Những lĩnh vực mà Cái Đẹp thể hiện trong Phạm Trù Thẩm Mỹ

Cấu trúc về sự hài hòa chính là cấu trúc lý tưởng của tự nhiên, và đời sống xã hội. Thế thì, các lĩnh vực mà cái đẹp thể hiện trong khuôn khổ của phạm trù thẩm mỹ sẽ như thế nào?

Không hài hòa là trạng thái tạm thời, còn hài hòa là nguyên lý phổ biến của sự sống, là cái đích lý tưởng mà mọi cấu trúc, từ thế giới vô cơ đến thế giới hữu cơ đều vươn tới.

Một sự vật có hình dáng hoặc tổ chức bên trong hài hòa, thường khơi gợi cảm xúc thẩm mỹ. Có lẽ vì trong cơ sở sâu xa của mình, nó gợi ra ý niệm về sự hoàn thiện, về cái mang tính chất lý tưởng.

Tính lý tưởng là một trong những đặc điểm vô cùng quan trọng của cái đẹp. Dostoievski có một câu nói rất nổi tiếng: “Cái đẹp cứu thế giới”.

Nó không cứu thế giới bằng sức mạnh vật chất, nhưng nó cứu bằng cách làm cho nhân loại không bao giờ mất lòng tin vào những điều tốt đẹp, vào tương lai. Còn mơ ước, còn hy vọng, còn tin có tương lai, con người sẽ vượt qua khó khăn, cải tạo hoàn cảnh, biến đổi thế giới.

Ở đây, khi xác định cái đẹp như trên, chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề mối quan hệ giữa cái đẹp, cái chân và cái thiện. Rõ ràng, không thể đồng nhất cái đẹp với cái chân thiện mỹ, hoặc chỉ với cái thiện. Cái đẹp gắn liền với cả hai.

So với sự giả dối, chân lý và cái đẹp, cũng như so với điều ác, cái thiện là đẹp. Còn trong nội bộ cái chân hoặc cái thiện, thì cái đẹp lại tùy thuộc vào mức độ tính hoàn thiện, sự hài hòa, tính lý tưởng của chúng.

Đồng thời, khi xem xét cái đẹp như một phạm trù giá trị, gắn nó không chỉ với những thuộc tính vật chất, khách quan, mà còn với quan niệm của con người về cái mong ước, chúng ta phải tính đến vai trò của các yếu tố xã hội lịch sử, mà quan niệm này tất yếu phải có.

Nói cách khác, nếu cái đẹp là ý niệm, thì nó nhất định có quan hệ thế này hoặc thế kia với các quan điểm chính trị xã hội, với đặc điểm tâm lý dân tộc, với sở thích cá nhân của mỗi người, cũng như với sự thay đổi của lịch sử.

Trước hết, phải thừa nhận rằng ý niệm về cái đẹp, trong những mức độ khác nhau, thường mang dấu ấn quan điểm chính trị, giai cấp của con người.

Điều này, hoàn toàn dễ hiểu, bởi vì một khi cái đẹp là sự đánh giá sự vật, hiện tượng theo tiêu chuẩn về mức độ hoàn thiện và tính lý tưởng, thì trong một chừng mực nào đó.

Quan niệm về sự hoàn thiện và lý tưởng cũng có những nội dung rất khác nhau ở những người có địa vị và quyền lợi xã hội khác nhau.

Nói như vậy, không có nghĩa là chúng ta phủ nhận tất cả các yếu tố thẩm mỹ chung đối với mọi người, và bao giờ cũng phân định thật rạch ròi mọi hiện tượng theo ranh giới giai cấp, để rồi từ đó đi đến kết luận rằng cái đẹp đối với một giai cấp này, không thể có bất cứ khía cạnh nào đẹp với một giai cấp khác.

Sắc thái dân tộc trong Cái Đẹp như thế nào?

Quan niệm về cái đẹp cũng mang sắc thái dân tộc rất rõ nét, nhất là ý niệm về sự hài hòa cụ thể, về các phẩm chất tự nhiên của cái đẹp. Chẳng hạn với dân tộc này, màu vàng được ưa chuộng nhưng ở dân tộc khác, màu vàng lại gắn liền với một định kiến nào đó không hay.

Người nước này, ưa cái đẹp nhuần nhị kín đáo, người nước kia lại thích cái đẹp ồn ã và sôi động. Những điều kiện tự nhiên xã hội, tâm lý và tính cách dân tộc để lại dấu vết rất sâu trong quan niệm về cái đẹp.

Riêng trong lĩnh vực thẩm mỹ, bên cạnh các yếu tố trên đây, cần phải chú ý cả đến vai trò của sở thích cá nhân, khi đánh giá về cái đẹp. Người ta có thể không thích cái mà mọi người thích, hoặc ngược lại, thích cái mà nhiều người không ưa chuộng.

Điều đó, nên được tôn trọng. Song ở đây, tuyệt nhiên không được đồng nhất sở thích cá nhân với giá trị thẩm mỹ khách quan của sự vật hiện tượng. Thích hay không thích tùy anh chị, nhưng không nên xem điều đó đã là chân lý.

Trong một bức thư gửi bạn, L Tolstoi có lần viết: “Mấy hôm rồi, để kiểm tra nhận xét của mình về Shakespeare, tôi có đọc Vua Lia và Hamlet, và nếu tôi đã từng có đôi chút hoài nghi rằng mình đã ghét Shakespeare một cách không đúng, thì bây giờ sự nghi ngờ ấy đã hoàn toàn biến mất. Hamlet quả thực sự là một tác phẩm thô bạo, phi đạo đức, bỉ ổi và vô nghĩa”.

Chúng ta thấy rõ ràng ở đây nhà văn vĩ đại đã không đúng. Cuối cùng, là sự biến đổi lịch sử của quan niệm về cái đẹp. Một thể thơ trước đây được xem là hay, bây giờ không được ưa thích nữa, cách hát ấy trước đây được ưa chuộng, ngày nay ít người còn thích, …

Điều đó hoàn toàn hợp quy luật. Nó chỉ chứng tỏ sự phong phú và đa dạng của trí tuệ, và tâm hồn của con người mà thôi. Có điều, ở đây cần lưu ý rằng, sự biến đổi của quan niệm về cái đẹp không có nghĩa là cái đẹp sau cao hơn cái đẹp trước, cái đẹp hôm nay cao hơn cái đẹp hôm qua.

Các lĩnh vực mà Cái Đẹp được bộc lộ như thế nào?

Khi xem xét vấn đề này, phải có quan điểm lịch sử cụ thể và phải nhìn con người như một chủ thể năng động, phong phú, luôn luôn phát triển thông qua sự tác động qua lại với hoàn cảnh qua thực tiễn.

Trong quá trình đó, những năng lực bản thân, những mặt khác nhau của con người, sẽ bộc lộ dần dần với tính chất độc đáo, không lặp lại nhưng đồng thời cũng mỗi ngày một đa dạng hơn, sâu sắc hơn.

Cái đẹp là một trong những hiện tượng thẩm mỹ vô cùng phong phú, và có phạm vi bộc lộ rất rộng rãi. Nó bao gồm các lĩnh vực sau đây:

Thiên nhiên là nơi bắt đầu của mọi cái đẹp. Vẻ đẹp của mây, gió, trăng, hoa, núi, sông là nguồn cảm hứng và đồng thời là đối tượng mô tả của nghệ thuật. Vẻ đẹp của thiên nhiên ngày một phong phú là nhờ hoạt động thực tiễn của con người.

Chính trong mối quan hệ với thực tiễn đó, thiên nhiên mỗi ngày lại có thêm nét đẹp mới. Nhiều hiện tượng thiên nhiên trở thành đối tượng trực tiếp của cảm thụ thẩm mỹ, đi vào nghệ thuật là nhờ quan hệ của chúng với thực tiễn.

Chinh phục tự nhiên và bảo vệ thiên nhiên, đang là một trong những vấn đề sống còn của thời đại chúng ta và mai sau. Giữ gìn cái đẹp của phong cảnh, môi trường là nghĩa vụ xã hội của mỗi công dân, trong thời đại hiện nay.

Ở đây, thẩm mỹ đang trở thành đạo đức của ngay ngày hôm nay. Những sản phẩm do con người làm ra là thiên nhiên thứ hai. Gorki đã diễn tả, thiên nhiên khi được sáng tạo bằng bàn tay lao động của con người.

Khác với cái đẹp của thiên nhiên, cái đẹp của các sản phẩm, công trình có được không phải chỉ do chúng gắn liền với những ý niệm nào đó về lý tưởng, về sự hoàn thiện.

Mà vì chính chúng được tạo ra theo những thước đo của sự hoàn thiện, theo những khuôn mẫu lý tưởng. Cái đẹp này hết sức phổ biến, ở đâu có lao động là ở đó có cái đẹp, có khả năng xuất hiện. Bởi vì, đây là quy luật chung của hoạt động sáng tạo.

Marx viết: “Sức vật chỉ nhào nặn vật chất theo thước đo và nhu cầu của giống loài của nó, còn con người thì có thể sản xuất theo thước đo của bất cứ giống nào, và ở đâu cũng có thể áp dụng thước đo thích dụng cho đối tượng đó. Do đó, con người cũng nhào nặn vật chất theo quy luật của cái đẹp”.

Nói như thế không có nghĩa là bất cứ sự lao động nào, cũng tất yếu sinh ra cái đẹp. Từ cái đẹp nảy sinh một cách tự phát, bên cạnh cái có ích, người ta dần dần có ý thức tạo ra những ngành sản xuất chuyên biệt về cái đẹp.

Hiện nay, trên thế giới các ngành mỹ học kỹ thuật hay mỹ thuật công nghiệp (design) dạng phát triển rất mạnh. Việc sản xuất hàng loạt theo một dây chuyền công nghệ, đang tạo ra nguy cơ hạ thấp chất lượng thẩm mỹ của các sản phẩm, làm cho cảm thụ thẩm mỹ của con người trở nên đơn điệu, nghèo nàn.

Bởi vậy, việc nâng cao chất lượng thẩm mỹ của các sản phẩm công nghiệp không phải chỉ có ý nghĩa kinh tế, thương mại mà còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Tạo ra một môi trường thẩm mỹ không phải chỉ bằng cây cối, chim muông mà còn bằng những sản phẩm đẹp do con người làm ra, từ lọ hoa đến ngôi nhà hoặc cả thành phố, là nhiệm vụ rất quan trọng.

Đó cũng là một hình thức giáo dục thẩm mỹ, cải tạo thị hiếu và bồi dưỡng sự phong phú thẩm mỹ cho con người.

Cái Đẹp trong hoạt động và nghệ thuật như thế nào?

Cái đẹp trong hoạt động của con người thể hiện ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ vui chơi giải trí đến cưới xin, ma chay, từ thể thao hội hè, đến lao động sản xuất, thậm chí ở cả hoạt động quân sự.

Ngày nay, người ta đã bắt đầu nói đến mỹ học trong thương nghiệp, mỹ học y tế, mỹ học thể thao, mỹ học quân sự, …

Cái đẹp trong lĩnh vực này rất phong phú, nhiều màu nhiều vẻ, nó phối hợp được cả vẻ đẹp của màu sắc, âm thanh, hình dáng, cả vẻ đẹp bên ngoài với vẻ đẹp bên trong bắt nguồn từ những quan niệm chính trị, đạo đức, những truyền thống, phong tục, … Mỗi trường hợp như vậy, đều đòi hỏi phải xem xét cụ thể riêng.

Cái đẹp trong nghệ thuật thể hiện tập trung nhất quan hệ thẩm mỹ của con người với hiện thực. Nói cách khác, trong bất kỳ hoạt động nào, con người cũng đều sáng tạo theo quy luật của cái đẹp, nhưng không ở đâu quy luật ấy lại bộc lộ rõ nét, không ở đâu việc sáng tạo ra cái đẹp lại chiếm một vị trí quan trọng như trong nghệ thuật.

Ở đây tạo ra cái đẹp là một trong những mục tiêu chủ yếu mà nghệ sĩ đặt ra từ đầu. Nghệ thuật không phải là nơi độc quyền sản xuất ra cái đẹp, nhưng nó là hình thức chuyên nghiệp, chuyên môn hóa cao nhất, tập trung nhất, lãnh trách nhiệm nặng nề nhất, trong việc thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của xã hội.

Chính từ đây, xuất hiện đặc điểm đầu tiên của cái đẹp trong lĩnh vực này, đó là sự hoàn chỉnh, tinh gọt giũa, trau chuốt, của các yếu tố hình thức trong tác phẩm nghệ thuật. Xét về sự phong phú, tươi mới, nguồn gốc và tính có trước, thì rõ ràng cái đẹp của tự nhiên hơn cái đẹp của nghệ thuật.

