Quan điểm dạy học theo mô hình Montessori

Phương pháp giáo dục Montessori có lịch sử ra đời, phát triển hơn 100 năm và được nhiều quốc gia trên thế giới ứng dụng hiệu quả trong công tác giáo dục mầm non như: Mĩ, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,…

Từ những tài liệu trong và ngoài nước cùng với những trải nghiệm của bản thân khi tham gia khóa học “Đào tạo giáo viên Montessori”. Trong bài viết này, tác giả giới thiệu tổng quan về các quan điểm giáo dục, nội dung và phương pháp trong lớp học Montessori.

1. Đặt vấn đề

Mỗi đứa trẻ sinh ra đều mang một năng lực tiềm tàng giúp chúng dễ dàng, nhanh chóng đón nhận môi trường xung quanh để phát triển bản thân. Năng lực đó, theo Montessori là “khả năng mẫn cảm và khả năng lĩnh hội”.

Khả năng mẫn cảm tồn tại ở trẻ từ 0 tuổi đến 6 tuổi, giai đoạn này gọi là thời kỳ mẫn cảm. Trẻ ở giai đoạn này tràn đầy sức sống và hưng phấn trước mọi thứ, chúng học gì lập tức được tiếp thu ngay.

Trẻ tiếp thu thế giới xung quanh nhờ khả năng lĩnh hội giống như miếng bọt biển hút nước, do đó trong một vài tài liệu khác, khả năng lĩnh hội được gọi với thuật ngữ “trí tuệ thấm hút”, “trí tuệ thẩm thấu” hay “tâm trí tiếp nhận”.

Ngoài sự phát hiện ở trẻ có thời kỳ mẫn cảm và khả năng lĩnh hội, mô hình Montessori còn phát hiện ra rằng trẻ hứng thú, tập trung thực hiện một công việc nhiều lần, trẻ tự tin hài lòng về bản thân sau khi hoàn thành công việc, trẻ cảm thấy hạnh phúc, vui sướng sau mỗi công việc do chính bản thân trẻ thực hiện.

Ngoài ra, khi làm việc với giáo cụ, trẻ còn học cách thể hiện sự quan tâm tới người khác, yêu cái đẹp, sự ngăn nắp trật tự, tinh thần trách nhiệm. Bản chất của phương pháp giáo dục Montessori chính là hoạt động tự do của trẻ trong môi trường đã được chuẩn bị với sự hướng dẫn trực tiếp rất hạn chế của giáo viên.

Hay nói cách khác, phương pháp giáo dục Montessori ưu tiên những điều kiện tốt nhất cho trẻ. Các hoạt động giáo dục được thiết kế xuất phát từ nhu cầu, hứng thú, khả năng, trình độ và điều kiện cụ thể của từng trẻ.

Đây cũng chính là những biểu hiện của quan điểm lấy trẻ làm trung tâm mà các chuyên gia giáo dục Việt Nam đã xác định khi xây dựng chương trình giáo dục mầm non (GDMN) 2009. Trong bài viết này, tác giả giới thiệu tổng quan về các quan điểm giáo dục, nội dung và phương pháp trong lớp học Montessori.

2. Các quan điểm giáo dục cơ bản

Phương pháp Montessori được xem là phương pháp giáo dục tự nhiên và chân chính. Những quan điểm cũng như nguyên tắc giáo dục được Montessori đúc kết từ các công trình quan sát trẻ em của mình.

Bà nhận thấy mối quan hệ giữa người lớn (cha mẹ, thầy cô, …) và trẻ em luôn tồn tại những bất đồng, mâu thuẫn, .. như mối quan hệ giữa giai cấp thống trị và bị trị, và điều này có tính phổ quát, không riêng gì nơi bà sống.

Người lớn áp bức trẻ bằng cách áp đặt những suy nghĩ của mình lên trẻ mà không hề quan tâm đến nhu cầu riêng của trẻ, dù đó là những việc mà người lớn nghĩ rằng tốt cho trẻ. Đối với bà: Chúng ta phải tôn kính con trẻ [3,tr.33]

Nếu như một số lý thuyết cho rằng mầm mống nhân cách con người hình thành từ mốc 3 tuổi thì đối với Montessori, nhân cách đã hiện hữu từ lúc đứa trẻ chào đời: “Những tôn giáo khẳng định việc nhân cách con người đã hiện hữu trong trẻ sơ sinh là đúng đắn” [3, tr.40-41].

Do đó, bà luôn nhấn mạnh việc người lớn cần nhìn nhận nhân cách của trẻ và tôn trọng nó. Và đây là tinh thần xuyên suốt của phương pháp giáo dục mang tên Montessori mà biểu hiện của nó chính là sự tự do của trẻ. Xuất phát từ điều này, bà đã xây dựng một vài nguyên tắc cơ bản như sau:

2.1 Tôn trọng mọi hình thái hoạt động hợp lý mà trẻ tham gia và cố gắng hiểu chúng.

Nghĩa là trẻ được tự do lựa chọn hoạt động của mình (trong môi trường hoạt động do giáo viên chuẩn bị, định hướng chung trước). Trong quá trình hoạt động, trẻ có thể trải qua hàng giờ để nghiền ngẫm suy tư trong thế giới của riêng mình để khám phá, để thao tác nhuần nhuyễn, để giải tỏa nguồn năng lượng tràn trề tích tụ, và qua đó trẻ học những bài học để làm người.

Không ai có quyền can thiệp vào quá trình ấy, giáo viên chỉ được quan sát một cách kín đáo. Bên cạnh đó trẻ được làm chủ thế giới riêng của mình qua việc có những đồ dùng riêng, không gian riêng,…

Tất nhiên, sự tôn trọng sẽ được xem là không hợp lý với trường hợp trẻ hoang phí năng lượng vào việc gây mất trật tự. Montessori khẳng định “không khuyến khích, tôn trọng những khiếm khuyết hay sự hời hợt”, chỉ “khuyến khích những hành động có ích cho sức khỏe tinh thần và ngăn cản những điều còn lại” [3,tr.123].

Tuy nhiên, với những trẻ lần đầu tham gia lớp học và bộc lộ nhiều hoạt động được xem là bất thường, giáo viên không vội can thiệp mà nên quan sát, ghi nhận, tìm hiểu để có nhận định đúng về trẻ, sau đó mới quyết định can thiệp hay không.

2.2 Chúng ta phải hỗ trợ ước muốn hoạt động của trẻ càng nhiều càng tốt, không phục dịch mà phải dạy trẻ biết tự lập.

Tức là tổ chức môi trường cho trẻ hoạt động tối đa: không gian yên tĩnh, thoáng mát để trẻ tập trung tốt, dụng cụ phù hợp và thu hút để trẻ khám phá, chỉ dẫn hợp lý để khơi gợi hứng thú và định hướng hoạt động nhưng không làm thay cho trẻ.

Trẻ được học cách tự phục vụ mình, từ những việc đơn giản đến phức tạp như chải tóc, cài nút áo, thắt dây giày, rót nước, dọn dẹp phòng ốc sau khi hoạt động…

2.3 Chúng ta phải hết sức cẩn thận trong mối quan hệ với trẻ vì trẻ khá nhạy cảm hơn chúng ta nghĩ – với các tác động bên ngoài.

Khi trẻ gặp chuyện không hay như bị thương chẳng hạn, chúng ta không nên chối bỏ thực tế rằng “Không sao, không có gì!” vì như vậy là coi thường cảm xúc của trẻ. Nhưng cũng không nên nói quá nhiều hay phân tích sâu khiến trẻ thấy vấn để trở nên trầm trọng dẫn tới nhõng nhẽo hoặc những cảm xúc tiêu cực khác.

Chúng ta nên nói với trẻ: Uhm, đau lắm phải không con, cô hiểu mà, nhưng cô biết con sẽ vượt qua được, và rồi sẽ không có gì đáng ngại, phải không nào! Và Montessori cho rằng người lớn không cần thiết phải thật hoàn hảo trước mặt trẻ, vì như thế sẽ khiến trẻ rất thất vọng nếu vô tình phát hiện những sai phạm của người lớn.

Thay vào đó chúng ta nên chấp nhận khuyết điểm và sự phán xét công bằng của trẻ, đồng thời chúng ta có thể biện hộ cho mình. Nhận định này sẽ là con dao hai lưỡi nếu người lớn không cố gắng sống gương mẫu, và luôn biện giải cho hành động sai trái của mình.

Phương tiện xấu không thể dùng để biện minh cho mục đích tốt và phương tiện xấu càng không thể biện minh cho mục đích xấu. Do đó, để trẻ học cách lý giải những sai trái khi trẻ chưa đủ nhận thức phân biệt đúng sai chỉ khiến trẻ trở nên lươn lẹo, che đậy sai phạm bằng những lý lẽ dối trá.

Bên cạnh đó, Montessori đặc biệt tôn trọng những đặc tính riêng biệt của trẻ, sự phát triển tâm sinh lý tự nhiên của trẻ, chấp nhận sự duy nhất của mỗi trẻ và cho phép trẻ phát triển tùy theo khả năng riêng của mình và thời gian riêng của mình.

Ngoài ra, dựa trên những gì quan sát được, Montessori cho rằng nếu trẻ được tự do chọn lựa và hoạt động trong một môi trường được chuẩn bị kỹ càng, phù hợp với khả năng và giai đoạn phát triển, thì chúng sẽ phát huy tối đa tiềm năng sẵn có của mình (với điều kiện các hoạt động này đã được giáo viên lên kế hoạch trước).

Montessori chia sự phát triển của con người ra làm bốn giai đoạn, từ lúc mới sinh đến 6 tuổi, từ 6 -12 tuổi, từ 12-18 tuổi và từ 18-24 tuổi. Mỗi giai đoạn có những đặc trưng không giống nhau và tương ứng là các phương pháp tiếp cận giáo dục khác nhau cho từng giai đoạn.

Với giai đoạn đầu tiên (từ sau sinh đến khi trẻ được khoảng 6 tuổi), Montessori nhận thấy, trong suốt giai đoạn này trẻ trải qua quá trình phát triển tâm sinh lý không ngừng và nổi bật nhất.

Trẻ là những cá nhân học tập và khám phá thế giới xung quanh rất tinh tế bằng các giác quan nhạy bén của mình, từ đó hình thành nên tính độc lập và tự xây dựng mang nét riêng của từng cá nhân.

Bà mô tả hành vi của trẻ nhỏ luôn nỗ lực không ngừng nghỉ học hỏi thông qua các kích thích từ môi trường xung quanh – các giác quan, ngôn ngữ, văn hóa, trẻ rất nhạy cảm với những tác động từ thế giới xung quanh. Bà đã chỉ ra các giai đoạn nhạy cảm đó, bao gồm:

– Việc học tập, lĩnh hội ngôn ngữ: từ lúc mới chào đời đến khi trẻ được khoảng 6 tuổi.

– Tính trật tự: giai đoạn trẻ từ 1 tuổi đến 3 tuổi.

– Sự gọt giũa tinh tế của các giác quan: từ lúc mới sinh đến 3 tuổi.

– Sự đam mê với các đồ vật nhỏ: khi trẻ được 18 tháng đến 3 tuổi.

– Sự phát triển của các hành vi xã hội: khi trẻ được 2,5 tuổi đến 4 tuổi.

3. Nội dung giáo dục

Phát triển sự phối hợp cảm giác – vận động – não bộ thông qua việc cho trẻ nhỏ tiếp xúc trực tiếp với đồ vật được làm từ nhiều chất liệu. Qua việc quan sát trẻ, Montessori cho rằng trẻ em hoàn toàn bị cuốn hút bởi các vật dụng và chất liệu được thiết kế để trợ giúp sự cảm nhận của giác quan.

Thao tác với bộ học cụ nhằm phát triển nhận thức về các lĩnh vực cơ bản: giác quan, kỹ năng cuộc sống, ngôn ngữ, toán, địa lý và văn hóa. Bên cạnh đó, hình thành và phát triển các kỹ năng, tính tự lập, tự phục vụ thông qua trải nghiệm “cuộc sống thực tế”.

Trẻ học cách tự chăm sóc mình và môi trường của chúng thông qua các công việc thực tế. Trước tiên, trẻ được dạy cách đổ nước một cách hoàn chỉnh và học cách lau sạch nếu có giọt nước nào rớt ra hay tràn ra. Ngay khi trẻ thành công trong hoạt động này, chúng sẽ được chuyển đến các hoạt động phức tạp hơn như rửa tay, lau đĩa, đánh giầy, lau gương. .v.v..

Với mỗi bài tập, trẻ sẽ tăng cường được khả năng phối kết hợp giữa các bàn tay, cánh tay và các ngón tay. Khi chúng học các bài học lau và đánh bóng, chúng phải học cách chú ý đến những sự không hoàn thiện nhỏ nhất trong công việc chúng đang làm.

Điều này làm tăng sự tập trung của trẻ và thúc đẩy những thói quen làm việc một cách vượt trội đến độ sau đó chúng có thể dùng những kỹ năng này trong các công việc học đường.

4. Tổng quan về phương pháp

Theo cách dạy này, phần chủ yếu của hoạt động là do trẻ khởi xướng và tự làm việc vì mục đích giáo dục là khai mở và phát triển nguồn năng lượng dồi dào nơi trẻ.

Công việc của giáo viên là đưa ra giáo cụ, giới thiệu cách sử dụng và sau đó để trẻ tự làm việc. Cô giáo phải luôn trong tư thế sẵn sàng trình bày một trong số khá nhiều bài học chuẩn bị sẵn để đáp ứng nhu cầu của trẻ.

Do đó, số lượng bài học chuẩn bị sẵn phải nhiều, vì không đoán trước được trẻ sẽ hướng chú ý vào cái gì. Trẻ được tạo cơ hội để chìm đắm vào trong thế giới nội tâm, được khuyến khích chú ý và tập trung cao độ.

Điều này được rút ra từ việc những phát minh vĩ đại thường ra đời sau một quá trình yên lặng – suy nghĩ nhập tâm đến mức quên đi thế giới xung quanh của những nhà khoa học lỗi lạc như Newton, Archimedes, …

Do đó, trẻ có thể thao tác một hành động nào đó rất nhiều lần đến khi tự dừng lại. Trẻ được học qua trải nghiệm, qua việc tự do hoạt động và sử dụng các đồ vật có yếu tố kiểm soát lỗi.

Chẳng hạn những dụng cụ sinh hoạt thường ngày của trẻ đều bằng thủy tinh hoặc sành sứ là những vật dễ vỡ, một lần làm vỡ trẻ sẽ học được bài học cẩn thận nếu không muốn lập lại cảm xúc tồi tệ khi mất đi một đồ vật; ghế không được gắn đế nhựa giảm âm nên trẻ không khéo léo sẽ gây ồn khi kéo ghế, lúc ấy trẻ sẽ lưu ý lại cách làm của mình để không làm phiền tới người khác.

Lấy ý tưởng từ quan điểm: gia đình là môi trường an toàn và tốt nhất cho sự phát triển của trẻ, Montessori rất coi trọng yếu tố môi trường, bà cho rằng vai trò của nó không kém yếu tố giáo dục.

Ngôi trường ban đầu bà xây dựng được gọi là “ngôi nhà trẻ thơ” một phần do ý tưởng này và một phần do trường được tổ chức ngay tại nhà mà phụ huynh cho mượn (vì không có khả năng đóng học phí cao). Đối với Montessori, trường học phải là một nơi thân thiện, bình an, ngăn nắp, … như ở nhà.

Nơi đó có một gian phòng rộng cho trẻ hoạt động tự do, thoải mái, bài trí nhiều học cụ, tủ kệ, bàn ghế nhỏ xinh vừa tầm tay trẻ; xung quanh phòng có trang trí nhiều tranh ảnh và bảng lớn; có sân, vườn cho trẻ vui chơi, vận động và nghỉ ngơi. Ngoài ra còn có phòng bếp, nhà vệ sinh, nếu có điều kiện, bà khuyến khích có thêm những phòng nhỏ khác để thuận tiện cho trẻ.

Montessori cho rằng trẻ thích tham gia vào những hoạt động của người lớn và dạy trẻ phải dạy điều thật nên những vật dụng trong “ngôi nhà trẻ thơ” là những vật dụng thực sự như thế giới của người lớn, chỉ có điều chúng sẽ nhỏ nhắn phù hợp cho trẻ sử dụng.

Trong lớp sẽ có nhiều tủ có ngăn kéo và mỗi trẻ có được một ngăn kéo riêng của mình. Trong phòng rửa mặt phải có gương, bồn nước (có thể là một cái chậu nhỏ), khăn mặt để trẻ tự làm vệ sinh.

Trong bếp, mỗi trẻ sẽ có một ngăn kệ để cất chậu cây và những vật dụng của trẻ. Các đồ vật trong lớp học mang yếu tố kiểm soát lỗi nên có những tiêu chuẩn như:

Bàn ghế sẽ gọn nhẹ để trẻ dễ dàng di chuyển chúng, không có bộ phận giảm tiếng ồn, do đó trẻ làm không khéo sẽ gây tiếng động, lúc đó tự trẻ sẽ nhận thấy mình cần cẩn thận hơn để không ảnh hưởng người khác.

Đồ vật màu sáng, nên khi bị bẩn sẽ dễ nhận thấy và khiến trẻ tự giác cọ rửa chúng. Vật dụng như ly tách, chậu bằng thủy tinh hoặc sành sứ, để nếu trẻ lỡ tay làm bể, sẽ biết cẩn thận hơn trong lần sau để không làm hư đồ.

Điểm đặc trưng của phương pháp Montessori là bộ học cụ cho trẻ hoạt động. Số lượng học cụ đến năm 2006 khoảng 349 loại nhưng không thể xác định được chắc chắn có bao nhiêu loại do chính tay bà thiết kế; bộ học cụ phát triển các lĩnh vực: giác quan, kỹ năng cuộc sống, ngôn ngữ, toán, địa lý và văn hóa.

Những học cụ này ngoài việc giúp trẻ phát triển nhận thức còn nhằm mục đích phát triển thẩm mỹ, giác quan, nên được thiết kế đẹp mắt từ hình dáng đến màu sắc, phong phú về chất liệu.

Mỗi trẻ có 1 bộ học cụ riêng, 1 tấm thảm để trẻ có thể trải ra và để học cụ lên đó trong quá trình hoạt động. Ngoài ra mỗi trẻ sẽ có 1 chậu đất và trẻ tùy ý trồng cây nào mà trẻ muốn.

Lớp học được chia theo các nhóm tuổi (0-3, 3- 6). Nhóm trẻ được chia theo sở thích, nhu cầu: trẻ chọn hoạt động giống nhau sẽ vào cùng một nhóm. Trẻ lớn có thể chỉ trẻ nhỏ, và ngược lại mà không cần sự hướng dẫn của giáo viên. Một lớp học có thể từ 20-30 trẻ và có từ 1-2 giáo viên.

Trong mỗi tiết học hoạt động, giáo viên sẽ giới thiệu mẫu hầu hết các hoạt động, sau đó trẻ tự do lựa chọn hoạt động mà chúng yêu thích. Tiêu chí khi lên lớp dành cho giáo viên: nói ngắn gọn, rõ ràng và đơn giản. Giáo viên dạy cho trẻ im lặng bằng chính sự im lặng chứ không phải bằng cách nói: các con hãy im lặng.

Vì dạy học theo hứng thú của trẻ nên giáo viên phải chuẩn bị nhiều, chu đáo và luôn sẵn sàng. Ngoài ra giáo viên cần có khả năng quan sát tốt, điềm tĩnh và giàu kinh nghiệm làm việc với trẻ. Hiện nay, giáo viên dạy tại các trường Montessori phải qua lớp đào tạo và có giấy chứng nhận của Hiệp hội Montessori.

Không tồn tại việc “thưởng” và “phạt” trong phương pháp giáo dục này. Việc trẻ tích cực hoạt động trong thế giới của mình để hoàn thành công việc không phải vì muốn được khen thưởng, mà chỉ đơn thuần là thỏa mãn nguồn năng lượng dồi dào trong cơ thể cùng hứng thú tiếp cận với cuộc sống nhiều bí ẩn.

Những lúc trẻ phạm sai lầm thì chính những cảm xúc lo lắng, buồn phiền đã là một hình phạt. Những trẻ phá bĩnh sẽ không bị đánh đòn hay bị trục xuất khỏi sân chơi, nhưng sẽ được ngồi vào chiếc ghế bành êm ái cùng những đồ vật mà trẻ muốn.

Lúc đó trẻ sẽ quan sát xung quanh, thấy mọi người đang vui thú làm cái này làm cái kia, trẻ sẽ thấy nuối tiếc và ước gì mình được như thế. Mỗi trẻ có hồ sơ ghi nhận riêng, đánh giá những kỹ năng nào trẻ đã làm được và kỹ năng nào chưa làm được, từ đó có kế hoạch giúp trẻ hoàn thiện các kỹ năng ấy.

5. Kết luận

Mô hình dạy học theo Montessori lấy trẻ làm trung tâm, trẻ được tôn trọng và tự do hoạt động, tự do thể hiện, môi trường và đồ vật phù hợp với trẻ về nhiều mặt;…

Quan điểm về tự do và kỷ luật tạo lập nơi trẻ tính kỷ luật tốt do phát xuất từ ý thức, trẻ thành thạo các kỹ năng và có tính tự lập, trẻ phát triển tốt các giác quan, sự phối hợp cảm giác – vận động, nhận thức thông qua hoạt động với bộ học cụ, trẻ được chia sẻ, học hỏi lẫn nhau giữa các lứa tuổi.

Tuy nhiên, học tập cá nhân chiếm ưu thế nên việc giao lưu và phát triển cảm xúc – giao tiếp của trẻ bị hạn chế, sự thông hiểu giữa cô và trẻ cũng mờ nhạt. Vì trong thực tế, nhiều giáo viên cho rằng mối quan hệ của học với người học gần gũi hơn qua hoạt động với nhau, nhất là hoạt động ngoài trời.

Giữa thầy và trò không có sự gắn kết cảm xúc việc học sẽ không đạt hiệu quả cao, nhất là với những trẻ cá biệt. Với nguyên tắc dạy những điều có thật nên truyện cổ tích – thần thoại không được giới thiệu cho trẻ ở độ tuổi 0-6.

Theo Montessori, “các câu chuyện tưởng tượng chỉ khuyến khích trẻ xa rời thực tế. Hơn nữa, khi trẻ em nghe truyện cổ tích, chúng thụ động tiếp nhận quan điểm, cảm giác của người lớn. Trẻ không tự mình suy nghĩ” (Montessori, 1917, trang 259).

Quan điểm này làm hạn chế sự phát triển trí tưởng tượng và cảm xúc nơi trẻ, khiến chúng trở nên thực tế, khô cứng trong tâm hồn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Nguyễn Dương Khư (1997), Chân dung các nhà tâm lý – giáo dục thế giới thế kỉ XX, Nxb Giáo dục.
[2]. Nguyễn Minh (2013), Phương pháp Montessori – Nghệ thuật nuôi dạy trẻ đỉnh cao, NXB Lao động.
[3]. Maria Montessori (2013), Trẻ thơ trong gia đình, Trịnh Xuân Tuyết, Nghiêm Phương Mai dịch, Nxb Tri thức.
[4]. Giang Quân (biên dịch) (2006), Những phương pháp giáo dục hiệu quả trên thế giới, tập 3, phương pháp giáo dục đặc thù của Montessori, Nxb Tư pháp.
[5]. Tiêu Vịnh Tiệp, Nguyễn Hồng Lân (2004), Sổ tay giáo dục trẻ em, Trường ĐHSP Hà Nội.
[6]. Pilar Bewley (2010), Keeping it real, (mariamontessori)
[7]. Nguyễn Thị Ngọc Dung, Quan điểm giáo dục Montessori, (mamnon)
[8]. Ngô Bích Hằng (2012), Tìm hiểu phương pháp giáo dục Montessori và áp dụng tại Việt Nam

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Tâm
Khoa Sư phạm

Xem thêm bài viết liên quan: Tạo hình lấy trẻ làm trung tâm theo phương pháp Reggio Emilia

Bạn đang xem bài viết:
Quan điểm dạy học theo mô hình Montessori
Link https://myhocdaicuong.com/blog/quan-diem-day-hoc-theo-mo-hinh-montessori.html

Các tìm kiếm có liên quan: Chương trình học của mô hình Montessori hiện đại. Đặc điểm của phương pháp Montessori. Đặc trưng của phương pháp Montessori. Giáo trình Montessori chuẩn nhất. Khám phá bí mật đằng sau mô hình giáo dục Montessori. Montessori education.

Các tìm kiếm có liên quan: Mô hình dạy trẻ theo phương pháp Montessori. Mô hình giáo dục mầm non điển hình trong tương lai. Mô hình giáo dục mầm non ở Việt Nam. Mô hình giáo dục Montessori. Nội dụng phương pháp giáo dục Montessori.

Các tìm kiếm có liên quan: Những điều ba mẹ cần biết về phương pháp Montessori. Những gợi ý khi bắt đầu setup mô hình lớp học Montessori. Phương pháp giáo dục Montessori là gì. Phương pháp Montessori. Tìm hiểu phương pháp giáo dục Montessori. Tổng quan về phương pháp Montessori. Thực trạng vận dụng nguyên tắc giáo dục theo mô hình Montessori.

Tiêu đề bài viết: Quan điểm dạy học theo mô hình Montessori
Chuyên mục: Blog
Ngày đăng: 11/05/2022
Tác giả:
Lượt xem: 132 views
Website: https://myhocdaicuong.com
Link bài viết: https://myhocdaicuong.com/blog/quan-diem-day-hoc-theo-mo-hinh-montessori.html