3 nhóm trong phương pháp dạy học ngành Design là gì?

3 nhom trong phuong phap day hoc nganh design la gi

Phương pháp dạy học Design tốt nhất là áp dụng nhóm sử dụng ngôn ngữ, nhóm trực quan, và nhóm thực hành để thành công trong tương lai.

1. Nhóm sử dụng ngôn ngữ

Trong nhóm này, chúng ta sẽ cùng đi qua các phương pháp dạy chính là phương pháp dạy học gợi mở – vấn đáp; và phương pháp thuyết trình để giúp một Designer trở nên giỏi nhất.

1.1 Phương pháp dạy học gợi mở – vấn đáp

Phương pháp dạy học gợi mở – vấn đáp là quá trình tương tác giữa giảng viên và sinh viên thông qua hệ thống câu hỏi – đáp tương ứng về một chủ đề nhất định được giảng viên đặt ra.

Qua việc hỏi – đáp, giảng viên có thể dẫn dắt, khơi gợi được suy nghĩ, ý tưởng của sinh viên, từ đó sinh viên dần dần tiếp thu và lĩnh hội được kiến thức trong bài giảng.

Vấn đáp là cách thức tốt để kích thích suy nghĩ độc lập của sinh viên. Bằng cách này sinh viên có thể hiểu và ghi nhớ nội dung học hơn là phải học thuộc lòng.

Dùng lời để gợi mở vấn đáp gián tiếp giúp lôi cuốn mọi người tham gia vào bài học, làm cho không khí lớp học sinh động, kích thích hứng thú học tập và trí tò mò.

Vấn đáp cũng là cách để các học viên giúp đỡ nhau trong học tập, rèn luyện cho học viên khả năng liên tưởng, khả năng diễn đạt sự hiểu biết của mình và khả năng nắm bắt ý, hiểu ý diễn đạt của người khác.

Các thành viên yếu hơn có điều kiện học tập các thành viên có trình độ khá hơn trong nhóm, có điều kiện tiến bộ trong quá trình hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Vấn đáp cũng giúp cho giảng viên thu nhận tức thời nhiều thông tin phản hồi từ phía học viên, đánh giá được mức độ hiểu bài của học viên và duy trì sự chú ý của học viên, giúp kiểm soát và quản lí lớp học.

1.2 Phương pháp thuyết trình

Phương pháp thuyết trình hay phương pháp diễn giải là phương pháp giảng dạy học phổ thông nhất, nhưng không phải lúc nào cũng đạt hiệu quả tốt.

Giảng viên sử dụng ngôn ngữ cùng với các phương tiện hỗ trợ như phần mềm trình chiếu hình ảnh Power point, Bảng- phấn, phim tài liệu, máy tính, sách báo, Poster… để diễn đạt cho người học hiểu các khái niệm, qui luật và nguyên lý của bài học.

Ưu điểm của phương pháp thuyết trình là chủ động trong tiến trình đào tạo: tập trung vào trọng tâm bài giảng, kiểm soát được thời gian dạy học, nội dung bài và thứ tự truyền đạt thông tin.

Phương pháp thuyết trình có thể truyền tải được khối lượng kiến thức lớn trong một thời gian hạn hẹp và phù hợp với số đông sinh viên trong điều kiện thiếu trường lớp và phương tiện hỗ trợ dạy học.

Nhược điểm của phương pháp này là hầu như chỉ cung cấp thông tin theo hướng một chiều, sinh viên ở vào thế bị động nên khó nắm được hiệu quả của bài giảng.

Dễ phát sinh tâm lý nhàm chán và mệt mỏi khi phải nghe, chép quá lâu và phụ thuộc quá nhiều vào kinh nghiệm và khả năng diễn thuyết riêng của từng giảng viên.

Giảng viên vừa phải truyền đạt cho người nghe nắm được mục tiêu và yêu cầu của bài giảng, vừa có ngôn ngữ diễn đạt phù hợp với trình độ người học.

Tốc độ phải phù hợp với người nghe, phải chú ý đến nhiều vấn dề khác như quỹ thời gian của tiết học, trật tự lớp và thái độ tiếp thu của người học.

Chưa kể, học viên cũng cần phải được nhìn thấy và nghe thấy giảng viên một cách tương đối rõ ràng mới có thể lĩnh hội và tiếp thu bài học có hiệu quả.

2. Nhóm trực quan

Trực quan là một trong những nguyên tắc cơ bản của lí luận dạy học truyền thống, nhằm giúp cho học viên nắm được những khái niệm cơ bản dựa trên việc trực tiếp quan sát hình ảnh, hiện vật hay đồ dùng trực quan minh họa cho bài giảng.

Dạy học trực quan là phương pháp sử dụng những phương tiện trực quan, phương tiện kĩ thuật hỗ trợ dạy học để hỗ trợ, củng cố, trình bày diễn đạt nội dung bài học sao cho sinh viên dễ nắm bắt nhất.

Đồ dùng trực quan là chỗ dựa biểu đạt nội dung cơ bản của kiến thức, là phương tiện hiệu quả để miêu tả các ví dụ hay các khái niệm, giúp học sinh viên dễ nắm vững nội dung bài hơn.

Trong việc dạy học môn Lịch sử Design hay nhiều môn Lịch sử khác, phương pháp trực quan rất hữu ích, và dễ truyền đạt được mục đích của bài học tới sinh viên.

Ví dụ như khi trình chiếu cho học viên xem hình ảnh về các thiết kế trong đầu thế kỷ XX và đối chiếu với những hình ảnh về những biến đổi văn hoá-nghệ thuật và công nghệ trong giai đoạn đó.

Khi được nhìn những hình ảnh trực quan sinh động, sinh viên sẽ ghi nhớ được kiến thức và tưởng tượng ra được mối liên quan giữa bối cảnh xã hội đầu thế kỷ XX với các trào lưu – phong cách thiết kế xuất hiện trong giai đoạn đó.

Ví dụ trực quan chính là cơ sở, là xuất phát điểm cho quá trình nhận thức và học tập của sinh viên, giúp hình thành cầu nối giữa lí thuyết và thực tiễn, cũng như là cách ngắn nhất để diễn đạt thông tin mà không cần phải thuyết trình quá nhiều.

Quy trình thực hiện phương pháp dạy học trực quan thường là:

– Giảng viên dùng những tư liệu, đồ dùng có tính chất minh họa hoặc hoặc bài tập của sinh viên khoá trước hay thậm chí là một thiết bị dồ dùng mới được thiết kế gần đây làm ví dụ… và nêu yêu cầu định hướng cho sự quan sát của học sinh.

Qua đó, giảng viên trình bày các nội dung trong sơ đồ, bản đồ,… tiến hành trình chiếu các phim ảnh tài liệu hoặc giáo án điện tử giải thích kỹ lưỡng hơn cho nội dung bài học.

– Giảng viên yêu cầu một số học viên trình bày, giải thích lại nội dung sơ đồ, biểu đồ hay tranh ảnh hay hiện vật sau đó trình bày lại ý kiến của bản thân và những kiến thức tự thu được sau khi xem các ví dụ trực quan.

Tiếp đến giảng viên sẽ nêu thêm câu hỏi mở rộng, như hỏi sinh viên về ý kiến đánh giá cá nhân của họ, cho các em sinh viên so sánh ý kiến với nhau, từ đó cung cấp thêm những kiến thức nâng cao.

– Từ những chi tiết, thông tin sinh viên thu được từ phương tiện trình chiếu và đồ dùng trực quan, giảng viên sẽ rút ra kết luận khái quát về vấn đề mà bài học vừa truyền tải.

Sử dụng đồ dùng trực quan có một vài hạn chế như khi quan sát tranh ảnh, video, nếu giảng viên không định hướng cho học viên quan sát sẽ dễ dẫn đến tình trạng học viên bị lạc đề, sa đà vào những chi tiết nhỏ lẻ, không quan trọng.

Phương pháp này đòi hỏi quản lý linh hoạt quỹ thời gian và đòi hỏi có những các đồ dùng trực quan, người dạy cần tính toán kĩ để phù hợp với thời gian tiết học quy định.

Nếu sử dụng đồ dùng trực quan không khéo sẽ làm phân tán sự tập trung của học viên, có thể gây mất trật tự và dẫn đến việc học viên không thu nạp được đầy đủ được những nội dung cốt lõi chính yếu của bài học.

Ngoài ra, giảng viên có thể yêu cầu sinh viên thực hiện những bài tập nhỏ, như sưu tầm những hình ảnh hay dồ dùng trực quan liên quan đến kiến thức bài học. Sau đó yêu cầu dựa vào những tư liệu thu thập được để thuyết trình lại phần hiểu bài và nghiên cứu bài của mình.

3. Nhóm thực hành

Trong nhóm này, chúng ta sẽ cùng đi qua những phương pháp dạy học luyện tập và thực hành, và làm thế nào để quá trình làm việc độc lập của sinh viên trở nên tốt hơn.

3.1. Phương pháp dạy học luyện tập và thực hành

Luyện tập và thực hành là phương pháp nhằm ôn tập, củng cố, bổ sung và bồi đắp vững chắc thêm các kiến thức lí thuyết đã học. Trong giai đoạn luyện tập, giảng viên thường quan tâm hướng sinh viên đến mục đích ghi nhớ hoặc học thuộc những đặc điểm quan trọng của bài học cũ.

Trong giai đoạn thực hành, giảng viên không chỉ cần nhấn mạnh vào việc học thuộc mà còn phải hướng học viên đến áp dụng hay sử dụng một cách hiệu quả các tri thức đã học để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau.

Thế nên, trong dạy học, bên cạnh việc cho sinh viên luyện tập một số chi tiết cụ thể của bài học, giảng viên cũng cần lưu ý cho sinh viên thực hành phát triển các kĩ năng.

Trong dạy học Lịch sử Design, hầu hết sinh viên thường nhanh chán nản nếu như phải đọc – chép – học thuộc lòng nhiều chi tiết của bài học.

Việc giao một số bài tập thực hành nhỏ như thiết kế một bưu thiếp hay tạo hình một bộ trang phục dựa trên những bài học về các trường phái Design có trong chương trình học sẽ giúp cho học viên có môi trường để hiện thực hoá những lý thuyết vừa thu lượm được.

Bài tập này trở thành cầu nối biến những kiến thức chữ nghĩa khô khan đơn thuần trở thành thực tiễn và sinh viên sẽ tự luyện tập và ghi nhớ – học thuộc các kiến thức một cách tự giác và tự nhiên hơn thay vì suy nghĩ tiêu cực về chúng như một gánh nặng buộc phải học thuộc lòng chỉ nhằm đối phó với chương trình học.

Luyện tập và thực hành có hiệu quả trong việc củng cố trí nhớ, tinh lọc và trau dồi các kĩ năng đã học, tạo cơ sở cho việc xây dựng kĩ năng nhận thức ở mức độ cao hơn.

Hơn nữa việc luyện tập và thực hành cần phải được tiến hành thường xuyên trong một số áp lực. Các bài tập luyện tập cần phải được lặp lại với áp lực tăng dần, nhanh hơn và khắt khe hơn, giúp cho sinh viên quen dần và thích nghi với áp lực học tập đồng thời ghi nhớ nội dung bài chính xác hơn.

Tuy vậy, áp lực không nên bị đẩy lên quá cao mà chỉ vừa đủ để khuyến khích học viên làm bài chăm chỉ và tập trung. Cần lưu ý, việc luyện tập có thể làm cho sinh viên nhàm chán nếu giảng viên không nêu mục đích một cách rõ ràng và không khéo động viên khuyến khích sinh viên.

Luyện tập các bài tập lặp lại dễ tạo tâm lí phụ thuộc vào bài mẫu, hạn chế sự sáng tạo và khiến cho nội dung bài dần trở nên nhàm chán. Do bản chất của việc nhắc đi nhắc lại kiến thức nên người học khó có thể đạt được sự lanh lợi và tập trung, dễ sa đà vào học vẹt, đặc biệt là khi chưa xây dựng được sự hiểu biết ban đầu đầy đủ.

Thời gian cho luyện tập, thực hành cũng không nên kéo dài quá dễ gây nên sự nhàm chán và tâm lý làm bài đối phó. Nên xây dựng các bài tập có sự phân hóa để khuyến khích mọi thành viên trong lớp học cùng tham gia thực hành luyện tập phù hợp với năng lực và sở trường của mình.

3.2 Quá trình làm việc độc lập của sinh viên

Quá trình làm việc độc lập chính là quá trình học tập tại nhà của sinh viên, yêu cầu kỹ năng, kiến thức và sự siêng năng rèn luyện của riêng từng cá nhân.

Ví dụ như những bài tập về nhà đòi hỏi và yêu cầu mỗi cá nhân phải vận dụng kiến thức chung đã lĩnh hội trên lớp, cộng với khả năng và sự sáng tạo của riêng mình để hoàn thành bài tập; qua quá trình đó học viên tự học và tự trau dồi thêm nhiều kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo cần thiết cho công việc.

Quá trình này giúp đánh giá được sự nỗ lực, siêng năng và khả năng sáng tạo riêng của mỗi cá nhân, góp phần thúc đẩy cạnh tranh và noi gương những người đạt kết quả tốt.

Trong quá trình sinh viên thực hiện công tác độc lập ở nhà, giảng viên cần chuẩn bị tư liệu tham khảo và những lời gợi ý hướng dẫn khi học viên cần tới sự giúp đỡ.

Giảng viên có thể yêu cầu sinh viên tự trình bày nội bài tập ở nhà cho cả lớp xem nếu bài tập có chất lượng tốt, qua đó nhận được sự đánh giá nhiều mặt của các thành viên khác, ngược lại cũng để các thành viên khác có thể học hỏi từ những những ưu khuyết điểm của bạn.

Việc phải trình bày trước đám đông cũng giúp ích ít nhiều cho sự phát triển kỹ năng mềm, mạnh dạn và tự tin trong giao tiếp cũng như khiến cho sinh viên tự tìm ra cách riêng của mình để có thể lôi cuốn và thuyết phục đám đông.

Nguyễn Nhật Minh

Xem thêm bài viết: Vai trò của lịch sử Design với công tác học tập và giảng dạy

Bạn đang xem bài viết:
3 nhóm trong phương pháp dạy học ngành Design là gì?
Link https://myhocdaicuong.com/do-hoa/3-nhom-trong-phuong-phap-day-hoc-nganh-design-la-gi.html

Các tìm kiếm có liên quan: 5 cách sử dụng tư duy thiết kế trong lớp học của bạn. Các bước tự học design cơ bản cho người mới bắt đầu. Cẩm nang tự học thiết kế đồ họa tại nhà chi tiết từ A đến Z. Học Design online ở địa chỉ nào. Học Design ở đâu uy tín chất lượng giá rẻ. Khóa học Design online nên mua ở đâu.

Các tìm kiếm có liên quan: Kĩ thuật thiết kế phương pháp dạy học theo hướng tích cực hóa. Khóa học thiết kế đồ họa ngắn hạn. Tự học design cơ bản như thế nào. Tự học design tại nhà ra sao. Tự học đồ họa như thế nào. Tự học thiết kế đồ họa 3D. Thiết kế mô hình phương pháp dạy học hiệu quả. Vẽ xấu có học thiết kế đồ họa được không.


Ngày đăng:

Chuyên mục:

Tác giả:

Lượt xem:

37

Tags:

error: