Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của phê bình

con duong di vao the gioi nghe thuat cua phe binh

Quả là may mắn, kẻ viết bài này, xưa nay từng tôn quý rượu làng Vân, đã mấy lần nấu rượu mà toàn ra một thứ nước cất chua loét. Nay có cuốn sách độc bá vô nhị, đọc xong là mọi người có thể trở thành thất nghiệp.

Cuốn sách “Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn” của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, dày 252 trang, do nhà xuất bản Giáo Dục ấn hành năm 1994 đã được Đỗ Ngọc Thống ca ngợi hết lời trên tuần báo Văn Nghệ số 19 (năm 1843) ra ngày 13/5/1995 với tiêu đề “Người không giấu nghề“.

Điều này, khiến người viết bài này, phải đi tìm đọc, khó khăn lắm mới mua được cuốn sách trên. Đỗ Ngọc Thống quảng cáo cuốn sách của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh như sau:

“Nguyễn Đăng Mạnh công bố nó như là một lý thuyết nghiên cứu tác giả văn học của riêng mình”. Cuối bài báo của mình, ông Thống viết tiếp:

“Thưởng thức một bài phê bình văn học hay cũng như được uống rượu làng Vân vậy. Nguyễn Đăng Mạnh không những đã cho bạn đọc xa gần, uống thứ rượu ngon này, mà ông còn chỉ cho họ cả cách nấu rượu nữa. Cuối con đường… Vì thế, gần như là một cuốn nhập môn cho những ai muốn học nghề nấu rượu làng Vân”.

Quả là may mắn, kẻ viết bài này, xưa nay từng tôn quý rượu làng Vân. đã mấy lần nấu rượu mà toàn ra một thứ nước cất chua loét. Nay có cuốn sách nhập môn, dạy phép nấu “Nấu Rượu Làng Vân của Phê Bình Dạy Học” như lời quảng cáo theo kiểu Sơn Đông Mãi Võ kia.

Hy vọng bằng bài viết này, toàn có tham vọng làm dân làng Vân thất nghiệp. Vì phương pháp bí truyền của nghề nấu rượu đã được ngành phê bình văn học khám phá.

Trước khi đọc cuốn sách “Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn” của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, cứ tưởng Đỗ Ngọc Thống ca tụng quá lời, ai dè đúng ý của tác giả như sau:

“Phương pháp luận, xét đến cùng, là lý thuyết về đối tượng nghiên cứu. Nó phải đề xuất được một hệ thống khái niệm, phạm trù, quy luật phản ánh chính xác đối tượng ấy… Chuyên luận này hy vọng đưa ra được những khái niệm, những phạm trù thẩm mỹ, những quy luật không đến nổi sai lệch với đối tượng, tuy rằng đây là một đối tượng hết sức phức tạp và tinh vi”.

Nếu đúng như vậy, thì quả là phúc đức cho nền văn học Việt Nam nói riêng, cho nền văn hóa Việt Nam nói chung. Vì lần đầu tiên, có một tác giả, một công trình nghiên cứu lý luận lớn lao, đã tạo dựng Một Lý Thuyết Riêng Cho Ngành Lý Luận Phê Bình Văn Học.

Ngay từ Hải Triều, Hoài Thanh, Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan đến Chế Lan Viên, Xuân Diệu,…cũng chưa ai xác lập được hệ thống lý thuyết riêng biệt với những khái niệm, những phạm trù, những quy luật như giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã công bố.

Vậy hệ thống lý thuyết về lý luận phê bình văn học của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh trong cuốn sách trên, dựa theo phương pháp luận nào, quy luật và phạm trù nào? Nó là phát minh của tác giả hay chỉ là sự sao chép trong sách vở, là những chính kiến của người khác được tác giả phát triển và chứng minh?

Thông thường, muốn nghiên cứu một hệ thống lý thuyết, người ta cần phải tìm ra điểm xác định, nghĩa là xuất phát điểm của tác giả mới có cơ sở xem xét lý thuyết kia, có nền tảng, có điểm tựa vững chắc hay không?

Nếu điểm tựa ấy chỉ là ảo ảnh như điểm tựa trong mơ ước ngoài trái đất của Archimede, thì hệ thống lý thuyết kia dù đồ sộ cách mấy cũng không có cơ đứng vững.

Cuốn sách có tính chỉ đường của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh được chia làm hai phần: phần thứ nhất có hai chương, gồm 83 trang, có tính chất lập thuyết, và phần thứ hai là phần còn lại, gồm 23 bài viết như là phần thực hành của cái lý thuyết vừa khám phá, tìm hiểu các tác giả hiện đại của văn học Việt Nam như Hồ Chí Minh, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao, Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi,…

Đúng là trong một số năm qua, không phải không có một vài nhà lý luận phê bình đã chính trị hóa văn học, nên trong bài Vài Lời Mở Sách của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã đặt câu hỏi: “Đối tượng nghiên cứu của ta có còn là văn chương nữa không? Hay là ta đã bước chệch sang vườn rau của ngành khoa học khác?”.

Nhưng khi đặt điểm tựa, điểm xác định cho phương pháp luận của mình, giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh không chỉ bước chệch qua vườn rau của người khác, mà còn bước lộn sang vườn cà của triết học khi ông định nghĩa: “Văn học nghệ thuật thực chất là một hoạt động tư tưởng, vậy nghiên cứu một nhà văn, xét đến cùng là nghiên cứu tư tưởng của ông ta,… tầm cỡ một nhà văn rút cục phục vụ vào tầm cỡ tư tưởng của ông ta…”

Dù có quá chung chung và không cần thiết, nếu như tác giả định nghĩa khoa học, bao gồm khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn, thực chất là hoạt động của tư tưởng con người thì còn nghe có vẻ hợp lý.

Nhưng khi ông cho rằng: “văn học nghệ thuật thực chất là hoạt động tư tưởng” thì quả là không ổn, là triết học hóa văn học,. Về bản chất hoạt động văn học thuộc hệ thống mỹ học.

Bởi vì yếu tố tư tưởng trong văn học là thứ tư tưởng đã được tình cảm hóa, cảm xúc hóa, tâm linh hóa. Tư tưởng trong văn học có thể ví với xương cốt của con người, nếu không được máu thịt hóa, tư tưởng kia, xương cốt kia, thực chất chỉ là tư tưởng chết, xương cốt chết.

Tư tưởng hóa văn học, lấy tư tưởng làm xuất phát điểm và đích đến của văn học, e rằng đã tuốt hết lá hoa, đã xua đuổi hết ong bướm của cái cây văn học. Khi một cái cây không còn lá hoa, không còn ong bay và bướm lượm, phỏng có còn gọi là cái cây nữa hay chăng?

Không, văn học trước hết là nghệ thuật của cái đẹp, phản ánh thái độ thẩm mỹ của con người trước thiên nhiên và xã hội, thông qua sự rung động của ngôn ngữ và hình tượng.

Quan niệm “văn học nghệ thuật thực chất là hoạt động tư tưởng” như giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh vừa nói thực chất, là một quan niệm lầm lẫn.

Tước bỏ vườn địa đàng của văn học là cõi tâm linh của con người, xua đuổi những thuộc tính, những ưu thế mà triết học dù cao quý cách mấy, cũng phải ganh tị là trái tim hay nóng lạnh, hay đập nhịp thất thường của con người.

Nếu triết học là cội rễ tư tưởng, là ông lão của nhân loại, thì văn học mãi mãi là tuổi hồn nhiên, là đứa trẻ con bi bô tập nói của loài người. Nhân loại phải hành trình, phải ra đi hàng triệu năm mới tìm ra những tư tưởng cao quý cho mình.

Nhưng… nhân loại còn phải cần thiết hơn trong hành trình trở về bản thân mình, để tìm lại tâm linh trong tuổi ấu thơ của mình, là văn học như câu tục ngữ của dân tộc: “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”.

Chính vì xuất phát điểm không chuẩn như trên, nên tác giả cuốn sách ã lấy một luận điểm của Biêlinxki là tư tưởng nghệ thuật, làm phương pháp luận của mình: “Khái niệm tư tưởng nghệ thuật của nhà văn. Những căn cứ để tìm hiểu tư tưởng nghệ thuật”.

Sở dĩm Biêlinxki thời ấy phải đưa ra khái niệm tư tưởng nghệ thuật, vì phương pháp lý luận phê bình văn học thường bị nhìn qua lăng kính triết học. Người ta coi văn chương chỉ là một phương tiện để biểu đạt triết học, là cái loa để phát biểu, phát ngôn tư tưởng cho triết thuyết này hay triết thuyết kia.

Bởi phái phê bình văn chương, thưởng thức văn chương trưởng giả thời Sa Hoàng ấy, mắc bệnh làm dáng trí tuệ, thích khoác áo triết nhân ngay cả trong phòng ngủ, mắc chứng bệnh quáng gà tư tưởng ngay cả khi đọc văn chương.

Do đó, Biêlinxki mới phải rào khu vườn của ông lại trong một thuật ngữ “tư tưởng nghệ thuật”. Tiếc thay, trong toàn bộ cuốn sách khá công phu, khá chững chạc của mình, giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã lấy luận điểm của Biêlinxki làm lý thuyết của mình, nhưng lại sa vào lăng kính triết học, sa vào cái loa tư tưởng mà chính Biêlinxki đã tránh, đã phê phán.

Bởi vì sử dụng cái món vô bờ bến là tư tưởng nghệ thuật, cũng như sử dụng con dao hai lưỡi, như là làm xiếc trên dây, chỉ phù hợp với người có bản lĩnh và tài năng.

Mặt khác, việc Biêlinxki đưa ra khái niệm tư tưởng nghệ thuật còn bởi thời đó, phái duy mỹ trong văn học nổi lên phủ nhận yếu tố tư tưởng trong nghệ thuật. Phái này hô hào chỉ có cái đẹp là trên hết, cái đẹp ẩn trong hồn và trong thiên nhiên, trừ bộ óc của duy lý và tư tưởng.

Nhớ hồi nhỏ còn đi học, kẻ viết bài này, trong giờ học văn từng đã khổ sở vì cái thuật ngữ tư tưởng nghệ thuật (chứ không phải tư tưởng và nghệ thuật). Có khá nhiều đoạn văn, bài thơ tương đối khô khan, thậm chỉ chẳng có cảm xúc và tư tưởng gì, vậy mà cứ phải khiên cưỡng tán cho nó bao nhiêu là tư tưởng cao siêu và thâm thúy.

Cái lối đọc văn bằng cách chăm chăm tìm tư tưởng nghệ thuật, tư tưởng chủ đề ấy theo kiểu con còn rình trên máng nước, đã góp phần làm vôi hóa, xơ cứng hóa cái đẹp hồn nhiên, cái rung động chân thành của văn chương, góp phần không nhỏ làm các thế hệ trẻ xa lánh môn văn trong nhà trường.

Phải nói rằng, suốt cả một thời kỳ đầu tiên. Những năm sáu mươi, công việc dạy văn, thậm chí phê bình văn chương của chúng ta đều nằm trong vòm sinh quyển của Timôphêep qua cuốn giáo trình văn học của Nguyễn Lương Ngọc.

Tuyệt đối hóa chức năng nhận thức và chức năng giáo dục của văn học qua lăng kính của đạo đức học và chính trị học, triết học thực chất đã góp phần làm teo đi chức năng thẩm mỹ, là chức năng quyết định sự tồn tại của văn học.

Tiếc thay, tuyệt đối hóa tư tưởng của nhà văn, coi nó là bản chất của văn học, là cái thước đo để đánh giá nhà văn của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh cho hay, vẫn chưa thoát khỏi bệnh ấu trĩ của một thời.

Trong cuốn sách của mình, ít ra là năm sáu lần, giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã đưa ra một đại lượng thiếu chính xác: “Nhưng cần nhớ phương pháp luận là lý thuyết về đối tượng nghiên cứu”.

Trước một đối tượng nghiên cứu, phương pháp, dù đã được hệ thống hóa, khái quát hóa, liệu có thể biến thành lý thuyết được chăng?

Vả lại, với một lý thuyết phải đạt đến mức quy luật, đến mức phạm trù, đến mức khái niệm như tham vọng của tác giả, nghĩa là một thuyết hẳn hoi, thì phương pháp dù có thần diệu đi chăng nữa, làm sao có thể trở thành lý thuyết được?

Phương pháp và lý thuyết là hai khái niệm rất khác nhau, như anh và tôi, tuy đều là một chủng loại , đều là một giống nhưng không thể là nhau được.

Đánh đồng giữa phương pháp luận và lý thuyết, hóa ra là sự đánh tráo các khái niệm ư? Lý thuyết về chủ nghĩa hiện thực và phương pháp luận về chủ nghĩa ấy, là hai điều rất khác nhau vậy.

Áp dụng một cách khiên cưỡng, máy móc một khía cạnh trong hệ thống lý thuyết về lý luận phê bình văn học của Biêlinxki trong những thời gian, điều kiện và hoàn cảnh rất khác với chúng ta là tư tưởng nghệ thuật.

Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã khá lúng túng và mơ hồ, thậm chí phiêu lãng là những trạng huống rất xa lạ với một công trình khoa học nghiêm túc, như tiêu chí mà cuốn sách của ông đề ra là lập một học thuyết mới mẻ về lý luận phê bình văn học.

Chúng ta thử tạm thời khảo sát một vài đối tượng nghiên cứu của ông trong cuốn sách, xem hệ quả của phương pháp luận của ông có khoa học và hiệu quả hay không?

Chúng tôi xin tiếp cận bằng cách thử nghiệm thu công trình này, bắt đầu bằng trường hợp Nguyễn Tuân. Xin hãy lắng nghe giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đưa ra những dạng khác nhau một cách khá ly kỳ, về cái gọi là tư tưởng nghệ thuật Nguyễn Tuân: “Ở Nguyễn Tuân thì tư tưởng nghệ thuật cũng như quy luật nội tại của thế giới hình tượng đều gắn với chữ nông” (trang 35).

“Ngông” là biểu hiện một tích cách chơi trội, khác đời, ngạo nghễ một cách chủ quan của một con người nào đó.

Có thể là Nguyễn Tuân. Mặc dù có cái ngông khí phách chấp nhận được, có cái ngông vặt, ngông rởm gọi là ngông nghênh, ngông cuồng,… Và vì vậy, ngông là thuộc phạm trù tính cách, chứ quyết không nằm trong phạm vi của tư tưởng như tác giả gán ghép cho Nguyễn Tuân.

Ở một số đoạn khác, giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh viết tiếp về Nguyễn Tuân như sau: “Trước hết, đây là một cách thể hiện phong cách ngông của ông. Nguyễn Tuân đã thể hiện đúng phong cách của mình, mà tinh thần cốt yếu có thể gói gọn trong một chữ ngông. Đã ngông thì phải nói ngang, nói ngược,…” (trang 159).

Nói phong cách văn học của Nguyễn Tuân là phong cách ngông, quả là chưa am tường, chưa nắm bắt được cái thần của văn ông. Nguyễn Tuân có thể ngông vặt ngoài đời, chứ văn chương thì không.

Nguyễn Tuân chơi văn như chơi cây cảnh, chơi chim thú, thậm chí nghệ thuật ăn uống cầu kỳ, cũng chỉ thể hiện cách chơi của ông mà thôi. Ông chơi văn một cách cầu kỳ, tài hoa và lộng lẫy.

Văn tùy bút của ông mềm mại, duyên dáng, và uốn lượn kỳ khu như rồng bay phượng múa, chứ tuyệt nhiên không hề để lộ một chút ngông vô vị vô duyên nào đó, như giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh lầm tưởng.

Thực ra, bảo tư tưởng nghệ thuật, phong cách văn của Nguyễn Tuân chỉ quanh quẩn trong một chữ ngông vô tình, đã hạ thấp giá trị của tác giả vang bóng một thời. Quả là yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau, khi giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh bồi tiếp cho Nguyễn Tuân một đòn thương mến nữa: “Đã ngông thì phải nói ngang, nói ngược.”

Không, Nguyễn Tuân không hề nói ngang nói ngược. Trong lịch sử văn học Việt Nam, có Cao Bá Quát, Tú Xương và Tản Đà là ngông thứ thiệt mà thôi. Nhưng cái ngông của các ông là cái ngông của kẻ sĩ bất phùng thời, cái ngông quân tử không hề nói ngang nói ngược như giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh vừa khái quát một cách khó hiểu.

Ông còn khó hiểu hơn nữa khi nói về Nguyễn Tuân bằng những dòng thiếu cân nhắc như sau: “Con người thích chơi ngông ấy rất khoái khi ném ra được những nghịch lý, nghịch thuyết. Chủ nghĩa xê dịch cũng là một thứ nghịch thuyết…” (trang 154).

Nguyễn Tuân không hề là con người ngỗ ngược như giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh lầm tưởng. Trái lại, ngược hẳn với hiện tượng bên ngoài có vẻ cá biệt, bất cần, ngang ngạnh kia là một con người rất lễ giáo, rất phải phép trong mọi ứng xử khá khôn ngoan ở đời.

