Skip to content

Phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe tại cơ sở lưu trú du lịch và những thách thức hậu Covid-19

phat trien du lich cham soc suc khoe tai co so luu tru du lich va nhung thach thuc hau covid 19

Du lịch chăm sóc sức khỏe hiện có thể được coi là phân khúc phát triển nhanh nhất của thị trường du lịch toàn cầu, gắn liền với việc theo đuổi sự duy trì hoặc nâng cao sức khỏe thể chất và nội tâm của người trải nghiệm.

Theo một số báo cáo và tài liệu liên quan trên các trang mạng của ngành du lịch như dulichvietnam.org.vn, hoteljob.vn,… thì du lịch chăm sóc sức khỏe được xem là một nhánh nhỏ của du lịch sức khoẻ (health tourism) và nó đang càng ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới.

Có vô số những điểm đến du lịch tạo dựng được dấu ấn tuyệt vời như một điểm đến thân thiện với sức khoẻ và tinh thần của du khách trên thế giới. Có hai loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe, bao gồm:

• Du lịch chăm sóc sức khỏe bên trong (nội tâm)
• Du lịch chăm sóc sức khỏe bên ngoài (thể chất)

Du lịch chăm sóc sức khỏe bên trong nhằm mục đích nâng cao tình cảm, trí tuệ và tinh thần của du khách. Ví dụ về trải nghiệm du lịch chăm sóc sức khỏe bên trong bao gồm: Kỹ thuật Ayurveda (Ưu dưỡng sinh); Mát xa; Thiền định, rèn luyện chánh niệm; Tĩnh tâm. Nước nóng hoặc liệu pháp suối nước nóng; Liệu pháp chuyển tiếp (ly hôn, mất việc làm); Yoga.

Du lịch chăm sóc sức khỏe bên ngoài bao gồm việc đến spa và một loạt các liệu pháp, như chăm sóc sắc đẹp, mát-xa, giải độc và trị liệu bằng nước biển,..

Nhiều chuyên gia đánh giá mô hình du lịch chăm sóc sức khỏe rất giàu tiềm năng phát triển tại Việt Nam, do có nhiều cảnh quan thiên nhiên và địa điểm du lịch nghỉ dưỡng, có thể khai thác dịch vụ chăm sóc sức khỏe với địa hình đa dạng từ Bắc vào Nam.

Đó là những vùng đồi núi khí hậu mát mẻ quanh năm, môi trường trong lành tốt cho sức khỏe như Bạch Mã, Bà Nà, Tam Đảo, Ba Vì, Mộc Châu, Phja Đén, Sìn Hồ, Mẫu Sơn, Sa Pa, Đà Lạt…

Đó là vùng biển với khí hậu ấm, với độ mặn, ánh nắng, gió và các bãi biển đẹp nổi tiếng như Đà Nẵng, Nha Trang, Mũi Né, Phú Quốc…

Đó là hàng trăm điểm suối khoáng nóng, bùn nóng có khả năng chữa bệnh, tăng cường sức khỏe như Kim Bôi, Thanh Thủy, Quang Hanh, Kênh Gà, Núi Thần Tài, suối Bang, Hội Vân, Tháp Bà, Vĩnh Hảo, Bình Châu…

Bên cạnh đó, những thành tựu y học cổ truyền Đông Tây y kết hợp, châm cứu chữa bệnh và các bài thuốc dân gian cũng có giá trị giúp cho việc khai thác và phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe, làm đa dạng thêm các sản phẩm du lịch cung cấp cho du khách trong nước và quốc tế, kéo dài thời gian lưu lại điểm đến và tăng thêm tổng thu từ du lịch.

Tính đến tháng 6 năm 2021, số lượng cơ sở lưu trú du lịch trên toàn quốc là 37.000 cơ sở, với 780.000 buồng, trong đó, phân khúc khách sạn 4, 5 sao có 540 cơ sở, với 113.027 buồng.

