Sơ lược lịch sử phát triển của bảo hiểm như thế nào? Làm sao phân biệt đối tượng nghiên của của bảo hiểm với quản trị kinh doanh bảo hiểm?
1. Đối tượng nghiên cứu
Hoạt động của bảo hiểm vừa có tính kinh tế vừa có tính xã hội, vừa mang đặc trưng của ngành dịch vụ. Tính kinh tế biểu hiện qua mối quan hệ giữa người tham gia với quỹ dự trữ (bảo hiểm).
Người tham gia nộp vào quỹ dự trữ dưới hình thức phí bảo hiểm; Người bảo hiểm sử dụng quỹ đó để trợ cấp hoặc bồi thường thiệt hại cho người tham gia, nếu thiệt hại đó thuộc rủi ro bảo hiểm. Mặc khác, người bảo hiểm sử dụng quỹ dự trữ đầu tư phát triển kinh tế xã hội, để tăng tích lũy theo ngân sách,…
Tính xã hội của hoạt động bảo hiểm phản ánh tính cộng đồng, tính nhân đạo của bảo hiểm. Bảo hiểm hoạt động trên nguyên tắc lấy số đông bù số ít. Do đó, bảo hiểm phải thu hút số đông người tham gia, phải thâm nhập vào mọi hoạt động trong nền kinh tế. Tính xã hội còn thể hiện trách nhiệm của xã hội, đối với các thành viên của xã hội, như trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động,…
Bảo hiểm là ngành hoạt động dịch vụ. Sản phẩm của bảo hiểm có những đặc thù riêng. Là ngành dịch vụ, bảo hiểm phải thỏa mãn yêu cầu của mọi thành viên xã hội, mọi đơn vị kinh tế xã hội trong nền kinh tế quốc dân. Điều đó, có nghĩa, ở đâu có nhu cầu chuyển giao rủi ro, ở đó sẽ có bảo hiểm phải xem xét và chấp nhận.
Hoạt động bảo hiểm phát triển trong mối quan hệ ràng buộc, giữa người tham gia với người bảo hiểm (tổ chức bảo hiểm). Trong thực tế, hoạt động này không dừng lại ở người tham gia với người bảo hiểm, mà còn phát triển trong mối quan hệ giữa các tổ chức bảo hiểm với nhau.
Từ đó, có thể xác định đối tượng nghiên cứu của bảo hiểm là các mối quan hệ kinh tế xã hội, giữa người tham gia với các tổ chức bảo hiểm (người bảo hiểm) cũng như quan hệ giữa các tổ chức bảo hiểm với nhau.
Các mối quan hệ được thể hiện thông qua các hợp đồng bảo hiểm và sự cam kết giữa các bên tham gia bảo hiểm (đối với BHTM) hoặc các quy định trong văn bản pháp luật của Nhà nước (đối với BHXH, BHYT) về mức đóng góp phí của bảo hiểm cũng như mức nhận được trợ cấp hay bồi thường của bảo hiểm.
2. Phân biệt đối tượng nghiên cứu của bảo hiểm với quản trị kinh doanh bảo hiểm.
Bảo hiểm là ngành dịch vụ, mang đặc trưng của dịch vụ tài chính thông qua chức năng phân phối theo nguyên tắc Số đông bù số ít. Quá trình hoạt động theo những đặc trưng đó, phát sinh những mối quan hệ như sau:
– Quan hệ trong quá trình huy động phí bảo hiểm của người tham gia để lập quỹ bảo hiểm. Quỹ bảo hiểm càng lớn khi số lượng người tham gia càng đông. Người tham gia là các thành viên trong xã hội, các tổ chức, đơn vị sản xuất kinh doanh (có sức khỏe, tính mạng, tài sản và trách nhiệm dân sự) cần bảo hiểm (đối với bảo hiểm thương mại), là những người lao động và chủ sử dụng lao động (trong BHXH, BHYT, BHTN).
– Quan hệ trong quá trình sử dụng quỹ bảo hiểm. Đó là quá trình phân phối lại thu nhập giữa những người tham gia bảo hiểm. Phân phối lại quỹ bảo hiểm vừa mang tính bồi hoàn, tức ai có tham gia đóng góp vào quỹ, người đó sẽ được phân phối khi có thiệt hại do rủi ro được bảo hiểm gây ra, vừa không mang tính bồi hoàn nếu người tham gia không có thiệt hại, thì không được quỹ bảo hiểm phân phối lại. Phân phối trong bảo hiểm là phân phối không đều, không biết trước về thời gian,…
– Quan hệ giữa các tổ chức bảo hiểm trong quá trình phân tán rủi ro và phân phối lại thu nhập từ phí bảo hiểm,…
Chính những mối quan hệ kể trên, quyết định đối tượng nghiên cứu của bảo hiểm. Bảo hiểm là từ chỉ đặc trưng chung của các hoạt động bảo hiểm trong nền kinh tế, bao gồm: Bảo hiểm xã hội (BHXH); Bảo hiểm y tế (BHYT); Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); Bảo hiểm thương mại (BHTM). Tuy nhiên, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp mang tính xã hội và nhân đạo,… đậm nét hơn, bảo hiểm thương mại mang tính kinh doanh nhiều hơn.
Quản trị kinh doanh bảo hiểm nghiên cứu phương pháp và công nghệ quản lý, vận hành của các công ty bảo hiểm, nhằm đảm bảo cho các công ty hoạt động có hiệu quả. Phương pháp quản trị của công ty bảo hiểm rất phong phú như phương pháp thu hút khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ, phương pháp truyền thông quảng cáo, phương pháp tổ chức và quản lý mạng lưới đại lý, chiếm lĩnh thị trường, mở rộng thị phần,…
Quản trị kinh doanh bảo hiểm cũng cung cấp những kiến thức, công nghệ để công ty quản trị nguồn nhân lực, tài sản, vốn của công ty đúng pháp luật, đạt hiệu quả cao trong kinh doanh,… Quản trị kinh doanh bảo hiểm nghiên cứu phương pháp tổ chức, và quản lý của các công ty bảo hiểm hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm thương mại.
Quản trị kinh doanh bảo hiểm bổ sung kiến thức về quản trị, mà lý thuyết bảo hiểm chưa đề cập, giúp cho sinh viên có kiến thức đầy đủ về bảo hiểm, nhất là bảo hiểm thương mại thuận lợi bước vào đời.
3. Sơ lược lịch sử phát triển của bảo hiểm – Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thương mại.
Bảo hiểm xã hội là nhu cầu tất yếu khách quan của người lao động. Nhu cầu đó đã xuất hiện khá sớm, và phát triển theo quá trình phát triển xã hội. Năm 1883, nước Phổ (nước Cộng Hòa Liên Bang Đức ngày nay) đã ban hành luật bảo hiểm ốm đau đầu tiên trên thế giới, đánh dấu sự ra đời của bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm xã hội đã trở thành một trong những quyền của con người, và được xã hội thừa nhận.
Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hợp Quốc (10/12/1948) đã ghi: “Tất cả mọi người với tư cách là thành viên của xã hội có quyền hưởng bảo hiểm xã hội”. Ngày 4 tháng 6 năm 1952, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đã ký công ước Giơnevơ (công ước số 102) về “Bảo hiểm xã hội cho người lao động” đã khẳng định tất yếu các nước phải tiến hành bảo hiểm xã hội cho người lao động và gia đình họ.
Bảo hiểm xã hội đã có mầm mống dưới thời phong kiến Pháp thuộc. Sau Cách Mạng Tháng 8 năm 1945, Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nay là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, đã ban hành sắc lệnh 29/SL ngày 12/03/1947 thực hiện bảo hiểm ốm đau, tai nạn lao động và hưu trí.
Các chế độ này được thực hiện đối với những người làm việc trong các cơ quan từ cơ sở đến Trung ương. Tuy nhiên, do chiến tranh và khả năng kinh tế có hạn, nên chỉ có một số bộ phận lao động xã hội được hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.
Sau khi hòa bình lặp lại, ngày 27 tháng 12 năm 1961, Nhà nước ban hành Nghị định 128/CP của Chính phủ về “Điều lệ tạm thời thực hiện các chế độ BHXH đối với công nhân viên chức” và được thi hành từ ngày 01/01/1962.
Sau 20 năm, thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân viên chức, các chế độ bảo hiểm xã hội đã bộc lộ nhiều hạn chế. Do đó, ngày 18 tháng 9 năm 1985, Chính phủ (lúc đó là Hội đồng Bộ trưởng) đã ban hành Nghị định 236/HĐBT về việc sửa đổi, bổ sung chính sách và chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động. Nội dung chủ yếu của Nghị định này là điều chỉnh mức đóng và mức hưởng bảo hiểm.
Tuy nhiên, chính sách bảo hiểm xã hội ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều mặt hạn chế, và không phù hợp với cơ chế mới. Vì vậy, ngày 22 tháng 6 năm 1993, Chính phủ đã ban hành Nghị định 43/CP quy định tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội áp dụng cho các thành phần kinh tế, đánh dấu bước đổi mới của bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Tuy vậy, chỉ khi Bộ luật lao động được Quốc hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thông qua vào ngày 15 tháng 6 năm 1994, điều lệ tạm thời về bảo hiểm xã hội theo Nghị định 12/CP của Chính phủ Ban hành ngày 26 tháng 1 năm 1995, và Nghị định 45/CP Ban hành vào ngày 15 tháng 7 năm 1995, cho các đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội là công nhân viên chức và lực lượng vũ trang, bảo hiểm xã hội Việt Nam thực sự đổi mới nội dung, phương thức hoạt động cũng như tổ chức quản lý.
Cùng với sự tăng trưởng kinh tế, đời sống của con người được nâng cao và nhu cầu khám chữa bệnh cũng tăng lên. Để chủ động về tài chính cho khám và chữa bệnh, con người đã sử dụng nhiều biện pháp. Trong đó, có biện pháp bảo hiểm y tế. Vì thế, cuối thế kỷ XIX, bảo hiểm y tế ra đời nhằm giúp đỡ mọi người lao động và gia đình họ ổn định đời sống khi rủi ro ốm đau, bệnh tật xảy ra,…
Bảo hiểm y tế mang tính chất bảo hiểm xã hội, là một trong hai hình thức bảo hiểm sức khỏe được các nước quan tâm phát triển mạnh mẽ. Bảo hiểm y tế Việt Nam được thành lập theo Nghị định số 299/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) vào ngày 15 tháng 8 năm 1992.
Bảo hiểm thương mại là loại hình bảo hiểm có tính kinh doanh xuất hiện khá sớm. Trước công nguyên ở nước Ai Cập, những người thợ đẽo đá đã biết thành lập quỹ tương trợ, để giúp đỡ nạn nhân trong các vụ tai nạn. Từ đó, hoạt động mang tính chất bảo hiểm phát triển dần theo sự phát triển của xã hội loài người.
Những nghiệp vụ bảo hiểm xuất hiện liên tục. Năm 1182, ở miền Bắc nước Italia, xuất hiện bản hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển. Năm 1667, công ty bảo hiểm hỏa hoạn ở Anh xuất hiện. Năm 1759, công ty bảo hiểm Nhân thọ đầu tiên ra đời ở nước Mỹ. Năm 1846, công ty tái bảo hiểm chuyên nghiệp đầu tiên trên thế giới được thành lập ở Đức,…
Có thể nói, các nghiệp vụ bảo hiểm kế tiếp nhau ra đời ở tất cả các nước trên thế giới. Bảo hiểm ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế, nó trở thành nhu cầu của mọi người, mọi đơn vị kinh tế xã hội, là động lực phát triển kinh tế xã hội và có đóng góp xứng đáng vào GDP của mỗi quốc gia hằng năm.
Bảo hiểm thương mại Việt Nam là một loại hình bảo hiểm kinh doanh, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1 năm 1965. Hoạt động bảo hiểm thương mại phát triển không ngừng theo sự phát triển chung của nền kinh tế. Có thể chia thành hai giai đoạn chủ yếu như sau:
– Từ năm 1965 đến 1992, là thời kỳ bảo hiểm độc quyền, duy nhất chỉ có một công ty bảo hiểm, đó là Bảo Việt. Đây cũng là một thời kỳ thử nghiệm, nên số nghiệp vụ chưa nhiều, phí bảo hiểm chưa phản ánh đầy đủ xác suất rủi ro.
– Từ năm 1993 trở lại đây, sau khi có Chỉ thị 100/CP của Chính phủ về kinh doanh bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm ra đời với phương thức tổ chức khác nhau: doanh nghiệp nhà nước (Bảo Việt, Bảo Minh, Công ty tái bảo hiểm quốc gia Vinare,…); doanh nghiệp cổ phần bảo hiểm (Petrolimex, Bảo Long,…); doanh nghiệp bảo hiểm ngành (bảo hiểm dầu khí PVI, bảo hiểm bưu điện,…); doanh nghiệp liên doanh (công ty liên doanh bảo hiểm quốc tế Việt Nam VIA,…).
Có thể nói, thị trường bảo hiểm thương mại Việt Nam đang nở rộ. Thị phần các công ty bảo hiểm trên thị trường Việt Nam trong 3 năm qua đã thay đổi rõ rệt. Tuy nhiên, so với tiềm năng trong tương lai, bảo hiểm thương mại Việt Nam chưa phát triển và chưa đáp ứng đủ của nhu cầu thị trường hiện tại.
Hồ Sĩ Sà
Xem thêm bài viết: Bản chất của bảo hiểm là gì?
Bạn đang xem bài viết:
Đối tượng nghiên cứu của bảo hiểm
Link https://myhocdaicuong.com/bao-hiem/doi-tuong-nghien-cuu-cua-bao-hiem.html