Có 6 đặc điểm chính liên quan đến lịch sử Design, mà chúng ta cần phải tìm hiểu và nghiên cứu chuyên sâu. Vậy, những đặc điểm đó là gì?
1. Đặc điểm về lý thuyết.
Lý thuyết của Lịch sử Design kéo dài suốt quá trình hình thành và phát triển của loài người, có nhiều phần kiến thức chung với các môn Lịch sử Mỹ thuật, Lịch sử Kiến trúc, Lịch sử Văn minh nhân loại,…
Nội dung đồ sộ và kéo dài rất khó liệt kê đầy đủ chi tiết. Mỗi khi nói đến Lịch sử Design ta không chỉ nhắc đến các yếu tố kỹ thuật, kinh tế, thẩm mỹ và xã hội mà còn phải đề cập đến các yếu tố khác nữa như tâm lý, văn hóa, môi trường.
Lịch sử Design không chỉ là lịch sử của đồ vật và sự tạo hình của chúng mà còn là mối quan tâm và sự tương tác qua lại giữa con người và đồ vật được phản ánh phần lớn trong cuộc sống và văn hóa tiêu thụ hàng ngày.
2. Đặc điểm về thực hành.
Chắc chắn không có nhà thiết kế nào thành công mà không phải thực hành. Và tâm lý chung của tất cả sinh viên là đều thích học các môn thực hành thiết kế hơn các môn lý thuyết.
Từ trước đến nay, hầu như môn Lịch sử Design là một môn học lý thuyết thuần tuý, học sinh chỉ đến lớp nghe giảng và ghi chép, dẫn đến tâm lý học đối phó, học vẹt và phát sinh tâm lý chán nản, thụ động.
Vậy nên, việc đưa vào một số bài tập ứng dụng thực hành trong các môn học lý thuyết như Lịch sử Design sẽ góp phần gia tăng hứng thú học tập và giảm bớt sự khô khan cứng nhắc.
Các bài tập thực hành này sẽ đóng vai trò cầu nối giữa kiến thức lý thuyết khi sinh viên được yêu cầu phải áp dụng kiến thức đã học để hoàn thành bài tập, điều này cũng thúc đẩy sinh viên tự tìm hiểu thêm ngoài giờ nghe giảng trên lớp.
3. Đặc điểm tâm lý con người.
Không chỉ sinh viên, hầu như tất cả mọi người hoạt động trong các ngành nghề Design đều có tinh thần hướng ngoại cao, yêu thích cái mới và luôn phải học hỏi để làm mới kiến thức.
Các ngành nghề Design ngày nay luôn gắn liền với dây chuyền sản xuất công nghiệp và thị trường tiêu thụ lớn, với những tiến bộ khoa học kỹ thuật và thị hiếu tiêu dùng thay đổi rất nhanh, đòi hỏi người làm nghề phải luôn mẫn cán, nhạy bén với thị trường và khách hàng đồng thời luôn cập nhập các tiến bộ kỹ thuật và thị hiếu thẩm mỹ mới.
Chính vì lẽ đó, hầu như tất cả các sinh viên đếu rất chú ý đến phần lịch sử Design hiện đại, bắt đầu từ giai đoạn công nghiệp hoá và đặc biệt hứng thú với giai đoạn xuất hiện công nghệ số hoá và những xu hướng thị hiếu thẩm mỹ mới.
Cũng bởi điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến kiến thức thiết kế thực tiễn và nghiệp vụ của các em, nên những bài học về thiết kế hiện đại và bài tập thực hành thiết kế sản phẩm dễ truyền cảm và dễ tạo được sự lan toả hơn.
4. Đặc điểm lĩnh vực, môi trường làm việc.
Môi trường làm việc trong ngành Design rất năng động, luôn luôn đổi mới không ngừng và có tính chất áp lực cao. Lĩnh vực Design nói chung và thiết kế đồ họa nói riêng luôn được cập nhập hàng ngày với những trang thiết bị mới và các công nghệ, xu hướng thiết kế mới.
Người làm trong ngành Design phải luôn cố gắng bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng của thời đại và rèn luyện cho mình khả năng làm việc dưới áp lực cao, đòi hỏi nhiều nỗ lực cả về thể chất lẫn tinh thần.
5. Đặc điểm văn hóa xã hội.
Ngành Design tại Việt Nam tất nhiên sẽ không tránh khỏi việc chịu tác động của văn hoá Á Đông nói chung và văn hoá Việt Nam nói riêng.
Các sinh viên muốn trở thành nhà thiết kế thành công cũng cần phải nắm được các yếu tố thông thường trong văn hoá, xã hội, ngay cả giảng viên cũng cần ý thức rằng sinh viên Việt Nam cũng sẽ có thói quen học tập và sinh hoạt cùng ý thức chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hoá truyền thống.
Do đó, khi đưa những kiến thức Design chuyên môn thuộc về nhiều nền văn hoá khác nhau vào giảng dạy, cần chú ý đến khả năng tiếp thu và đọc hiểu của sinh viên.
Ý nghĩa cơ bản của phong cách là đặc trưng nghệ thuật đặc sắc có tính đặc thù diễn tả tính cách của một con người, một dân tộc hay một thời đại chính là ảnh hưởng của nó tới công cuộc phát triển thượng tầng kiến trúc tương lai.
Phong cách cá nhân có thể tạo dấu ấn cho một trường phái, phong cách nhóm hay phong cách hãng. Trở thành văn hóa, phong cách mang tính quốc gia và vượt khỏi biên giới một nước thành phong cách quốc tế. Vấn đề phong cách luôn cần xem xét trên cơ sở văn hóa, cá nhân hay cộng đồng và của xã hội.
6. Đặc điểm xu hướng, thời đại.
Bên cạnh đặc điểm về văn hoá xã hội, đặc điểm về xu hướng, thời đại cũng ảnh hưởng nhiều đến công tác giảng dạy và học tập. Hàng năm có rất nhiều mẫu phác thảo, mẫu thiết kế sản phẩm, minh họa xuất hiện như những dấu ấn của Lịch sử Design, được lựa chọn từ những hình dáng tiêu biểu, đặc trưng cho phong cách, văn hóa, dân tộc hoặc trên cơ sở chất liệu, kỹ thuật chế tạo.
Một số thiết kế, đặc biệt là của các em sinh viên đơn thuần chỉ là những ý tưởng hay thử nghiệm nghệ thuật, hay lý thuyết và sáng tạo, tuy vậy cũng có một số mẫu thiết kế thực sự là thử nghiệm của riêng hãng sản xuất.
Một số mẫu khác lại đi theo theo thương mại hoá, những phong cách kiểu dáng của Design công nghiệp thế kỷ XX thường phản ánh sự phát triển và những thay đổi của kỹ thuật công nghệ trái ngược với xu hướng thủ công truyền thống trước đây.
Nhưng cũng có những sản phẩm vẫn còn lưu giữ dấu ấn thủ công như các sản phẩm trang trí, bài trí nghệ thuật. Các em sinh viên thường hứng thú lắng nghe những ví dụ về những thiết kế nổi bật đương đại hơn là những thiết kế nổi tiếng trong quá khứ.
Các lĩnh vực mới như Đồ họa động hay các xu hướng thiết kế mới nổi như Flat Design, Material cũng nhanh chóng thu hút sự quan tâm và chú ý hơn. Nắm bắt được tâm lý này và biết khai thác các ví dụ liên quan đến chúng sẽ góp phần làm tiết học trở nên sôi nổi và lý thú hơn.
Không những vậy, các Designer luôn cần đổi mới và trau dồi kiến thức để bắt kịp với thị trường, và nghiên cứu các xu hướng thiết kế mới, những Designer đương đại tiêu biểu luôn là một phần gắn liền với công tác giảng dạy và học tập Lịch sử Design.
Việc cập nhập nhanh chóng các kiến thức mới giúp sinh viên làm quen với áp lực thay đổi không ngừng từ thị trường, cũng như giúp cho hệ thống lý luận của môn học được đổi mới, bắt kịp với thời đại.
Nguyễn Nhật Minh
Xem thêm bài viết: Lược sử ngành Design hiện đại và các trường phái Design
Bạn đang xem bài viết:
Các đặc điểm chính của môn lịch sử Design là gì?
Link https://myhocdaicuong.com/do-hoa/cac-dac-diem-chinh-cua-mon-lich-su-design-la-gi.html