Có những phần nội dung lý thuyết mà chúng ta cần phải nghiên cứu, về vấn đề dạy học môn lịch sử Design. Những vấn đề nghiên cứu này là gì?
1. Biện pháp cải thiện phần nội dung lý thuyết
1.1. Tập trung vào phần Lịch sử Design hiện đại.
Hiện tại, giáo trình Lịch sử Design chứa đựng một lượng kiến thức lớn trải dài qua nhiều thời kỳ lịch sử, tuy vậy, nên định hướng cho sinh viên tập trung nghiên cứu phần Lịch sử Design hiện đại.
Với trình độ của các em sinh viên năm đầu, không nên đặt ra yêu cầu nghiên cứu quá rộng và quá sâu về tất cả các thời kỳ lịch sử, thời gian học tập cũng bị giới hạn nên không thể đáp ứng điều này.
Bởi lẽ, ngành thiết kế đồ họa ngày nay thường ứng dụng nhiều những kiến thức bắt đầu từ giai đoạn Design hiện đại, mặt khác mục đích của môn học ngoài việc giúp sinh viên nắm bắt kiến thức tổng quan còn quan tâm đến việc ứng dụng kiến thức đó vào đời sống.
Sinh viên sẽ thấy được ngay hiệu quả và lợi ích từ môn học khi sử dụng các kiến thức về Design hiện đại trong quá trình làm việc và học tập các môn học thiết kế khác và trong quá trình làm việc ngoài cuộc sống.
Theo tham luận dự Hội thảo Khoa học toàn quốc Lịch sử Design hay Lịch sử Thiết kế cho đào tạo Mỹ thuật Ứng dụng/ Design (2016) của thầy Trần Văn Bình giảng viên trường ĐHMTCN TP HCM:
Đặc biệt quan điểm Lịch sử Design chỉ tính khi trở thành lĩnh vực nghề nghiệp riêng của thời hiện đại, được giới hạn từ cách mạng công nghiệp thế kỷ XIX với phương thức chế tác máy móc công nghiệp hàng loạt.
Khá phổ biến như cuốn Lịch sử Design hiện đại – Những tác phẩm Đồ họa và Sản phẩm từ Cách mạng Công nghiệp (History of Modern Design – Graphics and Products since the Industrial Revolution – David Raizman – Laurence King Publishing 2010, 2003).
Theo đó nền thiết kế/design công nghiệp bao gồm hai lĩnh vực thiết kế căn bản là thiết kế sản phẩm và thiết kế đồ họa có khởi điểm lịch sử từ cách mạng công nghiệp.
Khi các sản phẩm được sản xuất bằng máy móc thay thế cách thức chế tác thủ công trước đây, còn các lĩnh vực thiết kế nội thất và thiết kế thời trang là những lĩnh vực thiết kế/design ứng dụng hay mỹ thuật ứng dụng, tập hợp trong đó là các sản phẩm cũng được chế tác bằng phương thức công nghiệp.
Phần kiến thức Lịch sử Design hiện đại có ưu điểm là gắn liền trực tiếp nghiệp vụ của mỗi nhà thiết kế, khi cung cấp một phần kiến thức lý thuyết phù hợp, hữu ích ngay cho công việc sau khi tốt nghiệp.
Một ví dụ tiêu biểu là các sinh viên đồ họa khi đi làm rất dễ va vấp với những câu hỏi của khách hàng về các xu hướng Design gần đây và họ mong muốn để có được một sản phẩm thiết kế bắt kịp với thời đại và xu hướng hiện hành.
Khi đó sinh viên sẽ phải vận dụng các kiến thức, phương pháp tìm kiếm được học cộng với hiểu biết cá nhân để đưa ra tư vấn phù hợp cho khách hàng và đưa ra các giải pháp tình thế hợp lý với vấn đề mà sản phẩm thiết kế đặt ra.
Do đó, phần kiến thức về Lịch sử Design sau thời kỳ công nghiệp hóa và các xu hướng thiết kế mới luôn gắn liền với chất lượng chuẩn đầu ra của trường, cũng như chất lượng làm việc của mỗi sinh viên trong ngành.
Mặc dù vậy, phần kiến thức về các thời kỳ lịch sử khác không được bỏ bê xem nhẹ, vì chúng vẫn luôn hữu ích trong nhiều tình huống mà công việc thiết kế liên quan đến đề tài văn hóa.
Khi thiết kế trong lĩnh vực văn hóa, kiến thức hiểu biết về Lịch sử Design thuộc nhiều thời kỳ và nhiều vùng văn hóa sẽ đem lại lợi thế lớn cho công việc và tạo ra uy tín và sự tín nhiệm vững chắc hơn đối với khách hàng và các cộng sự.
1.2. Cố gắng thu gọn phần kiến thức lịch sử Design trước giai đoạn công nghiệp hóa.
Trong tham luận Lịch sử Design hay Lịch sử Thiết kế cho đào tạo Mỹ thuật Ứng dụng/ Design (2016) của thầy Trần Văn Bình, giảng viên khoa Đồ Hoạ trường Đại Học Mỹ Thuật Công Nghiệp khi dự Hội thảo Khoa học toàn quốc Đổi mới đào tạo Mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam – từ thực tiễn đến giải pháp nêu ra:
“Lịch sử design có nhiều nội dung trùng lặp với lịch sử văn minh, lịch sử mỹ thuật và lịch sử kiến trúc, nhất là giai đoạn tiền công nghiệp. Các môn lịch sử chuyên ngành như lịch sử nội thất, thời trang, đồ hoạ, tạo dáng sản phẩm khi xây dựng riêng càng có nguy cơ trùng lặp nội dung kiến thức.”
Có thể thấy, phần lớn phần kiến thức trước giai đoạn công nghệ kỹ thuật số phát triển là khá trùng lặp nhau, đến sau giai đoạn kỷ nguyên kỹ thuật số, đặc biệt ngành Đồ họa và Nội thất có những bước phát triển riêng mạnh mẽ, riêng ngành thời trang cũng có nhiều bước đi riêng kể từ giai đoạn công nghiệp hoá.
Các giai đoạn trước đó hầu như các em đã bắt gặp trong môn Lịch sử Mỹ thuật thế giới, nên có thể lược bớt các phần rườm rà hoặc nói tóm tắt và lược bớt một phần sao cho không ảnh hưởng lớn đến toàn bộ chương trình dạy học.
Tham luận của thầy Trần Văn Bình cũng chỉ ra rằng theo hướng này, môn Lịch sử Design cần là môn học bắt buộc, còn các môn học Lịch sử Mỹ thuật, Lịch sử Văn minh thế giới, Lịch sử Kiến trúc là tự chọn để sinh viên nghiên cứu kỹ hơn theo nhu cầu cá nhân.
Thậm chí có thể ghi danh liên thông tại các trường ĐH khác, chuyên nghiệp hơn, ví dụ sinh viên đăng ký học và mang chứng chỉ môn học về Lịch sử mỹ thuật ở trường ĐH Mỹ thuật, Lịch sử Kiến trúc ở trường ĐH Kiến trúc, Lịch sử văn minh thế giới ở ĐH Khoa học Xã Hội và Nhân văn TP HCM.
Các môn học này đã có bề dày lịch sử và sách học được biên soạn từ lâu, dễ dàng tự học, tự nghiên cứu. Lịch sử Design hiện đại với nội dung bắt đầu từ thời kỳ cách mạng công nghiệp thế kỷ XIX – XX sẽ được coi như môn học cơ sở của nhóm ngành Design.
Tuy vậy, cho đến nay việc này hầu như chưa được thực hiện linh động nên đôi khi sinh viên vẫn còn phải học nhiều kiến thức lặp đi lặp lại, đôi khi chồng chéo lên nhau.
Mặt khác giáo trình dành riêng cho các môn chuyên ngành như Lịch sử Thiết kế Nội thất, Lịch sử Thiết kế Đồ họa, Lịch sử Thiết kế Thởi trang đều chưa được biên soạn chính thức, do vậy, một phần lớn các kiến thức chuyên ngành này phải trông cậy vào chương trình dạy học của môn Lịch sử Design.
Tuy nhiên, việc kiến thức bị cắt giảm sẽ tạo ra lỗ hổng, mặt khác lược bỏ phần kiến thức lịc sử về giai đoạn Design trước thời kỳ Công nghiệp hóa có thể vi phạm quy chế về chương trình dạy học.
Do đó, theo người viết nên có hai phương án để giảm tải dung lượng kiến thức mà vẫn đảm bảo học sinh được học đủ chương trình, đồng thời không vi phạm quy chế dạy học.
– Phương án thu gọn số tiết học của phần kiến thức Lịch sử Design trước thời kỳ Công nghiệp hóa: Trước đay thời lượng để dạy phần kiến tức lịch sử Design trước giai đọa Công nghiệp hóa chiếm đến gần 40 % số tiết học, kéo dài và mang nhiều nội dung trùng lặp với môn Lịch sử Mỹ thuật.
Do vậy, giảng viên giảng dạy Lịch sử Design có thể chủ động đề nghị với ban giám hiệu và tổ bộ môn để thu gọn phần kiến thức lý thuyết trước thời kỳ Công nghiệp hóa xuống còn 30% số tiết dạy học để dành phần lớn thời gian còn lại giảng dạy về giai đoạn thiết kế hiện đại, có nhiều kiến thức gần gũi với sinh viên hơn.
– Phương án giao bài tập tiểu luận tự nghiên cứu về phần Lịch sử Design trước thời kỳ Công nghiệp hóa: Bài tiểu luận là bài tập tính điểm bắt buộc, giảng viên giao cho sinh viên về nhà tự tìm hiểu, viết thành tiểu luận và soạn file powerpoint trình chiếu, thời hạn để làm bài tập trong vòng 3 tuần.
Trong quá trình sinh viên làm việc tại nhà, giảng viên vẫn cần phải theo dõi, gửi các tư liệu để trợ giúp các em, đồng thời kiểm tra định kỳ để đảm bảo nội dung kiến thức của bài tập tiểu luận đạt yêu cầu.