Nhưng đứng về phương diện khác, thì lại không thể. Nhờ quá trình sáng tạo theo nguyên tắc điển hình hóa, mà nhiều sự vật hiện tượng của đời sống khi bước vào nghệ thuật, như trải qua một khoảng cách thần diệu, cái bình thường cũng thành đẹp đẽ, cái vốn đã đẹp thì lại càng đẹp hẳn lên.

Nghệ sĩ thường góp nhặt, thâu tóm cái đẹp khắp nơi để tạo ra cái đẹp cho tác phẩm của mình, bởi vậy tác phẩm thường có được vẻ hoàn thiện và sự hấp dẫn.

Hoàng Đức Lương nói: “Đến như văn thơ, thì lại là sắc đẹp ngoài cả sắc đẹp, vị ngon ngoài cả vị ngon, không thể đem mắt tầm thường mà xem, miệng tầm thường mà nếm được”.

Đặc điểm thứ hai là so với cái đẹp trong thiên nhiên, thậm chí cả trong lĩnh vực công nghiệp nữa, các nhân tố vật chất tạo thành cái đẹp trong nghệ thuật mang sắc thái biểu cảm rất rõ. Một màu hoa tự nhiên đẹp là do thuộc tính vật lý của nó hoặc do những liên tưởng chủ quan mà người ngắm gán cho nó.

Còn trong bức tranh, một màu đẹp bên cạnh sắc độ dễ coi, thường chứa đựng một điều gì đó mà nghệ sĩ chủ động, cố tình thể hiện trong nó. Bởi vậy, âm thanh tự nhiên và âm thanh âm nhạc, màu tự nhiên và màu hội họa rất khác nhau.

Từ đây, xuất hiện một đặc điểm quan trọng nữa của cái đẹp nghệ thuật là sự thống nhất giữa nội dung được thể hiện và hình thức thể hiện nó. So với cái đẹp trong tự nhiên, cái đẹp nghệ thuật là cái đẹp có tính nội dung.

Tính nội dung này thể hiện không phải chỉ ở chỗ, cái đẹp trong nghệ thuật nằm cả trong hình thức và nội dung được thể hiện (cái đẹp thiên nhiên không có nội dung này), mà còn ở chỗ, bản thân hình thức nghệ thuật cũng mang tính chất nội dung.

Đồng thời, sự gắn bó giữa nội dung và hình thức ở đây chặt chẽ hơn so với các sản phẩm khác do con người làm ra, và cũng có cái đẹp.

Nếu màu sắc của chiếc máy cày chủ yếu mang tính trang trí, không phụ thuộc hoàn toàn vào ý nghĩa, chức năng của nó và nếu thay đổi vẫn không ảnh hưởng đến chức năng đó, thì ngược lại, trong tác phẩm nghệ thuật, thay màu này bằng màu kia, thay âm này bằng âm khác, chữ này bằng chữ khác, đều làm biến đổi tính chất và ý nghĩa của hình tượng.

Ngược lại, trong trường hợp nội dung tác phẩm sai lầm (chẳng hạn, tư tưởng được thể hiện là vô nhân đạo) chất lượng thẩm mỹ của nó cũng sẽ bị giám sát nghiêm trọng.

Giá trị Thẩm Mỹ của Cái Đẹp như thế nào?

Cái đẹp trong nghệ thuật bộc lộ trước hết ở cái đẹp của hiện thực được phản ánh. Đó có thể là vẻ đẹp của phong cảnh thiên nhiên, vẻ đẹp của con người, của những hoạt động, của những tư tưởng, những tình cảm. Không phải nghệ thuật, chỉ truyền đạt cái đẹp. Nó viết, vẽ cả cái xấu.

Song nói chung, cái đẹp vẫn là đối tượng chính của nghệ thuật. Nghệ sĩ nào cũng khao khát ghi lại càng nhiều càng tốt, diễn tả càng đặt càng hay những cảnh đẹp, nét đẹp trong cuộc sống, và thường thì những người sáng tác bao giờ cũng tìm cách khuếch đại, phóng to lên để cái đẹp rực rỡ, lộng lẫy hơn.

Trong trường hợp phải mô tả cái xấu, cái ác, tác phẩm nghệ thuật vẫn có thể trở thành đối tượng của sự cảm thụ thẩm mỹ nhờ hai cách. Thứ nhất là nhờ vẻ đẹp của tư tưởng tình cảm tác giả, vẻ đẹp của lý tưởng mà nhà văn đã xuất phát khi mô tả đánh giá cái xấu.

