Những biểu hiện của cái đẹp trong tác phẩm nghệ thuật

Tìm cái đẹp trong nghệ thuật có nghĩa là xét xem trong nghệ thuật, cái đẹp bộc lộ như thế nào, hiện ra ở đâu. Trước hết, chúng ta bắt đầu từ nội dung của tác phẩm.

Nội dung nghệ thuật rất phong phú, bởi vì hiện thực mà nghệ thuật nghiền ngẫm, tư tưởng mà nó thể hiện hết sức rộng lớn, đa dạng. Song có thể nói rằng, trong những đối tượng bao trùm, đối tượng cơ bản được yêu thích nhất của nghệ thuật chính là cái đẹp.

Đó là cái đẹp tinh khiết của bông hoa mùa xuân: “Cỏ non xanh tận chân trời. Cành lê trắng điểm một vài bông hoa” của Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Hay một buổi hoàng hôn bảng lảng và yên tỉnh “Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ. Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không. Cô em xóm núi xay ngô tối. Xay hết, lò than đã rực hồng” của Hồ Chí Minh trong tác phẩm Chiều Tối.

Có thể nói tất cả những gì đẹp trong thế giới chúng ta, từ một chiếc lá, một giọt sương đến một quảng trường, một phong cảnh, một ngày hội quần chúng đều đi vào âm nhạc, thơ ca và hội họa, điêu khắc, sân khấu và điện ảnh. Không có cái đẹp nào xa lạ với nghệ thuật.

Cái đẹp cái xấu trong tác phẩm nghệ thuật

Điều đó không có nghĩa là tác phẩm nghệ thuật không miêu tả cái xấu. Trái lại, đưa cái xấu vào tác phẩm để phê phán, để phủ định nó, cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của nghệ thuật, đặc biệt là đối với những giai đoạn lịch sử nhất định, khi trong xã hội cái xấu đang hoành hành, điều ác đang tạm thời thắng thế.

Song phải từ nhận một thực tế là trong lịch sử mỹ thuật, cái xấu bước vào khá muộn. Suốt mười thế kỷ liên tục, nghệ thuật thế giới chủ yếu hướng vào mô tả cái đẹp, cái cao thượng. Truyền thống đó bắt nguồn từ nghệ thuật Hy Lạp, được tái sinh trong thời kỳ Phục Hưng, xuyên suốt chủ nghĩa cổ điển và tiếp tục phát huy với chủ nghĩa lãng mạn.

Trong giai đoạn này, đôi khi việc miêu tả cái xấu lại trở thành điều cấm kỵ đối với nghệ thuật. Điều đó giải thích vì sao hài kịch đã không được công nhận trong chủ nghĩa cổ điển, vì sao các họa sĩ của châu Âu thế kỷ XVII – XVIII chỉ chú ý tới cái đẹp, cái thanh cao. Khi vẽ cây chẳng hạn, thì không bao giờ họ vẽ cái gốc lởm chởm, xù xì hoặc nếu có thì cũng tìm cách làm cho nó khuất đi sau những vật trang nhã khác.

Trong lịch sử văn chương, tấn bi kịch của lý tưởng nhân văn, sự khủng hoảng của cái đẹp và hài hòa chỉ mới bắt đầu diễn ra chủ yếu từ hậu kỳ Phục Hưng, với những tác phẩm của Shakespeare.

Còn âm nhạc thì biết đến quá trình này muộn hơn, vào những giai đoạn cuối của chủ nghĩa lãng mạn, với các tác phẩm của Beethoven. Trong lịch sử hội họa, những bức tranh trình bày cái xấu trước đây rất ít ỏi.

Điều đó chứng tỏ rằng, dẫu buộc phải nói đến cái xấu, nghệ thuật vẫn dành ưu tiên cho cái đẹp. Cái đẹp vẫn là đối tượng cơ bản, lâu dài xuyên suốt của nghệ thuật. Trở về với sự hài hòa của thế giới, và của con người, đó chính là ước mơ, là sự phấn đấu, là cái đích cuối cùng của nhân loại. Và đó cũng chính là tương lai của nghệ thuật, thể hiện chủ nghĩa nhân văn cao cả của nó.

Thể hiện những rung động đẹp đẽ về hiện thực, sẽ góp phần làm phong phú thêm nội dung thẩm mỹ của nghệ thuật. Đứng trước một tác phẩm nghệ thuật, nhiều khi chúng ta cảm thấy phấn chấn, thỏa mãn về một thẩm mỹ không phải chỉ do cái đẹp của bản thân, sự vật được mô tả, mà còn do tình cảm của nghệ sĩ.

Xúc cảm thẩm mỹ của nghệ sĩ truyền sang chúng ta, làm cho chúng ta có những rung động tương tự. Điều này, bộc lộ rõ rệt trong những trường hợp mà chúng ta gọi là sự thi vị hóa cuộc sống.

Hãy lấy bức tranh “Tát nước đồng chiêm” của họa sĩ Trần Văn Cẩn làm ví dụ. Trước mắt chúng ta là cảnh người nông dân đang tát nước. Đây là một cảnh hết sức bình thường, bề ngoài không có gì là nên thở cả. Sống với con mắt nghề nghiệp, họa sĩ đã phát hiện ra một số nét thi vị của đối tượng.

Các nét này lại được tô điểm nhân lên nhờ xúc cảm thẩm mỹ tràn ngập trong lòng người vẽ. Điều này, làm cho cảnh vật được miêu tả trở nên sinh động và đẹp đẽ hẳn lên, những tà áo và giải thắt lưng bay lên theo chiều gió như ca hát, như hòa nhịp với những cánh tay đang kéo gầu nước bạc.

Hình ảnh các bà, các chị nghiêng ngả, tát nước mê say, toàn bộ khung cảnh lao động toát lên không khí vui tươi, nhịp nhàng, giống như một điệu múa vui sản xuất, nổi lên giữa thiên nhiên bao đời nay gắn bó với con người.

Rõ ràng là cảm xúc của tác giả cũng là một trong những đối tượng của thưởng thức nghệ thuật. Cùng với vẻ đẹp của bản thân, cái đẹp được phản ánh (cảnh vật, con người) cảm xúc này tạo thành mặt thẩm mỹ quan trọng của nội dung tác phẩm.

Nhưng chẳng lẽ, tác phẩm chỉ đẹp khi nó mô tả cái đẹp của cuộc sống hay diễn đạt cảm xúc thẩm mỹ của nghệ sĩ? Nếu vậy thì ý nghĩa thẩm mỹ của tác phẩm bộc lộ như thế nào, chẳng hạn như trong bức họa “Khúc khải hoàn ca của chiến tranh” của họa sĩ V. Veresaghin.

Trên khung vải chỉ có những chiếc sọ người chất thành một đống cao với dàn quạ đen, con thì đậu, con đang bay đến từ xa, nổi lên giữa cánh đồng hoa vắng trơ trọi.

Tìm cái đẹp ở đâu đây?

Nhà triết học Pháp Pascal nói: “Không một con rắn hay con quái vật nào được nghệ thuật sửa sang mà không trở nên đẹp”. Nhưng xin bạn chớ vội nghĩ rằng như vậy là cái xấu khi bước vào nghệ thuật sẽ bớt xấu hơn, cái ác sẽ trở nên bớt ghê tởm hơn, còn sự giả dối thì đáng khoan dung hơn.

Câu nói của Pascal liên quan đến một vấn đề quan trọng của mỹ học là nghệ thuật không từ chối cái xấu, cái thô thiển, nhưng dù mô tả cái đẹp, cái xấu hay cái thô thiển thì tác phẩm bao giờ cũng phải đẹp. Điều này hoàn toàn dễ hiểu. Thực tế cho thấy vẽ cái xấu và vẽ cái đẹp không phải là một, cũng như vẽ cái đẹp và vẽ đẹp không phải bao giờ cũng đồng nhất với nhau.

Có khi cầm bút về một sự vật rất đẹp, mà bức tranh lại chẳng đẹp chút nào. Một nhân vật trong truyện “Kiệt tác chưa biết đến” của Balzac có lần đã thay mặt nhà văn thốt lên rằng: “Nào bạn hãy dùng thạch cao nặn y nguyên cánh tay người yêu của mình và đặt nó lên bàn mà xem!

Bạn sẽ chẳng thấy một chút giống nhau nào cả, đó sẽ là cánh tay của một xác chết, và lúc ấy bạn phải nhờ đến nhà điêu khắc là người không phải mang lại một bản sao chính xác, mà truyền đạt sự vận động vào cuộc sống”.

Trong ý nghĩa này, lối phản ánh hiện thực theo kiểu tự nhiên chủ nghĩa rõ ràng, không phải chỉ làm cho giá trị tư tưởng của tác phẩm bị hạ thấp, mà còn tỏ ra kém cỏi về mặt thẩm mỹ. Bê nguyên xi tất cả những cái trong đời vào nghệ thuật, dù là những cái hấp dẫn và xinh đẹp, đều không phù hợp với quy luật sáng tạo nghệ thuật.

Một cô gái hàng ngày trông rất đẹp nhưng nếu bước lên sân khấu mà không trang điểm, sẽ trở nên vụng về và nhợt nhạt giữa cảnh phòng màu rực rỡ, và dưới ánh sáng của hàng chục ngọn đèn.

Xét về phương diện hình thức, nghệ thuật bao giờ cũng phải đẹp. Chính nhờ tài năng của nghệ sĩ, mà ngay cả trong những trường hợp tác phẩm trực tiếp mô tả cái xấu, cái ác. Chúng ta vẫn vui lòng thưởng thức tác phẩm, và có được những rung cảm thẩm mỹ nhất định.

Chẳng hạn trong Truyện Kiều, khi tả Tú Bà đánh đập Thúy Kiều, tác giả Nguyễn Du có viết: “Hung hăng chẳng hỏi chẳng tra. Dang tay vùi liễu dập hoa tơi bời. Thịt da ai cũng là người. Lòng nào hồng rụng thắm rời chẳng đau. Hết lời thú phục khẩn cầu. Uốn lưng thịt đổ, dập đầu máu sa”.

Đây là cảnh hành hạ con người bằng roi vọt, chửi mắng, chẳng đẹp đẽ gì. Nhưng những câu thơ diễn tả cảnh tra khảo ấy lại rất hay và đẹp. Cũng tương tự như vậy, có thể nói về giao hưởng số 5 cung Đô Thứ của Beethoven.

Tiếng gõ cửa của thần chết, sự khủng khiếp của Định Mệnh đã được nhà soạn nhạc hình tượng hóa trong những âm thanh bất hủ. Còn trong tác phẩm Guernica, tác giả Picasso thể hiện sự hủy diệt tàn khốc mà bọn phát xít đã gây ra trong một cuộc ném bom vào làng Guernica ở Tây Ban Nha.

Cao hơn nữa, họa sĩ muốn phác họa tội ác của chủ nghĩa phát xít và tính chất khủng khiếp của chiến tranh. Tất cả những cảnh tượng và nội dung đó rõ ràng, không có cái gì chung với cái đẹp.

Nhưng Picasso đã diễn tả nỗi kinh hoàng ấy bằng một ngòi bút tuyệt vời, khiến cho Guernica cũng với bức Chim Bồ Câu mãi mãi tượng trưng cho tiếng nói nhân đạo, tiếng nói chống chiến tranh và nguyện vọng hòa bình của các dân tộc.

Với Guernica và Chim Bồ Câu, tác giả Picasso đã đi bằng hai con đường khác nhau, để đến cùng một đích, ông vẽ cả cái xấu và cái đẹp, nhưng cả hai cùng chung một chủ đề hòa bình, nhân đạo và cả hai đều là những kiệt tác về mặt thẩm mỹ.

Nói tóm lại, trong những trường hợp trên đây, ngoài cái đẹp của lý tưởng xã hội, của tình cảm của nghệ sĩ trong chừng mực lý tưởng và tình cảm này, gợi chúng ta quan niệm về cuộc sống, về sự hài hòa, phẩm chất thẩm mỹ của các tác phẩm, còn bộc lộ ở cái đẹp của hình thức nghệ thuật.

Tiêu chuẩn của cái đẹp là gì?

Tiêu chuẩn của cái đẹp này chính là sự hoàn thiện của các phương tiện hình thức, và sự phù hợp của chúng với nội dung cần diễn đạt. Trước hết, hình thức tác phẩm muốn đẹp phải thật sự hoàn thiện, nghĩa là phải hoàn hảo về mặt kỹ thuật, kỹ xảo.

Yêu cầu này bắt buộc đối với tất cả các yếu tố hình thức, kể từ việc lựa chọn một chữ, hoặc một âm đến việc tổ chức toàn bộ tác phẩm thành một chỉnh thể thống nhất.

Ở đây, quy luật của sáng tạo thẩm mỹ đề ra những tiêu chuẩn hết sức nghiêm ngặt. Tác phẩm không được thiếu mà cũng không được thừa. Mọi chi tiết đều phải được cân nhắc, tính toán chặt chẽ. Các bản viết tay của La Fontaine đầy ngập những chỗ gạch xóa. Có bài ngụ ngôn ông phải làm đi làm lại 12 lần.

Tác giả JJ Rousseau cũng thổ lộ: “Các bản viết tay của tôi có biết bao nhiêu chỗ gạch xóa, bẩn, lộn xộn, khó đọc, nói lên công sức mà tôi phải bỏ ra. Không có một tác phẩm nào mà tôi không phải chép lại tới bốn năm lần trước khi đưa in”.

Tác giả Flaubert viết lại tác phẩm Bà Bovary mười lần, tác giả Pascal viết đi viết lại đến mười lăm lần một số chỗ trong Tập Thư Gửi Người Nhà Quê, … Tất cả những cái đó nói lên nguyện vọng của nhà văn, muốn đạt tới sự hoàn thiện, tới cái đẹp.

Mặt khác, bản thân sự hoàn thiện của kỹ thuật, kỹ xảo sẽ giảm đi rất nhiều ý nghĩa nếu nó không gắn với một nội dung cụ thể nào đó, không nhằm diễn đạt một tư tưởng, một tâm trạng nào đó. Sức mạnh của hình thức không phải chỉ phụ thuộc vào sự hoàn hảo của bản thân nó, mà còn phải toát ra từ quan hệ của nó với nội dung.

Quan hệ này có hai mặt. Thứ nhất đó là vấn đề: các phương tiện hình thức có khả năng truyền đạt đầy đủ và chính xác đến đâu, cái mà nghệ sĩ cần diễn tả, biểu hiện. Ở đây, phẩm chất thẩm mỹ của một hình ảnh hay một tính từ chẳng hạn, là ở chỗ chúng nói lên được hết những gì nhà văn định gửi gắm.

Mở đầu Truyện Kiều, khi tả mùa xuân, tác giả Nguyễn Du viết: “Cỏ non xanh tận chân trời. Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”. Câu thơ không chỉ phác thảo ra cảnh tuyệt đẹp của trời đất ngày xuân, mà còn diễn tả cả vẻ tinh khiết của tiết thanh xuân.

Lúc mà Thúy Kiều lần đầu tiên bước ra với cuộc đời mang theo đôi mắt ngỡ ngàng, bỡ bỡ và bao nhiêu ước mơ của người con gái ngây thơ, trong trắng. Đó là vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp và tâm trạng của con người, mà cũng là cái yên lặng của đất trời, trước cơn giông của một số phận tài hoa, trước khi trở thành bạc mệnh.

Câu tả cảnh vừa như là chuẩn bị, như khúc dạo đầu của một bi kịch, vừa như một vế của sự tương phản, làm nổi bật lên sự đối lập giữa hai không gian, giữa hai nửa cuộc đời Thúy Kiều. Ở chỗ khác, miêu tả Sở Khanh lén lút chui vào lầu xanh, để tính kế lừa dối Thúy Kiều.

Tác giả Nguyễn Du viết: “Tường đông lay động bông cành. Rẽ song đã thấy Sở Khanh lẻn vào”. Nhiều người cho rằng với từ Lẻn, nhà thơ đã giết chết nhân vật. Từ này vừa diễn tả đúng hành động mờ ám của Sở Khanh, lại vừa nói lên đầy đủ thái độ của tác giả đối với loại người như vậy.

Rõ ràng, trong cả hai trường hợp trên đây, hình ảnh và từ ngữ đã làm tròn chức năng của chúng. Mặt thứ hai của mối quan hệ giữa nội dung và hình thức bộc lộ ở chỗ: vẻ đẹp của hình thức phụ thuộc rất nhiều vào tính đúng đắn hay lệch lạc của nội dung được diễn tả.

Nếu nội dung thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn sâu sắc, hay gắn liền với tư tưởng tiến bộ thì vẻ đẹp của hình thức tác phẩm sẽ được nhân lên gấp nhiều lần.

Ngược lại, dù câu thơ có lộng lẫy đến mức nào, màu sắc và bố cục của bức tranh có vẻ đẹp đến đâu, nhưng nếu chúng nhằm thể hiện một tư tưởng giả dối, ca ngợi tội ác, độc tài, thì sức mạnh thẩm mỹ của chúng sẽ bị giảm sút nghiêm trọng, hoặc có khi sẽ bị phá hủy hoàn toàn.

Lê Ngọc Trà
Lâm Vinh
Huỳnh Như Phương


Bạn đang xem bài viết:
Những biểu hiện của cái đẹp trong tác phẩm nghệ thuật
Link https://myhocdaicuong.com/dai-cuong/nhung-bieu-hien-cua-cai-dep-trong-tac-pham-nghe-thuat.html
#caidep #tacpham #nghethuat


Nội dung tìm kiếm khác: Các tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam; Các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng; Các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam; Giá trị nghệ thuật là gì; Khái niệm nghệ thuật là gì; Một tác phẩm nghệ thuật; Nghệ thuật là gì; Những tác phẩm nghệ thuật kinh điển; Quan niệm nghệ thuật là gì; Tác phẩm nghệ thuật công cộng; Tác phẩm nghệ thuật đương đại; Tác phẩm nghệ thuật hiện đại.

Nội dung tìm kiếm khác: Tác phẩm nghệ thuật là gì; Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại; Tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng Việt Nam; Tác phẩm nghệ thuật tạo hình; Tác phẩm nghệ thuật tiếng Anh là gì; Tác phẩm nghệ thuật thời phục hưng; Tác phẩm nghệ thuật văn nổi tiếng; Tác phẩm văn học nghệ thuật là gì; Văn học nghệ thuật là gì; Viết về một tác phẩm nghệ thuật đã mang đến cho bản cảm hứng sống.

Tiêu đề bài viết: Những biểu hiện của cái đẹp trong tác phẩm nghệ thuật
Chuyên mục: Mỹ Học Đại Cương
Ngày đăng: February 14, 2024
Tác giả:
Lượt xem: 398 views
Website: https://myhocdaicuong.com
Link bài viết: https://myhocdaicuong.com/dai-cuong/nhung-bieu-hien-cua-cai-dep-trong-tac-pham-nghe-thuat.html