Từ ngàn xưa, dân tộc Việt Nam ta đã có truyền thống tôn sư trọng đạo, tôn vinh nghề dạy học, tôn vinh người thầy giáo, cho thấy những giá trị truyền thống giáo dục.
Đã có sự tác động đến việc kế thừa và học tập đối với các thế hệ sau. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế của nền kinh tế thị trường, những giá trị truyền thống lại có sự tác động mạnh mẽ hơn đến đạo đức nghề nghiệp, trong hệ thống giáo dục tại Việt Nam.
Từ đó đặt ra những yêu cầu rất cao, khắt khe đối với đạo đức của người thầy giáo, là làm sao để có thể ngày càng phát huy được bản chất vốn có của giá trị đạo đức, mà ông bà ta đã đúc kết từ lâu đời.
Vấn đề đạo đức nghề nghiệp luôn được mọi người quan tâm. Vấn đề bồi dưỡng rèn luyện đạo đức nhà giáo, phải được xem là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên có tính chiến lược không chỉ trong nhận thức.
Mà quan trọng hơn là mỗi nhà giáo phải tự xây dựng một chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho bản thân, trước sự kế thừa giá trị truyền thống mang tính nhân văn, nhân ái và nhân bản sâu sắc của thế hệ trước.
1. Đạo đức nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục Việt Nam các cấp.
1.1 Đạo đức nghề nghiệp trong giáo dục mầm non.
Giáo dục đạo đức cho sinh viên mầm non có ý nghĩa quan trọng, vì nó hình thành nhân cách cho trẻ em ngay từ đầu. Hiện nay, ngành giáo dục mầm non đang được cả xã hội quan tâm, nhu cầu gửi trẻ ngày một nhiều.
Bên cạnh những cống hiện sự tận tâm của các giáo viên mầm non yêu trẻ, hoàn thành tốt công việc thì vẫn còn xuất hiện một số thành phần giáo viên có đạo đức đi xuống do việc đào tạo ồ ạt bất chấp chất lượng ra sao.
Đây là vấn đề đáng lo ngại cho ngành giáo dục mầm non. Vì vậy, vẫn còn có những hiện tượng giáo viên lấy băng dính dán miệng để phạt trẻ, cô đánh trẻ làm thâm tím người,…
Những vụ việc đó làm ảnh hưởng lớn tới uy tín, nhân cách của người giáo viên mầm non, gây bức xúc trong dư luận. Những hiện tượng này do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng thiết nghĩ nó có một phần trách nhiệm của các trường chuyên nghiệp trong quá trình đào tạo giáo viên.
1.2 Đạo đức nghề nghiệp trong giáo dục tiểu học.
Giáo viên tiểu học trước hết phải là người mẫu mực. Mẫu mực từ cử chỉ, hành động đến lời nói, việc làm, phong cách sống và cả những nét tính cách cho học sinh noi theo. Người giáo viên luôn hoàn thành công việc hết mình truyền đạt những con chữ đầu tiên cho các em rèn luyện tri thức, nhân cách đến đạo đức của con người.
Hơn thế nữa, ngày nay việc đổi mới chương trình – sách giáo khoa với phương pháp dạy học hướng vào người học, tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh nhằm tạo cho các em có môi trường học tập sinh động có nền tảng vững chắc khi bước vào đời.
Tuy nhiên, ở lứa tuổi của các em còn rất hiếu động việc giáo viên tiểu học phạt các em khi phạm lỗi còn mang nhiều tính chất bạo lực như vụ cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương phạt học sinh uống nước vắt giẻ lau bảng chỉ vì thấy bé Phương Anh nói chuyện với bạn trong giờ học;
Gần đây nhất ngày 29/9/2018 cô giáo bắt học sinh tát nhau vì nói chuyện riêng ở Hà Nội,… Hàng loạt vụ việc xảy ra cho thấy một phần giáo viên đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến cách ứng xử gây suy giảm đạo đức nghiêm trọng.
1.3 Đạo đức nghề nghiệp trong giáo dục trung học cơ sở – trung học phổ thông.
Với tình yêu nghề của nhà giáo khi người học tiến bộ, nhà giáo cảm thấy phấn khởi, song khi người học làm điều sai thì người dạy cũng phải thấy trong đó có phần lỗi của mình.
Đây là động lực giúp nhà giáo vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao tri thức, sư phạm và tu dưỡng rèn luyện đạo đức nghề nghiệp. Nhà giáo giờ đây phải miệt mài lao động để cô đọng hệ thống kiến thức, đảm bảo những kiến thức này là cơ bản nhất, hiện đại nhất, hữu ích nhất cho người học.
Họ vừa phải biết giảng giải cho người học, vừa phải biết thiết kế bài học, biết dẫn dắt để người học lĩnh hội và tiếp thu nhanh chóng để có kiến thức bước vào cuộc sống. Họ luôn đặt nặng về kiến thức nền tảng cho học sinh.
Tuy nhiên, vẫn còn một số nhà giáo thiếu tâm huyết với nghề, vi phạm đạo đức nghề nghiệp như cô giáo ở Quảng Bình kêu 23 học sinh tát vào má em N với 231 cái tát đến nỗi phải nhập viện điều trị.
Đó chỉ là một mặt trái của đạo đức trong vô vàn những vấn đề tương tự xảy ra mà đạo đức không còn là thước đo của lòng yêu thương và tận tâm đối với công việc “trồng người”.
1.4 Đạo đức nghề nghiệp trong giáo dục đại học.
Giảng viên đại học phải giảng dạy với tư cách nhà khoa học, không chỉ biểu hiện ở bằng cấp, học vị mà phải là người thực sự nghiên cứu ở lĩnh vực chuyên sâu mà mình giảng dạy.
Phần lớn có trình độ chuyên môn và sư phạm cao, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ngày càng được nâng cao, có kinh nghiệm trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt;
Yêu nghề và có khả năng truyền lòng yêu nghề, đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, vẫn còn tồn tại những bất cập và chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Chính phủ đã chỉ rõ: những thành tựu của giáo dục đại học chưa vững chắc, chưa mang tính hệ thống và cơ bản, chưa đáp ứng được những đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
2. Những giá trị truyền thống của nền giáo dục Việt Nam trong mối quan hệ giữa thầy và trò.
2.1 Truyền thống “Tôn sư trọng đạo”
Từ xưa, ông cha ta đã nói “hiền tài là nguyên khí quốc gia”; nay, ta lại khẳng định “giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu” – những điều đó không thể không liên quan đến truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta.
Tôn sư trọng đạo đã trở thành một đạo lí, một truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta chính là như thế. Nó là sức mạnh tinh thần, tình cảm lớn lao và bền vững của dân tộc để góp phần xây dựng nên một nước Việt Nam văn hiến và giàu mạnh.
Thầy Chu Văn An (1292 – 1370) nổi tiếng khắp nước về đức độ và kiến thức uyên bác. Một số học trò của Chu Văn An đã đỗ đạt cao, làm quan đầu triều như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát,… nhưng vẫn một lòng kính phục thầy; mỗi lần tới thăm đều cung kính chắp tay lạy tạ thầy.
Sau khi ông mất, để tỏ lòng kính trọng và biết ơn, vua Trần Nghệ Tông đã tôn vinh Chu Văn An là Quốc sư, ban cho ông tên hiệu là Văn Trinh và thờ ở Văn Miếu. Ông được nhân dân ta tôn làm “Vạn thế sư biểu” nghĩa là “người thầy chuẩn mực của Việt Nam muôn đời”.
Vai trò người thầy là hết sức quan trọng, không thể thiếu đối với bất cứ một quốc gia, dân tộc nào. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Thế thì sao lại không tôn vinh, đề cao người thầy? Đây là tôn vinh một con người đã góp phần đem lại lợi ích cho cả một dân tộc.
Sự tôn vinh này, xuất phát từ chức năng cao quý và trách nhiệm lớn lao của người thầy. Có nhiều câu tục ngữ, ca dao xưa mang ý nghĩa răn dạy con người về vai trò của người thầy: “Không thầy đố mày làm nên”, “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy”, “Trọng thầy mới được làm thầy”…
“Tôn sư trọng đạo” là truyền thống đạo lý mang đậm giá trị nhân văn của dân tộc Việt Nam. Truyền thống này đã được ông cha ta tạo dựng, bồi đắp từ ngàn xưa cho đến nay. Trải qua thời gian, dù xã hội có phát triển và đổi thay thì truyền thống ấy vẫn là một nét đẹp trong văn hóa Việt Nam.
2.2 Truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”
Thời xưa, thầy Chu Văn An được học trò Phạm Sự Mạnh vô cũng kính trọng. Nhờ có Thầy dạy dỗ mà ông mới làm được chức quan đầu triều. Lòng biết ơn luôn thôi thúc ông phải tỏ lòng kính trọng vô đối khi đến nhà thăm cụ, vào trong nhà cũng ko dám ngồi cùng sập với cụ, chỉ xin ngồi bậc dưới.
Ông trả lời đầy đủ những câu hỏi của thầy, hỏi thăm sức khỏe của thầy như một người học trò bình thường. Biết ơn những người đã dạy dỗ mình là một hành động đẹp rất nên làm.
Nếu không có các thầy các cô dạy dỗ chúng ta, truyền cho chúng ta những kiến thức bổ ích thì chắc gì chúng ta đã đạt được thành công. Lòng biết ơn khiến con người biết sống thủy chung, ân nghĩa, được người người yêu mến.
Có như thế mới thật sự đền đáp công ơn dưỡng dục, sinh thành của thầy cô, cha mẹ. Đối với học sinh chúng ta, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi là cách đền ơn thiết thực nhất với công lao của cha mẹ, thầy cô và xã hội.
3. Những thay đổi về giá trị trong xã hội và hiện trạng đạo đức nghề nghiệp của các giáo viên tại Việt Nam.
Trong xã hội ngày nay, mặc dù khoa học kỹ thuật phát triển, nhiều yếu tố hiện đại có thể tham gia giáo dục con người nhưng không gì có thể thay thế được vị trí của người thầy. Vì thế, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” trong xã hội ngày nay vẫn còn giữ nguyên giá trị.
Tuy nhiên, cái nghĩa “Tôn sư trọng đạo” ngày nay có phần thay đổi, khoảng cách giữa thầy và trò trở nên gần gũi, thân thiện hơn, không còn bị chi phối bởi những giáo lý nghiêm ngặt như trong xã hội xưa mà có phần được giảm nhẹ, giản hóa những quy định về lễ nghĩa.
Ngày xưa thầy dạy chữ và đạo lý thánh hiền để trò làm người mong có được cái “danh ở trong trời đất”. Ngày nay nhiều người coi trọng việc học để thành công, học để làm giàu hơn là học để làm người.
Vì thế, họ quan niệm không cần học vẫn có thể thành công. Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” ngày nay đã, đang bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố tiêu cực. Những yếu tố này thuộc về nhiều phía, cả phía người thầy, phía xã hội, phía học trò.
Về phía người thầy, có không ít thầy cô có năng lực chuyên môn nghiệp vụ yếu nên chưa đáp ứng được yêu cầu của giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới. Có không ít thầy cô vi phạm đạo đức nhà giáo như chửi mắng học trò, đánh đập, hành hung, hành hạ học trò.
Dùng những hành vi để ép buộc học trò phải học thêm, tình trạng rất bất cập mới đây trên báo đều đưa tin thầy giáo đánh học sinh thậm tệ chỉ vì không làm bài tập, thầy tát vào mặt học sinh vì ức quá cũng nhảy lên đánh vào mặt thầy đó là một sự đau lòng cho truyền thống giáo dục ở nước ta.
Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến đội ngũ các thầy cô giáo đang ngày đêm miệt mài bên những trang giáo án để gieo mầm tri thức, khiến cho xã hội có cái nhìn khác về hình ảnh người thầy, một biểu tượng vốn là thiêng liêng trong xã hội.
Đạo đức nghề nghiệp là phẩm chất cốt lõi quan trọng hàng đầu đối với nhà giáo, là nền tảng, động lực thôi thúc trách nhiệm, nhiệt huyết để mỗi nhà giáo phấn đấu hoàn thành sự nghiệp vẻ vang của mình, xứng danh với nghề cao quý mà xã hội tôn vinh.
Trong những năm vừa qua, nhìn chung đội ngũ nhà giáo đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp “trồng người”, thể hiện sự tâm huyết với nghề nghiệp; tận tụy với công việc trên tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”.
Nhiều nhà giáo đã chăm chút giữ gìn lương tâm, danh dự; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công việc; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hòa nhã với học sinh, với đồng nghiệp.
Trong công tác chuyên môn, thực hiện công bằng trong giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của học sinh; thực hiện đúng điều lệ, quy chế giáo dục, chống tiêu cực và bệnh thành tích.
Trong công tác nghiên cứu, đã thể hiện tính tích cực, đi sâu khám phá cái mới, nắm chắc và vận dụng sáng tạo các nguyên tắc, phương pháp dạy học, nghiên cứu khoa học vào quá trình dạy học, giáo dục, nhất là những yêu cầu mới của Chương trình cải cách giáo dục mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra.
Tuy nhiên, vẫn còn một số nhà giáo thiếu tâm huyết với nghề, không tuân thủ những quy chuẩn của đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp như nhận phong bì, chạy trường, chạy điểm, lạm thu tiền quỹ, thậm chí đánh học sinh,…
Trong công tác chuyên môn, chưa thực sự công tâm, chưa đánh giá đúng thực chất kết quả học tập của học sinh; có trường hợp chưa thực sự tích cực học tập, nghiên cứu, khám phá cái mới.
Những hiện tượng trên xuất phát từ những yếu kém trong trau dồi đạo đức người thầy của các trường sư phạm; công tác quản lý của các nhà trường; sự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cá nhân nhà giáo;
Sự tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường và một số nhận thức, hành động sai lệch của bộ phận phụ huynh và học sinh. Vì thế, cần sớm có các giải pháp khắc phục có hiệu quả.
4. Củng cố đạo đức nghề nghiệp nhằm duy trì và phát huy những giá trị truyền thống quý báu của nền giáo dục Việt Nam.
Thời nào cũng vậy, người giáo viên luôn gánh trên mình trọng trách lớn lao, nhọc nhằn nhưng rất đỗi vinh quang, đó là trách nhiệm “trồng người”. Vì thế, để hoàn thành trọng trách ấy không chỉ cần có trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm, mà hơn hết, phải luôn ý thức được tầm quan trọng của việc thường xuyên trau dồi về phẩm chất đạo đức nghề dạy học.
Việc cũng cố đạo đức nghề nghiệp nhằm duy trì và phát huy những giá trị truyền thống quý báo là vô cùng quan trọng mang tính cấp bách và cần được quan tâm nhất hiện nay. Để trở thành một nhà giáo xứng đáng với sự kính trọng và tin tưởng thì cần củng cố:
– Một là, đối với mỗi nhà giáo trước hết cần phải nhận thức sâu sắc hơn nữa “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Chỉ có như vậy, mỗi nhà giáo mới thực sự yêu nghề, yêu người, hết lòng chăm lo, giáo dục học sinh. Điều đó đòi hỏi mỗi nhà giáo phải tự bồi dưỡng, học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm, đầu tư sức lực, trí tuệ cho từng bài giảng, tiết giảng;
Tích cực đấu tranh với những nhận thức lệch lạc về nghề dạy học, cùng những biểu hiện tiêu cực làm ảnh hưởng đến uy tín, phẩm giá, tư cách của nhà giáo; khắc phục khó khăn trong cuộc sống để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
– Hai là, trên cơ sở quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đạo đức nhà giáo, các trường cần nghiên cứu, rà soát, bổ sung tiêu chí đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo cho phù hợp với điều kiện của mỗi trường.
Theo đó, nhà giáo phải thực sự tâm huyết với nghề, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm nghề nghiệp; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác. Mỗi nhà giáo cần có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng; tận tụy với công việc; thực hiện đúng điều lệ, quy chế giáo dục, quy định của nhà trường.
Trong công tác chuyên môn, phải thực sự công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực học tập của học sinh; chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục; thực hiện phê bình và tự phê bình thường xuyên, nghiêm túc.
– Ba là, thường xuyên bồi dưỡng năng lực, trình độ và phương pháp, tác phong công tác cho đội ngũ nhà giáo. Nâng cao năng lực toàn diện, kiến thức chuyên sâu theo lĩnh vực, môn học giảng dạy và kỹ năng, phương pháp sư phạm; khả năng tư duy khoa học.
Coi trọng việc xây dựng phương pháp, tác phong công tác khoa học, mang tính kế hoạch, bài bản, sáng tạo và hiệu quả; có tính nguyên tắc, sâu sát, cụ thể, tỷ mỉ, gương mẫu, nói đi đôi với làm; thực hành tiết kiệm, sống khiêm tốn, giản dị, trong sạch, chống xa hoa, lãng phí.
– Bốn là, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các nhà trường. Theo đó, mỗi nhà giáo phải xây dựng kế hoạch phấn đấu, đề ra nội dung, biện pháp cụ thể, phù hợp. Các cấp quản lý cần quan tâm hơn nữa việc giúp đỡ.
Tạo điều kiện để đội ngũ nhà giáo phấn đấu, rèn luyện thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức, trường học xây dựng nhiều điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” trong rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Tích cực đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
– Năm là, xây dựng và phát huy nhân tố tích cực của môi trường sư phạm, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ nhà giáo. Phối hợp giữa nhà trường với địa phương, hội phụ huynh, cha mẹ học sinh trong góp phần nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho nhà giáo.
Cần sớm nghiên cứu, xây dựng các chính sách đãi ngộ nhà giáo như bồi dưỡng, sử dụng, phát huy sở trường của từng nhà giáo; cải thiện chế độ tiền lương, phụ cấp, chế độ khen thưởng, chính sách bảo hiểm xã hội,…
Trên cơ sở đó mà phát huy phong trào thi đua chấp hành nghiêm các quy chế, quy định trong giáo dục, lối sống có kỷ cương, văn hóa giáo dục; tăng cường đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ.
5. Kết luận và kiến nghị.
Đạo đức nghề nghiệp và những giá trị truyền thống trong hệ thống giáo dục tại Việt Nam có mối quan hệ tác động qua lại và bổ trợ cho nhau một cách tích cực. Tiếp thu những giá trị truyền thống giúp xây dựng cho mỗi cá nhân một nền tảng đạo đức tốt đẹp.
Bên cạnh đó, để kế thừa và phát huy hơn nữa những giá trị truyền thống thì cần nhận thức đúng đắn và xây dựng cho bản thân một hệ tư tưởng đạo đức vững chắc xứng đáng với lời dạy của ông cha ta.
Trong nền kinh tế hiện nay, mọi biện pháp nhằm củng cố đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên là vô cùng bức thiết và cần được nâng cao hơn nữa. Để xứng đáng với sứ mệnh vẻ vang và cao cả trong sự nghiệp trồng người, xứng đáng với sự tôn vinh và niềm tin yêu của xã hội.
Bản thân mỗi nhà giáo phải luôn có nhận thức đúng đắn, sâu sắc về vị thế của nghề sư phạm, trọng trách cao cả của họ trong xã hội. Tích cực tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong, lối sống để mỗi nhà giáo thực sự là những tấm gương sáng về nhân cách, đạo đức cho học sinh noi theo.
Bởi lẽ, sự tôn vinh, kính trọng đối với nhà giáo không chỉ ở kiến thức uyên thâm hay ở tài nghệ sư phạm mà quan trọng hơn cả là ở sự mô phạm về phẩm chất đạo đức, lòng yêu nghề, yêu trò và sự mẫu mực trong lối sống, ở giá trị cao cả và trong sáng của nhân cách nhà giáo.
Sự rèn luyện, phấn đấu này là thường xuyên, liên tục: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.
Đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo có vai trò rất quan trọng, góp phần quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động sư phạm và nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo của đất nước. Mỗi nhà giáo phải luôn rèn luyện đạo đức nghề nghiệp để xứng đáng với sự tôn vinh và niềm tin yêu của xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] dantri.com.vn/dien-dan/truyen-thong-ton-su-trong-dao-xua-va-nay20181126190430357
[2] spmamnon.edu.vn/tai-nguyen/giao-duc-dao-duc-nghe-nghiep-cho-sinhvien-mam-non-trong-giai-doan-hien-nay-247
[3] aum.edu.vn/tin-tuc/nghe-giao-va-truyen-thong-ton-su-trong-dao
[4] tcnn.vn/news/detail/41634/Dao-duc-nghe-nghiep-cua-nha-giao-hiennay
[5] tapchicongsan.org.vn/Home/Van-hoa-xa-hoi/2017/48681/Nang-caodao-duc-nghe-nghiep-cua-nha-giao-trong-tinh-hinh
Nguyễn Hoàng Tiến
Xem thêm bài viết liên quan: Áp dụng phương pháp Montessori trong giáo dục mầm non như thế nào?
Bạn đang xem bài viết:
Mối quan hệ giữa đạo đức nghề nghiệp và những giá trị truyền thống trong hệ thống giáo dục tại Việt Nam
Link https://myhocdaicuong.com/blog/moi-quan-he-giua-dao-duc-nghe-nghiep-va-nhung-gia-tri-truyen-thong-trong-he-thong-giao-duc-tai-viet-nam.html