Tạo hình lấy trẻ làm trung tâm theo phương pháp Reggio Emilia

tao hinh lay tre lam trung tam theo phuong phap reggio emilia

Phương pháp Reggio Emilia thúc đẩy trẻ trở thành những người luôn biết giải quyết vấn đề, luôn biết ra quyết định, thương lượng, hợp tác, giao tiếp tốt và có thể thể hiện bản thân qua nhiều cách khác nhau.

Các loại hình nghệ thuật trong phương pháp này được xem như là phương tiện để thúc đẩy việc học của trẻ theo hướng lấy trẻ làm trung tâm.

1. Đặt vấn đề

Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm đã và đang là một trong những định hướng quan điểm giáo dục trẻ mầm non tại Việt Nam. Thông tư số 11/2009/TT-BGDĐT ban hành và điều chỉnh bổ sung theo thông tư số 28/2016/TT-BGDĐT thực thi ngày 15/2/2017 thể hiện rõ điều này.

Hoạt động tạo hình (HĐTH) là một hoạt động nhận thức đặc biệt và mang tính sáng tạo. Nó phản ánh cuộc sống hiện thực bằng những hình tượng nghệ thuật.

Trong đó con người không chỉ khám phá và lĩnh hội thế giới mà còn cải tạo nó theo quy luật của cái đẹp, gửi gắm vào đó tâm hồn và tình cảm của người nghệ sĩ (Lê Thị Thanh Bình, 2012).

Trẻ khi tham gia vào các hoạt động tạo hình, trẻ không chỉ đơn thuần là chơi mà thông qua những sản phẩm trẻ thể hiện chính bản thân mình những tình cảm, khát khao, mong muốn, ước vọng, niềm đam mê của trẻ.

Hoạt động tạo hình được tổ chức với phương châm lấy trẻ làm trung tâm ở trường mầm non là hoạt động được tổ chức vì trẻ – vì sự phát triển của trẻ; Do trẻ – trẻ được chủ động khởi xướng; Dựa vào trẻ – huy động kinh nghiệm của trẻ và dựa vào đặc điểm riêng của từng trẻ (Trần Bá Hoành, 2003).

Trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến lý luận tạo hình theo phương pháp Reggio Emilia – một trong những lý thuyết về trẻ em có ảnh hưởng sâu sắc đến phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm trong các chương trình giáo dục mầm non hiện đại trên thế giới hiện nay.

2. Giải quyết vấn đề

2.1. Triết lý giáo dục của phương pháp Reggio Emilia

Một biểu ngữ đặc trưng về triết lý giáo dục của mô hình Reggio Emilia được đặt ra “Một đứa trẻ có hàng trăm ngôn ngữ” thể hiện niềm tin mạnh mẽ vào khả năng của đứa trẻ và trẻ em rất tò mò.

Loris Malaguzzi đã khẳng định rằng “Mỗi đứa trẻ là nhân vật chính cho sự phát triển của chính mình. Trẻ mong muốn có được kiến thức, có nhiều khả năng về sự tò mò và ngạc nhiên, và khao khát để tạo nên mối quan hệ với người khác và giao tiếp” (The-100-languages, n.d).

Với niềm tin mạnh mẽ đó mô hình giáo dục Reggio Emilia giúp trẻ phát triển tất cả các mặt khi thể hiện “trăm ngôn ngữ” của bản thân. Bên cạnh đó, còn có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà giáo dục và phụ huynh.

Triết lý của Reggio Emilia được xây dựng trên sự tôn trọng, trách nhiệm và cộng đồng, trẻ học hỏi thông qua tương tác với người khác trong một môi trường học tập thân thiện, môi trường tự nhiên được kết hợp càng nhiều càng tốt đối với trẻ.

2.2. Tạo hình lấy trẻ làm trung tâm theo phương pháp Reggio Emilia.

Phương pháp Reggio Emilia chú trọng đến việc tiếp thu các kiến thức dựa vào năng lực cá nhân của từng đứa trẻ, đây chính là một điểm quan trọng trong quan điểm dạy học lấy trẻ làm trung tâm.

2.2.1. Về mục tiêu.

Học được cách suy nghĩ sáng tạo, mở mang trí tuệ thông qua các hoạt động tạo hình. Học được cách quan sát, mô tả, phân tích và thể hiện. Học cách chấp nhận có nhiều hơn một giải pháp, chấp nhận nhiều quan điểm khác nhau. Học được cách thể hiện cảm xúc. Học được cách hợp tác và hòa hợp với mọi người.

Lớp học là nơi trẻ vừa chơi vừa học với các hoạt động nghệ thuật. Năng lực giải quyết vấn đề, tư duy phản biện thông qua năng lực tạo hình. Xây dựng sự tự tin, tự hào với tác phẩm sáng tạo nghệ thuật của bản thân.

2.2.2. Về môi trường.

Trong phương pháp tiếp cận Reggio Emilia, việc thiết kế môi trường rất quan trọng và nó được gọi là “giáo viên thứ ba” của trẻ (sau cha mẹ và giáo viên), là một phương tiện để kích thích và tạo cảm hứng tương tác, học tập và xây dựng sự hiểu biết của trẻ.

Đây chính là một trong những điểm mạnh đặc trưng của cách tiếp cận Reggio Emilia. Môi trường được thiết kế chu đáo tập trung vào cấu trúc, đồ vật và cách bày trí khiến đứa trẻ có những sự lựa chọn cho riêng mình, chúng giải quyết vấn đề, tìm hiểu tỉ mỉ và khám phá với sự lựa chọn đó.

Bầu không khí mời gọi làm tăng hứng thú tích cực trải nghiệm và học tập trong trẻ. Người lớn tin rằng, môi trường có ý nghĩa quan trọng trong việc kích thích trí tò mò, khám phá và sáng tạo của trẻ.

Môi trường là một bảo tàng thiên nhiên đầy sự đa dạng và phong phú giúp trẻ phát triển các mối quan hệ giữa con người với nhau, các kinh nghiệm, ý tưởng và nhiều cách thể hiện các ý tưởng của mình. Môi trường hoạt động tạo hình phải chào đón, kích thích tính tò mò, khám phá và giao tiếp sẵn có trong mỗi đứa trẻ.

Một môi trường mời gọi trẻ đến có những nguyên tắc sau: Thu hút sự tò mò của trẻ, trẻ hưởng ứng và hứng thú tham gia; Thiết kế môi trường phải có chủ ý, mục đích và chương trình học tập được xuất phát từ chính bên trong trẻ; Cung cấp nguồn vật liệu để trẻ được tự do cảm giác, khám phá, trải nghiệm.

Để thiết kế một môi trường hoạt động nghệ thuật theo mô hình Reggio Emilia chúng ta nên chọn một phòng hoặc một góc nhỏ cố định trong lớp học sao cho không gian này tránh xa được sự nhộn nhịp của lớp học.

Nên chọn một nơi có ánh sáng tốt từ nguồn sáng tự nhiên và cả nhân tạo. Các kệ tại góc tạo hình nền được thiết kế mở, không đậy kín nhằm giúp trẻ dễ dàng sử dụng được các vật liệu (VL).

Ngoài ra, kệ còn để tạo ra một không gian riêng cho góc nghệ thuật. Phương pháp tiếp cận Reggio Emilia tin rằng môi trường mỹ thuật phải cung cấp nguồn cảm hứng và kích thích trẻ em.

Không gian được lấp đầy với ánh sáng tự nhiên, có trật tự và đầy thẩm mỹ. Tất cả không gian đều được kết nối một cách tự nhiên, các khu vực đều được liên thông với nhau.

Các phòng học luôn tràn ngập ánh sáng tự nhiên và có một không gian chung ở chính giữa cho tất cả các học sinh, các cửa sổ và cửa ra vào được làm bằng kính trong suốt để đảm bảo trẻ có thể quan sát và tương tác với toàn bộ không gian trong trường.

