Khoa nghiên cứu văn học là ngành khoa học nghiên cứu về quan điểm, nội dung, nghệ thuật, phương pháp, tư liệu,… trong việc mô tả, giải thích, đánh giá những sự kiện văn học từ bản chất đến quá trình, quy luật của từng nền văn học dân tộc và cả nền văn học thế giới.
Việc giảng dạy lý luận văn học gần ba mươi năm qua không hề dẫm chân tại chỗ. Từ lúc chỉ có khóa trình cơ bản cho hệ hai năm, ba năm, bốn năm (gần đây lại có cả hệ năm năm).
Bộ môn đã vươn lên với một hệ thống chuyên đề ở các năm cuối, nhất là các chuyên đề cơ sở và chuyên ngành dành cho giáo sinh sau đại học và nghiên cứu sinh trên đại học.
Tất nhiên chưa kể về mặt phương pháp, cũng đã thấy việc giảng dạy lý luận văn học, nhất là ở các khóa trình cơ bản, còn những nhược điểm lớn như một số kiến thức còn dừng lại ở trình độ khoa học trước đây.
Mặt khác, cũng chưa thật sự kết hợp chặt chẽ với thực tiễn văn học dân tộc. Chính vì thế, sau những lần thay đổi và cải biên, chúng tôi đã cố gắng cải tiến nâng cao theo hướng hiện đại và sát hợp thực tiễn văn học dân tộc.
Hai khía cạnh hiện đại và dân tộc tuy không đồng nhất, nhưng phải thống nhất với nhau. Chỉ có thật hiện đại mới góp phần khám phá sâu hơn những vấn đề của văn học dân tộc.
Ngược lại, cũng chỉ có sáp hợp hơn với thực tiễn văn học dân tộc, thì phương hướng hiện đại mới thật sự có hiệu lực, và có triển vọng đóng góp trở lại làm phong phú thêm kho tàng lý luận chung.
Nhưng dù là hiện đại hay dân tộc, cũng chỉ chọn đưa vào giảng dạy những thành tựu tương đồng thời, chú ý đến tác động của nhà trường đại học với tư cách là trung tâm khoa học.
Nhiều thành tựu lý luận tổng kết từ thực tiễn văn học dân tộc mới là bước đầu. Do đó, không thể thụ động chờ đợi, mà nhà trường phải góp phần đặt vấn đề, khai phá, miễn là phải thiết yếu và có cơ sở, ít ra là có tác dụng gợi mở cho công tác chuyên môn sau này của sinh viên.
Trên cơ sở thống nhất hữu cơ của phương hướng, dân tộc hiện đại chung được soi sáng bởi chủ nghĩa Mác Lênin và đường lối của Đảng. Có thể tạm tách ra để thấy khía cạnh toàn diện và chính xác hơn ý kiến của các tác giả kinh điển của chủ nghĩa Mác Lênin về văn hóa văn nghệ.
Ở việc hấp thụ những thành tựu mới mẻ của lý luận văn học Xô Viết, ở việc sử dụng thích đáng những kiến thức của các chuyên gia gần gũi về mỹ học, thi pháp học, phương pháp luận nghiên cứu văn học, tâm lý học văn học, xã hội học văn học,… và kết tinh lại ở việc cải thiện nội dung của những vấn đề, những khái niệm, những phạm trù vốn có.
Hoàn toàn không tách rời với trên, khía cạnh dân tộc được thể hiện ở ý thức quán triệt nghiêm chỉnh đường lối văn nghệ của Đảng, ở sự cố gắng khai thác di sản lý luận của ông cha, ở việc bước đầu tổng kết ở cấp độ lý thuyết những vấn đề của văn học dân tộc.
Như thể loại và phương pháp, và cuối cùng ở việc tăng cường những dẫn chứng từ văn học Việt Nam, miễn là nó đủ sức thuyết minh cho những vấn đề lý luận khái quát. Dĩ nhiên, đây là những hướng phấn đấu, còn việc quán triệt toàn diện không dễ dàng, và phải là một quá trình tiếp tục sau này.
1. Khoa nghiên cứu văn học là ngành khoa học nghiên cứu về quan điểm, nội dung, nghệ thuật, phương pháp, tư liệu,…
Trong việc mô tả, giải thích, đánh giá những sự kiện văn học từ bản chất đến quá trình, quy luật của từng nền văn học dân tộc và cả nền văn học thế giới.
Như vậy, trên thực tế nghiên cứu văn học là tên gọi chung của nhiều bộ môn nghiên cứu văn học cụ thể, tương đối độc lập như Lý luận văn học, Lịch sử văn học, Phê bình văn học, Phương pháp luận nghiên cứu văn học,…
Có thể kể thêm những phân môn nghiên cứu văn học khác như Tâm lý học văn học (khảo sát những đặc điểm tâm lý trong hoạt động sáng tác và thưởng thức); Thi pháp học (nghiên cứu cấu trúc cùng những phương tiện và phương thức thể hiện nội dung trong tác phẩm văn học); Xã hội học văn học (xem xét hoạt động tiếp nhận tác phẩm văn học trong thực tiễn, tìm hiểu dư luận của công chúng về các hoạt động văn học).
Ngoài ra, cũng như nhiều ngành khoa học khác, khoa nghiên cứu văn học còn có những bộ môn hỗ trợ như Văn bản học, Thư mục học,… Nhiệm vụ chủ yếu của Văn bản học là xác định tác giả, thời điểm và văn bản chính xác, hoàn chỉnh của từng sáng tác văn học, kể cả các công trình lý luận, lịch sử và phê bình văn học.
Nó đòi hỏi phải thống kê và chọn lọc những dị bản do tác giả sửa chữa hoặc bổ sung, do người khác nhuận sắc hoặc phỏng tác. Thư mục học nghiên cứu về nội dung, cũng như phương pháp lập thư mục những tư liệu về đối tượng nghiên cứu, cũng như lịch sử của từng đề tài theo những yêu cầu nhất định.
2. Cách nhìn truyền thống với ba bộ môn chính của khoa nghiên cứu văn học.
Lịch sử văn học có nhiệm vụ nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển cuộc đấu tranh giữa các xu hướng và trường phái, những thành tựu và nhược điểm, cũng như kinh nghiệm về mọi mặt trong từng giai đoạn của một nền văn học đã được diễn ra trong quá khứ.
Có thể viết lịch sử văn học hiện đại, thậm chí đương đại, nhưng bao giờ việc nghiên cứu cũng biết dừng lại với cái mốc mà những sự kiện đã kết thúc, một cách ổn định hoặc tương đối ổn định.
Viết lịch sử văn học dĩ nhiên phải tái hiện toàn diện khuôn mặt của đối tượng cần nghiên cứu, trong quá trình phát triển của nó, nhưng không phải là mô tả, kể lể la liệt mà phải đi sâu giải thích, đúc kết bản thân và quy luật vận động của nó.
Khác với Lịch sử văn học, Phê bình văn học, thường hướng vào đối tượng chủ yếu là những hiện tượng văn học đang diễn ra trước mắt.
Nó có nhiệm vụ kịp thời biểu dương, khẳng định những tác phẩm, nhà văn và khuynh hướng tư tưởng nghệ thuật, theo đúng một quan điểm văn học nhất định. Đồng thời, đấu tranh và phê phán chống những cái ngược lại.
Phê bình văn học, do đó phải quan tâm đến tất cả khía cạnh của hoạt động sáng tác, mọi lĩnh vực của hoạt động văn học, từ thị hiếu thưởng thức đến khuynh hướng sáng tác, từ đề tài, nhân vật đến ngôn ngữ và thể loại,…
Tuy vậy, việc tái hiện toàn diện gương mặt của nền văn học đương đại phải nhường cho công tác văn học sử tương lai. Phê bình văn học vẫn dồn sức chủ yếu vào chiều hướng phát triển hiện tại của nó mà thôi.
Phê bình văn học có đề cập đến những hiện tượng văn học quá khứ, nhưng không phải là nhằm tái hiện lại quá trình phát triển toàn diện của nó, mà chính là để qua nó, hoặc từ nó góp phần làm sáng tỏ mọi vấn đề hiện tại.
Tính hiện đại của phê bình, do đó không phải chỉ ở đối tượng, mà còn ở chủ đề, ở cách xử lý chế ngự đối tượng. Tuy khác nhau, nhưng Lịch sử văn học và Phê bình văn học đều lấy làm đối tượng, những hiện tượng văn học cụ thể và xác định.
Lý luận văn học thì ngược lại, lấy phương diện cấu trúc, những đặc điểm rất chung của văn học, hoặc những đặc điểm của hiện tượng văn học phát triển đến mức điển hình, làm đối tượng chủ yếu.
Nếu trong Lịch sử văn học và Phê bình văn học, những hiện tượng văn học cụ thể là những cái đích cần khám phá, thì trong Lý luận văn học, chúng lại là những phương tiện nhằm dẫn đến những khái quát trừu tượng.
Tuy cùng nghiên cứu văn học, nhưng cái chung ở đây chỉ là khách thể, chứ không phải là đối tượng. Cái khách thể bao trùm gọi là văn học này sẽ tự phân tách ra nhiều phương diện, làm thành những đối tượng của nhiều ngành nghiên cứu khác nhau.
Nếu đối tượng chủ yếu của Lịch sử văn học là phương diện sinh thành (phát sinh và phát triển), thì đối tượng của Lý luận văn học chủ yếu là phương diện cấu trúc (tập hợp các yếu tố cùng mối liên hệ xuyên thấm giữa chúng với nhau, cấu tạo nên một chỉnh thể) của văn học.
Dĩ nhiên, phương diện sinh thành và phương diện cấu trúc không tách rời nhau. Theo Sécnưsepxki chia sẻ: “Không có lịch sử của đối tượng thì không có lý luận về đối tượng đó, nhưng không có lý luận về đối tượng thì ý niệm về lịch sử của nó cũng không có được. Bởi vì, ta không có khái niệm về đối tượng ấy, về ý nghĩa, tầm quan trọng và giới hạn của nó”.
Cho nên nói đúng hơn, đối tượng của lịch sử văn học cũng hư của lý luận văn học, đều có đầy đủ hai phương diện sinh thành và cấu trúc của văn học, chỉ có điều mỗi bộ môn đặt trong điểm ở từng phần khác nhau.
Nói cách khác, nếu đối tượng của lịch sử văn học là sự sinh thành – cấu trúc, thì ngược lại, đối tượng của lý luận văn học là sự cấu trúc – sinh thành của văn học. Từ đối tượng được xác định như vậy, có thể thấy thông thường lý luận văn học bao gồm những phần chính như sau:
Xét từ phương diện cấu trúc thì văn học không tồn tại cô lập, mà chính là một yếu tố hữu cơ trong cấu trúc chung của toàn bộ đời sống xã hội. Phải xem xét văn học trong sự tác động qua lại giữa chủ thể và khách thể trong thực tiễn của con người.
Nói rộng ra là giữa cơ sở kinh tế xã hội với những bộ phận khác trong kiến trúc thượng tầng, để nêu bật lên bản chất và chức năng xã hội, cùng những biểu hiện đặc thù mang tính chất thẩm mỹ của nó.
Ở đây, sẽ bắt gặp những khái niệm như nguồn gốc, đối tượng, tính hiện thực, tính chân thật của văn học, tính nhân dân, tính dân tộc của văn học, tính hình tượng của văn học, chức năng giáo dục, nhận thức và thẩm mỹ của văn học,…
Mặt khác, văn học với chỉnh thể then chốt là tác phẩm, tự bản thân nó, cũng là một cấu trúc nội tại, mà sự xuyên thấm qua lại giữa nội dung và hình thức là một mối liên hệ biện chứng cơ bản.
Ở đây, sẽ bắt gặp những yếu tố về nội dung sẽ được chuyển hóa ra hình thức như: đề tài, chủ đề, tư tưởng chủ đề, tính cách, cốt truyện,… và những yếu tố về hình thức sẽ được chuyển hóa vào nội dung như kết cấu, biện pháp nghệ thuật, ngôn ngữ, loại thể,…
Xét từ khía cạnh sinh thành, lý luận văn học cũng phải nghiên cứu tiến trình của văn học. Nhưng ở đây sẽ không đi sâu mô tả và giải thích quá trình phát triển lịch sử của các giai đoạn, các trào lưu như trong văn học sử.
Đây chỉ là sinh thành của những cấu trúc, nói khác đi là những phương pháp sáng tác chính yếu, những nguyên tắc tư tưởng nghệ thuật với tư cách là kết tinh những phẩm chất thẩm mỹ của thời đại và của ý thức hệ dùng để phản ánh (lựa chọn, bình giá, khái quát) cuộc sống bằng hình tượng mà thôi, như chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa,…
3. Lý luận văn học bao giờ cũng lấy quan điểm, đường lối làm hạt nhân chỉ đạo, nhưng không phải chỉ có quan điểm, đường lối.
Lý luận văn học cũng không phải có ý nghĩa chỉ đạo riêng cho sáng tác, mà nó là bộ môn triết lý cụ thể, và tổng quát cho tất cả các ngành hoạt động văn học.
Nó có nhiệm vụ tổng kết ở cấp độ lý thuyết những quan điểm, kiến thức, và phương pháp chung nhất từ sáng tác, phê bình đến việc nghiên cứu văn học sử,… và trở lại chỉ đạo cho các ngành hoạt động văn học đó.
Nhưng quan hệ ở đây là hai chiều. Chẳng hạn, lịch sử văn học và phê bình văn học cung cấp những nhận định về từng nền văn học, tác giả, và tác phẩm tiêu biểu cho sự khái quát của lý luận văn học.
Đến phần mình, lý luận văn học không những cung cấp quan điểm, mà cả kiến thức và từ đó có những tiềm năng chuyển hóa thành phương pháp cho việc nghiên cứu văn học lịch sử và phê bình văn học. Trên ý nghĩa đó, lý luận văn học vốn đã có tính chất phương pháp luận nghiên cứu văn học.
Nhưng do sự phát triển của khoa nghiên cứu văn học ngày càng đòi hỏi sự hoàn thiện về mặt phương pháp. Từ trong lý luận văn học đã tách ra hình thành một phân môn mới là Phương Pháp Luận Nghiên Cứu Văn Học tương đối độc lập.
Nó không những đi sâu vào những phương pháp đặc thù của bộ môn, mà còn nghiên cứu sự vận dụng cụ thể những phương pháp cơ bản của triết học mác xít như chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, cùng những phương pháp chung nhất của khoa học như quy nạp, diễn dịch, tổng hợp, khái quát, phân tích, so sánh,… vào công tác văn học sử và phê bình văn học.
Nhưng từ đây không có nghĩa là nhiệm vụ của lý luận văn học giảm nhẹ đi, mà hoàn toàn ngược lại. Một khi các ngành hoạt động văn học nói chung phong phú hơn, các phân môn nghiên cứu văn học nói riêng đa dạng và phức tạp thêm, thì vai trò chỉ đạo của lý luận văn học ngày càng nặng nề hơn.
Lý luận văn học, do đó vốn là một công cụ nhận thức, ngày càng trở thành một đối tượng cần được nhận thức rõ ràng và chính xác hơn.
Nói cách khác đi, lý luận văn học cần phải được tự nhận thức với mục đích là làm sao cho hệ thống, và phạm trù của mình được chặt chẽ, toàn diện và phong phú hơn. Ngày càng phù hợp với thực tiễn đa dạng, xưa cũng như nay trong các nền văn học của nhiều nước, và nhiều khu vực hơn.
Muốn thế, hơn bao giờ hết và trước hết, cần phải xác định rõ thêm đối tượng, chức năng, nội dung, phương thức, biện pháp và loại hình lý luận văn học. Đó lại là công việc của môn Phương Pháp Luận Lý Luận Văn Học.
4. Những vấn đề đối tượng, chức năng, nội dung nói trên không tách rời với vấn đề loại hình học lý luận văn học.
Trình độ khoa học ngày nay, đã vươn đến chỗ cho thấy rằng môn lý luận văn học hiện có, thực ra chỉ là một trong hai loại hình cơ bản của lý luận văn học. Đó là loại hình lý thuyết khái quát.
Trong vài mươi năm gần đây, trong lý luận văn học dần dần hình thành một loại hình nghiên cứu nữa, đó là lý thuyết lịch sử. Dĩ nhiên, nó không hề bị đồng nhất với bộ môn lịch sử văn học, mà chỉ là loại hình lý luận văn học giúp ích, sát hợp hơn cho việc nghiên cứu văn học sử.
Cùng lấy phương diện cấu trúc – sinh thành của văn học làm đối tượng, nhưng loại hình lý thuyết lịch sử có chú ý kết hợp phương diện sinh thành một cách lịch sử – cụ thể nhiều hơn loại hình lý thuyết khái quát.
Trong loại hình lý thuyết khái quát chỉ bao gồm những khái niệm với những hàm nghĩa và xác định chung nhất. Loại định nghĩa khái quát như vậy, rất cần thiết nhưng chưa đầy đủ, và nói chung chỉ sát hợp với văn học hiện đại, còn đối với văn học quá khứ, cũng có thể vận dụng, nhưng còn nhiều khoảng cách nhất định.
Bởi vì mặc dù giải phẫu con người là chìa khóa giải phẫu con khỉ, nhưng giải phẫu con người chưa phải là bản thân việc giải phẫu con khỉ.
Bổ khuyết điều này, loại hình lý thuyết lịch sử cho rằng, tất cả các khái niệm lý luận văn học, đều phải được khảo sát trở lại theo từng thời kỳ lớn trong lịch sử văn học.
Bởi vì, dần theo sự phát triển lịch sử, văn học không những biến đổi theo nội dung xã hội, mà còn chuyển hóa ngay ở đặc trưng và chức năng, bản chất, thuộc tính và quy luật của chính nó nữa.
Hai loại hình lý luận văn học này, không loại trừ, mà có phần xuyên thấm và bổ sung cho nhau. Không phải bổ sung đồng đẳng, mà thực ra là sự tiếp nối về cấp độ. Có thể nói, loại hình lý thuyết khái quát là có tính chất dẫn luận của khóa trình cơ bản, chủ yếu ở bậc đại học, còn loại hình lý thuyết lịch sử, nói chung phải là một hệ thống chuyên đề ở cấp học cao hơn.
Cần phải vạch rõ giới hạn này, để có những yêu cầu thỏa đáng cho bộ môn lý luận văn học, trên thực tế chỉ là loại lý thuyết khái quát hiện nay.
Nó không phải bao giờ, cũng đưa ra được những cẩm nang hiệu nghiệm, và tức thì cho việc khám phá đầy sức thuyết phục, đối với bất kỳ hiện tượng văn học nào.
Phương Lựu