2. Biện pháp về phương pháp dạy học.
2.1. Xây dựng giáo án phù hợp hơn.
Xây dựng một bài giảng phù hợp với nhiều đối tượng sinh viên là nội dung quan trọng thứ hai cần lưu ý, bởi việc này sẽ giúp giảng viên chuẩn bị chu đáo hơn về kiến thức, kỹ năng, phương pháp, tiến trình một tiết dạy thực hành.
Để chuẩn bị được một bài giảng phù hợp với nhiều đối tượng sinh viên, cần phải xác định được mục tiêu trọng tâm của bài học về kiến thức, tìm ra được những kỹ năng cơ bản dành cho các sinh viên thông thường và những kiến thức kỹ năng bổ sung dành cho sinh viên khá giỏi.
Cần thường xuyên tham khảo thêm tài liệu để mở rộng, đi sâu hơn vào bài giảng, giúp giảng viên nắm bắt tổng thể, hướng dẫn và giải đáp ngay cho sinh viên khi cần thiết.
Sinh viên theo học các ngành Thiết kế đa số có tinh thần hướng ngoại và năng động, ưa thích cái mới. Đây cũng là điều hiển nhiên và cần thiết ở mỗi Designer, do đó bài giảng tập trung đi sâu hơn vào phần Lịch sử thiết kế hiện đại, cụ thể là giai đoạn công nghiệp hoá và giai đoạn công nghệ kỹ thuật số sẽ thu hút sự chú ý lắng nghe của sinh viên.
Phần bài giảng có liên hệ đến các sản phẩm thiết kế thực tiễn ngoài đời cũng như công việc thiết kế ngoài đời sẽ làm cho sinh viên cảm thấy việc học có giá trị hơn và cần thiết hơn.
Giảng viên cũng cần nắm được mục đích yêu cầu, chuẩn kiến thức của chương trình, của bài dạy để thiết kế các hoạt động học tập phù hợp với trình độ sinh viên và điều kiện dạy và học; đồng thời, hoàn chỉnh tiến trình của một giờ dạy học với đầy đủ các hoạt động cụ thể.
2.2. Chủ động điều hành tổ chức giờ dạy.
Giảng viên cần xác định đúng mức nội dung thực hành, phải vừa sức với sinh viên, thuộc nội dung sinh viên đã học (liên hệ với bài giảng lý thuyết), dễ tổ chức thực hiện trong điều kiện trang bị máy tính và thiết bị trình chiếu có sẵn của nhà trường. Giảng viên giảng giải, hướng dẫn sinh viên thông qua thiết bị trình chiếu cho sinh viên quan sát các ví dụ và sơ đồ về nội dung bài học.
Tổ chức hướng dẫn sinh viên trao đổi, vấn đáp gợi mở, đánh giá và khuyến kích hoạt động tích cực, đồng thời theo dõi và sẵn sàng bổ trợ cho sinh viên khi cần thiết. Điều quan trọng trong tiết thực hành là giảng viên phải tổ chức và điều khiển các đối tượng sinh viên khác nhau trên lớp.
Với việc tổ chức chia nhóm, sinh viên có điều kiện tương tác, trao đổi và hỗ trợ lẫn nhau, bài học trở thành quá trình học hỏi lẫn nhau chứ không chỉ thụ động tiếp thu từ giảng viên. Tuy nhiên, để thực hành theo nhóm hiệu quả, cần phải lựa chọn nội dung bài tập thực hành phù hợp với nhiều đối tượng sinh viên.
2.3.Chia nhỏ nội dung bài tập.
Với những bài thực hành gồm nhiều yêu cầu khác nhau, với nhiều yêu cầu với mức độ từ dễ đến khó, cho sinh viên thực hành dần dần theo những yêu cầu đã nêu.
Giảng viên phải đặt ra mỗi yêu cầu hoàn thành trong khoảng thời gian nhất định nào đó với mỗi nhóm đối tượng, căn cứ vào trình độ và khả năng riêng của từng nhóm.
Điều này góp phần thúc đẩy sự cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của cả nhóm cũng như từng cá nhân sinh viên,các sinh viên khá giỏi có thể thực hiện theo nhiều cách để có thể hoàn thành nhiệm vụ trong khoảng thời gian nhanh nhất.
2.4.Tìm kiếm sự hỗ trợ từ sinh viên khá – giỏi.
Giải pháp này có thể đi kèm với giải pháp làm việc nhóm, và cần tới các sinh viên ưu tú, những người không chỉ có khả năng học tập tốt mà còn có khả năng dẫn dắt, lãnh đạo nhóm, để giúp cho nhóm học tập tự học hỏi lẫn nhau và phát huy điểm mạnh, bù lấp điểm yếu cho nhau.
Sau đó, chính các sinh viên này sẽ đóng vai người hỗ trợ, có nhiệm vụ giải thích và hướng dẫn các bạn cùng nhóm thực hiện các bài tập do giảng viên giao.
Những sinh viên học tốt hơn có vai trò hỗ trợ sẽ giải thích khi cần thiết, đặt câu hỏi và đưa ra phản hồi tại thời điểm thích hợp giúp sinh viên nhận hỗ trợ sẽ dễ hiểu hơn.
Việc này giúp các em thoải mái trao đổi, không sợ sai; đồng thời có cơ hội để thảo luận, tăng kỹ năng phối hợp, hợp tác. Sinh viên hỗ trợ lẫn nhau là phương pháp thu hút sự tham gia của sinh viên, có thể nói là “dạy ít, học nhiều” hay “học thày không tày học bạn”.
Tuy vậy, nếu như đi kèm với làm việc nhóm, có nguy cơ các sinh viên khác sẽ ỷ lại vào nhóm trưởng và hình thành tính nết ỷ lại, thụ động.
3. Biện pháp cải thiện phần nội dung bài tập.
3.1. Giao các bài tập tiểu luận tự tìm hiểu.
Hầu hết các môn học lịch sử đều chứa đựng một lượng kiến thức lớn, phức tạp, phải mất nhiều thời gian để học hỏi, lĩnh hội. Mặt khác do điều kiện thời gian không cho phép, giảng viên không thể truyền tải hết thông tin trên lớp và nếu chỉ đơn thuần đọc – chép sẽ khiến cho tiết học trở nên khô khan, dễ gây tâm lý chán nản nơi người học.
Việc giao các bài tập tiểu luận tự tìm hiểu sẽ phần nào giảm bớt gánh nặng phải truyền tải kiến thức trên lớp cho giáo viên, đồng thời vẫn đảm bảo sinh viên sẽ phải về nhà tự tìm hiểu, nghiên cứu chúng.
Trong quá trình làm bài tập nghiên cứu, giảng viên cần phải duyệt bài, đưa ra thang điểm đánh giá để tránh việc sinh viên đi lạc đề, dài dòng lan man, làm bài sơ sài hoặc đọc phải những nguồn thông tin chưa được kiểm chứng.
Để không gây ảnh hưởng đến thời gian học tập trên lớp, bài tiểu luận được giao dưới dạng bài tập về nhà, được phân công thực hiện theo nhóm và sẽ có một buổi thuyết trình tại lớp.
Thông thường những bài tập tự tìm hiểu được giao nhằm mở rộng chủ đề đã được học trên lớp, hay tìm hiểu sâu hơn rộng hơn về những vấn đề khác gần nội dung bài học chính.
Đặc biệt, trong phần nội dung bài luận luôn yêu cầu sinh viên phải tìm ra được những ứng dụng thực tế của các phong cách, trường phái thiết kế đang được bàn đến trong chủ đề bài viết, về sự hợp lý hay bất hợp lý của ứng dụng đó và hiệu quả, di sản mà nó tạo ra trong mỗi thiết kế.
Bài luận yêu cầu có đủ thông tin, ngắn ngọn trong khoảng 10 đến 20 trang, có luận điểm và sườn bài rõ ràng, không dài dòng lan man, có dẫn chứng đáng tin cậy và hình ảnh minh họa cụ thể, ngoài ra còn yêu cầu thêm phần nhận xét, đánh giá theo ý kiến của riêng nhóm thảo luận.
Sinh viên viết bài luận theo nhóm, yêu cầu phải trình bày đẹp, dàn trang bằng phần mềm thiết kế chuyên dụng như Ilustrator, Indesign chứ không soạn thảo bằng file World.
Việc trình bày này gián tiếp ôn tập kỹ năng dàn trang trong các môn Bố cục thiết kế sách báo tạp chí, Thiết kế chữ, Cơ sở tạo hình mặt phẳng, Màu sắc… và rèn luyện thêm các kỹ năng thiết kế máy tính.
Các bài luận thường được giao kéo dài từ 1 đến 2 tuần để các em có thời gian chuẩn bị cả về nội dung và hình thức trình bày chỉnh chu.
Phần nội dung, nhóm sinh viên phải gửi bản dự thảo để giảng viên chữa bài trước khi trình bày dàn trang, trong quá trình xây dựng nội dung sinh viên có thể nhờ giảng viên giúp đỡ, gợi ý về hướng tìm tư liệu và nguồn tư liệu, định hướng về trọng tâm của bài viết.
3.2. Giao các bài tập thuyết trình.
Trong công việc thiết kế đồ họa luôn có một khâu khá quan trọng là thuyết trình sản phẩm với khách hàng, công tác này có thể quyết định cả sự thành bại của một dự án thiết kế.
Thông qua việc giao các bài tập thuyết trình, sinh viên sẽ học cách diễn đạt ý tưởng, bảo vệ luận điểm và thuyết phục, lôi kéo người nghe bằng các dẫn chứng, lập luận logic bài bản.
Các bài tập thuyết trình cũng mở ra quá trình tranh luận – phản biện giữa các sinh viên và giảng viên đồng thời đòi hỏi sinh viên phải làm quen với với việc tự mình diễn thuyết, tự tin bảo vệ quan điểm và khéo léo diễn đặt ý tưởng, đàm thoại trao đổi với giảng viên và các bạn cùng lớp.
Yêu cầu về mặt nội dung của bài tập thuyết trình tương đối giống với yêu cầu của bài tập tiểu luận, tuy nhiên cần ngắn gọn hơn, cô đọng trong các từ khóa và luận điểm tiêu biểu để phù hợp với buổi diễn thuyết.
Phần nhiều kiến thức sinh viên được yêu cầu phải viết sườn bài ra nháp và ghi nhớ chứ không ghi tất cả vào phần trình chiếu, khi thuyết trình yêu cầu nói đúng trọng tâm, tóm lược và gạt bỏ phần rườm rà.
Ngoài phần diễn đạt của nhóm thuyết trình, các sinh viên khác được yêu cầu đàm thoại và đưa ra ý kiến đóng góp, đánh giá bài diễn thuyết cùng với giảng viên, qua đó nâng cao hiệu quả của kỹ năng giao tiếp và trao đổi vốn kiến thức của sinh viên.
Bài tập thuyết trình được yêu cầu xây dựng bằng các phần mềm trình chiếu, dàn trang thông dụng như Power Point, Ilustrator, Idesign. Thời hạn để xây dựng một bài thuyết trình là khoảng từ 1 – 2 tuần để sinh viên có thời gian chuẩn bị về mặt nội dung và thiết kế bản thuyết trình.
Cũng như các bài tập tiểu luận, bài thuyết trình yêu cầu nhóm sinh viên gửi bài để giảng viên kiểm tra, hướng dẫn, trước buổi thuyết trình sẽ có một buổi tổng duyệt để tập rượt khả năng nhớ, khả năng diễn đạt và để sửa lại các lỗi còn tồn đọng.
3.3. Giao các bài tập sưu tầm các mẫu thiết kế.
Ngành Thiết kế Đồ họa vốn là một ngành mang nặng tính thực hành, các sản phẩm, ấn phẩm luôn là những minh chứng trực quan nhất cho trình độ và tài năng Design của cá nhân tác giả.
Tuy nhiên với đặc điểm là một môn học lý thuyết, Lịch sử Design không thể kiêm luôn công tác giảng dạy phần thiết kế sáng tác, nên thay vì giao bài tập thực hành thiết kế, sinh viên được giao bài tập sưu tầm những mẫu phác thảo đẹp cũng như các mẫu thiết kế hoàn hình.
Sinh viên sẽ tìm kiếm tư liệu, hình ảnh, viết thành một tiểu luận trình bày bằng phần mềm powerpoint, bài tập này được giao về nhà để không ảnh hưởng đến giờ dạy tại lớp.
Bài tập được thực hiện trong toàn bộ thời gian học và sẽ được thu vào cuối kỳ, giảng viên cần kiểm tra theo dỗi định kỳ tiến độ làm việc của bài tập để đưa ra những phương hướng điều chỉnh phù hợp cho sinh viên.
Cuối giờ giảng viên có thể sắp xếp giải thích cho sinh viên những vướng mắc của bài tập, ngoài ra sinh viên thực hiện bài tập có thể gửi ảnh chụp báo cáo tiến độ làm việc của mình qua mạng để giảng viên có thể hướng dẫn thêm.
Giảng viên sẽ phải sắp đặt thời hạn báo cáo tiến độ để duyệt các phác thảo sinh viên nghiên cứu tại nhà, trước khi các em hoàn thành việc trình bày bài tập thực hành trên lớp.
Trong phần bài tập sưu tầm, sinh viên ngoài được giao tìm chọn những hình ảnh về các mẫu phác thảo và các sản phẩm thiết kế nổi tiếng, còn được giao tìm hiểu về lợi ích của các mẫu thiết đó, cũng về thông tin ngắn gọn xung quanh như thị trường hay các tác giả của mẫu thiết kế.
Phương pháp, hình thức kiểm tra – đánh giá kết quả bài tập thực hành bao gồm có:
– Kiểm tra giờ lên lớp, điểm danh sĩ số lớp học từng buổi để đảm bảo thời lượng nghe giảng của sinh viên.
– Bài tập trình chiếu bằng phần mềm Powerpoint phải được trình bày nghiêm chỉnh, đạt yêu cầu về kỹ thuật và yêu cầu về nội dung kiến thức. Giảng viên sẽ trình chiếu một số bài tập tốt cho sing viên cả lớp cùng theo dõi.
– Bài tập phải đảm bảo các yêu cầu về quy cách trình bày, văn phong, bố cục trình bày được quy định sẵn.
– Tính tích cực nghiên cứu, thảo luận và đưa ra vấn đề để tập thể lớp cùng thảo luận giải quyết.
– Tham gia học tập trên lớp (đi học đầy đủ, chuẩn bị bài tốt và tích cực thảo luận,…).
– Sau mỗi buổi làm việc tại lớp, sinh viên sẽ tự thảo luận, tổng hợp các phác thảo bài tập và cùng nhau đánh giá nhận xét rút ra bài học. Thang điểm đánh giá tổng là 10 điểm:
– Nội dung kiến thức : 4 điểm.
– Thẩm mỹ trong trình bày: 3 điểm.
– Diễn đạt tốt và truyền cảm: 1 điểm.
– Kỹ thuật phần mềm : 2 điểm.
Ngoài ra giảng viên còn căn cứ vào thái độ học tập và tính chuyên cần.
3.4. Hướng dẫn bài tập tiểu luận và bài tập thuyết trình
– Củng cố kỹ năng thuyết trình – giao tiếp của sinh viên:
Học viên diễn đạt bài thuyết trình cần ghi nhớ phần lớn nội dung trong đầu, học cách ghi nhớ sườn bài và các luận điểm chính tuyệt đối tránh học thuộc từng câu từng chữ.
Khi diễn thuyết cần chú ý vào trọng tâm và các luận điểm chính, tìm cách tạo sự chú ý, hứng thú cho người nghe và cố gắng trình bày súc tích, ngắn ngọn.
Hầu hết các sinh viên năm đầu khá kém trong lĩnh vực giao tiếp và việc này cản trở ít nhiều các em trong quá trình làm việc, học tập. Trong quá trình sinh viên soạn thảo các bài luận và các bài tập thuyết trình, giảng viên có thể sử dụng kinh nghiệm làm việc của bản thân để giúp đỡ các em trong cách thuyết trình cũng như một số kỹ năng mềm khác.
Các kỹ năng mềm sẽ giúp ích khá nhiều khi thuyết phục khách hàng và giao tiếp với đồng nghiệp, tạo thói quen ứng biến linh hoạt, chủ động trong nhiều tình huống, giúp ích cho công việc thiết kế sau này.
Bố cục và nội dung thuyết trình có đòi hỏi thông tin cần ngắn gọn, cô đọng hơn so với bài tập tiểu luận, cỡ chữ và phân cấp thông tin phải rõ ràng, bố cục trang trí đơn giản, trực quan.
Đặc biệt phần nội dung hình ảnh phải được xử lý ấn tượng, trình bày khéo để thể hiện khả năng xử lý đồ họa và gia tăng tính thuyết phục, khơi gợi sự hứng thú cho người xem.
Đôi khi, thông qua các câu hỏi vấn đáp, giảng viên sẽ gợi ý để sinh viên tìm tòi hướng làm việc, và dần dần hướng dẫn cho các em học cách trả lời, tương tác với khách hàng và với đồng nghiệp.
Sinh viên cũng phải tự tìm cách sử dụng ngôn ngữ cơ thể, cách nói chuyện, dẫn truyện, lấy ví dụ sao cho hấp dẫn, sinh động nhằm đặt được hiệu quả thuyết phục và truyền cảm tối đa đối với người nghe.
– Phát triển kỹ năng làm việc nhóm:
Bài tập thuyết trình và bài tập tiểu luận được giao làm theo nhóm, nhờ đó tận dụng được kiến thức và năng lực của nhiều thành viên khác nhau.
Việc làm việc theo nhóm cũng giúp cho sinh viên học hỏi lẫn nhau, tận dụng thế mạnh của từng cá nhân bù đắp cho điểm yếu và tạo ra cách làm việc phối hợp và tự năng cao ý thức kỷ luật tập thể.
Làm việc nhóm là một hình thức phổ biến trong ngành thiết kế, để trở thành những Designer có tay nghề và bản lĩnh nghề nghiệp tốt, sinh viên cần phải trau dồi kỹ năng làm việc nhóm.
Nhóm không đơn giản chỉ là một tập hợp nhiều người cùng làm việc với nhau hoặc cùng làm việc dưới sự chỉ đạo của một nhà quản lý. Nhóm là một tập hợp những cá nhân có các kỹ năng, kiến thức bổ sung cho nhau và cùng cam kết chịu trách nhiệm thực hiện một mục tiêu chung.
Một nhóm có thể hình thành theo nhiểu cách khác nhau: Các nhóm bạn học tập có khi hình thành do sự chỉ định của giảng viên dựa trên các đặc điểm mạnh yếu của từng cá thể, nhóm có sở thích hình thành do sự rủ rê nhau, và các nhóm ngẫu nhiên.
Vì thế, có những nhóm hình thành và gắn kết rất lâu, nhưng cũng có những nhóm chỉ hoạt động cùng nhau trong một thời điểm nào đó. Nhưng điều quan trọng là, không phải nhóm nào cũng có những mục đích hay có những hoạt động cùng nhau.
Một nhóm người làm việc trong cùng một văn phòng hay thậm chí một dự án chung không phải lúc nào cũng tiến hành công việc của một nhóm làm việc.
Vì thế các thành viên trong nhóm cần có sự tương tác với nhau và với trưởng nhóm để đạt được mục tiêu chung. Các thành viên trong nhóm cũng phải có sự phân công tìm hiểu thông tin và dữ liệu, từ đó hình thành nền tảng kiến thức chung.
Phương pháp này nhấn mạnh sự hợp tác cùng phát triển hơn là cạnh tranh, trong đó sinh viên thực hiện tốt vai trò hỗ trợ và cộng tác, giúp đỡ lẫn nhau. Giảng viên cũng nên chỉ ra các điều kiện cần để đảm bảo có được hoạt động sinh viên hỗ trợ lẫn nhau hiệu quả.
Ưu điểm của hoạt động nhóm là sinh viên được học cách cộng thác trên nhiều phương diện, được nêu ý kiến của mình và tiếp thu ý kiến của người khác, thông qua trao đổi, bàn luận về các ý kiến khác nhau và đưa ra phân công tối ưu cho nhiệm vụ của nhóm.
Qua cách học đó, suy nghĩ của sinh viên sẽ bớt phần chủ quan, phiến diện, làm tăng sự quan sát khách quan, tư duy logic, tư duy phê phán được rèn luyện và phát triển.
Nhờ không khí thảo luận cởi mở, các thành viên rụt rè có cơ hội được trình bày ý kiến của mình, từ đó, dễ hòa nhập vào nhóm, tạo cho các em sự tự tin, hứng thú trong học tập và sinh hoạt.
Vốn hiểu biết và kinh nghiệm xã hội của sinh viên thêm phong phú đồng thời kĩ năng giao tiếp, kĩ năng hợp tác của sinh viên được phát triển.
Các thành viên sẽ hào hứng hơn khi có sự đóng góp của mình vào thành công chung của cả nhóm, được cùng chia sẻ các suy nghĩ, băn khoăn, hiểu biết và kinh nghiệm riêng của bản thân và học hỏi lẫn nhau.
Kiến thức trở nên sâu sắc, bền vững, dễ nhớ và nhớ nhanh hơn do được giao lưu, học hỏi giữa các thành viên trong nhóm, được tham gia trao đổi, trình bày vấn đề nêu ra.
Mặt khác làm việc nhóm cũng tồn tại một số hạn chế như: công tác nhóm thường đi đôi với việc nhờ đến các sinh viên ưu tú, một nhóm chỉ hoạt động được khi có người dẫn dắt và phân công công việc, nhóm trưởng không chỉ lãnh đạo nhóm và còn trực tiếp truyền đạt các kiến thức, kỹ năng tốt của bản thân cho các bạn.
Nhóm làm việc tốt là nhóm tạo ra được một tinh thần hợp tác, biết phối hợp và phát huy các ưu điểm của các thành viên trong nhóm để cùng nhau đạt đến một kết quả tốt nhất cho mục đích chung mà nhóm đặt ra.
Tuy nhiên, làm việc nhóm có thể dẫn đến tình trạng thành viên có thể sẽ phát sinh tâm lý ỷ lại, lười biếng và thụ động, hoặc do nhút nhát hay vì một lí do nào đó không tham gia được vào hoạt động chung của nhóm, dẫn đến thiếu hụt nhân lực dồn gánh nặng lên nhóm trưởng và các bạn còn lại.
Nếu giảng viên không phân công hợp lí có thể dẫn đến tình trạng chỉ có một vài sinh viên khá tham gia còn đa số khác không hoạt động. Ý kiến của nhóm có thể quá phân tán hoặc mâu thuẫn gay gắt với nhau và thời gian có thể bị kéo dài.
Nếu nhóm đó được quản lý quá độc đoán hoặc chỉ có một vài thành viên chủ chốt tích cực hoạt động, không có tương tác và phân công việc hợp lý giữa các thành viên với nhau thì công tác nhóm sẽ kém hiệu quả.
Nếu mâu thuẫn giữa các thành viên trong nhóm quá gay gắt, có thể gây chia rẽ, hoạt động của nhóm sẽ khó mà tiến triển được dù cùng sinh hoạt chung với nhau.
Ngược lại, một nhóm làm việc nếu biết phân công hợp lý là có tinh thần tự giác, vẫn có thể phát triển dù các thành viên không cùng làm việc trong một môi trường, địa điểm nhất định, nhưng vẫn thu được kết quả tốt.
Với những lớp có sĩ số đông hoặc lớp học chật hẹp, bàn ghế khó di chuyển thì khó tổ chức hoạt động nhóm vì khi tranh luận, dễ dẫn tới lớp ồn ào, ảnh hưởng đến các lớp khác và ảnh hưởng đến chính những thành viên đang tham gia công tác nhóm trong lớp học.
Tất cả những cá nhân có ý thức làm bài chống đối hời hợt sẽ được trưởng nhóm báo cáo lại và cảnh cáo, có thể bị khai trừ khỏi nhóm và bị buộc phải làm bài tập một mình. Qua đó, mọi thành viên trong nhóm sẽ hiểu được gánh nặng phải chia sẻ công việc sao cho hợp lý, đồng đều.
Làm việc theo nhóm còn cải thiện ý thức về giờ giấc và cách sắp xếp công việc khi mọi thành viên trong nhóm đều phải sắp xếp lịch sinh hoạt riêng để học tập và làm việc cùng các bạn, qua đó gián tiếp dạy cho các em về môi trường làm việc tập thể bên ngoài trường lớp.
– Phát triển kỹ năng tự tìm kiếm tư liệu, tự học:
Khả năng tự học là một phần quan trọng trong quá trình học tập của tất cả mọi sinh viên, các kỹ năng tự tìm kiếm tra cứu thống tin, học hỏi của bạn bè và đồng nghiệp giúp ích nhiều không chỉ trong môi trường làm việc mà còn cả cuộc sống bên ngoài.
Ban đầu kỹ năng tìm kiếm và chọn lọc thông tin của sinh viên còn khá nhiều hạn chế, việc tìm kiếm thông tin phần nhiều còn lệ thuộc vào giáo trình và thiếu tính chủ động, thông tin tìm được có thể sai lạc và còn ít nhiều lan man.
Giảng viên hướng gợi ý cho sinh viên cách tìm kiếm bằng các từ khóa, gợi ý cách tra cứu và kiểm chứng nguồn tin và hướng tìm kiếm đến mục đích nhát định, tránh tìm kiếm thừa và lạc chủ đề.
Mỗi một bài thuyết trình đều có phần ý kiến đóng góp của các bạn và mỗi buổi học nhóm sẽ tạo điều kiện để các cá nhân chia sẻ kinh nghiệm làm việc với nhau.
Việc học hỏi và chia sẻ kiến thức, kỹ năng nhanh chóng giúp cho sinh viên bù đắp bớt các khiếm khuyết, thiếu sót của bản thân và thậm chí học được thêm các mẹo nhỏ hữu ích.
– Tạo thói quen trình bày đề tài một cách có hệ thống:
Việc sinh viên tự viết và tự trình bày bài tập thuyết trình thường xuyên dần dần hình thành thói quen viết và phân tích một cách có hệ thống thông tin. Quá trình làm việc nhóm và tự tìm kiếm góp phần hình thành cho học viên năng đánh giá, phân loại và hệ thống hóa kiến thức.
Trong quá trình này, giảng viên phải theo dõi và nhiều khi đưa ra một số biểu mẫu, gợi ý về cách trình bày và thường xuyên nhắc nhở sinh viên, tránh để sinh viên trình bày lủng củng, dài dòng và xa rời trọng tâm.
Sinh viên sẽ phải làm quen với việc bố cục và phân chia các đề mục thông tin sao cho mạch lạc và logic đồng thời làm quen dần với tính năng của các phần mềm trình bày, dàn dần sẽ nắm vững và thành thạo về cách sử dụng phần mềm cũng như cách diễn đạt nội dung sao cho hiệu quả nhất.
Học cách trình bày các bài tập được giao như một đề án thực tiễn có chương, mục và luận điểm, luận cứ rõ rệt, cũng như học cách trình bày trực quan, cô đọng, biết gạn lọc và bỏ đi những phần rườm rà, rắc rối sao cho người xem dễ hiểu và dễ tiếp thu nhất.
Thói quen trình bày có hệ thống cũng giúp ích hiệu quả trong việc rèn rũa tư duy logic, tập cho sinh viên trình bày nghiêm chỉnh, cẩn thận.
Thói quen trình bày có hệ thống cũng giúp ích nhiều cho sinh viên khi viết hồ sơ sản phẩm (Portfolio) và CV xin việc sau này, nó cũng tạo ra nếp học tập và làm việc bài bản, khoa học rất cần thiết cho quá trình làm việc thực tế sau này.
Ngoài ra, việc sinh viên tự cải thiện kỹ năng sử dụng các công cụ soạn thảo trình diễn như Powerpoint, Ilustrator, Indesign trong quá trình làm việc.
Chính việc thường xuyên phải làm việc với các công cụ soạn thảo cũng tạo ra thói quen trình bày hình ảnh và phân cấp thông tin trực quan, mạch lạc và thẩm mỹ.
Sao cho bài thu hoạch dễ hiểu và bắt mắt, góp phần tạo nên thói quen trình bày đề tài sao cho trực quan và hiệu quả, giúp ích cho công việc thiết kế ngoài đời sau này.
3.5. Tìm kiếm sự giúp đỡ từ khách mời trong ngành Design.
Trong nhiều môn học, các bạn sinh viên trường đại học mỹ thuật công nhiệp Á Châu thường xuyên được lắng nghe, trao đổi, học tập cùng các khách mời là các nhà thiết kế, các giám đốc sáng tạo của các công ty thành công trong lĩnh vực thiết kế trong những buổi giao lưu ngoại khóa.
Ví dụ như ông Kim Tuấn Thành, giám đốc sáng tạo của công ty ATH Media , một công ty chuyên về tư vấn thiết Nhận diện thương hiệu và tư vấn kế Nội thất, Ông Nguyễn Đình Nguyên, Giám đốc Sáng tạo của công ty quảng cáo và truyền thông NguyenComm, anh Cù Minh Khôi họa sỹ trưởng của sự án Đại Việt Cổ Phong, chuyên khôi phục hoa văn cổ truyền…
Các diễn giả có kinh nghiệm lâu năm và thành đạt trong ngành cũng như có mỗi quan hệ bằng hữu thân thiết với nhà trường sẽ góp phần truyền đạt lại nhiệt huyết và sự từng trải tới các em sinh viên.
Đồng thời nhờ đó, lý giải cụ thể hơn về lợi ích của các môn học lý thuyết như môn lịch sử Design và Lịch sử Mỹ thuật trong công việc và cuộc sống thực tiễn.
Nguyễn Nhật Minh
Xem thêm bài viết: Ảnh hưởng của hệ thống cơ sở vật chất với tài liệu lý luận
Bạn đang xem bài viết:
Biện pháp cải thiện phần nội dung lý thuyết môn Design
Link https://myhocdaicuong.com/do-hoa/bien-phap-cai-thien-phan-noi-dung-ly-thuyet-mon-design.html