Giá trị học nghệ thuật

Thế giới của những giá trị trong nghệ thuật tiến triển là thế giới quá rộng lớn, đến mức ở đây không thể nào liệt kê được đầy đủ tất cả những khả năng tiềm tàng của nó.

Nghệ thuật và Vẻ đẹp có quan hệ kết hợp, tách rời hoặc có tương quan với Chân lý, Lòng tốt, Tính ích lợi, Cái thiêng liêng,… Hiện nay, bộ ba họ hàng với nhau là Chân, Thiện, Mỹ, không còn là thời thượng nữa.

Những gì ngược lại có lẽ được ưa chuộng hơn. Đó là những giá trị tiêu cực mà Raymond Polin đã phân tích một cách hết sức thấu đáo trong tập sách lý thú của ông, viết về vấn đề cái xấu, cái ác, cái giả.

Lĩnh vực của những giá trị mỹ học, hay giá trị học nghệ thuật về những giá trị gọi là tiêu cực, như người ta tìm thấy trong tác phẩm của Poli được trình bày theo bảng: cái xấu, cái gớm ghiếc, cái khủng khiếp, cái quá cỡ, cái sáo rỗng, cái lộn xộn, cái dị dạng, cái không hình thù, cái kỳ quái.

Ngoài ra, còn có cái khoa trương, cái rỗng tuếch, cái nhàm chán, cái nhạt nhẽo, cái tầm thường, cái xoành xĩnh, cái tệ hại, cái rườm rà, cái mất cân đối, cái kỳ dị, cái lố lăng, cái buồn cười, cái thô bỉ, cái màu mè, cái kiểu cách, cái vô duyên.

Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nói tới những quan hệ của Nghệ thuật với Khoa học, với Đạo đức, và với Tôn giáo mà thôi. Không liên quan tới những mối quan hệ khác về mỹ học.

1. Nghệ thuật và Khoa học.

Người ta thường đem đối lập những thái độ mỹ học và khoa học với nhau. Nghệ thuật phải là tự do, là trò chơi của trí tưởng tượng. Trái lại, khoa học phải gắn với tính tất yếu logic và có tính bên ngoài đối với những ai đi tìm và tìm thấy.

Thế nhưng, Goethe và Leonard de Vinci lại vừa là những nghệ sĩ, vừa là những nhà bác học. Làm thế nào để liên kết nghệ thuật và khoa học? Bằng nguồn vốn chung của chúng, người ta có thể nói thế.

Nghệ thuật cũng như khoa học, đều sinh ra tôn giáo, sự thờ sao đem lại khoa chiêm tinh. Người ta đã bắt đầu bằng cách nghiên cứu nguyên nhân của các hiện tượng trong những lý lẽ tôn giáo.

Giống hệt như người ta cố nắm bắt thiện ý của thần thánh bằng một lòng tin nồng nhiệt, đã từng đem lại sinh khí cho điêu khắc Hy Lạp và kiến trúc của các nhà thờ Trung đại.

Nhưng, cũng bằng cách này, người ta có thể nói rằng kỹ thuật là nguồn gốc của nghệ thuật và khoa học. Comte cho rằng, tình thực chứng của nghệ thuật chỉ có thể được rút ra từ bản chất tôn giáo, rồi từ bản chất siêu hình học của nó trong giai đoạn thứ ba.

Người ta cũng có nói như vậy về khoa học. Còn về kỹ thuật, thì người ta biết rằng, nó thường được coi như một trong những nhân tố quan trọng nhất của sáng tạo nghệ thuật, hoặc của phát hiện khoa học vào buổi bình minh của khoa học Hy Lạp.

Nhưng, gác lại những vấn đề về nguồn gốc đáng ngờ, và thường là đáng tranh cãi ấy một bên, người ta có thể đi tìm những sự gần gũi trực tiếp giữa vẻ đẹp và chân lý.

Chẳng có gì đẹp hơn cái thật, chỉ cái thật là đáng yêu. Không chỉ tất cả các nhà cổ điển, mà cả các nhà lãng mạn, các nhà hiện thực chủ nghĩa, các nhà tự nhiên chủ nghĩa, các nhà tả thực đều nói như thế.

Verdi đã có thể đưa ra châm ngôn dưới đây, mà tất cả các nghệ sĩ có thể lấy làm của mình, dù họ là những người duy lý tưởng nhất: “inventure il Vero”. Người ta nói về một bức tranh đẹp rằng nó là thật, tính xác thực là một phẩm chất của nghệ thuật cũng như của khoa học.

Hơn thế nữa, khoa học là cần thiết cho nghệ thuật, như một yếu tố về căn bản có tác dụng đào luyện trong sự giáo dục nghệ sĩ. Có bao giờ người ta thấy một họa sĩ không có kiến thức giải phẩu, một kiến trúc sư không có những ý niệm toán học, một nhạc công không có những ý niệm âm học không?

Dù là ngầm ẩn, dù là vô thức, một số rất lớn kiến thức khoa học vẫn có ý nghĩa một giải pháp đẹp, một vị thế học của những vấn đề mà người ta thường dẫn ra, đặc biệt dưới ngòi bút của Poincaré.

Thật vậy, khoa học hướng về khái niệm và quy luật mang bản chất trừu tượng và khái quát. Do đó, nó cũng làm mất màu sắc cá tính, nhưng cá tính mà không có khoa học thì chỉ là một dữ kiện mờ đục và không định hình.

Như vậy, khoa học là cần thiết, trước hết là để hiểu rồi để xử lý nó. Vì thế, có thể nói rằng, cái hiện thực làm nền cho cả nghệ thuật và khoa học, nhưng một cái là để tìm kiếm nó, còn cái kia là để vượt qua nó.

Nếu đúng là khoa học là sự phát hiện một trật tự phổ quát chung, và tất yếu bằng đo lường, thì nghệ thuật, cái homo additus naturae (cái được con người thêm vào tự nhiên) ấy, là sự biến đổi hiện thực hằng ngày, là sự tách khỏi tính vật chất.

Theo một nghĩa nào đó, có thể nói rằng, cái thật là sự kết hợp cái đẹp và cái thiện, và rốt cuộc, là điểm nhân tất cả các giá trị lại với nhau.

2. Nghệ thuật và Đạo đức.

“Nhưng vậy thì, đối với ngài, Đạo đức là gì? Là một cái phụ thuộc vào mỹ học!”. Chính bằng những lời đó, André Gide đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn tưởng tượng của ông ta.

Theo một cách nhìn kiểu Platon, nghệ thuật và đạo đức ăn ở thuận hòa với nhau thật tuyệt vời. Nhưng chỉ cần nghĩ tới những sự nhảm nhí nặng nề của một thứ văn học được bảo trợ.

Tới những sự bạo hành mạnh mẽ, tới sức mạnh hăng hắc của một thứ văn học giống như thứ rượu nặng tồi, là đủ để thấy xuất hiện một sự ly khai của nghệ thuật và đạo đức, mà đó là một trong những nét nổi bật nhất của văn học hiện đại.

Thật vậy, từ Sade, Baudelaire, hay gần chúng ta hơn, Maurice Sachs, Boris Vian, Jean Genet, và tác giả Jean Paul từng làm chảy rất nhiều mực, thì không còn có thể ủng hộ cách nhìn của Voltaire nữa.

“Tôi coi bi kịch và hài kịch như những bài học về đức hạnh, về lý trí và về phép lịch sự… Hài kịch đích thật ra là gì? Đó là nghệ thuật giảng dạy đức hạnh và phép tắc trong hành động và trong đối thoại,… Tôi đã làm được một chút thiện, đó là tác phẩm hay nhất của tôi!”.

Trong thực tế, có thể là như vậy. Nhưng điều đó không ngăn cản một sự thực là thứ văn học dạy đạo đức ấy của Voltaire, hay của những người cùng thời với ông, chẳng có giá trị gì mấy trước con mắt của Moliere, Lautreamont, hay của tác giả Corydon, chỉ cần nói tới ba nạn nhân của những kiểm duyệt quá đáng ấy.

Diderot cũng đã nói giống như thế, rằng hội họa và thơ ca phải có phong hóa, và trong “Các phòng tiếp” cũng như trong “Tiểu luận về hội họa” của ông, ông đòi hỏi phải diễn tả đức hạnh là đáng yêu, tội lỗi là ghê tởm, cái lố bịch gây khó chịu.

Đó là dự định của bất cứ người trung thực nào cầm bút, cầm cọ vẽ hay cầm dao khắc. Người ta đều biết những gì tác giả “Người cha trong gia đình và Đức con hoang” đã rút ra như những ví dụ cho các lý thuyết kịch của ông.

Dường như chúng ta ngày nay thấy đúng hơn khi cùng với Theophile Gautier nói rằng: “Tôi không biết ai đã nói, không biết nói ở đâu rằng văn học và nghệ thuật, có ảnh hưởng tới phong hóa. Dù là ai đi nữa, thì chắc chắn đó là một kẻ đại ngu ngốc, cũng giống như người ta nói rằng, những hạt đậu nhỏ mà mọc lên mùa xuân”.

Baudelaire quái ác còn nói rõ hơn: “Các bạn đều biết rằng, tôi bao giờ cũng chỉ coi văn học và nghệ thuật phải theo đuổi một mục đích xa lạ với đạo đức, và vẻ đẹp của quan niệm và phong cách là đủ đối với tôi,…

Tôi biết rằng, ở những vùng thanh khiết của thơ ca chân chính, không có cái ác, cái thiện cũng không có, và những từ ngữ u buồn và khủng khiếp khốn khổ ấy, có thể hợp thức hóa những phản ứng của đạo đức, giống như kẻ báng bổ xác nhận tôn giáo”.

Trong một cuốn sách nhỏ rất khêu gợi dưới nhan đề “Nghệ Thuật và Đạo Đức”. Charles Lalo đã chỉ ra rằng, không thể có một giải pháp hoàn hảo cho cuộc chiến giữa các nhà khổ hạnh và các nhà duy mỹ.

Chạy qua chạy lại giữa sự thống trị của cái đẹp và sự chiến thắng của cái thiện, nghệ thuật khi thì được dùng để phục vụ cho đạo đức, khi thì được đặt lên trên mọi thứ, khi thì tham gia một sự thống nhất thần bí, khi thì phỉ báng tính đạo đức.

Trong công việc chạy qua chạy lại ấy, nghệ thuật đã đạt tới một giải pháp thỏa hiệp, mà trong khuôn khổ một phác thảo lý luận chung về các giá trị, Charles Lalo đã vạch ra rằng con người, “thứ động vật bận tâm với cái tuyệt đối” ấy, luôn luôn đương đầu với tình trạng không thể nào có một giá trị tuyệt đối cả.

Bởi vì, thật ra, đối với Lalo, vấn đề nghệ thuật và đạo đức là một vấn đề giả. Hai giá trị thật sự đối với ông là cái bình thường và cái lý tưởng. Do đó, tất cả những gì người ta có thể hy vọng, là tìm thấy giải pháp cho sự tương phản của nghệ thuật và cuộc sống, mà tuyệt nhiên không phải là giữa nghệ thuật và đạo đức.

Thật vậy, đạo đức là cái thách thức đối với khoái cảm, mà khoái cảm chính là cái phát sinh của bổn phận. Như vậy, đạo đức dường như nhân danh yêu cầu dứt khóa của nó, để đòi tất cả các bộ môn khác phải phục vụ nó, còn nghệ thuật, về phần nó, dường như lại đòi hỏi một tính tối thượng tương tự.

Do đó, mà có sự đối lập giữa những nhà khổ hạnh và những nhà duy mỹ với số phận, như Platon đã nói trong “Cộng hòa” của mình, đối với các nhà thơ mang đầy hoa, được ông dẫn trở lại các cổng lớn của Thành phố.

Nhưng ngay cả ý tưởng về sự phục vụ ấy, cũng vừa là phi mỹ học, vừa là phi đạo đức. Bởi vì, khi trao khoái cảm vào tay kẻ thù sử dụng, nó hủy hoại luôn tự do, niềm tin tốt lành, làm mất đi phong cách.

Đương nhiên tính phi đạo đức đạt tới sức mạnh thứ phát, khi lối tuyên truyền vốn mang bản chất nô lệ này tuân theo những mệnh lệnh của bản năng sai lệch, và trở thành khiêu dâm chẳng hạn.

Do đó, nghệ thuật được phối hợp với đạo đức, mà không phục tùng đạo đức. Giữa cái gọi là Đạo đức và Mỹ học, không hề có sự cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ qua lại với nhau.

3. Nghệ thuật, Tự nhiên, Công nghiệp và Tôn giáo.

Nếu có nhiều chỗ hơn, đáng lẽ phải nói đôi chút về những quan hệ giữa nghệ thuật và tự nhiên, hay nói đúng hơn, giữa nghệ thuật và sự cảm nhận. Cả hai đều đưa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lý tưởng.

Tức là sự bắt chước và sự làm đẹp thêm tới chỗ chống nhau. Nhưng thật khó mà tách hẳn hai công thức này khỏi nhau. Nếu nghệ thuật là hiện thực chủ nghĩa theo nghĩa, nó gạt bỏ những quy ước vị lợi do nó đặt xen vào.

Như một tấm màn giữa chúng ta và những người khác, thì nó lại có thể là lý tưởng chủ nghĩa, khi nó tìm kiếm một sự thăm dò trực tiếp hơn và sâu xa hơn, bằng cách điều chỉnh những tập quán cảm nhận của chúng ta.

Giữa hai học thuyết này, cần phải thấy rõ toàn bộ những tìm kiếm của chủ nghĩa cổ điển (nhằm vào bản chất), chủ nghĩa lãng mạn (nhằm vào cuộc sống và màu sắc), chủ nghĩa tự nhiên (nhằm vào sự kiện).

Chủ nghĩa ấn tượng (nhằm vào cái trực tiếp và sự tươi mới), chủ nghĩa tượng trưng (nhằm vào sắc thái và sự tương ứng), chủ nghĩa lập thể (nhằm vào cấu trúc và hình học), chủ nghĩa siêu thực (nhằm vào sự siêu việt),…

Công nghiệp trở thành kẻ thù tệ hại nhất của nghệ thuật. Vì hai lý do, là nó làm xấu đi các cảnh quan (chủ đề được Ruskin phát triển), và phá hủy phong cách với việc thay nó bằng sản xuất hàng loạt.

Nhưng nó cũng được biện minh về mặt mỹ học ở chính hai điểm nhìn ấy. Do có một vẻ đẹp của những cảnh quan của nhà máy, và của công việc cơ giới mà chuẩn mực đầu tiên là gạt bỏ mọi thứ trang trí thừa ra (khí động học).

Về mặt này, cần nhắc tới tác phẩm rất quan trọng của Raymond Loewy, một người Pháp sang sống ở Mỹ, để xây dựng một phương pháp mỹ học công nghiệp và thương mại.

Trước hết là về quảng cáo, và ông đã thành công khi đem lại một sự cảm nhận đúng hơn nhiều về sự hòa hợp của những đồ vật kỹ thuật, bằng cách biến đổi hoàn toàn vẻ bên ngoài của các sản phẩm, từ đầu máy xe lửa đến bao thuốc lá.

Ông đã kể lại cuộc phiêu lưu của mình trong một cuốn sách “Cái xấu mã thật khó bán”, mà người ta theo dõi nó một cách say mê những thăng trầm của cái thích và cái không thích trong thời đại kỹ thuật và cơ giới.

Trong đó, cái cơ giới giết chết cái thần bí “trong cái thân thể to lên quá cỡ này”, nơi tâm hồn không còn có chỗ nữa, nói theo cách nói của Bergson. Cuối cùng, có thể có cả một thư viện để dẫn ra, cũng như có tới một nghìn vấn đề để liệt kê về những quan hệ của Nghệ thuật và Tôn giáo.

Chúng ta thấy dường như tôn giáo đem lại cho mỹ học cả alpha (điểm đầu), và lẫn omega (điểm cuối), nghệ thuật bắt đầu và kết thúc ở cái thiêng liêng. Giống như tiêu chuẩn duy nhất của mỹ học và thần bí là sự xuất thần.

Nghệ thuật đích thực cũng phải được tìm kiếm trong một tinh thần tôn giáo, trong một sự nhiệt tâm không thể ăn nhập với những kỹ thuật vật chất, mà những nhà sáng tạo rất lớn đều chán ghét.

Như vậy, giống như cái thật là nơi quy tụ tất cả các giá trị, cái thiêng là mục đích, là lý tưởng siêu việt, mà tất cả các giá trị đều nhất thiết phải hướng tới. Do đó, nghệ thuật chỉ là một nấc trong sự đi lên tới cái tuyệt đối.

Nhưng đó có lẽ là giai đoạn chắc chắn nhất, là phương tiện vững chắc nhất, mà con người đã tìm thấy, để thể hiện cái lý tưởng trong cái hiện thực và cái thần thánh trong cái trần thế.

Denis Huisman
Người dịch: Huyền Giang


Bạn đang xem bài viết:
Giá trị học nghệ thuật
Link https://myhocdaicuong.com/dai-cuong/gia-tri-hoc-nghe-thuat.html


Tìm kiếm có liên quan: Giá trị của nghệ thuật định nghĩa là gì. Giá trị của nghệ thuật trong cuộc sống. Giá trị của tác phẩm nghệ thuật. Giá trị nghệ thuật là gì. Giá trị nghệ thuật người con gái Nam Xương. Giá trị nghệ thuật Tây Tiến. Giá trị nghệ thuật trong văn học. Giá trị nghệ thuật Việt Bắc.

Tìm kiếm có liên quan: Hệ giá trị của văn học nghệ thuật gồm giá trị gì. Mỗi tác phẩm văn học, nghệ thuật thực sự có giá trị. Nghị luận giá trị nghệ thuật là rất quan trọng. Nhận định về giá trị nghệ thuật. Những mục tiêu cơ bản của việc xây dựng giá trị văn hóa nghệ thuật.

Tìm kiếm có liên quan: Sáng tạo giá trị tác phẩm văn hóa nghệ thuật. Xây dựng hệ giá trị văn học nghệ thuật dân tộc Việt Nam. Xây dựng hệ giá trị văn học nghệ thuật tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng hệ giá trị văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến.

Tiêu đề bài viết: Giá trị học nghệ thuật
Chuyên mục: Mỹ Học Đại Cương
Ngày đăng: February 14, 2024
Tác giả:
Lượt xem: 36 views
Website: https://myhocdaicuong.com
Link bài viết: https://myhocdaicuong.com/dai-cuong/gia-tri-hoc-nghe-thuat.html