Trong cuộc sống sinh hoạt cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày, dù đã luôn luôn chú ý ngăn ngừa và đề phòng. Nhưng… con người vẫn có nguy cơ gặp phải những rủi ro bất ngờ xảy ra.
Các rủi ro đó do nhiều nguyên nhân, ví dụ như:
– Các rủi ro do môi trường thiên nhiên: Bão, lũ lụt, động đất, rét, hạn hán, sương muối, dịch bệnh,…
– Các rủi ro xảy ra do sự tiến bộ và phát triển của khoa học và kỹ thuật. Khoa học kỹ thuật phát triển, một mặt thúc đẩy sản xuất và tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống của con người. Nhưng mặt khác, cũng gây ra nhiều tai nạn bất ngờ như tai nạn ô tô, hàng không, tai nạn lao động,…
– Các rủi ro do môi trường xã hội gây ra. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra rủi ro cho con người. Chẳng hạn, nếu xã hội tổ chức quản lý chặt chẽ, mọi người làm việc và sống theo pháp luật, thì sẽ không xảy ra hiện tượng thất nghiệp, trộm cắp. Nếu làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe, sẽ hạn chế được ốm đau, bệnh tật. Nếu mọi người có ý thức hơn, thì sẽ giảm được các rủi ro không đáng có như hỏa hoạn, bạo lực,…
Bất kể do nguyên nhân gì, khi rủi ro xảy ra thường đem lại cho con người những khó khăn trong cuộc sống, như mất hoặc giảm đi thu nhập, phá hoại nhiều tài sản, làm ngưng trệ công việc sản xuất và kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân,… làm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế xã hội nói chung.
Để đối phó với các rủi ro, con người đã có nhiều biện pháp khác nhau nhằm kiểm soát, cũng như khắc phục hậu quả rủi ro gây ra. Hiện nay, theo quan điểm của các nhà quản lý rủi ro, có hai nhóm biện pháp đối phó với rủi ro và hậu quả do rủi ro gây ra. Đó là nhóm các biện pháp kiểm soát rủi ro, và nhóm các biện pháp tài trợ rủi ro.
1. Nhóm các biện pháp kiểm soát rủi ro.
Nhóm các biện pháp kiểm soát rủi ro bao gồm các biện pháp né rủi ro, ngăn ngừa tổn thất, giảm thiểu rủi ro. Các biện pháp này thường được sử dụng để ngăn chặn hoặc giảm thiểu khả năng xảy ra rủi ro.
– Tránh né được rủi ro là biện pháp được sử dụng thường xuyên trong cuộc sống. Mỗi người, mỗi đơn vị sản xuất kinh doanh, đều lựa chọn những biện pháp thích hợp để né tránh rủi ro có thể xảy ra bất ngờ, tức loại trừ cơ hội dẫn đến tổn thất.
Chẳng hạn, để tránh các tai nạn giao thông, người ta hạn chế việc đi lại; để tránh tai nạn lao động, người ta chọn những nghề không nguy hiểm,… Tránh né rủi ro chỉ với những rủi ro có thể né tránh được. Nhưng trong cuộc sống có rất nhiều rủi ro bất ngờ, mà chúng ta không thể tránh né được.
– Ngăn ngừa tổn thất. Người ta có thể giảm thiểu tổn thất, thông qua các biện pháp làm giảm giá trị thiệt hại, khi tổn thất đã xảy ra. Ví dụ, khi có hỏa hoạn, để giảm thiểu tổn thất, người ta cố gắng cứu các tài sản còn dùng được; hay trong một tai nạn giao thông, để giảm thiểu các thiệt hại về người và của người ta, đưa ngay những người bị thương đến nơi cấp cứu và điều trị.
Mặc dù, các biện pháp kiểm soát rủi ro rất có hiệu quả trong việc ngăn chặn hoặc giảm thiểu rủi ro, nhưng khi rủi ro đã xảy ra, người ta không thể lường hết được những hậu quả đi kèm theo.
2. Nhóm các biện pháp tài trợ rủi ro.
Nhóm các biện pháp tài trợ rủi ro bao gồm các biện pháp chấp nhận rủi ro và bảo hiểm. Đây là các biện pháp được sử dụng trước khi rủi ro xảy ra, với mục đích khắc phục các hậu quả tổn thất, do rủi ro gây ra nếu có.
– Chấp nhận rủi ro. Đây là hình thức mà người gặp phải tổn thất, tự chấp nhận khoản tổn thất đó. Một trường hợp điển hình của chấp nhận rủi ro là tự bảo hiểm. Có rất nhiều cách thức khác nhau trong biện pháp chấp nhận rủi ro, tuy nhiên, có thể phân chia làm hai nhóm: chấp nhận rủi ro thụ động và chấp nhận rủi ro chủ động.
Trong chấp nhận rủi ro thụ động, người gặp tổn thất không có sự chuẩn bị trước và họ có thể phải vay mượn để khắc phục hậu quả tổn thất. Đối với chấp nhận rủi ro chủ động, người ta lập ra quỹ dự trữ dự phòng, và quỹ này chỉ được sử dụng để bù đắp tổn thất do rủi ro gây ra.
