẩm mỹ, và nghệ thuật, cũng như có đặc điểm riêng so với hình thái ý thức khác.

Với một trình độ tổng hợp cao, ý thức thẩm mỹ luôn luôn hiện ra trong hình thức cảm tính, trực tiếp, nối kết hình ảnh về thế giới được biến cái bởi trí tưởng tượng, với sự đánh giá từ một lý tưởng thẩm mỹ nhất định.

Tuy mang hình thức cảm tính, nhưng ý thức thẩm mỹ lại là một hiện tượng tinh thần, nảy sinh qua sự thống nhất và hòa hợp giữa chủ quan và khách quan, cảm xúc và trí tuệ, tình cảm và ý chí, vô thức và ý thức, nghĩa là tất cả những lực lượng tinh thần của con người trong thể toàn vẹn của chúng.

Qua khái niệm ý thức thẩm mỹ, chúng ta muốn nói đến thực thể tinh thần đa dạng, bao gồm nhiều thành tố có tác động và thẩm thấu với nhau tạo thành một hệ thống nhất định. Những thành tố cơ bản hợp thành ý thức thẩm mỹ, là cảm xúc thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ và lý tưởng thẩm mỹ.

Bên cạnh đó, có những thành tố không cơ bản nhưng cũng đóng góp phần tạo nên hệ thống ý thức thẩm mỹ, như khát vọng về chân lý, ý thức trách nhiệm, lương tâm, … Ý thức, thẩm mỹ bị quy định bởi nhu cầu, và trình độ thẩm mỹ một thời đại, nhưng thông qua những cá nhân kiệt xuất, như những nhà tư tưởng, những nghệ sĩ có tầm cỡ lớn nhỏ, nó có thể vượt qua giới hạn của một thời đại.

Ngược lại, ý thức thẩm mỹ của một thời đại chỉ được thể hiện thông qua ý thức của những cá nhân tiếp nhận, và làm phong phú ý thức đó bằng những kinh nghiệm sống của riêng mình. Ý thức thẩm mỹ của thời đại sẽ mất hết ý nghĩa, nếu không được thể nghiệm thông qua những cảm xúc thẩm mỹ cá nhân.

Với tư cách là một hình thái ý thức xã hội, ý thức thẩm mỹ không chỉ phản ánh tồn tại xã hội, mà còn sáng tạo ra những giá trị mới, và tác động tích cực đối với sự phát triển của tồn tại xã hội. Ý thức thẩm mỹ không chỉ cung cấp cho chúng ta một hình ảnh đúng đắn, và gợi cảm về thế giới, mà còn phác họa và dự báo cho con người con đường vươn tới một thế giới mới đẹp hơn, nhân đạo hơn.

Như vậy, ý thức thẩm mỹ không chỉ là một hình thái nhận thức thế giới, mà là hình thái tự nhận thức và tự hoàn thiện của con người. Có thể nói, ý thức thẩm mỹ đã nối dài ý nghĩa sự hiện hữu của con người trên mặt đất này.

Lê Ngọc Trà
Lâm Vinh
Huỳnh Như Phương


Bạn đang xem bài viết:
Bản chất của Ý Thức Thẩm Mỹ là gì?
Link https://myhocdaicuong.com/dai-cuong/ban-chat-cua-y-thuc-tham-my-la-gi.html


Nội dung tìm kiếm khác: 4 phạm trù mỹ học; Bản chất của cái đẹp quả ví dụ cụ thể; Bản chất ý thức thẩm mĩ của văn học; Đối tượng nghiên cứu của mỹ học; Khái niệm thẩm mỹ là gì; Mỹ học đại cương pdf; Mỹ học Mác – Lênin; Nguồn gốc và bản chất của cái đẹp nằm ở; Phản tích bản chất của ý thức thẩm mỹ; Quan điểm thẩm mỹ; Quan niệm về cái đẹp trong lịch sử mỹ học;

Nội dung tìm kiếm khác: Quan niệm về cái đẹp trong mỹ học; Vai trò của cảm xúc thẩm mỹ trong sáng tạo nghệ thuật; Ví dụ nhận thức thẩm mỹ; Ví dụ về bản chất cái đẹp; Ví dụ về cái đẹp trong tự nhiên; Ví dụ về cái đẹp trong xã hội; Ví dụ về cảm xúc thẩm mỹ; Ví dụ ý thức thẩm mỹ; Ý thức thẩm mỹ bao giờ cũng được thực hiện thông qua những yếu tố nào sau đây?

Tiêu đề bài viết: Bản chất của Ý Thức Thẩm Mỹ là gì?
Chuyên mục: Mỹ Học Đại Cương
Ngày đăng: February 14, 2024
Tác giả:
Lượt xem: 473 views
Website: https://myhocdaicuong.com
Link bài viết: https://myhocdaicuong.com/dai-cuong/ban-chat-cua-y-thuc-tham-my-la-gi.html