Nền giáo dục Nhật Bản được coi là nền tảng cho sự phát triển toàn diện của con người. Ở đó nhà trường đặc biệt quan tâm đến sự phát triển tự nhiên của cá nhân.
Ở tại Nhật Bản, trẻ em được hưởng một nền giáo dục vô cùng đặc biệt, chính điều đó đã khiến các em bé được học bao điều bổ ích, và trở nên vững vàng với những kiến thức và kỹ năng sống được trang bị ngay từ nhỏ.
1. Đặt vấn đề
Trẻ em Nhật Bản không cần phải lo học chữ hay số như những nước khác mà được giáo dục về nhân cách và đạo đức là chủ yếu giúp trẻ phát triển tốt nhất sau này.
Trẻ được tập cho bản tính tự lập, biết cười nhiều hơn, biết cảm ơn khi nhận sự giúp đỡ và đặc biệt biết rèn luyện sức khỏe để trở nên mạnh mẽ, kiên cường hơn trong cuộc sống. Trong bài viết này tác giả xin đề cập đến một số nội dung giáo dục trẻ em lứa tuổi mầm non tại Nhật Bản.
2. Nội dung
2.1. Học là chơi, chơi là học
Giờ học bình thường của trẻ mầm non ở Nhật Bản bắt đầu từ 9 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Trong 5 giờ này tại lớp thì có đến 4 giờ trẻ em Nhật đều được vui chơi tự do, chỉ có khoảng 1 giờ cuối trước khi tan học là giáo viên kể chuyện, dạy trẻ tập hát hoặc học.
Với 4 giờ vui chơi, trẻ được chơi với các đồ chơi giáo dục, các trò chơi ngoài trời hay với các loại đồ chơi khác để phát triển trí thông minh và khả năng sáng tạo của mình.
Giáo viên sẽ không can thiệp quá sâu vào các hoạt động của trẻ mà chỉ đóng vai trò là người quan sát, hỗ trợ trẻ khi cần thiết và ghi chép lại hoạt động của các bé để thông báo đến phụ huynh kịp thời.
2.2. Học đi đôi với thực hành
Đối với trẻ mầm non ở Nhật Bản, học luôn đi đôi với thực hành. Các giáo viên tại Nhật luôn giúp trẻ có cơ hội để áp dụng những kiến thức đã học vào việc trải nghiệm thực tế.
Nếu trên lớp trẻ được học cách chăm sóc gà, thỏ, rùa… thì ngay sau đó mỗi trẻ hoặc nhóm trẻ sẽ được tự nuôi và chăm sóc những con vật đó.
Phương pháp giáo dục này không chỉ giúp trẻ phát triển khả năng nhận thức vấn đề, hiểu được giá trị của mỗi việc mà còn giúp trẻ phát triển thế giới tình cảm, yêu thương động vật, con người, biết quý trọng những gì mình đang có.
2.3. Trẻ em Nhật được rèn tính tự lập từ nhỏ
Tính tự lập đã ăn sâu vào tiềm thức con người Nhật bản, một đứa trẻ mới chỉ học mẫu giáo thôi đã được cha mẹ hướng dẫn cách rửa mặt, cách đánh răng, cách mặc quần áo.
Trẻ em Nhật Bản cũng giống như trẻ em bất cứ một nước nào khác, ban đầu chúng có thể làm sai, làm hỏng rất nhiều nhưng cứ làm đi làm lại nhiều lần sẽ ngày càng chính xác hơn. Tính tự lập không chỉ giúp trẻ có thể tự làm những việc nhỏ mỗi khi không ở gần cha mẹ mà còn tạo nên tính cách rất tốt cho công việc sau này.
Ở Nhật Bản người ta thường tổ chức rất nhiều lễ hội “trưởng thành” đó là khi bạn đã thực sự trở thành một người lớn có thể làm và quyết định mọi việc.
Ở Nhật trẻ em xách theo rất nhiều loại túi tới trường: Túi sách vở, túi bao ngoài, túi dụng cụ ăn uống, hộp dụng cụ ăn uống, túi quần áo, túi đựng quần áo sẽ thay, túi đựng quần áo sau khi thay ra và túi giày.
Sau đó thì túi A phải có chiều dài nhất định, túi B phải có chiều rộng nhất định, túi C phải đựng vừa trong túi D, túi E vừa trong túi F.
Những chiếc túi mang theo bên mình khiến trẻ em luôn ý thức được việc phân loại đồ dùng và thậm trí là phân loại rác. Tính kỷ luật của trẻ em Nhật Bản được các em rèn luyện một cách bài bản và chặt chẽ.
Bất cứ ai khi nhìn thấy các bậc phụ huynh Nhật đưa đón con đi học đều ngạc nhiên vì các em nhỏ thường tự tay xách các loại túi đến trường mà không cần bất cứ sự giúp đỡ nào của cha mẹ hay người lớn đi cùng.
Trẻ tự ý thức rằng đó là công việc của mình cũng như khi các em chơi đồ chơi xong, thường tự giác cất gọn vào các túi, hộp đựng đồ mà không cần sự nhắc nhở hay quát mắng của cha mẹ.
Ở trường mầm non đều có đồng phục riêng, khi tới trường các em phải thay quần áo liên để vui chơi. Các em nhỏ thành thục với việc tháo giày và mang giày.
Sau khi vui chơi, tập thể dục, sau giấc ngủ trưa thì các bạn nhỏ lại thay quần áo. Chính điều đó cũng khiến trẻ không còn cảm thấy loay hoay với những công việc cá nhân khi không có mẹ giúp đỡ.
Những em bé Nhật học cách độc lập từ khi các em mới chỉ 2,3 tuổi. Trong tư duy của nhiều người thì điều này thật là phiền phức, nhưng điều này lại dạy cho trẻ cách tự chăm sóc bản thân mình thật tốt và thành thục, ngăn nắp trong mọi việc làm kể từ giai đoạn mầm non.
2.4. Trẻ được rèn luyện kỹ năng hòa nhập, sự tự tin
Trong sân trường mầm non của Nhật Bản không phân biệt có phải là trẻ ngoan hay không, tất cả trẻ với mọi lứa tuổi và lớp học đều cùng nhau chơi đùa trong sân trường.
Đây chính là điểm ấn tượng giáo dục của Nhật Bản, bạn thấy đấy người Nhật được giáo dục tính cộng đồng và tinh thần đoàn kết, tính dân tộc từ khi ở cấp mầm non.
Khi chưa đầy 1 tuổi trẻ đã được thi đấu trong những hoạt động thể thao, các phụ huynh ở Nhật rất khuyến khích các con tham gia hoạt động ngoại khóa ngoài trời.
Với họ, điều đầu tiên cần dạy con cái đó là sự mạnh dạn, bản lĩnh chứ không phải là kiến thức. Trẻ tham gia thi đấu, biểu diễn và tỏ ra rất bản lĩnh khi đứng trước đám đông. Thậm chí, các em bé gái 3-4 tuổi còn tham gia vào đội bóng đá nữ…
Chính điều đó giúp trẻ em trở nên năng động và hoạt bát hơn. Buổi chiều cả trường mầm non sẽ ra sân chơi cùng nhau, các trò chơi tập thể luôn được ưu tiên nhằm giúp trẻ em có tính hòa nhập và tinh thần làm việc nhóm.
2.5. Học cách xây dựng tinh thần đoàn kết
Bài học tiếp theo mà trẻ mầm non Nhật Bản được dạy đó là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái. Trong suốt thời gian tham gia các hoạt động ở trường lớp, trẻ em Nhật Bản học được tinh thần đoàn kết qua cách hỗ trợ.
Giúp đỡ nhau cùng tham gia các hoạt động nhóm, tập thể nên các bạn cũng đừng quá ngạc nhiên khi thấy các bé mầm non đã không ngần ngại mà chạy đến giúp mình khi thấy mình đang gặp khó khăn với vấn đề hiện tại.
2.6. Dạy trẻ cách mỉm cười và nói cảm ơn
Trẻ em ở Nhật đều được giáo dục cách chào hỏi và cảm ơn người khác. Đối với trẻ mầm non ở Nhật Bản, điều quan trọng nhất không phải là dạy cho trẻ kiến thức mà là dạy cho trẻ nhân cách, cách làm người.
Hỏi bất kỳ giáo viên nào tại Nhật Bản về những kiến thức họ sẽ dạy cho trẻ mầm non thì đều nhận được câu trả lời là dạy cho trẻ cách mỉm cười và cảm ơn.
Lời cảm ơn được người Nhật sử dụng rất nhiều và thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày như một cách thể hiện tình cảm của mình đối với người được nhận lời cảm ơn đó.
Trẻ thường tự chia đồ chơi cho nhau và có tính cộng đồng rất lớn. Các em nhỏ khi chơi với nhau còn thân thiết hơn cả chị em ruột, chính điều đó khiến cho các em hòa nhập nhanh, và có cách cư xử rất lịch sự với người khác. Ở Nhật trẻ được dạy lễ nghĩa khá nhiều, thay vì học kiến thức Toán hay môn ngoại ngữ.
3. Kết luận
Một số nội dung giáo dục trẻ mầm non ở Nhật Bản ở những điểm khác biệt thú vị giúp trẻ phát triển toàn diện. Nền giáo dục trẻ em của nhật bản luôn được đánh giá cao với cách dạy trẻ rất độc đáo khác biệt phát huy hết được năng lực riêng của trẻ.
Hy vọng với các phương pháp giáo dục trẻ mầm non của Nhật Bản, chúng ta đã có thêm nhiều thông tin về nền giáo dục của Nhật Bản và chọn lọc cho mình những điều hay trong những nội dung giáo dục này để bổ sung vào phương pháp giáo dục hiện tại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Kozaki Yasuhiro 2016, “Nuôi dạy bé trai theo cách của mẹ Nhật”, NXB Thế Giới.
[2]. Ota toshimasa, 2016, “Phương pháp dạy con của cha me Nhật”, NXB Thế Giới.
[3]. Sugiyama Kouichi, 2013, “Phương Pháp Giáo Dục Con Của Người Nhật”, NXB Văn hóa thông tin.
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Diệp
Khoa Sư Phạm
Xem thêm bài viết liên quan: Những kinh nghiệm và việc vận dụng mô hình giáo dục mầm non tiên tiến trên thế giới tại Việt Nam
Bạn đang xem bài viết:
Một số nội dung giáo dục trẻ mầm non ở Nhật Bản
Link https://myhocdaicuong.com/blog/mot-so-noi-dung-giao-duc-tre-mam-non-o-nhat-ban.html