Xu hướng phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe cũng đã xuất hiện tại nhiều cơ sở lưu trú du lịch. Đặc biệt là các khách sạn nghỉ dưỡng trong vài năm gần đây, và được đánh giá là loại hình dịch vụ đem lại doanh thu lớn bên cạnh lưu trú và ăn uống.

Thay vì những khu gym hay spa nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp, nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp, khách sạn năm sao nổi tiếng đã chú trọng dành không gian, để phát triển hệ thống tiện ích chăm sóc sức khỏe đồng bộ và bài bản như tập đoàn Sun Group, Flamingo, Nam Hải Resort, Almanity, Six Senses Ninh Van Bay… đã đánh dấu cho sự hiện diện của loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.

Sản phẩm của loại hình du lịch này cũng được chú trọng nghiên cứu, đầu tư để cung cấp cho khách hàng nhiều lựa chọn đa dạng, phong phú với những chương trình trị liệu, yoga, thiền, spa, mát-xa…

Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư hiện nay đã phần nào nắm bắt được xu hướng, nhu cầu và thị hiếu của đối tượng khách hàng từ đó nhanh chóng tung ra những sản phẩm du lịch độc và lạ, để lồng ghép vào những trãi nghiệm tại địa phương cho du khách, giúp du khách tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần.

Bên cạnh những dịch vụ ở các khu spa nghỉ dưỡng, du lịch gắn với việc kết hợp duy trì và tăng cường sức khỏe, mang đến những trải nghiệm mới lạ cho khách thông qua các hoạt động như: Yoga trên bãi biển, ngồi thiền, tắm suối nước nóng, đạp xe trong rừng, lướt ván nước, massage trị liệu, thư giãn, khám phá rừng già, leo núi, trồng trọt, thể dục dưỡng sinh, giảm cân, tắm khoáng, nước nóng… bước đầu được đầu tư khai thác.

Ngoài ra, vấn đề ăn uống cũng luôn được xem trọng, mang đến cho du khách bữa ăn hoàn toàn thiên nhiên, organic, tạo không khí gia đình đầm ấm. Một số tỉnh thành đã tổ chức hoạt động du lịch sử dụng tài nguyên suối khoáng có hiệu quả như Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Vũng Tàu…

Đi cùng với đó, phân khúc du lịch chăm sóc sức khỏe vốn thiên về cảm nhận cá nhân của khách hàng, nên các doanh nghiệp cũng chú trọng dành thời gian để đào tạo nhân viên chuyên sâu, từ đó lan tỏa được lối sống lành mạnh cho du khách và cộng đồng.

Tuy nhiên, dù được trang bị những thế mạnh kể trên, một cản trở lớn mà việc phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe phải đối mặt đó là dịch bệnh COVID-19 diễn ra kéo theo những thiệt hại đáng kể đối với các cơ sở lưu trú du lịch.

Đối với cơ sở lưu trú du lịch hạng 3-4-5 sao và tương đương (chiếm khoảng 16% số lượng khách sạn hạng 1-5 sao và 53% số buồng), lượng khách quốc tế dừng hẳn từ sau Quý I năm 2020 nên phần lớn phải giảm giá sâu, chuyển đổi thị trường, thu hút khách nội địa và chuyên gia hoặc số ít tạm dừng kinh doanh, hoạt động cầm chừng.

Cho đến nay, hầu hết các cơ sở lưu trú du lịch sau thời gian hoạt động cầm chừng phải đóng cửa. Số lượng lớn nhân lực cơ sở lưu trú du lịch bị mất việc làm.

Năm 2019, tổng số nhân lực cơ sở lưu trú du lịch đạt khoảng 500.000 người, chiếm khoảng 63% tổng số lao động du lịch trực tiếp cả nước.

Từ năm 2020, các công ty, khách sạn, nhà hàng lần lượt phải cắt giảm biên chế đến 60-70% nhân sự, các công ty đa quốc gia thậm chí còn giảm 4 phần 5 số lượng nhân viên.

Sang năm 2021 số nhân viên mất việc tiếp tục tăng, những người còn đi làm cũng phải cắt giảm giờ làm, chỉ làm luân phiên khi có khách với mức thu nhập giảm xuống rất thấp.

Lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 25%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 22%, lao động cầm chừng hoặc bán thời gian chiếm 29% và số lượng lao động vẫn tham gia làm đủ thời gian chiếm 24% so với năm 2020.

Đến nay, đã có chủ đầu tư khách sạn lâm vào tình trạng cận kề phá sản, lượng khách sạn rao bán ngày càng tăng, nhiều nơi rao bán với giá thấp nhưng không có người mua.

Vậy sau khi dịch bệnh được kiểm soát, du lịch chăm sóc sức khỏe ở nước ta còn gặp những thách thức gì để phát triển? Tiến sỹ Đỗ Hải Yến đã có bài báo “Tiềm năng và rào cản phát triển Wellness Tourism ở Việt Nam thời hậu Covid” (Tạp chí Du lịch số tháng 12 năm 2020), nêu ra 06 khó khăn khi triển khai loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam và bài tham luận này xin khái quát lại và bổ sung thêm một số ý kiến như sau:

– Thứ nhất. Cộng đồng và thị trường chưa có một hệ thống kiến thức tiêu chuẩn, và nghiên cứu chuyên sâu về du lịch chăm sóc sức khỏe, dẫn đến các sự đầu tư và triển khai mới tự phát, đôi khi đi sai hướng.

Hiện nay, du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam vẫn chưa thực sự được đầu tư xứng tầm với nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng và chưa được định hướng bài bản cũng như khai thác hiệu quả tại nước ta. Các nghiên cứu trong nước đang có một khoảng trống lớn về hệ thống sản phẩm chăm sóc sức khỏe.

Chưa có một tài liệu nào nghiên cứu tổng thể, hệ thống được các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe. Chưa có khảo sát toàn diện nên chưa có các thông số phân tích để xây dựng được bộ liệu cơ bản về các điều kiện về cung, cầu để phát triển sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam áp dụng cho các đơn vị kinh doanh lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch khác.

Từ đó, chưa đánh giá được cơ hội, điểm mạnh, điểm yếu của Việt Nam để đưa ra giải pháp khả thi, kịp thời đáp ứng nhu cầu thị trường, phù hợp xu hướng và phát triển có hiệu quả sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.

– Thứ hai. Công tác truyền thông quảng bá cho du lịch chăm sóc sức khỏe chưa được đẩy mạnh, một số điểm du lịch chưa xúc tiến đúng mức để thu hút du khách tìm đến, trải nghiệm những dịch vụ,…

Du lịch sức khỏe hiện nay phần lớn mới chỉ tận dụng các hương liệu thiên nhiên, chưa tận dụng được lợi thế về y học cổ truyền kết hợp với phát triển du lịch.

Việc hạn chế đi lại giữa các quốc gia trong tình hình dịch bệnh COVID-19, cùng với những lo sợ về tính an toàn và chi phí y tế của điểm đến… thì du lịch nội địa sẽ là lựa chọn của rất nhiều du khách Việt Nam và các nước trên thế giới. Vì thế, loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe có khả năng phát triển mạnh mẽ như một nguồn lực hậu COVID-19.

– Thứ ba. Thị trường du lịch chuyên biệt về chăm sóc sức khỏe tại các doanh nghiệp chưa được tập trung khai thác. Lợi ích kinh tế của một chương trình trị liệu tương đối cao so với cùng thời điểm và các loại hình du lịch khác. Bản thân khách du lịch còn nhiều e ngại, chưa thông hiểu về sản phẩm du lịch trị liệu.

– Thứ tư. Lượng và chất của nguồn nhân lực trực tiếp tham gia vào trị liệu chuyên sâu cho khách du lịch ở Việt Nam. Số lượng của đội ngũ nhân lực cho loại hình này còn thiếu, nhân viên còn kiến thức, kĩ năng phù hợp để đảm bảo chất lượng dịch vụ cung ứng.

Chưa kể đến tác động của dịch bệnh khiến cho nhân sự bị cắt giảm hàng loạt như đã đề cập đến ở trên thì việc tuyển dụng, đào tạo mới và đào tạo lại đội ngũ nhân viên chuyên biệt về dịch vụ chăm sóc sức khỏe còn gặp nhiều khó khăn.

– Thứ năm. Giá thành sản phẩm du lịch trị liệu còn cao, trong khi thời gian chương trình thường ngắn. Các chi phí vận chuyển, nhân sự, thời vụ khai thác hiện tại… đẩy giá chương trình du lịch trị liệu còn rất cao so với mặt bằng chung.

– Cuối cùng. Cần đo lường rõ ràng và cam kết được hiệu quả của du lịch chăm sóc sức khỏe cho khách để thu hút khách du lịch nhiều hơn. Các cơ sở lưu trú du lịch cung cấp dịch vụ này cần đầu tư hơn về công tác xúc tiến, quảng bá về chương trình trị liệu, công tác đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao hiểu biết cho đội ngũ quản lý và nhân viên về các bài trị liệu, các hoạt động, bài tập nâng cao thể chất để khẳng định được hiệu quả của sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Có thể khẳng định, phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe có ý nghĩa lớn trong việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch gắn với việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, thân thiện với môi trường và nâng cao sức hấp dẫn cho điểm đến du lịch Việt Nam ở khu vực và trên thế giới, đáp ứng và thỏa mãn ngày càng tốt hơn xu hướng, nhu cầu thị trường, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

Trong thời gian tới, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến khách du lịch càng quan tâm hơn đến việc chăm sóc và tăng cường sức khỏe, sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam càng có nhiều cơ hội phát triển.

Theo dự báo của Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO), du lịch gắn với sức khỏe sẽ tăng trưởng mạnh mẽ thời hậu Covid19. Theo Global Wellness Institute (GWI), loại hình du lịch này có thể chạm mức doanh thu 919 tỷ USD vào năm 2022.

Vì vậy, đứng trước những rào cản trên, các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú du lịch cung cấp sản phẩm dịch vụ du lịch chăm sóc sức khỏe cần có những định hướng, giải pháp đúng đắn, hợp lý để bắt kịp xu hướng phát triển của ngành du lịch, phát huy hiệu quả thế mạnh của Việt Nam đối với sản phẩm du lịch đặc biệt này./.

Vụ Khách Sạn – Tổng Cục Du Lịch

Xem thêm bài viết: Phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe gắn với suối khoáng nóng tại Việt Nam

Bạn đang xem bài viết:
Phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe tại cơ sở lưu trú du lịch và những thách thức hậu Covid-19
Link https://myhocdaicuong.com/du-lich/phat-trien-du-lich-cham-soc-suc-khoe-tai-co-so-luu-tru-du-lich-va-nhung-thach-thuc-hau-covid-19.html

Các tìm kiếm có liên quan: Các loại cơ sở lưu trú du lịch sẽ gồm; Các loại hình cơ sở lưu trú du lịch; Có những loại hình khách sạn nào được phép kinh doanh?; Cơ sở lưu trú du lịch là cơ sở kinh doanh buồng; Cơ sở lưu trú du lịch là gì, bao gồm những loại hình nào?

Các tìm kiếm có liên quan: Cơ sở lưu trú du lịch là gì?; Cơ sở lưu trú gồm những loại nào?; Cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch bị thay đổi hạng khi nào?; Cơ sở lưu trú theo Luật du lịch; Dịch vụ lưu trú là gì? Các loại hình cơ sở lưu trú hiện nay; Điều kiện kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch.

Các tìm kiếm có liên quan: Kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch; Khái niệm cơ sở lưu trú du lịch; Tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch; Tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch; Thủ tục đăng ký cơ sở lưu trú du lịch; Thực trạng cơ sở lưu trú du lịch; Vai trò của cơ sở lưu trú du lịch.

Số lượt xem: 76
error: