Tổ chức sinh hoạt chuyên môn trong phát triển năng lực nghề nghiệp dưới hình thức nghiên cứu bài học

to chuc sinh hoat chuyen mon trong phat trien nang luc nghe nghiep duoi hinh thuc nghien cuu bai hoc cdgvmn hang 2

Những vấn đề chung về nghiên cứu bài học là gì? Làm sao để nghiên cứu bài học như thế nào đúng chuẩn? Làm sao để tổ chức sinh hoạt chuyên môn dưới hình thức nghiên cứu bài học ở trường mầm non?

1. Những vấn đề chung về nghiên cứu bài học.

1.1 Tổ chuyên môn là gì?

Tổ chuyên môn là một đơn vị trong trường học, nơi thực thi các nhiệm vụ, chính sách, các phương pháp đổi mới giáo dục. Đồng thời, cũng là nơi phản hồi một cách chính xác nhất tính hiệu quả của phương pháp giáo dục ở đơn vị cơ sở.

Tổ chuyên môn là nơi quản lý trực tiếp việc bồi dưỡng giáo viên về nhận thức, chuyên môn nghiệp vụ. Phát hiện ra những điểm mạnh, điểm yếu, thuận lợi và khó khăn của từng giáo viên trong quá trình giảng dạy và giáo dục.

Tổ chuyên môn là một bộ phận chủ yếu, giữ vai trò quyết định trong công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên. Chỉ có ở tổ chuyên môn, giáo viên mới có điều kiện trực tiếp và thuận lợi nhất, để rèn luyện và từng bước nâng cao trình độ tay nghề của mình. Bởi vì, sinh hoạt tổ chuyên môn có tính chất tổ chức, chủ động và mang tính tập thể cao.

1.2 Sinh hoạt chuyên môn là gì?

Sinh hoạt chuyên môn là một trong các hình thức bồi dưỡng giáo viên, nhằm nâng cao năng lực chuyên môn của giáo viên. Từ đó, nâng cao chất lượng học cho trẻ, và nâng cao chất lượng giáo dục nói chung.

Trong đó, giáo viên tập trung phân tích các vấn đề liên quan đến trẻ, như trẻ học và chơi như thế nào? Trẻ đang gặp khó khăn gì trong quá trình hoạt động? Nội dung và phương pháp dạy học có phù hợp với trẻ và gây hứng thú cho trẻ hay không? Kết quả hoạt động của trẻ có được cải thiện không? Có cần điều chỉnh gì và điều chỉnh như thế nào?

Theo quy định, sinh hoạt chuyên môn được thực hiện hằng tuần ở tất cả các trường, mỗi giáo viên tham dự sinh hoạt chuyên môn ít nhất hai lần trong một tháng, và họ đều có sổ dự giờ, sổ ghi chép học tập nghiệp vụ, cùng với các loại hồ sơ, sổ sách chuyên môn khác như sổ chủ nhiệm, sổ soạn bài,…

Các hình thức tổ chức sinh hoạt chuyên môn phổ biến nhất hiện nay, bao gồm:

Học tập chuyên môn nghiệp vụ. Nội dung học tập có thể theo các chuyên đề được xác định dựa trên nhu cầu của giáo viên mỗi quận, huyện, xã, phường, tỉnh, theo chỉ đạo chung của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo. Ngoài ra, nội dung học tập còn là các văn bản chỉ đạo mới, hoặc những nhiệm vụ mới trong năm học.

Dự giờ học tập đồng nghiệp. Việc dự giờ có thể diễn ra tại trường hoặc cụm trường, chủ yếu theo các chuyên đề được xác định trong kế hoạch năm học. Ngoài ra, việc dự giờ tại trường cũng có thể theo chuyên đề nào đáp ứng nhu cầu của giáo viên trong trường. Thông thường, một giáo viên được đánh giá là vững vàng về chuyên đề nào đó, sẽ được phân công chuẩn bị và thực hiện giờ dạy, được gọi là giờ dạy mẫu của chuyên đề đó.

Người dự giờ sẽ theo dõi các hoạt động dạy học của giáo viên, để nhận xét về phương pháp, việc phân bố thời gian, các khâu, các bước của giờ dạy học, so với sách giáo khoa, sách giáo viên và các tài liệu hướng dẫn khác. Người dự giờ cũng chú ý đến những câu hỏi, lời hướng dẫn của giáo viên, đồ dùng giáo viên sử dụng để xem có gì sai sót, bất hợp lý hay không?

2. Nghiên cứu bài học.

2.1 Khái niệm nghiên cứu bài học là gì?.

Thuật ngữ nghiên cứu bài học (trong tiếng Anh sẽ là Lesson Study hoặc Lesson Research) được chuyển từ nguyên nghĩa tiếng Nhật là Jugyou Kenkyuu, với từ Juhyou có nghĩa là bài học, và từ Kenkyuu có nghĩa là nghiên cứu.

Nghiên cứu bài học có nguồn gốc rất xa trong lịch sử giáo dục Nhật Bản, từ thời Meiji (1868 – 1912), như một biện pháp để nâng cao năng lực nghề nghiệp của giáo viên, thông qua nghiên cứu cải tiến các hoạt động dạy học.

Cho đến ngày nay, nghiên cứu bài học được xem như một mô hình, hay một cách tiếp cận về bồi dưỡng, phát triển năng lực nghề nghiệp của giáo viên được tiến hành trên cơ sở của nhà trường.

Như vậy, nghiên cứu bài học là một hình thức sinh hoạt chuyên môn mới. Đây là hình thức dựa trên quá trình tổ chức hoạt động trực tiếp của giáo viên và trẻ. Từ đó, các giáo viên trong quá trình dự giờ sẽ trao đổi, chia sẻ, suy ngẫm và tự rút ra cách tổ chức hoạt động đạt hiệu quả cao nhất.

2.2 Đặc điểm của nghiên cứu bài học.

Mục tiêu của nghiên cứu bài học là cải tiến, đổi mới thực tiễn việc dạy học của giáo viên trong các bài học cụ thể của chương trình. Nghiên cứu bài học gắn với thực tiễn dạy học đang diễn ra trên lớp, trong việc thực hiện những bài học cụ thể của chương trình, mà giáo viên đang thực hiện và kết quả mang lại là chất lượng học tập của trẻ tốt hơn.

Nghiên cứu bài học được thực hiện dưới sự hợp tác của các nhóm giáo viên trong trường, hay cụm trường, trong quận huyện, có thể có sự hợp tác tham gia và hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia giáo dục đến từ bên ngoài.

Trong quá trình đó, các giáo viên cùng phối hợp với nhau, thiết kế giáo án (kế hoạch bài học) để giảng dạy, tổ chức quan sát giờ dạy của nhau, cùng nhau chia sẻ, trao đổi với nhau về những điều quan sát thấy, cùng nhau rút kinh nghiệm và điều chỉnh kế hoạch bài học, nội dung và phương pháp dạy học,… để tiếp tục thực hiện bài học (đã được chỉnh sửa) ở các lớp khác.

Vì thế, nghiên cứu bài học gắn liền với những buổi làm việc của nhóm giáo viên, những giờ dạy có nhiều người dự giờ, những quan sát được thiết kế và thực hiện trong giờ học, những trao đổi sau giờ dạy,… Do đó, giáo viên thu hoạch thêm những kiến thức và kỹ năng nghề từ chính các bạn đồng nghiệp của mình.

Nghiên cứu bài học là một quá trình tổ chức nghiên cứu cải tiến thực tiễn dạy học một cách có hệ thống và tổ chức. Nghiên cứu bài học là quá trình được xây dựng và tổ chức một cách có kế hoạch, có suy nghĩ cho hàng loạt các hoạt động nghiên cứu bài học.

Lựa chọn chủ đề nghiên cứu. Xây dựng kế hoạch bài học. Thực hiện bài học nghiên cứu (xác định trọng tâm theo mục tiêu). Kế hoạch và nội dung quan sát trong khi bài học diễn ra (số liệu cần thu thập, cách ghi chép thông tin và chia sẻ những số liệu thu thập được).

Nội dung trao đổi sau giờ học nghiên cứu. Rút kinh nghiệm giờ dạy. Chỉnh sửa kế hoạch bài học. Thực hiện kế hoạch bài học sau khi đã chỉnh sửa ở lớp tiếp theo (do thành viên khác trong nhóm dạy ở lớp của mình) và tiếp tục quá trình nghiên cứu bài học.

Như vậy, mỗi bài học nghiên cứu để cải tiến được nhóm giáo viên đặt kế hoạch, xem xét, phân tích, đánh giá và điều chỉnh qua mỗi lần dạy học ở một lớp. Sau một vòng nghiên cứu bài học về nội dung và phương pháp dạy học, các bài tập, câu hỏi, nhiệm vụ, lời giảng bài trong bài học nghiên cứu đó, đã được phân tích, điều chỉnh, thực hiện, đánh giá nhiều lần và trở nên phù hợp hơn.

Điều quan trọng là từng giáo viên đã học được từ trong chính quá trình làm việc cùng nhau đó, để cải tiến thực tiễn của lớp mình, trường mình và trở nên chuyên nghiệp và lành nghề hơn.

Tóm lại, nghiên cứu bài học được xem như là một cách tiếp cận, hay một mô hình phát triển năng lực nghề nghiệp của giáo viên theo trường, cụm trường (hay quận huyện), thông qua quá trình hợp tác giữa các giáo viên (có thể có sự phối hợp hoặc không có sự phối hợp với các chuyên gia giáo dục từ bên ngoài nhà trường) trong tổ chức nghiên cứu cải tiến thực tiễn dạy học, những nội dung cụ thể trong chương trình.

Từ những phân tích ở trên cho thấy, nghiên cứu bài học có mục tiêu kép, hướng vào cải tiến thực tiễn dạy học (về phương pháp và kỹ thuật dạy học bài học nào đó) và nhờ đó, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng nghiên cứu cải tạo thực tiễn của giáo viên được phát triển.

Như vậy, nghiên cứu bài học sẽ tác động tích cực đến cả ba thành phần. Đó chính là năng lực nghề nghiệp của giáo viên, thực tiễn dạy học và quá trình hoạt động của trẻ. Tuy nhiên, để khép lại phần này, cần nhắc tới một số những hiểu lầm thường gặp về nghiên cứu bài học, đó là:

– Nghiên cứu bài học không phải là các lớp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.

– Nghiên cứu bài học không phải là để đưa ra những giáo án tốt và tuyệt vời.

– Nghiên cứu bài học không được thực hiện đơn độc, và tách riêng biệt bởi từng giáo viên.

– Nghiên cứu bài học không phải chỉ là việc thực hiện xong một vòng nghiên cứu bài học, mà không ngừng cải tiến và phát triển thêm về sau.

2.3 Yêu cầu đối với giáo viên khi tham gia nghiên cứu bài học.

Khi tham gia nghiên cứu bài học, các giáo viên sẽ họp thành từng nhóm nhỏ từ 4 đến 6 người, có thể khác nhau về trình độ chuyên môn, khác nhau về chuyên ngành, thậm chí có thể khác trường.

Tuy nhiên, để thuận lợi cho quá trình thực hiện bài học, thông thường các nhóm nghiên cứu bài học là giáo viên cùng trường, và có cùng chuyên ngành. Trong quá trình tiến hành bài học nghiên cứu, có thể có sự tham gia của các giáo viên hoặc chuyên gia khác.

Những người này, sẽ đóng góp các ý kiến chuyên môn, quan sát bài học, và đưa ra những ý kiến, nhận xét, góp ý để quá trình trở nên hiệu quả hơn. Các giáo viên cùng nhau nghiên cứu, xây dựng mục tiêu cho trẻ.

Sự tham gia của các thành viên phải mang tính chất tự nguyện, dựa trên cơ sở muốn nâng cao hiệu quả hoạt động của trẻ. Trong nhóm, các thành viên cùng nhau hợp tác hướng đến mục tiêu chung của bài học.

Cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhận xét, bổ sung giúp cho nhau hoàn thiện hơn về chuyên môn nghiệp vụ. Cần tránh những biểu hiện tiêu cực, như phê phán lẫn nhau về năng lực chuyên môn, hay phẩm chất nghề nghiệp giữa các giáo viên.

2.4 Phân biệt nghiên cứu bài học với cách bồi dưỡng, dự giờ giáo viên hiện nay.

a) Nghiên cứu bài học là một mô hình bồi dưỡng, phát triển nghề nghiệp cho giáo viên. Nhưng nó có sự khác biệt cơ bản với cách bồi dưỡng, dự giờ truyền thống ở những điểm sau:

Thứ nhất, thay cho việc cung cấp kiến thức được xác định từ các chuyên gia bên ngoài nhà trường, nghiên cứu bài học xuất phát từ chính nhu cầu giải quyết những vấn đề trong thực tiễn lớp học, mà giáo viên đang phải đối mặt.

Trong những lớp bồi dưỡng giáo viên truyền thống, các chuyên gia bên ngoài là người cung cấp kiến thức, còn giáo viên là những người thụ động tiếp nhận kiến thức. Khi tham gia nghiên cứu bài học, các nhóm nghiên cứu tự nhận thấy những yêu cầu cần giải quyết, đối với mỗi bài học nhất định, và cùng nhau thảo luận để tìm cách giải quyết các yêu cầu đó.

Trong nghiên cứu bài học, cũng có thể có sự tham gia của các chuyên gia bên ngoài, nhưng họ chỉ đóng vai trò là người quan sát, tư vấn, rút kinh nghiệm cho nhóm và cung cấp thêm những kinh nghiệm của các nhóm nghiên cứu khác, chứ không đóng vai trò chủ đạo như trong các phương pháp truyền thống.

Thứ hai, mối quan hệ giữa những người tham gia nghiên cứu bài học là bình đẳng, với các quan hệ thứ bậc giữa người dạy với người học trong các lớp tập huấn. Trong các phương pháp bồi dưỡng giáo viên truyền thống, giáo viên đóng vai trò là người học và những chuyên gia đóng vai trò là thầy giáo, là người cung cấp kiến thức.

Trong nghiên cứu bài học, những người tham gia có vai trò như nhau, cùng nhau hợp tác, cùng nhau nghiên cứu, cùng nhau thảo luận hướng tới một mục tiêu chung của sự phát triển. Những người tham gia nghiên cứu bài học, đều trên tinh thần tự nguyện và có vai trò như nhau, trong việc phát triển bài học để đạt được những mục tiêu đề ra.

Thứ ba, trong các lớp tập huấn, giáo viên là người tiếp nhận kiến thức mới (ở vị thế bị động). Còn trong nghiên cứu bài học, giáo viên giữ vai trò chủ động, và là một người cải cách, một nhà quan sát, tự đánh giá thực tiễn của mình.

Với phương pháp truyền thống, giáo viên được tiếp xúc với cái mới thông qua các chuyên gia, hoàn toàn theo kiểu thầy truyền thụ và trò lắng nghe. Trong khi ở nghiên cứu bài học, giáo viên là người mang cái mới vào dạy học, là quan sát thực tế có thể tự đánh giá khả năng của mình, thông qua việc quan sát trực tiếp lớp học.

b) Các phương pháp dạy học truyền thống, phẩm chất và năng lực của giáo viên, luôn luôn là một vấn đề để đánh giá trong những buổi dự giờ. Giáo viên luôn mang nặng tâm lý về xếp hạng, và chủ yếu chú trọng tới bài giảng, giáo án của mình mà ít quan tâm xem trẻ học như thế nào(?)

Hơn nữa, nếu có quan tâm đến trẻ, thì đó là những trẻ nổi bật trong các lớp học. Trong khi đó, đối với nghiên cứu bài học thì sự quan sát, hướng đến tất cả trẻ trong lớp, không riêng gì những trẻ nổi bật, thậm chí là chú ý hơn tới những trẻ cá biệt trong lớp.

Trong các phương pháp dự giờ truyền thống, yếu tố phẩm chất nghề nghiệp của giáo viên luôn là một vấn đề được xem xét và đánh giá. Cho nên, có một số hạn chế trong việc nhận xét, góp ý của các giáo viên khác.

Đặc biệt, là đối với các giáo viên trẻ, thì vấn đề nhận xét, đánh giá các giáo viên nhiều kinh nghiệm là điều cực kỳ khó khăn. Với nghiên cứu bài học, các giáo viên góp ý với tinh thần cùng giúp nhau hoàn thiện hơn, chứ không phải để đánh giá giáo viên.

Do vậy, sự góp ý là chân thành, và mọi thành viên điều có thể tự do nói lên ý kiến của mình, mà không sợ làm giảm tình đoàn kết giữa các đồng nghiệp.

Dự giờ bài học. Theo phương pháp dự giờ truyền thống, các giáo viên dự giờ chỉ chú ý đến giáo viên dạy và học thích ngồi ở đằng sau, ít chú ý tới trẻ. Theo mô hình nghiên cứu bài học, trọng tâm quan sát giờ học là bài học và quá trình hoạt động của trẻ. Giáo viên dự giờ quan sát từ phía trước, xung quanh để có thể thấy nét mặt của trẻ.

Suy ngẫm về bài học. Theo phương pháp dự giờ truyền thống, có nhiều giáo viên có thái độ phê phán giáo viên dạy học (như thường sẽ nhận xét như sau: “Cô/Thầy không thể làm việc này hay việc kia”, “Cô/Thầy phải làm như thế này”, “Cô/Thầy không được làm như thế kia”,…) hay ca ngợi rõ ràng nhưng không chi tiết.

Theo mô hình nghiên cứu bài học, các giáo viên hợp tác cùng nhau xây dựng kế hoạch bài học, và đó là sản phẩm của cả nhóm. Tất cả các thành viên đều phải chịu trách nhiệm về bài học, dù có thành công hay thất bại, chứ không phải chỉ riêng giáo viên đứng lớp.

Do đó, sẽ không có thái độ phê phán cách dạy của giáo viên. Vì cách dạy đó đã được cả nhóm thống nhất trong kế hoạch của bài học. Nếu cách dạy đó chưa phù hợp, đó là khuyết điểm của cả nhóm và việc họ cần phải làm, là cùng nhau khắc phục.

3. Tổ chức sinh hoạt chuyên môn dưới hình thức nghiên cứu bài học ở trường mầm non.

3.1 Khái niệm.

Sinh hoạt chuyên môn dưới hình thức nghiên cứu bài học ở trường mầm non là mô hình bồi dưỡng và phát triển năng lực nghề nghiệp của giáo viên mầm non. Từ việc xác định mục tiêu, xây dựng thiết kế bài học, dạy học, dự giờ quan sát lớp học, suy ngẫm, chia sẻ và tiếp tục dạy hay đặt kế hoạch tiếp theo nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục trẻ.

3.2 Quy trình triển khai sinh hoạt chuyên môn dưới hình thức nghiên cứu bài học ở trường mầm non.

Theo C. Lewis (2002). Quá trình nghiên cứu bài học được chia thành bốn bước. Đó là, tập trung vào bài học nghiên cứu; xây dựng và thiết kế bài học nghiên cứu; dạy và thảo luận về bài học nghiên cứu đã được thực hiện; suy ngẫm và tiếp tục dạy hay đặt kế hoạch hoạt động tiếp theo.

Tập trung vào bài học nghiên cứu. Đặt mục tiêu phát triển dài hạn cho trẻ (chúng ta mong muốn trẻ sẽ đạt được những phẩm chất và kỹ năng gì?); những vấn đề trọng tâm trong giáo dục trẻ hiện nay đang được quan tâm.

Xây dựng và thiết kế bài học nghiên cứu. Nghiên cứu các tài liệu đã có về bài học, dựa trên những bài học tốt, để vạch ra các hoạt động trong bài học, nhằm đạt được những mục tiêu đặt ra, đưa trẻ từ trạng thái hiện có, đến trạng thái mong muốn;

Thiết kế kế hoạch bài học và dự kiến trẻ sẽ suy nghĩ như thế nào, hoạt động ra sao; xác định dữ liệu cần thu thập để nhận biết động cơ, hành vi của trẻ trong các hoạt động.

Dạy và thảo luận về bài học nghiên cứu đã được thực hiện. Giáo viên dạy bài học nghiên cứu để các giáo viên khác trong nhóm, tiến hành quan sát quá trình tham gia hoạt động của trẻ, sau đó thảo luận về bài học đã được thực hiện.

Việc dự giờ – thảo luận tập trung vào quá trình tham gia hoạt động của trẻ, theo một quá trình bao gồm: quan sát – suy ngẫm – chia sẻ. Do đó, bài học là của chung những người tham gia nghiên cứu bài học, không phải của riêng người dạy học minh họa.

Điều này, phản ánh tính nhân văn trong nghiên cứu bài học, bài học cần được xem xét, đánh giá tích cực để hoàn thiện, không phải bản thân người giáo viên cần được phân tích và phê phán.

Suy ngẫm và tiếp tục dạy học hay đặt kế hoạch hoạt động tiếp theo. Các câu hỏi được đặt ra và giải đáp như: Có tiếp tục nghiên cứu bài học này không? Nếu có thì cần điều chỉnh chỗ nào? Cái gì đã làm tốt và cái gì bạn muốn thay đổi ở lần tiếp theo? Những vấn đề nào đã nảy sinh mà giáo viên muốn giải quyết ở vòng sau?

Đây là một quá trình liên tục của chu trình nghiên cứu bài học, hết bốn bước thì nghiên cứu bài học lại tiếp tục vòng tiếp theo, bài học sẽ được tổ chức lại theo góp ý của các giáo viên và chuyên gia khác.

Vòng lặp liên tục: Bước 1 đến Bước 2 đến Bước 3 đến Bước 4 và quay trở lại Bước 1.

Bước 1: Tập trung vào bài học nghiên cứu.

Bước 2: Xây dựng, thiết kế bài học nghiên cứu.

Bước 3: Dạy và thảo luận về bài học nghiên cứu.

Bước 4: Suy ngẫm và tiếp tục dạy, đặt kế hoạch tiếp theo.

Từ quy trình của chu trình nghiên cứu bài học kể trên, vận dụng vào sinh hoạt chuyên môn dưới hình thức nghiên cứu bài học cho giáo viên mầm non ở trường mầm non, cần trải qua bốn giai đoạn cơ bản như sau:

Giai đoạn 1: Thiết kế bài học minh họa.

Trong giai đoạn này, giáo viên mầm non cần xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động. Có một giáo viên đề xuất và các giáo viên khác góp ý để hoàn thiện.

Phân công một giáo viên dạy minh họa, để giáo viên này chủ động lựa chọn mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học, phương tiện dạy học, tiến trình bài học. Các giáo viên khác nêu kế hoạch chi tiết cho việc quan sát và thảo luận.

Giai đoạn 2: Tổ chức dạy và dự giờ quan sát lớp học.

Ở giai đoạn này, giáo viên tiến hành các bước của hoạt động. Các giáo viên khác nhau quan sát và dự giờ. Vị trí quan sát của người dự giờ ở hai bên, và phía cuối lớp học.

Trọng tâm quan sát là quá trình hoạt động của tất cả các trẻ, bao gồm cách học, cách phản ứng, cách làm việc nhóm, và những vướng mắc của trẻ,… Thu thập dữ liệu của hoạt động bằng cách ghi chép, chụp ảnh, quay video,…

Giai đoạn 3: Suy ngẫm và Chia sẻ.

Suy ngẫm là những phán đoán về các thực tiễn vừa xảy ra trong khung giờ dự giờ, và đã từng xảy ra ở bản thân. Người chủ trì cần tạo cơ hội cho tất cả các giáo viên dự giờ được phát biểu ý kiến, làm sáng tỏ ý kiến.

Có thể nhấn mạnh lại các vấn đề nổi bật, đáng chú ý, không nhất thiết phải tổng kết buổi thảo luận. Đặc biệt không đánh giá, xếp loại hoạt động. Khi thảo luận tập trung vào nhận xét các hoạt động của trẻ: hoạt động nào hiệu quả, hoạt động nào không hiệu quả? Lý do là gì?…

Các ý kiến cần phải được tỉ mỉ, không được nói chung chung, để từ đó đề xuất những biện pháp cải tiến. Có thể có nhiều câu hỏi được đặt ra như: Các giáo viên có tiếp tục nghiên cứu bài học này không? Nếu có thì cần điều chỉnh chỗ nào? Cái gì đã làm tốt và cái gì bạn muốn thay đổi ở lần tiếp theo? Những vấn đề nào đã nảy sinh mà bạn muốn giải quyết ở vòng sau?… Các giáo viên cần được học cách lắng nghe, và tôn trọng ý kiến của nhau.

Giai đoạn 4: Áp dụng và Thiết kế lại.

Đây là giai đoạn giáo viên vận dụng những điều mình đã học được trong quá trình dự giờ, để áp dụng vào thực tiễn của lớp mình. Nếu bài học chưa hoàn thiện, thì cần phải tiếp tục hoàn thiện trong các hoạt động tiếp theo. Cuối cùng, mỗi giáo viên cần viết báo cáo nêu ra những gì đã học được, mong muốn của các giáo viên để giúp bài học được hoàn thiện.

3.3 Sinh hoạt chuyên môn nghiên cứu bài học.

3.3.1 Mục đích.

Không thực hiện đánh giá xếp loại các hoạt động, theo những tiêu chí đã được quy định. Tạo cơ hội cho giáo viên phát triển năng lực chuyên môn, phát huy khả năng sáng tạo của mình, kết nối lý thuyết với thực hành,… Đảm bảo tất cả trẻ tham gia quá trình hoạt động. Đồng thời nâng cao chất lượng các hoạt động của từng trẻ.

3.3.2 Thiết kế bài học minh họa.

Bài học minh hoạt ở đây là các hoạt động do nhóm cán bộ quản lý, giáo viên trong tổ thiết kế. Khuyến khích linh hoạt sáng tạo, không phụ thuộc máy móc vào quy trình, các bước trong hướng dẫn.

Nhóm có thể điều chỉnh nội dung, thời lượng, phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học… cho phù hợp với các yêu cầu hoạt động và đối tượng trẻ. Giáo viên dạy học có thể linh hoạt thay đổi hình thức, phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học,… nếu xuất hiện tình huống xảy ra không đúng dự kiến.

3.3.3 Dạy minh họa.

Khuyến khích giáo viên tự nguyện nhưng đảm bảo tính luân phiên. Giáo viên thay mặt nhóm thể hiện các ý tưởng đã thiết kế trong bài học. Nếu trẻ gặp khó khăn trong hoạt động, sẽ được giáo viên hướng dẫn và giúp đỡ kịp thời.

Không được dạy trước, vì mục đích của sinh hoạt chuyên môn không phải để đánh giá xếp loại, mà chủ yếu là cùng nhau trải nghiệm và học tập từ thực tế.

3.3.4 Dự giờ.

Người dự giờ là giáo viên các khối để cùng chia sẻ kinh nghiệm dạy học, dựa trên thực tế hoạt động của trẻ. Bố trí số lượng giáo viên vừa phải, đứng ở vị trí thuận lợi để quan sát, ghi chép, sử dụng các kỹ thuật khác như chụp ảnh và quay phim,… những hành vi, tâm lý, thái độ của trẻ để có dữ liệu phân tích quá trình hoạt động của trẻ.

3.3.5 Suy ngẫm chia sẻ và phân tích bài học minh họa.

Giáo viên dạy minh họa chia sẻ mục tiêu bài học, những ý tưởng mới, những thay đổi và điều chỉnh, cách thức tiến hành, cảm nhận của mình qua quá trình dạy học. Người dự giờ đưa ra các ý kiến nhận xét, góp ý về giờ học theo tinh thần trao đổi, chia sẻ, lắng nghe mang tính chất xây dựng.

Tập trung phân tích các vấn đề liên quan đến quá trình hoạt động của trẻ. Không đánh giá, xếp loại người dạy. Nếu kết quả không như mong muốn thì xem đó là bài học chung, để mỗi giáo viên tự nhau rút kinh nghiệm.

Người chủ trì tôn trọng và lắng nghe tất cả ý kiến của các giáo viên, không áp đặt ý kiến của mình hoặc của một nhóm người. Tóm tắt các vấn đề thảo luận và đưa ra các biện pháp hỗ trợ trẻ.

3.3.6 Kết quả.

Đối với trẻ. Kết quả của trẻ sẽ được cải thiện. Trẻ tự tin hơn, tham gia tích cực hơn vào các hoạt động, không có trẻ nào bị bỏ quên. Quan hệ giữa các trẻ trở nên thân thiện và gần gũi.

Đối với giáo viên. Chủ động, sáng tạo, tìm ra những biện pháp để tăng hiệu quả của các hoạt động. Tự nhận ra hạn chế của bản thân để điều chỉnh kịp thời. Quan tâm đến những khó khăn của trẻ. Quan hệ giữa đồng nghiệp trở nên gần gũi, cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau.

Đối với cán bộ quản lý. Đặt bài học lên hàng đầu, đánh giá sự linh hoạt sáng tạo của từng giáo viên. Có cơ hội bám sát chuyên môn, hiểu được nguyên nhân của những khó khăn trong quá trình dạy và học, để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Quan hệ giữa cán bộ quản lý và giáo viên gần gũi, gắn bó và chia sẻ.

Đối với nhà trường. Tăng cường mối quan hệ học hỏi, lắng nghe, cộng tác, đồng thuận, chia sẻ,… hướng đến một mục tiêu chung. Từ đó, chất lượng sẽ được nâng lên.

3.4 Nhiệm vụ của giáo viên để thực hiện hiệu quả sinh hoạt chuyên môn dưới hình thức nghiên cứu bài học ở trường mầm non.

Để nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên, chúng ta cần phải thực hiện các nhiệm vụ cơ bản sau đây:

– Trước hết, cần phải làm cho mỗi giáo viên nhận thức đầy đủ, sâu sắc các vấn đề liên quan đến phát triển chuyên môn của mình. Hiện nay, nhiều giáo viên chưa hiểu đúng về năng lực bản thân, chưa chấp nhận bản thân và đồng nghiệp.

Mỗi khi có đánh giá, nhận xét, hay xếp loại chuyên môn trong các kỳ đánh giá xếp loại theo quy định của phòng, Sở giáo dục và đào tạo, giáo viên thường có xu hướng tự nâng cao mức bản thân bằng hoặc cao hơn so với người khác. Giáo viên thường tự đánh giá mình đạt mức tốt, khá, hiếm khi tự đánh giá mình trung bình hoặc yếu.

Thực tế, cơ bản họ không muốn đánh giá bản thân thấp hơn so với người khác, kể cả khi họ hiểu rằng, trên thực tế mình chưa đạt được mức tự đánh giá. Mặt khác, giáo viên có xu hướng bằng lòng với năng lực bản thân.

Đặc biệt, với những giáo viên được coi là giáo viên giỏi luôn bằng lòng với kết quả đánh giá hiện tại, và không tiếp tục phấn đấu, học hỏi chuyên môn. Họ không phấn đấu đạt được những tiêu chuẩn cao hơn của người giáo viên trong thời kỳ mới. THậm chí, ngay cả khi nhu cầu học tập hiện tại của trẻ chưa được đáp ứng, họ cũng chưa nhận ra hoặc chưa quan tâm đến.

– Giúp giáo viên có khả năng nhận ra, biết chấp nhận mỗi cá nhân trẻ. Khi biết chấp nhận mỗi trẻ như một cá thể độc lập, họ sẽ biết chấp nhận bản thân và ngược lại. Chấp nhận trẻ là điều kiện cần để tiến hành giáo dục, theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.

Người giáo viên có biết chấp nhận trẻ, thì mới có thể tạo ra môi trường học tập thoải mái và tiến hành bài học có ý nghĩa. Họ có thể thể hiện tình yêu thương, trân trọng với tất cả trẻ như con em của chính mình, nếu một lớp học có khoảng 30 trẻ, thì cả 30 em đều được yêu quý đồng đều như nhau.

Hiện nay, các cấp quản lý giáo dục luôn yêu cầu và mong muốn giáo viên, quan tâm đến mọi đối tượng trẻ trong quá trình chăm sóc giáo dục trẻ ở trường mầm non, nhưng để nhận ra lúc nào cần phải quan tâm và chăm sóc, quan tâm như thế nào và làm thế nào để giáo viên có thói quen tự giác, thường xuyên quan tâm đến trẻ thì không dễ dàng.

– Giáo viên cần hiểu đúng và áp dụng được phương pháp giáo dục mới vào thực tế giảng dạy hằng ngày. Thực tế hiện nay, đội ngũ giáo viên mầm non được đào tạo và bồi dưỡng hằng năm về phương pháp dạy học mới.

Nhưng giữa lý thuyết và thực tế, giữa nhận thức và hành động luôn có khoảng cách lớn. Trong những chương trình bồi dưỡng, vẫn có nhiều giáo viên chưa hiểu đúng và đủ về bản chất của vấn đề. Chỉ khi bắt đầu vận dụng vào thực tế dạy học trên lớp, họ mới thực sự gặp phải nhiều khó khăn.

Nhiều giáo viên có thể biết và hiểu lý thuyết, nhưng trọng thực hành tác nghiệp, trước những tình huống đa dạng, phức tạp nảy sinh trong quá trình tổ chức hoạt động, việc vận dụng lý thuyết để giải quyết các vấn đề thực tế, còn gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, do có nhiều giáo viên chưa hiểu đúng, nên số đông trong đó còn e ngại và thiếu quyết tâm vận dụng cái mới.

4. Năng lực nghề nghiệp của giáo viên mầm non vận dụng nghiên cứu bài học trong sinh hoạt chuyên môn.

Năng lực nghề nghiệp của giáo viên mầm non được chia thành ba nhóm chính. Đó là các năng lực thuộc về nhân cách; Các năng lực dạy học vào giáo dục (gắn liền với truyền đạt thông tin, kiến thức cho trẻ); Các năng lực tổ chức giao tiếp (gắn liền với chức năng tổ chức, giao tiếp và giáo dục theo nghĩa hẹp).

4.1 Các năng lực thuộc về nhân cách.

Lòng yêu trẻ là phẩm chất cơ bản và chi phối hành động của giáo viên trong công việc. Năng lực điều khiển trạng thái tâm lý, tâm trạng của mình sao cho giáo viên luôn tỉnh táo giải quyết mọi vấn đề ở trên lớp.

Năng lực tự kiềm chế và tự làm chủ bản thân là phẩm chất quan trọng đối với giáo viên, đòi hỏi giáo viên trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh đều làm chủ được bản thân.

4.2 Các năng lực dạy học và giáo dục.

Năng lực giải thích là năng lực làm cho ý nghĩ của mình, được người khác hiểu, đàm phán, thuyết phục người khác hiểu và làm theo, đặc biệt là đối với trẻ em.

Năng lực khoa học là năng lực hiểu vấn đề và giải quyết vấn đề một cách khoa học nhất, sao cho trẻ cảm nhận được sự an toàn, thân thiện và được tôn trọng để trẻ có thể học hiệu quả nhất.

Năng lực ngôn ngữ là năng lực biểu đạt rõ ràng và chính xác những tư tưởng, tình cảm của mình bằng ngôn ngữ có sự kết hợp của nét mặt, điệu bộ phù hợp.

4.3 Các năng lực tổ chức và giao tiếp.

– Năng lực tổ chức thể hiện trên hai mặt là tổ chức các hoạt động giáo dục và tổ chức công việc của chính mình. Đó là việc sắp xếp và thực hiện công việc với trẻ trong lớp một cách hợp lý và hợp tác.

Việc tổ chức công việc với trẻ, có liên quan đến tổ chức công việc của giáo viên, sao cho công việc của tập thể hay nhóm người, bao gồm giáo viên và trẻ được thông suốt. Giáo viên cần phải lập kế hoạch giáo dục bao gồm việc xác định mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức, phương tiện và đồ dùng dạy học.

Phương pháp đánh giá sự tiến triển của trẻ và kết quả đánh giá, được sử dụng làm căn cứ để xây dựng chương trình giáo dục tiếp theo. Đồng thời, giáo viên cũng dự kiến các tình huống có thể xảy ra. Đặc biệt, là những hành vi bộc phát và dự kiến giải pháp xử lý, nếu những tình huống này xảy ra.

– Năng lực giao tiếp là năng lực thiết lập các mối quan hệ lại đúng đắn, giữa giáo viên với trẻ, giữa giáo viên với giáo viên, và giữa trẻ với trẻ.

Ngoài ra, giáo viên cần có những năng lực như óc quan sát sư phạm, năng lực ám thị, óc tưởng tượng sư phạm, năng lực phân phối chú ý cần thiết khi điều khiển lớp học. Đặc biệt, mỗi giáo viên mầm non, còn có năng lực sư phạm chuyên biệt làm cơ sở tạo nên thành công trong nghề nghiệp như hát hay, đàn được, múa đẹp, vẽ tranh, đọc thơ, diễn cảm, kể chuyện hấp dẫn,…

Khi thực hiện hoạt động nào đó, như hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng hay hoạt động dạy học, và giáo dục, thì các năng lực cá nhân luôn luôn đan xen với nhau, và được thể hiện bằng hàng loạt các kỹ năng nhất định. Trong nhiều trường hợp, phẩm chất và năng lực của giáo viên mầm non hòa quyện với nhau, khó có thể phân biệt một cách rạch ròi.

5. Tổ chức sinh hoạt chuyên môn dưới hình thức nghiên cứu bài học để phát triển năng lực nghề nghiệp của giáo viên.

Để phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên mầm non, cần phát triển đồng thời ba nhóm năng lực đã trình bày ở phần trên. Hình thức nghiên cứu bài học cần phải được tổ chức thường xuyên với nhiều bài học ở các chủ đề đa dạng khác nhau.

Để tổ chức sinh hoạt chuyên môn dưới hình thức nghiên cứu bài học đạt được hiệu quả, cần tiến thành như sau: họp tổ chuyên môn, thiết kế bài học minh họa, tổ chức dạy và dự giờ quan sát lớp học, suy ngẫm và chia sẻ, áp dụng và thiết kế lại.

5.1 Họp tổ chuyên môn.

Nêu định hướng chuyên môn trong thời gian sắp tới, xác định các mục tiêu cho giai đoạn và mục tiêu cụ thể trong mỗi sinh hoạt chuyên môn. Chú ý đến việc lựa chọn luân phiên giáo viên trong mỗi bài học, để giáo viên có cơ hội được tổ chức, và được học hỏi lẫn nhau.

Các giáo viên trong tổ chức thảo luận chi tiết về thể loại bài học, nội dung bài học, các phương pháp, phương tiện dạy học đạt hiệu quả cao. Cách tổ chức hoạt động, cách hỗ trợ trẻ, vận dụng kiến thức đã học để giải quyết tình huống thực tiễn,… Dự kiến những thuận lợi, khó khăn của trẻ khi tham gia hoạt động, và các tình huống có thể xảy ra đi kèm cách xử lý triệt để.

Tổ trưởng chuyên môn giao cho giáo viên trong nhóm lên kế hoạch hoạt động của bài học, trao đổi với các thành viên trong tổ để chỉnh sửa lại kế hoạch hoạt động. Các thành viên khác có nhiệm vụ nêu kế hoạch chi tiết cho việc quan sát, và thảo luận sau khi tiến hành bài học nghiên cứu.

5.2 Thiết kế bài học minh họa.

Giáo viên thiết kế bài học minh họa theo các bước sau: Từ xác định mục tiêu đến lựa chọn nội dung và hoạt động, sau đó xây dựng các hoạt động đến xác định các điều kiện và phương tiện hỗ trợ.

Xác định mục tiêu. Mục tiêu cần dựa trên thực tiễn hiện nay, và hướng vào phát triển năng lực cho giáo viên.

Lựa chọn nội dung và hoạt động. Nội dung và hoạt động phù hợp với nội dung chương trình Giáo dục mầm non, phù hợp với xu hướng đổi mới của ngành trong từng năm.

Xây dựng các hoạt động. Các hoạt động được xây dựng dựa trên mục tiêu và nội dung.

Xác định các điều kiện và phương tiện hỗ trợ. Các điều kiện về cơ sở vật chất, các phương tiện hỗ trợ trong quá trình giáo viên tổ chức hoạt động.

Như vậy, đầu tiên giáo viên cần xác định mục tiêu cụ thể: các buổi sinh hoạt chuyên môn nhằm phát triển cho giáo viên năng lực gì (năng lực tổ chức, năng lực giao tiếp và năng lực dạy học).

Dựa trên các mục tiêu đó, giáo viên xác định nội dung và xây dựng các hoạt động phù hợp với Chương trình Giáo dục mầm non và phù hợp với xu hướng đổi mới của ngành trong từng năm học. Xác định các điều kiện, phương tiện hỗ trợ như máy chiếu, âm thanh, tài liệu, học liệu, đồ dùng cho trẻ trong hoạt động,…

5.3 Tổ chức dạy và dự giờ quan sát lớp học.

Giáo viên tổ chức các hoạt động cho trẻ tự nhiên, không được dạy trước. Mục tiêu của hoạt động hướng đến việc xem quá trình hoạt động của trẻ, tìm ra các vấn đề và cách giải quyết để giáo viên học tập lẫn nhau.

Giáo viên quan sát kĩ quá trình hoạt động của trẻ, để suy ngẫm và chia sẻ. Tập trung chú ý vào tất cả trẻ và từng trẻ. Quan sát thái độ và hành vi của trẻ. Ngẫm nghĩ xem trẻ đang suy nghĩ những gì, đang cảm thấy gì. Tìm lý do tại sao thực tế đó lại xảy ra. Tìm những giải pháp giải quyết.

5.4 Suy ngẫm và chia sẻ.

Nêu những điều học tập được qua bài học này, và qua việc suy ngẫm về bài học này. Mỗi người đều phải có ý kiến riêng. Ý kiến nào cũng được tôn trọng. Mọi người lắng nghe và tôn trọng tất cả các ý kiến. Không phê bình và chỉ trích lẫn nhau.

Ở đây, có thể có nhiều câu hỏi được đặt ra như sau: Các giáo viên có tiếp tục nghiên cứu bài học này không? Nếu có thì cần điều chỉnh chỗ nào? Cái gì đã làm tốt và cái gì bạn muốn thay đổi ở những lần tiếp theo? Những vấn đề nào đã nảy sinh mà bạn muốn giải quyết ở vòng sau?…

5.5 Áp dụng và thiết kế lại.

Chỉnh sửa các hoạt động dựa trên sự góp ý, bổ sung từ những gì đã thu thập được, sau khi tiến hành bài học nghiên cứu lần 1. Tiến hành dạy các bài học đã được chỉnh sửa. Tiếp tục đánh giá và nhận xét kết quả lần 2.

Giáo viên có thể tự ứng dụng để thiết kế bài học cho lớp mình, phù hợp với điều kiện của lớp dựa trên các nguyên tắc đã được thiết kế. Các hoạt động này có thể ứng dụng rộng rãi trong quá trình tổ chức hoạt động.

6. Thực hành tổ chức sinh hoạt chuyên môn dưới hình thức nghiên cứu bài học để phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên mầm non.

6.1 Bài tập thực hành.

Hãy lập kế hoạch và tổ chức sinh hoạt chuyên môn dưới hình thức nghiên cứu bài học về chủ đề “Những con vật sống trong rừng”.

6.2 Gợi ý thực hành:

6.2.1 Lập kế hoạch tổ chức sinh hoạt chuyên môn.

Bao gồm, kế hoạch tổ chức hoạt động khám phá khoa học. Chủ điểm là Thế giới Động vật. Chủ đề nhánh là một số con vật sống trong rừng. Lứa tuổi triển khai là trẻ từ 5 tuổi đến 6 tuổi.

6.2.2 Xác định mục tiêu của buổi sinh hoạt chuyên môn.

Bao gồm, trả lời câu hỏi qua buổi sinh hoạt chuyên môn giáo viên nắm được kiến thức, kĩ năng về tổ chức hoạt động khám phá khoa học theo chủ đề “Những con vật sống trong rừng”.

Về kiến thức: Giúp trẻ nhận biết con vật, tên gọi. Nhận xét được những đặc điểm bên ngoài về cấu tạo, hình dáng, cách vận động, thức ăn, tiếng kêu, tập tính của các con vật sống trong rừng như voi, hổ, sư tử, khỉ,… Nhận biết được cách sinh sản, lợi ích của các con vật. Phán đoán được mối liên hệ đơn giản giữa con vật và môi trường sống.

Về kỹ năng: Trẻ quan sát, so sánh sự giống nhau và khác nhau của hổ và voi,… Phân nhóm động vật theo 1 hoặc 2 dấu hiệu như thức ăn (ăn cỏ, hoa quả, ăn thịt), tập tính (hiền lành, hung hãn), vận động (có khả năng chạy nhanh, có khả năng leo trèo).

Về thái độ: Có thái độ đúng đắn đối với các con vật sinh sống trong rừng. Bảo vệ các động vật quý hiếm, chống nạn phá rừng, săn bắt thú. Giáo dục kỹ năng sống biết cách tự bảo vệ bản thân trước những nguy hiểm có thể xảy ra do động vật hoang dã.

6.2.3 Xác định nội dung và lựa chọn các hoạt động, các điều kiện để tổ chức hoạt động giáo dục trẻ em theo chủ đề “Những con vật sống trong rừng”.

Về nội dung: Trẻ quan sát, so sánh sự giống nhau và khác nhau của hổ và voi, phân nhóm động vật theo 1 hoặc 2 dấu hiệu nhận biết.

Về các điều kiện: Hình ảnh động vật sống trong rừng, lô tô động vật sống trong rừng, lô tô về các thức ăn của các con vật, bộ hình các con vật.

Về hoạt động: Hoạt động 1 là làm quen với một số con vật sống trong rừng. Hoạt động 2 là so sánh. Hoạt động 3 là mở rộng, giáo dục về các con vật khác. Hoạt động 4 là trò chơi luyện tập.

6.2.4 Dạy minh họa và quan sát hoạt động.

Giáo viên tiến hành tổ chức hoạt động “Những con vật sống trong rừng” theo tiến trình hoạt động đã được thiết kế, các giáo viên khác quan sát và đánh giá hoạt động của trẻ.

6.2.5 Tổ chức sinh hoạt chuyên môn để giáo viên cùng chia sẻ, bình luận về những ưu điểm, những hạn chế của hoạt động đã tổ chức.

– Địa điểm (có thể tiến hành ở phòng hội đồng của nhà trường);

– Thời gian (tiến hành sau khi giáo viên dạy minh họa xong);

– Đối tượng tham gia sinh hoạt chuyên môn (các giáo viên đã tham gia quan sát);

– Nội dung sinh hoạt chuyên môn (trao đổi, chia sẻ, bình luận, góp ý về các hoạt động giáo viên vừa tiến hành);

– Tiến hành (người phụ trách điều khiển quá trình thảo luận, giáo viên dạy minh họa chia sẻ về ý tưởng và cách tiến hành hoạt động, tự đánh giá hiệu quả của hoạt động, giáo viên tham gia dự giờ chia sẻ bình luận và góp ý về cách tổ chức sinh hoạt chuyên môn, rút kinh nghiệm và chốt vấn đề cần khắc phục).

6.2.6 Thiết kế lại và áp dụng.

Giáo viên rút kinh nghiệm, thống nhất hướng tổ chức hoạt động, tìm ra những điểm khắc phục, những hoạt động cần chỉnh sửa. Nếu hoạt động đó hiệu quả (đạt được các mục tiêu giáo viên đã đề ra) thì hoạt động đó sẽ được áp dụng.

Nếu hoạt động đó không thật sự hiệu quả, thì giáo viên cần phải thiết kế lại, tổ chức lại có điều chỉnh về phương pháp dạy học, hình thức tổ chức, cách làm việc với trẻ để đạt được hiệu quả.

7. Câu hỏi kiểm tra.

– Theo anh/chị, sinh hoạt chuyên môn trong nhà trường là gì? Có những hình thức sinh hoạt chuyên môn nào?

– Nghiên cứu bài học là gì? Hãy nêu những đặc điểm cơ bản của nghiên cứu bài học?

– Anh/Chị hãy phân biệt giữa sinh hoạt chuyên môn dưới hình thức nghiên cứu bài học với cách bồi dưỡng, dự giờ của giáo viên.

– Hãy nêu quy trình triển khai sinh hoạt chuyên môn dưới hình thức nghiên cứu bài học ở trường mầm non.

– Năng lực nghề nghiệp của giáo viên mầm non là gì? Hãy nêu cách thức tổ chức sinh hoạt chuyên môn dưới hình thức nghiên cứu bài học, để phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên mầm non.

– Hãy nêu một vài ví dụ về cách sinh hoạt chuyên môn theo hình thức nghiên cứu bài học ở trường mầm non nơi anh/chị công tác.

8. Tài liệu tham khảo.

– Sử dụng nghiên cứu bài học để nâng cao chất lượng của việc dạy và học toán ở trường trung học phổ thông. Tác giả Nguyễn Thị Duyến (2007). Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế, tập 4, số 4, trang 149 đến 157.

– Dự án Biên soạn tài liệu hướng dẫn giáo viên dạy học sức khỏe ở lớp ghép. Tác giả Vũ Thị Sơn và các tác giả (2002 – 2003). Hội đồng Anh, Việt Nam. Dự án DFID về dạy học lớp ghép. Đại học Luân Đôn và Viện Khoa Học, Bộ Giáo Dục và Đào Tạo.

– Sử dụng nghiên cứu bài học như một công cụ phát triển nghiệp vụ của giáo viên toán. Tác giả Trần Vui (2006). Tạp chí Giáo dục, số 151, trang 18 đến 26.

– Akihiko Takahashi, Implementing Lesson Study in North American Schools and School Districts, DePaul University.

– Akihiko Takahashi – Tad Watanable – Makoto Yoshida (2006), Deloping Good Mathematics Practice Through Lesson Study: A U.S. perspective, APEC-Tsukuba International Conference Japan.

– Catherine C. Lewis (2002), Lesson Study: A Handbook of Teacher-Led Instructional Change, Research for Better Schools, Inc.

– W. Cerbin – B. Kopp (2006), Lesson Study as a Model for Building Pedagogical Knowledge and Improving Teaching, International Journal of Teaching and Learning in Higher Education, Volume 18, Number 3, ISSN 1812-9129, 250 – 257.

– C. Fernandez (2005), Lesson Study: A Means for Elementary Teachers to Develop the Knowledge of Mathematics Needed for Reform-minded Teaching? Mathematical Thinking and Learning, 7(4), 265 – 289.

– C. Lewis – R. Perry – A. Murata (2006), How Should Research Contribute to Instructional Improvement? The Case of Lesson Study, Educational Researcher, 35 (3), 3 – 14.

– C. Lewis – I. Tsuchida (1998), A Lesson is Like a Swiftly Flowing River: Research Lessons and the Improvement of Japanese Education, American Educator, Winter, 14 – 17 & 50 – 52.

– Makoto Yoshida (2003), Overview of Lesson Study in Japan.

– A. Murata – Bindu E. Pothen (2008), Lesson Study: Measuring Growth in Teacher Knowledge.

– Takuya Baba (2007), Japanese Education and Lesson Study: Overview, “Japanese Lesson Study in Mathematics. Its Impact, Diversity and Potential and Potential for Educational Improvement”, Masami Isoda, Takeshi Miyakawa (Tsukuba University), Max Stephens (Melbourne University), Yutaka Ohara (Naruto University).

– Lesson Study: A Challenge for Quality Improvement in Education, 1st International Conference on Lesson Study, Indonesia University.

– Translating Lesson Study from Japan to the United States.


Hoàng Đức Minh
Nguyễn Thị Mỹ Trinh


Hãy truy cập vào trọn bộ Tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non Hạng II bên dưới đây:
Chuyên đề 1: Quyết định hành chính nhà nước
Chuyên đề 2: Giáo dục mầm non trong xu thế đổi mới
Chuyên đề 3: Kỹ năng tạo động lực làm việc cho giáo viên mầm non
Chuyên đề 4: Kỹ năng quản lý xung đột
Chuyên đề 5: Quản lý phát triển chương trình giáo dục nhà trường
Chuyên đề 6: Xây dựng nhà trường thành cộng đồng học tập
Chuyên đề 7: Kiểm định chất lượng giáo dục và đánh giá ngoài trường mầm non
Chuyên đề 8: Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng trong giáo dục mầm non
Chuyên đề 9: Kỹ năng biên soạn tài liệu bồi dưỡng về giáo dục mầm non
Chuyên đề 10: Tổ chức sinh hoạt chuyên môn trong phát triển năng lực nghề nghiệp dưới hình thức nghiên cứu bài học
Chuyên đề 11: Đạo đức của cán bộ quản lý trong giải quyết các vấn đề ở trường mầm non và cộng đồng


Bạn đang xem bài viết:
Tổ chức sinh hoạt chuyên môn trong phát triển năng lực nghề nghiệp dưới hình thức nghiên cứu bài học
Link https://myhocdaicuong.com/giao-duc/to-chuc-sinh-hoat-chuyen-mon-trong-phat-trien-nang-luc-nghe-nghiep-duoi-hinh-thuc-nghien-cuu-bai-hoc-cdgvmn-hang-2.html

Các nội dung tìm kiếm khác: Nội dung sinh hoạt chuyên môn cấp tiểu học. Nội dung ghi sổ sinh hoạt chuyên môn. Các hình thức sinh hoạt tổ chuyên môn. Bài viết về sinh hoạt chuyên môn. Chuyên đề sinh hoạt chuyên môn mới. Quy trình sinh hoạt tổ chuyên môn. Mục đích vai trò của sinh hoạt chuyên môn. Các hình thức sinh hoạt chuyên môn ở trường tiểu học.

Các nội dung tìm kiếm khác: Ví dụ về năng lực nghề nghiệp. Phát triển năng lực nghề nghiệp là gì. Tại sao người giáo viên cần phát triển năng lực nghề nghiệp. Phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên THCS. Phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên THPT. Khái niệm phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên. Phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên mầm non.

Các nội dung tìm kiếm khác: Mẫu giáo án dạy học theo nghiên cứu bài học. Tiết dạy theo nghiên cứu bài học. Nghiên cứu bài học là gì. Sinh hoạt chuyên môn theo hình thức nghiên cứu bài học là gì. Mẫu nghiên cứu bài học. Dạy học theo hướng nghiên cứu bài học. Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học THCS. Cách ghi phiếu dự giờ theo nghiên cứu bài học.

Các nội dung tìm kiếm khác: Xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học mầm non. Biên bản sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học mầm non. Quy trình triển khai sinh hoạt chuyên môn dưới hình thức nghiên cứu bài học ở trường mầm non. SKKN đổi mới sinh hoạt to chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học ở mầm non. Bài giảng sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học. Chuyên đề nghiên cứu bài học. Mẫu giáo án dạy học theo nghiên cứu bài học. Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học.

error: