Khi tìm hiểu về kiến trúc cảnh quan. Chúng ta sẽ gặp câu hỏi về khái niệm quy hoạch cảnh quan là gì? Khái niệm thiết kế cảnh quan là gì? Ngay bây giờ, chúng ta sẽ cùng nhau đi tìm hiểu những khái niệm này.
Khái niệm quy hoạch cảnh quan là gì?
Quy hoạch cảnh quan là một thuật ngữ chuyên ngành, chỉ việc tổ chức không gian chức năng trên một phạm vi rộng. Mà trong đó chứa đựng các mối quan hệ tương hỗ của các thành phần chức năng, hình khối của thiên nhiên và nhân tạo.
Đối tượng của quy hoạch cảnh quan rất rộng, từ phạm vi vùng, miền của một nước, tỉnh, liên huyện hay huyện cho tới điểm dân cư.
Về cụ thể, nghiên cứu quy hoạch cảnh quan nhằm vào việc tạo dựng và giải quyết mối quan hệ giữa thiên nhiên và nhân tạo, ở phạm vi vĩ mô mà thực chất là giữa không gian trống và không gian xây dựng, hướng tới thỏa mãn các nhu cầu phát triển của con người về công năng, thẩm mỹ, và môi sinh.
Không gian trống giữa các điểm dân cư và không gian điểm dân cư; không gian trống và không gian xây dựng trong phạm vi các điểm dân cư cần phải được xác định tương quan về hình thể, quy mô, giải quyết các vấn đề về bảo vệ di tích cảnh quan, tận dụng các cảnh quan thiên nhiên có giá trị.
Xác định tỷ lệ của không gian mặt nước, cây xanh trong không gian sống. Đặc biệt, là phân bố hệ thống vườn, công viên với quy mô và hình thể phù hợp với nhu cầu phát triển xã hội.
Sự phát triển mạnh mẽ của đô thị hóa, tạo nên những chuỗi, chùm đô thị, gây tác động mạnh đến vùng bao quanh, ngoài giới hạn hành chính của đô thị, thậm chí còn lan ra ngoài giới hạn của chùm đô thị.
Bởi vậy, quy hoạch cảnh quan nghiên cứu ba mức độ tác động tương hỗ giữa cảnh quan thiên nhiên và đô thị: Trong đó, bao gồm môi trường đô thị như là một phần của môi trường vùng miền; môi trường trong phạm vi của điểm dân cư.
Ví dụ, quy hoạch cảnh quan thị xã Vĩnh Yên tỉnh Vĩnh Phúc. Các không gian trống chủ yếu của đô thị được tạo thành trên cơ sở khai thác đầm Vạc, và mặt nước của con kênh. Đồng thời đã tạo nên lõi bố cục của thị xã. Phương án do Viện Xây Dựng đô thị Leningrad thực hiện năm 1979.
Khái niệm thiết kế cảnh quan là gì?
Vật thể bao quanh con người rất phong phú về ý nghĩa, chức năng, thẩm mỹ,… liên quan đến các ngành chuyên môn sâu sắc khác nhau (như kiến trúc, điêu khắc, thực vật,…). Song, để kết dính các vật thể ấy trong một tổng thể có ngữ nghĩa, hữu ích và hài hòa lại phải có chuyên môn thiết kế cảnh quan.
Thiết kế cảnh quan là một hoạt động sáng tác, tạo môi trường vật chất và không gian bao quanh con người. Đối tượng của thiết kế cảnh quan là tạo hình địa hình với bậc thang, tường chắn đất, bề mặt trang trí từ vật liệu xây dựng và cây xanh, các tác phẩm điêu khắc, hình thức kiến trúc, công trình nước,… Nghĩa là các thành phần của môi trường vật chất và không gian.
Ví dụ, thiết kế cảnh quan là thiết kế không gian trống. Bể cảnh trước nhà hát lớn của Thành Phố Hồ Chí Minh; Trang trí bề mặt đất chủ yếu bằng vật liệu nhân tạo của Pháp; Bể nước rồng phun trong khu du lịch Suối Tiên tại Thành Phố Hồ Chí Minh; Trang trí bằng yếu tố nhân tạo trong khu trung tâm Vellindbuy; Trang trí bề mặt sân trước bách hóa tổng hợp Aitrureca; Nấm cách điệu trong khu vực vào lối thủy cung của khu du lịch Suối Tiên; Bọ ngựa trong khu du lịch Suối Tiên; …
Trong mối quan hệ của hệ thống thiên nhiên nhân tạo, có thể phân thành các nhóm đối tượng sau: kiến trúc bề mặt đất, kiến trúc bề mặt bao không gian (tường), kiến trúc trần của không gian. Hoặc cũng có thể nói thiết kế cảnh quan là thiết kế không gian bên ngoài. Vậy không gian bên ngoài là gì?
Không gian bên ngoài là không gian được hình thành do quan hệ ngoại vật và con người nhận thức ra nó bằng các giác quan (chủ yếu là thị giác).
Như tác giả Yoshinobu Ashihara đã mô tả: “Một người đàn ông và một người đàn bà đi bộ dưới mưa, họ bật dù lên và ngay lập tức chiếc dù đã hình thành một thế giới của anh và em, gấp dù lại không gian thân mật đó biến mất. Đám đông tụ tập quanh một diễn giả, tuy không có một phương tiện nào cả, nhưng vẫn hình thành một không gian đầy căng thẳng vây quanh diễn giả”.
Song, không gian kiến trúc là không gian có giới hạn và ổn định. Không gian tĩnh với khung bao của nó. Đó là không gian bị giới hạn bởi nền và tường, trong lĩnh vực ngoại thất, gọi là không gian kiến trúc không mái.
Song, quan niệm của cảnh quan, không gian này không chỉ hàm chứa mối quan hệ, mà còn tương quan giữa nó với khối xây dựng bao quanh, cũng như các thành phần khác của thiên nhiên và nhân tạo.
Bởi thế, cho nên Armand không dùng thuật ngữ không gian địa lý, mà dùng cảnh quan địa lý để chỉ tổng thể thiên nhiên của một vùng miền. Trong lĩnh vực kiến trúc cảnh quan, tường có thể là mặt nhà, hay bức tường chắn đất, giàn đứng hoặc cành cây.
Không gian ngoài nhà hay còn gọi là không gian điểm dân cư) không chỉ bị giới hạn bởi tường và nền nhà, mà đôi khi còn hạn chế bên trên bởi gầm nhà trong các kiến trúc hiện đại.
Đồng thời, các căn phòng trống lại đón nhận các yếu tố của không gian điểm dân cư tràn vào và ngược lại, tạo nên một sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa trong và ngoài, thiên nhiên và nhân tạo.
Đúng như kiến trúc sư Yoshinobu Ashihara đã nhận định: “Trong việc thiết kế không gian bên ngoài, thì điều quan trọng là phải diễn tả ý định của mình một cách đầy đủ tới cả không gian đảo ngược. Tức là phải có liên hệ với không gian bên ngoài. Chỉ khi nào kiến trúc sư chú ý đồng thời cả không gian bị chiếm chỗ bởi tòa nhà, và không gian trống còn lại, và cũng chỉ khi nào ông ta hình dung toàn bộ tòa nhà và không gian xung quanh, như một tổng thể kiến trúc phần có mái, phần không có mái, thì việc đó mới thực sự được coi có thiết kế không gian bên ngoài”.
Theo cách phân loại của Yoshinobu Ashihara, không gian có hai loại dương và âm. Về cơ bản, không gian được coi là dương, khi hướng vào một trung tâm. Không gian có ý nghĩa quyết định trong mối quan hệ với không gian trung tâm. Còn không gian âm là không gian ly tán và hướng ra ngoài.
Hàn Tất Ngạn
Xem thêm bài viết: Khái niệm đối tượng và nhiệm vụ của kiến trúc cảnh quan