Ngoài ra trong lớp sử dụng nhiều dụng cụ để chiếu sáng và thể hiện màu sắc thiên nhiên (đèn sợi đốt, ánh sáng tự nhiên, đèn huỳnh quang…). Các lối ra vào luôn gây sự chú ý cho cả trẻ em và người lớn thông qua việc sử dụng gương và hình ảnh (trên các bức tường, sàn nhà và trần nhà). Nội thất phòng học được bài trí như một nơi trưng bày các sản phẩm dự án và vật liệu học tập.

Các nguyên tắc khác của môi trường hoạt động tạo hình bao gồm không gian thân thiện, an toàn, đủ rộng rãi trong lớp, cô thường xuyên thay đổi cách bày trí để tạo hứng thú khám phá và học tập cho trẻ, đồng thời không gian phải mang tính thẩm mỹ, kích thích sự sáng tạo ở trẻ.

2.2.3. Về nguyên vật liệu.

Môi trường mỹ thuật của mô hình Reggio Emilia nhấn mạnh xây dựng một môi trường mời gọi trẻ; sử dụng những nguyên vật liệu có thể di chuyển được trong môi trường và cách trẻ trải nghiệm môi trường đó.

Để cho trẻ em tiếp xúc với cùng một môi trường và các công cụ giúp trẻ tìm hiểu làm thế nào để lựa chọn vật liệu phù hợp với nhu cầu của mình. Khi các em hiểu về một môi trường, có thể lựa chọn nguyên vật liệu cụ thể và sử dụng bằng nhiều cách để thể hiện đầy đủ các ý tưởng của trẻ, phản ánh kinh nghiệm và giải phóng cảm xúc.

Việc bày trí các vật liệu sao cho giúp trẻ tập trung vào chúng và châm ngòi cho những ý tưởng hoạt động của trẻ với chúng. Điều quan trọng là vị trí trưng bày các vật liệu phải mang tính thẩm mỹ, trẻ nhìn thấy được và có khả năng sử dụng chúng.

Màu sắc tổng quan hài hòa và việc bày trí nắm bắt sẽ thu hút được sự chú ý của trẻ, truyền cảm hứng cho trẻ khám phá, sáng tạo và có thể đề ra một chủ đề nào đó. Tính thẩm mỹ của trẻ cần được nuôi dưỡng trong những năm đầu đời.

Chỉ định một vị trí sắp đặt trẻ dễ tiếp cận với một không gian thoáng mát, thoải mái để cho trẻ hoạt động với các lời mời gọi như đặt các vật liệu trên kệ cao vừa tầm của trẻ.

Chọn lựa nền (mặt bàn) để các vật liệu có màu trung tính (màu gỗ, màu trắng), để nó không thu hút sự chú ý của trẻ khỏi các vật liệu chính. Thường lựa chọn tường, màu trắng hay màu trung tính vì các hình ảnh có hoạt động của trẻ được dán lên tường sẽ thu hút.

Các vật liệu tự nhiên được đựng trong các khay, rổ mây, thớt gỗ hay trên một lá cây lớn nhằm cho trẻ dễ dàng tiếp cận, sử dụng chúng, không giới hạn, ngăn cản trẻ hoạt động.

Các vật liệu cùng nhóm sẽ được đặt cạnh nhau. Điều này sẽ giúp trẻ phân biệt sự khác nhau giữa các vật liệu dễ dàng hơn. Bày trí vật liệu thật đẹp mắt được xem là một phần rất quan trọng trong việc thiết kế môi trường học tập cho trẻ.

Ngoài ra, giáo viên có thể gợi ý một số cách trẻ có thể vui chơi, hoạt động với các vật liệu đó. Chẳng hạn như, dùng những viên sỏi trang trí các nét vẽ, đường hoa văn hay những mô hình đang làm dở dang hoặc để một thẻ số và số hạt đậu tương ứng trong một cái khay.

Việc thu thập những vật liệu phụ thuộc vào trọng tâm của hoạt động mà giáo viên muốn trẻ làm. Luôn luôn đảm bảo có ít nhất 3- 4 vật liệu để trẻ có nhiều tùy chọn kết hợp và sử dụng vật liệu. Trong quá trình quan sát trẻ chơi, giáo viên có thể thay đổi, bổ sung vật liệu sao cho phù hợp với hứng thú, tò mò của trẻ.

Trong một môi trường học tập lấy trẻ làm trung tâm, mời gọi trẻ khám phá trải nghiệm không thể thiếu một yếu tố thiết yếu đó chính là các vật liệu rời. vật liệu rời chính là các vật liệu và các thiết bị mà có thể di chuyển, mang theo khắp nơi và kết hợp được với các vật liệu khác tạo ra những cơ hội chơi không có giới hạn.

Loris Malaguzzi từng nói “Cơ hội chúng ta cho những đứa trẻ càng đa dạng thì động lực thúc đẩy càng mãnh liệt và kinh nghiệm trẻ có được càng phong phú” (Louise Boyd Cadwell, 2018).

Spencer nói rằng các vật liệu rời thúc đẩy và khuyến khích các kỹ năng cho trẻ, bao gồm: sáng tạo, hợp tác, trải nghiệm bằng các giác quan, lập kế hoạch, tổ chức, thảo luận, xây dựng, thiết kế một trò chơi mới hay đưa ra các luật mới, thông dịch những hình ảnh trừu tượng thành những ví dụ cụ thể, thích nghi với tập thể, mở rộng việc học.

Brown and Brewer (2011) đã tường thuật một nghiên cứu so sánh mức độ sử dụng các trang thiết bị cố định và các vật liệu có thể di chuyển của trẻ mầm non.

Nghiên cứu cho thấy rằng trẻ MN đã chơi, hoạt động với bóng và các vật liệu, đồ chơi có thể di chuyển được hơn các trang thiết bị cố định, và trẻ thích được chơi ở những nơi không gian mở ( (Louise Boyd Cadwell, 2018).

2.2.4. Nguyên tắc về nguyên vật liệu trong hoạt động tạo hình theo Reggio Emilia.

– Nguyên tắc thứ nhất là sưu tầm các vật liệu có kết cấu, bề mặt thú vị cho trẻ được chạm, quan sát, những vật gây ra âm thanh hay có thể di chuyển theo những cách thú vị. vật liệu tự nhiên luôn luôn là một nguồn cung cấp dồi dào cho hoạt động khám phá, thăm dò ở trẻ.

– Nguyên tắc thứ hai: Cung cấp các vật liệu rời, dễ chuyển đổi, di chuyển, thay đổi sáng tạo. Bởi vì trẻ em hoàn toàn bị lôi cuốn, thu hút với các vật liệu dễ chuyển đổi hoặc thay đổi và có thể sắp xếp lại.

– Nguyên tắc thứ ba là sưu tầm những vật liệu có điểm tương đồng, khác biệt nhau, có thể được sử dụng để phân loại, bố trí hay sáng tạo.

– Nguyên tắc thứ tư là giáo viên cần cung cấp cho trẻ đa dạng các vật liệu mở, vật liệu thiên nhiên với các hình dạng, kích cỡ khác nhau nhằm kích thích khả năng, ý tưởng lắp ghép, xây dựng của trẻ.

– Nguyên tắc thứ năm: thường xuyên cung cấp các công cụ cho trẻ như một phần của môi trường mời gọi. Vẽ chính là một phương tiện truyền thông tự nhiên cho trẻ để thể hiện ý tưởng của trẻ.

– Nguyên tắc thứ sáu: Trẻ em chú tâm quan sát các sách và hình ảnh liên quan đến các vật liệu mà trẻ quan tâm, khám phá. Khi thiết kế một môi trường mời gọi đến trẻ bao gồm những sách, câu chuyện, hình ảnh, áp phích, sơ đồ và hướng dẫn để làm giàu cho việc sử dụng các vật liệu bằng cách cung cấp, mở rộng các đề xuất mới cho trẻ.

2.2.5. Khu vực trưng bày sản phẩm.

Ngoài ra, việc quan sát sản phẩm của các bạn sẽ khiến trẻ có cảm xúc về cái đẹp, qua đó, phát triển năng lực thẩm mĩ ở trẻ. Để trưng bày sản phẩm hoạt động mĩ thuật của trẻ.

Giáo viên có thể thiết kế nơi trưng bày bằng nhiều hình thức phong phú, đẹp mắt để gây sự chú ý của trẻ về sản phẩm hoạt động mĩ thuật như bảng đính trên tường, tận dụng vách, mảng tường trống, giá…, sử dụng nhiều vật liệu trang trí khác nhau để làm nơi trưng bày sản phẩm hoạt động cho trẻ.

Nếu có khả năng, giáo viên cũng có thể sử dụng một góc trong lớp để trang trí giống như một ki-ốt nhỏ làm nơi trưng bày. Giáo viên cần lưu ý sản phẩm của tất cả trẻ được trưng bày một cách đồng đều.

Thay vì giáo viên thu thập sản phẩm và treo tất cả sản phẩm của trẻ lên bảng trưng bày thì giáo viên có thể để trẻ tự dán sản phẩm của mình lên bảng ở vị trí mà trẻ muốn. Ví dụ: giáo viên làm sẵn tranh mô phỏng giàn dưa hấu để trẻ tự do dán quả dưa hấu trẻ vẽ ở vị trí mà trẻ muốn.

Giáo viên có thể trang trí nơi trưng bày sản phẩm phù hợp với hình thức hay chủ đề của sản phẩm. Đối với sản phẩm có không gian 2 chiều, dạng mặt phẳng như tranh vẽ, sản phẩm cắt xé, dán…, giáo viên có thể treo trên mảng tường trống hoặc treo trên trần nhà.

Đối với sản phẩm có không gian 3 chiều, mặt nổi như sản phẩm nặn, mô hình gấp giấy…, giáo viên có thể sử dụng bàn hay bề mặt kệ để đồ dùng, nguyên vật liệu mĩ thuật làm nơi trưng bày.

Không gian ngoài trời cũng có thể sử dụng làm nơi trưng bày sản phẩm mĩ thuật. Hình thức hàng rào hay sử dụng cành cây to làm nơi trưng bày sản phẩm của trẻ cũng được phổ biến.

2.2.6. Về trưng bày và thưởng thức sản phẩm tạo hình.

Giáo viên cho trẻ trực tiếp thu dọn, bảo quản sản phẩm hoạt động của mình để tạo thói quen biết giữ gìn đồ dùng cá nhân cho trẻ. Đối với sản phẩm có mặt phẳng, trẻ có thể lưu trữ ở tủ cá nhân, còn đối với sản phẩm có mặt nổi.

Sau khi trưng bày 1-2 tuần ở lớp, giáo viên cho trẻ mang sản phẩm về nhà. Trong số sản phẩm của trẻ, giáo viên thu thập theo định kì 1-2 sản phẩm và sử dụng làm tài liệu đánh giá trẻ.

2.2.7. Về phương pháp hướng dẫn tổ chức hoạt động.

Trẻ thực hiện các hoạt động tạo hình dựa trên năng lực và khả năng cảm thụ nghệ thuật của bản thân. Reggio Emilia tôn trọng sản phẩm thực sự của trẻ con.

Các hoạt động làm mẫu, rập khuôn và đồng loạt không được khuyến khích trong phương pháp này. Quan trọng nhất vẫn là cảm hứng và sự diễn đạt bằng ngôn ngữ cá nhân.

2.3 Ứng dụng vào tổ chức hoạt động tạo hình lấy trẻ làm trung tâm theo phương pháp Reggio Emilia tại Việt Nam.

Việt Nam đang bùng nổ việc vận dụng các phương pháp dạy học tích cực, hiện đại vào việc tổ chức hoạt động giáo dục tại trường mầm non. Reggio Emilia đang là một trong các phương pháp được các trường chú trọng vào lĩnh vực thẩm mỹ lựa chọn là phương pháp chủ đạo cho mình.

Tuy nhiên, cảm hứng giáo dục Reggio Emilia vẫn có thể tạo được giá trị nhất định cho giáo dục mầm non Việt Nam truyền thống bởi bản chất giáo dục trẻ em là mang đến sự tự do trong việc tìm ra bản thân mình thông qua các hoạt động giáo dục trong đó có giáo dục thẩm mỹ cho trẻ.

Việc sử dụng các nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên, cách bày trí đẹp mắt và tạo một môi trường phát triển thị hiếu thẩm mỹ cho trẻ cần được các trường mầm non chú trọng nhiều hơn.

Đặc biệt nhất trong việc vận dụng này chính là tạo cho trẻ một tâm thế chủ động trong việc chiếm lĩnh và làm chủ tri thức, ở đây chính là hình thành biểu tượng tạo hình, sử dụng công cụ tạo hình và cách thức diễn tả biểu tượng tạo hình bằng các sản phẩm của chính trẻ.

Việc tạo ra một nơi hoặc một cách thức lưu giữ các sản phẩm của trẻ cũng là một trong những điều mà các trường mầm non còn chưa chú trọng. Nó chính là chất liệu tạo cảm hứng cho những hoạt động kế tiếp của trẻ.

3. Kết luận

Giáo dục là con đường để người học tự tìm ra bản thân mình và kiến tạo kiến thức để áp dụng vào cuộc sống. Bằng niềm tin vào năng lực thật sự của trẻ con với nhiều phương thức thể hiện khác nhau.

Mô hình Reggio Emilia đã giúp người lớn nhận ra rằng giáo dục nghệ thuật tạo hình cho trẻ con tại trường mầm non chỉ đơn giản là để cho đứa trẻ được là chính nó thông qua hoạt động.

Cần một niềm tin mãnh liệt, một trái tim nóng, một cái đầu lạnh và tình yêu thật sự đối với trẻ con thì người lớn mới có thể phá vỡ được cái vỏ bọc mà bấy lâu nay đã ngăn cản sự phát triển của trẻ hoặc hướng đứa trẻ phát triển theo suy nghĩ của mình. Con đường đi đến với giáo dục khai phóng cần những mô hình giáo dục đặc biệt như Regiio Emillia.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Louise Boyd Cadwell (Dịch Giả An Vi), Phương Pháp Giáo Dục Reggio Emilia, NXB Lao Động, 2018.
[2]. Lê Thị Thanh Bình, Tổ chức hoạt động tạo hình cho trẻ mầm non, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012.
[3]. The-100-languages, (reggioemilia2015).
[4]. Trần Bá Hoành, dạy học lấy người học làm trung tâm, Tạp chí Thông tin khoa học giáo dục, số 96/2003, trang 1.

ThS. Trần Thị Phương Anh
Khoa Sư phạm

Xem thêm bài viết liên quan: Tiếp cận một số phương pháp giáo dục mầm non tiên tiến trên thế giới

Bạn đang xem bài viết:
Tạo hình lấy trẻ làm trung tâm theo phương pháp Reggio Emilia
Link https://myhocdaicuong.com/blog/tao-hinh-lay-tre-lam-trung-tam-theo-phuong-phap-reggio-emilia.html

Các tìm kiếm có liên quan: Cách thiết kế môi trường lớp học của Reggio Emilia. Đặc trưng của phương pháp Reggio Emilia. Gới thiệu phương pháp giáo dục Reggio Emilia tại Việt Nam. Giáo án phương pháp Reggio Emilia. Giáo trình Reggio Emilia chuẩn quốc tế.

Các tìm kiếm có liên quan: Một số chia sẻ về phương pháp tiến cận Reggio Emilia trong dạy học. Nhược điểm của phương pháp Reggio Emilia. Phương pháp dạy con Reggio Emilia chơi say mê học vui vẻ. Phương pháp giáo dục Reggio Emilia.

Các tìm kiếm có liên quan: Phương pháp giáo dục sớm bậc mầm non tại Việt Nam. Phương pháp Reggio Emilia là gì? Tài liệu về phương pháp Reggio Emilia. Tìm hiểu về phương pháp Reggio Emilia ở Việt Nam. Trang trí lớp học theo phương pháp Reggio Emilia. Ví dụ về phương pháp Reggio Emilia.


Ngày đăng:

Chuyên mục:

Tác giả:

Lượt xem:

197
error: