Tiếp cận linh hoạt và xây dựng vào quá trình dạy học

Tiếp cận linh hoạt và xây dựng vào quá trình dạy học

Ngày nay, trong sự phát triển của khoa học công nghệ, thuật ngữ linh hoạt đã được sử dụng rất phổ biến trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Nhằm nói đến tính hiệu quả và khả năng đáp ứng nhanh nhẹn của các đối tượng hoạt động, như: làm việc linh hoạt, sản xuất linh hoạt, học tập linh hoạt, tiếp cận linh hoạt,…

Tiếp cận linh hoạt đã được ứng dụng trong thực tế khi muốn nói đến một đối tượng hoạt động nào đó, có khả năng đáp ứng những nhu cầu hoặc những thay đổi khác nhau, tác động lên đối tượng đó.

Chẳng hạn: tiếp cận linh hoạt trong làm việc, tiếp cận linh hoạt trong dạy học. Tuy nhiên, cho đến nay, tiếp cận linh hoạt vẫn được xem là một khái niệm hoàn toàn mới, chưa được định nghĩa hoặc nghiên cứu cụ thể.

Trong dạy học, mặc dù đã xuất hiện một số hình thức dạy học linh hoạt và chương trình đào tạo linh hoạt, cho phép người học chủ động lựa chọn thời gian, địa điểm, nội dung, tiến độ học tập,… theo nhu cầu.

Nhưng vận dụng tiếp cận linh hoạt vào quá trình dạy học vẫn chưa được đề cập đến trong nghiên cứu cũng như trong thực tế dạy học. Do đó, nghiên cứu phát triển và vận dụng tiếp cận linh hoạt vào quá trình dạy học là hết sức cần thiết, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả dạy học.

Năm 2001, Johnston đưa ra khái niệm tiếp cận linh hoạt trong dạy học, dựa trên cơ sở kết hợp các quan điểm học tập mở và học tập linh hoạt.

Theo khái niệm này, tiếp cận linh hoạt trong dạy học được dựa trên sự phát triển của các phương tiện kỹ thuật ứng dụng vào dạy học, để gia tăng mức độ kiểm soát của người học về thời gian, nội dung, địa điểm, phương pháp và những gì mà họ muốn học.

Năm 2002, trường Đại Học Queensland đã xây dựng các hướng dẫn cụ thể cho việc vận dụng tiếp cận linh hoạt trong dạy học, như: xác định mục tiêu, hình thức cung cấp nội dung học tập, chương trình cho các khoa học, mức độ tương tác giữa giảng viên sinh viên, sinh viên với sinh viên, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ và chỉ ra những hạn chế của tiếp cận dạy học này.

Năm 2003 và năm 2004, trường Đại Học Tasmania tiến hành áp dụng thí điểm và đánh giá mức độ tác động của hình thức dạy học này, đối với người học và người dạy học tại các khoa: nghệ thuật, thương mại, giáo dục, y tế, luật.

Tuy nhiên, tiếp cận linh hoạt chỉ thể hiện ở việc cung cấp linh hoạt các tài nguyên học tập trong môi trường Internet, chưa có những vận dụng khác đối với các yếu tố còn lại trong quá trình dạy học.

1. Khái niệm Tiếp Cận Linh Hoạt là gì?

Thuật ngữ Tiếp Cận tiếng Anh là Approach, tiếng Pháp là Approche, là sự lựa chọn chỗ đứng để quan sát đối tượng nghiên cứu, là cách thức xử sự, xem xét đối tượng nghiên cứu.

Theo từ điển Tiếng Việt Online, Tiếp Cận có nghĩa là cách thức hay phương pháp bắt đầu giải quyết một vấn đề. Từ điển Tiếng Việt định nghĩa Tiếp Cận là cách chọn chỗ đứng của người nghiên cứu. Từ đó, nhìn nhận và dẫn đến đối tượng, phát hiện và giải quyết các vấn đề liên quan. Như vậy:

Tiếp Cận là cách chọn chỗ đứng để quan sát và xem xét đối tượng nghiên cứu. Từ đó, nhìn nhận, phát hiện và giải quyết các vấn đề liên quan.

