Quy luật của thị hiếu là gì?

Thị hiếu thẩm mỹ cũng như mọi hiện tượng khác đều mang tính chất quy luật. Có nhiều loại quy luật chi phối, nhưng có ba loại thường xuyên tác động đến sự hình thành và phát triển của thị hiếu.

Đó là quy luật xã hội học, quy luật tâm lý học và quy luật thẩm mỹ học. Quy luật xã hội học và quy luật tâm lý học có liên quan chặt chẽ với nhau, nhiều khi cũng khó phân biệt. Còn quy luật thẩm mỹ học gần như là sự tổng hòa các quy luật kia về nội dung.

Việc phân tích quy luật của thị hiếu là nhằm đi sâu thêm một bước, tìm hiểu các yếu tố đã tạo nên sự đa dạng phong phú của thị hiếu, và từ đó tìm cách giáo dục, tổ chức cho mọi người có thể phát triển những biểu hiện của thị hiếu tốt và hạn chế, xóa bỏ các biểu hiện của thị hiếu xấu.

1. Quy luật xã hội học đổi mới không ngừng.

Đối với các mốt, thời trang, có một quy luật xã hội là quy luật đổi mới không ngừng. Hiểu được điều đó, ra không thể xóa bỏ, tiêu diệt sự đổi mới, mà tìm cách khống chế sự phát triển của các mốt xấu, và lợi dụng quy luật đổi mới để khuyến khích sáng tạo và hưởng ứng các mốt tốt lành mạnh.

Hoặc như sự ưa thích những tình huống hồi hộp. Vì làm như thế, nghệ thuật sẽ không còn hấp dẫn nữa. Ta tìm cách hạn chế tình trạng gây hồi hộp một cách vô nghĩa, rẻ tiền, thậm chí có hại, trong các tác phẩm nghệ thuật.

Nhất là loại truyện, phim khuếch trương bạo lực. Trái lại, ta khuyến khích việc sáng tạo những tình huống hồi hộp để thu hút người xem vào những sự tích giáo dục lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm.

Quy luật xã hội của thị hiếu là quy luật của sự phát sinh, phát triển và tiêu vong của các loại thị hiếu của các loại mốt.

Thị hiếu là sản phẩm tinh thần của một xã hội nhất định, xã hội thay đổi thì thị hiếu cũng thay đổi. Mảnh đất sinh trưởng trực tiếp của thị hiếu là sẽ sống, lối sống của con người.

Đồng thời, khi lối sống thay đổi thì thị hiếu cũng sẽ bị tiêu vong. Người say mê lẽ sống, lối sống lành mạnh, tích cực thì cũng có nhu cầu thị hiếu thẩm mỹ trong sáng tạo đẹp. Người ham lối sống lười biếng, lười học hỏi và lao động thì sẽ nảy sinh những nhu cầu thẩm mỹ thấp kém.

Do đó, khi hiểu quy luật xã hội, trước hết là quy luật hình thành và tiêu vong của thị hiếu, ta có thể biết được rằng muốn làm nảy nở hay tiêu diệt một loại thị hiếu, một loại mốt nào đó, ta phải theo đúng quy luật, là đi từ gốc rễ, phải cải tạo xã hội và lối sống, hay ít ra cũng phải lấy việc giáo dục cải tạo thị hiếu.

Không thể chỉ làm công việc phê phán thị hiếu đơn thuần, tách rời sự cải tạo xã hội và lối sống, càng không thể chỉ làm biện pháp hành chính để tiêu diệt thị hiếu xấu, làm như thế chẳng khác gì làm cỏ mà chỉ ngắt lá và ngọn cỏ.

Tóm lại, có thể thấy rằng, sự sinh thành, phát triển và tiêu vong của thị hiếu nói cho cùng có quan hệ với lẽ sống và lối sống của con người.

2. Quy luật xã hội học lây lan của thị hiếu.

Bên cạnh đó, quy luật cơ bản đó, ta cần quan tâm đến những quy luật đặc biệt như quy luật đổi mới không ngừng và quy luật lây lan của thị hiếu.

Xung quanh ta, thiên nhiên biến đổi không ngừng, màu sắc và ánh sáng đổi thay theo mặt trời, theo mùa, sự đổi thay của thời tiết khí hậu, của đời sống động vật và thực vật, của sự sinh nở và héo tàn.

Con người sống và hoạt động trong bối cảnh thiên nhiên về xã hội đó, tất nhiên cũng có nhu cầu đổi mới không ngừng đời sống của mình. Trong đó, có nhu cầu về thưởng thức cái đẹp, nhu cầu tô điểm làm đẹp cuộc sống.

Sự đổi mới thường xuyên của các mốt trong sinh hoạt thẩm mỹ là biểu hiện của tình hình đó. Nó là một quy luật khách quan, con người chỉ có thể lợi dụng nó để hướng dẫn, uốn nắn sự đổi mới chứ không thể ngăn chặn sự đổi mới.

Một bài hát dù hay đến đâu, cũng không thể hát mãi ngày nọ sang ngày kia. Từ chiếc áo, đôi dép, đôi giày, đến hình dáng chiếc ô tô, xe máy, điện thoại thông minh,… đều luôn luôn phải được cải tiến và đổi mới.

Một quy luật xã hội có tính phổ biến của thị hiếu thẩm mỹ là quy luật về sự lây lan. Các mốt mới được sinh ra nhanh chóng là nhờ quy luật của sự đổi mới, nhưng được truyền đi nhanh chóng là nhờ quy luật của sự lây lan.

Trên dãy núi Trường Sơn có thứ cây được đặt tên là “cây cải bay” là loại rau rừng có thể ăn được, có mùi thơm như mùi cải cúc. Gọi là cải bay vì hoa và hạt của nó bay đi rất nhanh. Nơi nào có một vài cây, lập tức mấy hôm sau cả vùng đất trở thành một bãi lọc đầy cải bay.

Ta có thể hình dung sự lây lan truyền của các mốt cũng như vậy. Đàn ông để tóc dài, quần ống loe, những bản nhạc pha tiết tấu và âm sắc của người da đen, da đỏ vừa mới thịnh hành ở một vài trung tâm u Mỹ, một vài năm sau đã lây lan ra khắp thế giới.

Các mốt cũng đi tìm bạn và tìm sự đồng điệu. Mốt của u Mỹ lan rộng khắp mảnh đất u Mỹ, và đến các nước phụ thuộc một cách dễ dàng như đi vào nhà mình, không cần hộ chiếu thông hành gì hết.

Trong quy luật lây lan của mốt, một hiện tượng dễ thấy là những mốt không lành mạnh, không đẹp thường lan nhanh ở nơi nào con người thiếu đời sống phong phú bên trong, thiếu óc thẩm mỹ đúng đắn. Khi đời sống bên trong nghèo nàn, trống rỗng thì người ta tự làm phong phú mình bằng cách bên ngoài.

Trong những điều kiện tạo nên sự lây lan của mốt, có điều kiện lứa tuổi và nghề nghiệp. Tuổi trẻ là lứa tuổi nhạy bén và vồ vập với các mới nhiều hơn lứa tuổi già. Những nghề nghiệp ít lam lũ có điều kiện tiếp thu mốt nhanh chóng hơn.

Một biểu hiện có vẻ mâu thuẫn nhưng rất biện chứng của quy luật lây lan là các mốt xấu thường xuất hiện ở những trung tâm văn minh. Hiện tượng đó nói lên rằng, các trung tâm gọi là văn minh.

Thường là nơi tập trung nhiều mâu thuẫn đối lập của nền văn hóa. Nơi tập trung của các đầu mối thông tin liên lạc và giao tiếp, nơi tập trung lan tỏa những gì tốt nhất và những gì xấu nhất.

Sự lây lan không phải chỉ biểu hiện ở những loại thị hiếu xấu, các mốt xấu. Sự ảnh hưởng lây lan của các mốt mới với vẻ đẹp trong sáng giản dị, hài hòa, lành mạnh vẫn được phát triển trong lớp người mới, trong những con người có cuộc sống lao động chân chính và lý tưởng thẩm mỹ cao đẹp.

Những năm gần đây, tâm lý học đã đi sâu nghiên cứu những hiện tượng tâm lý biểu hiện trong những mặt hoạt động khác nhau của con người. Trong đó, có tâm lý thẩm mỹ và tâm lý nghệ thuật.

Thị hiếu thẩm mỹ là một mục tiêu nghiên cứu của tâm lý học thẩm mỹ và tâm lý học nghệ thuật. Những thành tựu mới nhất của các khoa học này về mặt thực nghiệm, là những thành tựu nghiên cứu về thị hiếu thẩm mỹ.

Ở đây, ta thử đi vào những khía cạnh tâm lý, biểu hiện thành những quy luật tâm lý của thị hiếu thẩm mỹ.

3. Quy luật tâm lý học của thị hiếu thẩm mỹ.

Tâm lý con người cũng như một bộ máy ra đa phức tạp, và bao giờ cũng hoạt động định hướng. Sự định hướng về tâm lý là do nhu cầu bên trong của con người muốn phản ánh hay tác động đến đối tượng bên ngoài.

Nếu bắt gặp đối tượng phù hợp với nhu cầu đó, lập tức bộ máy ra đa đó hoạt động mạnh mẽ để thu hút hình ảnh đối tượng vào mình. Quy luật tâm lý chính là quy luật thích ứng giữa nhu cầu và tình cảm của con người và đối tượng bên ngoài.

Nói cụ thể hơn, về phương diện thẩm mỹ, đó là sở thích của con người về cái đẹp, về tác phẩm nghệ thuật và những cái đẹp, những tác phẩm nghệ thuật đó đã đáp ứng đúng theo sở thích của con người.

Sở thích và đối tượng hoàn toàn phù hợp, nhu cầu tình cảm được thỏa mãn, đó là quy luật tâm lý đang hoạt động thuận chiều. Nắm bắt và khai thác các quy luật tâm lý của con người trong thưởng thức cái đẹp và nghệ thuật là việc làm của con người sáng tác, người tổ chức chỉ đạo công tác văn hóa nghệ thuật.

Ngay cả những người làm công việc kinh doanh trực tiếp hay kinh doanh online những hàng hóa có liên quan đến thẩm mỹ, cũng khai thác những quy luật tâm lý này.

Một cuốn sách in hàng vạn bản mới ra đã được bán hết, nhưng cũng có cuốn sách in rất ít nhưng bày trong tủ kính hàng năm trời vẫn không có ai hỏi đến. Có bộ phim người chen đầy cửa rạp để mua vé vào xem, nhưng cũng có bộ phim khán giả chỉ ngồi xem trên năm ba hàng ghế, hoặc rất ít.

Ta thấy quy luật tâm lý của thị hiếu thẩm mỹ cũng gần giống như thứ quy luật cung cầu trên thị trường: cũng có sự hâm mộ và đắt hàng, hay sự lạnh nhạt và ế ẩm. Và điều đó đã nói là quy luật thì ta không thể xử lý một cách chủ quan, bằng biện pháp áp đặt.

Trong khi chọn lọc món ăn hoặc tiêu dùng hàng hóa, con người ta có những ý thích, những nhu cầu khác nhau. Trong thưởng thức cái đẹp và nghệ thuật cũng có nhu cầu như vậy.

Trong con người, các nhu cầu về tình cảm rất phức tạp, nó là hiện tượng xã hội gắn bó với đạo đức với quan điểm chính trị xã hội, và nó chia ra hai loại chiều hướng rõ rệt: nhu cầu và tình cảm cao thượng, nhu cầu và tình cảm thấp kém.

Do đó, khi nói đến sự vận dụng quy luật tâm lý của thị hiếu thẩm mỹ, cần luôn luôn chú ý đến hai chiều hướng khác nhau đó.

4. Quy luật tâm lý học về say mê cái đẹp và nghệ thuật.

Một quy luật tâm lý phổ biến khác nhau là sự say mê cái đẹp và nghệ thuật. Những trang tiểu thuyết, những vở tuồng, những bộ phim, bài ca, bản nhạc, cho đến những vẻ đẹp hình thức của con người và của mọi vật xung quanh bao giờ cũng thu hút niềm say mê của con người.

Niềm say mê đó là quy luật tâm lý. Quy luật say mê nghệ thuật trong tâm lý con người cũng là một thực tế cần phải biết lợi dụng sức mạnh của nó theo chiều hướng có lợi.

Từ việc chăm lo đến vẻ đẹp hình thức của trang phục, nơi ăn chốn ở đến việc sáng tác những tác phẩm nghệ thuật, đều thể hiện năng lực sáng tạo và nhu cầu đó của con người. Vận dụng quy luật này, ta cần phải coi trọng hình thức.

Trong khi chủ trương nội dung là yếu tố cơ bản, ta vẫn không quên chăm lo yếu tố hình thức. Không nên phân liều lượng dành công sức nặng hay nhẹ cho nội dung hay hình thức, mà phải xem trọng việc chăm lo cả hai mặt đó, mới mong đạt tới sự hấp dẫn của nghệ thuật, mới thực hiện được chức năng xã hội của nghệ thuật.

Đó là nói về sự đáp ứng quy luật tâm lý ưa chuộng hình thức đẹp, không phải chỉ trong nghệ thuật mà trong tất cả lĩnh vực sinh hoạt thẩm mỹ, trong đời sống hàng ngày.

Tuy nhiên, chiều hướng thứ hai, chiều hướng tiêu cực của loại quy luật tâm lý này, cũng cần phải thấy rõ để tìm cách hạn chế. Đó là xu hướng sinh hình thức, cầu kỳ hoặc rối rắm, phô trương rơi vào chủ nghĩa hình thức.

5. Quy luật tâm lý học của sự ham thích xung đột gay cấn.

Một loại quy luật tâm lý khác trong thị hiếu thẩm mỹ của con người là sự ham thích những tình huống xung đột gay cấn trong nghệ thuật. Khi xem truyện, xem kịch, xem phim hay cả trong khi xem xiếc, xem thể thao người ta thường muốn chứng kiến những phút giây hồi hộp căng thẳng của trạng thái xung đột.

Từ xưa tới nay, các loại nghệ thuật đã thường xuyên thay đổi các yếu tố xung đột này để đáp ứng nhu cầu tâm lý đó. Tuy nhiên, quy luật này cũng có hai chiều hướng tích cực và tiêu cực.

Khi muốn vận dụng theo chiều hướng tích cực, ta khai thác những xung đột kịch tính trong đời sống, để đưa vào tác phẩm nghệ thuật, nhưng cần lựa chọn những xung đột có ý nghĩa, có tác dụng giáo dục tốt, như xung đột giữa các chính nghĩa và phi nghĩa, giữa thiện và ác, … nhằm khẳng định ca ngợi cái chính nghĩa, cái thiện.

Trong điện ảnh thương mại, người ta thường lạm dụng, khai thác những pha gây hồi hộp căng thẳng bằng những vụ tống tiền, cướp của, giết người,… Những phim, truyện lạm dụng yếu tố bạo lực thường thu hút người xem rất đông, chính vì nó đã khai thác tốt được quy luật tâm lý trên.

Bằng mọi giá, mọi thủ đoạn rẻ tiền, những kẻ viết sách, dựng phim và cho lưu hành loại này, chỉ vì mục đích thương mại đơn thuần nhờ lợi dụng yếu tố trong tâm lý cảm thụ thẩm mỹ của công chúng.

Trong ngành xiếc và võ thuật cũng vậy. Nếu chỉ vì mục đích hấp dẫn để thu hút nhiều tiền, người ta tìm cách khai thác những thao tác đầy tính chất mạo hiểm, lại không có bảo hiểm tương xứng, coi nhẹ tính mạng người diễn viên, tạo ra sự hồi hộp kèm theo nỗi khiếp sợ có hại cho tâm lý người xem.

Nếu khai thác quy luật này theo chiều hướng tích cực, lành mạnh, người ta sẽ biết tạo ra những thao tác gợi hứng thú về những pha hành động dũng cảm gan dạ, gợi tình cảm khâm phục và quý trọng đối với diễn viên.

6. Quy luật tâm lý học của tình yêu.

Ta có thể dẫn chứng thêm một loại quy luật tâm lý nữa, là sự rung động trước những câu chuyện tình yêu. Thật khó tưởng tượng một tác phẩm nghệ thuật không có tình người.

Đó là tình yêu cha mẹ, anh em, tình yêu bè bạn, tình yêu nam nữ. Trong đó, tình yêu nam nữ là một loại đề tài muôn thuở. Tình yêu nói chung, tình yêu nam nữ nói riêng, là nhu cầu và quy luật tất yếu trong thẩm mỹ và nghệ thuật.

Hình ảnh người phụ nữ và những câu chuyện yêu đương đã được các nghệ sĩ tìm cách miêu tả với nhiều xúc động say mê. Người đọc và người xem cũng hưởng ứng với những xúc động say mê như vậy. Và ở đây, cũng diễn ra hai chiều hướng khác nhau.

Có loại nghệ thuật phản ánh những tình yêu đẹp, giàu chất nhân bản. Có loại nghệ thuật miêu tả những thứ tình ái vô luân sa đọa, không nhằm phê phán. Loại văn hóa phẩm thương mại thường khai thác những chuyện tình cảm rẻ tiền, và những hình ảnh khiêu gợi nhục cảm, hủy diệt mỹ cảm của con người.

7. Quy luật thẩm mỹ học hài hòa.

Ngoài những quy luật xã hội học và tâm lý học, còn cần chú ý đến những quy luật thẩm mỹ học. Như trên đã nói, quy luật thẩm mỹ vận động trên cơ sở xã hội và tâm lý. Vậy có thể xem đây là sự tổng hòa những quy luật xã hội học và tâm lý học.

Việc phát triển hình thức ca khúc tuổi trẻ ở nhiều nước trong những năm gần đây, vừa là do tính năng động của hình thức sinh hoạt văn hóa trong xã hội hiện đại, trong những thành phố công nghiệp, vừa là đáp ứng một nhu cầu tâm lý của công chúng.

Nhất là tuổi trẻ mong có một loại nghệ thuật phản ánh nhanh và nhạy nhất về mặt tình cảm của con người. Tuy nhiên, khi nói đến những quy luật thẩm mỹ, cần nhấn mạnh tính đặc thù của nó, so với những quy luật tâm lý và xã hội.

Một quy luật thẩm mỹ đáng lưu đầu tiên là quy luật của cái hài hòa. Trong lịch sử của cái đẹp và lịch sử nghệ thuật, sự phát triển của cái hài hòa thường đi từ thấp đến cao, từ hẹp đến rộng, từ đơn giản đến phức tạp, từ cụ thể đến trừu tượng.

Mặt khác, cái hài hòa luôn được điều chỉnh theo chiều hướng tiến bộ, xét về mặt khoa học và lịch sử. Ở đây, cũng có quy luật của sự đào thải, như quy luật đào thải trong tự nhiên: cái gì không hài hòa trước sau cũng bị hủy diệt.

Nhìn vào lịch sử nghệ thuật tạo hình, và lịch sử âm nhạc, ta thấy rất rõ sự phát triển và biến đổi không ngừng của thị hiếu nghệ thuật, cũng là sự biến đổi của cái hài hòa.

Không thể lấy thị hiếu khi xem những pho tượng Hy Lạp, xem tranh thời phục hưng, nghe nhạc của trường phái cổ điển thế kỷ XVIII để làm mẫu mực cho thị hiếu của con người hiện đại.

Biết khai thác quy luật phát triển hài hòa từ cụ thể đến trừu tượng, người sáng tác sẽ biết nâng cao trình độ của tác phẩm nghệ thuật lên ngày càng cao, đáp ứng được nhu cầu của thị hiếu ngày một phát triển của con người.

Nhưng… cái hài hòa, cái đẹp chỉ còn hài hòa nếu không xa rời cuộc sống. Nếu phát triển bằng con đường xa rời cuộc sống, nghệ thuật sẽ khô cứng và trừu tượng.

Cũng như vậy, cần giải thích cho được cái hài hòa của những mốt, những tiện nghi mà thoạt nhìn chỉ thấy vẻ kỳ cục của nó. Ở đây, cần có sự nhạy cảm và minh mẫn về cái hài hòa, để khỏi lẫn lộn vàng thau.

8. Quy luật thẩm mỹ học chi phối.

Về mặt thẩm mỹ, cũng cần chú ý đến quy luật chi phối, tác động lẫn nhau giữa nội dung và hình thức. Vai trò chủ đạo của nội dung là điều tất yếu, nhưng hình thức cũng có sức mạnh tự thân của nó.

Nếu không thì cần gì đến hoạt động của mốt, cần gì những đội quân nhạc, cần gì những tấm huân chương, hay những quân phục chính quy,… Không thể hiểu máy móc, thô thiển theo lối: tóc tai quần áo là hình thức, đạo đức tư cách là nội dung, từ đó lấy tóc tai để quy ra tư tưởng và đạo đức.

Kinh nghiệm công tác văn hóa giáo dục ở nước ta và nước ngoài cho thấy lối suy luận này, đã đưa đến nhiều sự lầm lẫn đáng tiếc. Nhiều trường hợp sự suy đồi về đạo đức lại không bắt đầu từ tóc dài tóc rối, mà lại bắt đầu từ bộ tóc ngắn gọn gàng nghiêm chỉnh.

Khi ta nhấn mạnh vai trò quyết định của nội dung, thì lại quên mất vai trò độc lập tương đối của hình thức, nghĩa là không phải lúc nào hình thức cũng chịu thuần phục nội dung, có nhiều khi nó có ngôn ngữ riêng, không dễ dàng nhận ngay ra được. Khi ta sử dụng bộ lông con hổ, đâu phải vì ta có tính ác.

Qua một số điều phân tích trên, ta thấy thứ quy luật nào của thị hiếu thẩm mỹ cũng có hai mặt, hai chiều hướng tích cực và tiêu cực, cũng như sức mạnh của hai chiều hướng đó đều rất lớn.

Mỗi một cộng đồng, một phe nhóm, do mục đích riêng của mình, đều khai thác một trong hai chiều hướng đó. Trong việc xây dựng tư tưởng của tình cảm mới cho con người, chúng ta cần nghiên cứu những quy luật trên trong sinh hoạt thẩm mỹ, để khai thác sức mạnh của nó theo chiều hướng tích cực.

Lê Ngọc Trà
Lâm Vinh
Huỳnh Như Phương


Bạn đang xem bài viết:
Quy luật của thị hiếu là gì?
Link https://myhocdaicuong.com/dai-cuong/quy-luat-cua-thi-hieu-la-gi.html
#thammychoc #xahoihoc #tamlyhoc #myhoc #daicuong


Nội dung tìm kiếm khác: Định vị thị hiếu là gì; Khái niệm thị hiếu; Mối quan hệ giữa thị hiếu thẩm mỹ và thị hiếu nghệ thuật; Nắm bắt thị hiếu khách hàng; Nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng; Tính thời đại của thị hiếu thẩm mỹ; Thị hiếu trong thẩm mỹ; Thị hiếu khách hàng là gì; Thị hiếu là gì; Thị hiếu nghệ thuật; Thị hiếu người tiêu dùng cao cấp.

Nội dung tìm kiếm khác: Thị hiếu người tiêu dùng là gì; Thị hiếu Tiếng Anh là gì; Thị hiếu tiêu dùng là gì; Thị hiếu thẩm mỹ là gì; Thị hiếu thị trường là gì; Vai trò của thị hiếu thẩm mỹ; Ví dụ thị hiếu; Ví dụ về thị hiếu mỹ viện; Ví dụ về thị hiếu thẩm mỹ.

Tiêu đề bài viết: Quy luật của thị hiếu là gì?
Chuyên mục: Mỹ Học Đại Cương
Ngày đăng: February 14, 2024
Tác giả:
Lượt xem: 698 views
Website: https://myhocdaicuong.com
Link bài viết: https://myhocdaicuong.com/dai-cuong/quy-luat-cua-thi-hieu-la-gi.html