Đi tới xác định đối tượng của Mỹ Học là gì?

Định nghĩa Mỹ Học là Triết Học về Nghệ Thuật hay đã nêu bật được đối tượng then chốt nhất, của Mỹ Học là sự sáng tạo nghệ thuật, nhưng vẫn chưa làm bằng lòng tất cả các nhà nghiên cứu, đặc biệt là những nhà nghiên cứu Mác Xít.

Ở đây, bên cạnh sự khác nhau về cách nhìn, về quan điểm, về quan niệm, nguyên do còn ở chỗ nền văn minh nhân loại, phát triển mạnh mẽ đã mở rộng phạm vi nghiên cứu của Mỹ Học, khiến cho đối tượng của nó là một vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ.

Các nhà Mỹ Học phía Mác Xít cho rằng quan niệm “Mỹ Học là Triết Học về Nghệ Thuật” vô hình trung, đã gạt bỏ một bộ phận hết sức quan trọng làm nguồn gốc, cội rễ của nghệ thuật, đó là đời sống thẩm mỹ.

Mỹ Học Mác Xít khước từ cách nhìn nghệ thuật trước hết như sự tự biểu hiện, sự hóa thân của thế giới tâm linh người nghệ sĩ, để kiên trì luận điểm cho rằng nghệ thuật xét cho cùng là sự phản ánh hiện thực khách quan, một sự phản ánh năng động và đặc thù.

Do vậy, Mỹ Học cùng với nghiên cứu về nghệ thuật, phải đặt nhiệm vụ hàng đầu là nghiên cứu đời sống thẩm mỹ, với những khách thể thẩm mỹ tồn tại không phụ thuộc vào cảm giác, thể thẩm mỹ tồn tại không phụ thuộc vào cảm giác, tình cảm, tư tưởng của con người.

Cái đẹp trước hết là cuộc sống, nghĩa là một thực thể khách quan. Ở đây, chúng ta thấy ranh giới giữa các nhà mỹ học mác xít, với những nhà mỹ học chủ trương cái đẹp trước hết là ở con người, còn thiên nhiên tự nó là phí thẩm mỹ (anesthetic).

Nó chỉ có giá trị thẩm mỹ khi được nhìn qua lăng kính của nghệ thuật, cũng như núi chỉ trở thành đẹp từ khi con người trở thành lãng mạn. Nhấn mạnh thuộc tính thẩm mỹ khách quan của thế giới hiện thực, các nhà mỹ học mác xít đã cung cấp cho chúng ta những định nghĩa, đôi khi khá dài dòng về mỹ học.

Trong Cơ Sở Mỹ Học Mác Lênin, J Lukin và V Skatershikov viết: “Mỹ Học là khoa học về cái thẩm mỹ trong hiện thực, về bản chất và các quy luật của nhận thức thẩm mỹ và hoạt động thẩm mỹ của con người, là khoa học về các quy luật chung của sự phát triển nghệ thuật, với tư cách là một hình thức đặc thù của sự phản ánh và cải tạo thế giới”.

Còn đây là định nghĩa của bộ giáo trình Mỹ Học Mác Lênin do giáo sư M Ovsyannikov chủ biên: “Mỹ học là khoa học về cái thẩm mỹ trong thiên nhiên và xã hội, trong nền sản xuất vật chất và tinh thần, về những nguyên tắc chung trong sự sáng tạo theo quy luật của cái đẹp, về nguồn gốc, những quy luật phát triển và vận động của ý thức thẩm mỹ, trong đó có nghệ thuật với tư cách là một hình thức đặc thù của sự phản ánh thực tại”.

Cơ sở, của hai định nghĩa trên chính là lý luận phản ánh của chủ nghĩa duy vật biện chứng, theo đó ý thức của con người. Trong đó, có ý thức thẩm mỹ, là tính thứ hai so với hiện thực, bao gồm hiện thực tự nhiên và xã hội, là tính thứ nhất.

Dưới ảnh hưởng của phản ánh luận, nghệ thuật, trong bình diện ý thức thẩm mỹ của con người, đã được nhìn nhận ở chức năng phản ánh, khám phá hơn là chức năng sáng tạo, phát minh. Phương diện sáng tạo, phát minh ra những giá trị mới, đặc biệt là những giá trị nhân văn.

Có ý nghĩa toàn thế giới, được J Borev chú ý khi ông đưa ra một định nghĩa trong công trình Mỹ Học: “Mỹ Học là khoa học về bản chất của những giá trị toàn nhân loại hình thành, về mặt lịch sử, về sự khai sinh, tiếp nhận, đánh giá và khai thác các giá trị đó. Mỹ Học là một khoa học có tính chất triết lý về những nguyên tắc chung nhất, của sự khám phá thẩm mỹ đối với thế giới trong tiến trình hoạt động của con người. Trước hết là trong nghệ thuật, nơi mà quy luật của cái đẹp đã hình thành, kết tinh và đạt đến độ hoàn thiện”.

Sự khám phá thẩm mỹ trong tiến trình hoạt động của con người, có một phạm vi rộng rãi hơn nghệ thuật rất nhiều. Trong thời đại khoa học kỹ thuật hiện nay, đời sống thẩm mỹ phát triển hết sức năng động.

Những nhân tố thẩm mỹ đã thấm sâu vào các lĩnh vực hoạt động và ý thức con người, đến độ có thể nói đến “sự thay đổi về vị thế của một nền văn hóa, mà trong thời điện đại, về căn bản đã mang hình thái của mỹ học”.

Nói cách khác, nền văn hóa và văn minh nhân loại đang được mỹ học hóa. Điều đó thể hiện qua sự xuất hiện và phát triển của các loại hình hoạt động, thẩm mỹ nằm ngoài phạm vi của sáng tạo nghệ thuật.

Chẳng hạn design hay mỹ học ứng dụng, mỹ học kỹ thuật, giáo dục thẩm mỹ, tổ chức thẩm mỹ môi trường, việc thẩm mỹ hóa các ngành hoạt động, có tính xã hội như du lịch, thể thao, ….

Trong các loại hình hoạt động đó, sự phát triển của design đã đặt ra cho các nhà mỹ học nhiệm vụ nghiên cứu mối tương quan giữa cái thẩm mỹ và cái thực dụng, trong sáng tạo khoa học và công nghệ, hiệu quả xã hội của hình thức thẩm mỹ trong các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng.

Design có liên quan đến các sản phẩm chất hình thức của đồ vật, chẳng hạn như các máy móc và công cụ lao động, các phương tiện chuyên chở hàng hóa, các sản phẩm lao động làm ra, … và đây không chỉ là những đặc điểm bên ngoài, mà còn là mối liên hệ cấu trúc tạo nên sự thống nhất về chức năng của các đồ vật đó.

Mục đích của mỹ thuật công nghiệp là đưa cái đẹp vào sản xuất, và đời sống, tạo ra sự hài hòa trong môi trường, phương tiện, điều kiện lao động, sản phẩm lao động, góp phần tiến tới thẩm mỹ hóa chính bản thân người lao động.

Sự hài hòa của toàn bộ không gian, ánh sáng, màu sắc, âm thanh bao bọc chung quanh con người là điều kiện cần thiết, để hình thành nên một thế giới được nhân hóa. Trong đó, con người trở nên đẹp hơn cùng đồng thời trở nên nhân đạo hơn.

Chúng ta, đang sống trong một thế giới mà những bước tiến của nền văn minh, cũng song hành với sự hình dung của con người về cái đẹp thông qua những vật dụng hàng ngày. Từ bộ ly uống nước, chiếc máy điện thoại, cái nôi của em bé, cho đến một chiếc ô tô theo kiểu mới nhất.

Con người đã tạo ra nền văn minh bằng cách cải tiến các vật dụng đó, không chỉ theo hướng hiện đại hơn, để thuận tiện cho cuộc sống của mình, mà còn theo hướng thẩm mỹ hơn, đẹp hơn, tinh tế hơn. Sự vận động về phương diện thẩm mỹ trong nền sản xuất ở các xã hội công nghiệp, cũng là một đối tượng nghiên cứu của mỹ học.

Nếu nghệ thuật là những ngày hội thẩm mỹ của nhân loại, thì hoạt động mỹ thuật công nghiệp là những ngày thường của cuộc sống và mỹ học lấy nó làm đối tượng nghiên cứu chính, là mỹ học của cái thường ngày.

Như vậy, là cùng với quá trình mở rộng phạm vi đối tượng nghiên cứu của mình, mỹ học đã từng bước trở thành một lĩnh vực độc lập, với triết học và nghệ thuật học, là hai ngành mà nó phụ thuộc xưa nay.

Với tư cách là một khoa học nhân văn, mỹ học mang tính chất triết lý, nhưng đồng thời nó cũng có đặc trưng riêng, đối tượng riêng với những quy luật nội tại của nó.

Nếu triết học nghiên cứu những quy luật chung nhất của toàn bộ hệ thống các hình thái ý thức, và tư tưởng, thì mỹ học tập trung nghiên cứu ý thức thẩm mỹ, chi phối sự khám phá và phát minh của con người theo quy luật của cái đẹp.

Như một cầu nối giữa triết học và nghệ thuật học, mỹ học đã trở thành lý thuyết chung nghiên cứu những vấn đề phổ quát của nghệ thuật. Còn nghệ thuật học lại nghiên cứu nguồn gốc, đặc điểm, chức năng và quy luật phát triển của các loại hình nghệ thuật cụ thể trong đời sống tinh thần của xã hội.

Mỹ học không thể cung cấp cho chúng ta kiến thức về tất cả các ngành nghệ thuật như văn học, sân khấu, âm nhạc, hội họa, điện ảnh, kiến trúc, … Nhưng lại là cơ sở lý luận và định hướng triết lý cho các ngành nghệ thuật chuyên biệt, những bộ phận hợp thành hệ thống tri thức chung về sáng tạo nghệ thuật.

Mỹ học cũng có mối quan hệ mật thiết với tâm lý học sáng tạo, và cảm thụ nghệ thuật, với xã hội học nghệ thuật. Nghệ thuật học và tương ứng với nó là những ngành nghệ thuật chuyên biệt.

Bao gồm ba bộ môn: lý luận nghệ thuật, lịch sử nghệ thuật, phê bình nghệ thuật. Không thể hình dung những nhà nghiên cứu hoạt động trong các bộ môn này, lại thiếu tri thức về mỹ học.

Mặt khác, cần phải nhấn mạnh rằng những tư tưởng mỹ học sâu sắc nhất, bao giờ cũng được gieo trồng và thu hoạch trên mảnh đất màu mỡ của các thành tựu nghệ thuật. Quy luật của sự khai thác và phát minh thẩm mỹ biểu hiện tập trung nhất, đầy đủ nhất, và trực tiếp nhất trong nghệ thuật.

Vì vậy, nghệ thuật là lĩnh vực sáng tạo những giá trị thẩm mỹ có ảnh hưởng quyết định đối với sự phát triển của mỹ học. Nếu việc giới hạn đối tượng của mỹ học trong phạm vi nghệ thuật, là một phiến diện, thì việc đặt nghệ thuật ngang hàng với những lĩnh vực khác của đời sống thẩm mỹ cũng là một điều phiến diện không kém.

Trong đời sống tinh thần của xã hội ta hiện nay, các tư tưởng mỹ học còn nghèo nàn. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng đó, là do chưa có những đỉnh cao về sáng tạo nghệ thuật, có tầm cỡ thế giới, và chưa có một công chúng nghệ thuật nào đạt trình độ cao.

Lê Ngọc Trà
Lâm Vinh
Huỳnh Như Phương


Bạn đang xem bài viết:
Đi tới xác định đối tượng của Mỹ Học là gì?
Link https://myhocdaicuong.com/dai-cuong/di-toi-xac-dinh-doi-tuong-cua-my-hoc-la-gi.html


Nội dung tìm kiếm khác: Đối tượng của mỹ học theo quan điểm hiện đại. Đối tượng nghiên cứu của mỹ học theo quan niệm hiện đại. Giáo trình mỹ học. Khuynh hướng coi đối tượng của mỹ học trong thời điểm hiện nay. Mỹ học hậu hiện đại có gì mới. Mỹ học PDF. Nên dạy mỹ học trong chương trình phổ thông. Nguồn gốc nghiên cứu đối tượng mỹ học. Sự ra đời của mỹ học. Tính ứng dụng của mỹ học. Vai trò của mỹ học. Ví dụ về mỹ học. Vì sao con bạn nên được biết đến mỹ học.

Tiêu đề bài viết: Đi tới xác định đối tượng của Mỹ Học là gì?
Chuyên mục: Mỹ Học Đại Cương
Ngày đăng: February 14, 2024
Tác giả:
Lượt xem: 50 views
Website: https://myhocdaicuong.com
Link bài viết: https://myhocdaicuong.com/dai-cuong/di-toi-xac-dinh-doi-tuong-cua-my-hoc-la-gi.html