Những nghiên cứu chính về điều kiện cơ sở vật chất của môn lịch sử Design, và những vấn đề liên quan đến nguồn tài liệu lý thuyết dành cho riêng cho lịch sử Design hiện nay.
1. Hạn chế về nguồn tài liệu tham khảo.
Hiện nay, môn Lịch sử Design có sẵn giáo trình chính thức do thầy Lê Huy Văn và Trần Văn Bình soạn thảo, ngoài ra còn có nhiều tài liệu bằng ngoại ngữ phong phú nhưng cần phải được chọn lọc, biên dịch và soạn thảo lại sao cho phù hợp với chương trình giảng dạy và khả năng tiếp thu của sinh viên.
Hiện tại môn Lịch sử Kiến trúc cũng đã có giáo trình chính thức do thầy Đặng Thái Hoàng biên soạn, tuy nhiên Lịch sử Thời trang và Lịch sử Nội thất hiện tại chưa có nguồn tài liệu tiếng Việt chính quy.
Hiện tại nguồn tài liệu tiếng Việt dành cho môn Lịch sử Design là khá hạn chế. Tính cho tới thời điểm hiện tại, chỉ có cuốn giáo trình chính thức là Lịch sử Design của Lê Huy Văn và Trần Văn Bình xuất bản vào năm 2001.
Các tài liệu tham khảo còn lại chủ yếu là các nghiên cứu nhỏ lẻ của các giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội hoặc một số cá nhân làm việc trong ngành Đồ họa.
Nhiều bộ sách và tư liệu chính thống về lịch sử Design mới được xuất bản với khá nhiều cập nhập mới hiện chỉ có sẵn bằng tiếng nước ngoài, yêu cầu cần bỏ ra nhiều công sức dịch thuật, chọn lọc và sưu tầm lại phục vụ cho công tác giảng dạy.
Mặc dù những năm gần đây, ngành Design luôn được xem như như một ngành mới mẻ, hứa hẹn một mức lương hấp dẫn và thu hút rất nhiều người trong giới trẻ theo học và có tốc độ phát triển như vũ bão nhưng Lịch sử Design chưa được đại chúng quan tâm đánh giá đúng mức.
Nhiều học viên mới thường có tâm lý đi tắt bằng cách học lấy những kỹ năng sử dụng phần mềm, công cụ như bất cứ một ngành thủ công nào và chỉ đơn giản là bỏ qua phần hoàn toàn học lý thuyết căn bản.
Do đó để lại hậu quả không nhỏ khi ngành Design yêu cầu chất lượng thẩm mỹ và tư duy khá cao, lâu dần các thiết kế kém chất lượng sẽ nhận được giá thành thấp và người thiết kế tồi nhanh chóng bị đào thải.
Sự phát triển ồ ạt về số lượng người công tác trong ngành Đồ họa càng khiến cho quy luật cạnh tranh, đào thải trở nên khốc liệt hơn, tuy vậy, tâm lý bỏ qua phần gốc để tiếp cận phần ngọn vẫn luôn tồn tại như một chướng ngại không nhỏ trong suy nghĩ của nhiều sinh viên mới vào nghề.
Điều này dẫn đến sự hổng kiến thức và làm cho khả năng thích ứng, sáng tạo với nghề và khả năng trụ vững trong nghề suy giảm theo.
2. Thiếu sót trong phương pháp dạy học.
Thời lượng để dạy môn Lịch sử Design là khá ngắn và số tiết học không nhiều nên phương pháp dạy học chủ yếu là thuyết trình chiếm hầu hết thời lượng tiết học. Phần lớn thời gian, giảng viên sẽ phải diễn thuyết để truyền đạt kiến thức cho học trò.
Ít có điều kiện để sinh viên làm các bài tập thực hành trên lớp và cách giảng dạy này dễ đi vào tiếp thu một chiều, thụ động tạo cảm giác nhàm chán cho người học.
Ngay cả việc sử dụng đồ dùng trực quan, thiết bị trình chiếu cũng khá hạn chế, trang thiết bị vật tư còn có lúc gặp trục trặc, gây ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng dạy học.
3. Hạn chế về thời gian.
Thời gian để giảng dạy và học tập môn Lịch sử Design trong một niên khoá là không nhiều nhưng lại đòi hỏi phải truyền tải một lượng kiến thức lớn.
Chỉ với 6 buổi học với 30 tiết phải truyền đạt tất cả những gì yêu cầu trong hệ thống giáo trình giáo án và ít có cơ hội cho các bài tập thực hành – luyện tập.
Thời gian hạn hẹp cũng khiến cho giảng viên hiếm khi trình bày được hết ý và cũng hiếm khi có đủ thì giờ để sinh viên có thể thảo luận – làm việc nhóm một cách thoải mái trên lớp.
Giảng viên thường phải thu ngắn một lượng không nhỏ kiến thức về các giai đoạn hay các trường phái thiết kế, do đó, khó có thể truyền đạt cặn kẽ và đầy đủ kiến thức đến sinh viên.
