Thứ nhất, xét từ các nhân tố có ảnh hưởng lớn đến Giáo Dục Thẩm Mỹ cho sinh viên thông qua Âm Nhạc Đại Cương ở nước ta hiện nay, chúng tôi thấy nổi lên một vấn đề rất cơ bản nhưng vô cùng quan trọng.
Đó là việc xuất hiện những mâu thuẫn của mối quan hệ giữa phát triển Văn Hóa Nghệ Thuật với tăng trưởng kinh tế ở mức độ ngày càng gay gắt trong đời sống xã hội. Đây là một trong những mối quan hệ rất cơ bản, phản ánh trình độ và chất lượng của sự phát triển bền vững đất nước.
Vì thế, việc xuất hiện những mâu thuẫn trong mối quan hệ này đương nhiên cũng sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình Giáo Dục Thẩm Mỹ cho sinh viên thông qua Âm Nhạc Đại Cương ở nước ta.
Khi mà hiện nay những sản phẩm Âm Nhạc Đại Cương phản ánh cái đẹp – công cụ để tập trung Giáo Dục Thẩm Mỹ cho sinh viên – đang ngày càng thưa thớt, vắng bóng và nhường chỗ cho những sản phẩm âm nhạc mang tính giải trí thuần túy nhằm đáp ứng yếu tố thị trường đang từng ngày, từng giờ xuất hiện tràn lan và khó kiểm soát.
Chúng ta đều biết rằng, vật chất và tinh thần là hai mặt của đời sống xã hội nói chung và đời sống mỗi con người nói riêng, nên, nếu coi kinh tế là nền tảng vật chất của xã hội, đáp ứng nhu cầu vật chất, thì văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, nghệ thuật là bộ phận đặc biệt tinh tế của văn hóa, nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người và xã hội.
Không thể phát triển ổn định và bền vững nếu chỉ chú trọng tăng trưởng kinh tế mà bỏ quên, thậm chí hy sinh các giá trị Văn Hóa Nghệ Thuật chân chính. Sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc là một quá trình nội sinh và có sự chuyển hóa lẫn nhau giữa phát triển Văn Hóa Nghệ Thuật và kinh tế.
Trong đó văn hóa bao trùm tất cả các phương diện của hoạt động xã hội, không chỉ chi phối, tác động mà còn có khả năng quy định sự phát triển của xã hội. Cũng như sự tồn tại của giáo dục, văn hóa xuất hiện từ khi có loài người, có xã hội.
Văn hóa tồn tại khách quan và tác động vào con người sống trong nó. Nếu môi trường tự nhiên là cái nôi đầu tiên nuôi sống con người, thì văn hóa là cái nôi thứ hai giúp con người trở thành “người” theo đúng nghĩa, hoàn thiện con người, hướng con người khát vọng vươn tới chân – thiện – mỹ.
Do đó, một quốc gia nếu chỉ coi tăng trưởng kinh tế là mục tiêu duy nhất thì không những môi trường xã hội bị hủy hoại, xung đột ngày càng gay gắt, sự suy thoái về đạo đức, lối sống, văn hóa ngày càng tăng mà có thể, gần nhất là mục tiêu kinh tế cũng khó đạt được.
Với ý nghĩa đó, khả năng phát triển ổn định và bền vững của một dân tộc không chỉ dựa vào nền tảng vật chất, mà còn cần phải dựa vào nền tảng tinh thần. Đối với sinh viên, văn hóa tạo nên giá trị đạo đức và có vai trò điều chỉnh hành vi.
Khi được giáo dục trong một môi trường văn hóa và thấm nhuần hệ giá trị văn hóa, sinh viên không những hình thành được những hành vi chuẩn mực mà quan trọng hơn là ẩn chứa trong tiềm thức họ là niềm tin nội tâm sâu sắc vào những điều tốt đẹp, từ đó, khao khát cuộc sống hướng thiện và sống có lý tưởng hơn.
Xuất phát từ thực tế, chúng ta không thể phủ nhận một vấn đề là, hiện đang có sự mâu thuẫn lớn giữa một bên là nhu cầu hoạt động Văn Hóa Nghệ Thuật ngày càng cao của sinh viên với một bên là điều kiện kinh tế đầu tư cho văn hóa còn hết sức ngặt nghèo; nguồn lực dành cho quảng bá, giới thiệu tác phẩm văn học, nghệ thuật còn nhiều hạn chế.
Sự mâu thuẫn này dẫn đến một khoảng cách ngày càng rộng giữa cung và cầu, tạo sự bế tắc, không giải quyết được trong việc đáp ứng nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần của sinh viên. Sự thiếu thốn đó nếu không được bù đắp kịp thời sẽ không thể tạo nên những chuẩn mực định hướng rõ ràng, sẽ khiến nhu cầu này phát triển tự phát, lệch lạc, đặc biệt là trong hoạt động Văn Hóa Nghệ Thuật.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, chúng ta đã chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Quá trình xây dựng và phát triển kinh tế đất nước, chúng ta đã nỗ lực tìm kiếm nhiều cơ hội, đạt được những thành tựu to lớn về khoa học, kỹ thuật và công nghệ cùng nhiều lĩnh vực quan trọng khác.
Nhưng chúng ta chưa lường hết được mức độ “cám dỗ” quá lớn của kinh tế thị trường đối với con người để “điều hòa” nó. Điều đó đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới bộ mặt văn hóa – xã hội, để lại những hậu quả khôn lường cho giáo dục nước nhà:
Thực trạng bạo lực học đường đến mức báo động, đạo đức nhà giáo thì xuống cấp nghiêm trọng, tình trạng thiếu công bằng, gian lận trong thi cử, chuyện mua bán các kết quả học tập không còn quá xa lạ, nhiều sinh viên sa vào các tệ nạn xã hội với mức độ nghiêm trọng ngày càng cao,…
Tất cả những điều đó đã gây ra những hệ lụy đáng tiếc cho xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giáo dục nói chung, Giáo Dục Thẩm Mỹ cho sinh viên nói riêng.
Mặt khác, lâu nay giáo dục của chúng ta coi trọng “dạy chữ” mà lơ là việc “dạy người”; coi trọng số lượng hơn là chất lượng. Để tạo ra được một sản phẩm lao động cho xã hội, quả thực là cần đến kiến thức và kỹ năng của sinh viên đã được đào tạo.
Tuy nhiên, vì chạy đua theo sản phẩm, theo số lượng mà chúng ta chưa quan tâm đến phương thức tạo ra sản phẩm đó một cách đầy đủ. Xã hội cần phải nhìn nhận lại, đánh giá lại giá trị sản phẩm đó gồm cả cách thức mà người đó lao động có chân chính không, có vì mục tiêu con người không.
Nói cách khác là cách thức lao động để tạo ra sản phẩm đó có văn hóa hay không. Một nhà sản xuất âm nhạc không thể kiếm lợi nhuận bằng mọi cách mà bất chấp đạo lý; một nhà trường không được coi kinh tế làm mục tiêu hàng đầu; và một người nhạc sĩ lại càng không thể tạo ra tác phẩm âm nhạc cho xã hội một cách phi văn hóa, phản thẩm mỹ.
Đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn nhận lại vấn đề để có những giải pháp giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển Văn Hóa Nghệ Thuật với tăng trưởng kinh tế. Đây là một vấn đề rất phức tạp, nhưng nếu làm được và làm tốt nhiệm vụ này thì cũng có nghĩa là chúng ta đã làm được một việc thiết thực.
Không những góp phần nâng cao chất lượng Giáo Dục Thẩm Mỹ cho sinh viên thông qua Âm Nhạc Đại Cương mà suy rộng ra còn góp phần đưa đất nước ta phát triển toàn diện, đồng bộ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường; hướng tới mục tiêu của phát triển toàn diện, hướng tới con người và vì con người.
Thứ hai, xét từ thực trạng Giáo Dục Thẩm Mỹ cho sinh viên thông qua Âm Nhạc Đại Cương ở nước ta hiện nay, nhất là từ những hạn chế, bất cập đang tồn tại, chúng tôi cho rằng, vấn đề lối sống của sinh viên như thế nào và làm thế nào để xây dựng lối sống đẹp và có ích cho sinh viên đang là những câu hỏi cần giải đáp.
Mặc dù chỉ nhìn nhận từ góc độ văn hóa tinh thần, chúng ta vẫn không khỏi cảm thấy một mối âu lo khi hiện đang có tình trạng lệch lạc thị hiếu, sai lệch trong năng lực cảm thụ thẩm mỹ cũng như sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của giới trẻ nói chung và sinh viên nói riêng, tạo ra những đảo lộn lớn về chuẩn mực giá trị đạo đức và thẩm mỹ trong họ.
Mặt khác, với bối cảnh hiện nay, đặt vấn đề xây dựng lối sống có văn hóa cho sinh viên như thế nào, tạo ra một hệ thống chuẩn mực thẩm mỹ như thế nào để có thể thu hút, hướng dẫn sinh viên hình thành và phát triển quan niệm về cái đẹp, hướng tới hoàn thiện nhân cách văn hóa cho họ thông qua các sản phẩm Âm Nhạc Đại Cương là vấn đề cần thiết.
Giáo Dục Thẩm Mỹ cho sinh viên thông qua Âm Nhạc Đại Cương xét đến cùng là phải giúp sinh viên có nhận thức đúng đắn về cái đẹp trong cuộc sống và nghệ thuật, bao gồm cả những điều đối lập với cái đẹp (cái xấu, cái ác).
Đó là việc bồi dưỡng cho mỗi người một hệ thống những quan điểm, quan niệm có tính chất hoàn thiện về cái đẹp. Qua đó, người được giáo dục biết phân biệt đâu là cái đẹp, đâu là cái chưa đẹp, bản thân biết làm sao để cái đẹp được nhân rộng, làm sao để hạn chế cái xấu, cái ác,…
Nghĩa là, người đó biết khen đúng cái đẹp, biết phê bình đúng cái chưa đẹp, có quan điểm riêng về cái đẹp, không để trào lưu, số đông lôi cuốn, dẫn dắt một cách tùy tiện.
Thông qua các sản phẩm Âm Nhạc Đại Cương phản ánh cái đẹp, cần giáo dục cho sinh viên biết tôn trọng các nền văn hóa, các giá trị khác nhau của xã hội đa dạng, không cảm thấy kỳ thị với các biểu hiện văn hóa khác nhau, không tự ti với bản sắc văn hóa thuộc nhóm thiểu số, không tự đại với một nền văn hóa có nhiều sản phẩm đại diện.
Tuy vậy, nếu nhìn vào thực tế, chúng ta không thể phủ nhận một vấn đề là, các chủ thể tham gia Giáo Dục Thẩm Mỹ cho sinh viên ở nước ta hiện nay chưa thực sự phát huy được hết vai trò và trách nhiệm của mình trong nhiệm vụ Giáo Dục Thẩm Mỹ cho sinh viên, mà có lẽ trước tiên phải nhắc đến trách nhiệm của nhạc sĩ với vai trò là chủ thể sáng tạo thẩm mỹ.
Nếu coi các sản phẩm Âm Nhạc Đại Cương phản ánh cái đẹp là “công cụ” quan trọng để tập trung Giáo Dục Thẩm Mỹ cho sinh viên thì thực tiễn đã chứng minh cái “công cụ” đó còn đang quá yếu và thiếu ở nước ta để có thể đưa sinh viên vào hệ thống định hướng tinh thần xã hội, tạo điều kiện bộc lộ những xu hướng phát triển xã hội tiến bộ.
Sáng tạo âm nhạc là một quá trình lao động đặc biệt của người nhạc sĩ. Đó là quá trình chuyển hóa cái đẹp trong cuộc sống thành cái đẹp trong hình tượng âm nhạc, là sự phản ánh, tái hiện cái đẹp bằng ngôn ngữ của âm nhạc.
Nhạc sĩ sáng tạo ra tác phẩm là để thể hiện tư tưởng và tình cảm của mình, giúp cho con người hiểu được những quan hệ có ý nghĩa muôn màu, muôn vẻ của bản thân và thế giới xung quanh.
Vì vậy, với vai trò là chủ thể sáng tạo, nhạc sĩ phải là những người có các phẩm chất đặc biệt, được biểu hiện qua năng lực tưởng tượng sáng tạo phong phú với một tâm hồn dễ xúc động và nhạy cảm, quan sát cuộc sống một cách tinh tế và được biểu hiện một cách mạnh mẽ nhất, độc đáo nhất thông qua cá tính sáng tạo và phong cách của người nghệ sĩ.
Tất cả những phẩm chất đó tạo nên tài năng nghệ thuật ở người nhạc sĩ. Trong đó, cảm hứng sáng tạo là nhân tố chủ đạo tự nhiên của toàn bộ quá trình sáng tạo âm nhạc, giúp nhạc sĩ tạo nên những tác phẩm âm nhạc có giá trị thẩm mỹ sâu sắc, mà ở đó là sự gửi gắm những tâm tư, tình cảm, ước mơ, khát vọng, lý tưởng thẩm mỹ; thậm chí là cá tính, cách nhìn nhận và lý giải của các nhạc sĩ về hiện thực.
Lúc này, chính người nhạc sĩ đã dùng hình tượng âm nhạc để đưa đến cho người thưởng thức những cảm nhận về hiện thực, qua đó, tác động đến tình cảm và nhận thức của họ, thôi thúc họ đứng về phía cái đẹp để lên án cái xấu.
Đứng trước những hạn chế, bất cập còn tồn tại, người nhạc sĩ hơn bao giờ hết phải tự đặt ra cho mình trách nhiệm sáng tạo ra những tác phẩm âm nhạc không những có nội dung tốt, hình thức đẹp, có giá trị định hướng thẩm mỹ cao, mà còn phải phù hợp “hơi thở” thời đại mà sinh viên đang sinh sống, học tập và lao động.
Đó phải là những tác phẩm đấu tranh, phấn đấu cho cái đẹp và vì cái đẹp, những tác phẩm có khả năng tác động mạnh tới tư tưởng, tình cảm của sinh viên. Chỉ khi đó, nhiệm vụ Giáo Dục Thẩm Mỹ cho sinh viên thông qua Âm Nhạc Đại Cương mới có cơ sở cho sự hình thành những thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh, hướng tới một lý tưởng thẩm mỹ trong sáng.
Bên cạnh đó cũng cần phải đặt ra trách nhiệm của nhà trường, các nhà giáo dục, cũng như tất cả các tổ chức, cá nhân làm công tác Văn Hóa Nghệ Thuật với vai trò là chủ thể định hướng thẩm mỹ cho sinh viên thông qua Âm Nhạc Đại Cương.
Chúng ta biết rằng, Âm Nhạc Đại Cương là các sản phẩm âm nhạc được nhiều người biết đến và yêu thích, nhưng không phải bất cứ sản phẩm âm nhạc nào được nhiều người yêu thích cũng đều đẹp; chúng vẫn có thể chưa đẹp, chưa tốt, thậm chí là xấu độc.
Vì vậy, để cái đẹp trong Âm Nhạc Đại Cương được nhân rộng đến đông đảo sinh viên, vai trò, trách nhiệm của chủ thể định hướng thẩm mỹ là rất quan trọng. Nhiệm vụ của các chủ thể định hướng là thông qua việc đánh giá các sản phẩm Âm Nhạc Đại Cương mà sinh viên thích nghe (cả về nội dung lẫn phương thức biểu hiện), để chỉ ra một cách chính xác những giá trị và phản giá trị của chúng.
Việc đánh giá này không những giúp người cảm thụ là sinh viên có được những nhận thức đúng đắn khi lựa chọn các sản phẩm âm nhạc để thưởng thức, khơi gợi cho họ cảm nhận dễ hơn, trọn vẹn hơn cái đẹp trong âm nhạc; mà còn khích lệ cái hay, nhắc nhở, cảnh báo những cái chưa hay trong sáng tạo nghệ thuật của các chủ thể sáng tạo.
Đồng thời góp phần dự báo, định hướng về sự vận động và phát triển của âm nhạc, cũng như định hướng chung cho những chuẩn mực mới của hoạt động đánh giá tiếp nhận, từ đó, giúp các nhà quản lý có những quyết sách phù hợp với sự phát triển chung của nền âm nhạc quốc gia.
Vì vậy, hơn bao giờ hết, nhà trường phải là tổ chức có “hàm lượng” văn hóa cao nhất; là nơi hội tụ, kết tinh văn hóa để đào tạo ra những chuẩn mực văn hóa cho xã hội.
Trách nhiệm của nhà trường lúc này không chỉ đơn thuần là tổ chức các hoạt động, sự kiện âm nhạc nhằm tạo ra không gian thẩm mỹ cho sinh viên, lựa chọn các tác phẩm âm nhạc phản ánh cái đẹp để giới thiệu đến đông đảo sinh viên, mà còn phải là nơi cung cấp, bồi dưỡng các tri thức thẩm mỹ cho họ.
Để sinh viên có cơ sở nhằm giải quyết tốt nhất mối quan hệ giữa sở thích cá nhân với các chuẩn mực thẩm mỹ xã hội và phù hợp với các điều kiện hiện có của lịch sử dân tộc. Giảng viên phải là người đóng vai trò khơi dậy mạnh mẽ ở sinh viên nhu cầu nhận thức, nhu cầu chiếm lĩnh tri thức thẩm mỹ sâu rộng, rèn luyện cảm xúc thẩm mỹ bền vững và hành vi thẩm mỹ chuẩn mực.
Gia đình phải có trách nhiệm tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ của con em mình; người lớn tuổi có trách nhiệm giáo dục, nêu gương, cùng nhà trường nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục; kịp thời uốn nắn khi con em mình tiếp xúc với những sản phẩm âm nhạc không lành mạnh.
Các nhà nghiên cứu mỹ học cần nghiên cứu một cách toàn diện về mặt lý luận để xây dựng nên một hệ thống tiêu chuẩn đánh giá phù hợp với bản chất phản ánh của âm nhạc trên cơ sở hệ giá trị chân – thiện – mỹ.
Các nhà lý luận và phê bình âm nhạc cần vạch rõ đúng – sai, tốt – xấu, chất lượng nghệ thuật của các tác phẩm âm nhạc, phải làm sao để phê bình âm nhạc thực sự trở thành “con đường rút ngắn khoảng cách giữa công chúng với tác phẩm, tạo chất keo kết nối giữa các mắt xích người viết – người diễn – người nghe”.
Các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý Văn Hóa Nghệ Thuật cần tạo lập đường lối, chính sách phù hợp với lý tưởng thẩm mỹ của chủ nghĩa nhân văn; phù hợp với mục tiêu “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng ta.
Thứ ba, hiện nay, trước những biến đổi ngày càng đa dạng của đời sống xã hội, những thành tựu đạt được trong việc phát huy vai trò của Âm Nhạc Đại Cương đối với Giáo Dục Thẩm Mỹ cho sinh viên còn chưa tương xứng với tầm quan trọng của nó, chưa đủ sức tác động đối với các lĩnh vực của đời sống thẩm mỹ, đặc biệt là hoạt động Giáo Dục Thẩm Mỹ.
Thị hiếu thẩm mỹ, nhu cầu thẩm mỹ của sinh viên khá phức tạp, có một số biểu hiện thiếu lành mạnh, làm giảm tính hiệu quả, vai trò của Âm Nhạc Đại Cương trong hoạt động Giáo Dục Thẩm Mỹ. Tính phức tạp trong nhận thức, thưởng thức, đánh giá và sáng tạo thẩm mỹ của giới trẻ tạo nên những khó khăn, thách thức lớn cho việc Giáo Dục Thẩm Mỹ nói chung.
Trong khi đó, có những quan điểm đang định hình, đang biến đổi, làm cho cuộc đấu tranh giữa cái xấu với cái đẹp, giữa cái cũ với cái mới, cái lạc hậu với cái tiến bộ ngày một gay gắt; việc nhận thức giá trị chân – thiện – mỹ càng đòi hỏi cao hơn.
Dù được xác định là nhân tố quan trọng, cấu thành nội dung Giáo Dục Thẩm Mỹ, nhưng các quan điểm chỉ đạo của Đảng về phát huy sức mạnh của các loại hình nghệ thuật nói chung, Âm Nhạc Đại Cương nói riêng chưa được các cấp, các ngành quán triệt, nhận thức đầy đủ, nên việc triển khai thực hiện còn chưa thực sự nghiêm túc ở một số nơi.
Vai trò của Âm Nhạc Đại Cương phải thể hiện được vị trí của mình trong hoạt động Giáo Dục Thẩm Mỹ; thông qua đó, khẳng định giá trị của mình và góp phần đem lại hiệu quả cho hoạt động Giáo Dục Thẩm Mỹ. Song cho đến nay, Âm Nhạc Đại Cương vẫn còn là một “mảnh đất màu mỡ”, góp phần để cho các “lệch chuẩn” trong xã hội nảy sinh và phát triển.
Các chính sách về thẩm mỹ, nghệ thuật chỉ là một bộ phận nhỏ trong thể chế văn hóa. Nhưng ngay cả đến việc xây dựng “bộ phận nhỏ đó” vẫn còn quá chậm và chưa hoàn thiện.
Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” được ban hành và đi vào cuộc sống đến nay đã hơn 10 năm, nhưng Đề án “Xây dựng chương trình giáo dục thẩm mỹ cho thanh thiếu niên, đặc biệt là học sinh, sinh viên trong các trường học” mà Ban Bí thư Trung ương Đảng yêu cầu ngành Giáo dục triển khai thực hiện vẫn chưa được định hình.
Mặt khác, trong thực tiễn thực hiện các nội dung Giáo Dục Thẩm Mỹ thông qua Âm Nhạc Đại Cương vẫn còn tồn tại tình trạng “gượng ép”, thiếu tính thực tiễn, làm giảm chất lượng và giá trị thực của nghệ thuật âm nhạc nói chung, Âm Nhạc Đại Cương nói riêng.
Bên cạnh đó, lực lượng tuyên truyền, giáo dục ở các vị trí quan trọng, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác Văn Hóa Nghệ Thuật, công tác giáo dục và đào tạo còn hạn chế về trình độ thẩm mỹ.
Việc Mỹ học Mác – Lênin không phải là một môn học bắt buộc, nhất là ở một số trường Đại Học và Cao Đẳng thuộc khối ngành khoa học tự nhiên, đã tạo ra “khoảng trống” trong việc tiếp cận các vấn đề thẩm mỹ, nghệ thuật của một bộ phận rất lớn sinh viên nước ta hiện nay, gây những khó khăn nhất định cho việc phát huy vai trò của Giáo Dục Thẩm Mỹ.
Điển hình chúng ta thấy khá nhiều sinh viên học rất giỏi các môn khoa học lý thuyết nhưng có quan điểm thẩm mỹ cũng như thị hiếu thẩm mỹ, lý tưởng thẩm mỹ khá đơn giản, thậm chí “lệch chuẩn” so với bạn bè đồng trang lứa.
Thực trạng Giáo Dục Thẩm Mỹ thông qua Âm Nhạc Đại Cương ở nước ta thời gian qua đã cho chúng ta thấy rõ, cả Giáo Dục Thẩm Mỹ và Âm Nhạc Đại Cương đều chưa được các nhà quản lý giáo dục quan tâm, “để mắt” tới.
Trong khi đó, vai trò to lớn của Giáo Dục Thẩm Mỹ, của Âm Nhạc Đại Cương đối với quá trình hình thành đời sống tình cảm con người nói chung, sinh viên nói riêng, bồi đắp tâm hồn cao đẹp cho mỗi người là những điều không thể phủ nhận. Đây là một vấn đề lớn cần phải được đặt ra trong mục tiêu giáo dục toàn diện cho sinh viên hiện nay.
Lê Trọng Nin
Xem thêm bài viết: Dự báo tiếp nhận thẩm mỹ âm nhạc đại chúng của sinh viên