Bài tham luận nêu rõ các nét đặc trưng của Giáo dục Mầm non Hàn Quốc (GDMN HQ). Trên cơ sở nghiên cứu lí luận và thực tiễn về việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non trong nước.
Tác giả đề xuất các biện pháp ứng dụng chương trình Giáo dục Mầm non Hàn Quốc vào trường mầm non tại Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Hàn Quốc được coi là một trong những đất nước chú trọng tới giáo dục mầm non bằng sự quan tâm đặc biệt. Tại Hàn Quốc, nền tảng của các chương trình giáo dục mầm non được các chuyên gia xây dựng bài bản luôn lấy trẻ làm trung tâm.
Các chương trình đều có mối liên kết chặt chẽ và tạo cảm hứng cho trẻ, thể hiện nhiều ưu điểm vượt trội trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ. Việc tìm hiểu các đặc điểm nổi bật, tiên tiến của giáo dục mầm non Hàn Quốc và đề xuất những biện pháp ứng dụng vào giáo dục mầm non Việt Nam là điều cần thiết.
2. Một số điểm nổi bật của giáo dục mầm non Hàn Quốc
2.1 Bối cảnh ra đời
Năm 1948, khi Hàn Quốc được thành lập, chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành xây dựng một hệ thống giáo dục mới. Là nền giáo dục bảo đảm quyền bình đẳng về cơ hội học tập cho mọi công dân, mọi người đều được học tập tùy theo năng lực, không phân biệt giới tính, tôn giáo, vùng miền hay địa vị xã hội.
Trước khi ban hành chương trình giáo dục chuẩn quốc gia, giáo dục Hàn Quốc nói chung và giáo dục mầm non Hàn Quốc nói riêng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi giáo dục mầm non của Mỹ, Nhật.
Chương trình giáo dục mầm non chuẩn quốc gia (CTQG) kể từ lúc ban hành đến nay đã được chỉnh sửa nhiều lần. Triết lý giáo dục được thể hiện qua các lần chỉnh sửa đều ảnh hưởng sâu sắc quan điểm của Forbel, John Dewey và Jean Piaget.
Năm 2007, chương trình giáo dục mầm non cải cách ra đời, phản ánh nhu cầu của xã hội thế kỷ 21, kết nối với chương trình GD phổ thông, đa dạng hóa chế độ sinh hoạt hằng ngày ở trường mầm non. Tháng 5 năm 2011 Chương trình Nuri dành cho trẻ 5 tuổi ra đời. Đến 2012, chương trình này được mở rộng cho cả trẻ 3, 4 tuổi.
2.2 Triết lý nền tảng của giáo dục mầm non Hàn Quốc
– Mục tiêu giáo dục mầm non Hàn Quốc là giúp trẻ phát triển hài hòa, cân đối về thể lực, tinh thần và hình thành ở trẻ nền tảng nhân cách của công dân dân chủ.
– Cách tiếp cận thực hành phù hợp với sự phát triển của trẻ, lấy trẻ làm trung tâm: Chú trọng việc trải nghiệm và khám phá môi trường xung quanh dưới hình thức cá nhân, nhóm nhỏ và cả nhóm lớn; chú trọng đến quá trình học tập; quan tâm đến nhu cầu hứng thú và động cơ bên trong của trẻ ;
Trẻ tự do lựa chọn các hoạt động và học liệu theo nhu cầu và hứng thú của bản thân; đề cao sự phát triển tính độc lập, sáng tạo, tự tin và tự trọng của trẻ; chú trọng đến việc trải nghiệm; đánh giá cao khả năng giải quyết vấn đề và óc sáng tạo; người lớn đóng vai trò người hướng dẫn và tạo điều kiện cho trẻ tự học.
– Lấy CTQG làm chuẩn: Từ 7 giờ 30 đến 14 giờ, tất cả các cơ sở giáo dục mầm non của Hàn Quốc phải thực hiện CTQG). Từ 14 giờ trở đi, các cơ sở giáo dục mầm non có thể phối hợp hài hòa các cách tiếp cận, chương trình, mô hình và phương pháp giáo dục khác một cách linh hoạt.
– Tiếp cận tích hợp theo chủ đề: Giáo dục tích hợp nhấn mạnh việc kết hợp nhiều nội dung giáo dục thông qua hoạt động tích cực của cá nhân trẻ với môi trường sống của mình. Coi hoạt động vui chơi là con đường phát triển toàn diện đứa trẻ phù hợp với nhu cầu của xã hội thế kỷ 21 và nhu cầu quốc tế hóa.
Trẻ học thông qua tương tác tích cực giữa giáo viên- trẻ, giữa trẻ- trẻ và giữa trẻ- môi trường. Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ trong sinh hoạt hàng ngày thông qua nội dung các lĩnh vực phát triển.
Môi trường, nội dung, hoạt động đều xuất phát từ tình huống có ý nghĩa trong sinh hoạt hằng ngày của trẻ, trẻ có nhiều cơ hội trải nghiệm với thiên nhiên. Từ đó khơi gợi được động cơ, hứng thú hoạt động của trẻ. Giáo dục con người phát triển toàn diện phù hợp với xã hội hiện đại nhưng vẫn duy trì bản sắc văn hóa dân tộc.
2.3. Các loại hình trường học cho trẻ 0-5 tuổi tại Hàn Quốc
Hệ thống các trường MG được quản lý trực tiếp bởi Bộ giáo dục Hàn Quốc và thực hiện pháp lệnh Luật giáo dục MG. Bao gồm các loại hình trường: Công lập (gồm các trường MG độc lập, các trường MG nằm trong trường học), dân lập, quân đội, tập thể tôn giáo, cá nhân….
Đội ngũ giáo viên thuộc biên chế trường MG được nhận lương và phụ cấp theo quy định của Luật công chức nhà nước. Các cấp bậc chức danh trong hệ thống trường MG bao gồm: Hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên cấp 1, giáo viên cấp 2 và giáo viên tập sự.
Trường MG thực hiện chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 3-5 tuổi theo chương trình Nuri. Nội dung chương trình Nuri được xây dựng để phát triển trẻ từ 3-5 tuổi theo 5 lĩnh vực: Sức khỏe- vận động thể lực, Giao tiếp, Trải nghiệm nghệ thuật, Khám phá khoa học và Quan hệ xã hội.
Hệ thống các trường mầm non được quản lý trực tiếp bởi Bộ phúc lợi Y tế và thực hiện pháp lệnh Luật giáo dục mầm non. Bao gồm các loại hình trường: Công lập, quốc lập, tổ chức phúc xã hội, tổ chức pháp nhân, công sở, gia đình, phụ huynh phối hợp.
Đội ngũ giáo viên mầm non thuộc biên chế trường mầm non được nhận lương và phụ cấp theo quy định của Luật công chức nhà nước. Các cấp bậc chức danh trong trường MG bao gồm: Hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên cấp 1, giáo viên cấp 2 và giáo viên tập sự. giáo viên mầm non nhận lương và thưởng theo Tiêu chuẩn của người làm việc trong trường mầm non.
Trường mầm non chăm sóc và nuôi dạy trẻ từ 0- 5 tuổi, thực hiện chương trình Educare chăm sóc, nuôi dạy trẻ từ 0-2 tuổi và chương trình Nuri dành cho trẻ 3- 5 tuổi. Nội dung chương trình Educare được xây dựng để phát triển trẻ từ 0- 2 tuổi theo 6 lĩnh vực: Sinh hoạt cơ bản, Vận động thể lực, Giao tiếp, Quan hệ xã hội, Tìm hiểu nghệ thuật và Tìm hiểu tự nhiên.
Bên cạnh đó, các trường mầm non tại Hàn Quốc cũng thực hiện các chương trình hỗ trợ Chương trình chuẩn quốc gia, có vai trò như những chuyên đề giáo dục.
Như là: chương trình Green Growth, chương trình phòng chống thiên tai và sinh hoạt an toàn, chương trình giáo dục tinh thần lao động, chương trình giáo dục công dân toàn cầu, chương trình giáo dục y tế sức khỏe, chương trình giáo dục dành cho lớp ghép, chương trình giáo dục hòa bình – thống nhất, chương trình giáo dục nhân cách.
Ngoài ra một số trường mầm non tại Hàn Quốc còn ứng dụng các cách tiếp cận dạy học theo Dự án, Montessori, Reggio Emilia, Giáo dục đa văn hóa, High Scope, Project Spectrum và Waldorf.
2.4. Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình, xã hội và các cơ quan đầu ngành.
Trường mầm non Hàn Quốc luôn phối hợp chặt chẽ với gia đình và xã hội trong công tác chăm sóc và giáo dục trẻ. Cụ thể, cuối mỗi tuần phụ huynh đều nhận được một tờ thông báo nội dung học tập của tuần sau.
Thực đơn ghi rõ món ăn và lượng Calo cũng được gửi cho phụ huynh trước cả tháng. Điều đặc biệt là hệ thống giáo dục mầm non Hàn Quốc đưa cả những người không thuộc lứa tuổi mầm non vào nhóm đối tượng chăm sóc. “Giáo dục phụ mẫu” là một trong những chương trình như thế.
Tại Hàn Quốc, có đến sáu bộ cùng chăm lo cho giáo dục mầm non. Trong đó, Bộ Gia đình- bình đẳng giới; Bộ Giáo dục và nguồn nhân lực nắm vai trò chủ chốt.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế, Bộ Hành chính nhà nước và nội vụ, Bộ Lao động, Bộ Nông nghiệp và rừng thì liên đới về việc lập chính sách và luật pháp chăm sóc trẻ. Có cả hai viện nghiên cứu về giáo dục mầm non do nhà nước tài trợ.
3. Vận dụng giáo dục mầm non Hàn Quốc vào giáo dục mầm non Việt Nam
– Chương trình giáo dục mầm non Hàn Quốc coi trọng việc đánh giá quá trình hơn là đánh giá kết quả. Kết quả của đánh giá được sử dụng để hiểu về trẻ, để làm sơ sở đổi mới chương trình cho phù hợp hơn chứ không phải để là điều kiện chuyển lên các bậc học tiếp theo. Vận dụng đa dạng các phương pháp đánh giá khác nhau cả trong đánh giá việc thực hiện chương trình cũng như đánh giá trẻ để có được chất lượng đánh giá là tối ưu nhất bằng công cụ Portfolio.
– Xây dựng và thực hiện mạng nội dung, mạng hoạt động cần tiến hành. Đồng thời những chủ đề do giáo viên mầm non khởi xướng và cả những chủ đề do trẻ khởi xướng. Cần chú trọng nội dung giáo dục Khám phá thiên nhiên. tăng cường các hoạt động dã ngoại, tham quan trong mỗi chủ đề.
– Vai trò của giáo viên mầm non là quan sát trẻ, tạo môi trường chất lượng hơn để trẻ hoạt động tích cực, được tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động phong phú, đa dạng hơn. Nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với gia đình và xã hội trong công tác chăm sóc và giáo dục trẻ. Tăng cường những buổi hướng dẫn phụ huynh công tác CSGD trẻ. Đồng thời, cần có sự kết hợp giữa nhiều Bộ, Ngành trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chang, Myung-Lim (2014), Nuri curriculum: The first step toward the integration of the split systems of early childhood education and care in Korea, Korea institute of child care and education, Korea Institute of Child Care and Education Publisher.
2. Kaga, Y., Barnett, S.&Bennett, J. (2012), Integration and Coordination of Early Childhood Care and Education in the Republic of Korea, International Journal of Child Care and Education Policy, Volume 6, Issue 2, pp 1–20.
ThS. Đỗ Thị Quỳnh Ngọc
Khoa Sư Phạm
Xem thêm bài viết liên quan: Giáo dục mầm non quốc tế và sự phát triển hệ thống giáo dục mầm non tại Việt Nam
Bạn đang xem bài viết:
Giáo dục mầm non Hàn Quốc
Link https://myhocdaicuong.com/blog/giao-duc-mam-non-han-quoc.html