Giới thiệu tổng quan về các mô hình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục mầm non của New Zealand

gioi thieu tong quan ve cac mo hinh giao duc mam non va chuong trinh giao duc mam non cua new zealand

Hệ thống giáo dục mầm non ở New Zealand được chia làm nhiều loại hình nhưng có một điểm thống nhất là tất cả các mô hình, dịch vụ giáo dục này đều sử dụng chương trình chuẩn quốc gia tên là Te Whāriki.

Mục tiêu lớn nhất của chương trình này là nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của trẻ. Bài báo này sẽ trình bày về các loại hình giáo dục mầm non ở New Zealand và sau đó tập trung vào miêu tả các đặc điểm, điểm mạnh và những hạn chế đang còn gây tranh cãi của chương trình Te Whāriki.

1. Đặt vấn đề.

Là một trong những cường quốc về giáo dục với vị trí trên các bảng xếp hạng đào tạo luôn tăng qua mỗi năm, New Zealand có mô hình giáo dục mầm non ưu việt. Ngay từ những năm đầu đời, trẻ em New Zealand đã được cả hệ thống xã hội đặc biệt quan tâm.

Chính phủ và người lớn dần đều nhận thức rõ độ tuổi từ 0- 6 là quãng thời gian ảnh hưởng lớn nhất đến sự hình thành ý thức, nhân cách của con trẻ. Bậc học giáo dục mầm non vì lẽ đó trở thành bậc học được coi trọng nhất trong hệ thống giáo dục quốc gia New Zealand.

Thật hiếm có quốc gia nào có được môi trường giáo dục mầm non đồng nhất từ nhà trường đến gia đình và cộng đồng xã hội như vậy. Việc nghiên cứu mô hình giáo dục New Zealand và đề xuất biện pháp vận dụng vào giáo dục mầm non Việt Nam là điều cần thiết.

2. Mô hình giáo dục ở New Zealand.

New Zealand có nhiều mô hình GDMN (Early Childhood Education). Mô hình do giáo viên là người hướng dẫn (teacher-led services) bao gồm nhà trẻ, trung tâm giáo dục và chăm sóc, giáo dục và chăm sóc dịch vụ tại nhà.

Mô hình do phụ huynh đảm trách (parent-led services) bao gồm khu vui chơi (play centres, playground), Kōhanga Reo. Mặc dù có rất nhiều loại hình cung cấp dịch vụ GDMN, nhưng tất cả các mô hình ấy đều áp dụng một chương trình quốc gia được gọi là Te Whāriki.

Các nghiên cứu trên thế giới về GDMN ở New Zealand đều tập trung vào chương trình giảng dạy này. Những đặc điểm quan trọng nhất của nó dựa trên những lý tưởng bao gồm bốn nguyên tắc và năm phương diện. “Te Whāriki,” có nghĩa là “mat” (tấm chiếu, tấm thảm chùi chân) trong Māori.

Một trong những ngôn ngữ chính thức của New Zealand, coi chương trình giảng dạy là “một tấm thảm phù hợp cho mọi trẻ em” và được sử dụng rộng rãi ở New Zealand với những triết lý giáo dục đa dạng và đề cao văn hóa bản địa. Ngày nay, Te Whāriki đang được biết đến và nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Thụy Điển, Nauy, Nhật Bản.

Trong bài viết này, chúng tôi xin được phép giới thiệu về tổng quan mô hình GDMN ở New Zealand và lịch sử hình thành, các đặc điểm của Te Whāriki cũng như cách nhìn nhận đánh giá của các nhà giáo dục trong và ngoài New Zealand về chương trình này.

** Trẻ em không chỉ tham gia vào một mô hình mà có thể tham gia nhiều mô hình giáo dục khác nhau. Học phí ở từng mô hình là khác nhau. Mỗi trẻ em từ 3 tuổi trở lên đều nhận được 20 giờ học miễn phí một tuần. Đồng thời cũng sẽ có những trợ cấp riêng cho những gia đình có thu cấp thấp. (Thông tin này được lấy từ trang web của Bộ giáo dục New Zealand.)

2.1 Giáo viên hướng dẫn

– Các trung tâm chăm sóc và giáo dục trẻ: Thông thường, các trung tâm chăm sóc và giáo dục trẻ được gọi là các Daycare hoặc Preschool. Các trường theo phương pháp Montessori và Rudolph Steiner centres cũng thuộc loại hình này. Một nửa giáo viên ở đây phải có bằng về giảng dạy. Các dịch vụ giáo dục ở đây phải trả phí.

– Trường mầm non/Vườn trẻ (Kindergarten): Thông thường, mô hình này được gọi là trường mầm non bán công. Để được dạy ở đây, các giáo viên được yêu cầu phải có bằng cấp. Nếu phụ huynh muốn gửi con trong thời gian dài hơn 20 giờ (được bảo trợ bởi chính phủ New Zealand) thì sẽ phải trả thêm phí nhưng sẽ thấp hơn so với các trung tâm chăm sóc và giáo dục trẻ đề cập ở mục trước.

2.2 Phụ huynh đảm nhiệm

– Dịch vụ chăm sóc và giáo dục trẻ tại nhà: Mô hình giáo dục tại gia này dành cho những nhóm trẻ nhỏ tại các gia đình. Dịch vụ này được đảm nhiệm bởi các giáo viên đã được chứng nhận là có đủ bằng cấp người sẽ giám sát quá trình giáo dục và đảm bảo các yếu tố an toàn cho trẻ. Dịch vụ này thường phải trả phí.

– Trung tâm vui chơi (Playcentre): Trung tâm vui chơi giống như một trường mầm non nhưng được quản lý bởi phụ huynh. Chi phí hoặc những khoản đóng góp thấp hơn so với mô hình nhà trường do giáo viên đảm nhiệm.

– Kōhanga Reo*: Dịch vụ này dành cho trẻ em và cha mẹ để xây dựng kiến thức về ngôn ngữ và văn hóa Maori. Cha mẹ thường tự nguyện đóng góp thức ăn và chi phí để duy trì hoạt động.

– Sân chơi trẻ em (Playgroups): Các sân chơi này cung cấp không gian cho trẻ chơi tới 4 giờ mỗi ngày. Bố mẹ và những người chăm sóc trẻ thường đi cùng với trẻ. Phần lớn những sân chơi này thường được đặt ở những công viên, gần nhà thờ…

– Kōhungahunga: Một loại của sân chơi (playground) giúp trẻ học ngôn ngữ và văn hóa Maori. Ngôn ngữ được sử dụng phụ thuộc vào địa bàn trẻ sinh sống, có thể là tiếng Anh và tiếng Maori hoặc chỉ tiếng Maori.

2.3 Những loại hình khác

– Nhóm giáo dục mầm non của các quần đảo Thái Bình Dương (Pacific Island Early Childhood Groups): Loại hình sân chơi này giúp học ngôn ngữ và văn hóa của cư dân vùng Thái Bình Dương (ví dụ Samoa, Tonga, Cook Islands, Tuvalu and Fiji). Ngôn ngữ giảng dạy có thể là tiếng Anh và tiếng bản địa hoặc chỉ tiếng bản địa.

– Trường học phối hợp (Correspondence School): Mô hình này là một lựa chọn cho những trẻ em sống xa các trung tâm chăm sóc và giáo trẻ hoặc những trẻ có vấn đề về sức khỏe. Các giáo viên ở trường học phối hợp này sẽ hỗ trợ cha mẹ trong việc tiến hành các hoạt động giáo dục. Các học liệu như sách, đồ chơi giáo dục có thể được mượn về nhà để sử dụng trong các hoạt động với trẻ.

– Giáo dục đặc biệt (Special Education): Đây là một dịch vụ phụ thêm cho những trẻ em với nhu cầu đặc biệt cho đến khi trẻ đến trường. Các hoạt động giáo dục được thiết kế theo nhu cầu và đặc điểm của từng trẻ.

3. Te Whariki – chương trình GDMN quốc gia ở New Zealand

3.1 Lịch sử hình thành

Cho đến năm 1990, chất lượng giáo dục tại các trường mầm non (kindergartens) đã ổn định về đội ngũ cũng như các khoản trợ cấp dành cho phụ huynh.

Tuy nhiên, các mô hình GDMN khác lại không thể đáp ứng được yêu cầu của xã hội (Tại thời điểm đó, các dịch vụ khác là không đủ điều kiện và nhận được trợ cấp.

Hầu hết các trường mầm non chỉ tổ chức học một buổi sáng cho trẻ em 4 tuổi và buổi chiều cho trẻ em 3 tuổi. Những ngày nghỉ lễ cũng khá dài trong suốt cả một năm. Hệ thống nhà trẻ này là không thích hợp cho các bậc cha mẹ đi làm.

Với sự nổi lên của phong trào nữ quyền, quyền lựa chọn dịch vụ, trợ cấp và chất lượng của GDMN đã trở thành vấn đề quan trọng. Hơn nữa, Chính Phủ cũng muốn tập trung vào việc tăng tỷ lệ được nhận các dịch vụ giáo dục của người Maori và người Thái Bình Dương.

Và ngày càng có nhiều trẻ em nhập cư trong các trường học cũng là một mối quan tâm được đặt ra cho giáo dục. Ý tưởng về một chương trình GDMN quốc gia được bắt đầu từ Bộ Phúc lợi xã hội và được khởi động bởi Bộ Giáo dục vào năm 1986.

Như vậy, có một nhu cầu thực tế để thực hiện một chương trình mà có thể bao gồm nhiều dịch vụ và triết lý với nhau. Đây cũng là khởi đầu để Te Whariki ra đời.

Tại thời điểm đó, một chương trình giảng dạy quốc gia là cần thiết nhưng các quan chức chính phủ cũng như các nhà giáo dục cũng quan ngại rằng liệu chương trình chung mang tính toàn quốc có đảm bảo đáp ứng nhu cầu đa dạng của trẻ em cũng như sự đa dạng văn hóa giữa các vùng miền.

Giáo sư Margaret Carr, người chủ nhiệm xây dựng chương trình cùng các đồng sự của mình đã lấy ý kiến từ rất nhiều các giáo viên, phụ huynh trong cả nước.

Phải mất hơn 6 năm để hoàn thành chương trình Te Whāriki. Chương trình GDMN Te Whariki chính thức được công bố và áp dụng rộng rãi tại New Zealand từ năm 1996.

3.2 Một số đặc trưng quan trọng của Te Whāriki

Te Whāriki có nhiều đặc trưng độc đáo.

– Thứ nhất, thuật ngữ “chương trình” (curriculum) được sử dụng trong Te Whāriki có một ý nghĩa toàn diện hơn. “Thuật ngữ chương trình được sử dụng để miêu tả toàn bộ các trải nghiệm, sự kiện và hoạt động diễn ra trong môi trường học tập để thúc đẩy hứng thú học và năng lực cá nhân của trẻ em”.

Đây là chương trình giáo dục được áp dụng để dạy và hỗ trợ cho trẻ em New Zealand trong độ tuổi từ 0-5. Chương trình này không chỉ áp dụng ở mô hình nhà trường mà còn đề cập đến sự tham gia tích cực của phụ huynh cũng như đưa ra những điều phụ huynh có thể làm cho con mình theo từng độ tuổi.

Mối quan hệ chặt chẽ giữa trẻ em với cộng đồng xã hội (community groups) xung quanh trẻ được thể hiện rất rõ trong chương trình. Cộng đồng xã hội ấy được định nghĩa bao gồm: Gia đình; Người chăm sóc, nuôi dạy trẻ; Các tổ chức xã hội có liên quan.

Ý nghĩa toàn diện này có thể được nhìn thấy trong phần giới thiệu của Te Whāriki. Mục tiêu chương trình là nhằm phát huy những năng lực cá nhân và nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng khác nhau của trẻ: “Chương trình đào tạo này được thành lập để xây dựng những công dân tương lai, những người có năng lực và và tự tin, khỏe mạnh trong tâm trí, cơ thể và tinh thần, biết hiểu và tôn trọng sự khác biệt của người khác, hiểu biết và tôn trọng sự đa dạng của các nền văn hóa và ngôn ngữ, và có thể đóng góp giá trị của mình cho xã hội”.

– Thứ hai, ý tưởng trung tâm xuất phát từ khái niệm “trao quyền”. Cùng với điều này, tác giả công nhận rằng việc trao quyền cho trẻ em là vấn đề quan trọng nhất không chỉ đối với người Maori mà còn cho tất cả trẻ em trên khắp New Zealand.

Do đó, bốn nguyên tắc (principles) và năm phương diện (strands) đã được quyết định. Bốn nguyên tắc là trao quyền (Empowerment), Phát triển toàn diện (Holistic Development), Gia đình và cộng đồng (Family and Community) và Mối quan hệ (Relationships) trong khi năm phương diện đó là Thể chất (Well-being), Quan hệ xã hội (Belonging), Đóng góp (Contribution), Ngôn ngữ giao tiếp (Communication) và Khám phá (Exploration).

Te Whāriki thiết lập các nguyên tắc và phương diện như một khuôn khổ trong đó trẻ em có thể học hỏi và phát triển trong một bối cảnh văn hóa xã hội đa dạng và hài hòa.

** Trao quyền (Empowerment): Chương trình GDMN khuyến khích trẻ tự học và thể hiện bản thân.

** Phát triển toàn diện (Holistic Development): Chương trình GDMN phản ánh sự phát triển toàn diện của trẻ.

** Gia đình và xã hội (Family and Community): Thế giới rộng lớn của gia đình và xã hội được coi là một phần không thể tách rời của chương trình GDMN hướng tới.

** Các mối quan hệ (Relationship): Trẻ em học thông qua những mối quan hệ tương tác với con người, sự vật và các địa điểm.

** Thể chất (Well-being): Sức khỏe và sự phát triển ổn định về thể trạng của trẻ được bảo đảm và tăng cường.

** Quan hệ xã hội (Belonging): Trẻ em và gia đình của trẻ cảm thấy mình là một phần của xã hội.

** Sự đóng góp (Contribution): Cơ hội học tập là công bằng, và mỗi sự đóng góp của trẻ đều có giá trị.

** Ngôn ngữ giao tiếp (Communication): Ngôn ngữ và những biểu tượng của chúng cùng hiểu biết về các nền văn hóa được khuyến khích và gìn giữ.

** Khám phá (Exploration): Trẻ em học thông qua sự khám phá tích cực về môi trường xung quanh mình.

– Thứ ba, các chương trình giảng dạy tôn trọng hoạt động đa dạng. Chương trình không chứa các mục tiêu cụ thể cho từng độ tuổi và quy định nội dung giáo dục. Chương trình cũng tôn trọng các triết lý giáo dục khác nhau như học thuyết Montessori hay học thuyết của Rudolph Steiner và coi hoạt động chơi là chủ đạo.

Trong thực tế, các nhà giáo dục, các cơ sở mầm non có thể sử dụng triết lý giáo dục của riêng mình và sử dụng Te Whāriki cùng một lúc. Trẻ em có nhu cầu đặc biệt cũng được quan tâm bởi Te Whāriki. Hơn nữa, Te Whāriki là một chương trình giảng dạy song ngữ và đa văn hóa. Chương trình giảng dạy bao gồm cả ngôn ngữ Māori và tiếng Anh.

3.3 Đánh giá hoạt động học trong Te Whariki

Làm thế nào để một giáo viên đánh giá trẻ trong quá trình giáo dục dựa trên Te Whāriki? Sau năm 1996, rất nhiều nghiên cứu về đánh giá đã được khuyến khích và tài trợ bởi chính phủ New Zealand.

Cuối cùng, một phương pháp đánh giá được gọi là câu chuyện học tập (Learning Story) đã được giới thiệu bởi Carr (2001). Hơn 94% các trung tâm GDMN sử dụng những câu chuyện học tập này để đánh giá quá trình học tập và phát triển của trẻ trong năm 2007.

Cách tiếp cận này không phải chỉ nhằm đánh giá kết quả trẻ đạt được mà nó mô tả những gì đứa trẻ đang có. Những câu chuyện học tập này được trao đổi thường xuyên giữa cha mẹ và giáo viên.

Hơn cả một hình thức tường thuật, câu chuyện học tập có thể khiến giáo viên mất thêm thời gian nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối cha mẹ và nhà trường trong hành trình chăm sóc và giáo dục con.

Ngày nay, dưới sự phát triển của các mạng xã hội và công nghệ điện tử, hồ sơ này không chỉ viết mà còn được ghi lại bằng máy ảnh kỹ thuật số. Nó giúp cho giáo viên để chụp ảnh trong buổi học, ghi lại những câu chuyện hàng ngày của trẻ.

Cải tiến hơn, nhiều trường mầm non ở New Zealand hiện nay dùng Story Park – một dạng blog điện tử như một kênh thông tin liên lạc hàng ngày với phụ huynh.

Mỗi phụ huynh và giáo viên sẽ có một account riêng để đăng nhập vào Story Park, và ngoài những góc hoạt động tập thể chung của nhà trường sẽ luôn có một file riêng về từng trẻ, các hoạt động, các đặc điểm và năng lực riêng của trẻ sẽ được cô giáo ghi nhận và trao đổi với phụ huynh thông qua kênh giao tiếp này.

3.4 Những vấn đề còn tranh luận xung quanh chương trình Te Whariki

Những người biết đến chương trình Te Whāriki thường tự hào về nó vì nguồn gốc dân chủ của nó đại diện cho lý tưởng của quốc gia New Zealand – một đất nước tôn trọng quyền tự chủ, tự quyết của từng cá nhân (May,2002).

Trên thế giới , Te Whāriki được đánh giá cao như một chương trình giảng dạy hàng đầu bởi các tổ chức như OECD. Ngoài ra, giáo viên cũng có những phản hồi tích cực về chương trình vì nó tôn trọng sự phát triển giáo viên và các hoạt động thực tiễn của riêng họ (May, 2002).

Chương trình đã tồn tại được 21 năm; hầu hết các giáo viên công tác tại các cơ sở GDMN đều được học Te Whāriki ở các trường cao đẳng, đại học trước khi ra hành nghề. Mặt khác, cũng có những quan điểm trái chiều về những hạn chế của chương trình.

Ví dụ như giải thích về vai trò của giáo viên của Te Whāriki quá đa dạng (Blaiklock, 2013); cách viết những câu chuyện học tập khác nhau với mỗi giáo viên; Te Whāriki trở thành một cái cớ để rất khó đưa ra bất kỳ một kết quả cụ thể nào trong việc đánh giá trẻ và đánh giá hoạt động dạy của giáo viên. Bởi vì chương trình không xác định kết quả và thực hành, chất lượng và khả năng của giáo viên có thể được giả định là rất khác nhau (Blaiklock, 2013).

Xuất phát từ thực tiễn đó, Bộ Giáo dục New Zealand đã tiến hành lấy ý kiến về chương trình Te Whariki trên cả nước vào tháng 12 năm 2016 và nhóm soạn thảo chương trình gồm các học giả hàng đầu đến từ các trường đại học của New Zealand sẽ công bố chương trình mới với những sửa đổi vào đầu năm 2017.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Blaiklock, K. (2013). What are children learning in early childhood education in New Zealand?. Vol 38.2, Australasian Journal of Early Childhood.
[2]. Carr, M. (2001). Assessment in Early Childhood Settings-Learning Stories. London: Paul Chapman Publishing.
[3]. May, H. (2002). Early Childhood Care and Education in Aotearoa-New Zealand: An overview of history, policy and curriculum. Vol 37 (No. 001) McGill Journal of Education.
[4]. Ministry of Education (1996), Te Whāriki: He Whāriki Matauranga mō ng ā mokopuna o Aotearoa, Early childhood curriculum. Wellington: Learning Media.
[5]. Mitchell, L. (2008). Assessment practices and aspects of curriculum in early childhood education. Wellington: New Zealand Council for Educational Research
[6]. Te One, S. (2013). Te Whāriki: Historical accounts and contemporary influences 1990-2012. Nuttall,J. Weaving Te Whāriki 2Nd Edition. Wellington: NZCER Press.

Ths. Đỗ Thị Quỳnh Ngọc
Khoa Sư phạm

Xem thêm bài viết liên quan: Mô hình dạy học tại một số trường mầm non ở Singapore

Bạn đang xem bài viết:
Giới thiệu tổng quan về các mô hình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục mầm non của New Zealand
Link https://myhocdaicuong.com/blog/gioi-thieu-tong-quan-ve-cac-mo-hinh-giao-duc-mam-non-va-chuong-trinh-giao-duc-mam-non-cua-new-zealand.html

Các tìm kiếm có liên quan: Các mô hình giáo dục mầm non hiện đại. Giáo trình giáo dục mầm non theo tiêu chuẩn quốc tế. Giới thiệu mô hình giáo dục mầm non giúp trẻ sáng tạo của Việt Nam. Giới thiệu một số mô hình chương trình giáo dục mẫu giáo. Mô hình giáo dục là gì.

Các tìm kiếm có liên quan: Mô hình giáo dục mầm non hiện đại trên thế giới ở Việt Nam. Mô hình giáo dục mầm non nổi tiếng nhất thế giới. Mô hình giáo dục mầm non ở Việt Nam. Mô hình giáo dục mầm non trên thế giới. Mô hình giáo dục Montessori. Mô hình mầm non tại Việt Nam là gì.

Các tìm kiếm có liên quan: Một số mô hình trường mầm non chất lượng cao hiện nay. Những phương pháp giáo dục mầm non trên thế giới. Phương pháp giáo dục trẻ mầm non hiện đại nhất. Trình bày sở lược về một mô hình giáo dục mầm non trên thế giới.


Ngày đăng:

Chuyên mục:

Tác giả:

Lượt xem:

168
error: