Nếu áp dụng quan điểm dạy học tích hợp vào trong dạy học truyền thống, thì có cần đánh giá kết quả học tập của học sinh hay không? Và ai sẽ là người hướng dẫn học sinh giải quyết vấn đề khi có sự cố xảy ra?
1. Quan điểm về dạy học tích hợp là gì?
Trong dạy học, để hình thành cho người học một năng lực, cần phải dạy họ biết cách kết hợp và huy động hợp lý các nguồn nội lực (kiến thức, kỹ năng, thái độ của cá nhân) và ngoại lực (điều kiện và bối cảnh) để thực hiện công việc.
Sư phạm tích hợp dạy cho người học biết cách sử dụng kiến thức, và kỹ năng của mình để giải quyết những tình huống cụ thể. Qua đó, hình thành và phát triển năng lực.
Với cách tiếp cận dạy học truyền thống, người ta phân biệt nội dung dạy học làm hai khối là kiến thức và kỹ năng. Đây được coi là hai thành phần chính tạo nên năng lực của một người lao động, bên cạnh thành phần thứ ba là thái độ, thường được lồng vào hai thành phần đầu.
Đơn vị của kiến thức là khái niệm và đơn vị của kỹ năng là thao tác. Hệ thống khái niệm cần thiết cho một nghề thể hiện trong các môn học lý thuyết. Hệ thống các kỹ năng lao động kỹ thuật thể hiện trong các môn học thực hành. Hai khối này, thường được dạy và học tách biệt nhau cả về địa điểm và trình tự.
Dạy học tích hợp là hình thức tổ chức dạy học. Trong đó, nội dung học tập kiến thức, kỹ năng, và thái độ và các hoạt động dạy học được tích hợp với nhau để thực hiện các nhiệm vụ, công việc của nghề. Qua đó, hình thành và phát triển năng lực cho người học.
Như vậy, tích hợp trong dạy học là tích hợp của nội dung và tích hợp của hoạt động dạy và học. Sự tích hợp này diễn ra trên nền tảng một công việc (task) chuyên môn và gắn bó với các tình huống nghề nghiệp. Để giải quyết chúng thì một kiến thức, kỹ năng đơn lẻ hay một loại hoạt động riêng rẽ không thể thực hiện được.
2. Thiết kế bài dạy học tích hợp như thế nào?
Chúng được chia thành 2 phần. Trong đó, bao gồm phần dẫn nhập và giới thiệu chủ đề.
2.1 Dẫn nhập
– Thu hút sự chú ý. Có nhiều kỹ thuật hữu hiệu để thu hút sự chú ý của học sinh vào bài học, giáo viên có thể bắt đầu bài dạy bằng việc: Đưa ra một câu hỏi có tính thử thách học sinh; Nêu lên một sự kiện bất thường liên quan đến chủ đề bài dạy; Đưa ra một vài con số thống kê; Nêu một tình huống nghề nghiệp; Cho xem một sản phẩm hoàn chỉnh,…
– Tạo sự hấp dẫn. Thông thường các học sinh sẽ tìm thấy một chủ đề thú vị nếu nó liên quan đến kinh nghiệm cuộc sống của họ, hoặc liên quan đến công việc mà họ đang định làm.
– Phát triển mối quan hệ. Mối quan hệ là tạo ra một môi trường của lớp học. Ở đó, có sự tôn trọng lẫn nhau giữa giáo viên và học sinh. Một lớp học có mối quan hệ tốt, phù hợp với học sinh, họ sẽ cảm thấy thoải mái.
Để xây dựng mối quan hệ, người giáo viên có thể: Đối xử với mọi người bình đẳng; Phản ứng lại một cách tích cực, có sự thừa nhận thành tích của học sinh; Tạo sự tín nhiệm chứ không phải quyền lực.
– Kích thích động cơ học tập. Giáo viên kích thích sự hứng thú ở người đọc, để họ huy động toàn bộ nội lực của mình vào quá trình học tập bằng các cách:
Mô tả xem nội dung này có thể giúp giải quyết các vấn đề của thực tiễn mà học sinh gặp phải hay không; Nói rõ với học sinh về tầm quan trọng của nội dung với việc thực thi công việc; sử dụng các bài đố vui, đố chữ để thúc đẩy các kỹ năng nghe, nhớ, hiểu,…
Mở đầu bài dạy, có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình dạy học. Mục đích của mở đầu bài dạy là tập trung được sự chú ý và khơi dậy được sự hứng thú của học sinh.
Tạo ra mối liên kết giữa những kiến thức, kỹ năng đã có với kiến thức và kỹ năng mới, chỉ ra những điểm quan trọng và mô tả kết quả của bài học.
2.2 Giới thiệu chủ đề
– Nêu tên chủ đề bài học. Tên bài học là một công việc mà người hành nghề phải thực hiện trong thực tiễn được xác định, trong quá trình phân tích nghề và được đưa vào chương trình đào tạo nghề.
Có nhiều cách khác nhau để giáo viên giới thiệu tên với học sinh, như tuyên bố bằng lời, chiếu slide hoặc sử dụng các sản phẩm của bài học.
– Tuyên bố mục tiêu học tập cho học sinh. Giáo viên phải tuyên bố mục tiêu học tập một cách rõ ràng, ngắn gọn đảm bảo tất các học sinh phải hiểu về mục tiêu học tập của họ.
Mục tiêu học tập phải nên kiến thức, kỹ năng, thái độ mà người học cần đạt được sau bài học, các sản phẩm cần có và những tiêu chuẩn của các sản phẩm đó.
Giáo viên nên dành thời gian trao đổi với học sinh về mục tiêu học tập, và các yêu cầu đối với học sinh để đạt mục tiêu.
– Cung cấp cho học sinh một cái nhìn tổng quan về bài học. Trong bước này, giáo viên thực hiện những công việc sau: Nêu công việc mà học sinh phải thực hiện trong bài học; Trình tự các bước thực hiện công việc đó; Dựng nên một hình ảnh về kết quả cuối cùng hay những sản phẩm tạo ra sau bài học.
Để thực hiện tốt bước này, giáo viên sử dụng khung định hướng như mô hình mẫu, dàn ý, bản đồ, sơ đồ để lập cấu trúc rõ ràng cho bài học. Liên kết những điều đã học, đây là một nguyên tắc của việc học tập.
Nếu một kỹ năng hành động mới được nối với một cái gì đó đã biết trước, nó sẽ trở nên dễ hiểu hơn và có lý do để thấy nó là quan trọng.
– Đưa ra những điểm then chốt của bài học. Mỗi bài cần được cấu trúc thành các đề mục về ý tưởng và chủ đề. Một cách để làm việc này là đưa ra các câu hỏi hay những vấn đề mà buổi học sẽ trả lời hay giải quyết. Những câu hỏi hay vấn đề này, là tất nhiên có liên quan tới các mục tiêu học tập.
– Giới thiệu dụng cụ, thiết bị và tài liệu học tập. Dựa vào mục tiêu bài học và các hoạt động mà học sinh phải thực hiện, để đạt mục tiêu bài học, giáo viên giới thiệu cho học sinh dụng cụ, thiết bị được sử dụng và không được sử dụng trong bài học, bộ tiêu chuẩn và công cụ đánh giá, nguồn tài liệu tham khảo.
3. Hướng dẫn học sinh giải quyết vấn đề
– Tổ chức và hướng dẫn học sinh nghiên cứu kiến thức liên quan đến việc thực hiện công việc. Để học sinh thực hiện công việc theo tiêu chuẩn, giáo viên phải hướng dẫn học sinh nghiên cứu các kiến thức liên quan đến công việc bao gồm:
Tiêu chuẩn thực hiện công việc, tính toán và phân tích các thông tin đầu vào như dụng cụ, thiết bị, nguyên liệu, quy trình và kỹ thuật thực hiện, các yêu cầu về đảm bảo an toàn và sử dụng các tiêu chuẩn trong đánh giá.
– Hướng dẫn học sinh trình tự các bước thực hiện công việc. Giáo viên mô tả, giảng giải trình tự, cách thức thực hiện các bước công việc bằng bản vẽ, mô hình, vật thật, hoặc thao tác để thực hiện các bước đó.
Đặc biệt, lưu ý học sinh một số dạng sai hỏng cơ bản thường gặp, nguyên nhân, cách phòng ngừa và khắc phục khi có sai hỏng. Giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng phiếu hướng dẫn thực hiện công việc.
Phiếu này là bản liệt kê các bước theo một trình tự chặt chẽ cùng với yêu cầu kỹ thuật, cách thức thực hiện từng bước, phương tiện sử dụng, các bước nguy hiểm hoặc có liên quan đến sự an toàn trong quá trình thực hiện. Học sinh nghiên cứu phiếu hướng dẫn, các yêu cầu kỹ thuật ở từng bước.
– Tổ chức hoạt động thực hành cho học sinh. Giáo viên hướng dẫn học sinh thực hành theo phiếu và tùy vào tình huống cụ thể, giáo viên tổ chức cho học sinh thực hành độc lập hoặc theo nhóm.
Mức độ quan sát và chỉ dẫn của giáo viên sẽ giảm dần qua từng giai đoạn. Đến cuối giai đoạn thực hành độc lập, học sinh đã có thể thực hiện được theo đúng các tiêu chuẩn về kỹ thuật và thời gian. Giáo viên chú ý kiểm tra, đánh giá học sinh trong từng khâu của quá trình luyện tập.
– Kết thúc vấn đề. Tổng kết bài là một khâu rất quan trọng của hoạt động giảng dạy của giáo viên. Những ý chủ chốt, những liên hệ cốt yếu, những sự kiện cơ bản, những nguyên tắc và quan điểm nền tảng, những khái niệm hoặc giá trị có tính công cụ, cần được nhắc đến dưới những hình thức cô động, rút gọn, đặc biệt là những sơ đồ, mô hình, công thức, quy trình công nghệ hoặc các tài liệu trực quan.
Nội dung cốt lõi của bài cần được phát biểu lại trong những liên hệ và cấu trúc hệ thống, có quan hệ logic với khái niệm tổng thể.
4. Đánh giá kết quả học tập của học sinh
– Hướng dẫn tự đánh giá và đánh giá kết quả học tập của học sinh. Đánh giá kết quả người học phải dựa vào các tiêu chuẩn năng lực thực hiện. Các tiêu chuẩn này bao gồm sự thực hiện (quy trình thực hiện), năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, nguyên vật liệu và thiết bị sử dụng, việc đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện công việc và sự phối hợp với người khác trong quá trình thực hiện. Các tiêu chuẩn và điều kiện đánh giá, phải được công khai cho học sinh trước bài học.
– Thông báo kết luận đánh giá đến học sinh. Việc thông báo kết luận đánh giá đến học sinh, cung cấp cho học sinh những thông tin phản hồi để giúp họ có khả năng xác nhận quy trình hay sản phẩm như thế nào là chấp nhận được. Nói cách khác, học sinh có thể tham gia vào quá trình đánh giá, tự đánh giá kết quả học tập của mình.
5. Hướng dẫn tự học
– Giao nhiệm vụ tự học. Các nhiệm vụ tự học được giáo viên cụ thể hóa bằng các bài tập và bao gồm các nhiệm vụ thực hành, các tiêu chuẩn về kết quả thực hiện, yêu cầu về thời gian, cách thức tiến hành, tài liệu tham khảo và dụng cụ thiết bị được sử dụng. Bài tập tự học có thể được giáo viên trao trực tiếp, hoặc biên soạn trên tài liệu phát tay, để phát cho học sinh trong quá trình giao bài tập.
– Hướng dẫn cách thực hiện bài tập. Giáo viên nên hướng dẫn cụ thể cách thực hiện bài tập, kể cả khi giáo viên đã thiết kế phần hướng dẫn trong phiếu giao bài tập. Đặc biệt, là biên soạn các tiêu chí đánh giá, xác định thời gian nộp báo cáo kết quả tự học, tự nghiên cứu của học sinh, và thông báo cho học sinh ngay khi giao nhiệm vụ tự học, tự nghiên cứu.
Cung cấp tài liệu và giới thiệu địa chỉ tìm tài liệu mà học sinh cần đọc và nghiên cứu. Hướng dẫn cách thức tìm kiếm, xử lý thông tin khi tự học, tự nghiên cứu.
Chỉ rõ cách tìm kiếm theo cấu trúc kiến thức của bài học, cụ thể đến từng chương, từng mục, từng trang của các học liệu thông qua các phiếu học tập, được phát cho học sinh trong giờ lên lớp của bài học đó.
Cao Danh Chính
Bạn đang xem bài viết
Thiết kế bài dạy học tích hợp trong đào tạo nghề
Link https://myhocdaicuong.com/blog/thiet-ke-bai-day-hoc-tich-hop-trong-dao-tao-nghe.html
Xem thêm bài viết: Tiếp cận linh hoạt và xây dựng vào quá trình dạy học như thế nào?