Xu thế mới giáo dục đặt ra yêu cầu mới về phẩm chất, năng lực của người giáo viên. Trong đó, có những giáo viên giáo dục công dân cần phải được quan tâm và đánh giá cụ thể chi tiết nhất.
Việc đánh giá đúng thực trạng, nguyên nhân và tìm ra những giải pháp căn bản nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên giáo dục công dân.
Chính là để nâng cao chất lượng dạy học môn giáo dục công dân trong nhà trường trung học phổ thông, góp phần quan trọng cho việc giáo dục những công dân chân chính cho đất nước.
Vì vậy, chúng ta cần phải giải đáp những câu hỏi liên quan, về vấn đề thực trạng và giải pháp chất lượng đội ngũ giáo viên giáo dục công dân cấp Trung Học Phổ Thông hiện nay như thế nào?
1. Vai trò của môn giáo dục công dân và giáo viên giáo dục công nhân trong nhà trường trung học phổ thông.
Mỗi môn học có vai trò khác nhau trong việc hình thành nhân cách công dân. Trong các môn học, môn giáo dục công dân có vai trò quan trọng vào việc phát triển tâm lực, một thành tố cơ bản của nhân cách.
Đây là một môn học giữ vị trí chủ chốt trong việc hình thành cho học sinh những phẩm chất và năng lực cần thiết của người công dân trong thời đại mới.
Đội ngũ giáo viên là lực lượng cốt cán trong việc biến các mục tiêu giáo dục thành hiện thực, giữ vai trò quyết định chất lượng và hiệu quả giáo dục.
Trong đó, giáo viên giáo dục công dân là nhà giáo dục, bằng chính nhân cách của mình, tác động tích cực đến việc hình thành nhân cách học sinh.
Thông qua môn giáo dục công dân cùng các hoạt động giáo dục, giáo viên giáo dục công dân có nhiệm vụ bồi dưỡng thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng cho học sinh.
Giúp học sinh hiểu được nội dung, vai trò, ý nghĩa của những chuẩn mực đạo đức, pháp luật cơ bản, bước đầu có tư duy mới về thời đại, về cuộc đấu tranh giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu trên các phương diện của đời sống.
Giúp học sinh hình thành phương pháp tư duy khoa học, có kỹ năng nhận biết, đánh giá và hành động phù hợp với các chuẩn mực xã hội. Học sinh có niềm tin và ý thức tuân thủ các chuẩn mực xã hội, có hoài bão, lý tưởng vươn tới các giá trị Chân, Thiện, Mỹ.
Với vai trò quan trọng như trên, giáo viên giáo dục công dân cần có đầy đủ những phẩm chất đạt tới chuẩn nghề nghiệp do Bộ Giáo Dục Đào Tạo ban hành. Muốn hoàn thành nhiệm vụ giáo dục công dân. Trước hết, người giáo viên giáo dục công dân phải là một công dân chân chính.
2. Thực trạng đội ngũ giáo viên cấp Trung Học Phổ Thông hiện nay.
2.1 Về số lượng:
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo Dục Đào Tạo, tới năm 2010 ở cấp Trung Học Phổ Thông còn thiếu 1339 giáo viên dạy giáo dục công dân trên 38 tỉnh thành phố (bình quân trên cả nước còn thiếu trên 2000 giáo viên giáo dục công dân cấp Trung Học Phổ Thông).
Tỷ lệ giáo viên dạy giáo dục công dân không đúng chuyên ngành chiếm trên 15%. Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên giáo dục công dân, một số địa phương đã điều động giáo viên các môn khác sang dạy giáo dục công dân.
Thường là những giáo viên thuộc diện yếu kém, đôi dư, thiếu giờ ở bộ môn khác, giáo viên chủ nhiệm, cán bộ quản lý hoặc giáo viên môn khác.
Trong 5 năm trở lại đây, nguồn cung giáo viên giáo dục công dân dồi dào hơn trước, do các trường Đại Học Sư Phạm mở rộng quy mô ngành đào tạo, dẫn tới tình trạng ngược lại là thừa và thiếu giáo viên giáo dục công dân cục bộ.
2.2 Về trình độ chuyên môn theo Chuẩn:
Cũng theo số liệu báo cáo trên, có 14,5% giáo viên giáo dục công dân xếp loại tốt, và 61,3% xếp loại khá, và 23,4% xếp loại trung bình, và 0,4% giáo viên giáo dục công dân xếp loại yếu về trình độ chuyên môn.
