Tìm hiểu tổng quan khái quát chung về quần áo là gì?

Chúng ta sẽ tìm hiểu về khái niệm và chức năng của quần áo là gì? Khi phân loại quần áo gồm có những yêu cầu thiết kế như thế nào? Có bao nhiêu phân loại kết cấu của quần áo?

1. Khái niệm về quần áo là gì?

Trang phục nói chung, quần áo nói riêng là một trong những vật dụng cần thiết trước tiên trong cuộc sống của con người, và được sử dụng riêng đối với mỗi người.

Trang phục bao gồm: quần, váy, áo, giày, mũ, găng tay, tất,… Trong đó, phần chính là quần áo (bao gồm: quần, váy, áo và các sản phẩm phối hợp).

Quần áo là một sản phẩm hoặc một bộ sản phẩm, nhằm che phủ và bảo vệ cơ thể con người. Thời trang quần áo hiện đại có thể được may từ nhiều loại vật liệu khác nhau: vải dệt thoi, vải dệt kim, vải không dệt, da lông tự nhiên và nhân tạo,…

Quần áo là kết quả của quá trình phát triển của xã hội loài người. Quá trình phát triển của quần áo chịu ảnh hưởng của sự phát triển xã hội, quá trình lao động, sự phát triển khoa học kỹ thuật, văn hóa, nghệ thuật, kinh tế, địa lý,…

Quần áo thể hiện một phần quan trọng các yếu tố vật chất và tinh thần của một nền văn hóa.

2. Chức năng của quần áo là gì?

Trong tất cả các giai đoạn của quá trình phát triển của xã hội loài người, quần áo đều thể hiện hai chức năng cơ bản. Đó là: chức năng sử dụng và chức năng thông tin thẩm mỹ.

2.1 Chức năng sử dụng

Chức năng bảo vệ. Quần áo che chở và bảo vệ cơ thể con người tránh khỏi những tác động có hại của môi trường, tác động của yếu tố khí hậu (mưa, gió, bức xạ nhiệt, ánh sáng,…), tác động cơ học của môi trường (bụi, xung chấn,…).

Chức năng sinh lý học. Quần áo tạo điều kiện thuận tiện và tiện nghi cho cơ thể con người, trong sinh hoạt và lao động. Không làm cản trở các hoạt động của cơ thể, tạo điều kiện tốt cho quá trình trao đổi chất trên bề mặt da của cơ thể.

2.2 Chức năng thông tin – thẩm mỹ

Chức năng thông tin xã hội. Trong lịch sử phát triển, quần áo luôn luôn là một trong những yếu tố chính, để thể hiện mối quan hệ của con người với tự nhiên và xã hội xung quanh. Quần áo trở thành một bộ phận không thể tách rời của văn hóa loài người. Quần áo thể hiện trình độ văn hóa, không chỉ của người mặc, mà còn của cả dân tộc, xã hội thời kỳ đó.

Chức năng thông tin cá nhân. Khi sử dụng quần áo, người ta có thể biết một cách tương đối một số thông tin cơ bản về người mặc, như sở thích, tính cách, nghề nghiệp, vị trí xã hội,…

Chức năng thẩm mỹ. Quần áo góp phần nâng cao vẻ đẹp bên ngoài của con người, nhờ sự lựa chọn phù hợp màu sắc, hình dáng, cấu trúc và các chi tiết trang trí trên quần áo với cơ thể người mặc.

Với mọi chủng loại quần áo đều thể hiện đầy đủ hai nhóm chức năng cơ bản trên. Tuy nhiên, mức độ quan trọng của mỗi nhóm chức năng có thể là khác nhau.

3. Phân loại quần áo như thế nào?

Quần áo được sử dụng hiện nay rất phong phú và đa dạng về chủng loại, đối tượng và điều kiện sử dụng, chức năng và đặc điểm kết cấu. Vì vậy, các yêu cầu khi thiết kế cũng khác nhau.

Để thuận lợi cho quá trình sản xuất và sử dụng quần áo, người ta tiến hành phân loại quần áo theo một số đặc trưng sau:

Theo đối tượng sử dụng. Có thể phân loại theo giới tính là quần áo nam, quần áo nữ. Ngoài ra, còn theo lứa tuổi, bao gồm quần áo trẻ em (trẻ sơ sinh, mẫu giáo, thiếu nhi, thiếu niên), quần áo thanh niên, quần áo trung niên, quần áo cho người già.

Theo điều kiện khí hậu. Trong đó, bao gồm 4 mùa là quần áo xuân, hạ, thu, đông.

Theo phạm vi sử dụng. Có thể liệt kê, gồm quần áo sinh hoạt, quần áo thể thao, quần áo lao động (quần áo làm việc, quần áo bảo hộ, quần áo bảo vệ,…), quần áo biểu diễn nghệ thuật.

Theo chức năng sử dụng. Bao gồm quần áo ngủ, quần áo mặc ở nhà, thường phục, đồng phục, quần áo lễ hội, quần áo dạ hội,…

Theo kết cấu. Gồm có 3 chủng loại chính là áo, quần, váy. Trong đó, áo là sản phẩm che phủ phần cơ thể người từ cổ trở xuống. Quần là sản phẩm che phủ phần cơ thể người từ eo trở xuống và chia thành hai ống để che phủ hai chi dưới. Váy là sản phẩm che phủ phần cơ thể người từ eo trở xuống và chỉ có một ống.

Từ 3 chủng loại chính kể trên là áo, quần, váy, còn có những sản phẩm phối hợp như sau:

Váy kết hợp với áo. Nếu váy được thiết kế liền với áo, thì ta có những sản phẩm được gọi là áo liền váy hay áo váy. Nếu váy và áo là hai sản phẩm được thiết kế để luôn được mặc cùng với nhau, thì ta có bộ sản phẩm váy áo (thường thì váy và áo có những đặc điểm giống nhau như màu, màu phối, vật liệu).

Quần kết hợp với áo. Tương tự như khi kết hợp váy và áo, ta sẽ có quần liền áo hoặc bộ quần áo.

Từ mỗi chủng loại quần áo nói trên. Chúng ta có thể phân loại theo kết cấu, hình dáng, độ dài, độ rộng các chi tiết của sản phẩm như sau:

Phân loại kết cấu của áo. Theo chiều dài áo (áo dài, áo lửng, áo ngắn); Theo chiều dài tay áo (tay dài, tay lửng, tay ngắn); Theo kiểu tay (tay ráp tròn, tay liền, tay raglan, tay phối hợp); Theo kiểu cổ (không cổ, cổ nằm, cổ đứng, cổ bẻ ve).

Phân loại kết cấu của quần. Theo chiều dài (quần dài, quần lửng, quần ngắn); Theo hình dáng ống quần (ống bó, ống thẳng, ống loe, ống vẩy); Theo kiểu cắt (quần bà ba, quần ống què, quần âu, quần bò).

Phân loại kết cấu của váy. Theo chiều dài (váy maxi, váy lửng, váy ngắn, váy mini); Theo hình dáng thân váy (váy bó, váy thẳng, váy xòe, váy phối hợp).

4. Các chỉ tiêu chất lượng và yêu cầu đối với quần áo

Gồm 2 vấn đề chính là chỉ tiêu chất lượng và các yêu cầu đối với quần áo.

4.1 Chỉ tiêu chất lượng.

Bao gồm các chỉ tiêu chính: chỉ tiêu về ngoại quan thẩm mỹ, chỉ tiêu về công thái trang phục, chỉ tiêu về kỹ thuật.

4.2 Các yêu cầu đối với quần áo.

Cùng với sự phát triển của quần áo, các yêu cầu của chúng ngày càng được bổ sung và nâng cao. Các yêu cầu của quần áo là cơ sở xác định các chỉ tiêu chất lượng của sản phẩm may mặc.

Đối với quần áo, hiện tồn tại 2 nhóm yêu cầu sau: Nhóm yêu cầu tiêu dùng (nhằm thỏa mãn những người sử dụng sản phẩm); Nhóm yêu cầu sản xuất (nhằm thỏa mãn những nhà sản xuất quần áo).

Yêu cầu tiêu dùng về sử dụng. Bao gồm 3 vấn đề chính.

—- Sự phù hợp giữa kích thước, hình dạng của sản phẩm với cơ thể người mặc, đảm bảo người mặc có thể cử động dễ dàng khi mặc quần áo. Việc đáp ứng yêu cầu này, phụ thuộc vào việc lựa chọn phù hợp lượng gia giảm thiết kế, kiểu dáng,…

—- Sự thoải mái và tiện nghi về sinh lý cho con người khi sử dụng sản phẩm. Việc đáp ứng yêu cầu này, phụ thuộc vào việc lựa chọn phù hợp tính vệ sinh của vật liệu, cấu trúc quần áo, lượng gia giảm thiết kế,…

—- Độ tin cậy trong quá trình sử dụng sản phẩm. Việc đáp ứng yêu cầu này, phụ thuộc vào việc lựa chọn phù hợp độ bền, khả năng ổn định hình dáng,…

Yêu cầu tiêu dùng về thẩm mỹ. Bao gồm 3 vấn đề chính.

—- Sự phù hợp của kiểu dáng, tỷ lệ, bố cục và màu sắc với xu hướng của mốt.

—- Hình thức hợp lý của nhãn hiệu và bao gói sản phẩm.

—- Yêu cầu về thẩm mỹ đối với các đường may ráp nối trên quần áo. Đường may không bị nhăn, mũi chỉ đẹp và đúng yêu cầu,…

Yêu cầu sản xuất. Bao gồm 2 vấn đề chính.

—- Cấu trúc quần áo hợp lý để có thể sử dụng những phương pháp và thiết bị hiện có để gia công sản phẩm.

—- Cấu trúc hợp lý để có thể cho phép giảm tiêu hao vật liệu, hoặc thời gian gia công mà không làm giảm chất lượng sản phẩm.

Trần Thủy Bình

Xem thêm bài viết: Đặc điểm hình dáng cơ thể người được phân loại như thế nào?

Bạn đang xem bài viết:
Tìm hiểu tổng quan khái quát chung về quần áo là gì?
Link https://myhocdaicuong.com/thoi-trang/tim-hieu-tong-quan-khai-quat-chung-ve-quan-ao-la-gi.html

Tìm kiếm có liên quan: Khái niệm thời trang; Bài viết giới thiệu về thời trang; Giới thiệu về thời trang; Quan điểm về thời trang; Sự phát triển của thời trang Việt Nam; Khái niệm trang phục; Ý nghĩa của trang phục; Quần áo là gì.

Tiêu đề bài viết: Tìm hiểu tổng quan khái quát chung về quần áo là gì?
Chuyên mục: Mỹ Học Thời Trang
Ngày đăng: 04/08/2021
Tác giả:
Lượt xem: 985 views
Website: https://myhocdaicuong.com
Link bài viết: https://myhocdaicuong.com/thoi-trang/tim-hieu-tong-quan-khai-quat-chung-ve-quan-ao-la-gi.html