Gogol là văn hào Nga thế kỷ XIX, tác giả của vở kịch “Quan Thanh Tra” đã từng nói rằng, trong tác phẩm này, tất cả các nhân vật đều là phản diện, chỉ có một nhân vật tích cực duy nhất, đó là tiếng cười.

Tiếng cười của nhà văn gắn liền với những lý tưởng xã hội tiến bộ, xuất phát từ những tiêu chuẩn rất cao về con người. Vì vậy, nó cũng gắn liền với sự hoàn thiện, với cái đẹp.

Đồng thời, giá trị thẩm mỹ của tác phẩm, cũng như trong bất kỳ trường hợp nào khác, không phụ thuộc toàn bộ vào đối tượng mà nó miêu tả, đánh giá.

Cái đẹp có thể toát ra từ bản thân hình thức nghệ thuật của tác phẩm, trong kết cấu, bố cục, trong trình độ làm chủ chất liệu, trong cách xây dựng nhân vật, tổ chức tác phẩm, …

Tiêu chuẩn cơ bản để xác định cái đẹp này là sự hoàn thiện về hình thức, kỹ thuật, và sự hài hòa của các phương tiện hình thức với nội dung cần thể hiện.

Trong rất nhiều trường hợp, đặc biệt là đối với những kiệt tác, sự hoàn thiện trình độ nghệ thuật điêu luyện, đem lại cho tác phẩm hiệu quả thẩm mỹ vô cùng to lớn.

Tuy nhiên, không nên đồng nhất cái đẹp và nghệ thuật, không nên xem xét cái đẹp chỉ trong nghệ thuật, cũng như trong nghệ thuật chỉ thấy có vấn đề cái đẹp.

Đừng quên rằng, nghệ thuật chỉ là một trong những lĩnh vực có cái đẹp, và nghệ thuật không phải chỉ có nhiệm vụ tạo ra cái đẹp.

Nghệ thuật là một hoạt động tinh thần thực tiễn của con người, có nhiệm vụ góp phần thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của con người, nhưng đồng thời cũng là một phương tiện để giao tiếp, một hành động nhận thức, có khả năng tác động rất lớn đối với con người và xã hội.

Lê Ngọc Trà
Lâm Vinh
Huỳnh Như Phương


Bạn đang xem bài viết:
Những lĩnh vực mà Cái Đẹp thể hiện trong Phạm Trù Thẩm Mỹ
Link https://myhocdaicuong.com/dai-cuong/nhung-linh-vuc-ma-cai-dep-the-hien-trong-pham-tru-tham-my.html


Nội dung tìm kiếm khác: Bốn phạm trù mỹ học; Bản chất của cái đẹp; Bản về cái đẹp; Biểu hiện của cái đẹp; Các phạm trù thẩm mỹ; Cái đẹp trong mỹ học; Cái đẹp trong xã hội; Đối tượng nghiên cứu của mỹ học; Đời sống thẩm mỹ là gì; Khái niệm thẩm mỹ là gì; Phạm trù cái đẹp trong mỹ học; Quan niệm về cái đẹp tại Việt Nam; Quan niệm về cái đẹp trong cuộc sống.

Nội dung tìm kiếm khác: Quan niệm về cái đẹp trong mỹ học; Suy nghĩ về cái đẹp trong cuộc sống; Tại sao nói cái đẹp la phạm trù trung tâm của mỹ học; Theo em cái đẹp thể hiện trong bài thơ này là gì; Thuộc tính của cái đẹp; Triết học về cái đẹp; Vai trò của cái đẹp; Ví dụ về cái đẹp trong nghệ thuật; Ví dụ về cái đẹp trong tự nhiên; Ví dụ về cái đẹp trong xã hội; Ví dụ về cảm xúc thẩm mỹ.

Tiêu đề bài viết: Những lĩnh vực mà Cái Đẹp thể hiện trong Phạm Trù Thẩm Mỹ
Chuyên mục: Mỹ Học Đại Cương
Ngày đăng: February 14, 2024
Tác giả:
Lượt xem: 217 views
Website: https://myhocdaicuong.com
Link bài viết: https://myhocdaicuong.com/dai-cuong/nhung-linh-vuc-ma-cai-dep-the-hien-trong-pham-tru-tham-my.html