Trong cuốn Lịch sử Design của Lê Huy Văn và Trần Văn Bình, là giáo trình chính thức về Lịch sử Design hiện nay đề cập đến khái niệm Design và định nghĩa Design này như sau.
1. Định nghĩa về Design
“Design (phát âm như “đi-zai”) hay Mỹ thuật Công nghiệp là ngành thiết kế tạo mẫu, tạo dáng cho sản phẩm công nghiệp, tạo mỹ thuật sản phẩm, thiết kế môi trường sống hay thế giới đồ vật”.
Bàn về xuất xứ và sự hình thành của danh Design từ sách Lịch sử Design có đề cập: Danh từ Design có xuất xứ từ chữ Disegno của tiếng Latinh, có từ thời Phục hưng, có nghĩa là phác thảo, thuật vẽ, thiết kế, bản vẽ và là cơ sở của mọi nghệ thuật thị giác, công việc của sự sáng tạo.
Thời đó thuật ngữ này thường chỉ công việc của các họa sĩ vẽ tranh, tạc tượng nói chung và vẫn chưa phải là một nghề chuyên nghiệp hoàn toàn (full-time professional) mà gắn kết như một đặc tính của nghề họa sĩ, nghề điêu khắc hay các nghệ nhân.
– Danh từ Gestaltung: Khi giai đoạn sản xuất công nhiệp phát triển cao ở nước Đức, người ta nghĩ ra cách sản xuất hàng hoá chất lượng cao, đẹp hơn, tiện lợi hơn, hữu hiệu hơn, sẽ bán chạy hơn và chiếm thị trường hữu hiệu hơn.
Thiếu đi tính thẩm mỹ hàng hoá không ai mua, chính vì thế mỹ thuật và kỹ thuật lại hội ngộ với nhau, nhưng không trở lại với từ Techne mà thay vào đó là từ Gestaltung ở Đức.
– Danh từ Mỹ thuật Công nghiệp: Trong tham luận “Cái nhìn lạc quan về Mỹ thuật Ứng dụng hay Design Việt Nam qua 20 năm” của Trần Văn Bình có nêu rằng, từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các nước Xã hội chủ nghĩa cũ sử dụng khái niệm Mĩ thuật Công nghiệp khi biên dịch từ tiếng Nga:
Trong thập niên 1960, khi các giáo sư trường ĐHMTCN Halle (Die Hochschule für Industrielle Formgestaltung – Halle) thuộc Cộng hòa dân chủ Đức sang trường Trung cấp Mỹ nghệ Hà Nội (tiền thân của trường Đại học Mỹ Thuật Công nghiệp Hà Nội ngày nay).
Một cuộc trao đổi học thuật đã diễn ra và từ Industrielle Formgestaltung trong tiếng Đức mang ý nghĩa là làm đẹp, tạo thẩm mỹ cho các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp trở thành cụm từ: Mỹ thuật Công nghiệp.
Kể từ đó MTCN trở thành thuật ngữ chính của ngành và trở nên rất thông dụng, quen thuộc với nhiều thế hệ các nhà thiết kế Việt Nam, được sử dụng như một ngữ chính thống trong phạm vi ngành Design.
– Danh từ Đồ họa: Ngày nay, còn có rất nhiều định nghĩa khác nhau về đồ họa, hiện có rất nhiều định nghĩa khác nhau giải thích về từ này. Vấn đề học thuật định nghĩa về bản chất của lĩnh vực Đồ họa vẫn còn đang nằm trong vòng tranh cãi, hiện tại vẫn chưa có bất kỳ một định nghĩa nào được xem như hoàn hảo hay toàn diện.
Các định nghĩa về Đồ họa nói riêng và Design nói chung có ít nhiều khác nhau thay đổi tùy theo thời đại và nơi đặt ra và sử dụng định nghĩa.
Nhiều định nghĩa còn tùy thuộc vào ngữ cảnh mà mang những ý nghĩa khác nhau. Trong khuôn khổ của luận văn, chúng tôi cố gắng tiếp cận những cách hiểu nghĩa phổ thông nhất, tiêu biểu nhất và ngắn gọn nhất về Đồ họa.
Theo theo Từ điển mỹ thuật phổ thông của Đặng Thị Bích Ngân, Nxb Mỹ thuật, từ Đồ họa (Graphic design) được giải thích như sau: “Một ngành vẽ, trong đó người ta dùng kỹ thuật in ấn để thể hiện tác phẩm, sản xuất hàng loạt bản để có thể phổ biến rộng rãi… Minh họa sách báo, kẻ chữ, ký họa, affic đều được xếp vào lĩnh vực Đồ họa”.
Ngày nay, trong con mắt đại chúng đồ họa thường được hiểu là lĩnh vực thiết kế, tạo dáng, tạo mẫu, áp dụng kỹ thuật, công nghệ của máy tính, của kỹ thuật số để tạo ra sản phẩm phục vụ cho đời sống.
Đồ họa vi tính chính là sự tiếp nối của lĩnh vực đồ họa giá vẽ thô sơ ban đầu và luôn đi kèm với công việc thiết kế sản phẩm, do đó mới nảy sinh từ ghép: Thiết kế Đồ họa.
Bởi vậy, khi nhắc đến ngành Đồ họa, nhiều người thường nhầm lẫn rằng lĩnh vực này chỉ bao hàm công việc thiết kế được thực hiện trên phương tiện là máy tính và phần mềm.
Chuyện phân chia và hệ thống hóa các khái niệm, thuật ngữ là vô cùng cần thiết nhưng không nên quá lệ thuộc vào hệ thống lý thuyết phức tạp, mà còn cần trau dồi các kỹ năng chuyên môn, củng cố vững chắc cho tay nghề, cho thẩm mỹ và tư duy sáng tạo logic của bản thân.
2. Các ngành nghề Design
Hiện tại trên thế giới có rất nhiều nhóm ngành nghề Design khác nhau như nhóm ngành thiết Kỹ thuật (Technical Design) trong đó bao hàm các vấn đề chủ yếu liên đới đến kỹ thuật, máy móc, công nghệ như Thiết kế Phần mềm (Software Design), Kiến trúc (Architectural Design), Tạo dáng Công nghiệp (Industrial Design).
Ngoài ra, có thể kể đến nhóm ngành Design liên quan đến Nhận diện Nghệ thuật Thị giác (Visual arts) và Nhận diện Thương hiệu (Branding Identity) mà trong đó bao gồm các ngành: Thiết kế Thời trang (Fashion Design), Thiết kế Đồ họa (Graphic Design), Thiết kế Nội thất (Furniture Design).
Trong tài liệu Cái nhìn lạc quan về Mỹ thuật Ứng dụng hay Design Việt Nam qua 20 năm,(2014) Tham luận dự Hội thảo Khoa học của Hội Mỹ thuật TPHCM và Đại học Văn Lang của Trần Văn Bình có nêu ra các loại hình design thường được xếp loại bởi nhóm ngành:
– Design Công nghiệp (Industrial Design).
– Design Đồ họa (Graphic Design).
– Design Thời trang (Fashion Design).
– Design Nội thất (Interior Design).
– Nghệ thuật trang trí (Decorative Arts).
3. Môn Lịch sử Design
Để phát triển trong một ngành nghề, mỗi người đều phải học hỏi kinh nghiệm của những thế hệ đi trước, do đó cần phải tìm hiểu về lịch sử và thời đại mà các bậc tiền bối đã sống và làm việc.
Ngành Design đã có một lịch sử phát triển lâu dài và phong phú để lại một kho tàng kiến thức đồ sộ được đúc rút từ kiến thức của nhiều thế hệ đàn anh đi trước.
Lịch sử Design, còn được biết đến với tên gọi Lịch sử Mỹ thuật Công Nghiệp hay Lịch sử Thiết kế, là một môn khoa học nghiên cứu ra đời và phát triển của Design cùng những yếu tố cơ bản về sự phát triển đó.
Cụ thể là nghiên cứu những cột mốc hình thành các trường phái, phong cách Design, dấu ấn nhận diện của những thương hiệu lớn, các danh nhân tiêu biểu của ngành Design. Lịch sử Design đề cập đến sự phát triển về các yếu tố kỹ thuật, kinh tế, thẩm mỹ cũng như như tâm lý, văn hóa, xã hội.
Mục đích nhằm giúp cho các em sinh viên nắm được quá trình phát triển của ngành Design, hiểu cơ bản về mối quan hệ giữa các yếu tố thị trường, sản xuất, quản lý tồn tại trong ngành Design.
Môn học trang bị cho các em sinh viên năm đầu những kiến thức nền tảng cơ bản, những bài học kinh nghiệm quý báu của các thế hệ trước, bổ trợ và giúp ích cho quá trình học tập và làm việc sau này. Lịch sử Design không chỉ là lịch sử của những vật dụng và hình dáng tạo tác của chúng.
Lịch sử Design là lịch sử của các hình thức sống, là lịch sử của các nghiên cứu tìm tòi và lịch sử về mối quan hệ nhân trắc học giữa con người và vật dụng được phản ánh phần lớn trong lịch sử văn hóa và văn minh từ khởi nguyên và tiếp nối mãi cho đến ngày nay.
4. Giới thiệu khóa học Design
Trong bối cảnh ngành mỹ thuật ứng dụng đang phát triển mạnh mẽ, nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp những nhà thiết kế chất lượng cao cho xã hội. Sau nhiều năm phát triển, các trường đã mở các khóa học đào tạo thiết kế chính quy có uy tín.
Hiện nay có nhiều trường đào tạo trình độ đại học, hệ chính quy với ba ngành: Thiết kế thời trang; Thiết kế Nội thất; Thiết kê Đồ họa và Thiết kế Công nghiệp, thời gian học là: 04 năm.
Sinh viên ngành Đồ họa được trang bị các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, khả năng làm việc theo nhóm, khả năng thuyết trình ý tưởng bằng ngôn ngữ nói, viết và ngôn ngữ thiết kế công nghiệp; trình độ ngoại ngữ Tiếng Anh tương đương 400 điểm TOEIC và tiếng Anh chuyên ngành.
Trình độ B về tin học và kỹ năng thiết kế chuyên ngành 2D và 3D bằng các phần mềm chuyên dụng Autocad 2D-3D, 3A Max, Corel, Photoshop.
Sinh viên ngành Thời trang được học tập kiến thứccơ sở chuyên ngành thời trang: (Lịch sử trang phục Việt Nam và thế giới, hình họa tạo hình đen trắng và màu, marketing thời trang, nhân trắc học may mặc, vật liệu thời trang,…).
Ngoài ra sinh viên còn được cung cấp những kiến thức thiết kế họa tiết trang trí vải và sản phẩm, nguyên lý tạo dáng trang phục 2D và 3D, thiết kế cho hình ảnh cá nhân, thiết kế thời trang trẻ em.
Thiết kế thời trang và nghệ thuật thủ công truyền thống, thiết kế trang phục lễ hội, dạ hội, công sở và trang phục dạo phố, nắm bắt các công nghệ cắt may quần áo nhẹ, áo dài, áo khoác và các kỹ thuật, công nghệ sản xuất may công nghiệp.
Sinh viên ngành Nội thất được học tập về những kiến thức cơ bản vcủa ngành, cũng như các kiến thức về văn hóa – nghệ thuật, mỹ thuật ứng dụng; có những kỹ năng chuyên biệt về các chuyên ngành (Trang trí nội thất, đồ họa, tạo dáng công nghiệp).
Có khả năng vận dụng kiến thức trong thực tiễn nghề nghiệp thiết kế – thực hiện và trình bày các sản phẩm; Đồng thời tiếp cận các giá trị văn hóa nghệ thuật của thế giới trong thực hành nghề nghiệp.
Các sinh viên năm đầu được đào tạo chung về những kiến thức cơ sở trong mỹ thuật, lịch sử Design, về các môn khoa học nhân văn các kiến thức cơ bản về hình khối không gian, nghệ thuật màu sắc, nghệ thuật chất liệu, nghệ thuật ánh sáng, nghệ thuật kiến trúc, nhân trắc học.
Sinh viên mỗi ngành đào tạo được trang bị kiến thức chuyên sâu, được thực hành trong các xưởng và khảo sát thực tế, được trang bị kỹ năng nghề nghiệp như: Thiết kế sản phẩm, lập dự toán sản xuất hoặc thi công, tổ chức sản xuất thi công, giám sát thi công sản phẩm, phân tích nhận diện, đánh giá tác phẩm mỹ thuật công nghiệp.
Có nhiều trường chuyên ngành về đào tạo thiết kế. Hướng phát triển đơn ngành giúp trường tập trung nâng cao chất lượng giáo dục mạnh hơn các trường đào tạo đa ngành, mà trong đó ngành Mỹ thuật ứng dụng chỉ là một trong những chuyên ngành được đào tạo.
Chương trình đào tạo kéo dài 4 năm theo hệ thống tín chỉ, sau khi hoàn thành chương trình học, sinh viên sẽ được cấp bằng cử nhân. Mục tiêu chủ yếu trong chương trình giảng dạy là đào tạo ra những nhà thiết kế tương lai có tay nghề và kiến thức vững vàng, do đó, mọi môn học đều được định hướng để bồi bổ tay nghề và hướng dẫn vận dụng bài học vào trong công việc.
Ngoài ra, trường cũng liên hệ và mời đại diện các doanh nghiệp đến dự và xem các buổi triển lãm của nhà trường để tạo cầu nối giữa sinh viên và doanh nghiệp, cho sinh viên có cơ hội để nhận được những đóng góp chân thành và khách quan từ thực tiễn cũng như tạo cơ hội để doanh nghiệp có thể nhắm đến các thực tập sinh tương lai.
Nguyễn Nhật Minh
Xem thêm bài viết: Có nên dạy môn lịch sử Design tại trường học hay không?
Bạn đang xem bài viết:
Các khái niệm định nghĩa về Design là gì?
Link https://myhocdaicuong.com/do-hoa/cac-khai-niem-dinh-nghia-ve-design-la-gi.html