Những kinh nghiệm và việc vận dụng mô hình giáo dục mầm non tiên tiến trên thế giới tại Việt Nam

nhung kinh nghiem va viec van dung mo hinh giao duc mam non tien tien tren the gioi tai viet nam

Giáo dục mầm non là hệ giáo dục rất quan trọng trong hệ thống giáo dục. Nó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục và sự hình thành nhân cách của trẻ ở các hệ giáo dục tiếp theo.

Vì vậy, việc nghiên cứu các mô hình giáo dục tiên tiến ở trên thế giới, để vận dụng vào giáo dục ở Việt nam, là việc làm rất cần thiết. Qua bài viết này tác giả muốn nêu lên những bài học, kinh nghiệm dựa trên việc phân tích các mô hình giáo dục ở trường mầm non trên thế giới, và việc vận dụng có hiệu quả vào Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Những năm đầu đời đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách và phát triển năng lực của trẻ, tuy trẻ bẩm sinh đã có khả năng tiếp thu học tập, não bộ đã được lập trình để tiếp nhận các thông tin cảm quan và sử dụng để hình thành hiểu biết và giao tiếp với thế giới.

Những thiên hướng học tập của trẻ có thể bị hạn chế bởi nhiều yếu tố như thể chất, nhận thức, tình cảm những người xung quanh và môi trường sống – xã hội. Để góp phần tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai của trẻ thì việc được hưởng sự chăm sóc và phát triển tốt từ bé rất quan trọng.

Từ đó, giáo dục mầm non được xem là cấp học đầu tiên và quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, nhận thức, tình cảm xã hội và thẩm mỹ cho trẻ em. Những kỹ năng mà trẻ được tiếp thu qua chương trình chăm sóc giáo dục mầm non sẽ là nền tảng cho việc học tập và thành công sau này.

2. Mô hình giáo dục của M.Montessori

2.1. Triết lý giáo dục của M.Montessori

Mỗi một đứa trẻ sinh ra đã thông minh và sẽ là người thành đạt (nhân đạo).

– Vai trò của nhà giáo dục là giúp trẻ phát triển theo xu hướng sẵn có của trẻ và dạy trẻ độc lập nắm bắt thế giới khách quan.

– Để giáo dục trẻ nhất thiết phải xây dựng môi trường, ở đó trẻ có thể và mong muốn tự bộc lộ xu hướng của mình, tự phát triển và tự dạy mình theo tốc độ riêng.

2.2. Nguyên tắc giáo dục của M.Montessori

2.2.1. Nguyên tắc 1:

Dẫn trẻ tới ngưỡng tự giáo dục, tự dạy học và tự phát triển – “HÃY GIÚP CON TỰ LÀM”. Trẻ tự học nhờ vào môi trường giáo dục đặc biệt – đồ dùng của M.Montessori.

A. Đồ dùng của M.Montessori

Đồ dùng của M.Montessori có cấu trúc rõ ràng và logic tương ứng với mức độ phát triển của trẻ, tương ứng với mức độ phát triển vận động tinh và nhận thức cảm tính của trẻ. Các mức độ phát triển này là điều kiện thuận lợi để dạy các dạng hoạt động khác nhau.

Trong cấu trúc của đồ dùng M.Montessori chứa đựng cái trẻ có thể tự kiểm soát. Người lớn không phải chỉ ra lỗi của trẻ mà trẻ có thể tự nhìn thấy. Vai trò của giáo viên là chỉ đạo hoạt động độc lập đó.

Đồ dùng M.Montessori tạo cho trẻ sự độc lập khỏi người lớn bằng cách quy định sự tự kiểm soát lỗi ở chính trẻ. Trẻ tự tìm và tự sửa lỗi của mình nhờ vào đồ dùng M.Montessori. Nếu lỗi xuất hiện trẻ tự sửa, lỗi đó cũng vẫn có thể tái lại, và đó là con đường đưa trẻ đến sự thành thạo và chính xác.

Đồ dùng dạy học của M.Montessori hướng sự chú ý của trẻ vào việc đào sâu vào thuộc tính của sự vật và mối quan hệ giữa chúng. Điều này chỉ có thể có sau nhiều lần trẻ tiếp xúc với đồ dùng M.Montessori.

Đối với trẻ, đồ dùng M.Montessori là chìa khóa khám phá thế giới, sắp xếp những ấn tượng lộn xộn và tự phát của trẻ về thế giới. Mặt khác, nhờ đồ dùng M.Montessori mà trẻ tiếp cận được văn hóa và văn minh nhân loại.

