Nghệ thuật và bảng phân loại nghệ thuật là gì?

Hệ thống hóa, phân loại các loại hình nghệ thuật và phân tích mối quan hệ giữa các nghệ thuật là một trong những đối tượng nghiên cứu quan trọng của mỹ học.

Nhưng muốn lập được bảng phân loại nghệ thuật trước tiên phải xác định nghệ thuật là gì(?). Đó là một tiền đề lý thuyết chưa bao giờ đạt được sự nhất trí trong ngành mỹ học.

Tuy nhiên, qua tất cả các định nghĩa về nghệ thuật, vẫn có thể tìm thấy được tiếng nói chung: một sản phẩm, một tác phẩm, một vật phẩm, được lọt vào vòng xem xét là nghệ thuật hay không phải, chưa phải là nghệ thuật, vẫn thuộc phạm trù cái đẹp, thuộc loại hoạt động sáng tạo thẩm mỹ của con người.

Một tòa nhà đẹp (kiến trúc), một cái gạt tàn thuốc đẹp (mỹ thuật ứng dụng), một bức hình đẹp (nhiếp ảnh nghệ thuật), một vũ điệu trên băng (thể thao nghệ thuật),… là những sản phẩm, những hoạt động có khi chưa được một trường phái mỹ học xem là nghệ thuật.

Vì các nhà mỹ học thuộc trường phái này, muốn hạn định phạm trù nghệ thuật trong khuôn khổ của những sáng tạo thuần túy tinh thần thuần khiết, không liên quan với việc sử dụng, với những mục đích thực tế vật chất.

Nhưng trong đời sống, những hoạt động nghệ thuật thuần túy đó luôn luôn gắn với những hoạt động thẩm mỹ khác, có khi kết hợp, hòa lẫn với nhau để cùng phục vụ nhu cầu thẩm mỹ đa dạng của con người, ranh giới có khi khó phân biệt.

Một kiệt tác hội họa có khi xuất xứ từ một bức tranh vẽ đền thờ, theo yêu cầu của tôn giáo, một giai điệu âm nhạc cổ điển có khi trở thành nhân tố tạo nên một chương trình quảng cáo.

Do đó, để tiến tới việc xây dựng một bảng danh mục nghệ thuật, cần phải thừa nhận một phạm trù nghệ thuật theo nghĩa rộng (bao gồm tất cả các loại hình sáng tạo thẩm mỹ ở trình độ cao).

Sau đó, sẽ phân biệt hai hệ thống, hai cấp độ khác nhau của các hoạt động đó, tạm gọi là hai hình thái, hai quá trình thẩm mỹ hóa bậc 1 và bậc 2. Đó là hai hệ thống nghệ thuật: nghệ thuật thuần nhất và nghệ thuật ứng dụng.

Trước khi lập bảng danh mục và phân loại nghệ thuật, nên xác định những đặc trưng bản chất của nghệ thuật, nói cách khác, cần tìm một câu định nghĩa về nghệ thuật.

Như trên đã nói, có thể hình dung thực tiễn đời sống thẩm mỹ như một sơ đồ có ba vòng tròn đồng tâm: vòng rộng nhất là bao gồm mọi hoạt động lao động của con người, ở đâu dù ít nhiều, cũng đi theo quy luật của cái đẹp (Marx).

Từ vòng tròn thứ hai, hoạt động theo quy luật của cái đẹp đạt đến một trình độ tập trung hơn, cao hơn. Đó là bắt đầu của thế giới nghệ thuật theo nghĩa rộng nhất của nghệ thuật. Vòng tròn thứ ba trong cùng, là hoạt động nghệ thuật thuần nhất.

Vậy, cần có hai định nghĩa, theo hai vòng tròn bên trong, một định nghĩa chung, và một định nghĩa chỉ dành cho hoạt động nghệ thuật thuần nhất. Cũng nên nói trước, định nghĩa là một thao tác khoa học rất khó, nhất là những phạm trù thuộc khoa học xã hội.

Vì định nghĩa là đem nhốt cả sự sống phong phú vào một công thức dễ chủ quan phiến diện. Nhưng làm lý luận không thể trốn tránh việc định nghĩa. Với nghệ thuật, ngay trong vấn đề đang trình bày, định nghĩa nhằm định hướng cho phân loại, và phân loại chứng minh cho định nghĩa.

Chẳng hạn, có thể định nghĩa để xếp chung xiếc và nghệ thuật sân khấu kịch vào một loại, nhưng cũng có thể định nghĩa để chúng ở hai loại hoàn toàn khác nhau.

Trong lúc đó, có thể định nghĩa để xếp hai nghệ thuật tưởng chừng rất khác nhau vào cùng một loại, đó là mỹ nghệ và xiếc, kiến trúc và thể thao nghệ thuật.

Vậy, theo ý nghĩa rộng rãi nhất, nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội, là một loại hoạt động tinh thần thực tiễn của con người, đi theo quy luật của cái đẹp ở trình độ phát triển cao, nhằm phục vụ cho con người một đời sống tinh thần phong phú, đáp ứng những nhu cầu và khát vọng của con người, vươn tới những giá trị chân thiện mỹ.

Nghệ thuật thuần nhất là gì?

Cùng mang tất cả những đặc điểm chung đó, loại nghệ thuật thuần nhất là hình thức sáng tạo đặc biệt, được tạo nên bởi người nghệ sĩ có cá tính độc đáo, có tâm hồn giàu cảm xúc, có tài năng sáng tạo.

Chữ thuần nhất nhằm nói tới sự thống nhất chặt chẽ và hài hòa giữa phương tiện và mục đích, giữa nội dung và hình thức trong loại hoạt động này. Nước ngoài có những từ ngữ như beaux arts, belles lettres (Pháp), văn nghệ thuật (Nga), để đối lập với nghệ thuật ứng dụng.

Nghệ thuật ở đây là tiếng nói tình cảm, tư tưởng của con người gửi đến con người, nhằm biểu đồng tình, kêu gọi, tác động, định hướng cho con người đi vào chiêm ngưỡng, chọn lựa những kinh nghiệm sống và kinh nghiệm tình cảm, thông qua cái cấu trúc cảm tính sinh động đơn nghĩa và đa nghĩa, tả thực và ước lệ, miêu tả và biểu hiện, tạo nên bởi tưởng tượng và hư cấu, đó là hình tượng.

Để tiếng tới một bảng danh mục nghệ thuật với sự phân loại cụ thể, xuất phát từ định nghĩa trên, tìm các tiêu chí, các bình diện để phân loại, xếp loại, đó là công việc của khoa hình thái học nghệ thuật.

Tư tưởng hình thái học có rất sớm từ trong mỹ học cổ đại, và trước đó nữa, là trong tư duy thần thoại. Người Hy Lạp xưa có cả một gia hệ các nữ thần (muses) tập hợp dưới trướng của Apollon, thần mặt trời, thần trí tuệ, và phần nghệ thuật.

Tất cả 9 nữ thần nghệ thuật tượng trưng cho 9 loại hình như hoạt động như sau: Clio (lịch sử), Euterpe (âm nhạc), Thalie (hài kịch và thơ điền viên), Melpomene (bi kịch), Terpsichore (múa), Erato (oán thi), Polymnie (thơ trữ tình), Uranie (thiên văn và hình học), Calliope (hùng biện và anh hùng ca).

Trong gia hệ các nữ thần này, con người cổ đại đã có ý thức kén chọn những tinh hoa thuộc về đời sống trí tuệ và tâm hồn, và coi trọng sự nhận thức của con người cả về khoa học và nghệ thuật, chưa tách biệt nghệ thuật ra khỏi khoa học, vẫn là một khối nguyên hợp những sáng tạo tinh thần.

Tuy không có mặt trong gia hệ này, nhưng kiến trúc và thủ công mỹ nghệ vẫn có những vị thần bảo trợ khác nhau, đó là vị thần lửa, cũng là thần luyện kim Hephaistos, chuyên lo xây dựng cung điện và rèn vũ khí cho các thần, dạy cho thế gian làm các lò rèn.

Nữ thần Athena con gái của Zeus, cũng là một nữ thần khoa học và nghệ thuật, chăm lo nghề kim chỉ thêu thùa và cả âm nhạc dụng cụ. Căn cứ trên tư duy thần thoại đó, các nhà mỹ học về sau đã dựng nên hai hệ thống nghệ thuật dưới sự chỉ đạo của hai vị thần: hệ thống Apollon (các nghệ thuật tinh thần) và hệ thống Hephaistos (các nghệ thuật vật chất).

Thâu tóm những quan niệm phân loại, những tư tưởng hình thái học qua các thời đại, có thể rút ra các cặp tiêu chí phân loại sau đây:

a) Tiêu chí bản thể (onthologie): NT không gian/ NT thời gian thực hoặc tĩnh/động.

Xác định điều kiện tồn tại của tác phẩm nghệ thuật. Từ đó, nảy sinh những đặc trưng về phương thức sáng tạo và thể hiện.

b) Tiêu chí tâm lý: NT thính giác/ NT thị giác

Thính giác gắn liền với tiêu chí nghệ thuật thời gian, thị giác gắn liền với nghệ thuật không gian. Cặp tiêu chí này phân chia nghệ thuật thành hai loại bị chi phối đặc trưng tâm sinh lý sáng tác và cảm thụ là nghe và nhìn.

c) Tiêu chí ký hiệu (sémiologie): miêu tả/ không miêu tả

Còn gọi là miêu tả (description) hay tạo hình (figuratif) / biểu hiện (expressif)

Do đặc điểm trực tiếp bộc lộ thái độ của chủ thể hay gián tiếp bộc lộ chủ thể, thông qua những hình ảnh tái tạo hiện thực nghệ thuật, sẽ có hai loại tác phẩm khác nhau, là thiên về chủ quan hay thiên về khách quan.

d) Tiêu chí tính năng: NT đơn tính (một tính năng)/ NT lưỡng tính (hai tính năng)

Hoặc NT thuần nhất/ NT ứng dụng

Đây là tiêu chí quan trọng nhất nhằm phân biệt hai hệ thống nghệ thuật khác biệt nhau: hệ thống nghệ thuật thuần nhất chỉ mang một tính năng là tính năng thẩm mỹ.

Hệ thống nghệ thuật ứng dụng mang hai tính năng là tính năng ích dụng và tính năng thẩm mỹ. Trong đó, tính năng ích dụng là cơ bản, và tính năng thẩm mỹ là thứ yếu. Một loại hình nghệ thuật thường mang mấy đặc điểm phù hợp với mấy tiêu chí khác nhau.

Chẳng hạn, âm nhạc là nghệ thuật thời gian, thính giác, không miêu tả, một tính năng (hoặc hai tính năng, nếu là nhạc ứng dụng). Hội họa là nghệ thuật không gian, thị giác, miêu tả (trừ thể loại trừu tượng), một tính năng (hoặc hai tính năng, nếu là hội họa ứng dụng).

Cuối cùng, có những loại hình mang đặc trưng của nhiều nghệ thuật, vì sử dụng phương tiện của tất cả các nghệ thuật đó, gọi là nghệ thuật tổng hợp (như sân khấu, điện ảnh, kiến trúc,…). Do đó, có thể thêm một cặp tiêu chí thứ 5.

e) NT độc lập/ NT tổng hợp

Hoặc: NT độc lập/ NT liên kết (chỉ có hai yếu tố như văn học với âm nhạc, múa và nhạc múa.

Ngoài ra, người ta có thể kể các cặp tiêu chí khác, như trình diễn/ không trình diễn, ngôn ngữ/ phi ngôn ngữ.

Sau đây, xin giới thiệu ba bảng danh mục: bảng danh mục tổng quát bao gồm tất cả các loại hình; bảng danh mục nghệ thuật đơn tính – nghệ thuật thuần nhất; bảng danh mục nghệ thuật lưỡng tính – nghệ thuật ứng dụng.

* Bảng 1. Danh mục tổng quát về các loại hình nghệ thuật

Hệ thống 1: Nghệ thuật đơn tính bao gồm điêu khắc, hội họa, đồ họa, văn chương, âm nhạc, múa, sân khấu, phim (trong điện ảnh và truyền hình).

Hệ thống 2: Nghệ thuật lưỡng tính bao gồm kiến trúc, đồ dùng công cụ, trang trí, hoa văn, điêu khắc ứng dụng, hội họa, đồ họa ứng dụng, nhiếp ảnh, văn chương ứng dụng, âm nhạc ứng dụng, múa ứng dụng, sân khấu ứng dụng, màn ảnh ứng dụng, xiếc, thể thao nghệ thuật.

CT: Trình tự sắp xếp các nghệ thuật là theo quan điểm lịch sử logic, các nghệ thuật có tính vật chất gắn với lao động sản xuất và xuất hiện sớm hơn trong lịch sử, thì xếp trước (nghệ thuật ứng dụng, kiến trúc, điêu khắc) và xếp các nghệ thuật độc lập (hội họa, âm nhạc) trước các nghệ thuật tổng hợp (sân khấu, màn ảnh).

* Bảng 2. Nghệ thuật một tính năng.

Nhóm loại hình – loại hình – loại thể. Sáng tạo nghệ thuật thuần nhất (hệ thống nghệ thuật 1) nghệ thuật một tính năng.

Nhóm không gian: bao gồm nhóm miêu tả điêu khắc (1) (điêu khắc tròn, đắp nổi, tượng nhỏ, tượng đài, tượng hoành tráng), và nhóm miêu tả hội họa đồ họa (2) (tranh trên đá, tranh hoành tráng, tranh chân dung, tranh phong cảnh, tranh bố cục, tranh tĩnh vật). Nhóm không miêu tả bao gồm điêu khắc không biểu hình, hội họa không biểu hình.

Nhóm thời gian: bao gồm nhóm miêu tả văn chương (3) (tự sự truyện ngắn, tự sự truyện vừa, tự sự tiểu thuyết, trữ tình, thơ, tùy bút, kịch bản). Nhóm không miêu tả âm nhạc (4) bao gồm thanh nhạc (ca khúc, tổ khúc, opera) và khí nhạc (hòa tấu, etude, sonata, concerto, symphony giao hưởng).

– Nhóm không gian và thời gian (NT tổng hợp và liên kết): bao gồm nhóm miêu tả sân khấu kịch (6) (kịch nói, kịch hát, kịch rối), và nhóm miêu tả phim nghệ thuật (7) (phim điện ảnh, phim truyền hình, phim truyện, phim tài liệu nghệ thuật). Nhóm không miêu tả múa (5) bao gồm múa biểu hiện, múa giao tế, kịch múa.

* Bảng 3. Nghệ thuật hai tính năng

Nhóm loại hình – loại hình – loại thể. Sáng tạo thẩm mỹ – ứng dụng (hệ thống nghệ thuật 2). Nghệ thuật hai tính năng.

Nhóm không gian:

— Nhóm miêu tả: điêu khắc ứng dụng (5) (bao gồm tượng thờ, tượng giáo khoa, tượng đồ chơi); hội họa ứng dụng đồ họa ứng dụng (6) (bao gồm tranh thờ, tranh thánh, tranh tuyên truyền, tranh áp phích, quảng cáo, đồ họa thương nghiệp, tiền tem, minh họa sách báo); nhiếp ảnh (bao gồm ảnh căn cước, ảnh kỷ niệm).

— Nhóm không miêu tả: kiến trúc (1) (bao gồm kiến trúc dân dụng, kiến trúc công cộng, kiến trúc tôn giáo, công viên); đồ dùng công cụ (2) (bao gồm thủ công và mỹ nghệ, mỹ thuật công nghiệp); trang trí (3) (bao gồm trang trí kiến trúc, đồ dùng, trang trí lễ,…); hoa văn (4) (bao gồm kỹ hà, hoa chim,…).

Nhóm thời gian:

— Nhóm miêu tả: văn chương ứng dụng (8) bao gồm văn tuyên truyền, chính luận, thông tấn báo chí, văn chương minh họa chính trị, tôn giáo, đạo đức, khoa học.

— Nhóm không miêu tả: âm nhạc ứng dụng (9) bao gồm nhạc môi trường, nhạc tôn giáo, nhạc lễ binh, nhạc trị liệu.

Nhóm không gian và thời gian:

— Nhóm miêu tả: sân khấu ứng dụng (11) (bao gồm hoạt cảnh, diễu hành có hóa trang); màn ảnh ứng dụng (12) (bao gồm điện ảnh và truyền hình, phim thời sự, phim tài liệu giáo khoa khoa học).

— Nhóm không miêu tả: múa ứng dụng (10) (bao gồm múa tôn giáo, múa thể thao, múa ba lê trên băng, múa thể dục nhịp điệu, múa kiếm, múa lân); xiếc (13); thể thao nghệ thuật (14).

Lê Ngọc Trà
Lâm Vinh
Huỳnh Như Phương


Bạn đang xem bài viết:
Nghệ thuật và bảng phân loại nghệ thuật là gì?
Link https://myhocdaicuong.com/dai-cuong/nghe-thuat-va-bang-phan-loai-nghe-thuat-la-gi.html
#nghethuat #myhoc #daicuong


Nội dung tìm kiếm khác: 7 loại hình nghệ thuật; 7 môn nghệ thuật bao gồm; Bảng nixo cao cấp; Các loại hình nghệ thuật âm nhạc; Các loại hình nghệ thuật hội họa; Các loại hình nghệ thuật ở Việt Nam; Các loại hình nghệ thuật sân khấu; Các loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam; Các loại nghệ thuật trong văn học; Cách đăng ký bản quyền thương hiệu; Cách phân nhóm nhãn hiệu.

Nội dung tìm kiếm khác: Cục Sở hữu trí tuệ; Đăng ký bản quyền logo; Giá trị nghệ thuật là gì; Hình thức nghệ thuật; Lĩnh vực nghệ thuật; Môn nghệ thuật thứ 8; Nhãn hiệu hàng hóa; Nhóm sản phẩm dịch vụ đăng ký nhãn hiệu; Quan niệm nghệ thuật là gì; Tra cứu nhãn hiệu; Vai trò của nghệ thuật; Văn hóa nghệ thuật là gì; Văn học và các loại hình nghệ thuật; Ví dụ về nghệ thuật.

Tiêu đề bài viết: Nghệ thuật và bảng phân loại nghệ thuật là gì?
Chuyên mục: Mỹ Học Đại Cương
Ngày đăng: February 14, 2024
Tác giả:
Lượt xem: 97 views
Website: https://myhocdaicuong.com
Link bài viết: https://myhocdaicuong.com/dai-cuong/nghe-thuat-va-bang-phan-loai-nghe-thuat-la-gi.html