Số liệu này liệu đã khách quan? Trên thực tế, qua ý kiến trao đổi với các giáo viên, lãnh đạo nhà trường và cán bộ chỉ đạo chuyên môn của Sở Giáo Dục Đào Tạo, thì tỷ lệ giáo viên xếp loại trung bình về chuyên môn còn cao hơn nữa.
2.3 Đánh giá chung về chất lượng đội ngũ giáo viên giáo dục công dân cấp Trung Học Phổ Thông
2.3.1 Mặt tích cực:
Do đặc thù nghề nghiệp, tuyệt đại đa số giáo viên môn giáo dục công dân có phẩm chất chính trị đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm với nghề, gắn bó với nghề dạy học, có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, có ý thức giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín nhà giáo, là tấm gương cho học sinh noi theo.
Về năng lực tìm hiểu đối tượng và môi trường giáo dục. Một số giáo viên vừa dạy học vừa làm công tác kiêm nhiệm, nên có điều kiện thuận lợi để gần gũi và gắn bó với học sinh,…
Về năng lực dạy học. Nhìn chung, giáo viên đã nắm được và truyền đạt được tới học sinh những nội dung kiến thức cơ bản, không sai sót. Một số giáo viên đã cố gắng cập nhật nội dung tri thức mới, tiên tiến, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng phương tiện dạy học hiện đại, đem lại sự hấp dẫn cho bộ môn,…
Về năng lực giáo dục. Do đặc thù môn học, ngoài việc truyền thụ tri thức, giáo viên giáo dục công dân đã quan tâm tới giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho học sinh vì sự hấp dẫn của tri thức.
Về năng lực hoạt động chính trị xã hội. Giáo viên dạy giáo dục công dân làm công tác kiêm nghiệm đã phát huy khá tốt vai trò của mình, trong các lĩnh vực chính trị (công tác đoàn thể, phụ nữ). Một số giáo viên giáo dục công dân do có uy tín đã được tín nhiệm bầu giữ chức vụ lãnh đạo trong ban giám hiệu nhà trường,…
Về năng lực phát triển nghề nghiệp. Phần lớn giáo viên giáo dục công dân đều có lòng tự trọng, muốn tự khẳng định mình, có mong muốn được đào tạo, bồi dưỡng có hệ thống để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục đào tạo.
2.3.2 Mặt hạn chế:
Về năng lực dạy học. Ngoại trừ một số giáo viên giỏi, kiến thức chuyên môn của giáo viên giáo dục công dân còn nhiều hạn chế, bất cập, vẫn còn tình trạng giáo viên chưa nắm vững những khái niệm cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin, đạo đức công dân và pháp luật,… Vẫn sử dụng kiến thức lạc hậu và lỗi thời, lệ thuộc vào giáo án, sách giáo khoa, không dám mở rộng, nâng cao hay liên hệ thực tế,…
Về phương pháp phương tiện dạy học. Giáo viên giáo dục công dân vẫn sử dụng phương pháp thuyết trình truyền thống là chủ yếu. Khả năng sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học còn yếu. Phần lớn giáo viên chỉ sử dụng phương pháp, phương tiện dạy học tiên tiến khi hội giảng,…
Về năng lực giáo dục. Một số giáo viên giáo dục công dân mới dừng lại ở việc truyền thụ kiến thức cơ bản, mà coi nhẹ hoặc bỏ qua chức năng giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống.
Về tình yêu nghề nghiệp. Một số giáo viên chưa toàn tâm toàn ý cho việc rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới phương pháp dạy học hoặc phải làm thêm các nghề phụ, để tăng thu nhập, khiến cho thời gian đầu tư cho chuyên môn giảm xuống.
Những hạn chế trên là nguyên nhân khiến cho giờ giáo dục công dân thiếu sức hấp dẫn đối với đa số học sinh. Về độ hứng thú của học sinh đối với môn học, môn giáo dục công dân chỉ xếp thứ 10/13 môn học. Nhiều học sinh cho rằng môn học này khô khan và khó hiểu.
2.4 Nguyên nhân của những hạn chế:
Những bất cập trong nhận thức về vai trò, vị trí của môn giáo dục công dân và giáo viên giáo dục công dân. Môn GDCD và GV GDCD chưa được đối xử công bằng: là môn có thời gian học ít nhất, lại thường bị cắt xén,…
Những bất cập trong chương trình sách giáo khoa giáo dục công dân cấp Trung Học Phổ Thông: quá tải, hàn lâm, nặng lý thuyết, nhẹ thực hành, còn mang đậm tính chính trị, chưa cập nhật,…
Cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học còn nghèo nàn, đơn điệu và lạc hậu. Bất cập trong cơ chế đào tạo, tuyển dụng và bồi dưỡng giáo viên giáo dục công dân: Nhiệm vụ đào tạo giáo viên giáo dục công dân cấp Trung Học Phổ Thông chủ yếu do khoa giáo dục chính trị của các trường Đại Học Sư Phạm đảm nhiệm.
Nhưng gần đây số lượng thí sinh đăng ký vào trường sư phạm ít, và chất lượng đầu vào thấp do ách tắc từ đầu ra. Công tác tuyển dụng giáo viên chưa đảm bảo được tiêu chí công bằng, công khai, minh bạch. Công tác bồi dưỡng giáo viên giáo dục công dân cũng còn nhiều bất cập,…
Bất cập trong chế độ chính sách đối với giáo viên giáo dục công dân. So với giáo viên các môn khác, giáo viên giáo dục công dân và giáo viên thể dục có mức thu nhập bình quân thấp nhất, khoảng 3 triệu/tháng và hầu như không có thu nhập khác ngoài lương.
3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên giáo dục công dân cấp Trung Học Phổ Thông.
3.1 Đổi mới nhận thức xã hội về vai trò, vị trí của môn GDCD và GV GDCD trong nhà trường.
Việc nâng cao nhận thức xã hội về vị trí, vai trò của đội ngũ giáo viên giáo dục công dân ở trường Trung Học Phổ Thông sẽ tạo ra môi trường xã hội thuận lợi và động lực tinh thần to lớn để phát huy tiềm năng của giáo viên giáo dục công dân.
Cần tạo ra sự chuyển biến đồng bộ trong nhận thức của Đảng Ủy, Ban Giám Hiệu, cán bộ công nhân viên trong nhà trường, học sinh và phụ huynh về vị trí, vai trò của môn giáo dục công dân và giáo viên dạy giáo dục công dân.
Chú trọng các hoạt động thông tin tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, thái độ ứng xử của xã hội đối với môn giáo dục công dân và giáo viên dạy giáo dục công dân.
Tăng cường nêu gương sáng điển hình, khích lệ giáo viên giáo dục công dân phấn đấu để tự khẳng định mình. Kiên quyết chống căn bệnh thành tích trong giáo dục.
Một nguyên nhân dẫn tới việc coi thường giáo dục công dân, giáo dục đạo đức, lối sống, phân biệt môn chính môn phụ, dẫn tới sự đối xử bất bình đẳng giữa giáo viên môn chính và giáo viên môn phụ.
Gia đình, nhà trường và xã hội cần phối hợp chặt chẽ trong giáo dục học sinh, giảm bớt gánh nặng cho việc giáo viên giáo dục công dân. Đồng thời, nâng cao hiệu quả của việc giáo dục công dân cho học sinh.
3.2 Đổi mới định hướng xây dựng và phát triển CT-SGK GDCD cấp THPT trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Theo hướng giảm giáo dục chính trị, tăng giáo dục đạo đức và kỹ năng sống, giảm lý thuyết, tăng thực hành. Để tránh nhàm chán, trùng lặp, lãng phí về thời gian, công sức của thầy và trò, nên chuyển một số phần kiến thức của môn giáo dục công dân lên bậc cao hơn ở các trường chuyên nghiệp.
Chương trình nên xoay quanh trục giáo dục đạo đức, kỹ năng sống và pháp luật. Chương trình cũng nên tăng cường các hoạt động ngoại khóa, để việc giáo dục công dân cần được xây dựng theo hướng tiếp cận phát triển, xuất phát từ năng lực cần có, từ những yêu cầu của cuộc sống hiện tại và tương lai của học sinh, đất nước, nhân loại.
Giáo dục công dân là giáo dục hệ giá trị truyền thống và hiện đại cho học sinh xoay quanh trục giá trị là giá trị bản thân, giá trị gia đình, giá trị dân tộc, giá trị toàn cầu, giá trị chung của nhân loại.
3.3 Đổi mới công tác quy hoạch phát triển đội ngũ giáo viên giáo dục công dân.
Các Sở Giáo Dục Đào Tạo rà soát lại đội ngũ giáo viên giáo dục công dân, dựa báo tình hình phát triển học sinh Trung Học Phổ Thông trong từng năm, và từ 5 đến 10 năm tới, nhu cầu về số lượng, số lớp, số giáo viên giảm tự nhiên (về hưu, chuyển công tác, thôi việc).
Từ đó, dự báo nhu cầu phát triển giáo viên trong từng giai đoạn, để các trường sư phạm chủ động trong việc đào tạo giáo viên, khắc phục hiện tượng khủng hoảng thừa hoặc thiếu giáo viên giáo dục công dân.
3.4 Nâng cao chất lượng công tác đào tạo giáo viên giáo dục công dân tại các trường Đại Học Sư Phạm.
Đây là công tác quan trọng, có ý nghĩa quyết định chất lượng đội ngũ giáo viên giáo dục công dân. Các trường Đại Học Sư Phạm cần chú trọng khâu hướng nghiệp: cung cấp những thông tin đầy đủ về trường, khoa, môn học, số lượng tuyển sinh, công việc chính sau khi sinh viên tốt nghiệp, nhu cầu của xã hội và của địa phương.
Các trường Trung Học Phổ Thông cũng cần có bộ phận chuyên trách việc hướng nghiệp, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh, giúp học sinh có những hiểu biết cơ bản về nghề dạy học.
Bản thân thầy cô phải là tấm gương sinh động, có sức thuyết phục, cảm hóa cao nhất đối với học sinh, thu hút học sinh vào trường sư phạm.
Bên cạnh đó, các phương tiện thông tin đại chúng, gia đình, nhà trường, các tổ chức, đoàn thể xã hội, … có thể tác động đến học sinh, giúp học sinh hiểu biết sâu sắc hơn và có tình cảm tốt đẹp hơn về nghề dạy học, và môn giáo dục công dân.
Đặc biệt, các tỉnh nên có dự báo quy hoạch giáo viên, đặt hàng với các trường sư phạm để sinh viên ra trường có việc làm. Chính sách này, sẽ thu hút sinh viên vào trường sư phạm nhiều hơn.
Trường Đại Học Sư Phạm phải đi đầu trong hoạt động đổi mới phương pháp dạy học. Không thể đòi hỏi giáo viên phổ thông đổi mới phương pháp, khi bản thân những người thầy sử dụng phương pháp dạy học lạc hậu.
Vì vậy, cần chú trọng đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên khoa giáo học công dân, hoàn thiện khung chương trình đào tạo giáo viên giáo dục công dân. Nội dung, trọng tâm của môn giáo dục công dân phải là giáo dục tư tưởng, đạo đức, giáo dục kỹ năng sống.
Sinh viên ngành giáo dục công dân cần được học sâu hơn về đạo đức học, đạo đức Hồ Chí Minh, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công dân,…
Đặc biệt, nên dạy về chuẩn nghề nghiệp nhà giáo. Chuẩn đầu ra của sinh viên sư phạm để sinh viên có hướng phấn đấu ngay từ khi học trong trường sư phạm.
Cần xác định tỷ lệ cân đối giữa đại học tri thức chuyên môn, và rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, tăng cường thời gian thực tế phổ thông, dự giờ, tập giảng, đưa lý thuyết xuống thực tiễn nhiều hơn, để sinh viên phổ thông không bỡ ngỡ khi ra trường.
Trường Đại Học Sư Phạm có thể áp dụng hình thức đào tạo liên ngành Văn – Giáo Dục Công Dân, Sử – Giáo Dục Công Dân. Vì những ưu thế: giáo viên có phông kiến thức sâu rộng, vận dụng vào dạy giáo dục công dân sẽ khiến cho giờ học hấp dẫn hơn, nhà trường phổ thông có thể điều phối giáo viên một cách linh hoạt, khắc phục tình trạng thiếu hoặc thừa giáo viên.
3.5 Đổi mới chế độ và chính sách đối với giáo viên giáo dục công dân.
Để giáo viên nói chung, giáo viên giáo dục công dân nói riêng, toàn tâm toàn ý với nghề, cần có chế độ tiền lương hợp lý, tính chủ yếu theo hiệu quả công việc, chứ không phải theo thâm niên công tác.
Chính phủ nên tăng phụ cấp cho giáo viên giáo dục công dân như giảng viên dạy Lý Luận Chính Trị tại các trường chuyên nghiệp.
Nhà trường nên sắp xếp, bố trí cho giáo viên giáo dục công dân kiêm công tác chủ nhiệm lớp, một mặt để giáo viên hiểu rõ học sinh hơn. Từ đó, nâng cao hơn chất lượng dạy học giáo dục công dân. Mặt khác, tạo thêm thu nhập cho giáo viên giáo dục công dân và tăng vị thế của giáo viên giáo dục công dân trong nhà trường.
3.6 Rà soát lại chất lượng đội ngũ giáo viên GDCD và mạnh dạn tinh giảm biên chế những giáo viên chưa đủ chuẩn.
Việc tinh giảm biên chế cần mạnh dạn, kiên quyết, song lại phải mềm dẻo vì đối tượng tinh giản là người trí thức, giàu lòng tự trọng, dễ nhạy cảm, dễ tổn thương.
Bởi vậy, chính sách tinh giản biên chế 132 của Chính Phủ đã rất hợp tình hợp lý, giải quyết chế độ cho giáo viên về hưu sớm khi không còn đủ tiêu chuẩn đứng lớp.
Bên cạnh đó, một số giáo viên chưa đủ tuổi để giải quyết chế độ theo Nghị Quyết 132 thì cần sắp xếp cho họ sang làm công việc khác, hoặc đi học để nâng cao trình độ. Kiên quyết không để những giáo viên kém chất lượng vẫn được đứng trên bục giảng.
3.7 Đổi mới công tác tuyển dụng giáo viên giáo dục công dân.
Theo tiêu chí công khai, công bằng và dân chủ. Công tác tuyển dụng đúng quy trình, đảm bảo về số lượng, cơ cấu, trình độ, tạo tiền đề ban đầu để phát huy tiềm năng, tạo động lực cho các cá nhân phấn đấu.
Việc tuyển dụng cần phải qua cuộc thi công chức, chứ không thể chỉ dựa vào hồ sơ. Cuộc thi này phải gồm các nội dung cơ bản:
Giảng 1 tiết trên lớp (bốc thăm một số tiết giảng trong nội dung quy định) và nhân hệ số. Thi ngoại ngữ (nghe, nói, đọc, viết) gắn với nội dung chuyên ngành được đào tạo.
Thi tin học với những nội dung cơ bản như đánh máy văn bản, làm phần mềm để phục vụ cho quá trình soạn thảo giáo án điện tử, làm điểm, quản lý hồ sơ dự học.
Trước khi thi tuyển, cần công khai số lượng tuyển, hình thức thi tuyển với những yêu cầu cụ thể, rõ ràng, đưa thông tin lên mạng trước ít nhất một tháng, để mọi người quan tâm đều được biết.
Cuộc thi này, phải được tổ chức công khai, đưa lên mạng để mọi người quan tâm được chứng kiến, nhằm hạn chế tối đa những tiêu cực trong tuyển dụng, tạo điều kiện tốt nhất để thí sinh cạnh tranh công bằng, có cơ hội lựa chọn công việc xứng đáng với năng lực và nhu cầu của mình.
Từ đó, các trường cũng tuyển được những giáo viên giỏi, để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên chất lượng giáo dục.
3.8 Giáo viên giáo dục công dân phải tự học, tự bồi dưỡng, rèn luyện để trau dồi phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Quá trình đào tạo trong nhà trường ngắn ngủi so với cả quãng đời dạy học của giáo viên. Những kiến thức học được sử dụng khi ra trường bởi sự phân công chuyên môn không khớp với thực tế được đào tạo.
Mặt khác, kiến thức môn giáo dục công dân có tính chất động hơn các môn học khác của khoa học tự nhiên. Vì nó phản ánh thực tiễn luôn luôn vận động và phát triển.
Bởi vậy, giáo viên cần phải thường xuyên học tập, cập nhật những kiến thức mới, cập nhật tình hình thời sự trong nước và thế giới, để không bị lạc hậu trước thực tiễn cuộc sống.
Đồng thời, giáo viên phải thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học, hướng tới việc phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh sinh viên.
Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên giáo dục công dân là nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, những công dân chân chính cho đất nước.
Để hoàn thành nhiệm vụ này, cần tiến hành những giải pháp đồng bộ mang tính khả thi, từ khâu quy hoạch phát triển đội ngũ tới khâu đào tạo, tuyển dụng và bồi dưỡng giáo viên.
Từ đổi mới nhận thức tới đổi mới chế độ, chính sách đối với giáo viên giáo dục công dân. Song vượt lên tất cả, mỗi giáo viên giáo dục công dân phải tự đổi mới, tự hoàn thiện mình để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác Giáo Dục Đào Tạo.
Nguyễn Thị Toan
Bạn đang xem bài viết:
Thực trạng và giải pháp giáo viên giáo dục công dân cấp THPT
Link https://myhocdaicuong.com/blog/thuc-trang-va-giai-phap-giao-vien-giao-duc-cong-dan-cap-thpt.html
Xem thêm bài viết: Giáo dục thẩm mĩ thông qua bộ môn ngữ văn ở trường phổ thông