Thuật ngữ Linh Hoạt có gốc từ tiếng Anh là Flexible nghĩa là dễ được thay đổi hoặc đáp ứng. Theo từ điển Webster’s New Collegiate online, thì Linh Hoạt là khả năng sẵn sàng đáp ứng với những thay đổi hoặc nhu cầu mới.

Theo LiJian, thì Linh Hoạt là khả năng một hệ thống hoặc một thành phần có thể được sửa đổi để sử dụng cho các ứng dụng, hay các môi trường khác so với những thiết kế hiện tại.

Trong sản xuất, Linh Hoạt nghĩa là sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, giá thành hợp lý, cung cấp đến khách hàng một cách nhanh chóng. Như vậy:

Linh Hoạt là khả năng thay đổi hoặc đáp ứng trước những thay đổi về nhu cầu hay điều kiện mới của các đối tượng hay hệ thống.

Tuy nhiên, trong thực tế, để đáp ứng trước một yêu cầu nào đó, đối tượng hay hệ thống cần thiết phải có sự thay đổi thích hợp. Do đó, ý nghĩa đáp ứng đã bao hàm cả những thay đổi.

Theo đó, Linh Hoạt chính là khả năng đáp ứng của một đối tượng hay hệ thống trước những thay đổi của nhu cầu hay điều kiện mới. Từ những phân tích trên, ta sẽ có khái niệm như sau:

Tiếp Cận Linh Hoạt là xem xét đối tượng hay hệ thống mở mức độ đáp ứng trước những thay đổi của nhu cầu hoặc điều kiện mới.

2. Bản chất của Tiếp Cận Linh Hoạt là gì?

Trong thực tế sản xuất, tiếp cận linh hoạt được vận dụng trong nhiều trường hợp khác nhau, như:

Tiếp cận linh hoạt về hình thức làm việc: là cho phép người lao động có thể chủ động lựa chọn nơi làm việc dưới sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, bao gồm làm việc tại nhà, làm việc tại cơ quan, làm việc trên đường phố,…

Tiếp cận linh hoạt về nội dung sản xuất: là cho phép các nhà sản xuất có khả năng tăng hoặc giảm nhanh công suất sản xuất, hoặc chuyển đổi nhanh từ việc sản xuất dòng sản phẩm cũ sang dòng sản phẩm mới.

Tiếp cận linh hoạt về phương pháp sản xuất: là sử dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, cho phép sản xuất kết hợp nhiều loại sản phẩm khác nhau, để cung cấp những lựa chọn tôi đã cho khách hàng, hoặc sản xuất các sản phẩm mang tính độc đáo.

Tiếp cận linh hoạt về phương tiện sản xuất: là sử dụng hệ thống sản xuất gồm nhiều máy công nghệ cao, để có thể phục vụ cho việc sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau, mà không phải trang bị mới hoặc thay thế dụng cụ khác.

Như vậy, thông qua bốn trường hợp trên, ta có thể kết luận như sau:

Bản chất của tiếp cận linh hoạt là khả năng thay đổi hoặc kết hợp nhiều sự lựa chọn khác nhau về hình thức, nội dung, phương pháp, phương tiện hoạt động của đối tượng hay hệ thống, nhằm đáp ứng trước những thay đổi về nhu cầu xã hội và sự phát triển của khoa học công nghệ.

3. Vận dụng Tiếp Cận Linh Hoạt vào Quá Trình Dạy Học

Chúng ta sẽ cùng đi qua cấu trúc của tiếp cận linh hoạt vận dùng vào quá trình dạy học như thế nào? Đặc điểm và quy trình vận dụng tiếp cận linh hoạt trong quá trình dạy học cần chuẩn bị những gì?

3.1 Cấu trúc của tiếp cận linh hoạt vận dụng vào quá trình dạy học

Đối với quá trình dạy học, tiếp cận linh hoạt xem xét mức độ đáp ứng về hình thức, nội dung, phương pháp, phương tiện và kiểm tra, đánh giá trước những sự thay đổi của nhu cầu học tập và sự phát triển của khoa học công nghệ để đạt hiệu quả cao nhất trong dạy học.

Kết hợp với 4 yếu tố cơ bản của dạy học linh hoạt do Lundin đề xuất năm 1999 là cấu trúc của tiếp cận linh hoạt trong dạy học có thể được phát triển và trình bày như sau:

Nhu cầu học tập của người học bao gồm: nhu cầu về nội dung học tập, tiến độ học tập, phương pháp và hình thức học tập, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập. Nhu cầu này luôn thay đổi theo sự phát triển của xã hội, và có tác động trực tiếp đến quá trình dạy học. Do đó, quá trình dạy học phải luôn điều chỉnh để thỏa mãn.

Tiến bộ của khoa học công nghệ: là sự ra đời của nhiều công cụ lao động hiện đại, có vai trò thúc đẩy sản xuất phát triển, và luôn đòi hỏi lực lượng lao động có trình độ phù hợp, để tham gia sản xuất. Điều này bắt buộc quá trình dạy học luôn luôn phải điều chỉnh các hoạt động dạy và học, cập nhật nội dung, phương tiện kỹ thuật hiện đại để đáp ứng. Ngược lại, quá trình dạy học phát triển sẽ cung cấp nguồn lao động có trình độ cao cho sản xuất và thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học công nghệ.

Mặt khác, nhu cầu người học và tiến bộ khoa học công nghệ là hai yếu tố có mối quan hệ qua lại mật thiết với nhau, và cùng tác động đến sự phát triển của quá trình dạy học.

Khoa học công nghệ phát triển sẽ làm thay đổi nhu cầu học tập của người học. Khi nhu cầu học tập được thỏa mãn, sẽ kích thích sự tiến bộ của khoa học công nghệ.

Do đó, quá trình dạy học luôn luôn điều chỉnh để phù hợp với mối quan hệ này, thông qua vận dụng hình thức dạy học linh hoạt, nội dung dạy học linh hoạt, phương pháp dạy học linh hoạt, phương tiện dạy học linh hoạt và kiểm tra đánh giá linh hoạt.

– Tiếp cận linh hoạt về hình thức là sử dụng kết hợp nhiều hình thức tổ chức dạy học khác nhau, như dạy học lý thuyết, dạy học thực hành, dạy học trên lớp tự học, dạy học toàn lớp, hoạt động ngoại khóa, dạy học theo nhóm, làm việc độc lập,…

– Tiếp cận linh hoạt về nội dung là module hóa nội dung môn học trong chương trình giáo dục đào tạo, cho phép người học lựa chọn thứ tự hoàn thành các nội dung theo nhu cầu và điều kiện học tập hiện có.

– Tiếp cận linh hoạt về phương pháp là sử dụng kết hợp các phương pháp dạy học tích cực hóa người học, giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, tổ chức quá trình tự khám phá, chiếm lĩnh tri thức ở học sinh, hoạt động nhóm, dạy học thông qua làm đồ án môn học, phương pháp đóng kịch, đóng vai, dạy học nêu vấn đề,…

– Tiếp cận linh hoạt về phương tiện là sử dụng kết hợp các phương tiện khác nhau trong dạy học, và các phương tiện có khả năng phục vụ nhiều phương pháp và hình thức dạy học khác nhau, như quan sát cấu tạo, khảo sát nguyên lý làm việc, làm các bài tập thực hành và thí nghiệm.

– Tiếp cận linh hoạt về kiểm tra, đánh giá là sử dụng kết hợp nhiều phương pháp, nội dung và thời điểm kiểm tra khác nhau, như kiểm tra trắc nghiệm, vấn đáp, kiểm tra quá trình, kiểm tra sản phẩm,…

– Môi trường học tập bao gồm tất cả các yếu tố xung quanh, có tác động đến quá trình dạy học và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập của học sinh, như: giáo viên, học sinh, nhà quản lý, phương pháp dạy, phương pháp học, tài liệu học tập, phương tiện dạy học, kiểm tra đánh giá,…

3.2 Đặc điểm của tiếp cận linh hoạt trong quá trình dạy học.

Tiếp cận linh hoạt có những đặc điểm:

– Người học là trung tâm của quá trình dạy học.

– Phương tiện kỹ thuật và chương trình dạy học có cấu trúc linh hoạt, dễ điều chỉnh và cập nhật.

– Không bổ sung vào thực tế một phương pháp dạy học mới, mà hướng tới việc lựa chọn kết hợp một phương pháp dạy học phù hợp nhất.

– Hình thức dạy học linh hoạt phù hợp cho mọi đối tượng người học, ít phụ thuộc vào thời gian và địa điểm dạy học.

– Rất thích hợp khi vận dụng vào dạy học thí nghiệm và thực hành.

– Trách nhiệm của người học đối với việc học tập được tăng lên.

3.3 Quy trình vận dụng tiếp cận linh hoạt trong quá trình dạy học.

Tổng cộng có 4 bước quy trình như sau:

Bước 1: Chuẩn bị

– Phân tích đặc điểm nội dung môn học như lý thuyết, bài tập, thực hành hay thí nghiệm.

– Xác định các yếu tố vật chất của môi trường lớp học như không gian học tập, ánh sáng, bàn ghế, tài nguyên học tập,…

– Lựa chọn các yếu tố linh hoạt như linh hoạt một yếu tố hoặc kết hợp linh hoạt nhiều yếu tố của quá trình dạy học.

Bước 2: Xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học.

– Xác định mục tiêu dạy học.

– Lựa chọn phương tiện dạy học.

– Thiết kế nội dung dạy học.

– Xác định các mối quan hệ tương tác như tương tác giữa thầy – trò – môi trường vật chất.

– Thiết kế quá trình dạy học như hoạt động thầy, hoạt động trò, hình thức và phương pháp, phương tiện, kiểm tra và đánh giá.

Bước 3: Tổ chức các hoạt động dạy học.

– Tổ chức môi trường vật chất lớp học.

– Triển khai các hoạt động tương tác.

– Vận dụng kết hợp các yếu tố của quá trình dạy học.

Bước 4: Tổng kết và rút kinh nghiệm.

– Củng cố kết quả học tập: tóm tắt nguyên lý, quy trình, kết quả thực hành, thí nghiệm.

– Đánh giá thái độ học tập của người học.

– Rút kinh nghiệm những hạn chế và đưa ra biện pháp khắc phục những tồn tại.

Tóm lại, vận dụng tiếp cận linh hoạt vào trong quá trình dạy học nhằm đáp ứng những thay đổi về nhu cầu học tập, và sự tiến bộ của khoa học công nghệ thông qua hình thức dạy học linh hoạt, nội dung dạy học linh hoạt, phương pháp dạy học linh hoạt, phương tiện dạy học linh hoạt, kiểm tra và đánh giá linh hoạt, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả dạy học, thỏa mãn được nhu cầu người học và kích thích khoa học công nghệ phát triển.

Bùi Văn Hồng

Bạn đang xem bài viết:
Tiếp cận linh hoạt và xây dựng vào quá trình dạy học
Link https://myhocdaicuong.com/blog/tiep-can-linh-hoat-va-xay-dung-vao-qua-trinh-day-hoc.html

Xem thêm bài viết: Thực trạng và giải pháp giáo viên giáo dục công dân cấp THPT

Tìm kiếm có liên quan: Các khâu của quá trình dạy học; Cách tiếp cận linh hoạt; Cách tiếp cận linh hoạt khi đối phó với khủng hoảng; Cài đặt mạng hiển thị của nhóm quảng cáo; Đòi hỏi phải tiếp cận linh hoạt đối với giáo dục; Mâu thuẫn cơ bản trong quá trình dạy học; Mô hình lãnh đạo tiếp cận linh hoạt; Mục tiêu của quá trình dạy học; Nhà quản lý tiếp cận linh hoạt.

Tìm kiếm có liên quan: Phạm vi tiếp cận linh hoạt; Phương pháp tiếp cận linh hoạt; Quy luật cơ bản của quá trình dạy học; Sách tiếp cận linh hoạt; Sáng tạo tiếp cận linh hoạt; So sánh quá trình dạy học và quá trình giáo dục; Sơ đồ cấu trúc của quá trình dạy học; Sơ đồ quá trình dạy học; Ví dụ về logic của quá trình dạy học; Xây dựng chiến lược tiếp cận linh hoạt.


Ngày đăng:

Chuyên mục:

Tác giả:

Lượt xem:

57
error: