Giáo dục là nền tảng của quốc gia, là tương lai của đất nước, là sự thành bại của một dân tộc. Sách giáo khoa trở thành nền tảng của giáo dục, thành khâu quan trọng nhất với các nhà trường.
Chính vì thế, sách giáo khoa có thể quyết định phần lớn chất lượng đào tạo con em chúng ta. Tính chuẩn xác của sách giáo khoa, nhất là sách giáo khoa môn văn càng phải đòi hỏi ở mức độ cao.
Đưa những nhận định, những kết luận, những khái quát chưa được tiêu chuẩn hóa, khoa học hóa, mẫu mực hóa ra dạy cho con em chúng ta, thiết tưởng là điều không thể chấp nhận.
Do vậy, những tồn tại trong sách giáo khoa môn văn học, không còn nằm trong phạm vi của Bộ Giáo Dục nữa, mà đã thành mối quan tâm của mọi người trong xã hội.
Trên tinh thần đó, sau khi khảo sát toàn bộ sách giáo khoa bộ môn văn cấp ba do “Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học thành phố Hồ Chí Minh” biên soạn, chúng tôi sẽ lần lượt góp ý, vạch ra những mặt còn bất cập, còn chưa khoa học, chưa chính xác và thiếu tính hệ thống để con em chúng ta được học môn văn đúng và hay hơn.
Trong khuôn khổ hạn hẹp này, chúng tôi xin góp ý về bài “Khái quát về văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến 1945” trong sách giáo khoa Văn học lớp 11 do giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh biên soạn, ông Trần Hữu Tá chủ biên, được phân thành ba tiết học. Cuốn sách do nhà xuất bản Giáo dục tái bản lần thứ năm vào năm 1995, với số lượng riêng lần này là 40,000 bản.
Nhìn chung, tác giả phần “Khái quát về văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến 1945” in ở trang 76 đến 96, có khá nhiều điều cần xem xét lại. Ba tiết giảng dạy về một giai đoạn rất quan yếu của văn học nước nhà, tác giả phần sách giáo khoa trên có vẻ như đã đưa ra những nhận định tương đối hợp lý.
Những kiến giải tuy chưa được hệ thống hóa cao, nhưng đã tạm truyền đạt được kiến thức phổ thông khá cơ bản, giúp cho học sinh phần nào nắm được tinh thần, tính chất, xu hướng của giai đoạn văn học.
Khi đánh giá dòng văn học yêu nước chống Pháp và Cách Mạng từ đầu thế kỷ XX đến 1945, với những tên tuổi lớn như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Ái Quốc, Tố Hữu,… tác giả chỉ đề cao nội dung tuyên truyền chính trị, mà đánh giá thấp mặt nghệ thuật:
“Nhưng bộ phận văn chương yêu nước này chỉ đổi mới rõ rệt về quan điểm chính trị, quan điểm học thuật chứ chưa có thay đổi lớn về tư tưởng thẩm mỹ. Vốn xuất thân Hán học, tâm hồn được đào luyện và nuôi dưỡng bằng văn chương cổ, các nhà chí sĩ chưa dễ gì thoát khỏi quan niệm nghệ thuật của những thế kỷ đã qua. Vì thế, về phương diện nghệ thuật, thơ ca yêu nước giai đoạn này không có gì khác lắm với thời Đường thời Tống.” (trang 80).
Kết luận trên, có hai điều bất cập, Một là bảo tác giả dòng văn học trên vì “tâm hồn được đào luyện và nuôi dưỡng bằng văn chương cổ… chưa dễ gì thoát khỏi khái niệm nghệ thuật của những thế kỷ đã qua” nên thiếu tính nghệ thuật, là coi thường nền văn học vĩ đại của quá khứ với những tên tuổi lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương,…
Tác giả phần sách giáo khoa quá mâu thuẫn, khi đánh giá thấp tính nghệ thuật của dòng văn học trên, nhưng lại viết “về phương diện nghệ thuật, thơ ca yêu nước giai đoạn này không có gì khác lắm với thời Đường, thời Tống”.
Ổ hay, hẳn tác giả quên rằng, nghệ thuật thi ca của Đường Tốn đã đạt đỉnh cao nhất của cái hay. Còn thơ ca yêu nước giai đoạn trên, về nghệ thuật không khác gì Đường Tống là một lời khen ngợi.
Hai là, tác giả cho rằng, giai đoạn văn học trên thiếu tính nghệ thuật là điều cực đoan và chưa đúng. Riêng Phan Bội Châu, trong Từ Điển Văn Học tập hai, do N.X.B Khoa học xã hội in năm 1984 ở trang 194, đánh giá rất cao nội dung và hình thức văn chương của ông: “Phan Bội Châu đã đưa đến cho lịch sử văn học dân tộc một kiểu mẫu văn chương… Phan Bội Châu là một trong số những nhà văn lớn nhất của văn học Việt Nam…”
Ở trang 88, sách giáo khoa trên, tác giả giải thích vì sao nghệ thuật của giai đoạn văn học này còn non yếu: “Vì bọn thống trị khủng bố ráo riết, bộ phận văn học này thiếu mọi điều kiện vật chất tối thiểu để sáng tác và phổ biến. Điều đó giải thích vì sao, nó chủ yếu được sáng tác bằng văn vần (ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thuộc, có thể sáng tác cả trong nhà thực dân, ghi vào những mẫu giấy, thậm chí lấy que nhọn viết lên lá cây để phổ biến, hay dùng lối truyền miệng. Cũng chính vì thế, nó không có điều kiện được gọt giũa nhiều về hình thức nghệ thuật”.
Chúng tôi rất lấy làm kinh ngạc về sự tùy tiện đổi trắng thay đen của tác giả sách giáo khoa phần trên. Ở trang 88 như đã trích, vừa cho rằng dòng văn học yêu nước, và cách mạng từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945 là “không có điều kiện được gọt giũa nhiều về hình thức nghệ thuật” thì đến trang 95, trong cùng một bài giảng, tác giả đã quay ngoắt một trăm tám mươi độ mà nói ngược lại.
Khen hết lời hình thức nghệ thuật của dòng văn học trên rằng: “Thơ yêu nước cách mạng trong tù thường có chất lượng nghệ thuật cao hơn. Vì chính khi chân bị cùm, tay bị xích, cổ bị gông, nhưng tinh thần tự do bất khuất, các nhà thơ chiến sĩ lại có thời giờ nhàn rỗi hơn để làm nghệ thuật.”
Thái độ không nhất quán về cùng một vấn đề, lúc bảo hay lúc bảo giở, lúc bảo không có thời giờ, và điều kiện để gọt rũa nghệ thuật, lúc lại bảo vào tù các chiến sỹ mới rảnh để gia công trau dồi nghệ thuật của tác giả sách giáo khoa, khiến người viết bài này, cũng chẳng biết thế nào mà lần, huống hồ là các em học sinh lớp 11.
Khi nhắc đến Tản Đà, một nhà thơ lớn của dân tộc, thì sách giáo khoa trên đã đánh giá chưa đúng về tầm vóc của ông: “Tản Đà vẫn chưa sáng tạo nên một hình thức hoàn toàn mới cho thơ. Những cố gắng cách tân của ông chỉ mới dừng lại ở chỗ khai thác triệt để những thể điệu tự do nhất trong thơ ca cổ, bao gồm cả những điệu hát dân gian (lục bát, các thể từ khúc, hát nói, ca dao, hát xẩm,…” (trang 81).
Nói “Tản Đà vẫn chưa sáng tạo nên một hình thức hoàn toàn mới cho thơ” như sách giáo khoa là chưa hiểu được Tản Đà. Đồng thời, chưa nhận thức được quy luật sáng tạo của thơ ca. Ngay cả Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, và hàng chục nhà thơ lớn của văn học Việt Nam, cũng không thể đáp ứng được đòi hỏi của sách giáo khoa đối với Tản Đà.
Vì rằng, không có một thứ thơ nào cắt đứt với truyền thống, mà có thể tồn tại và phát triển. Cho nên, không thể có nhà thơ nào có thể tạo ra một hình thức thơ hoàn toàn mới, như sách giáo khoa vừa chê Tản Đà.
Sách giáo khoa vừa nói Tản Đà chưa có gì mới, rằng: “Những cố gắng cách tân của ông chỉ mới dừng lại ở chỗ khai thác triệt để những thể điệu tự do nhất trong thơ ca cổ” thì đến trang 95, tác giả lại đánh giá Tản Đà khác hẳn. Bằng cách xếp ông đầu bảng “Mỗi bước đi của nhà thơ trên đường hiện đại hóa, đều để lại những tên tuổi lớn Tản Đà, Trần Tuấn Khải, Thế Lữ,…”.
Từ điển văn học tập hai đã dẫn, trang 331 đánh giá rất cao thơ Tản Đà: “Là một đóng góp đáng kể vào bước chuyển mình sang hiện đại của văn học Việt Nam… đã khai sinh ra nhiều thể văn trong văn học Việt Nam buổi đầu thế kỷ… thổi vào thơ Việt Nam luồng gió mới mẻ… có địa vị quan trọng trong văn học Việt Nam thời kỳ cận đại.”
Mở đầu Thi Nhân Việt Nam của tác giả Hoài Thanh, đánh giá rất cao về thơ Tản Đà: “Tiên sinh đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ đương sắp sửa”. Chính vì thế, sách giáo khoa đánh giá thấp thơ Tản Đà như trên, là điều không thể chấp nhận.
Khi đánh giá về tốc độ phát triển của văn học Việt Nam, đầu thế kỷ XX đến 1945, tác giả sách giáo khoa trên vội vã kết luận: “Có thể nói, văn học Việt Nam giống như người chạy đua đường trường, dọc đường, lỡ nghỉ lại và ngủ quên quá lâu trong một thung lũng chật hẹp và khuất nẻo của chế độ phong kiến. Nay bừng tỉnh dậy, trước sự thôi thúc của thời đại, phải mở nước rút ở độ cao nhất. Mong đạt tới đích mà không đến nổi quá chậm trễ so với mọi người” (trang 84).
Ví văn học với người chạy đua đường trường, phản ánh sự hiểu biết sai lệch về bản chất của văn học trong sách giáo khoa. Văn học là bề sâu của tâm hồn dân tộc, không phải là cái để so sánh, càng không phải là sân maratong của hoạt động cơ bắp.
Nói văn học Việt nam là “lỡ nghỉ lại và ngủ quên quá lâu trong một thung lũng chật hẹp và khuất nẻo của chế độ phong kiến” là phủ nhận những thành tựu văn học vĩ đại của cha ông, là bị phong trào u hóa làm mờ mắt, lẫn lộn đỉnh núi và gò đồi.
Trong lịch sử dân tộc, tác giả sách giáo khoa cần phải biết rằng, văn học Việt Nam phát triển rực rỡ nhất là ở giai đoạn thế kỷ thứ mười tám đầu thế kỷ thứ mười chín, với những tên tuổi thiên tài mà không một giai đoạn nào của văn học sánh nổi, dù là dòng văn học hiện đại hóa bởi phương Tây.
Liệu những tài năng số một của tự lực văn đoàn và thơ mới có thể bén gót với những Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Thị Điểm, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Tú Xương,…
Với hàng loạt đỉnh cao chói lọi này, việc sách giáo khoa nói văn học nước nhà từ trước thế kỷ XX là “ngủ quên quá lâu trong một thung lũng chật hẹp và khuất nẻo của chế độ phong kiến” là một đánh giá chủ quan, sai lầm, phủ nhận thành tựu văn học của cha ông.
Văn học viết nước ta từ thế kỷ thứ X, đến hết thế kỷ XIX chưa hề “nghĩ lại và ngủ quên quá lâu trong thung lũng chật hẹp và khuất nẻo của chế độ phong kiến” như tác giả sách giáo khoa hiểu sai.
Một nền văn học nghỉ lại và ngủ quên quá lâu trong hang hốc quá khứ, dĩ nhiên là một nền văn học chưa trưởng thành. Nếu như vậy, làm sao nó có đủ bản lĩnh cùng tầm vóc đón nhận những trào lưu mới từ phương Tây?
Nếu nền văn học của quá khứ như con gấu ngủ đông, chợt bừng tỉnh dậy bàng hoàng ngơ ngác, làm sao nó biết cách bình tĩnh đón những làm gió lạ một cách chọn lọc và cẩn trọng?
Truyền cho học sinh những kiến thức sai lệch như thế này, làm sao các em có thể tìm được cách kính trọng và yêu mến nền văn học vĩ đại do cha ông hàng nghìn năm truyền lại?
Chính nhờ bản lĩnh, tài năng, sự tự tin và tỉnh thức của nền văn học dân tộc quá ư rực rỡ, mà văn học chúng ta hôm nay mới biết cách tiếp xúc với các nền văn học của thế giới.
Chúng ta vừa khảo sát phần khái luận bài giảng ba tiết về giai đoạn văn học từ đầu thế kỷ đến năm 1945. Để thấy ngoài một số ưu điểm, sách giáo khoa trên vẫn còn nhiều kết luận và đánh giá thiếu chuẩn xác, thậm chí sai trái, mâu thuẫn và thiếu tính hệ thống. Do đó, phần bài giảng này chưa được tiêu chuẩn hóa, khoa học hóa, mẫu mực hóa và sự phạm hóa.
Bao giờ con em chúng ta mới được học một thứ sách giáo khoa vừa đúng vừa hay. Nhất là sách giáo khoa môn văn trong tiết học văn học, môn học bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách, thẩm mỹ cho học sinh đang còn khá nhiều điều bất cập cần phải thay đổi?
Trần Mạnh Hảo
Xem thêm bài viết: Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của phê bình