Làm thế nào để biết đặc điểm kích thước của quần áo như thế nào là chuẩn nhất? Kết cấu của quần áo như thế nào là ổn trong hiện tại? Hình dáng bên ngoài của quần áo ra sao?
1. Đặc điểm kích thước của quần áo
Chúng ta thấy rõ ràng là nếu quần áo được may từ vải không co dãn, kích thước trong của quần áo nhỏ hơn, hoặc bằng chính xác kích thước cơ thể con người. Thì con người không thể sử dụng được quần áo đó, và khi mặc vào thì không thể vận động được.
Bởi vậy, các kích thước của quần áo phải luôn lớn hơn các kích thước tương ứng của cơ thể người. Độ chênh lệch giữa kích thước của quần áo và các kích thước tương ứng của cơ thể được gọi là lượng cử động.
Như vậy, kích thước của quần áo sẽ bằng kích thước tương ứng của cơ thể người cộng với lượng cử động của kích thước đó:
Pqa = Pct + △P
Trong đó:
Pqa là kích thước của quần áo.
Pct là kích thước tương ứng của cơ thể người.
△P là lượng cử động của kích thước P.
Đây chính là dạng phổ biến của các công thức thiết kế quần áo.
1.1 Lượng cử động.
Do có lượng cử động sẽ có một khoảng không gian nhất định, giữa bề mặt bên trong của quần áo và bề mặt da của cơ thể người. Khoảng không gian này, đảm bảo cho cơ thể con người khi mặc quần áo, có thể cảm thấy thoải mái, dễ chịu cả khi nghỉ ngơi và khi hoạt động.
Lớp không khí trong khoảng không gian này, rất cần thiết trong quá trình trao đổi nhiệt và hơi nước giữa cơ thể, quần áo và môi trường. Khoảng không gian này cũng giúp cho con người có thể vận động dễ dàng khi mặc quần áo.
Đồng thời, kích thước khoảng không gian giữa quần áo và cơ thể ở các khu vực khác nhau sẽ tạo nên nhiều kiểu dáng quần áo. Lượng cử động thông thường được chọn căn cứ vào những yếu tố sau:
– Dáng cơ bản của quần áo:
Quần áo dáng bó sát sẽ có lượng cử động nhỏ nhất, quần áo dáng thẳng có lượng cử động lớn. Căn cứ vào bản vẽ phác thảo của mẫu hoặc ý đồ thiết kế, người ta chọn một cách tương đối giá trị của lượng cử động, và giá trị của nó sẽ được hiệu chỉnh dần trong quá trình thử và sửa mẫu.
– Đặc điểm vật liệu:
Vật liệu sử dụng có ảnh hưởng quan trọng đến vấn đề thiết kế quần áo. Những đặc trưng và thông số của vật liệu cần phải được xét đến khi thiết kế quần áo là:
+ Thành phần xơ sợi và cấu trúc vải (mật độ, độ chứa đầy,…):
Thông thường đối với vải từ xơ sợi tự nhiên có độ hút ẩm cao, vải có mật độ thấp thì có thể chọn lượng cử động nhỏ hơn, so với vải tổng hợp và vải có mật độ cao.
+ Chiều dày:
Thường đối với vải dày (vải nhung, vải lông, vải dệt kim dày) lượng cử động cần lấy lớn hơn so với vải mỏng. Lượng cử động theo độ dày vải của một kích thước chu vi nào đó, được xác định gần đúng bằng gấp 6 lần chiều dày của vải.
Ví dụ : Nếu vải dày 1mm thì lượng cử động của các kích thước như vòng ngực, vòng bụng, vòng mông cần lấy tăng thêm là 6mm.
+ Độ dãn đàn hồi:
Khi thiết kế quần áo từ vải co dãn (vải dệt kim hoặc vải từ sợi đàn hồi), lượng cử động có thể rất nhỏ và thậm chí bằng 0 hoặc nhỏ hơn 0.
– Đối tượng sử dụng:
Thông thường, khi thiết kế quần áo cho trẻ em và nam giới, lượng cử động cần lấy giá trị lớn hơn đo cơ thể có cường độ vận động lớn hơn.
– Điều kiện sử dụng:
Tùy thuộc điều kiện khí hậu của môi trường sử dụng quần áo (nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió,…), dạng hoạt động vật lý của con người (sinh hoạt, lao động, thể thao) mà lựa chọn lượng cử động phù hợp để đảm bảo yêu cầu vệ sinh và vận động của quần áo.
Khi thiết kế những loại quần áo bó sát, người ta rất quan tâm đến lượng cử động tối thiểu của quần áo. Đây là lượng cử động nhỏ nhất, cho phép tạo nên quần áo bó sát nhất cơ thể mà người mặc vẫn cảm thấy tiện nghi và thoải mái.
Thông thường, lượng cử động tối thiểu trên đường ngang ngực của áo, được chọn như sau (giá trị tính cho cả kích thước vòng ngực):
+ Đối với áo nhẹ, áo váy: 4 ÷ 5 cm
+ Đối với jắc két, vét: 6 cm
+ Đối với măng tô nhẹ (không có lót ẩm): 8 cm
+ Đối với măng tô có lót ấm: 10 ÷ 12 cni
Lượng cử động tối thiểu đối với vòng eo và vòng mông, thường nhỏ hơn so với lượng cử động tối thiểu. Đối với vòng ngực và thường bằng khoảng 50% ÷ 75% lượng cử động tối thiểu đối với vòng ngực.
1.2 Lượng dư co vải.
Đối với vải co (do giặt, là), kích thước các chi tiết của quần áo, cần được tính thêm ra so với kích thước thiết kế. Lượng tính thêm này được gọi là lượng dư co vải và được tính theo công thức sau:
△cv = Ltk x (u/100)
Trong đó:
△cv là lượng dư co vải.
Ltk là kích thước của chi tiết khi chưa tính đến độ co vải.
u là độ co của vải (%)
2. Kết cấu của quần áo
Trong thiết kế may mặc, phần hình dáng bên ngoài của quần áo rất quan trọng. Từ đó, ta có thể phác thảo các chi tiết để cấu thành nên bộ trang phục hoàn chỉnh nhất.
2.1 Hình dáng bên ngoài của quần áo.
Đây là yếu tố mà người tiêu dùng quan tâm nhất. Hình dạng ngoài của quần áo được xác định từ hình dáng trong và những đường may ráp nối trên quần áo.
Người ta chia hình dáng bên ngoài của quần áo thành 3 dáng cơ bản: dáng bó sát, dáng nửa bó sát và dáng thẳng.
– Quần áo dáng bó sát: phần eo và ngực thường lộ rõ. Kiểu dáng này sử dụng chủ yếu cho quần áo nữ, ở quần áo nam rất ít gặp.
– Quần áo dáng nửa bó sát: thì ít bó sát lấy cơ thể hơn, dường eo ở phía trước và phía sau thường có những nếp gấp. Dáng nửa bó sát thường gặp trong quần áo nam, nữ và quần áo trẻ em.
Trong các sản phẩm dáng thẳng, đường eo không lộ rõ, dôi khi theo xu hướng mốt có thể tạo ra một số dáng cụ thể như; hình chữ nhật, hình thang, hình ô vạn,… Quần áo dáng thẳng rất phổ biến đối với cả nam, nữ và trẻ em.
Hình dạng ngoài của quần áo còn được đặc trưng bởi kiểu cắt của nó. Kiểu cắt của quần áo được phân chia theo sự phân tách các chi tiết của quần áo theo hướng dọc và hướng ngang.
Khi phân tách các chi tiết theo phương dọc, người ta thường gọi tên kiểu cắt theo số đường may dọc hoặc số lượng chi tiết. Khi phân tách theo phương ngang, người ta gọi tên kiểu cắt theo vị trí của đường may ngang.
A. Dáng bó sát.
B. Dáng nửa bó sát.
C. Dáng hình thang ngược.
D. Dáng hình chữ nhật.
E. Dáng hình thang xuôi.
Kết cấu của trang phục được đặc trưng, bởi số lượng và hình dáng các chi tiết của nó. Trong quần áo, số lượng các chi tiết có thể lên tới 40 chi tiết, chúng được chia làm 2 loại: các chi tiết chính và các chi tiết phụ.
– Các chi tiết chính: là những chi tiết được cắt bằng loại vải chính và có tính chất quyết định hình dáng chung của quần áo.
Ví dụ như các chi tiết: thân trước và thân sau áo, tay áo; thân trước và thân sau quần; thân trước và thân sau váy, đề cúp thân áo,…
– Các chi tiết phụ: là những chi tiết không quyết định hình dáng tổng thể của quần áo, mà chỉ có tính chất hỗ trợ. Nó bao gồm: các chi tiết phụ của lần ngoài (măng sét, túi, nẹp, cổ, dáp, đai, cạp,…); các chi tiết lớp lót (thân trước và thân sau của quần, váy và áo, tay áo, thân túi lót,…); các chi tiết lớp đựng (dựng ngực, dựng cổ, dựng vai, dựng nẹp, dựng thân trước, thân sau và tay áo,…) và các chi tiết trang trí (đăng ten, ruy băng,…).
Hình dáng các chi tiết trong quần áo, được xác định bởi ý đồ và giải pháp thiết kế. Các chi tiết trong quần áo, được gọi tên theo một số nguyên tắc như sau:
– Theo vị trí trên cơ thể mà chi tiết bao phủ: thân, tay, cổ,…
– Theo vị trí tương đối giữa các chi tiết với nhau: thân trước và thân sau, cổ ngoài và cổ trong, cổ trên và cổ dưới, chân cổ và bẻ lật, mang tay ngoài và mang tay trong,…
– Theo tương quan kích thước giữa các chi tiết vơi nhau: mang tay lớn và mang tay bé,…
– Theo chức năng của chi tiết: túi, đai, cạp, nẹp, đáp,…
– Theo tên của chi tiết chính mà từ đó được chia cắt ra : đề cúp thân áo, chèn tay, cầu vai, cầu mông,…
– Theo hình dáng của chi tiết: cá, đỉa,…
– Tên đặc biệt (thường được phiên âm từ tiếng nước ngoài): xô bật, măng sét,..
2.2 Các chi tiết cấu thành trang phục.
Các đường may ráp nối các chi tiết trên quần áo được chia thành 2 nhóm:
– Các đường tạo dáng: là những đường viền ở vai, eo, hông và những đường xác định hình dáng sản phẩm ở mặt chính diện và ở mặt cắt. Chúng đặc trưng cho hình dáng tổng thể của quần áo. Vị trí và hình dạng các đường tạo dáng, được xác định theo những nguyên tắc về thiết kế kỹ thuật.
– Các đường trang trí: thường là các đường may nằm trên bề mặt của các chi tiết quần áo, nhằm mục đích trang trí và đặc trưng cho đường nét bên ngoài của quần áo. Vị trí và hình dạng của những đường trang trí, được xác định theo những nguyên tắc về thiết kế mỹ thuật theo bản vẽ phác thảo mẫu.
Các đường may ráp nối trên quần áo thông dụng, được gọi tên như trong bảng 3.1 và hình 3.2.
BẢNG 3.1: Tên gọi một số đường may ráp nối trên quần áo.
Tên chi tiết | Ký hiệu | Tên đường may ráp nối |
Thân sau áo | 1-2 | Đường cổ áo (vòng cổ) |
2-3 | Đường vai áo (vai con) | |
3-4 | Đường nách áo | |
4-5 | Đường sườn áo | |
5-6 | Đường gấu áo | |
6-1 | Đường giữa sống lưng | |
Thân trước áo | 1-2 | Đường cổ áo (vòng cổ) |
2-3 | Đường vai áo (vai con) | |
3-4 | Đường nách áo | |
4-5 | Đường sườn áo | |
5-6 | Đường gấu áo | |
6-1 | Đường vạt áo | |
Tay áo | 1-1 | Đường mang tay (đầu tay) |
1-2 | Đường bụng tay | |
2-2 | Đường gấu tay | |
Lá cổ | 1-1 | Đường chân cổ (tra cổ) |
1-2 | Đường má cổ (đầu cổ) | |
2-2 | Đường gáy cổ | |
Thân trước và thân sau quần | 1-2 | Đường cạp quần (chân cạp) |
2-3 | Đường dọc quần | |
3-4 | Đường gấu quần | |
4-5 | Đường dàng quần | |
5-6 | Đường đũng quần | |
6-1 | Đường giữa thân sau và thân trước quần | |
Thân trước và thân sau váy | 1-2 | Đường cạp váy (chân cạp) |
2-3 | Đường dọc váy | |
3-4 | Đường gấu váy | |
4-1 | Đường giữa thân váy |
Trần Thủy Bình
Xem thêm bài viết: Phương pháp trình bày bản vẽ thiết kế cần những yêu cầu gì?
Bạn đang xem bài viết:
Đặc điểm kích thước của quần áo và kết cấu của quần áo
Link https://myhocdaicuong.com/thoi-trang/dac-diem-kich-thuoc-cua-quan-ao-va-ket-cau-cua-quan-ao.html