Thay vào đó, việc tự học tự tìm tòi thêm trở thành một kỹ năng và thậm chí là một gánh nặng bắt buộc đối với bất kỳ một sinh viên nào.
Điều đó yêu cầu một sự tự giác cao và sinh viên cần phải chiến đấu với tâm lý học đối phó cũng như gạt bỏ lối suy nghĩ từ bỏ căn bản để chạy thoe học ngay các kỹ năng máy tính.
Những sinh viên không từ bỏ suy nghĩ này thường học kém luôn cả các môn lý thuyết cơ bản khác như Cơ sở tạo hình mặt phẳng hay Cơ sở tạo hình khối, việc này hoá ra không tiết kiệm thời gian học mà còn ảnh hưởng đến chất lượng tay nghề sau này của các em.
Việc giải thích cho sinh viên hiểu được tầm quan trọng của lý thuyết và tính năng bổ trợ của nó cho công việc là một phần quan trọng trong công tác giảng dạy nói chung của nhiều môn học lý luận.
4. Khối lượng kiến thức lớn.
Khối lượng kiến thức của Lịch sử Design không chỉ trải dài trên một khoảng tời gian rất lớn với rất nhiều phong cách thiết kế và các giai đoạn phát triển khác nhau của Mỹ thuật.
Nội dung môn Lịch sử Design còn gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của loài người, có nhiều phần kiến thức chung với các môn Lịch sử Mỹ thuật, Lịch sử Kiến trúc, Lịch sử Văn minh nhân loại…
Cũng vì có khối lượng kiến thức trải quá rộng trên nhiều lĩnh vực và nhiều thời kỳ, nên rất khó để giảng viên liệt kê đầy đủ chi tiết và truyền đạt đầy đủ thông tin tới người học.
Cố gắng truyền đạt tất cả nội dung trên vào 6 buổi học trên lớp có thể dẫn đến nội dung bị pha loãng, khó nắm bắt trọng tâm và khó ghi nhớ đối với sinh viên.
Quỹ thời gian học trên lớp cũng tương đối eo hẹp và buộc phải tập trung vào những phần cốt lõi, một số kiến thức giữa các môn lịch sử khác nhau có thể trùng lặp, gây cảm giác nhàm chán.
Mặt khác, việc truyền đạt bằng lý thuyết thuần tuý khó giúp cho sinh viên nhận ra mối liên hệ mật thiết giữa Lịch sử Design và công việc Design thực tiễn mà các em đang theo học.
5. Hạn chế của phương tiện trình chiếu và giáo án điện tử.
Công nghệ hiện đại chỉ nên được xem là phương tiện hỗ trợ, giúp giảng viên đứng lớp chuyển tải tới học sinh những lượng thông tin mà phấn trắng, bảng đen và các phương tiện dạy học truyền thống khác không làm được.
Tuy nhiên, nếu lạm dụng quá mức, sử dụng không linh hoạt, phù hợp các phương tiện dạy học hiện đại có thể gây ra những “tác dụng phụ” không mong muốn, làm giảm đi quá trình tương tác cần thiết giữa thầy và trò.
Dạy học bằng trình chiếu trên màn hình (Powerpoint), thời gian gần đây còn xuất hiện thêm những thiết bị công nghệ dạy học hiện đại mới như: bảng điện tử thông minh, sách giáo khoa điện tử…
Không thể phủ nhận những tiện ích mang lại từ việc ứng dụng các phương tiện dạy học hiện đại vào quá trình dạy học. Khi sử dụng giáo án điện tử với những môn học, tiết dạy phù hợp, bài giảng của giảng viên có tính trực quan hơn.
Việc đưa giáo án điện tử và công nghệ thông tin vào giảng dạy đã góp phần “làm mới” tiết học lên nhiều. Nhưng thực tế, có những tiết dạy, giảng viên trình chiếu cho sinh viên quá nhiều thông tin, hình ảnh, số liệu khiến cho học sinh bị “quá tải” với những gì nghe và nhìn thấy.
Thời gian lẽ ra phải dành để sinh viên suy nghĩ, tư duy, thảo luận nhóm thì chủ yếu chỉ để sử dụng cho việc nghe và quan sát. Kết quả là, chuyển từ hình thức đọc – chép trước đây sang nhìn – chép, chiếu – chép.
Hiệu quả của tiết dạy vì thế không được cải thiện nhiều. Việc sử dụng giáo án điện tử vào dạy học giảng viên thường vấp phải một số khuyết điểm như sau:
– Bố trí nội dung thiếu hợp lý, như viết quá nhiều và thừa, viết quá ít và thiếu, nội dung quá phân tán hoặc quá dày đặc, khó theo dõi.
– Sử dụng màu sắc, âm thanh, video không hợp lí, không nhất quán…
– Cỡ chữ, kiểu chữ không thống nhất làm cho bài giảng lộn xộn. Kích cỡ chữ quá to hoặc nhỏ, phạm các vấn đề lỗi Font chữ hay dùng quá nhiều Font chữ trong bài dẫn đến gây rối và mất thẩm mỹ.
– Sai sót trong việc biên tập thứ tự trang, lỗi chính tả, lỗi văn bản.
– Quá lạm dụng về kiến thức bên ngoài, đưa những tư liệu chưa được thẩm định vào bài giảng.
– Lạm dụng các hiệu ứng trình diễn và âm thanh gây mất tập trung vào bài giảng.
– Sử dụng hình ảnh không đúng kích thước làm hình ảnh được xử lý không tốt, bị sai lệch độ phân giải, méo mó, sai màu sắc… gây mất thẩm mỹ và khó theo dõi.
– Việc kết nối và sử dụng Internet chưa được thực hiện triệt để và có chiều sâu; sử dụng không thường xuyên do thiếu kinh phí, do tốc độ đường truyền, mất nhiều thời gian và công sức để sử dụng công nghệ thông tin trong lớp học một cách có hiệu quả.
– Nội dung kiến thức nghèo nàn, chỉ sử dụng hình ảnh và hiệu ứng để lấp chỗ trống.
Một vấn đề khác cần được quan tâm là giá thành của các thiết bị dạy học hiện đại không hề rẻ, nhất là khi xảy ra hỏng hóc, trục trặc rất khó lòng thay thế.
Vì vậy, khi có sự cố xảy ra giảng viên cần chủ động xử lý tình huống, ví dụ như sử dụng máy tính cá nhân của mình để trình chiếu và nhanh chóng ổn định trật tự lớp học, yêu cầu sinh viên tập trung và cố gắng theo dõi bài giảng trong điều kiện màn chiếu nhỏ.
6. Kết luận
Đối với sinh viên các ngành thiết kế, việc ứng dụng hiệu quả kiến thức đã học vào công việc thực tiễn được là ưu tiên lớn hơn so với việc học và đọc rộng và nhiều kiến thức.
Do đó, mỗi sinh viên ở trình độ của mình không bị bắt buộc phải học thuộc hết tất cả lý thuyết hay tìm hiểu quá rộng, quá sâu như mức độ của một nhà nghiên cứu.
Vì lý do ngành nghề Design thiên về thực hành, chất lượng thể hiện qua sản phẩm thiết kế, sinh viên được khuyến khích ứng dụng các kiến thức đã học trong các môn Lịch sử Mĩ thuật và Lịch sử Thiết kế để tạo tác sản phẩm.
Ngoài ra, kiến thức đã học còn được ứng dụng vào việc thuyết trình ý tưởng, gia tăng tính thuyết phục của phương án sản xuất, tạo sự tin cậy và ấn tượng với khách hàng.
Bài tập thuyết trình là một phần quan trọng trong các môn học lý thuyết, và thậm chí cả trong các môn học thực hành, điều này luyện tập cho các em khả năng ghi nhớ nhanh gọn các sự kiện và các cột mốc tiêu biểu, ghi nhớ theo sườn bài, theo cây sơ đồ thay vì ghi nhớ bằng cách học thuộc đơn thuần.
Bài tập thuyết trình nâng cao khả năng ứng đối linh hoạt, ngắn gọn, cách trình bày đề tài sao cho hấp dẫn và cách phân chia các hạng mục trong bài sao cho logic, dễ hiểu.
Nhờ vào lối học tập khuyến khích về ứng dụng, thực hành, sinh viên sau khi ra trường có thể dễ dàng thích nghi với môi trường làm việc bên ngoài hơn.
Đồng thời, việc thực hành giúp hạn chế được phần nào được việc học rập khuôn mà thiếu ứng dụng thực tiễn, cũng như góp phần rèn rũa thêm tay nghề và kỹ năng thiết kế ở sinh viên.
Để tránh gây ảnh hưởng đến thời lượng học tập trên lớp, các bài tập thuyết trình và thực hành sẽ được giao cho sinh viên nghiên cứu trong thời gian về nhà và thực hiện theo nhóm.
Thông qua hoạt động nhóm sinh viên sẽ trau dồi thêm nhiều kỹ năng mềm, giảng viên đồng thời phải có biện pháp liên lạc, hướng dẫn.
Theo dõi các nhóm thực hiện công việc tại nhà để có thể điều chỉnh nội dung bài tập, tránh những lỗi sai phạm cơ bản và đảm bảo tính hợp lý, khoa học của nội dung bài tập.
Nguyễn Nhật Minh
Xem thêm bài viết: Các đặc điểm chính của môn lịch sử Design là gì?
Bạn đang xem bài viết:
Ảnh hưởng của hệ thống cơ sở vật chất với tài liệu lý luận
Link https://myhocdaicuong.com/do-hoa/anh-huong-cua-he-thong-co-so-vat-chat-voi-tai-lieu-ly-luan.html