Hãy đọc hồi ký Cát Bụi Chân Ai của Tô Hoài, chúng ta thấy kể từ năm 1948, để nhớ ơn nhà thơ Tố Hữu đã giúp đỡ ông vào Đảng, hàng năm hai lần, vào dịp kỷ niệm ngày vào Đảng của ông và vào ngày sinh nhật của Tố Hữu, bao giờ Nguyễn Tuân cũng mang hoa đến tặng nhà thơ của Đảng.

Ngoài ra, cần phải nói vài lời về cái chủ nghĩa xê dịch của là vô hại. Nó chẳng phải là một nghịch thuyết như giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã viết dành cho Nguyễn Tuân gần ba chục trang.

Nhưng… tác giả cuốn sách trên quả tình đã chưa cho chúng ta biết phong cách, tư tưởng nghệ thuật của Nguyễn Tuân là gì, ngoài việc gắn cho ông một chữ ngông rất khiên cưỡng và không chuẩn xác.

Có lúc do lúng túng quá, giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã gán ghép vội vàng cho nhà văn của tùy bút cái mệnh đề hết chung chung, có thể nói về bất cứ nhà văn chân chính nào của Việt Nam cũng chẳng sai: “Tư tưởng nghệ thuật cơ bản của Nguyễn Tuân có thể khẳng định là một tinh thần yêu nước thiết tha…” (trang 27).

Ôi chao, tinh thần yêu nước thiết tha là phạm trù tình cảm, cớ sao không có trâu thì bắt bò làm nghé, lại đẩy nó sang phạm trù tư tưởng là sao hỡi nhà lý luận?

Cũng như vậy, khi áp dụng cái gọi là lý thuyết tư tưởng nghệ thuật, mà ông ngỡ mình vừa khám phá ra được sử dụng vào việc nghiên cứu các đối tượng như Xuân Diệu, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao,… Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đều gặp những trục trặc và thiếu tính thuyết phục, như đối với trường hợp Nguyễn Tuân mà chúng tôi vừa phân tích.

Đối với thơ Xuân Diệu, ông còn có những nhận xét chủ quan và không đúng: “Ở Xuân Diệu là một thế giới hồng tươi mơn mởn và đầy tính sắc dục,…” (trang 13).

Không. Thơ Xuân Diệu tuy có nói đến thân xác của lứa đôi, có nói đến môi đến ngực. Nhưng… là thứ môi thứ ngực, thứ thân xác trong suốt của tình yêu, không hề đầy tính sắc dục như tác giả cuốn sách này vừa nói.

Hãy nghe nhà lý luận phê bình viết tiếp: “Vậy tư tưởng Xuân Diệu là gì? Tôi cho rằng Xuân Diệu là nhà thơ của niềm giao cam kết mình giữa con người với con người…” (trang 119).

Viết như thế về Xuân Diệu cầm bằng cũng như chưa viết gì cả. Chả cứ gì, Xuân Diệu, nhà thơ nào mà chẳng “giao cảm hết mình giữa con người và con người” chứ?

Có lẻ, kết quả của món lý thuyết tư tưởng nghệ thuật kia đối với Vũ Trọng Phụng, được tác giả gặt hái khá là mỹ mãn như sau đây: “Tư tưởng nghệ thuật cơ bản của Vũ Trọng Phụng có nội dung triết lý bi quan định mệnh chủ nghĩa” (trang 25) và “Tư tưởng nghệ thuật cơ bản của Vũ Trọng Phụng ấy là một tâm trạng phẫn uất khôn nguôi…” (trang 26).

Ôi, tâm trạng phẫn uất khôn nguôi, cớ vì sao mà mi biến thành tư tưởng, mà lại là một thứ tư tưởng nghệ thuật nhanh thế hở trời?

Có lẽ do vội vàng áp dụng cái lý thuyết sinh non kia vào nghiên cứu hàng chục đối tượng nhà văn, tác giả tung lập luận mình lên cái cõi vô bờ bến hết sức mù mờ, lãng đãng là lý thuyết tư tưởng nghệ thuật.

Để cuối cùng, chỉ hứng được một mớ bòng bong, chỉ làm rối lên cái khái niệm vốn chưa từng rõ ràng, chưa từng có nhân diện ấy, vốn ẩn khuất như sương mù, như thoáng gió trong văn chương. Để cuối cùng, không sao nắm bắt được nhân diện của đối tượng nghiên cứu, chứ chưa nói gì đến cái thần thái của đối tượng.

Tựu trung, vì ngay từ xuất phát điểm, tác giả đã đi chệch khỏi vườn Eden của văn học, để nhảy tót qua khu vườn xương rồng của tư tưởng vốn là chốn thâm nghiêm của sa mạc triết học.

Vả lại, muốn nghiên cứu thành công đối tượng, điều trước tiên bắt buộc nhà lý luận phê bình, phải hiểu đúng được đối tượng mà mình đang nhắm tới.

Trong trường hợp của Ngô Tất Tố, rõ ràng giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh chưa hiểu rõ nhà văn lớn này khi ông viết: “Nhiều người cầm bút ở nước ta vừa là nhà văn, vừa là nhà báo. Riêng Ngô Tất Tố thì chủ yếu là một nhà báo…” (trang 39).

Về hiện tượng, quả là Ngô Tất Tố có sống bằng nghề làm báo, nhưng bản chất công việc và những tác phẩm lớn. Trong đó có kiệt tác Tắt Đèn của ông để lại, thì phải nói ông là một nhà văn lớn, một nhà văn trong cả những bài báo và lúc làm báo.

Nói tác giả Tắt Đèn, Việc Làng, Lều Chõng,… chủ yếu là một nhà báo, là không thể nào nghiên cứu nổi nhà văn này.

Trong chương thứ ba của phần đầu là phần lập thuyết, tác giả có đưa ý của một đoạn thơ của Chế Lan Viên vào cái tiêu đề khá dài của mình. Nhưng khi phân tích đoạn thơ, cốt lấy ý thơ sang trọng kia, mà bồi đắp cho cái lý luận còn lóp lép của mình.

Nhưng rất tiếc, tác giả đã hiểu sai câu thơ sau của Chế Lan Viên: “Ta là ai? như ngọn gió siêu hình / Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt / Ta vì ai? Khẽ xoay chiều ngọn bấc ? Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh…”

Hãy xem giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh phân tích cụm từ “Ta là ai” của nhà thơ Chế Lan Viên như sau: “Ta là ai? Là câu hỏi về tài. Ta có tài (viết văn) thực không? Tài ấy là tài viết về cái gì, thể hiện tư tưởng gì, thuộc khuynh hướng cảm hứng nào, lãng mạn hay hiện thực? Câu hỏi Ta là ai? nhà văn phải tự đặt cho mình ngay từ khi bắt đầu cầm bút… Ta sinh ra có phải để làm nhà văn không? …” (trang 73).

Không, câu thơ “Ta là ai? như ngọn gió siêu hình” là câu hỏi hư vô về bản thể triết học theo kiểu ta từ đâu ra, ta sống để làm gì, và ta đi đâu vốn làm mệt trí nhân loại qua các thời đại, chứ không phải là câu hỏi cụ thể thực dụng mà giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh vừa phân tích.

Cốt bắt ép câu thơ than vãn về nỗi siêu hình một thời của nhà thơ, thành ý đồ của bài viết của mình. Ép duyên thơ như vậy, thì làm sao thơ ca có thể thuận tình với phê bình được?

Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh chừng như tự cho mình sinh ra là để lập khuyết. Do đó, ông là người rất mau mồm mau miệng khi mạnh dạn dùng từ mới, cốt tạo ra càng nhiều khái niệm mới cho văn học ngày nay.

Chẳng hạn, một số thuật ngữ kiểu giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, đại loại như: “chủ nghĩa nhân đạo thống thiết” (trang 35); “chủ nghĩa hiện thực mãnh liệt” (trang 27); “trữ tình sôi nổi” (trang 35); “lãng mạn mãnh liệt” (trang 35); “niềm phẫn uất khôn nguôi” (trang 39); “lo âu khắc khoải khôn nguôi” (trang 82); “hệ thống hình tượng ám ảnh” (trang 23),…

Những cụm từ tư tưởng mới mẻ đầy phát hiện trên, thực ra là tạo tiền đề cho công cuộc phi tiêu chuẩn hóa khái niệm học thuật, tạo ra sự tùy tiện, cảm tính, đồng bóng trong chốn trường quy mô phạm là bục giảng dạy của đại học và trung học.

Cứ đà này, thì cái sự biến tướng của chủ nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa hiện thực sẽ không còn giới hạn nào nữa, khi người ta tiếp tục phong cách giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh để sinh ra những khái niệm tương tự, như:

Chủ nghĩa nhân đạo trầm cảm, chủ nghĩa hiện thực hứng khởi, chủ nghĩa hiện thực âm tính, rồi thì trữ tình lãnh cảm, lãng mạn trầm uất, hay hệ thống hình tượng dai dẳng, thì có phải là loạn khái niệm, loạn trường quy văn phạm hay không?

Kẻ viết bài này, chợt rùng mình nhớ thời đi học phổ thông, có mấy lần làm luận văn khi đưa dẫn chứng, để chứng minh không có xuất xứ, đã bị thầy giáo cho điểm hai nhãn tiền.

Nay thấy ở bìa bốn của cuốn sách của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh có in ba lời khen ngợi tác giả quá sức nồng nhiệt của ba vị là Hồ Dzếnh, Hoàng Ngọc Hiến và Vũ Tú Nam.

Không thấy để xuất xứ mà mừng thay cho nền giáo dục văn chương nước nhà, không còn khắt khe như thời xưa kẻ này đi học, hơi một tý là bắt học sinh phải theo kiểu khoa học, văn bản học, chỉ ra rằng lấy ở sách nào, tài liệu nào ra hay là trò bí mà tự bịa ra để bịp thầy?

Tóm lại, cuốn sách của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh tuy có khá nhiều nhược điểm như trên, nhưng không phải nó không có những chỗ được. Nếu chỉ trong phạm vi nhà trường, nó sẽ có một kiến thức bổ ích, một số bài văn, đoạn văn mẫu có thể dùng cho học sinh, sinh viên môn văn từ bậc trung học đến đại học dùng làm mẫu.

Một số bài viết của tác giả về chân dung Nguyên Hồng, Nam Cao, Nguyễn Minh Châu quả là cảm động. Có khá nhiều đoạn có văn, khi tác giả phân tích tâm lý của nhân vật và tâm lý sáng tạo của nhà văn.

Nói chung, nghệ thuật hành văn, nghệ thuật chấm câu văn của tác giả khá chuẩn mực, diễn đạt dung dị, dễ hiểu theo văn phong truyền thống của lối văn chân chỉ hạt bột của nhà trường.

Tác giả chứng tỏ mình là người chịu đọc, chịu nghiền ngẫm, chịu tìm tòi. Ông có công trong một chừng mực nhất định, khi bác bỏ lối phê bình thiếu dân chủ, phê bình phi văn học, phi văn bản của một số cây bút nào đó, một thời theo kiểu phê bình học phiệt xưa cũ.

Tuy nhiên, cái nhiệm vụ cơ bản của chuyên luận này, như tác giả đã công bố của trang 83, nơi cuối cùng của phần lập thuyết đã không thực hiện được: “Chuyên luận này hy vọng đưa ra được những khái niệm, những phạm trù, những quy luật không đến nổi sai lệch với đối tượng…”.

Phương pháp phân tích của tác giả chưa được hệ thống hóa, để có thể được gọi là phương pháp luận. Nghĩa là tác giả chưa có phương pháp luận, không tạo ra một lý thuyết nào mới như mình đã vội công bố.

Quả tình, tác giả phần nào đã nhận ra sự thất bại của sự lập thuyết của mình, nên ông đã tạm thời trấn an người đọc, và tự trấn an mình khi viết ở trang 83 là: “Nghiên cứu văn học bao giờ cũng phải vượt qua những khâu phi phương pháp luận.”

Có thể nói toàn bộ trong một cuốn sách “Con đường…” của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đều được viết ra dưới ngọn đèn mù u của cái mà ông gọi là phi phương pháp luận đó.

Sở dĩ ông thất bại vì khi xác định điểm xuất phát, ông đã nhảy lộn qua vườn rau của người khác, là phạm trù tư tưởng vốn là căn cứ địa của triết học.

Sự săn đuổi tư tưởng nghệ thuật, một cách thô thiển, quá quắt như săn thỏ theo cách của tác giả cuốn sách. Chính là hành động hữu hiệu nhất để xua đuổi nghệ thuật.

Bởi vì tư tưởng của tác phẩm văn học là món càng cố gắng đi tìm càng không bao giờ gặp. Nó ẩn hiện trong sự rung động của con người trước cái đẹp vi mô của hình tượng và của ngôn ngữ.

Văn học sinh ra không để rao giảng tín điều, hay là phát ngôn viên tư tưởng, không chăm chăm dạy dỗ người ta theo thói dung tục tầm thường. Nó thức tỉnh con người, mách bảo với con người về thiêng liêng của trần thế, của tư tưởng thông qua cảm xúc.

Chính vì vậy, nhiệm vụ của lý luận phê bình là tọa điều kiện để bạn đọc tiếp cận với tác phẩm văn học ở nơi hay ho nhất, sâu đậm nhất, chính xác nhất, giúp người đọc phân biệt được giá trị thật và cái ngụy giá trị của sáng tác, chứ không phải lúc nào cũng làm ánh đèn cù săn lùng tư tưởng của nhà văn.

Bởi văn học thuộc phạm trù mỹ học, chứ không thuộc phạm trù tư tưởng. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh xưa nay vốn là bậc mũ cao áo dài của giới lý luận phê bình đại học, một người tham gia viết sách giáo khoa cho bậc trung học và đại học của môn văn chương.

Trong một chuyên luận đầy chất khoa học, và tính chuyên môn cao, lẽ nào lại tỏ ra bất cập, lúng túng và xộc xệch làm vậy trong lập luận cũng như trong phương pháp?

Từ đó, cho phép chúng tôi được quyền hồ nghi khả năng của ông khi biên soạn sách giáo khoa, và khả năng giảng dạy bộ môn tối quan trọng của đất nước là môn văn trong nhà trường. Đây có phải là một những nguyên nhân làm thế hệ trẻ, không còn yêu thích môn văn hay không?

Có một số ít nhà lý luận phê bình của giới đại học, thường ngồi viết theo phong cách giảng bài trên bục giảng nơi giảng đường. Nghĩa là quen nói và viết cho sinh viên, những học trò của mình thành ra quen tay, đến khi ngồi viết dù là ngồi một mình đi nữa, cũng chỉ nhìn thấy người đọc mình toàn là sinh viên, là học trò mình không thôi.

Chính vì vậy, mà chất lượng bài viết không vượt ra khỏi phạm vi nhà trường. Nên nhớ rằng, người đọc các thầy là công chúng rộng rãi ngoài đời. Họ là thầy của người viết chứ không phải là sinh viên, là học trò của quý vị đâu.

Khi người viết coi người đọc là thầy của mình, thì chất lượng trang viết mới có sức nặng. Hy vọng giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh không phải dạng nhà lý luận phê bình bục giảng như trên.

Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh quả là rất đáng biểu dương về lòng dũng cảm trong vai trò tiên phong lập thuyết mới, cho ra đời hệ thống lý luận phê bình văn học của mình như là những phạm trù, những khái niệm và những quy luật của riêng ông.

Tuy chưa thành công nhưng tinh thần dám nghĩ dám làm, sự trăn trở tìm tòi, bung phá của ông quả là rất đáng quý, rất đáng trân trọng. Người tìm đường tuy có lạc trong cánh rừng văn học, nhưng đã để lại cho những nhà khoa học sau, ít ra là một số dấu bẻ cò, tức sự đánh dấu lối đi mới.

Mới biết rằng, công cuộc mở đường về hệ thống lý thuyết lý luận phê bình văn học là thâm khó. Tựu trung “Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn” của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh dù rất công phu, nhưng vẫn chưa phải là con đường đi vào thế giới nghệ thuật của phê bình vậy.

Thành Phố Hồ Chí Minh.
Đêm ngày 27 tháng 7 năm 1995.
In trên báo Văn Nghệ số 33 năm 1995.
Trần Mạnh Hảo

Xem thêm bài viết: Từ con đê của chữ nghĩa đến con ốc bươu vàng của thi ca

Tìm kiếm có liên quan: Bản chất nghệ thuật của phê bình văn chương; Biểu tượng phê bình văn học Việt Nam; Lịch sử phê bình văn học Việt Nam; Một nền văn học lớn phải có nền phê binh flowns; Nhà phê bình văn học Diệp Tiếp thơ La tiếng lòng; Nhà phê bình văn học là gì; Nhà phê bình văn học tiếng Anh; Những lời phê bình văn học hay;

Tìm kiếm có liên quan: Những nhà lý luận phê bình văn học Việt Nam tiêu biểu; Những nhà phê bình văn học nổi tiếng Việt Nam; Những tác phẩm phê bình văn học đáng đọc; Phê bình văn học là gì; Phê bình văn học Việt Nam; Quyển sách phê bình văn học hay đầy giá trị; Sưu tầm những câu phê bình văn học đáng nhớ.


Ngày đăng:

Chuyên mục:

Tác giả:

Lượt xem:

146

Tags:

error: