Tùy theo mỗi ngành mà có các quan niệm khác nhau về cảnh quan. Chúng ta cùng nhau khám phá khái niệm của các nhà địa lý hay khái niệm của các nhà kiến trúc cảnh quan phong cảnh như thế nào?
Theo các nhà địa lý, cảnh quan (landscape) là một bộ phận của bề mặt trái đất, có những đặc điểm riêng về địa hình, khí hậu, thủy văn, đất đai, động thực vật,… và phong cảnh (paysage) là những cảnh thiên nhiên bày ra trước mắt.
Còn D.L.Armand là một nhà địa lý cảnh quan Nga quan niệm: cảnh quan đồng nghĩa với thuật ngữ tổng thể lãnh thổ tự nhiên, là phần lãnh thổ được phân chia một cách ước lệ bằng các ranh giới thẳng đứng, theo nguyên tắc đồng nhất tương đối, và các ranh giới nằm ngang theo nguyên tắc mất dần ảnh hưởng ra vùng bao quanh của nhân tố trong tổng thể.
Theo các nhà kiến trúc cảnh quan, phong cảnh là thuật ngữ từ tiếng Pháp, chỉ một không gian hạn chế, mở ra những điểm nhất định. Đó là những phần thiên nhiên và nhân tạo mang đến cho con người những cảm xúc và tâm trạng khác nhau.
Còn cảnh quan là thuật ngữ từ tiếng Đức chỉ một tổ hợp phong cảnh có thể khác nhau, nhưng tạo nên một biểu tượng thống nhất về cảnh chung của địa phương. Như vậy, về mặt không gian, phong cảnh nhỏ hơn cảnh quan.
Ở đây, cả thuật ngữ phong cảnh và cảnh quan đều là không gian chứa đựng vật thể nhân tạo, thiên nhiên và những hiện tượng xảy ra trong quá trình tác động giữa chúng với nhau, và giữa chúng với bên ngoài. Trong đó, mối tác động nội lực là tương đối chặt chẽ.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, Armand quan niệm thiên nhiên là một hệ thống gồm các hiện tượng và vật thể tự nhiên, kể cả những hiện tượng và vật thể bị biến đổi do con người, các công trình kỹ thuật (ảnh hưởng đến môi trường xung quanh) và con người (được cọi như một loài sinh vật).
Song thuật ngữ cảnh quan hay phong cảnh chứa đựng các yếu tố thiên nhiên và nhân tạo nhiều hay ít, không quan trọng, mà cần phải hiểu biết bản chất của cảnh quan là gì?
1. Sự khác biệt giữa cảnh quan và phong cảnh?
Phần đông, khi nói về cảnh quan, người ta thường xét trên quan điểm hình thái học, nghĩa là cảnh nhìn được. Song con người chịu sự tác động của môi trường thông qua nhiều giác quan (mắt, tai,..).
Môi trường này, được hình thành do hệ quả tác động tương hỗ các thành phần của cảnh quan. Hệ thống mối quan hệ này, đã tạo nên nét đặc trưng của mỗi vùng, với các kiểu cảnh quan khác nhau như: cảnh quan đô thị, cảnh quan làng bản, cảnh quan đồng ruộng, cảnh quan vùng biển,…
Mỗi một kiểu cảnh quan đó có cấu trúc và thành phần tạo dựng đặc trưng, và được biến đổi thường xuyên do sự tác động của thiên nhiên và con người trong quá trình hoạt động. Đó là cảnh quan nhân tạo. Song hệ quả của nó không hẳn là các cảnh quan có giá trị thẩm mỹ.
Cảnh quan nhân tạo là cảnh quan được hình thành, do hệ quả của quá trình tác động của con người, làm biếng dạng cảnh quan thiên nhiên.
Cảnh quan thiên nhiên bị biến đổi do quá trình hoạt động kinh tế của con người, đem đến sự biến đổi về động thực vật, chế độ nước, phát vỡ mối quan hệ và tác động tương hỗ giữa các yếu tố đã được hình thành trong cảnh quan.
Đồng thời, làm xuất hiện các yếu tố mới trong cảnh quan như mạng lưới điện, đường giao thông, nhà máy, xí nghiệp, … nghĩa là hình thành cảnh quan mới, cảnh quan nhân tạo.
Mức độ can thiệp vào sự thay đổi các yếu tố của cảnh quan thiên nhiên, biểu thị ít nhiều hay toàn bộ tính chất nhân tạo của cảnh quan. Và như vậy, có thể phản ánh mức độ biến đổi cơ tính của sinh thái cảnh quan.
Sự hình thành và phát triển cảnh quan nhân tạo gắn liền với tiến trình phát triển khoa học kỹ thuật, và có thể được chia thành ba giai đoạn:
Thuộc về văn minh nông nghiệp trước thế kỷ XVII; Thuộc về văn minh công nghiệp từ thế kỷ XVII (khi máy hơi nước xuất hiện); và Thuộc về văn minh khoa học kỹ thuật (thời kỳ hậu công nghiệp, từ năm 1949, khi xuất hiện máy tính điện tử đến nay).
Sự can thiệp ngày càng mạnh mẽ và đỉnh cao ở khoảng cuối nền văn minh công nghiệp của con người, đã gây nên sự đổi thay sâu sắc đối với cảnh quan thiên nhiên. Vì thế, về sau có xu hướng xây dựng cảnh quan nhân tạo trên cơ sở kế thừa, và phát triển bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.
Như vậy, cảnh quan nhân tạo bao gồm các thành phần của cảnh quan thiên nhiên, và các yếu tố mới do con người tạo ra. Hai yếu tố này, có mối quan hệ tương hỗ với nhau.
Tùy theo tương quan tỷ lệ của các yếu tố thiên nhiên và nhân tạo, cảnh quan nhân tạo được chia ra ba loại:
Cảnh quan văn hóa (cảnh quan điểm dân cư, cảnh quan nghỉ ngơi giải trí, cảnh quan vùng công nghiệp); Cảnh quan vùng trồng trọt (cảnh quan nông, lâm nghiệp); Cảnh quan vùng phá bỏ (các khu khai thác mỏ lộ thiên và các khu khai thác tài nguyên thiên nhiên khác).
Các kiểu cảnh quan được hình thành trên cơ sở tương quan tỷ lệ các yếu tố thiên nhiên và nhân tạo, cũng như đặc điểm thiên nhiên. Trong đó, cảnh quan đô thị và cảnh quan nông thôn do chứa đựng nhiều yếu tố nhân tạo, và là nơi cư trú của con người nên trở thành cảnh quan nhân tạo đặc biệt.
2. Cảnh quan vùng là gì?
Cảnh quan vùng là một bộ phận quan trọng của cảnh quan nhân tạo. Trong cảnh quan vùng bao gồm (các loại chủ yếu) là cảnh quan bảo tồn, cảnh quan nghỉ ngơi giải trí, cảnh điểm dân cư, cảnh quan vùng công nghiệp, cảnh quan vùng trồng trọt.
– Cảnh quan bảo tồn: các khu vườn quốc gia, nơi bảo tồn cảnh quan thiên nhiên có giá trị lịch sử hệ động thực vật, các cảnh quan di tích như khu đền Hùng, khu chùa Hương,… công viên rừng, các cảnh quan có giá trị nghệ thuật độc đáo như phong cảnh hồ Ba Bể, vịnh Hạ Long,…
– Cảnh quan nghỉ ngơi giải trí: các khu nghỉ ngơi, điều dưỡng ở ngoại ô, ở ven mặt nước lớn, khu thiên nhiên phong phú, nơi có môi trường trong lành và đẹp.
– Cảnh quan điểm dân cư: cảnh quan đô thị và cảnh quan nông thôn.
– Cảnh quan vùng công nghiệp: khu vực bố trí các nhà máy, xí nghiệp lớn độc hại nằm ngoài điểm dân cư.
– Cảnh quan vùng trồng trọt: cảnh quan đồng ruộng và cảnh quan rừng.
Mối tương quan hợp lý cũng như vị trí tương hỗ giữa các thành phần của cảnh quan vùng, có một ý nghĩa rất lớn và quyết định đến môi trường sống trong lành, tiện nghi và giá trị thẩm mỹ.
3. Cảnh quan đô thị là gì?
Cảnh quan đô thị là môi trường nhân tạo phức tạp nhất, và là thành phần quan trọng của cảnh quan văn hóa. Ở đó, các yếu tố nhân tạo có mật độ tập trung cao nhất trong các loại cảnh quan, và thường gây nên những hậu quả không thuận lợi cho môi trường cư trú của con người.
Do đó, tác động tương hỗ của con người và môi trường xuất hiện ở đây là mạnh mẽ nhất, mà trong quá trình tác động đó, các yếu tố chủ yếu của cảnh quan đô thị (địa hình đô thị, mặt nước, và cây xanh) đóng vai trò chính.
Địa hình đô thị được quan niệm ở đây là cấu trúc bề mặt đô thị, bao gồm các trạng thái trồi lên, lõm xuống. Sự lồi lõm của các tòa nhà, dãy phố, quần thể công trình và của các con đường, quảng trường, sân, mặt nước, vườn công viên,…
Ở đây, các tòa nhà được coi là những viên đá thiên nhiên. Bởi vậy, những diễn biến của sinh thái, môi trường trên bề mặt đô thị không khác gì nhiều với thiên nhiên có cấu trúc bề mặt địa hình tương tự.
Nghĩa là, địa hình đô thị cũng làm thay đổi nhiệt độ, cản, làm chệch hướng gió và biến đổi tốc độ gió, độ ẩm, làm ngưng tụ khí độc và bụi bẩn của môi trường đô thị bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến bức xạ mặt trời và độ chiếu sáng.
Thêm vào đó, việc tỏa nhiệt từ các nguồn nhân tạo như lò đun, hệ thống chiếu sáng và điều hòa nhiệt độ đã làm tăng thêm những biến đổi trên đây.
Bản thân địa hình đô thị là một bộ phận của cảnh quan. Song, được chứa đựng trong một khoảng không gian rộng lớn vô bờ. Nó chỉ được thu nhận trong hai trường hợp: từ trên máy bay hoặc từ đỉnh núi khu đô thị nằm dưới thung lũng và có quy mô nhỏ.
Trong lòng địa hình đô thị có nhiều khoảng không gian có giới hạn. Đó là các không gian đô thị được hình thành từ các bức tường nhà, mặt nền và thậm chí, diện thứ 6 của không gian đó là gầm nhà. Các yếu tố thiên nhiên (mặt nước và cây xanh) chủ yếu nằm ở trong các không gian này.
Ở đây, khi rời khỏi ngôi nhà con người, chỉ có thể rơi trong không gian đô thị. Bởi thế, mọi diễn biến của môi trường, sinh thái đô thị và thẩm mỹ kiến trúc đô thị tác động trực tiếp đến con người, về cơ bản thông qua không gian này. Như Le Corbusier đã khẳng định: “Chúng ta là những con người và như thường lệ chúng ta nhìn thế giới từ chiều cao 170cm của mình so với mặt đất”.
Mặt nước và cây xanh là một bộ phận quan trọng của cảnh quan được đưa vào trong không gian đô thị để cải thiện môi trường đã được hình thành bởi cấu trúc bề mặt địa hình đô thị, tạo cảnh và trang trí trong lòng không gian.
Bởi vì mặt nước và cây xanh có tác dụng làm giảm nhiệt độ, tăng độ ẩm và tạo nên sự chuyển động của dòng không khí do sự chênh lệch áp suất giữa vùng có cây xanh, mặt nước và vùng không có hoặc ít cây xanh, mặt nước hơn.
Và hệ quả của nó là tạo sự lưu thông không khí theo chiều đứng. Từ đó, kéo không khí độc và bụi lên không trung, và dồn không khí trong lành từ khu mặt nước và cây xanh vào không gian chứa đựng con người.
Ngoài ra, cây xanh còn có tác dụng chống ồn, cách ly đám cháy và bụi giữa nguồn gây ra với khu sinh sống của con người, cũng như làm thay đổi thành phần hóa học của không khí theo hướng có lợi cho sự sống.
4. Cảnh quan nông thôn là gì?
Cảnh quan nông thôn là có các yếu tố thiên nhiên và nhân tạo tham gia vào việc hình thành cảnh quan, cũng giống như cảnh quan đô thị. Nhưng mức độ nhân tạo của cảnh quan nông thôn ít hơn nhiều. Do đó, môi trường nông thôn (làng, bản,…) ít bị ô nhiễm bởi giao thông, sản xuất và sinh hoạt.
Tuy nhiên, đô thị hóa phát triển đa dạng, sẽ làm cho khoảng cách an toàn giữa điểm dân cư nông thôn với đô thị và khu công nghiệp ngày càng thu hẹp. Sự nhiễm bẩn môi trường tràn sang vùng nông thôn. Do đó, việc tổ chức cảnh quan nông thôn, không thể bỏ qua vấn đề bảo vệ và hình thành môi trường như đối với đô thị.
Hàn Tất Ngạn
Xem thêm bài viết: Khái niệm đối tượng và nhiệm vụ của kiến trúc cảnh quan là gì?
Bạn đang xem bài viết:
Khái niệm chung về cảnh quan là gì?