Giáo dục đúng đắn không có nghĩa là ép trẻ lĩnh hội một kiến thức lẻ loi nào đó, mà là nối tất cả các kinh nghiệm cũ của trẻ thành một thể thống nhất. lý trí đích thực là biết xếp thứ tự và đối chiếu.

Đối với giáo viên, những đồ dùng đó là cái để họ kích thích trẻ thể hiện khả năng phát triển của nó. Trẻ hoạt động độc lập nghĩa là những nguồn lực bên trong của trẻ được giải phóng, sao cho từng bước từng bước nó không phụ thuộc vào người lớn.

Đồ dùng M.Montessori là một phần chủ yếu và quan trọng nhất trong môi trường giáo dục. Đồ dùng M.Montessori đóng vai trò hỗ trợ dạy học theo đặc điểm cá thể của trẻ.

Trẻ có hứng thú với thế giới đồ vật thông qua sự lôi kéo mạnh mẽ của đồ dùng dạy học. Ở trẻ xuất hiện động cơ hoạt động thông qua sự tò mò và vui sướng khi tiếp xúc với đồ dùng dạy học.

Sự động cơ hóa này sẽ giúp trẻ nắm bắt được thế giới bên ngoài. Tự trẻ sẽ quyết định từ chối hay cầu xin sự giúp đỡ của người lớn, giáo viên, người gián tiếp chỉ đạo hoạt động của trẻ và luôn quan sát trẻ. Và sự hiện diện của người lớn luôn là cần thiết.

Đồ dùng M.Montessori là cái trung gian giữa giáo cụ và đồ chơi học tập (trò chơi dạy học), được làm từ những vật liệu tự nhiên (gỗ).

B. Lớp học M.Montessori có các hoạt động sau

Bao gồm: Góc cuộc sống thực tế; Góc phát triển cảm tính; Góc ngôn ngữ; Góc toán, khoa học tự nhiên và tư duy; Góc vận động.

Một số trường M.Montessori hiện đại bổ sung thêm góc hoạt động phát triển âm nhạc, ngoại ngữ, mỹ thuật. Trẻ tự chọn góc hoạt động và tự chọn dụng cụ M.Montessori mà nó thích. Trẻ làm việc theo tốc độ riêng của trẻ. Trong phương pháp của M.Montessori không có thi đua.

– Góc cuộc sống thực tế: Trẻ tự phục vụ, tự ăn, tự làm vệ sinh, tự tổ chức hoạt động thủ công và tạo hình, tự phát triển những vận động tinh và vận động thô.

Góc này thường có góc nhỏ hơn là “Khu ẩm ướt” ở đó có dụng cụ làm vệ sinh cỡ nhỏ để trẻ tự dọn dẹp lau chùi, rửa ráy đồ dùng của mình và “khu lao động thủ công” như may, cài cúc, buộc dây giày.

– Góc phát triển giác quan: Trẻ tự nghiên cứu thế giới, đặc điểm của các đồ vật. Học bằng cách kích thích các giác quan khác nhau. Ở góc này có thể có các góc nhỏ hơn như góc hạt – có nhiều loại hạt để trẻ sờ mó và nhận thức.

Sự phát triển vận động tinh và nhận thức cảm tính sẽ phát triển thành kiến thức. Quan niệm này của M.Montessori xuất phát từ tư tưởng: lý trí không có gì ngoài cái mà trước tiên ta cảm giác được.

– Góc vận động: chủ yếu là vận động theo đường vẽ: lớp học của M.Montessori được trải thảm hoặc trên nền nhà có các đường vẽ hình tròn, oval… Trẻ thực hiện các bài tập vận động theo các đường vẽ đó để phát triển vận động cân bằng, sự phối hợp vận động và chú ý.

Đồ dùng M.Montessori đáp ứng khát vọng vận động của trẻ. Trẻ hiểu biết về cơ thể của mình, phối hợp được mắt với tay chân và toàn bộ cơ thế chính ở trong quá trình vận động chính xác và hài hòa. Vận động hòa quyện với cảm xúc ấn tượng tạo ra cơ sở cho sự phát triển tinh thần của trẻ.

2.2.2. Nguyên tắc 2:

Trẻ được tham gia vào lớp có lứa tuổi khác nhau. Ở lớp học này trẻ thường từ 2 – 4 tuổi, chúng hỗ trợ nhau tự phát triển và ít cản trở nhau.

2.3. Mục tiêu giáo dục của M.Montessori

Giúp trẻ: Tự tin vào bản thân; Tự đánh giá đúng mức; Độc lập; Biết lựa chọn phương án đáp ứng nhu cầu của bản thân; Tập trung ý thức vào công việc; Quản lý tốt thời gian; Yêu lao động; Ngăn nắp gọn gàng; Thích nghi xã hội cao; Trách nhiệm; Động cơ nhận thức cao.

2.4. Nhiệm vụ của giáo viên M.Montessori

Giúp trẻ tự tổ chức hoạt động của nó, sao cho nó có thể hiện thực hóa xu hướng phát triển của nó ở mức tối đa nhất. Giáo viên M.Montessori được trang bị các biện pháp giáo dục đặc biệt.

Trong phương pháp của M.Montessori không có hệ thống giờ học tập thể. Vì vậy trong lớp thường có bàn cá nhân dễ dàng di chuyển thành vòng tròn hoặc các thảm để ngồi dưới sàn nhà. Đồ chơi để ngăn nắp trên giá, giá có kích thước ngang tầm mắt của trẻ.

Giáo viên M.Montessori không ngồi ở trung tâm lớp học, không ngồi ở bàn giáo viên như ở các lớp học bình thường, mà họ đi về chỗ làm việc cá nhân của trẻ. Nhưng họ chỉ được can thiệp vào hoạt động của trẻ khi cần thiết.

2.5. Cấu trúc giờ học M.Montessori

Bước 1: Làm việc trong môi trường montessori: phát triển chú ý, tư duy sáng tạo và logic, trí nhớ, ngôn ngữ, tưởng tượng, vận động tinh, nhận thức cảm tính, vận động cân bằng.

Bước 2: Giờ học sáng tạo “Bàn tròn”: vận động, trò chơi ngón tay, trò chơi cử chỉ điệu bộ, hát diễu hành.

Bước 3: Trò chơi tập thể, phát triển kỹ năng giao tiếp.

* Giờ học Montessori hiện đại có thể có cấu trúc sau:

Bước 1: Làm việc trong môi trường montessori.

Bước 2: Ôn lại kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm có được ở trong các mô hình dạy học khác.

Bước 3: Làm quen với thế giới xung quanh.

Bước 4: Làm các thí nghiệm vui.

Bước 5: Hoạt động sáng tạo.

Bước 6: Âm nhạc.

Bước 7: Giờ học sáng tạo “Bàn tròn”.

Bước 8: Sân khấu rối.

Bước 9: Học thuộc thơ, tập kể chuyện theo tranh.

2.6. Đặc điểm của một lớp học M.Montessori

2.6.1. Quy định và duy trì nề nếp.

Duy trì trật tự trong lớp, không có những vật dụng thừa thãi. Mỗi vật dụng có một vị trí cố định. Lấy ra và để vào đúng chỗ. Để trẻ có thể học một giờ học Montessori.

Cần dạy trẻ quy tắc hành vi đơn giản: chào cô, chào bạn, tự lấy đồ chơi, cất đồ chơi, không phá và dành đồ chơi của bạn, tự chơi. Để trẻ ghi nhớ giáo viên thường xuyên cho trẻ đọc các quy tắc này ở dạng thơ:

Trong lớp chúng ta. Ai ai cũng biết. Tự lấy đồ chơi. Tự cất đồ chơi. Đúng nơi đúng chỗ.

Trong lớp chúng ta. Ai ai cũng biết. Không la không hét. Cùng nhau làm việc.

Trong lớp chúng ta. Ai ai cũng biết. Cùng nhau đoàn kết. Không dành đồ chơi.

2.6.2.Không có thi đua và so sánh.

Không ràng buộc hoạt động tập thể hoặc đội. Tự chọn chỗ ngồi cho mình. Không giới hạn thời gian hoạt động của từng trẻ. Không nhất thiết phải trình bày kết quả hoạt động cho người khác. Không có nhận xét của giáo viên về kết quả hoạt động của trẻ.

2.6.3. Mỗi trẻ có lãnh địa riêng (thảm hoặc bàn riêng).

Lãnh địa của ai thì người đó là chủ nhà, những người còn lại là khách/ quan hệ chủ – khách phải đúng luật: chào hỏi và xin phép khi vào lãnh địa của người khác, rời bỏ lãnh địa của người khi khi bị yêu cầu và cảm thấy cần thiết, tạm biệt khi ra về… biết tiếp đón và tiễn khách.

2.6.4. Luật bình đẳng.

2.6.5.Đồ dùng sẽ thuộc về trẻ lần đầu tiên cầm nó lên và muốn chơi với nó trong ngày. Trẻ đó có mời bạn khác cùng chơi hoặc từ chối không cho ai chơi cả.

2.6.6. Lớp ghép có nhiều trẻ với nhiều lứa tuổi khác nhau.

2.6.7. Đồ dùng phải đủ cho nhiều trẻ.

2.6.8. Đồ dùng giữ chức năng trị liệu tâm lý. Đồ dùng Montessori đều có chức năng cân bằng hưng phấn và ức chế, tạo sự phối hợp các bộ phận trên cơ thể và phát triển các chức năng tâm lý yếu kém ở trẻ (góc thư giãn).

2.7. Chế độ sinh hoạt hàng ngày

Phụ thuộc vào nhu cầu của trẻ. Có những hoạt động cố định sau: giờ ăn, giờ đi dạo ngoài trời, giờ ngủ và giờ vui chơi tự do. Từ mô hình giáo dục trên so với mô hình giáo dục ở trường Mầm non Việt Nam.

Ta thấy mô hình giáo dục này có rất nhiều ưu điểm nó tạo điều kiện cho trẻ được phát triển đầy đủ cả về thể chất và trí tuệ, giúp cho trẻ hình thành tính tự lập ngay từ khi còn bé.

Trong khi giáo dục mầm non ở Việt nam không có được những ưu điểm đó giáo viên mầm non ở Việt Nam còn phải chỉ bảo và hướng dẫn chi tiết tỉ mỉ cho các em.

Vì vậy, chưa phát huy tốt được tính tự lập sáng tạo của trẻ. Các cô giáo mầm non ở Việt Nam cần phải học hỏi các phương pháp giáo dục và mô hình giáo dục trên thế giới

3. Kết luận

Trong điều kiện một bài viết tác giả chỉ giới thiệu và phân tích một mô hình giáo dục điển hình. Qua nghiên cứu tác giả đã rút ra được những ưu việt của mô hình giáo dục trên.

Nó góp phần tạo điều kiện cho trẻ em được bộc lộ và phát huy tốt tính tự lập, sáng tạo của trẻ và phát triển tốt cả về thể lực và trí tuệ góp phần phát triển toàn diện cho trẻ. Là những nhà giáo dục chúng ta cần học hỏi và vận dụng sáng tạo vào việc giáo dục ở Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Trương Thị Xuân Huệ (2009) Các mô hình giáo dục mầm non trên thế giới. Tài liệu tập huấn ĐHHNV Thành phố Hồ chí Minh
[2]. Huỳnh Văn Sơn (2009) Giáo trình tâm lý học sáng tạo NXBGVN
[3]. Huỳnh Văn Sơn (chủ biên) (2010) Hành trình đi tìm ý tưởng sáng tạo, NXB Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh
[4]. Huỳnh Văn Sơn Rèn luyện kỹ năng thiết kế ý tưởng của tiết dạy tạo hình cho giáo viên mầm non , tạp chí giáo dục MN 01-20

ThS. Hoàng Hữu Miến
Khoa Sư phạm

Xem thêm bài viết liên quan: Phương pháp toán tư duy Mathnasium dành cho trẻ mầm non

Bạn đang xem bài viết:
Những kinh nghiệm và việc vận dụng mô hình giáo dục mầm non tiên tiến trên thế giới tại Việt Nam
Link https://myhocdaicuong.com/blog/nhung-kinh-nghiem-va-viec-van-dung-mo-hinh-giao-duc-mam-non-tien-tien-tren-the-gioi-tai-viet-nam.html

Các tìm kiếm có liên quan: Các mô hình giáo dục mầm non hiện đại. Các mô hình giáo dục mầm non trên thế giới. Chương trình chuẩn giáo dục mầm non theo năm nay. Mô hình dạy học cho trẻ mầm non. Mô hình giáo dục mầm non hiện đại trên thế giới ở Việt Nam.

Các tìm kiếm có liên quan: Mô hình giáo dục mầm non ở Việt Nam. Mô hình giáo dục mầm non trên thế giới. Mô hình giáo dục trường mầm non quốc tế tại Việt Nam. Mô hình mầm non tiêu chuẩn quốc tế. Một số xu hướng đổi mới trong giáo dục mầm non hiện nay.

Các tìm kiếm có liên quan: Phương pháp giáo dục trẻ mầm non hiện đại nhất. Tổng quan về các mô hình giáo dục mầm non. Trình bày sở lược về một mô hình giáo dục mầm non trên thế giới. Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm. Giáo trình xây dựng giáo dục mầm non chuẩn.


Ngày đăng:

Chuyên mục:

Tác giả:

Lượt xem:

126
error: