Skip to content

Những đặc trưng hình thành và phát triển kiến trúc cảnh quan

Những đặc trưng hình thành và phát triển kiến trúc cảnh quan

Sự hình thành và phát triển quy hoạch kiến trúc cảnh quan, tùy thuộc vào hoàn cảnh lịch sử, ban đầu là tự phát, về sau là hệ quả của việc quy hoạch không gian.

Lịch sử hình thành đô thị thế giới và Việt Nam, đều xuất phát từ hai từ nguyên thành và thị. Sự xuất hiện nhu cầu trao đổi sản phẩm lao động, việc chuyên môn hóa một số ngành nghề thủ công đã thúc đẩy quá trình hình thành, và phát triển nghề buôn bán.

Các tụ điểm thương nghiệp buổi ban đầu, do các phương tiện giao thông chưa phát triển, thường có vị trí ở các đầu mối giao thông đường bộ, đặc biệt là đường thủy như phố Hiến, Hội An,…

Dần dà, các hộ chuyên nghề thủ công có cùng loại sản phẩm định cư hai bên đường, vừa làm vừa bán, tạo nên phần thị của đô thị. Những phần thị như thế, chỉ được tồn tại và phát triển lâu bền khi có thành trì của chính quyền phong kiến.

Sự xuất hiện thành trì, kéo theo một loạt quan lại và gia đình họ. Dân số tăng dần với nhu cầu phát triển xã hội. Các kiểu thành trì thông thường được xây dựng chủ yếu theo yêu cầu quân sự, có thành cao, hào sâu tạo nên hệ thống kênh nước liên hoàn.

Sự phân tích trên đây cho thấy các đô thị trước đây, có vị trí bên sông với hệ thống kênh nước là hoàn toàn tự phát, xuất phát từ nhu cầu giao thông và quân sự.

Hệ thống kênh nước, sông ngòi với thuyền bè tấp nập nói lên một thương cảng nhiều hơn, là giá trị cảnh quan của mặt nước trong đô thị.

Do đó, dải bờ mặt nước nhiều khi không được khai thác một cách triệt để. Điều đó, giải thích hiện tượng xây dựng nhà sát hai bờ nước ở một loạt thành phố như Venice, London.

Kiến trúc cảnh quan còn lại chỉ thu nhỏ trong khuôn viên của nhà ở, đền đài là chủ yếu với hai loại hình vườn và công viên. Nghệ thuật quy hoạch kiến trúc cảnh quan của vườn và công viên, có thể chia ra làm ba loại: quy hoạch cân xứng, quy hoạch tự do, và quy hoạch kết hợp giữa hình thức cân xứng và tự do.

Vườn Ai Cập cổ có hình thức quy hoạch cân xứng rõ rệt. Mặt bằng vườn hình chữ nhật. Bể nước có kích thước 80x120m, nằm chính giữa vườn, đóng vai trò trung tâm, bố cục cân xứng giữa trục dọc và ngang. Bể nước, theo các bức họa còn giữ được cho tới ngày nay, là trung tâm hoạt động vui chơi giải trí.

Cây xanh được dùng làm yếu tố hình khối cơ bản, tạo không gian vườn. Không gian gồm ba lớp lồng lấy nhau, với đường viền không gian bằng cây xanh thấp dẫn vào trung tâm sân vườn.

Ví dụ thành cao hào sâu có ý nghĩa quân sự nhiều hơn là tạo cảnh quan đô thị cổ như Đô thị Cổ Loa ở Hà Nội thế kỷ III trước Công nguyên, hay Thành Huế, hay Đô thị Sơn Tây.

Ngoài ra, kiến trúc công trình ở đây, có vai trò chi phối trục trung tâm bố cục của vườn, và ngăn chia không gian vườn thành nhiều vườn nhỏ (trong một số vườn lâu đài).

Nhà ở hoặc lâu đài và đền nằm ở cuối vườn, trên trục dọc tổng thể sân vườn nhà. Sự hòa nhập giữa chúng chủ yếu bằng hành lang bao quanh (đền) từ không gian kín ra không gian nửa mở đến không gian mở.

Không gian mở cửa hành lang đóng vai trò trung tâm. Thêm vào đó, hành lang còn được trang trí phù điêu mô tả các loài cây ngoại lai.

Nếu như sân vườn đều có chung một không gian, thì ngược lại vườn nhà ở của quan lại, được ngăn chia thành nhiều không gian bằng các tường đá thấp, bổ sung giàn nho, chòi nghỉ tạo nên nhiều hình thức kiến trúc đa dạng và phong phú.

Vườn Lăng Taj Mahal tại Ấn Độ, cũng có bố cục hình học với mặt nước ở giữa, và tòa nhà ở cuối vườn tương tự như vườn Ai Cập. Tuy nhiên, việc xử lý bố cục ở vườn này tinh tế hơn.

Tòa Lăng nằm trên sân cao bên bờ sông. Trước mặt công trình là con kênh hẹp, đáy được lát toàn đá hoa. Các bồn hoa và dãy cây bách xanh đen có vị trí đăng đối hai bên bờ kênh.

Tương phản mạnh mẽ với tòa Lăng xây bằng đá trắng, con kênh phía trước là chiếc gương soi bóng công trình, làm cho ngôi mộ thêm lung linh, đồ sộ với chiều cao được nhân lên, nhấn mạnh trục lăng.

Nếu như việc sử dụng mặt nước hình học tĩnh làm tâm bố cục vườn trong khuôn viên của nhà, điển hình cho một số nước phương Đông thì mặt nước hình học động lại, là phần chủ đạo trong bố cục không gian vườn cân xứng ở các nước phương Tây.

Kiểu vườn Peryxtyl của La Mã, thoạt đầu được hình thành trong các vườn nhà ở. Sau đó, chuyển ra các quảng trường đô thị, trong khuôn viên của các công trình công cộng, phá vỡ không gian kín trong các vườn nhà, để hòa vào không gian chung của đô thị.

Đặc điểm bố cục không gian của vườn kiểu Peryxtyl là dùng yếu tố mặt nước làm trung tâm bố cục (có dạng hình học và vòi phun trên mặt nước). Cây xanh được cắt xén phỏng theo hình khối kiến trúc công trình, và được phối kết với cây hoa tạo nên parterre cân xứng.

Parterre là thể loại bố cục trang trí cỏ, hoa, mặt nước, tượng trên nền phẳng tạo nên không gian khoáng đạt.

Cuối cùng, hàng cột trang trí bao quanh parterre gây ấn tượng chuyển tiếp không gian từ trong nhà ra ngoài nhà, và ngược lại, từ phong cảnh thiên nhiên đến phong cảnh nhân tạo.

Điển hình cho thể loại vườn này là vườn nhà ở Panxa và nhà Quốc dân Hội nghị trường ở Pompey (thế kỷ II trước Công nguyên). Việc sử dụng mặt nước với nhiều hình dạng phong phú, và nhiều độ cao khác nhau để tạo thác, nhấn rõ trục bố cục dọc vườn, đã được sử dụng rất tinh tế ở Ý và Pháp.

Vườn Ý thường trải rộng về phía trước, và lấy biệt thự làm trục bố cục chính. Các yếu tố hình khối đăng đối qua trục bố cục này. Trước nhà thường là các parterre hoa với hàng cột bao quanh, là những yếu tố hình khối chính trên sân trước.

Dạng bồn hình học (hình vuông hoặc hình thoi) được lặp đi lặp lại trong bố cục vườn với nhiều loài cây hoa có mùa nở hoa khác nhau, như hoa Cúc Tây, hoa Thủy Dương, hoa Mai, hoa Huệ, hoa Uất Kim Cương, hoa Thủy Tiên,…

Cây bóng mát thường được cắt xén tạo khối hình học, cây bụi được cắt xén theo hình phức tạp. Ở vườn biệt thự Rujioolai, cây hình thuyền, hình người được cắt xén từ các bụi cây dương vàng.

Thời kỳ Phục Hưng Ý đã hoàn chỉnh thêm loại hình sân vườn kiểu này. Kiến trúc biệt thự, yếu tố hình khối trung tâm được nổi bật khi được liên hoàn với các tầng bậc sân và cầu thang, tường chắn. Địa hình dốc được sử dụng triệt để, để tạo thác nước. Một loạt biệt thự ra đời theo tinh thần này, như Medici ở Fierol gần Florence, ở Podjo a Caiyano,…

Ví dụ kiến trúc cảnh quan La Mã như vườn Boboli được bố cục chủ yếu bằng các tường cây xanh cắt xén. Mặt bằng tổng thể khu biệt thự Hadrian gần Tivoli được xây dựng vào thời đế quốc La Mã. Bố cục phong cảnh quảng trường trước nhà thờ Petra La Mã. Một kiểu bố cục phong cảnh trước biệt thự La Mã. Vườn Tuskan.

Sang thế kỷ thứ XVI, trung tâm văn hóa và nghệ thuật Ý chuyển về Rome ngay sau khi Giáo hoàng Julius II (1503 – 1513) mời kiến trúc sư Bramante (2444 – 1514) về trông coi việc kiến thiết giáo đồ Vatican.

Năm 1503, Bramante được giao nhiệm vụ phức tạp là tổ hợp Vatican thành một quần thể thống nhất. Ông đã tổ chức sân vườn theo chiều dài trên các cột khác nhau, một bên bố trí các hốc tường, một bên là hí trường biểu diễn: sau được dùng làm sân khấu với phông vườn bao quanh.

Thủ pháp bố cục này được coi là nghệ thuật đặc trưng cho kiến trúc cảnh quan Ý thế kỷ XVI, và được lặp lại trong các thí trường như ở vườn Boboli và vườn biệt thự Giáo hoàng Pie.

Trên cơ sở bố cục không gian mở cửa vườn Bramante, Raphael (1383 – 1520) phát triển thành nguyên tắc bố cục theo dãy, và dùng tường cây xanh cắt xén để phân chia không gian vườn. Nguyên tắc này, được sử dụng trong vườn biệt thự Madam (1517).

Vườn được chia làm ba phần: phần đầu có chu vi hình vuông, phần hai hình tròn có hàng lang được trang trí bằng các pho tượng dọc theo chu vi. Sân vận động có khán đài nằm trong phần cuối vườn. Các phần trong vườn được quy hoạch chặt chẽ, hài hòa với thiên nhiên và đặc điểm cảnh quan địa phương.

Về sau, việc bố cục theo chiều dọc sườn đồi chuyển sang chiều ngang, mở cảnh xa được áp dụng cho vườn biệt thự D’Este ở Tivoli (1540), vườn biệt thự Lante ở ngoại ô Rome. Biệt thự Lante do kiến trúc sư Vignola (1507 – 1573) thiết kế năm 1566.

Khu vườn nhìn chung có dạng hình học cân xứng đều đặn, nằm trên sườn đồi thoai thoải. Lối đi được dẫn từ Parterre chan hòa ánh nắng mặt trời đến bóng mát ở vườn trên, và xa hơn là cánh rừng.

Đã thể hiện được tính rõ ràng khúc chiết trong nghệ thuật sử dụng các yếu tố hình khối tạo không gian. Mặt nước dạng thác lớn, nhấn mạnh trục trung tâm, đã gây ấn tượng hoành tráng của kiến trúc biệt thự.

Hàn Tất Ngạn

Xem thêm bài viết: Lược sử lịch sử hình thành và phát triển kiến trúc cảnh quan

Tìm kiếm có liên quan: Các yếu tố tạo thành kiến trúc cảnh quan; Công trình kiến trúc cảnh quan nổi tiếng; Cộng đồng kiến trúc cảnh quan thế giới; Địa điểm xây dựng con người kiến trúc; Học Văn bằng 2 kiến trúc cảnh quan; Kiến trúc cảnh quan Việt Nam; Kiến trúc cảnh quan ra trường làm gì; Nghệ thuật lập kế hoạch phát triển kiến trúc; Nguyên lý kiến trúc cảnh quan; Nhập môn kiến trúc cảnh quan; Phục chế lại cảnh quan khu vực kiến trúc; Sách kiến trúc cảnh quan PDF; Xu hướng kiến trúc cảnh quan.

Số lượt xem: 157
error: