Có ba vấn đề mà chúng ta cần quan tâm đến. Đó chính là khái niệm kiến trúc cảnh quan là gì? Đối tượng của kiến trúc cảnh quan là gì? Nhiệm vụ của kiến trúc cảnh quan như thế nào?
1. Khái niệm kiến trúc cảnh quan là gì?
Nếu cảnh quan nhân tạo là hệ quả của các hoạt động do con người tác động vào môi trường thiên nhiên, thì kiến trúc cảnh quan là một trong những dạng hoạt động kiến trúc của con người, nhằm đáp ứng các yêu cầu về thẩm mỹ, tạo lập một môi trường hài hòa bao quanh con người, có ý nghĩa sử dụng và tư tưởng nhất định.
Kiến trúc cảnh quan là một môn khoa học tổng hợp, liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên ngành khác nhau (quy hoạch không gian, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc công trình, điêu khắc và hội họa,…) nhằm giải quyết những vấn đề tổ chức môi trường nghỉ ngơi và giải trí, thiết lập và cải thiện môi sinh, bảo vệ môi trường và tổ chức nghệ thuật kiến trúc.
Kiến trúc cảnh quan là hoạt động định hướng của con người tác động vào môi trường nhân tạo, để làm cân bằng mối quan hệ qua lại giữa các yếu tố nhiên nhiên và nhân tạo, tạo nên sự tổng hòa giữa chúng.
Đô thị hóa phát triển kéo theo sự gia tăng đất xây dựng, đẩy dần thiên nhiên xa rời con người, gây ra nên sự rối loạn sinh thái, và ô nhiễm môi trường.
Bởi vậy, kiến trúc cảnh quan nghiên cứu tổng thể từ vi phạm vi vùng miền, đến giới hạn nhỏ hẹp của môi trường xung quanh con người có lợi cho sự sống, phù hợp sinh thái phát triển (eco-development) mang lại mối quan hệ tổng hòa giữa thiên nhiên – con người – kiến trúc.
Để thiết kế cảnh quan trong phạm vi nhỏ hẹp bao quanh con người, cần phải dựa trên cơ sở của quy hoạch cảnh quan, để bảo đảm sự ổn định về cấu trúc không gian, chất lượng môi trường, không gian hoạt động nghỉ ngơi giải trí, và sinh hoạt của cộng đồng.
Sự phát triển kiến trúc cảnh quan nhằm đáp ứng xu hướng thời đại vươn tới sự hài hòa, trong dây chuyền con người – xã hội – thiên nhiên, tiến tới thiết lập một môi trường vững bền cho cuộc sống con người.
Trước đây, kiến trúc cảnh quan chỉ giải quyết các mối quan hệ giản đơn trong phạm vi nhỏ hẹp của các đô thị thời tiền công nghiệp. Ngày nay, và tương lai đến năm 2000, trên 50% dân số thế giới sẽ sống trong các đô thị.
Đô thị là tâm điểm văn minh của loài người, là trung tâm của sự sản sinh của cải vật chất và tinh thần xã hội, là nơi tiện nghi nhất cho đời sống con người.
Song, sự bành trướng của đô thị với công nghiệp hiện đại, cũng lại tàn phá thiên nhiên, đẩy tình trạng cạn kiệt tài nguyên tới mức không thể cứu vãn được, ô nhiễm môi trường, thay đổi khí hậu toàn cầu, và kéo theo một loạt quan hệ xã hội bị sa sút trầm trọng.
Do vậy, kiến trúc cảnh quan (landscape architecture) có nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn, bao gồm hai lĩnh vực chuyên sâu là quy hoạch cảnh quan (landscape planning) và thiết kế cảnh quan (landscape designing).
Quy hoạch cảnh quan có nhiệm vụ giải quyết những vấn đề chung, về việc hình thành môi trường trên phạm vi vùng miền và điểm dân cư, còn thiết kế cảnh quan là tạo lập một cách chi tiết môi trường bao quanh con người, bằng việc tổ hợp các thành phần thiên nhiên, tạo hình và các chi tiết hoàn thiện kỹ thuật.
2. Đối tượng của kiến trúc cảnh quan là gì?
Môi trường sống của con người luôn luôn bị biến đổi trong quá trình phát triển của xã hội, với sự tác động tương hỗ của hai nhóm thành phần nhân tạo và thiên nhiên, của nhân tạo với nhân tạo, của thiên nhiên với thiên nhiên. Mối quan hệ có thể hòa hợp hay không hòa hợp, mâu thuẫn hay không mâu thuẫn.
Môi trường sống cần được tổ chức hợp lý, thỏa mãn các yêu cầu sử dụng, sự trong lành của môi cảnh và thẩm mỹ, đáp ứng sự phát triển đa dạng và phong phú của cuộc sống con người.
Cảnh quan là một cơ thể luôn phát triển, và biến đổi theo mùa. Bởi vậy, các thành phần hình thành và tạo dựng cảnh quan còn nằm trong một tổng thể có mối quan hệ khăng khít, nhưng biến đổi theo thời gian.
Kiến trúc cảnh quan cần phân tích, tổng hợp các mối quan hệ ấy để xây dựng môi cảnh vững bền, gắn với quy hoạch không gian (vùng, đô thị và nông thôn) với thiết kế kiến trúc công trình, để bổ khuyết cho quy hoạch không gian và thiết kế công trình.
3. Nhiệm vụ của kiến trúc cảnh quan là gì?
Mục tiêu của kiến trúc cảnh quan là xây dựng môi cảnh vững bền, thỏa mãn các nhu cầu và hoạt động sống của con người trong môi trường trong lành, hài hòa và tiện nghi. Để đạt được mục tiêu này, kiến trúc cảnh quan có các nhiệm vụ sau đây:
Sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên và di tích cảnh quan trong môi trường nhân tạo hóa và vùng bao quanh.
Tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị cạn kiệt, thu hẹp do các hoạt động kinh tế của con người, đặc biệt công nghiệp hóa và đô thị hóa. Bởi vậy, việc bảo vệ gìn giữ ngân quỹ thiên nhiên là rất cấp bách.
Kiến trúc cảnh quan có nhiệm vụ lập những biện pháp dự báo, và sử dụng thiên nhiên có giá trị cho các hoạt động nghỉ ngơi giải trí, phối hợp với các ngành chuyên môn khác để tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái.
Đặc biệt, tổ chức bảo vệ và khai thác các di tích cảnh quan, góp phần vào việc bảo tồn di sản văn hóa và phục vụ du lịch văn hóa.
Giữ gìn và nhân giá trị của cảnh quan thiên nhiên trong các điểm dân cư, đặc biệt là điểm dân cư đô thị. Tổ chức môi trường nghỉ ngơi giải trí, môi trường thẩm mỹ và môi trường trong sạch.
Hàn Tất Ngạn
Xem thêm bài viết: Khái niệm chung về cảnh quan là gì?