Tuy nhiên, việc này dẫn đến việc nguồn vốn không được sử dụng một cách tối ưu, hoặc nếu đi vay thì sẽ bị động, và còn gặp phải các vấn đề gia tăng về lãi suất,…
– Bảo hiểm. Đây là một phần quan trọng trong các chương trình quản lý rủi ro của các tổ chức, cũng như các cá nhân khác nhau. Theo quan điểm của các nhà quản lý rủi ro, bảo hiểm là sự chuyển giao rủi ro trên cơ sở hợp đồng.
Theo quan điểm xã hội, bảo hiểm không chỉ là chuyển giao rủi ro mà còn là sự giảm rủi ro, do việc tập trung một số lớn các rủi ro cho phép có thể tiên đoán về các tổn thất khi chúng xảy ra.
Bảo hiểm là công cụ đối phó với hậu quả tổn thất do rủi ro gây ra có hiệu quả nhất. Như vậy, bảo hiểm ra đời là đòi hỏi khách quan của cuộc sống, của hoạt động sản xuất trong kinh doanh.
Do đòi hỏi về sự tự chủ và sự an toàn về tài chính, cũng như các nhu cầu của con người, hoạt động bảo hiểm ngày càng phát triển và không thể thiếu đối với mỗi cá nhân, doanh nghiệp và mỗi quốc gia. Ngày nay, sự giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các quốc gia ngày càng phát triển, thì bảo hiểm cũng ngày càng được mở rộng.
Vì vậy, khái niệm bảo hiểm trở nên gần gũi, gắn bó với con người, với các đơn vị sản xuất kinh doanh. Có được quan hệ đó, vì bảo hiểm đã mang lại lợi ích kinh tế xã hội thiết thực cho mọi thành viên, mọi đơn vị có tham gia bảo hiểm.
3. Tác dụng của bảo hiểm.
– Người tham gia bảo hiểm (cá nhân hay tổ chức) được trợ cấp, bồi thường những thiệt hại thực tế do rủi ro, bất ngờ gây ra thuộc phạm vi bảo hiểm. Nhờ đó, họ nhanh chóng ổn định kinh tế, khôi phục đời sống và sản xuất kinh doanh,…
– Nhờ có bảo hiểm, những người tham gia đóng góp một số phí tạo thành nguồn quỹ bảo hiểm lớn, ngoài chi trả hay bồi thường, còn là nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế,… Bảo hiểm thương mại còn đóng góp tích lũy cho ngân sách,…
– Bảo hiểm cùng với người tham gia bảo hiểm thực hiện các biện pháp để phòng ngừa tai nạn xảy ra, nhằm giảm bớt và hạn chế hậu quả thiệt hại. Bảo hiểm còn góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ kinh tế giữa các nước, nhất là thông qua hoạt động tái bảo hiểm,…
– Bảo hiểm là chỗ dựa tinh thần cho mọi người, mọi tổ chức, giúp họ yên tâm trong cuộc sống, trong sinh hoạt sản xuất kinh doanh, bảo hiểm thể hiện tính cộng đồng, tương trợ và nhân văn sâu sắc.
Cuối cùng, hoạt động bảo hiểm thu hút một số lao động nhất định, góp phần giảm bớt tình trạng thất nghiệp cho xã hội. Theo thống kế, bảo hiểm các nước thu hút hơn 1% lực lượng lao động xã hội.
Bảo hiểm có tác dụng rất lớn đối với kinh tế lẫn xã hội. Vì vậy, ông Winston Churchill là một chính khách đã từng nói: “Nếu có thể, tôi sẽ viết từ Bảo Hiểm trong mỗi nhà và trên trán mỗi người, càng ngày tôi càng tin chắc rằng, với một giá khiêm tốn, bảo hiểm có thể giải phóng các gia đình ra khỏi thảm họa không lường trước được”.
Ông Henry Ford đã viết: “New York không phải là nơi sinh ra loài người nhưng lại là nơi sinh ra các nhà bảo hiểm. Không có bảo hiểm, sẽ không có các tòa nhà chọc trời, bởi không một công nhân nào sẽ chấp nhận làm việc ở độ cao như vậy, và có nguy cơ bị rơi xuống chết người, để lại gia đình khốn khổ. Không có bảo hiểm sẽ không có nhà tư bản nào dám đầu tư hàng triệu đô la để xây dựng các tòa nhà lớn, bởi một tàn thuốc lá có thể biến một tòa nhà ấy thành tro bụi dễ dàng. Không có bảo hiểm, không có ai dám lái xe hơi qua các con phố. Một người lái xe giỏi vẫn có ý thức rằng, anh ta có thể đâm vào người đi bộ bất cứ lúc nào”.
Hồ Sĩ Sà
Bạn đang xem bài viết:
Sự cần thiết khách quan và tác dụng của Bảo Hiểm
Link https://myhocdaicuong.com/bao-hiem/su-can-thiet-khach-quan-va-tac-dung-cua-bao-hiem.html