Giáo dục sớm và đổi mới giáo dục mầm non

giao duc som va doi moi giao duc mam non

Giáo dục sớm trẻ em từ 0- 6 tuổi được các nhà khoa học của một số nước phát triển trên thế giới đã nghiên cứu, triển khai có hiệu quả từ những năm 70- 80 của thế kỷ XX.

Cơ sở lý luận và thực tiễn về Giáo dục sớm cho trẻ từ 0- 6 tuổi khẳng định vai trò, ý nghĩa; đặc biệt phải có chương trình, phương pháp giáo dục sớm cho trẻ trong những năm đầu đời, kể cả giai đoạn thai nhi (thai giáo).

Vận dụng, triển khai giáo dục sớm cho trẻ em Việt Nam từ 0- 6 tuổi có ý nghĩa chiến lược góp phần khai mở tiềm năng con người. Đó cũng chính là thực hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước ta: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài trong sự nghiệp thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa hội nhập quốc tế của nước ta.

1. Mở đầu.

Với dân số gần 90 triệu người, Việt Nam hiện đang đứng thứ 14 trong số các quốc gia đông dân nhất thế giới. Trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, yếu tố nguồn nhân lực chính là yếu tố cốt lõi trong sự phát triển của Quốc gia.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà cung cấp nhân lực trong nước cũng như quốc tế, nguồn nhân lực của nước ta nhìn chung còn yếu về trình độ chuyên môn cũng như kỹ năng công việc.

Điều đó đa phần có nguyên nhân từ hệ thống giáo dục và đào tạo của Việt Nam còn chậm phát triển so với nhiều nước trên thế giới. Để góp phần cải cách giáo dục căn bản và toàn diện cần quan tâm đến đổi mới dạy và học từ Giáo dục mầm non.

Trong chiến lược kinh tế – xã hội 2011 – 2020, về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, Đảng ta đã khẳng định: Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược…; Mở rộng giáo dục mầm non, hoàn thành phổ cập mầm non 5 tuổi.

Đây là một định hướng chiến lược quan trọng của Đảng ta về giáo dục và đào tạo. Nếu chúng ta tổ chức thực hiện tốt nhất định sẽ nâng cao chất lượng nòi giống, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Hiện nay về quy mô phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non đã được bao phủ trên toàn quốc , số trẻ đến trường/lớp ngày một đông, năm sau nhiều hơn năm trước.

Tuy vậy, vẫn còn khoảng hơn 4 triệu trẻ em trong độ tuổi này chưa được đến trường và chưa được sự quan tâm chăm sóc, giáo dục của gia đình. Đây là một thiệt thòi lớn không chỉ cho các cháu nhỏ mà còn là sự lãng phí tiềm năng vô cùng to lớn cho các gia đình và cả đất nước.

Các công trình về giáo dục sớm trên thế giới đều cho rằng: Sự phát triển trong những năm đầu đời quyết định tương lai của cả cuộc đời. Những năm đầu đời là giai đoạn phát triển quan trọng nhất trong đời người, đặc biệt là giai đoạn từ 0 – 6 tuổi là “Giai đoạn vàng”, “Cửa sổ của cơ hội” để bộ não phát triển và hoàn thiện.

Đây cũng là thời kỳ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe, môi trường sống và nội dung phương pháp giáo dục sớm. Trẻ mầm non là nhóm trẻ đặc biệt quan trọng, là nền tảng trong chiến lược phát triển con người.

Cung cấp các dịch vụ chăm sóc và giáo dục có chất lượng cao cho trẻ mầm non là nhiệm vụ cấp thiết để thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em, đảm bảo công bằng xã hội, nâng cao chất lượng nòi giống, nguồn nhân lực tương lai của đất nước.

2. Sự cần thiết phải tiến hành giáo dục sớm đối với trẻ.

2.1 Thứ nhất, giáo dục sớm thúc đẩy sự phát triển của đại não.

Trước đây người ta cho rằng não phải và não trái hoạt động theo cùng một nguyên lí giống nhau. Nhưng thực tế lại không phải như vậy. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng não phải có những khả năng kỳ diệu.

Nếu não phải được phát triển, nó có thể sẽ kích hoạt những khả năng không có giới hạn. Phương pháp giáo dục truyền thống hiện nay mới chỉ tập trung vào một bên của não bộ đó là não trái vì người ta chưa biết gì nhiều về nửa bên kia.

Trên thực tế, những khả năng chưa được khai phá của con người đều nằm ở não phải. Ngay trong bụng mẹ, não phải của con người đã được hình thành trước, sau đó não trái mới hình thành.

Trong ba năm đầu đời, não trái chưa bắt đầu hoạt động tốt và não phải đóng vai trò là não chủ đạo. Từ ba đến sáu tuổi, vị trí chủ đạo của não phải dần chuyển sang não trái.

Đến sáu tuổi, não trái bắt đầu đóng vai trò chủ đạo và nó sẽ khống chế sự hoạt động của não phải. Đó là lý do tại sao cần tận dụng kích hoạt não phải trong giai đoạn trước 3 tuổi khi não phải vẫn đóng vai trò chủ đạo.

Ngày nay các nhà khoa học đã khẳng định 3 năm đầu đời là giai đoạn rất quan trọng của sự phát triển não. Trong đó: từ 0-2 tuổi là thời kỳ phát triển của não phải (đây là giai đoạn thần đồng); từ 3-4 tuổi là giai đoạn chuyển tiếp sang thời kỳ của não trái. Còn từ 6-8 tuổi là thời kỳ của não trái.

Theo thuyết phát triển trí lực của nhà giáo dục học Shichida người Nhật Bản: sự tăng tiến này giống như hình tam giác cân, lúc 0 tuổi (thời kỳ thai nhi) phát triển nhanh nhất.

Chính là đáy của tam giác, lúc 8 tuổi chính là đỉnh tam giác, trí lực không phát triển rõ rệt nữa, và sau đó, con người chỉ có thể phát triển kỹ năng và tri thức.

Trong 3 năm đầu đời nếu trẻ được sống trong môi trường chăm sóc giáo dục sớm đúng đắn, đa dạng, được cung cấp những trải nghiệm phong phú kích hoạt não trẻ sớm ngay từ giai đoạn này.

Trẻ sẽ hình thành nên hàng tỉ các kết nối và mạng lưới thần kinh dày đặc trên bộ não, giúp trẻ đạt được những tiềm năng trí lực tối đa cho cả cuộc đời. Các nhà khoa học gọi cái mạng lưới đâm nhánh chằng chịt này là “rừng tế bào thần kinh”.

Một trẻ 3 tuổi khỏe mạnh bình thường có số lượng các khớp thần kinh kết nối giữa các tế bào não nhiều hơn gấp hai lần so với người trưởng thành. Từ sau 10-11 tuổi, não trẻ bị mất đi các khớp thần kinh mà chúng không sử dụng đến.

Đây cũng chính là nền tảng cơ sở để nuôi dưỡng con người, là xuất phát điểm và ưu thế cho việc phát triển thể chất, trí tuệ, hình thành tính cách và phẩm chất tốt đẹp ở giai đoạn sau của con người.

Nếu bỏ qua cơ hội chỉ đến một lần trong đời lúc này thì tiềm năng não bộ của trẻ sẽ giảm dần theo quy luật “Sử dụng nó hay đánh mất nó”, nghĩa là giáo dục càng muộn thì tiềm năng có được của con người được phát huy càng ít.

Nghiên cứu giáo dục trẻ thông minh sớm đã chỉ ra rằng: Chúng ta đang lãng phí một nguồn tài nguyên não bộ vô cùng to lớn bởi mới chỉ khai thác được từ 3-10% khả năng kỳ diệu của não bộ.

Makarenko, nhà sư phạm nổi tiếng của Liên Xô trước đây cho rằng: “Nền móng của giáo dục được xây dựng vững chắc từ trước 5 tuổi, nó chiếm 90% cả quá trình giáo dục”.

Nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Benjamin Bloom sau hàng loạt nghiên cứu đã nói: Nếu một người trưởng thành đến 17 tuổi trí lực đạt 100%, thì lúc 4 tuổi đã đạt 50%, 8 tuổi đạt 80%, trong 9 năm từ 8 tuổi đến 17 tuổi phát triển 20% khả năng còn lại.

2.2 Thứ hai, Giáo dục sớm khai mở trí thông minh của con người.

Giáo sư – Tiến sĩ Howard Gardner của Trường Harvard dựa trên các kết quả nghiên cứu thần kinh và tâm lý học, đồng thời có những khảo sát thực tế của riêng mình (trên các trẻ em bình thường và trẻ có năng khiếu, cũng như một nhóm người lớn có vấn đề về trí não). Ông đã nghiên cứu rất sâu rộng về năng lực trí tuệ và trí thông minh của loài người.

Trong tác phẩm Frames of Mind được giới thiệu vào năm 1983, tác giả đã đưa ra Thuyết Trí thông minh đa diện còn gọi là đa thông minh (tên gốc: Theory of Multiple Intelligences, viết tắt: Thuyết MI). Đến nay có 8 loại trí thông minh thường được các nhà khoa học đề cập đến nhất:

– Trí thông minh ngôn ngữ (verbal-linguistic intelligence/ word smart/ book smart): Thể hiện ở khả năng diễn đạt, sử dụng công cụ ngôn ngữ ( đọc, viết và nói) với trí tưởng tượng, phong phú, nhạy cảm, lôi cuốn… Những khả năng này rất thích hợp trong lĩnh vực văn chương, sư phạm, luật sư, truyền thông v.v…

– Trí thông minh âm nhạc – giai điệu (musical-rhythmic intelligence/ music smart/ sound smart): Thể hiện tính nhạy cảm đối với giai điệu, tiết tấu, âm thanh, cảm xúc…qua các giác quan, đặc biệt là thính giác. Năng lực này nổi trội đối với những người trong các lĩnh vực âm nhạc, truyền thông, nhận dạng, tìm kiếm thông qua các loại tiếng động, âm thanh v.v..

– Trí thông minh logic – toán học (mathematical-logical intelligence/ math smart/ logic smart): Thể hiện ở các khả năng tư duy như: tính toán, phân tích, tổng hợp, nhận định, phán xét v.v.. Những người có năng lực tư duy tốt thường có trí nhớ tốt, giỏi suy luận, khái quát, nhận dạng (hình ảnh, con số..). Năng lực này rất thích hợp với hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực tính toán, khoa học- công nghệ, nghiên cứu lý luận, kỹ năng lập luận v.v..

– Trí thông minh không gian – thị giác (visual-spatial intelligence/ art smart/ picture smart): Thể hiện qua cách thức tương tác với hình ảnh, không gian, bố cục, màu sắc ( Vật thể, vị trí, tọa độ..) thông qua giác quan đặc biệt là mắt. Người có trí thông minh này rất thích hợp với các lĩnh vực hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh, kiến trúc,trang trí, định vị không gian…

– Trí thông minh vận động – cơ thể (bodily-kinesthetic intelligence/ body smart/ movement smart): Thể hiện ở các khả năng vận động (chỉ huy,điều khiển, thực hiện..) các loại hình vận động của các bộ phận cơ thể như chân tay, thân, mắt, miệng.. tạo sự khéo léo, uyển chuyển trong thực hiện các động tác, dễ dàng diễn tả hoặc truyền đạt cảm xúc, ý tưởng qua hình thể Năng lực này rất thích hợp với các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật,thể thao, thủ công – mỹ nghệ. Đây là trí thông minh rất quan trọng, vì tất cả các trí thông minh còn lại chỉ có thể phát triển tốt nếu trí thông minh vận động – cơ thể cũng phát triển tốt.

– Trí thông minh tự nhiên (naturalist intelligence/ nature smart/ environment smart): Thể hiện khả năng nhạy cảm với môi trường thiên nhiên, thích quan sát, tìm hiểu thế giới tự nhiên (như hoa, lá, cây cối, sông ngòi, các hiện tượng thời tiết, sự biến đổi tự nhiên,các loài vật…) và các hoạt động ngoài trời..Thiên hướng này có ích cho các lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, sinh học…

– Trí thông minh tương tác – xã hội (interpersonal intelligence/ people smart/ group smart): Thể hiện khả năng tinh tế, nhạy cảm, thấu hiểu.. trong nhìn nhận, đánh giá các đối tượng (con người, sự vật) qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp. Đây là người có khả năng thấu cảm, có đầu óc tổ chức, có khả năng lôi cuốn, thuyết phục cao, cởi mở, dễ gây ảnh hưởng đến người khác. Năng lực này rất thích hợp với các lĩnh vực báo chí, quảng cáo, ngoại giao, giáo dục, quản lý, lãnh đạo.. thể hiện xu hướng hướng ngoại.

– Trí thông minh nhận thức bản thân (intrapersonal intelligence/ self smart/ introspection smart): Thể hiện cuộc sống nội tâm phong phú, có xu hướng hướng tâm. Những người này rất am hiểu bản thân, có khả năng nhận biết, đánh giá chuẩn xác các cảm xúc và hành vi của mình, làm chủ bản thân hiểu về vị trí và mối liên hệ giữa bản thân với xung quanh. Đây là những năng lực ẩn dấu thường thấy ở những người thích suy tư, có khả năng tập trung cao độ, làm việc độc lập, kiên nhẫn, có khả năng nhìn nhận các sự vật, hiện tượng ở tầng sâu… Đây là những năng lực thường thấy ở các nhà triết học, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ sáng tạo..

Theo Thuyết MI, trẻ em không chỉ có một mà có đủ cả 8 loại hình trí thông minh. Các loại trí thông minh được bộc lộ một cách tự nhiên, và nếu người lớn chúng ta biết cách khích lệ bé phát triển kỹ năng nổi trội của bé thì từ điểm bắt đầu vững chắc này.

Bạn và bé có thể sử dụng thiên khiếu để tạo nên một sự lan tỏa phát triển, kích hoạt tất cả những trí thông minh còn chưa phát triển tốt, hay chưa bộc lộ được ở bé.

Còn nếu chúng ta dập tắt ngay từ đầu ngọn lửa thiên khiếu mới bừng chớm ở các bé, trí thông minh và khả năng của một đứa trẻ sẽ bị phai nhạt dần và không thể phát triển tiếp.

Làm sao những đứa trẻ có thể tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Nếu chính những biểu hiện nổi trội của các bé đã không được công nhận ngay từ đầu, trong khi chính những sự bộc lộ kỹ năng ấy lại có thể giúp bé và cha mẹ đưa ra các định hướng học tập, sinh hoạt và làm việc về sau?

Phủi dập các yếu tố tự nhiên ở bé, không khác nào tước mất của bé những căn cứ cơ bản nhất trong đời để phát triển bản thân về sau, để bé đạt đến sự thành công và khả năng đóng góp cho xã hội.

Sự tước đoạt ấy sẽ khiến bé lớn lên trong tự ti vì không xác định được giá trị cốt lõi của bản thân mình, khiến bé loay hoay trong việc học và thậm chí là phải chật vật cả đời vì cho rằng mình kém cỏi và không thể nhận ra nổi mình có thể làm được gì.

Vì vậy, cha mẹ và thầy cô giáo cần phải tạo điều kiện cho trẻ phát triển được nhiều loại hình trí thông minh để đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện.

2.3 Thứ ba, Giáo dục sớm là quá trình bồi dưỡng hình thành tính cách và phẩm chất tốt đẹp của con người.

Đó là lòng nhân ái, biết sống hài hòa với thế giới xung quanh, biết quan tâm đến mọi người, có suy nghĩ lạc quan, ham hiểu biết, giàu trí tưởng tượng, sáng tạo. Theo nhà giáo dục học Krupskaya: những kinh nghiệm từ nhỏ sẽ có ấn tượng rất sâu trong cuộc đời mỗi con người.

Chính vì vậy, nếu một người được hình thành tính cách tốt ngay từ nhỏ, gia đình và bản thân người đó nhất định sẽ rất vui vẻ hạnh phúc; nếu nhiều người được hình thành tính cách tốt ngay từ nhỏ, xã hội sẽ rất an hòa, và nhân tài sẽ ngày càng nhiều.

Còn những người ngay khi sinh ra đã được hình thành tính cách xấu, thói quen xấu, muốn cải tạo thật không dễ dàng, hơn nữa tuổi càng cao, thói quen, tính cách và tư duy càng không thể suy chuyển.

Như vậy, giáo dục sớm có ý nghĩa đặc biệt và có tác dụng phi thường đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. “Trẻ em cần được chăm sóc và kích thích phát triển một cách toàn diện từ trước khi được sinh cho tới những năm đầu đời để có thể lớn lên và phát triển hết tiềm năng của mình” (ARNEC,2011),

“Các cơ hội giáo dục được định hình từ lâu trước khi trẻ đến lớp. các kỹ năng ngôn ngữ, nhận thức và xã hội mà trẻ phát triển thời thơ ấu là trụ cột thực thụ cho việc học tập cả đời” (UNESCO, Báo cáo giám sát GDCMN 2011).

2.4 Mục tiêu của giáo dục sớm

Mục tiêu của giáo dục sớm cho trẻ trong những năm đầu đời không phải để nhồi nhét tri thức mà giáo dục phải góp phần kích hoạt được các năng lực thiên bẩm của trẻ, nhằm khai phá các tiềm năng và khả năng phi thường trong những năm đầu đời của trẻ, nhằm hình thành các nền tảng tốt đẹp cho cả đời người.

Chúng ta phải cung cấp cho trẻ môi trường phát triển tốt với các yếu tố kích thích cần thiết cho sự phát triển. Nói cách khác chúng ta nên xây dựng một nền giáo dục có thể đề cao ý chí của từng cá nhân.

Các tố chất cơ bản cần bồi dưỡng, chăm sóc, giáo dục sớm cho trẻ 0-6 tuổi, đó là:Sức khỏe tốt; Đầu óc linh hoạt, sáng tạo; Có niềm say mê hứng thú;Tính cách tốt; Biết yêu thương và giao tiếp; Phát triển ngôn ngữ (bao gồm ngôn ngữ thị giác và ngoại ngữ); Yêu thích thiên nhiên và những sự vật tốt đẹp.

Tiến sĩ Thomas Verny- nhà tâm lý học người Mỹ và là tác giả của cuốn sách: “Sự sống bí ẩn của thai nhi” đã nói: Các giai đoạn thai nhi và sơ sinh quyết định rất nhiều quá trình hình thành tâm lí và sinh lí của con người. Tất cả các bệnh tật như: bệnh tim, tiểu đường, các bệnh về miễn dịch… Có thể là kết quả của các căng thẳng trong giai đoạn đầu tiên của cuộc đời.

Những khả năng về giao tiếp, kết nối với mọi người xung quanh, năng lực yêu và được yêu thương cũng được quyết định trong giai đoạn thai nhi và giai đoạn đầu đời. Vì vậy, các giai đoạn này chính là lúc chúng ta có thể cung cấp những cơ hội tốt nhất và duy nhất để ngăn chặn những rối loạn về thể chất lẫn tâm lý cho trẻ”.

3. Những nguyên tắc của giáo dục sớm cho trẻ từ 0-6 tuổi

– Bắt đầu từ lúc 0 tuổi, phải biết tận dụng được các “giai đoạn nhạy cảm” trong “thời kỳ vàng”.

– Tuân theo quy luật phát triển tự nhiên của não bộ. biết nắm bắt thời cơ quan trọng đối với sự phát triển của não bộ, tạo cho trẻ môi trường, điều kiện để phát triển trí lực, chú ý kích thích, gợi mở và khai phá những tiềm năng trong trẻ.

– Kích thích cảm hứng bằng chính là nội lực thúc đẩy đầu tiên khiến trẻ chủ động học tập. Trẻ thường học tập theo tính nhạy cảm đối với sự vật, hiện tượng nào đó, trẻ sẽ cảm thấy rất thú vị, tò mò, và sẽ chủ động học tập.

– Tuân theo trình tự , quy luật phát triển sinh trưởng và tính trình tự của kiến thức, từ dễ đến khó, từ gần đến xa, không nên vượt quá năng lực và trình độ thực tế của trẻ. Cha mẹ cũng không nên quá vội vàng, nếu không sẽ gây trở ngại đối với sự phát triển trí lực của trẻ.

– Giáo dục theo trình độ, cá nhân- căn cứ vào đặc điểm cá tính của trẻ để có những biện pháp giáo dục khác nhau, tránh áp đặt, đồng loạt.

– Tránh giáo dục quá tải.

4. Kết luận

Việt Nam chúng ta đã đi sau nhiều nước trong lĩnh vực giáo dục nói chung và giáo dục mầm non nói riêng theo các phương pháp khoa học hiện đại, tiến tiến.

Để thành tựu giáo dục Việt Nam đáp ứng những yêu cầu và đòi hỏi mới của nền giáo dục hiện đại thế kỷ XXI, việc nghiên cứu ứng dụng và phát triển Giáo dục sớm phải được triển khai hiệu quả.

Chúng ta cần phải lựa chọn giải pháp, cách làm vừa áp dụng thành công kinh nghiệm của các quốc gia khác, vừa kết hợp với đặc thù riêng của người Việt Nam, của trẻ em Việt Nam.

Nhằm tạo ra sản phẩm giáo dục với đẳng cấp quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng giống nòi, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước trong bối cảnh cạnh tranh nhân lực chất lượng cao toàn cầu, chúng ta cần:

Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các bậc cha mẹ và toàn xã hội về sự cần thiết phải thực hiện giáo dục sớm trẻ em ngay từ khi còn là thai nhi cho đến 6 tuổi.

Giai đoạn khởi đầu quan trọng nhất cho sự phát triển thể lực, trí tuệ và tài năng của con người mới Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Xác định vai trò giáo dục tại gia đình là một thành tố quan trọng trong giáo dục phát triển toàn diện trẻ em. Phải coi giáo dục gia đình là một bộ phận của giáo dục quốc dân. Cha mẹ chính là người thầy giáo đầu tiên ảnh hưởng sâu sắc nhất đến đứa trẻ.

Các bậc cha mẹ phải nhận thức được trách nhiệm của mình đối với tương lai của con cái, phải thường xuyên học tập để có kiến thức và phương pháp nuôi dạy trẻ, đồng thời phải luôn rèn luyện đạo đức, gương mẫu trong lối sống và luôn dành cho trẻ những tình cảm yêu thương trìu mến.

Giáo dục gia đình chính là nền tảng, giáo dục nhà trường là sự nối dài của giáo dục gia đình, thay vì quan niệm cho rằng nhà trường chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em phát triển toàn diện.

Phát huy truyền thống gia đình,dòng họ và cộng đồng để chăm lo cho sự nghiệp giáo dục sớm trẻ nhỏ. Huy động cộng đồng các dòng họ Việt Nam;

Vận động các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, các cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, tài trợ nguồn lực để phát triển các mô hình dịch vụ giáo dục sớm ở cộng đồng trên cơ sở phát huy những tố chất ưu việt và truyền thống cao đẹp của dân tộc.

Nhà nước và các tổ chức xã hội cần ưu tiên và tạo mọi điều kiện cho trẻ em dưới 3 tuổi được tiếp cận với các cơ sở giáo dục càng sớm càng tốt để giúp trẻ phát triển các tiềm năng, tố chất ở giai đoạn vàng này chứ không chỉ ưu tiên phổ cập cho trẻ 5 tuổi mà lơ là, sao nhãng việc chăm sóc, giáo dục trẻ tuổi nhà trẻ như hiện nay.

Cần tiến hành nghiên cứu và triển khai thực hiện chương trình giáo dục sớm ở quy mô quốc gia trong các trường sư phạm, trường mầm non và cả trong các gia đình với mục tiêu phát triển toàn diện tiềm năng.

Tố chất con người về thể lực, trí tuệ và tinh thần ngay từ tuổi ấu thơ một cách đúng đắn theo chủ trương xã hội hóa, tạo điều kiện cho trẻ em ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội tiếp cận giáo dục sớm một cách bình đẳng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Nguyễn Võ Kỳ Anh, Từ Đức Văn. Giáo dục sớm trẻ từ 0-6 tuổi góp phần cải tạo nòi giống, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Kỳ yếu Hội thảo Quốc tế về Tâm lý,Giáo dục học. NXB Đại học sư phạm, 2015
[2]. Nguyễn Võ Kỳ Anh, Thuyết trí thông minh đa diện- khám phá cách dạy trẻ kiểu mới, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2015
[3]. Chiến lược phát triển giáo dục 2001- 2010. Theo Quyết định 201/2001/ QĐ TTg;
[4]. Chiến lược phát triển giáo dục 2011- 2020. Theo Quyết định 711/2012/ QĐ TTg;
[5]. Charles H. Cranford. Right Brain for Kids (Phát triển não phải), bản dịch NXB Văn hóa – Thông tin.2014
[6]. Phùng Đức Toàn, Phương án 0 tuổi- Chiếc nôi ươm hạt giống tài năng (dành cho trẻ từ 0-6 tuổi). Thái Hà Books, NXB Lao động-Xã hội , 2010 (sách dịch, tái bản lần 1)

TS. Vũ Thị Nhân
Khoa Sư phạm

Ths. Hồ Đắc Thụy Thiên Thi
HT Trường MN Hoa Hồng

Xem thêm bài viết liên quan: Giới thiệu tổng quan về các mô hình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục mầm non của New Zealand

Bạn đang xem bài viết
Giáo dục sớm và đổi mới giáo dục mầm non
Link https://myhocdaicuong.com/blog/giao-duc-som-va-doi-moi-giao-duc-mam-non.html

Các tìm kiếm có liên quan: Các chuyên đề đổi mới trong giáo dục mầm non. Chuyên đề 2:giáo dục mầm non trong xu thế đổi mới. Chương trình đổi mới giáo dục mầm non. Chương trình giáo dục mầm non mới bảo đảm tính kế thừa. Đổi mới chương trình giáo dục mầm non theo hướng tiên tiến.

Các tìm kiếm có liên quan: Đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục mầm non tại Việt Nam. Giáo trình giáo dục mầm non mới nhất. Giáo dục mầm non trong xu thế đổi mới hiện nay phát triển. Một số xu hướng đổi mới trong giáo dục mầm non hiện nay. Những điểm mới trong chương trình giáo dục mầm non.

Các tìm kiếm có liên quan: Phần tích quá trình đổi mới giáo dục mầm non ở Việt Nam từ năm 1998 đến nay. Sách Chương trình giáo dục mầm non mới nhất. Tập huấn hướng dẫn thực hiện chương trình đào tạo giáo dục mầm non tiêu chuẩn. Tiêu luận giáo dục mầm non trong xu thế đổi mới.

Các tìm kiếm có liên quan: Trình bày xu hướng đổi mới trong giáo dục mầm non. Vì sao phải đổi mới giáo dục mầm non theo xu hướng chuyên nghiệp hóa. Xu hướng đổi mới trong giáo dục mầm non hiện nay. Kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục mầm non căn bản.


Ngày đăng:

Chuyên mục:

Tác giả:

Lượt xem:

57
error: