Trong suốt hơn hai mươi thế kỷ, mỹ học đã nép mình trong triết học. Cuộc tranh luận giữa thế giới quan duy tâm và thế giới quan duy vật, đã chi phối các quan niệm thẩm mỹ.
Mặc dù vậy, càng về sau, giữa các triết gia thuộc các trường phái khác nhau, vẫn có những chỗ gặp nhau trong việc xác định vị trí của đời sống thẩm mỹ trong xã hội.
Sự phát triển của chính tư tưởng triết học, đã từng bước thúc đẩy sự hình thành của mỹ học như một bộ môn độc lập. Ở đây, cần ghi nhận công lao của A. Baumgarten (1714 – 1762) nhà mỹ học người Đức.
Trong tuyển tập các bài báo xuất bản năm 1735 nhan đề “Những suy niệm triết học về các vấn đề liên quan đến sáng tác thơ ca”, Baumgarten vẫn chưa có sự phân biệt rạch ròi giữa triết học và mỹ học.
Nhưng 15 năm sau, khi lộ trình Mỹ Học của ông lần lượt ra đời (tập 1 năm 1750 và tập 2 năm 1758) thì lần đầu tiên ngành khoa học này mới được định danh và định nghĩa rành mạch.
Mặc dù, bộ Mỹ Học được biên soạn dở dang, khiến cho nhiều luận điểm của Baumgarten chưa được luận chứng thấu đáo, nhưng những đóng góp có ý nghĩa nền tảng của ông, cho sự phát triển của Mỹ Học là không thể chối cãi được.
Baumgarten đã định nghĩa một cách súc tích : “Mỹ Học là Khoa Học về Cái Đẹp”. Thuật ngữ “Mỹ Học” (Esthetique, Aesthetics) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp aesthetics – có nghĩa là cảm giác, thuộc về sự tiếp nhận của cảm giác.
Baumgarten đã kế thừa ý nghĩa đó, khi ông cho rằng, Mỹ Học là khoa học về nhận thức cảm tính nhằm vươn tới và sáng tạo ra cái đẹp được diễn đạt trong những hình tượng nghệ thuật.
Ở một chỗ khác, Baumgarten khẳng định cái đẹp là sự hoàn thiện của nhận thức cảm tính. Ông biểu cảm tính không chỉ là cảm giác, mà còn cả cảm xúc, ký ức, trực giác, tưởng tượng.
Các công trình lý luận của Baumgarten có ý nghĩa ở chỗ, không chỉ ông đã chính thức khai sinh ra tên gọi Mỹ Học, mà còn tách Mỹ Học thành một bộ môn độc lập với Triết Học, và nâng nó lên thành một Khoa Học.
Baumgarten cũng là người đầu tiên trong lịch sử Mỹ Học cổ điển Đức, đặt vấn đề nghiên cứu cái cao cả, và xác định mối quan hệ giữa thẩm mỹ và đạo đức. Mặt khác, ông cho rằng, Mỹ Học phải làm rõ những quy luật chung của sáng tạo nghệ thuật, thể hiện trong những ngành nghệ thuật riêng biệt.
Bên cạnh sự trau chuốt về nghệ thuật, tác phẩm cần phải có sự phong phú về nội dung, tính chân thật, và sinh động về nhận thức. Vẻ đẹp, sự hoàn thiện về thẩm mỹ của các tác phẩm nghệ thuật, bao hàm trong sự hòa hợp giữa nội dung, kết cấu và sự biểu hiện.
Trong các công trình của mình, Baumgarten cố gắng vươn tới nhận thức về đặc trưng của nghệ thuật, phân biệt chân lý logic, và chân lý thẩm mỹ, nhấn mạnh tính chất cảm tính của hình tượng, khẳng định vai trò quan trọng của cá nhân đối với sự phát triển của ý thức nghệ thuật.
Trên thực tế, Baumgarten có mở rộng sự quan tâm đến các lĩnh vực khác của Mỹ Học như: cái cao cả, ý thức nghệ thuật,… Nhưng khi định nghĩa “Mỹ Học là Khoa Học về Cái Đẹp”, ông đã tự giới hạn đối tượng nghiên cứu của Mỹ Học, ít nhất là trên bình diện lý thuyết. Định nghĩa đó thật ra cũng phản ánh và thâu tóm được những tìm tòi của nhiều triết gia trước ông.
Những sự phát triển của Mỹ Học trong thời Baumgarten, và sau đó đã chứng minh rằng. Dù cái đẹp là phạm trù trung tâm của Mỹ Học, và Mỹ Học không thể bị thu hẹp như quan niệm của Baumgarten.
Đời sống thẩm mỹ đòi hỏi Mỹ Học nghiên cứu không chỉ cái đẹp mà cả cái bi, cái hài,… Hai triết gia cổ điển người Đức là E Kant và Hegel đã đẩy Mỹ Học tiến thêm một bước khá dài, và góp phần quan trọng vào việc nhận chân đối tượng của Mỹ Học.
Trong bộ ba công trình của mình, bên cạnh Phê Phán Lý Trí Thuần Túy, và Phê Phán Lý Trí Thực Tiễn. Kant (1724 – 1804) đã dành một phần quan trọng của Phê Phán Khả Năng Phán Đoán để phác thảo ra một nền Mỹ Học của tương lai.
Kant là người đầu tiên chú ý một cách thích đáng nhất, về khía cạnh tinh tế của các hiện tượng thẩm mỹ, để phân biệt với các lĩnh vực khác của đời sống vật chất. Nhà tư tưởng này, đã lưu tâm xem xét hai phạm trù cơ bản của Mỹ Học là Cái Đẹp và Cái Cao Cả.
Cái đẹp, trong quan niệm của Kant, không gắn liền với tính chất thực tiễn, nó đem lại khoái cảm, và thỏa mãn những đòi hỏi tinh thần có tính chất chủ quan của cá nhân. Cái đẹp là hình thức hợp lý của sự vật, mà trong khi cảm nhận không cần phải hình dung ra mục đích của nó.
Cái đẹp là cái làm vui thích tất cả mọi người, mà không thông qua một khái niệm nào cả. Một cái đẹp thuần túy như vậy, sẽ là biểu tượng của cái Thiện, nó thể hiện những sức mạnh thẩm mỹ sẽ đem lại động lực cho nhận thức, mà không đồng nhất với nhận thức.
Hướng tới cái đẹp trong ta, do ta và cho ta, Mỹ Học Kant một mặt, không chú ý đầy đủ đến ý nghĩa thực tiễn xã hội, của các hiện tượng thẩm mỹ. Mặt khác, rất đề cao vai trò của chủ thể trong sáng tạo nghệ thuật, và cảm thụ thẩm mỹ.
Ảnh hưởng của Kant trong sự phát triển tư tưởng Mỹ Học to lớn đến mức, nhiều nhà nghiên cứu xem trước tác phẩm của ông, đánh dấu mốc cho cả một thời kỳ được gọi là Thời Kỳ Phê Phán trong Mỹ Học. B Croce chẳng hạn.
Chia lịch sử mỹ học thành ba giai đoạn: giai đoạn trước Kant, giai đoạn phê phán gắn với tên tuổi Kant, và giai đoạn sau Kant còn gọi là giai đoạn thực nghiệm. D Huisman thì nói đến giai đoạn giáo điều hay trường phái Platon, giai đoạn phê phán hay trường phái Kant và giai đoạn hiện đại, hay trường phái thực nghiệm.
Từ khi xuất hiện Hegel (1770 – 1831) triết gia duy tâm cổ điển người Đức, một đỉnh cao của tư tưởng mỹ học nhân loại, quan niệm “Mỹ Học là Khoa Học về Cái Đẹp” đã phần nào mất ưu thế. Với Hiện Tượng Học Về Tinh Thần và KHoa Logic Học, triết học Hegel đã có đầy đủ cơ sở để trở thành một hệ thống chặt chẽ mang tính chất lý tính.
Khi nó nhìn lịch sử như là sự vận động của tinh thần tuyệt đối, trừu tượng, và nhất quán. Các bài giảng về Mỹ Học của Hegel, đã dành sự quan tâm cho hoạt động thẩm mỹ như một hoạt động cao nhất của trí tuệ.
Bởi vì theo ông, sự thật và điều thiện đã được liên kết một cách chặt chẽ, trong cái đẹp và chỉ trong cái đẹp. Nhưng Hegel lại hạn chế cái đẹp trong phạm vi nghệ thuật, và định nghĩa Mỹ Học là triết học về nghệ thuật.
Dưới nhãn quan triết học của Hegel, cái đẹp được xem như hình thức cảm tính của tư tưởng, và nghệ thuật, là nơi kết tinh của cái đẹp. Với tư tưởng là sự miêu tả cảm tính các tư tưởng, nghệ thuật, là một bậc thang của Tinh Thần Tuyệt Đối, là một hình thức đặc biệt, giúp con người đạt đến Chân Lý Tuyệt Đối.
Tách khỏi cái đẹp, sẽ không có và không thể có nghệ thuật, nhưng điều đó không có nghĩa là người nghệ sĩ giới hạn đối tượng của mình trong vẻ đẹp của thế giới khách quan. Khi định nghĩa “Mỹ Học là Triết Học về Nghệ Thuật” thì Hegel đã đặt Mỹ Học trên cơ sở của ý thức sáng tạo.
Lịch sử đã chứng minh rằng, tư tưởng mỹ học đã phát triển song hành dưới sự tác động hỗ tương của các trào lưu và trường phái nghệ thuật : hiện tượng, lãng mạn, tượng trưng, ấn tượng, siêu thực, lập thể,…
Quan niệm của Hegel vì vậy, đã được nhiều nhà mỹ học hiện đại chia sẻ. Hướng về cái đẹp trong nghệ thuật hơn là cái đẹp của thiên nhiên. Nhiều nhà Mỹ Học thế kỷ XX đã cố gắng tổng hợp những đặc điểm chung của các khuynh hướng nghệ thuật, để rút ra những tinh hoa của các khuynh hướng ấy.
Hơn nữa, Mỹ Học không chỉ là đi tìm nghĩa cho cái đẹp, mà từ mảnh đất phong phú của các loại hình nghệ thuật (văn học, hội họa, điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, … ). Trong đó, có sự hiện thân của cả cái đẹp lẫn cái cao cả, cái bi, cái hài, mỹ học vươn tới những suy tưởng khái quát về nghệ thuật.
Ch Lado trong một công trình mỹ học, có tính chất nhập môn đã viết: “Cũng như logic học, là sự suy tưởng triết học về những quy luật đạt tới chân lý, mà trước hết là về những ngành khoa học đã sáng tạo ra các quy luật đó. Cũng như đạo đức học là suy tưởng triết học về tâm lý của hành vi cá nhân và xã hội và về khoa học các phong hóa. Tương tự như thế, Mỹ Học được hiểu thấu đáo trước hết, phải là sự suy tưởng triết học về nghệ thuật, về phê bình và lịch sử nghệ thuật, những ngành đã dọn đường cho Mỹ Học”.
Lê Ngọc Trà
Lâm Vinh
Huỳnh Như Phương
Bạn đang xem bài viết:
Mỹ Học là Khoa Học về Cái Đẹp hay Triết Học về Nghệ Thuật
Link https://myhocdaicuong.com/dai-cuong/my-hoc-la-khoa-hoc-ve-cai-dep-hay-triet-hoc-ve-nghe-thuat.html