Phong trào Đờn (đàn) ca tài tử hình thành vào giữa thế kỷ XVIII và phát triển cao vào thế kỷ XIX ở Nam Bộ. Sinh hoạt giao lưu bắt đầu từ lễ hội. Các đình làng Nam Bộ là nơi hội tụ các hoạt động biểu diễn ca và hát.
Khi bắt đầu lễ hội, còn gọi là Vào Đám, có hai sinh hoạt song song: Nhạc lễ phục vụ cúng bái bên trong đình và hát bội diễn ngoài sân đình trong một nơi dựng nên gọi là Võ ca. Về sau, đám nào không có hát bội thì có Ca tài tử.
Người tham gia tụ tập chơi theo cảm hứng cá nhân chứ không coi đây là nghề kiếm sống. Ban nhạc lễ chỉ lãnh đám, từ lúc vào đám cho đến lúc nửa đêm, từ nửa đêm có khi kéo đến sáng là một đợt mới.
Khi ra sân rồi, ban nhạc lễ chuyển sang đàn ca tài tử. Phần này coi như ban tổ chức không phải lo chi phí ngoài thức ăn khuya nhẹ (như cháo gà và vài xị đế). Người thưởng thức rất đông, gồm nhiều giai cấp, tầng lớp trong xã hội ở nhiều lứa tuổi khác nhau.
Khán giả là giới bình dân, ngồi hòa vào giới công chức, giáo viên, con cháu những gia đình khá giả, có học nhạc bài bản hẳn hoi. Vì khi đến thưởng thức, họ có thể ngẫu hứng tham gia phần ca hát, và cả đàn nếu biết.
Tuy gọi là phong trào đàn ca tài tử, nhưng đây lại là sự kết hợp giữa lực lượng âm nhạc chuyên nghiệp và nghiệp dư. Có mặt ở đây, loại nhạc bác học với loại bản lớn như Nam, Oán, Ngự lẫn dòng nhạc dân gian.
Nhờ vậy, phong trào đã được phát triển về chiều rộng lẫn chiều sâu, liên tục được nghiên cứu nâng cao, và ngày càng lan tỏa từ các võ ca ở các lễ hội đình đám, sang đến những sinh hoạt ở làng xã xóm ấp và vào sâu từng gia đình.
Theo Vương Hồng Sển trong Hồi Ký Năm Mươi Năm Mê Hát thì người yêu nước Nam Bộ chọn hình thức này để có thể tụ tập, mà không sợ bọn thám tử, lính kín cho Tây rình mò, chụp mũ lập công.
Giới đờn ca thấy nghề mình bớt bị khinh bạc, lại thêm được trọng vọng nữa là khác, nên thường tụ họp trong phòng các nhà khá giả, hoặc chỗ đô hội như tiệm hớt tóc, tiệm hay lò thợ bạc, vừa trau dồi nghệ thuật, vừa tập ca hát cho vui.
Bắt chước người Pháp gọi đó là nhạc thính phòng, dịch chữ musique de chambre của Tây. Chớ ta làm gì có phòng đặc biệt để chơi đàn?
Trước đó nữa, tại các tỉnh Nam Kỳ không có giàn đàn cổ nhạc Việt, chỉ có giàn nhạc lễ (ví dụ ở Bạc Liêu có Nhạc Khị), thường dùng vào các cuộc đám ma nhà héo.
Mỗi khi có đám tang, vào lúc canh khuya, sau buổi tế buổi tụng kinh, thường các thầy nhạc và thầy chùa bày ra, đòi chủ nhà nấu cháo trắng, để thức sáng đêm, và nhân dịp ấy, họ cũng hòa đàn, tập dợt ca từ cho đúng nhịp, để đánh cơn buồn ngủ.
Sau thành thói tục, mỗi dịp quan hôn tang tế, thậm chí lễ mừng tân gia, tân quan, khai bằng, khánh hạ, đám giỗ, đám cưới đều có mời họ luôn cho rôm đám.
Người Việt tánh dễ dãi, không hay kiêng cữ, sau buổi tụng kinh khóc kể, thì hòa đờn mà đờn bản vui cũng bất chấp, đổ thừa sự vong như sự tồn, đàn cho người đó nghe chơi như thể sanh tiền.
Phong trào đàn ca tài tử Nam Bộ lúc bấy giờ, có hai nhóm nổi bật:
– Nhóm miền Đông: Người đứng đầu là ông Nguyễn Quang Đại tức Ba Đợi (phải đổi tên do trùng với tên vua Bảo Đại). Ông là nhạc quan triều Nguyễn cuối thế kỷ XIX, vào Nam hưởng ứng hịch Cần Vương chống Pháp.
Ông đã có công sáng tác, chỉnh sửa nhiều bài nhạc tài tử (gồm bài bản lớn như Nam, Oán, Ngự) và đào tạo nhiều nhạc sĩ thời ấy.
Riêng ở Sài Gòn, Cần Đước đã có: Sáu Thới (thầy của Giáo Thinh, Tư Nghị), Cao Huỳnh Cư, Cao Huỳnh Diêu, Cao Hoài Sang, Bảy Nhỏ. Môn đệ thuộc thế hệ kế tiếp có Chín Kỳ, Hai Phát, Hai Biểu, Sáu Quý, Tư Huyện, Bảy Hái, Ba Lụa, Văn Sỹ, Tư Còn,…
Ngày 19 tháng 1 âm lịch là ngày ông mất (an táng tại Rạch Cát, Quận 8) được chọn làm ngày Giỗ Của Đàn Ca Tài Tử.
– Nhóm miền Tây: Đứng đầu là ông Lê Bình An, bầu gánh hát bội, có lúc làm đến Phó Tổng ở Bạc Liêu, nên gọi là Phó Tổng An. Ông là cha của nhạc sư Lê Tài Khị tức Nhạc Khị (1862 – 1924), người được giới nhạc sĩ thời đó tông xưng là hậu tổ nhạc lễ và tài tử và cả cải lương.
Môn đệ của ông là nhạc sư như Bảy Kiên, Hai Húa, Ba Lất, Tám Bằng,… hai nhạc sĩ tài năng là Cao Văn Lầu (sáng tác bản Dạ Cổ Hoài Lang), Mộng Vân, Trần Văn Trung (sáng tác bản Sương Chiều), Tú Anh, Phong Ba Đình, Giang Tọa, Điểu Ngữ,…
Bên cạnh hai nhóm lớn ở Cần Đước và Bạc Liêu này, còn có nhóm tài tử Vĩnh Kim (Mỹ Tho). Trong đó, có ông Trần Quang Diệm (1853 – 1927) là nội tổ của nhạc sĩ Trần Văn Khê, nhóm tài tử Vĩnh Long Sa Đéc có ông Kinh Lịch Quờn (Trần Quang Quờn), Phạm Đăng Đàn, Tống Hữu Định.
Ở Sài Gòn có những nhạc sư miền Trung vào dạy nhạc như thầy Tam, thầy Dũng, cha con ông Nguyễn Liên Phong, Nguyễn Tùng Bá dạy đàn khắp lục tỉnh. Riêng hai vị quan chức khoa cử là Phan Hiển Đạo, Tôn Thọ Tường học nhạc ở Huế, và về chơi nhạc tài tử ở Nam Bộ.
Huỳnh Thúc Kháng căn cứ vào số bản nhạc đã phổ biến lúc bấy giờ, đã đúc kết bài bản Nhạc tài tử đăng trên báo Tiếng Dân Huế. Sau đó, năm 1957, nghệ nhân Nguyễn Văn Thinh tức Giáo Thinh, trên báo Công Nhân tại Sài Gòn cũng sắp xếp bổ sung một số làn điệu. Đồng thời, hệ thống hóa như sau:
– Nhứt Lý: Lý con Sáo, Lý giao duyên, Lý ngựa ô Bắc, Lý ngựa ô Nam,… các bài Lý của ca nhạc Huế đem vô được cải tiến và ngày nay có thêm các bài Lý do các nhạc sĩ sưu tầm hay đặt thêm.
– Nhị Ngâm: Các kiểu ngâm thơ theo hơi Xuân hoặc hơi Ai.
– Tam Nam: Nam Xuân, Nam Ai, Nam Đảo (tức Đảo ngũ cung).
– Tứ Oán: Tứ đại oán, Phụng hoàng, Giang Nam, Phụng cầu hoàng.
– Ngũ Điểm: Lưu thủy, Phú lục, Xuân tình, Tây Thi, Bình bản, Cổ bản.
– Lục Xuất: Văn thiên tường, Trường tương tư, Bình bán chấn, Chinh phụ Nam, Tứ đại văn, Hội ngươn tiêu.
– Thất Chính: Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc.
– Bát Ngự: (do ông Trần Quang Diệm sáng tác cho cụ Ba Đợi hòa tấu cho vua Thành Thái thưởng thức nhân chuyến vào Nam) Bát Man Tấn Cống, Đường Thái Tôn, Vọng phu, Chiêu Quân, Ái tử kê, Tương tư, Duyên kỳ ngộ, Quả phụ hàm oan.
– Cửu Nhĩ: Tứ bửu (Minh Hoàng thưởng nguyệt, Ngự giá đăng lầu, Phò mã giao dươn, Ái tử kê) và Ngũ châu (Kim tiền bản, Ngự giá, Hồ Lan, Vạn liên, Song chi hồ điệp).
– Thập Thủ Liên Hườn (còn gọi là bản Tàu): Phẩm tuyết, Ngươn tiêu, Hồ quảng, Liên hoàn, Bình bản, Tây mai, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã.
Từ năm 1990 về sau, do cải lương yếu nên phong trào này lại phát triển ngày càng rần rộ, mạnh hơn bao giờ hết. Nhưng… hình thức Ca ra bộ thì ít xuất hiện, dường như hình thức này đã phát triển quá độ để nhường đường cho sân khấu cải lương phát triển.
Nhà nước nâng đỡ phong trào đàn ca tài tử nhằm giữ gìn nghệ thuật dân tộc có tính quần chúng. Nhiều cuộc Liên hoan đàn ca Tài tử toàn thành, rồi toàn vùng (miền Đông và miền Tây Nam Bộ).
Giúp cho những người thích giọng ca, hay được thỏa mãn phần nào nỗi nhớ một thời vàng con của cải lương, với những giọng ca truyền cảm ngày xưa.
Mỗi người một vẻ, chớ không bị bắt chước, nhái giọng như hiện nay. Không khí của phong trào đàn ca tài tử hiện giờ rất gần gũi với mục đích khi mới ra đời của nó, là không lệ thuộc doanh thu, và thỏa ý nguyện cho người hát lẫn người nghe.
Đỗ Hương
Nguyễn Thị Minh Ngọc
Xem thêm bài viết: Bối cảnh văn hóa tại Nam Bộ khi nghệ thuật cải lương ra đời như thế nào?