Trong những năm gần đây, giáo viên ở các bậc học từ Mầm non, Tiểu học đến Phổ thông luôn nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học. Một trong những đổi mới đó là dạy học theo hướng tích hợp.
Nhưng rất nhiều giáo viên, trong đó có giáo viên mầm non chưa thực sự hiểu rõ bản chất và vai trò của dạy học tích hợp đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. Trong khuôn khổ bài viết này, xin đề cập đến đôi nét lí luận về dạy học tích hợp và đặc thù dạy học tích hợp trong trường mầm non.
1. Đặt vấn đề
Như chúng ta biết hoạt động giáo dục là hệ thống các điều kiện cần thiết cho sự phát triển của con người, được tổ chức đặc biệt trong xã hội. Vì vậy, nó luôn được đổi mới để đáp ứng nhu cầu xã hội và con người, một trong những xu hướng đổi mới đó là “giáo dục tích hợp”.
Thuật ngữ tích hợp đã được đề cập đến khá nhiều trong các công trình nghiên cứu, đặc biệt là qua việc thiết kế các chương trình giáo dục và đào tạo. Quan điểm tích hợp xuất phát từ cách nhìn nhận thế giới tự nhiên, xã hội và con người như một thể thống nhất. Dạy học tích hợp được vận dụng trong trường mầm non như thế nào, có những đặc trưng gì, nội dung bài viết sẽ làm sáng tỏ vấn đề này.
2. Đôi nét lý luận về dạy học tích hợp
2.1 Khái niệm về tích hợp là gì?
Theo từ điển Tiếng Việt: “Tích hợp là sự kết hợp, phối hợp, liên kết và đan xen các bộ phận để tạo thành một chỉnh thể toàn vẹn thống nhất, không chia cắt, trong đó luôn đảm bảo tính thống nhất, tính toàn vẹn, tính hệ thống và tính mục đích”.
Theo từ điển Giáo dục học: “Tích hợp là hành động liên kết các đối tượng nghiên cứu, giảng dạy, học tập của cùng một lĩnh vực hoặc vài lĩnh vực khác nhau trong cùng một kế hoạch dạy học“.
Trong tiếng Anh, tích hợp được viết là “integration” một từ gốc Latin (integer) có nghĩa là “liên kết” hay “toàn bộ, toàn thể”. Có nghĩa là tích hợp không chỉ là liên kết mà còn là sự xâm nhập, đan xen, kết hợp các đối tượng hay bộ phận vào nhau, tạo thành một chỉnh thể thống nhất.
Như vậy, tích hợp không phải là phép cộng đơn thuần của các phần xếp cạnh nhau, mà là sự đan xen phù hợp của các phần để tạo nên chỉnh thể có ý nghĩa. Một chỉnh thể “toàn vẹn”, “thống nhất” chỉ có thể có được khi các bộ phận sắp xếp theo một hệ thống hay trật tự hợp lí nhất định, theo logic thứ bậc của các mối quan hệ giữa chúng được xác định.
Tuy nhiên, sự liên kết giữa các bộ phận trong một chỉnh thể có thể theo nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào mục đích liên kết. Từ những khái niệm trên, có thể hiểu tích hợp là sự kết hợp, phối hợp, liên kết và đan xen các bộ phận để tạo thành một chỉnh thể toàn vẹn thống nhất, không chia cắt, trong đó luôn đảm bảo tính thống nhất, tính toàn vẹn, tính hệ thống và tính mục đích.
2.2 Khái niệm dạy học tích hợp là gì?
Dạy học tích hợp là sự đan xen, kết hợp các nội dung và hoạt động giáo dục phù hợp tạo nên một chỉnh thể tác động tích cực đến sự phát triển toàn diện các lĩnh vực thể chất, tình cảm, thẩm mĩ, nhận thức, ngôn ngữ của đứa trẻ.
Chỉnh thể tác động giáo dục “toàn vẹn”, “thống nhất” trên cơ sở các bộ phận hay các thành tố sắp xếp theo một hệ thống hợp lý nhất định, theo logic thứ bậc của các mối quan hệ giữa chúng được xác định.
2.3 Dạy học tích hợp với đặc điểm phát triển trẻ lứa tuổi mầm non
Việc dạy học tích hợp cần được xem xét từ bản chất sự phát triển trẻ em lứa tuổi mầm non. Trẻ mầm non đang trong quá trình phát triển, đặc điểm phát triển nổi bật đặc trưng là phát triển hài hòa các mặt như thể chất, ngôn ngữ, tình cảm, thẩm mĩ, nhận thức… để tạo nên sự phát triển mang tính toàn diện và thống nhất.
Mặt khác, các nghiên cứu về não bộ của trẻ trong lứa tuổi này cho thấy, quá trình nhận thức sẽ có hiệu quả hơn khi có sự liên kết giữa quá trình tư duy với ngôn ngữ, giữa xúc cảm với việc tìm hiểu khám phá, giữa hiểu biết thế giới tự nhiên với yếu tố xã hội; sự liên hệ giữa những điều đã học được với thực tế cuộc sống.
Cách tiếp cận tích hợp trong dạy học cho phép giảm mức độ trùng lặp giữa các đơn vị kiến thức, giảm thời gian và sức lực học tập của trẻ. Do vậy, giáo dục cần phải chuyển từ việc dạy kiến thức sang hình thành và phát triển năng lực hành động ở trẻ em, tức là làm cho quá trình học của trẻ trở nên có ý nghĩa.
2.4 Mục đích dạy học tích hợp
– Dạy học tích hợp gắn học với hành, gắn lý thuyết vào các hoạt động thực tế của trẻ. Trẻ học ngay trong các hoạt động cụ thể. Ví dụ: trong quá trình trẻ ăn, người lớn có thể trò chuyện với trẻ về món ăn, thực phẩm, cách chế biến món ăn, cảm giác về món ăn; cho trẻ làm vệ sinh trước khi ăn gắn với việc giáo dục thói quen vệ sinh; ý nghĩa của việc vệ sinh, cách thức vệ sinh; … cũng như vậy, những điều trẻ học gần gũi với các trải nghiệm của chính trẻ, không xa lạ với kinh nghiệm đã có.
– Giúp trẻ nắm vững nội dung cốt lõi của kiến thức chủ đề, mở rộng phạm vi nhận thức ra thế giới xung quanh, tránh phải nhớ nhiều kiến thức đơn lẻ, vụn vặt. Khi trẻ học chủ đề về con vật nào đó, đầu tiên trẻ sẽ tìm hiểu về đặc điểm cấu tạo, thức ăn, nơi sống, sinh sản… của con vật đó (con gà). Sau đó, trẻ sẽ quan sát, xem tranh, xem phim và so sánh với những con vật khác gần gũi và có đặc điểm gần giống với con vật đó (con vịt, con chim, ngỗng…).
Giáo viên có thể yêu cầu trẻ chỉ ra những đặc điểm giống và khác nhau giữa các con vật, đồng thời gắn tranh, ảnh lên bảng theo logic nhất định. Sau đó khái quát những kiến thức đơn lẻ, cụ thể thành bản chất hay biểu tượng để trẻ nắm được những kiến thức cốt lõi về con vật hay chủ đề đó. Với cách này trẻ sẽ học được phương pháp suy luận có logic
– Phát triển năng lực tư duy của trẻ, trong quá trình học. Từ quá trình quan sát, thực hành làm mẫu và dưới sự gợi ý, hướng dẫn của giáo viên, trẻ sẽ hiểu logic của sự kiện, sự vật hiện tượng và lưu trữ những kiến thức đó trong trí nhớ bằng cách vẽ lại, lập sơ đồ, biểu đồ dưới dạng các trò chơi để minh họa những gì chúng tri giác, thu nhận được.
Với trẻ mầm non, các cháu chỉ có thể ghi nhớ bằng hình ảnh, biểu tượng. Ngoài ra, trẻ học cách xác lập mối liên hệ giữa các sự kiện theo logic bằng cách khác nhau. Ví dụ: khi học chủ điểm nghề nghiệp, trẻ sẽ được giáo viên hướng dẫn, quan sát tất cả những gì liên quan đến công việc cụ thể của nghề đó như: tên gọi, người làm nghề đó, đồ dùng hay công cụ của nghề, nơi làm việc, trang phục, ý nghĩa của nghề…
– Phát triển nhận thức và khả năng diễn đạt những hiểu biết, suy nghĩ của mình về thế giới xung quanh. Quá trình học của trẻ bao gồm 2 quá trình: quá trình tiếp nhận và quá trình thể hiện (biểu đạt) những hiểu biết của mình sao cho người khác hiểu được.
Do đó, trong quá trình học, trẻ không chỉ lặng lẽ thu nhận những hiểu biết cho riêng mình mà cũng cần có sự chia sẻ những suy nghĩ, cảm nhận đó cho người khác biết.
Quá trình diễn đạt đó không nhất thiết bằng phương tiện ngôn ngữ mà có thể sử dụng các hình thức phi ngôn ngữ để thay thế như: động tác cơ thể, hình vẽ, sơ đồ, bảng, biểu đồ, kí hiệu…
3. Dạy học tích hợp trong trường mầm non
3.1 Tính khách quan của dạy học tích hợp trong trường mầm non
Tích hợp đảm bảo sự tác động đa dạng lên trẻ, thúc đẩy sự hiểu biết các sự vật hiện tượng từ nhiều khía cạnh trên cơ sở tri giác hiện thực khách quan bằng nhiều giác quan khác nhau.
Quá trình dạy học được xây dựng không phải ở dạng tiết học của phổ thông, mà làm sao cho bản sắc và nét đặc trưng của tuổi mầm non vẫn được duy trì.
Hiện nay giáo dục học đang đứng trước vấn đề sử dụng lối tiếp cận trong giáo dục trẻ mầm non là tổ chức các giờ học tích hợp. Nhu cầu này do các nguyên nhân sau:
– Nguyên nhân 1. Thế giới xung quanh được trẻ nhận thức trong sự đa dạng và thống nhất của nó.
– Nguyên nhân 2. Các giờ học tích hợp phát triển tiềm năng của trẻ, thúc đẩy trẻ tích cực nhận thức hiện thực xung quanh, khả năng tư duy, năng lực giao tiếp…
– Nguyên nhân 3. Hình thức tổ chức giờ học tích hợp không định chuẩn và rất lý thú.
– Nguyên nhân 4. Việc hội nhập trong xã hội hiện đại cho thấy tính cấp thiết của việc dạy học tích hợp ở các bậc học từ mầm non đến phổ thông.
– Nguyên nhân 5. Tích hợp cho phép giáo viên tự phân tích, sáng tạo, thể hiện, phát huy thế mạnh của bản thân.
3.2 Cấu trúc giờ học tích hợp
– Phần 1: Ổn định tổ chức – tình huống có vấn đề được nêu ra nhằm kích thích tính tích cực của trẻ trong việc tìm kiếm phương án giải quyết vấn đề. (Ví dụ: giáo viên đưa ra câu hỏi: “Các con ơi, điều gì sẽ xảy ra nếu trái đất không có nước?”).
– Phần 2: Trọng tâm- cung cấp cho trẻ những kiến thức mới để giải quyết vấn đề. (Ví dụ: ý nghĩa của nước trong thiên nhiên và đời sống con người…) trên cơ sở nội dung của các lĩnh vực giáo dục khác nhau trong chương trình và dựa vào phương tiện trực quan. Đồng thời chú trọng việc làm giàu vốn từ, tích cực hóa vốn từ, phát triển ngôn ngữ mạch lạc.
– Phần 3: Kết thúc- Gợi ý trẻ thực hiện bất kì một hoạt động thực hành nào (trò chơi học tập, vẽ, hát,…) nhằm củng cố kiến thức vừa mới thu nhận và phát huy toàn bộ kinh nghiệm của trẻ.
3.3 Cách thức tiến hành dạy học tích hợp ở trẻ mầm non
Đáp ứng thực tiễn của giáo dục hiện đại nói chung và giáo dục mầm non nói riêng, việc dạy học tích hợp trong trường mầm non theo hướng tích hợp là cần thiết. Trẻ mầm non phát triển một cách hài hòa, toàn diện các mặt (nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, thể chất, thẩm mĩ…).
Đó là phát triển những năng lực cơ bản của con người và năng lực học tập cho các cháu. Mặt khác, tổ chức hoạt động giáo dục trẻ mầm non phải phù hợp với năng lực nhận thức và thể trạng thực tế của các cháu. Hiện nay, có thể tổ chức hoạt động giáo dục theo 2 cách: “đơn môn” và “liên môn”.
Đây là hình thức phù hợp với trẻ, bởi ở giai đoạn này trẻ đang lĩnh hội những kiến thức và kĩ năng là chủ yếu. Việc vận dụng những kiến thức và kĩ năng tổng hợp theo quan điểm “liên môn” và “xuyên môn” vào giải quyết tình huống khác nhau chỉ có thể ở mức độ đơn giản đối với trẻ mẫu giáo lớn.
– Tổ chức hoạt động giáo dục theo quan điểm “đơn môn”.
Giáo viên sử dụng và khai thác những cơ hội trong hoạt động thuần nhất của một môn học nhằm phát huy tối đa khả năng của trẻ. Các môn học được tổ chức riêng rẽ nhưng giáo viên phải phát huy tối đa khả năng vốn có ở trẻ.
Ví dụ: trong hoạt động tạo hình “Vẽ hồ cá”, giáo viên cho trẻ quan sát những con cá vàng bơi trong hồ nước và vẽ theo cảm nhận của mình, tô màu con vật theo ý thích.
Kế đến trẻ có thể trao đổi bài vẽ với bạn ngồi cạnh rồi hoàn thiện bài vẽ của mình (từ những gì trao đổi với bạn và quan sát lại con vật). Cuối cùng trẻ nói ra những suy nghĩ của mình về bức tranh và làm động tác minh họa hành động cá bơi như thế nào.
– Tổ chức hoạt động giáo dục theo quan điểm “đa môn”.
Nội dung giáo dục trong hoạt động có liên quan đến kiến thức và kĩ năng của nhiều bộ môn khác nhau được giáo viên sử dụng và khai thác nhằm tạo cơ hội cho trẻ được trải nghiệm, thực hành. Đây cách thức được áp dụng phổ biến trong thực tế của giáo dục mầm non hiện nay.
Ví dụ: khi dạy chủ điểm “Động vật sống dưới nước”, giáo viên cho trẻ đọc thơ (hoặc hát) về con vật nào đó, sau đó đề nghị trẻ quan sát và trao đổi với các bạn trong nhóm; cuối cùng để đo mức độ tri giác của trẻ, giáo viên cho trẻ vẽ lại các con vật đó theo trí nhớ hoặc quan sát trực tiếp.
Đây là kiểu tích hợp kiến thức và kĩ năng của các bộ môn vào trong một hoạt động giáo dục mà trong đó diễn ra lần lượt hoạt động riêng lẻ (của từng bộ môn).
– Tổ chức hoạt động giáo dục theo quan điểm “liên môn và xuyên môn”.
Do khả năng nhận thức của trẻ mầm non còn hạn chế nên các hoạt động của giáo viên nên dừng lại ở mức độ liên hệ mở rộng kiến thức cho trẻ (từ thực tế) cũng như khơi gợi để trẻ có thể sử dụng những kiến thức và kĩ năng mà mình có để giải quyết những bài tập tình huống cụ thể.
Ví dụ: với chủ đề tìm hiểu về các loại côn trùng, giáo viên cho trẻ tìm hiểu đặc điểm cấu tạo của con kiến cũng như thức ăn, nơi sống, sinh sản, ích lợi, và những đặc điểm riêng biệt…;
Khơi gợi trí nhớ hoặc cho trẻ quan sát tranh và nêu đặc điểm chung của các con côn trùng khác (những điểm giống và khác nhau với con kiến); gắn tranh vào bảng theo hệ thống những đặc điểm chung và riêng. Qua nội dung bài học, trẻ sẽ tự lĩnh hội tri thức cho bản thân từ những gì trẻ quan sát, tri giác được.
Tóm lại, dạy học tích hợp không phải là cách học duy nhất của giáo dục mầm non nhưng là cách học thực sự mang lại hiệu quả, phù hợp với đặc điểm tâm lí, nhận thức lứa tuổi mầm non cũng như phương pháp giáo dục dành cho lứa tuổi này.
Vì vậy, đội ngũ giáo viên các bậc học đặc biệt giáo viên mầm non cần nắm rõ được bản chất của dạy học tích hợp để không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chương trình giáo dục mầm non ban hành kèm theo thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25/7/2009 của Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo
2. Trương Thị Xuân Huệ, Lý luận dạy học hiện đại, dạy học tích hợp trong trường phổ thông và mầm non, NXB Lao động, 2014.
3. Trần Bá Hoành, Dạy học tích hợp, Kỉ yếu hội thảo khoa học “Dạy học tích hợp và khả năng áp dụng vào thực tiễn giáo dục Việt Nam”, Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội, 2008
ThS. Phan Tú Anh
Khoa Sư Phạm
Xem thêm bài viết liên quan: Giáo dục mầm non Hàn Quốc
Bạn đang xem bài viết:
Dạy học tích hợp trong trường mầm non
Link https://myhocdaicuong.com/blog/day-hoc-tich-hop-trong-truong-mam-non.html