Từ con đê của chữ nghĩa đến con ốc bươu vàng của thi ca

Hiện nay, dịch phá đê sông Hồng ở Hà Nội và dịch ốc bươu vàng của tỉnh, đã trở thành hai quốc nạn của đất nước chúng ta. Có phải chính đầu óc vọng ngoại quá quắt, hay lòng hám lợi đến điên cuồng?

Đã khiến người ta nhập con ốc ngoại này vào Việt Nam để mở một chiến dịch quá ư rầm rộ từ Nam ra Bắc: Người người nuôi ốc bươu vàng, nhà nhà nuôi ốc bươu vàng, ngành ngành nuôi ốc bươu vàng.

Người ta vênh mặt lên dè bỉu con ốc bươu bùn đất, con ốc bươu lục bát truyền thống Việt Nam, chỉ quen ăn rêu, ăn khuẩn, đẻ thì chậm rì rì, trứng thì trắng bềnh bệch, thịt lại nhạt thênh thếch phải nhờ cậy nước mắm gừng, hoặc tẹo mẻ mới rước mùi lên nổi.

Rằng con ốc bươu tây, ốc ngoại chính cống này thịt thơm hơn mít, lại vàng như màu bốn số chín, đẻ thì sòn sòn nhanh hơn tên lửa, trứng lại hồng tươi như hoa đào, ăn thì ăn tạp pí lù từ thượng vàng đến hạ cám, kể cả rau muống và lúa. Ngay cả nước luộc của con ốc tây này làm cho mọi thứ nước dùng, nước lèo đều trở thành nhạt nhẽo.

Khi phong trào nuôi ốc bươu vàng lên tới đỉnh cao, có người đã vội huyên hoang nhìn con ốc bươu Giao Chi bằng nửa con mắt. Mặc dù, nó đã hàng mấy nghìn năm lặn lội bò từ ca dao tục ngữ, bám vào cọc rêu thơ Hồ Xuân Hương, âm thầm góp phần nuôi lớn nền văn minh lúa nước hình chữ S này.

Có người hăng hái tuyên bố cuộc cách mạng ốc bươu bắt đầu, phải thay đổi tư duy ốc bươu ta bảo thủ, lạc hậu, để thay con ốc bươu vàng hải ngoại tân tiến và hay ho này, như một hành động giã từ quá khứ, goodbye những rị mọ quê mùa, goodbye cái tinh thần Khốttabít có tên là lịch sử.

Rằng hãy huy động toàn bộ nền cơm nguội của đất nước, để tạo ra một phong trào mới, một đợt sóng nước mắm gừng để tiêu diệt hết ốc bươu ta chậm tiến, đặng có chỗ cho loài ốc bươu mô-đẹc vàng ròng phát triển.

Nhưng than ôi, những nhà ốc học, những nhà cách tân ốc bươu vàng đang hý hửng tưởng mình vừa làm nên lịch sử, thì người nông dân trồng lúa ở Trà Vinh, An Giang, Nghệ An,…

Người trồng rau muống ở ngoại vi các thành phố lớn chợt kêu thét lên như bị cháy nhà, bị bọn cướp đột nhập: “cứu chúng em với các bác khoa học ơi, các bác nông nghiệp ơi, các bác thủy sản ơi, con ốc bươu vàng ngoại quốc ăn sạch lúa, ăn sạch rau muống của chúng em rồi, ối giời đất ơi,…”.

Từ khắp nơi trong cả nước, tiếng kêu cứu của nông dân lay động giấc ngủ dài của báo chí, của màn ảnh nhỏ, ốc bươu vàng đang nằm trong tầm vĩ mô xuất khẩu, sẽ mang lại hàng tỷ đô la cho đất nước, chợt hóa thành kẻ phá hoại số một nền nông nghiệp nước nhà, và trở thành một quốc nạn.

Thì ra cái anh ốc tây này khôn như tranh, toàn thích chén nguồn nuôi sống con người, là cây lúa non và rau muống. Thật là hú vía, trong vài ba tháng gần đây, cả nước đang lao vào cuộc chiến tranh với ốc bươu hải ngoại. Nếu chúng ta muốn cây lúa nghìn năm còn có thể nuôi sống được dân tộc này.

Riêng tỉnh Nghệ An, trong dịp Tết rét vừa qua, chỉ trong một tuần đã bắt sống được mười hai tấn ốc bươu vàng, phải mất vài tỷ đồng cho việc tẩy rửa khỏi đồng ruộng xứ Nghệ loài ốc lạ.

Nói như ông phó chủ tịch tỉnh Nghệ An, nếu để thêm một vài năm nữa, có khi phải chi trả trăm tỷ cũng chưa quét sạch loại ốc cách tân này..

Thưa các vị đại biểu, những nhà văn ưu tú của đất nước, xin quý vị hãy ngoảnh nhìn nền thi ca của chúng ta vừa qua. Bên cạnh những thành tựu không ai chối cãi, đâu đây chừng như có một phong trào nhân giống ốc bươu vàng trên đồng ruộng của vần điệu và chữ nghĩa.

Cái phong trào cách tân con ốc thi ca kia, chừng như bắt đầu bằng một luận điểm. Rằng từ năm 1945 đến nay, nền thơ của chúng ta chưa tạo ra thi pháp. Chẳng có gì mới, toàn là lặp lại, là nhại lại thơ mới mà thôi.

Rằng, sau thơ mới, họa chăng chỉ có nhóm Sáng Tạo ở Sài Gòn giai đoạn từ năm 1956 đến 1964 là thực sự thơ, là có cách tân thơ, có cách mạng thơ.

Rằng ngọn cờ đổi mới thi ca sau thơ mới là do ông Thanh Tâm Tuyền phất lên phấp phới. Còn thơ ca miền Bắc, tuy có lèo tèo vài ba cái mới. Nhưng tuyệt nhiên không có gì lạ, toàn là thứ thơ bảo thủ và lạc hậu.

Vâng, có thể nền thơ của chúng ta từ năm 1945, năm ra đời của nước Việt Nam mới. Có lúc, có nơi còn bảo thủ, còn có thể lạc hậu, còn bị ảnh hưởng của thơ mới.

Nhưng bảo nền thơ của chúng ta là không có gì đáng nói, là không có thi pháp, là thiếu tính nghệ thuật thì quả tình không trung thực, không khách quan nếu không muốn nói là càn quấy.

Xin quý vị hãy lắng nghe nhà phê bình thơ Thi Vũ (bút danh của ông là Võ Văn Ái) viết từ Paris về nền thơ sinh ra do cách mạng tháng tám và kháng chiến chống Pháp như sau:

“Thực ra, thơ tự do đã khởi phát từ thời cách mạng mùa thu năm 1945. Ở những giai kỳ lịch sử, khi tâm hồn toàn thể quần chúng bị xáo trộn dữ dội, thi ca dự báo của ý thức và tư tưởng lại lột xác đi tìm ngữ thức mới để bộc lộ.

Suốt bốn năm, từ năm 1945 đến năm 1949, cao trào cách mạng và kháng chiến sục sôi, hình thức thơ tiền chiến bể vụn như chiếc phễu thủy tinh, dùng chứa nổi khối lượng đường phèn rò chảy.

Như con sóng trong xanh lặng lờ bỗng thác nguồn tuôn lũ lụt, duyền lan hai bờ, duyền ngập làng mạc ven sông. Ý chữ, câu cuồn cuộn tung thơ, chảy thành dòng cuồng nhiệt xôn xao.

Bài thơ cứ thế dài, lênh, thoáng, đầy, theo những chữ so le bất tận. Thời điểm loạn ly ấy, người ta không thể nói ngắn, không thể viết đằm. Ngọn núi lửa đang phun không có kiến trúc.

Ngoài lý do lịch sử, còn sự kiện một số người mới đòi hỏi chỗ đứng. Đội ngũ làm thơ đông lên và trẻ. Họ phải có mặt để nói lên tâm thức thời đại… khai phá một thể thức diễn đạt mới.

Người thì cố chôn dìm, người nhắm vượt lớp thi nhân đi trước. Thơ tự do ra đời. Ý lực phủ nhận thơ tiền chiến đã được nổi đuốc bởi nhiều thi sĩ, như: Hoàng Cầm, Hữu Loan, Quang Dũng, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Trần Dần, Hồng Nguyên,…” (Trích trong cuốn Bốn Mươi Năm Thơ Việt Nam 1945 – 1985, trang 207 do nhà xuất bản Quê Mẹ ấn hành năm 1993 tại Paris).

Đấy, một người chống cộng cực đoan như ông Thi Vũ Võ Văn Ái, mà còn phải công nhận một cách khách quan những thành tựu lớn lao của nền thơ cách mạng và kháng chiến từ năm 1945, năm ra đời một thể thức thơ mới lạ là thơ tự do, một sự vượt trội thơ tiền chiến về cả nội dung lẫn hình thức.

Vậy mà nghịch lý thay, kỳ quái thay, có một ít người được gọi là lý luận phê bình văn học ở trong nước. Bỗng nhiên nổi máu ốc bươu vàng, dám tuyên bố thẳng thừng trên giấy trắng mực đen rằng từ năm 1945.

Thơ Việt Nam không có gì mới lạ, chỉ là nhại lại thơ mới, không có thi pháp và nghệ thuật. Thật là khó hiểu lắm thay!

Khi những con ốc bươu vàng của cánh đồng thi ca Việt Nam vừa được xuýt xoa nhân giống, người ta vội hè nhau hô hoán lên ngay trên một tờ báo lớn trong ngày Tết: “Rằng thơ Việt Nam đã đến thời đổi gác”.

Chao ôi, từ đổi mới chợt nhảy phóc sang đổi gác, sự việc đã chuyển màu, không còn mang tính nghệ thuật nữa. Người ta cố tình không muốn phân biệt thi ca với đàn cừu vốn rất khác nhau.

Dĩ nhiên, đàn cừu cần phải canh, phải gác, còn thi ca sản phẩm của tự do sáng tạo, sao phải canh gác như cừu? Nhưng ai là người bị gác và ai là người được gác?

Thế rồi, cũng trên tờ báo đó, tính chất huênh hoang ảo tưởng ốc bươu vàng chợt duyền lên như sóng, khi người ta tuyên bố rằng: “Thơ Việt Nam là nền thơ tiểu nống. Các nhà thơ viết trước tôi thảy đều tủn mủn, vặt vàng, nổi rể, thìa dĩa…”.

Vâng, những người viết trước các vị nhân kinh hãi này, có cả Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương đấy,… Dám bảo ba thi hào dân tộc này, và hàng loạt thi bá thi sĩ lớn lao của đất nước là tủn mủn, là vặt vãnh, thì khác nào các vị đổi gác thơ ca kia vứt bỏ hai chữ văn hóa ra khỏi dân tộc Việt Nam.

Sau bốn nghìn năm lịch sử, đất nước chúng ta nổi bật lên hai thành tựu lớn là đánh giặc và làm thơ. Vậy mà ngày nay, có những người dám xóa sổ cả nền thơ dân tộc, trong hai chữ tiểu nông.

Để rồi họ thi nhau tung rác rưởi, thậm chí ra sức khạc nhổ lên thi đàn những món tởm lợm gọi là thơ ca theo kiểu:

“mini mông lông / cởi quần chửi thề / con gà quay, con gà quay,…” hoặc “em ngoan đạo vì biết dạng chân ra” hay “em thiếu chất nhờn vì uống thuốc ngừa thai” hay “vầng trăng đang kỳ kinh nguyệt”…

Chúng tôi thành thật xin lỗi quý vị đại biểu và toàn thể đại hội. Vì không đứng được, nên liều mạng trích ra những lời bất nhã đã được các nhà thơ đổi gác viết ra và xuất bản công khai, lại được một số người tán tụng là mới lạ, là moden, là đuổi kịp thế giới hiện đại.

Những loại thơ kém vệ sinh và thiếu lịch sự như trên, còn khá nhiều trên một số thi phẩm. Chúng tôi thiển nghĩ, thơ hay văn dù viết theo trường phái nào đi nữa, cũng phải nằm trong khuôn khổ của văn hóa, của những phép tắc lịch lãm của con người xã hội.

Con ốc bươu vàng nghệ thuật bò vào bờ ruộng thi ca, bằng một lối đi thí nghiệm đầy vẻ sang trọng. Người ta hô hoán lên cái điều đã cũ kỹ, đã bị đào thải cùng với chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa cấu trúc của phương Tây năm mươi năm, tám mươi năm về trước.

Rằng thơ là cứ phải vô thức, cứ phải thuần túy bản năng, đem cái ý thức, đem cái hiểu vào thơ là mất sạch sành sanh thơ còn gì. Con người, sở dĩ trở thành người được, vì nó ý thức được bản thân mình và thế giới xung quanh.

Nếu thơ ca lên cơn từ bỏ ý thức, từ bỏ sự hiểu, khác nào nó chia tay với cái cốt lõi của nhân tính. Con ốc bươu vàng hải ngoại đã biết cách để lại một vệt nhớt đêm, làm ranh giới giữa cái gọi là thi ca và nhân tính, âm mưu tách thi ca ra khỏi con người, ra khỏi cộng đồng xã hội.

Thảo nào, một vị mũ cao áo dài của trường thơ đổi gác, đã tuyên bố thật xanh rờn: “Người ta làm thơ không phải bằng ý mà bằng chữ”. Chữ chỉ có thể là chữ khi nó mang trên mình ý nghĩa như con ốc mang cái nhà trên lưng. Ông cha ta từng dạy thơ là “thi tại ngôn ngoại”.

Từ bỏ ý, thì cái nghĩa cũng không còn. Chao ôi, người ta hết cách chơi rồi hay sao mà bỏ ra nhiều giấy mực đến thế, rao giảng tín điều hư vô để vô nghĩa hóa thi ca?

Do đó, hàng loạt thi phẩm hũ nát thi nhau ra đời, những bài thơ vô nghĩa đến nhảm nhí được khen ầm ĩ như hiện thân của mới lạ. Người ta tung ra thứ hỏa mù có tên là: “Cần có thời gian để giải mã những loài thơ bí hiểm trên”. Để cốt tạo vỏ bọc, tạo môi trường thuận lợi cho con ốc bươu vàng hũ nát này phát triển đại trà.

Thậm chí, có nhà lý luận phê bình văn học, dám tuyên bố một khái niệm quá ư xa lạ với văn học trên một tờ báo rằng: “những nhà thơ bí hiểm trên cần được bảo vệ và khen ngợi, vì họ viết ra không cần ai đọc, không cần ai hiểu”. Khi nhà thơ không cần tri âm nữa, thì thơ ơi, mi còn cần gì phải tồn tại?

Chúng tôi hoan nghênh mọi sự cách tân thơ, chúc mừng mọi sự dũng cảm dám lao vào bụi rậm đầy gai để tìm ra những lối đi mới, mặc dù công cuộc thí nghiệm thơ, thường là cầm chắc sự thất bại.

Song, lẻ ra điều đáng nói ở đây là phương cách chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng, thái độ mục hạ vô nhân của một số vĩ nhân đổi gác thơ thật là quá quắt.

Họ vỗ ngực kéo bè kéo cánh xưng tụng nhau là thi hào thi bá, thậm chí có vị còn đôn chiến hữu lên thành ngôi sao sáng trên bầu trời thơ thế giới. Rồi họ mặc sức chê bai, diễu cợt, hạ bệ cả nền thơ không chịu thay đổi theo tư duy ốc bươu vàng như họ.

Chính vì những lẽ đó, không đặng dừng được, trong thời gian vừa qua, chúng tôi bắt buộc phải lên tiếng. Chỉ xin nhắn với những người đã phất ngọn cờ Thanh Tâm Tuyền cho công cuộc đổi gác thi ra rằng, ông thi sĩ nhóm Sáng Tạo của hơn bốn mươi năm trước, đã cuốn cờ để bán cho ve chai từ lâu rồi, khi trong một lá thư viết cho ông Thi Vũ Võ Văn Ái ngày 27/7/1973 như sau:

“Thú thực với anh, hồi ấy còn trẻ, tôi chẳng coi thơ là cái gì quan trọng cả, nên thái độ đối với thơ không chỉnh, chừng biết ra thì thái độ ấy đã thành tật quen,…”. (Trích trong tập Bốn Mươi Năm Thơ Việt Nam do Quê Mẹ phát hành tại Paris năm 1993).

Rất tiếc và cũng rất buồn, cho phong trào đổi gác thơ, cái mà hai mươi hai năm trước, ông Thanh Tâm Tuyền đã vứt đi. Nay người ta chợt hí hửng nhặt lên, và xúm xít nhau khen mới lạ.

Thưa quý vị đại biểu, thưa đại hội, khi chúng ta ngồi đây, thì con đê sông Hồng bao quanh thủ đô ngàn năm văn vật đang bị nạn xây nhà trái phép hủy hoại, đe dọa sự tồn tại kinh thành Thăng Long và nền văn minh lúa nước sông Hồng.

Nếu cảm xúc của nhà thơ, của nền thơ là dòng chảy của con sông thì hệ thống chữ nghĩa khác, nào hai bờ đê của con sông thơ. Cổ xúy cho việc phá bỏ ý nghĩa, phá bỏ ngữ nghĩa của thi ca, phá bỏ sự hiểu, phá bỏ ý thức của thơ khác nào người ta, đang toan tính phá bỏ đê điều của chữ nghĩa của thi ca.

Và những trận lũ lụt do vỡ đê thơ đã bắt đầu, với những rác rưởi của dung tục và nhảm nhí tấp vào tâm hồn tơ non của các thế hệ trẻ, thứ bệnh hoạn của những cơn tâm thần thơ kinh khiếp, góp phần ô nhiễm và băng hoại đời sống tinh thần con người và xã hội.

Chữ nghĩa của chúng ta khác nào những rào chắn, những đê điều của đời sống tâm linh dân tộc. Dung tục hóa, ma mị hóa, bí hiểm hóa chữ nghĩa cũng chính là thái độ coi rẻ chữ nghĩa, hạ thấp thiên chức của thi ca vậy.

Chúng tôi tuyệt nhiên không dám phản đối bất cứ ai, thích nuôi ốc bươu vàng thi ca trong vườn riêng của nhà họ. Nói cho cùng, thì thịt con ốc ngoại này cũng không đến nổi dở.

Khi nuôi ốc bươu vàng trong nhà, chỉ xin quý vị đừng thả nó ra ăn sạch lúa má nhà hàng xóm, và đừng nuôi tham vọng nhân bản nó ra thành đại trà, để thành quốc nạn như ngày hôm nay.

Nhà thơ giống con ốc ở chỗ đi đâu cũng phải thay cái nhà trên lưng, luôn phải tìm vỏ cứng trú ẩn. Nhưng… con ốc hơn nhà thơ ở chỗ, nó có tài đi bằng lưỡi và từ ngàn xưa đã khinh bạc nhìn trời bằng đít.

Còn các nhà văn nhà thơ chúng ta bao giờ cũng cần phải đi bằng ngòi bút, bằng tác phẩm của mình và nhìn anh em, nhìn trời đất bằng đôi mắt của cảm xúc, của niềm trân trọng và trìu mến.

Chính vì vậy, mà chút xíu nữa thôi, có lẽ chúng tôi cần phải chạy lên ngó lại đê sông Hồng, rồi sà vào các vỉa hè Hà Nội, đi tìm lại con ốc bươu dân tộc trong một bán bún ốc khói, để nói lời từ biệt con ốc bươu vàng của đồng ruộng và thi ca. Xin cám ơn quý vị đại biểu và đại hội.

Trần Mạnh Hảo

Tìm kiếm có liên quan: Ăn ốc bươu vàng bị THỤT cứ; Ăn ốc bươu vàng có bị THỤT cứ; Ăn ốc bươu vàng có bị thụt không; Ăn ốc bươu vàng, 1 người chết; Các biện pháp phòng trừ ốc bươu vàng hại lúa; Cách chế biến ốc bươu vàng; Đầu ốc bươu vàng; Ốc bươu vàng có an được không; Ốc bươu vàng có sẵn không; Ốc bươu vàng ngon và nhiều dinh dưỡng; Phòng trừ ốc bươu vàng hại lúa đầu vụ hè thu; Tác hại của ốc bươu vàng; Thành phần dinh dưỡng của ốc bươu vàng; Trẻ nhỏ bị viêm màng não do ăn ốc bươu vàng; Trứng ốc bươu vàng có độc không.

Tiêu đề bài viết: Từ con đê của chữ nghĩa đến con ốc bươu vàng của thi ca
Chuyên mục: Mỹ Học Phê Bình
Ngày đăng: 05/08/2021
Tác giả:
Lượt xem: 108 views
Website: https://myhocdaicuong.com
Link bài viết: https://myhocdaicuong.com/phe-binh/tu-con-de-cua-chu-nghia-den-con-oc-buou-vang-cua-thi-ca.html